điêu khắc

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

chỉ là một giấc mơ




bỏ lại cho tôi cả một trái đất 
chỉ có cát đá và bầu trời trống rỗng
bỗng dưng tôi trở thành người đàn ông không có bóng
mỗi ngày tôi đóng khố ra tưới nước và nhìn mặt trời
những đêm trăng tôi đóng khố nhìn  trăng
những đêm không trăng tôi không đóng khố nhìn mình
tôi khẽ hát một điệu nhạc tây ban nha, hút sì gà cuba, và uống rượu tequila
tất cả mọi giải pháp đều không 
biến tôi chỉ là một giấc mơ
hờ hững lướt qua thực và mộng như một đóng đanh chờ cứu chuộc
tôi buộc vào cổ tay mảnh lá chuối và tự giắt mình bỏ vào rừng

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

sợi thời gian




đừng bỏ trái tim vào tủ lạnh
để tự nhiên khi héo khi tươi
tôi bắt gặp mười mươi lúc trái tim không ngủ
sợi thời gian kéo mỏng mòng mong
sợi thời gian vòng trái đất không tính được bằng giây
mà đây đấy xa nhau đã không tính được thành giờ
ly rượu đỏ lững lờ như máu đọng
ngọn nến đời khe khẽ thở như mơ
mùa hạ đến bất ngờ như hỏa táng sáng tinh mơ
ta chờ đốt giùm ta bài thơ vô sở tự

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

se chữ


một đám mây trắng đặc giữa trời xanh mùa hạ
mây nở loang loáng rồi từ từ tan biến vào không hư
không ứa lệ
đừng ứa lệ
tôi se những con chữ thành sợi tơ ướt mượt
sợi tơ vương trên mi trên mũi trên môi nhồn  nhột
đột ngột có tiếng nhạc theo sóng theo gió vọng về
tôi se những con chữ thành giây đu qua vực
thực và mơ  không có thực và không thực có
tôi ngó trời nghiêng ngả trả về tây
về và đi
a di đà phật

Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Cao Bá Quát: ngày sinh của thi sĩ




Ta không có tài liệu gì về bản án chữa văn của Cao Bá Quát. Hoặc có mà chưa tìm được? Hoặc tìm được mà chưa công bố? Hoặc công bố mà chúng tôi không được đọc? Cho nên muốn tìm trong thơ. Nhưng thơ ông cũng chưa công bố đủ. Những bài hiện có rất ít khi thấy nói về sự vụ ấy. Trong bài Hý Tặng Phan Sinh, chỉ cho biết rất mù mờ. Phan Sinh tức Phan Nhạ, người cùng coi thi, cùng can án với Cao Bá Quát. Bài này ông tự có lời dẫn:”Ông Trương Quốc Dụng thường đùa, đem tên tôi với tên Phan Sinh chiết tự ra, nghe cũng hay. Mỗi lần đọc thơ Tô Đông Pha, chợt nhớ đến tôi lại phì cười.” Tô Đông Pha là nhà thơ Trung Hoa, đời Tống. Năm 1078, Tô bị sàm tấu phải ngồi tù. Lẽ ra cũng bị tử hình, nhưng vua Thần Tông đặc miễn, lại cho em Tô là Tử Do đổi quan chức chuộc tội cho anh. Rồi Tô bị đổi đi Hàng Châu. Thơ ở Hàng Châu có câu:
Tự tiếu bình sinh vị khẩu mang
Lão lai sự nghiệp chuyển hoang đường.
(tự cười mình thường để bị vạ miệng
Đã già mà sự nghiệp càng hoang đường.)
Cao bá Quát viết:
Bình sinh vị khẩu lãng thành chân
Tiếu dữ Pha ông thoại hậu thân
Ông muốn nói rằng ở đời thường hay bị vạ miệng, đùa hóa thật. Ông chỉ buồn cười vì câu chuyện chiết tự, về cái trường hợp của ông như là hậu thân của Tô Đông Pha. Nghĩa là ông cũng bị sàm tấu, gièm pha mà chịu tù đày. Cái lối hoán chuyển và chơi chữ của ông đã là một nụ cười. Nụ cười rất mực trượng phu chữ nghĩa. Ông viết tiếp: “nếu anh không hé răng thì ai kiện được tôi? Tôi tuy có lưỡi, mà lưỡi tôi không đổ cho người. Nhớ xưa hai ta là bạn đồng lòng, tình thơm sạch như cỏ chi cỏ lan. Bây giờ trớ trêu thay, trong cơn mưa gió phong ba cuộc đời, ta lại ở chung một nơi: nhà giam! Thân ta bị ràng buộc chẳng qua giữa thân và vật đã có lời cưu mang, có liên hệ mật thiết với nhau. Vì thế mà tuổi trẻ đã từng biết đường đời, trải mùi đời.”

HÝ TẶNG PHAN SINH
Bình sinh vị khẩu lãng thành chân
Tiếu dữ Pha ông thoại hậu thân
Tử cấu vô nha thùy tốc ngã
Dư duy hữu thiệt khởi thôi nhân
Chi lan nhất ức đồng tâm lữ
Phong vũ thiên giao nhất xứ thân
Cơ bạn thử thân câu hệ vật
Thiếu niên đoan đích lược tri tân

ĐÙA TẶNG PHAN SINH
Đùa hóa thật vẫn thường vạ miệng
Chỉ tức cười duyên nghiệp ông Tô
Lưỡi ta không đổ cho người
Mà người hở miệng để người kiện ta
Tình bạn cũ xem ra thơm tốt
Gió mưa này cùng nhốt một nơi
Nạn tù thân phận cuộc đời
Tuổi xuân đã trải bến bờ cuộc đi

Câu “thiếu niên đoan đích lược tri tân”(tuổi trẻ nhưng đích thực đường đời đã trải qua nhiều bờ bến) Cao Bá Quát làm để nhấn mạnh câu của Tô Đông Pha:”thử sinh hà chỉ lược tri tân”(đời ta đâu hẳn chỉ để biết qua những bến bờ.). Thơ ông thật không hề có sự mỉa mai cay đắng, dù đời ông chịu bao nỗi đắng cay mai mỉa. Ông không hề tỏ ra oán hận đời và người. Ngay Phan Nhạ, một người từng là bạn thân, đã đồng ý với ông trong việc dùng muội đèn chữa cho 24 quyển văn, không vì lợi mà vì lòng lân tài. Đến khi được hỏi, Phan đã không kín miệng, hoặc bị thẩm vấn gắt; Phan đã khai đổ hết tội cho Cao. Ông biết thế mà chỉ cười trong bóng tối xà lim. Sự trách móc Phan rất nhẹ, trong thơ như một câu đùa. Phải chăng, ngoài tấm lòng thành thật, ông còn gắn bó với quan niệm nhân sinh của chính ông: cơ bạn thử thân câu hệ vật (thân này bị nạn chỉ vì mối quan hệ ràng buộc với nhân sinh). Ông xem thế giới bên ngoài, và thân phận cá nhân có sự cưu mang gắn bó. Đã vào đời thì thân tâm phải mở rộng (xả kỷ). Quan niệm này cũng thường thấy trong Phật giáo. Cao Bá Quát còn đem giòng máu nghệ sĩ vào xiển dương và thể hiên như một bài hùng thi ngào ngạt mùi người.
Lòng đi góp gió sương mù
Lòng xin lửa tuyết đắp bù khói hoa
(thơ Bùi Giáng)
Đắp bù khói hoa là đền bù những sai biệt bất công trong xã hội, trong cả sự bất toàn của con tạo búng tay. Đây không phải là cơn say điên dại, mà là tâm tình thương yêu và tỉnh thức; là đại nguyện của Duy Ma Cật, là trách nhiệm của kẻ sĩ. Cho nên đứng trước một biến cố, Cao Bá Quát rất bình tĩnh, cho dù biến cố ấy có thể đưa đến chỗ khốc liệt: tử hình! Ông đã đau đớn trong biến cố, run sợ trong biến cố, và tự tại trong biến cố. Bởi Cao Bá Quát không những đứng được trên biến cố, mà còn vượt qua biến cố. Ta đã thấy thơ ông viết trong tù. Có lẽ ông đã bùng vỡ tri thức về con người. Nếu ông phẫn nộ, là phẫn nộ về thân phận con người. Và tố cáo ngấm ngầm về sự bất toàn của tạo hóa. Ông nhắc đến trời như một tay thợ vụng, một kẻ bất lực. Trong thơ, ta bắt gặp rất nhiều ánh mắt liếc nhanh, hay lờ đi khi nói tới trời. Cho nên ông chủ trương người đùm bọc người, người cưu mang vật, người trách nhiệm chính mình.
Bài Hàn Dạ Tức Sự, vẫn trong thời gian lao ngục, vào mùa đông lạnh lẽo, ông nằm không ngủ được. Gió quẩn trong gối buồn. Hơi lạnh luồn trong xương. Ông lấy chăn chiếu cho chú nô bộc, và bạn tù đắp thêm. Lòng nhớ nhà giằng giặc. Đêm càng khuya càng thấm thía. Vụ án sẽ kéo dài sang năm khác. Ông tự bảo, đừng nghĩ ngợi lan man làm gì. Có lúc ông khoa tay toan viết lên không, rồi lại cười trừ vì không quen viết như thế. Đó là ông nhắc đến chuyện Ấn Hạo đời Tống, làm quan bị cách vô cớ, viết cả ngày lên không bốn chữ: “đốt đốt quái sự!” (cha chả chuyện lạ!). Ông không viết, bởi vì Ấn Hạo đã viết, hay vì ông đã biết thì cũng thế thôi. Cái cười của ông lạ biết bao. Tại sao lại đừng nghĩ, đừng viết?

HÀN DẠ TỨC SỰ
Hồi phong xuy quyện chẩm
Sóc khí bội thê nhiên
Xuyết tịch giao nô phú
Phân khâm tá khách mien
Hương sầu duy phạm dạ
Thân sự dục qua niên
Mạc tác du du tưởng
Thu không tiếu vị biền

ĐÊM LẠNH TỨC SỰ
Quẩn đầu giường gió hiu hắt thổi
Quạnh hơi đông lạnh đổ ruột gan
Đem chăn lấy chiếu sẻ san
Thêm hồng giác ngủ trần gian cho người
Nỗi nhớ nhà chập chờn khuya khoắt
Nghiệp thân tù phải chắc qua năm
Thôi đừng nghĩ ngợi băn khoăn
Khoa tay toan viết lại dằn cười khan

Trong bài Tội Định, Cao Bá Quát ghi lại tâm cảnh của một người tù đã can án. Ta không chắc bài này ông làm khi bị khép tội tử hình, hay khi đã được giảm thành giảo giam hậu. Ông viết: tội đã định rồi, thì tấm thân này còn dung làm gì được nữa. Hỡi ơi, tài hèn đức mỏng mới ra nông nỗi ngặt ngèo bây giờ. Mỗi trường hợp, mỗi cảnh giới đều được tạo hóa dựng ra mà không giải quyết. Thôi cũng yên tâm là từ nay thoát khỏi những vụ tra khảo đánh đập vô lý. Con thỏ tinh khôn cũng biết đào ba hang khỉ luồn nhau để tránh nạn săn đuổi mà tự tồn; thì con chim chích cũng không đậu một cành để bị giết. Những người quen biết quyến thuộc đến hỏi thăm ta. Ta biết nói gì. Chỉ biết chống tay vào cằm ngồi yên lặng ngâm nga.

TỘI ĐỊNH
Tội định thân hà dụng
Tài sơ ngộ độc kỳ
Đào chân tri hữu tại
Chủy sơ hạnh sở từ
Giảo thỏ năng tam quật
Tiêu liêu khởi nhất chi
Sở thân kinh vấn tấn
Ngâm tọa thủ chi di

ĐỊNH TỘI
Định tội rồi thân ra gì nữa
Tài đức sơ kẹt giữa gông cùm
Chắc chi con tạo làm giùm
Cũng hên hết bị lùm đùm khảo tra
Con thỏ khôn đào ba hang khỉ
Kiếp chim di nào chỉ một cành
Thân bằng sợ hãi hỏi quanh
Chống cằm lặng lẽ ngâm nga một mình

Trong bài ca trù Nghĩ Tiếc Cho Ai, Cao Bá Quát có câu:
Ngã diệc tri phi ninh tác ngã
Nhan vô bất thị thả khan nhân
(ta biết ta trái, nhưng ta thà là ta
Người ai cũng phải, hãy đợi xem người.)
Thật là một câu khảng khái của một  nhân vật gặp nhiều vận trái ngang giữa một thời tang thương ngẫu lục. Câu nói ấy bỗng đồng vọng câu nói của Khuất Nguyên:”đời đục mình ta trong; đời say mình ta tỉnh”. Cao Bá Quát thường nhắc đến chữ thị phi, và mong mỏi thấy sự thị phi được phi thị.
Sử sách không ghi ngày sinh của Cao Bá Quát. Người ta căn cứ và lý luận trên văn thơ của ông để phỏng đoán ông sinh vào khoảng năm 1809 (kỷ tỵ). Tức là lúc ông bị khép tội vừa đúng tuổi 33.(1842), nhưng hình như những con số đó không hề làm ông bận tâm. Điều ông bận tâm là sinh ra để làm gì, và để về đâu? Tạo hóa có ý gì khi sinh ra con người? Tại sao đã là người lại bị từ chối làm người? Ông sinh ra, đã lớn lên, đã sống, đã hành xử như một con người. Nhưng bây giờ bị tước đoạt tất cả quyền sống ấy. Và rồi ông phủ nhận sự tước đoạt ấy bằng cách lại sinh ra. Có lẽ tự ông sinh ra ông, không phải cái lão tạo hóa ; thì từ nay ông có quyền tuyệt đối về bản thể và tâm thể của ông. Đó là lý do chính đáng chăng khi ông viết lời tựa cho bài Cửu Nhật Chiêu Khách: Ta bị tống giam năm ngoái, ngay hôm sau là ngày trùng cửu (mồng 9 tháng 9). Nay đúng ngày tháng đó, thấy đời mình nếu may không chết, thì cũng không còn là mình ngày trước. Dù muốn lên cao tìm may cũng không được. Nên rót rượu mời tám chín người bạn chung quanh tuyên bố:” Đây là tiệc sinh nhật kiếp này của Mẫn Hiên!”. Ai cũng ngạc nhiên hỏi; ta kể đầu đuôi rồi làm bài thơ này. (Dư khứ niên đại bộ chi thứ nhật, cấp đương trùng cửu. Nhật nguyệt y thời, viên cảm ngã sinh, cẩu hạnh bất tử, dĩ phi cố ngã, nhi đăng cao chi du, liêu bất khả đắc, nãi trường lân hữu bát cửu tử nhi cáo chi viết:”Thử Mẫn Hiên tử kim sinh sơ độ chi tịch dã!” Tọa giả dị nhi vấn chi, viên thuật kỳ do, thả hữu thử phú.) Thơ ông kể lại chuyện lao tù. Thấm thoát thu trước đã thu sau sắp hết. Mượn ngày trùng cửu (9-9) ta rót rượu mời. Ngày lành tháng tốt không ai giễu người mất mũ rơi khăn. Chỉ thử ông tiên nhỏ có chịu vác roi nhận lỗi hay không. Nhìn khách trong tiệc  đều chính là bọn ta. Mà người nhiều tuổi nhất, lại chính là nhỏ nhất. Tiệc khác, lúc khác, không có cuộc hội họp thế này. Thật là cuộc hội lạ lùng tuyệt diệu. Ta mới ghi lại.
CỬU NHẬT CHIÊU KHÁCH
Cơ thê hựu kiến miểu thu thiên
Tiếu bả trùng dương trước túy diên
Lạc mạo thùy thư tân lệnh tiết
Phu kinh sơ thí tiểu ngoan tiên
Nhãn trung khách tử chân ngô bối
Tọa lý tiên sinh chính thiếu niên
Tha tịch tha thời vô thữ hội
Thắng du kỳ tuyệt ngã tư biên

MỜI KHÁCH NGÀY SINH NHẬT
Cảnh tù ngục cuối thu lại đến
Tết trùng dương rượu nến vài tua
Ngày lành rơi mũ chẳng đùa
Thử anh tiên bướng vác bừa chừa chưa
Cùng một tiệc một thuyền một hội
Bậc cao niên bỗng vội thấp niên
Tiệc này rõ thật tiệc tiên
Không bao giờ có phải biên việc này.

Ông tự nhận mình là người lớn tuổi nhất, nhưng bây giờ lại thành trẻ tuổi nhất. Vụ án đã đổi từ xử trảm xuống còn giảo giam hậu, và ngày tống giam chờ lệnh lại trùng vào ngày tết trùng dương hôm sau. Tức ông sinh ngày 9 tháng 9 năm nhâm dần 1842! Đây không phải là chuyện đùa chơi. Hỡi ơi, ngày sinh của thi sĩ chính là ngày tái tạo cuộc tồn sinh trên mép rìa sinh tử.

Giã từ ổ chín tầng cao
Con chim vĩnh biệt quên chào mái hiên
(thơ Bùi Giáng)


tường vũ anh thy 1982 (trích Cao Bá Quát: Giữa Hồn Thiêng Sông Núi, Ức Trai xuất bản 1985 )