điêu khắc

Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

NGAY TRƯỚC MŨI TA

Buổi ăn trưa trong vườn nhà, chúng tôi nói đủ thứ chuyện. Nhân đề tài về những cái hay cái đẹp ngay quanh ta mà ta không biết hưởng, cứ đi tìm mãi đâu đâu... Bạn Nguyễn Thành Út đưa ví dụ một nghê.sĩ tài ba thuộc hàng số một thế giới, vác cây đàn Violin giá bạc triệu đô-la ra đứng đầu đường , kéo suốt buổi chỉ đươc mấy đồng bố thí. Không ai thưởng thức tiêng đàn đắt giá ấy ngay trước mặt. Tôi rất đồng ý, và phát biểu thêm rằng có những người hay, việc hay, ngay trước mũi ta, nhưng ta không nhận biết, có thể vì:
1- Ta quá bận rộn ồn ào và vong thân trong cuộc sống hàng ngày.
2- Ta thiếu tự tin, chỉ tin những gì đã được bảo đảm , công nhận bởi số đông nào đó ...
3- Ta không có đủ tâm lượng.
Tôi sực nhớ bài viết trong blog của anh Hoàng Thạch Quân, nên mạn phép anh đăng lại ở đây để chúng ta suy gẫm cuối năm cọp, đầu năm mèo :



Xem xong The Lives of Others tôi không thể không nghĩ đến bài “Pearls before Breakfast” đăng trên Washington Post Online ngày 8-7-07 – bài viết thành công nhất từ trước đến nay của nhà báo Gene Weingarten. Sau khi bài báo được đăng, tác giả đã nhận được trên một ngàn e-mail từ độc giả khắp nước Mỹ và một số nước khác như Canada, Israel, Pháp, v.v., trong đó có hơn 100 người thú nhận đã khóc khi đọc bài báo của ông. Vậy bài báo đó viết về cái gì và có liên quan gì đến bộ phim The Lives of Others?


Trước hết ta cần hiểu sơ qua về ý nghĩa của tựa đề bài báo. Thông thường, các nhà văn, nhà báo chọn lựa tựa đề cho bài viết hay tác phẩm của họ một cách rất cẩn thận vì (a) họ muốn thu hút sự chú ý của độc giả ngay từ cái nhìn đầu tiên, và (b) họ muốn thâu tóm toàn bộ ý tưởng chính yếu nhất của bài viết qua một vài từ ngắn gọn. Chọn tựa đề cho bài viết vì vậy là cả một nghệ thuật.
“Pearls before breakfast” có nguồn gốc từ câu thành ngữ tiếng Anh “to cast pearls before swine” nhưng đã được tác giả thay đổi đôi chút cho phù hợp với nội dung bài viết. “To cast pearls before swine” có nghĩa đen (thùi lùi) là “ném ngọc trước mặt lũ heo”. Dĩ nhiên, ngọc là vật trang sức đẹp và quí‎ giá, nếu ta đem đặt nó trước mặt đám con cháu họ Trư thì không thể có chút hy vọng chúng sẽ biết thưởng thức. Như vậy, câu thành ngữ tương đương trong tiếng Việt chúng ta là “đàn gảy tai trâu”, hay “đem bông hoa nhài cắm bãi phân trâu”, hay “đem hồng ngâm cho chuột vọc; đem hạt ngọc cho ngâu vầy”. [Thú thiệt, câu cuối tôi lấy từ tự điển tinhvan.com trên mạng chứ tôi cũng chưa từng biết bao giờ!] Hoàn toàn ngẫu nhiên câu thàng ngữ “đàn gảy tai trâu” lại mô tả chính xác nội dung bài báo. Vậy ai đem đàn đi gảy cho trâu nghe? Và ai là trâu ở đây?
“Pearls before breakfast” tường thuật lại một cuộc thử nghiệm được tờ Washing Post tiến hành tại Washington D.C vào lúc 7:51 sáng thứ 6 ngày 12 tháng 1 năm 2007 để trả lời những câu hỏi sau. Cải trang một nhà vĩ cầm danh tiếng nhất thế giới thành một nghệ sĩ đường phố và để nhà vĩ cầm biểu diễn những bản nhạc danh tiếng nhất thế giới trước khu vực nhà ga Metro nơi có hàng ngàn người ra vào mỗi buổi sáng thì chuyện gì sẽ xảy ra? Liệu anh ta có thể thu hút được bao nhiêu người dừng chân thưởng thức tiếng đàn vĩ cầm của mình? Liệu nhà vĩ cầm bậc thầy sẽ nhận được bao nhiêu tiền từ tấm lòng cảm kích của những người qua đường?
Không cần đọc tiếp nhưng dựa vào tựa đề của bài báo bạn chắc cũng có thể đoán được kết quả của cuộc thử nghiệm ra sao. “Pearls before Breakfast” mô tả câu chuyện nhà vĩ cầm danh tiếng Joshua Bell đem tiếng đàn điêu luyện của mình ra gảy cho đôi tai [trâu] của những người dân Washington vào giờ ăn điểm tâm sáng. Quá bận rộn lo lắng cho công việc, những con người bất hạnh này không thể chú tâm dù chỉ là giây lát để lắng nghe đến tiếng đàn vĩ cầm réo rắt và điêu luyện của Bell. Trong suốt 46 phút đứng trước bến xe điện ngầm và biểu diễn 6 bản nhạc cổ điển của những nhà soạn nhạc danh tiếng nhất thế giới–từ Bach cho đến Schubert cho đến Manuel Ponce và Jules Massenet–cho cả thảy 1,097 người đi qua, tổng cộng chỉ có 27 người chậm bước chân để ném tiền vào trong chiếc hộp anh để dưới đất (tổng cộng là $32 và vài đồng tiền lẽ), và có vỏn vẹn đúng 7 người thật sự dừng dân lại để nghe tiếng đàn của Bell trong 1 phút hoặc lâu hơn. Hơn một ngàn người còn lại không chậm bước chân mà thậm chí cũng chẳng buồn ngoái đầu để xem tiếng đàn xuất phát từ đâu ra và ai đang chơi đàn.
Cuộc thử nghiệm trên được tiến hành trước nhà ga L’Enfant Plaza và hầu hết những người sử dụng bến này là nhân viên văn phòng cấp bậc trung của chính phủ. Tức đa số là những người có học vấn và văn hóa. Trong số hơn một ngàn người đi qua, chỉ có duy nhất một người nhận ra Bell là ai. Bà ta dừng lại và đứng nghe Bell biểu diễn cho đến phút cuối. Sau đó khi được phóng viên báo Washington Post hỏi ý kiến, bà cho biết: “It was the most astonishing thing I’ve ever seen in Washington. Joshua Bell was standing there playing at rush hour, and people were not stopping, and not even looking, and some were flipping quarters at him! Quarters! I wouldn’t do that to anybody. I was thinking, Omigosh, what kind of a city do I live in that this could happen?
Có quá nhiều điều bất ổn khi hơn một ngàn người đi qua mà chỉ có vài chục người để ‎ý đến tiếng đàn và người chơi đàn. Trong bài báo tác giả đã cố gắng trung lập hết mức khi đưa ra một vài giả thuyết để giải thích hiện tượng đáng buồn trên.
  1. Bối cảnh đóng vai trò rất quan trọng. Thời điểm và địa điểm cuộc thử nghiệm không phù hợp để thu hút người nghe. Giống như đem một bức danh họa treo trong một quán ăn bình dân và kỳ vọng mọi người chú ‎ đến nó, điều này là hoàn toàn không hợp l‎ý‎‎.
  2. Giả thuyết của Joshua Bell: những người qua đường cố tình không chú ý‎‎‎ nhìn đến anh vì không muốn cảm thấy lương tâm cắn rứt vì đã không cho người nghệ sĩ nghèo chút tiền. Họ không muốn có cảm giác như đang “trấn lột” anh.
Đa số ý‎‎‎ kiến của độc giả gởi cho tác giả bài viết xoay quanh lập luận #1 ở trên. Nghệ thuật cần được thưởng thức đúng nơi, đúng chỗ. Không phải ai cũng rành âm nhạc cổ điển và 7 giờ sáng là thời điểm mọi người đều bận rộn, đầu óc lo lắng, đó không phải là thời điểm phù hợp để làm thí nghiệm. Tuy nhiên, điều mà tác giả bài báo muốn nhấn mạnh không phải là trình độ thưởng thức âm nhạc cổ điển của người dân Mỹ. Điều khiến ông ta cảm thấy thật sự bất ổn qua cuộc thí nghiệm này là dân Washington (hay có thể là đại đa số dân Mỹ nói chung?) không có khả năng mở rộng đôi tai, đôi mắt và tâm hồn để đón nhận những gì thanh tao và đẹp đẽ nhất của cuộc sống.
Sau khi cuộc thử nghiệm kết thúc và ngồi xem lại cuộn băng ghi hình toàn bộ cuộc thí nghiệm, điều băn khoăn duy nhất còn lại của tác giả bài báo không phải là tại sao người qua đường không dừng chân thưởng thức tiếng đàn kỳ diệu của Bell, mà tại sao không mấy ai buồn ngoảnh mặt chú ‎ý đến tiếng đàn. Nói cách khác, câu hỏi đặt ra ở đây là, ngoại trừ một số nhỏ đang nghe nhạc trên máy IPOD hay đang đeo heaphone nói điện thoại, lỗ tai của một ngàn người còn lại có nghe được tiếng đàn của Bell không? Nếu họ có nghe tiếng nhạc, theo lẽ thường tình họ sẽ phải đưa mắt tìm kiếm người chơi đàn. L‎ý do nào họ khiến họ không đưa mắt nhìn Bell? Bell đưa ra lời giải thích của mình ở trên (#2) để l‎‎ý giải. Đáng tiếc là khi phóng viên báo Washington phỏng vấn những người đi ngang qua chỗ Bell đứng, không một ai đưa ra l‎ý do này để giải thích. Tất cả đều cho biết trong đầu họ đang bận tâm lo nghĩ và tính toán cho công việc. Chỉ còn một kết luận hợp lý cuối cùng: dân Washington quá bận tâm đến công việc, quá lo toan bận rộn đến các chi tiết cuộc sống cá nhân, quá chú trọng đến thế giới nội tâm bên trong đến mức không hề quan tâm đến những gì xảy ra xung quanh.
Nếu ta giả sử Bell đi sang một quốc gia nào đó ở Phi Châu nơi đang xảy ra một cuộc nội chiến đẫm máu và đứng gảy đàn tại một địa điểm đẫm máu nhất, xung quanh là đạn bay, bom nổ và hàng chục xác chết nằm la liệt thì ta có thể hiểu được nếu không một ai vây lại quanh anh để nghe tiếng đàn. Bản năng sinh tồn mạnh hơn bản năng hướng đến nghệ thuật. Nỗi sợ hãi trước cái chết ngăn không cho bước chân của con người tìm đến nghệ thuật. Nhưng ở Washington D.C không có bom, đạn và xác chết – xác ướp chắc cũng không có trong các viện bảo tàng ở Washington– vậy thì cái gì mạnh hơn nỗi sợ cái chết khiến người dân Washington không thể dừng chân hay ngoảnh đầu đón nhận thứ âm nhạc tinh tuý và kỳ diệu nhất của nhân loại? Họ còn sống hay là họ đã chết? Hay chính xác hơn là tâm hồn họ còn thức tỉnh hãy đã chết? Họ là những cái xác vô hồn, những bóng ma vật vờ trên đường phố?
Theo bộ phim The Lives of Others người chưa đánh mất hết lương tri và còn có thể cứu vãn là người vẫn còn quan tâm và biết xúc động trước cái đẹp của nghệ thuật và âm nhạc. Âm nhạc và nghệ thuật có khả năng đánh thức và cứu chữa những tâm hồn đui mù, què quặt vì đặc tính vĩnh cửu của nó, vượt qua biên giới của sự sống và cái chết (biên giới thời gian) và vượt qua tất cả những biên giới ràng buộc của thế giới vật chất (biên giới của không gian). Nếu như đang sống một cuộc sống vật chất đầy đủ nhất và văn minh nhất nhưng lại không có khả năng để lắng nghe (khoan nói đến chuyện thưởng thức) thứ âm nhạc kỳ diệu nhất được biểu diễn bởi một trong những tay đàn kỳ diệu nhất trên hành tinh, vậy ta sống vì cái gì? Ta đang theo đuổi những giá trị gì? Khái niệm chân, thiện, mỹ có còn chỗ đứng trong cuộc sống của ta? Có biết ta đang đâm đầu về đâu và đang trở thành cái gì?

Hoàng Thạch Quân  2007

Không có nhận xét nào: