điêu khắc

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

ngụm rượu chiều tháng tư







sóng dọc
cỏ mu rùa
hang sâu về đến biển
trang điểm nhiều hạt châu
mưa ngang rả rich
ngụm rượu chiều tháng tư
đứng ở bên lề thế gian
mưa căng phổi
thổi bay những mảnh đời
nổi trôi ngoài giới hạn




Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

mời đọc lại

dấu chấm của cuộc chiến : 30-4-1975

. truyện ngắn


Tôi đi bên cạnh người đại tá. Con đường vắng, đầy hoa lá. Rừng núi Santa Cruz tràn ngập mùi ngái nồng của thiên nhiên đang bật nở. Gió xuân lành lạnh, dù nắng rất huy hoàng ở trên cao.
Chúng tôi ăn mặc chỉnh tề, đủ ấm, và đều đội mũ. Tôi bỏ hai tay trong túi, lững thững. Người đại tá bâng quơ ngắt những đóa hoa bên đường. Dường như mỗi đóa hoa ông đều đưa lên ngửi rất tận tình. Trong con-mắt-không-còn-trong của ông là một nỗi đắm đuối. Gờn gợn như những nếp nhăn ở hai bên thái dương.
-         Không hiểu sao tôi bỗng nhớ mấy đứa cháu quá anh ạ.
Tiếng ông trầm như lôi tôi về một thời rất xa ở miền Bắc. Tôi cũng ngắt một nụ hoa. Không ngửi. Chỉ nhìn rất sâu vào cánh và nhị. Tôi nói vu vơ đáp lời ông:
-         Trẻ con mới thật là những nụ hoa.
-         Thế còn đàn bà? Ông hỏi đùa.
-         Đàn bà là những cái lá. Tôi cười lớn.
Ông cười theo. Tôi nghe được tiếng vang của giọng cười tôi lớn quá, át cả tiếng cười rất ấm của ông. Tôi vội ngậm. Ngượng ngùng. Chúng tôi dừng bước giữa khoảng trời đất quang đãng. Cỏ xanh mời chúng tôi ngồi xuống. Đã quá trưa, sắp chiều. Tôi nói như ngâm nga:
-         Chẳng phải hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Ông ngả lưng trên cỏ. Co cánh tay làm gối. Nắng không chói nên mắt ông mở lớn. Khuôn mặt thư giãn. Tôi ngồi gần quá nên nhìn được những đường rãnh li ti chằng chịt trên da mặt ông. Mũi bầu bĩnh. Lông bên trong sợi nâu sợi trắng. Nhân trung sâu dài vừa phải. Cánh môi không đỏ. Nếu ông để râu thì sẽ thưa và không đẹp. Chân râu lấp lánh. Chắc ông sẽ thọ lắm. Trong một thoáng, tôi nghe được cả người ông đang thở hoang mang. Và một mùi vị lạ lùng, vừa thân vừa sơ. Mùi ấy từ thân thể ông thoang thoảng tỏa ra. Mùi của rừng, của núi, của đồng đất. Cộng với mùi rơm rạ củi gỗ pha lẫn nắng mưa. Hốt nhiên cả cánh đồng Miên-Việt ùa về theo ký ức. Đại đội chia làm ba, tiến vào một ngôi làng. Tiếng súng nổ chát chúa. Tôi không thấy khói. Chỉ ngửi thấy mùi chiến tranh. Người lính bên tôi kêu rú. Và ngã chúi. Máu vọt ra rất nhanh. Trong nhấp nháy đã đỏ thắm đầu và mặt hắn. Màng óc tôi như ống kính ghi chụp rất rõ khuôn mặt mếu máo máu đỏ. Màu da tái xanh rồi tím ngắt. Và điều không thể ngờ là, ngay lúc đó, dù tim tôi đang đập loạn, dù tai mắt tôi đang căng cứng đối phó với sự chết lảng vảng, tôi vẫn nghĩ đến câu thơ của Đoàn Phú Tứ màu thời gian không xanh, màu thời gian tím ngắt. Và gật gù một mình. Tôi kinh dị nhìn tôi. Nhìn xác thân người lính đang được tải đi. Nhìn đồng đội từng khuôn mặt lấp ló màu tím đang nghiêm trọng tiến quân. Cỏ cao gần thắt lưng. Rừng lá xanh khô khốc. Nắng đổ trên thân thể nhớp nháp mồ hôi. Hình như tôi đang mất rất nhiều cảm giác…
-         Trời thế này thì nhớ nhà thật.
Giọng ấm áp của người đại tá kéo giật tôi. Vang trong tiếng ông là những tiếng động thầm thì của dĩ vãng. Tôi hỏi:
-         Bây giờ, ở đây, anh nhớ nhất cái gì ?
-         Nhớ nhất vẫn là mấy đứa cháu.
Ông khẽ đáp, cả bằng ánh mắt nhìn trời. Tay ông đang giữ một bó hoa dại. Người đại tá ấy từng xông pha nhiều mặt trận. Là phóng viên chiến trường, tình cờ tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ông thành đại diện chính phủ Hà Nội tiếp thu Sài Gòn.
Buổi tối hôm ấy gia đình tôi vừa tới đảo Guam. Không khí hoang mang hoảng hốt của những người di tản làm cái đảo này như đang bị luộc trong nước sôi của biển. Chúng tôi chụm đầu nghe radio tin tức quê nhà. Đến khi đài BBC loan: “…một tấm bia vừa dựng lên: Nơi An Nghỉ của chế độ Cộng Hòa sau 20 năm chiến đấu” thì hàng loạt tiếng khóc nấc vang lên. Sự thật lúc ấy muốn không khóc cũng không được. Nước mắt chan chứa, cứ cuồn cuộn tuôn ra…
-         Còn anh ? Anh nhớ gì ở quê nhà ?
Tiếng ông lại kéo giật tôi lần nữa. Nhưng lần này tôi nổi giận. Tôi toan nói mấy câu gắt gỏng khó chịu. Tiếng quạt động cơ rít lên gầm gừ. Chiếc trực thăng bốc chúng tôi lên thẳng trên cao. Tôi nhìn xuống Sài Gòn đang nhỏ bé dần trong nước mắt. Một tiếng kêu thất lạc ngoài đời hay trong tim khiến tôi nức nở.Cố gắng cười. Rồi tôi thấp giọng hỏi ông:
-         Chắc anh chẳng quên được cái ngày đầu tiên theo xe tăng húc sập cổng Dinh Độc Lập ? Thế lúc ấy anh có cảm giác gì? Anh có thể nhớ mà tả thực cho tôi nghe được không ?
Ông nghiêng mình nhìn tôi rồi lại ngả ra nhìn trời. Mắt ông nhắm lại. Tôi ngại gây tiếng động nên ngồi yên. Rất yên. Chờ đợi.
Tôi và ba người lính ngồi rất yên dưới hố đất thấp ven rừng. Rừng lá vẫn khô khan. Không gió. Những khẩu súng cũng rất yên. Chờ đợi. Lệnh của Đại Bàng. Nhưng bụng chúng tôi không yên. Nó réo lên vì đói. Một người ra mật hiệu sẽ nấu cơm. Hắn lúi húi bỏ gạo vào nón sắt. Tốn cả bi-đông nước mới đủ nấu. Tất cả không gây tiếng động. Trời và rừng vẫn im phăng phắc. Ba người chúng tôi ôm súng canh chừng. Lâu lắm. Tôi liếc thấy hắn nếm mấy hạt cơm. Mùi cơm thơm kỳ lạ, làm tỉnh mọi giác quan. Khuôn mặt hắn đỏ hồng và mếu máo vì khói lửa. Hắn vừa buột miệng: “chín rồi!” vừa bê nón sắt cơm đứng lên. Đoàng một cái! Tiếng nổ chát chúa bàng hoàng! Tiếng kêu nấc của hắn rất ngắn. Lập tức máu ứa loang trên mặt. Tràn vào nón sắt cơm còn ghì ôm trên ngực. Màu cơm trắng. Màu nón sắt xanh cứt ngựa. Màu đỏ máu tía. Cùng với hơi khói mờ đục tỏa bay. Trong hầm đất thấp. Giữa rừng khô thưa lá. Và tôi kịp nhận ra đàn kiến vẫn lặng lẽ đi thành hàng...
Đàn kiến dẫn tôi đến một ngôi làng heo hút. Chúng tôi đã trút vào làng không biết cơ man nào là đạn, lựu đạn, M79…Đến khi thận trọng tiến vào làng thì không thấy gì ngoài những đám cháy nhỏ rải rác. Không cả chó gà…Và bất ngờ ở một hầm đất tránh bom chúng tôi nghe được tiếng người vọng lên. Lập tức đám lính chĩa súng vào miệng hầm, tay cầm lựu đạn quát:” Ra ngay! Không thì chết!”Dưới hầm im lặng. Tôi len đến gần. Lính lại quát:’ Ra ngay! Một lần nữa: Ra ngay! Chúng tao bắn này!” Vẫn im lặng. Họ toan bắn. Tôi cản, và quên cả thận trọng cơ bản, ghé sát miệng hầm nói từ tốn:” Các người nên ra vì nếu không sẽ chết hết. Vì lựu đạn sẽ ném xuống. Không còn cách nào khác đâu. Ra là sống!” Im lặng. Rồi rất từ từ, chúng tôi thấy người chui ra. Lần lượt. Toàn trẻ em, phụ nữ, một ông già, tất cả đến tám mạng! Họ đều run rẩy, hoang mang ngơ ngác! Tôi không dám nhìn họ lâu. Suýt nữa, chúng tôi chỉ là những kẻ giết người !
-         Thực tình thì bấy giờ mình rất đói, và rất khát.
Giọng ông chùng và thân mật. Tôi vội thu ánh mắt miên man. Thật sự nhìn ông. Ông nói tiếp:
-         Anh bảo, mấy ngày đi bộ dài như thế. Mệt lắm chứ!
Tiếng “chứ” kéo dài và hắt cao. Nửa như phân trần. Tôi tần ngần nhìn cây cỏ. Con người ấy, mươi năm trước tôi thấy trên kênh truyền hình PBS trả lời những câu phỏng vấn; loạt Toàn Bộ Cuộc Chiến Tranh Việt Nam của Stanley Karnow. Chiếc xe tăng lừng lững húc đổ cổng Dinh Độc Lập Sài Gòn. Còn trong vụ Thiên An Môn 1989 ở Trung Hoa, chiếc xe tăng bị một thanh niên đứng cản. Hai hình ảnh cùng xuất hiện trong màng óc tôi.
Đại đội đi theo sát những chiếc xe tăng. Bánh xích sắt nghiến nát mặt đất. Cỏ khoai ngô sắn bắn tung tóe. Tầm đạn AK khi cao khi thấp vẫn trả lời loạng choạng. Tôi thấy bóng người thấp thoáng ở rất xa. Lập tức hàng loạt đạn M16 tuôn nổ như bắp rang. Một chiếc tăng gầm rú phóng lên như trâu điên. Những bụi tre gai quằn quại đổ. Đất đỏ quắn lại như những mảnh thịt vụn. Nhưng rốt cuộc chúng tôi không tìm thấy một vệt máu nào.
Chống tay ngồi dậy, gió núi lùa theo bao nhiêu mùi hoa lá, người đại tá  khều tay tôi, giọng tâm sự:
-         Anh biết không. Khi vào đến cổng Dinh Độc Lập tôi mới thấy rằng mình đã quá mệt. Mặc kệ hết! Tôi nằm bừa xuống cỏ. Ngửa nhìn trời. Qua tàng lá me hay phượng vĩ gì đó, tôi thấy trời xanh lơ. Và những cụm mây trắng lững lờ. Trong đầu tôi chỉ có một ý tưởng là :“ À! Chiến tranh đã chấm dứt!” Anh không thể nào hiểu được chúng tôi lúc đó. Chiến tranh đã chấm dứt!!! Nghĩa là…từ đây…chúng tôi sẽ…không còn đói khát – cực khổ - và…day dứt !
Khuôn mặt ông biểu lộ sự thành thực trong khi nói. Tôi nhìn và tôi tin. Chúng tôi từng đi bộ. Ba lô, đạn dược, và ngay cả trang phục nặng nề. Nắng hoặc mưa. Rừng núi sình lầy hay đồng ruộng. Đoàn quân phải bước theo lệnh. Mặc kệ phổi ai, bụng ai, và tim ai dẫu thế nào! Đã nhiều lần tôi không điều khiển được đôi chân. Miệng há hốc. Đầu óc rỗng toang. Chẳng biết cao hay thấp. Chỉ muốn nằm thẳng cẳng! Ra sao thì ra! Thì vừa may có lệnh ngừng. Tôi còn cố đứng. Cố nhìn chung quanh. Cố làm ra vẻ bình tĩnh, ra vẻ chu đáo cẩn thận, trước khi lăn quay xuống đất hay cỏ. Con người tôi thường chống chọi với bản năng. Thành ra trong cuộc chiến, tôi luôn phải chiến đấu song trùng. Nhưng dù cố gắng đến đâu tôi vẫn kém xa một người anh họ. Anh cùng binh chủng, và tác chiến như tôi. Thế mà suốt thời gian ấy anh vẫn học và viết cả dưới giao thông hào để hoàn tất luận án tiến sĩ. Hồi đó chúng tôi đang độ tuổi hai mươi – ngạt ngào lý tưởng, và …tràn đầy tự phụ! Vì kém ngoại ngữ, tôi bèn lập dị bằng cách học chữ Nho. Thế là trong ba lô, trong túi quần tôi đầy chữ Nho. Học nhồi học nhét những nét xổ nét móc chỉ để bớt mặc cảm về sự ít học của mình. Gặp anh , tôi  được dịp khoe kiến thức cổ văn . Dĩ nhiên để nhận lời khen ngợi. Hỡi ơi! Sang Mỹ mấy năm sau tôi mới được tin anh bị tù, rồi bị bắn chết ngay chân rào trại giam! Anh từng viết lên tường, bên giường ngủ: “Sống để trở thành Linh Hồn Việt Nam”. Cuối tháng ba năm 1975, chúng tôi còn chở nhau trên chiếc vélo solex đen, giữa Sài Gòn, để ngắm “thành phố đang đi vào lịch sử”, lời anh tiên đoán. Chiếc vélo solex đen mong manh của chúng tôi nếu húc vào cổng Dinh Độc Lập thì chắc chắn xe cong đổ chứ cổng dinh vẫn …thản nhiên. Tôi chắc rằng khi chiếc xe tăng ủi sập cổng Dinh Độc Lập thì đoàn quân cộng sản hả hê reo hò. Họ hò reo trên bao nỗi đớn đau của người bại trận. Chuyện ấy từng lập lại mãi hoài trong lịch sử. Biết thế nhưng tôi vẫn tức tối hỏi quạu:
-         Đã thế sao các anh không từ tốn mở cổng Dinh đi vào ? Làm oai làm tướng húc đổ cổng để làm gì? Hành động ấy có khác gì quân thảo khấu ?
-         Anh thừa biết mà. Lính tráng họ hứng lên thì có trời mà cản. Ông khoát tay cười xòa.
Tôi đứng bật lên. Cũng có hơi bất lịch sự với ông. Nhưng trong tôi đang vừa sôi nổi tức tối và buồn bã. Tôi bước hụt hẫng bơ vơ. Trời không có khói. Chỉ có mây dàn hàng ngang. Và hơi thở tôi dồn nén theo hàng dọc. Đời người mấy khi hơi thở được tương thông. Có lúc ta thở dài. Đôi khi ta thở ngắn. Nhiều khi ta thở không ra hơi và… nấc cục. Rồi một ngày đẹp trời, ta …không thở nữa!
Tháng 4 năm 1971, tôi bỏ ăn bỏ ngủ vào Bệnh Viện Cộng Hòa ở Gò Vấp nhìn bạn tôi nằm…thở. Anh được tải thương từ chiến trường Cambodia về vì mảnh đạn B40 lọt xuống phổi. Người ta đục ngực, gắn ống plastic để nước dơ và mủ trong phổi có chỗ thoát ra. Anh phải thở bằng ống dưỡng khí. Tuy không nói được, nhưng mắt anh hiểu, và nhếch cười khi nhìn tôi. Một người bạn khác viết đùa hai chữ  TỊNH KHẨU để trước ngực anh. Ngực anh vẫn đều đặn nhô lên thụp xuống. Bẩy đêm sau, tôi một mình đăm đăm theo dõi ngực anh. Bỗng thấy ngực anh thụp xuống rồi…không nhô lên nữa! Tim tôi rối loạn như nghe những tràng đạn AK xối xả. Anh chết trẻ quá, mới vừa tuổi 23. Trong cuộc chiến, bấy giờ chúng tôi chỉ là những thanh niên hăng say lý tưởng và …ngờ nghệch. Chiến tranh làm cái chết mất đi vẻ thần bí và lãng mạn. Nó vội vã, bất ngờ, trắng trợn và tàn nhẫn. Nó dựng đứng trước mặt sau lưng. Nó chặn đứng mọi lối thoát của đời người.
Bao nhiêu năm sau cuộc chiến, ở Mỹ tôi liên lạc được với người bạn cũ cùng đơn vị. Anh đã bị cùm kẹp tra tấn hơn 10 năm ở Việt Bắc. Tội của anh là đeo lon đại úy và làm thơ. Thân anh rũ liệt. Nửa người tê và phù thủng. Anh nói qua ống nghe:”Tao biết Phật Chúa dạy từ bi bác ái. Nhưng xin lỗi. Để kiếp sau. Kiếp này tao không thể quên được hận thù.” Tôi nghe tê tái quá, chỉ lặng thinh, tôn trọng nỗi đau của anh. Anh là một nhà thơ, thỉnh thoảng mới viết văn. Hồi đó chúng tôi vừa chiến đấu vừa chơi trò đố thơ với nhau để giải trí, hoặc để…bớt sợ. Trò chơi đơn giản: người đố đọc một chữ như “đau”.Kẻ kia ráng tìm ra câu thơ có chữ ấy, với tên bài, tên tác giả. Chỉ có thế mà chúng tôi chơi dưới giao thông hào, trên võng hành quân, và ngay cả trong lúc …đánh trận! Y hệt những đứa trẻ con nhà nghèo say mê chơi nút chai và …lõi cuộn chỉ!
Tôi nghe được tiếng ông đứng lên. Hơi nặng nhọc. Tôi dừng lại, nhìn bụi cây hoa trắng. Mùi ông mỗi lúc mỗi gần. Tiếng ông chợt cất lên:
-         Mình không biết anh có ở quân đội không. Chiến tranh nó kỳ cục lăm! Thê thảm, bất công, man rợ, đã đành. Nhưng cái đáng sợ nhất là nó làm ta day dứt! Trong cuộc chiến tiếp theo năm 1979 ở Cambodia, nó khủng khiếp ngoài sức tưởng tượng. Đồng thời nó day dứt quá sức chịu đựng.
-         Chẳng hạn như ? Tôi cố lạnh lùng hỏi.
Tay ông hái thêm đóa hoa trắng, nhỏ giọng:
-         Chẳng hạn những xác phụ nữ Việt bị lính Miên hiếp rồi cho nổ nát âm hộ…
Tôi lại cáu:
-         Tôi đọc báo hồi đó, đảng và nhà nước các ông la toáng lên vì những chuyện ấy rồi. Nhưng tình cờ sau này tôi quen một thanh niên giang hồ. Anh ta từng dự trận ở Cambodia cuối năm 1978, đầu năm1979. Anh ta bảo đoàn quân phần lớn là trai trẻ tuổi từ 16 đến 30. Họ tình nguyện hoặc bị cưỡng bách. Anh ta 17 tuổi, vì túng quẫn nên tình nguyện. Và cũng chuyện khát máu man rợ ấy từ đoàn quân Việt, họ điên cuồng lùng bắt đàn bà Miên. Họ hiếp xong, hoặc bắn chết, hoặc gài thêm lựu đạn cho nổ tung âm vật! Anh ta tâm sự: “Chẳng hiểu sao bấy giờ không ai thấy kinh tởm. Tụi em hành động như lên cơn điên. Như ma làm. Để sau này, cứ chợp mắt là em thấy máu. Hối hận vô ích anh ạ. Chả có cách nào tha thứ cho sự dã man tàn bạo lúc ấy.” Anh ta tình cờ lưu lạc sang tới Mỹ. Nửa điên nửa dại. Sau tôi nghe nói anh ta đã vào hẳn nhà thương điên. Thành ra chuyện anh biết chỉ có một mặt...
Ông gật gù yên lặng. Tôi tự hỏi: Ta có nên tự ti hay tự tôn trong các cuộc chiến của ta vừa qua không ? Có nên kể lể với các thế hệ sau không? Có nên bào chữa rằng tự vệ là bản năng sinh tồn không? Có nên thần thánh hóa, lãng mạn hóa,    hay phóng đại cuộc chiến nữa không? Tôi định nói:” Thôi anh ạ. Dù gì cỏ xanh cũng đã phủ kín những nấm mồ. Phủ kín những hố bom lỗ đạn, những xác máy bay, xe tăng…như thể mặt đất bị thương, giờ đang kéo da non. Trái đất này đang cần rất nhiều màu xanh. Anh từng trương cờ đỏ, húc đổ cổng tường. Rồi anh nằm trên cỏ xanh. Nhìn lên trời xanh. Mơ mộng về cõi xanh. Chắc lòng anh rồi sẽ …xanh.” Nhưng nhìn kỹ lại ông, trong không gian rực rỡ nắng vàng, và rừng núi Santa Cruz  xanh ngát, tôi …bâng khuâng! Trong khoảnh khắc, tất cả bỗng xa vắng vô cùng...

tường vũ anh thy  san jose 1992
Ghi chú: Tôi viết truyện này hoàn toàn dựa vào những sự có thật, sau chuyến đi chơi loanh quanh với người bạn bác sĩ và người đại tá từ Pháp sang. Chúng tôi hội ngộ vào tháng 4/1992. Lúc đầu truyện có tên Mystery Spot, một địa điểm du lịch ở Santa Cruz, California, Hoa Kỳ; đã đăng trên tạp chí Khởi Hành số 18-tháng 4/1998. Nay đọc lại bản thảo viết tay, tôi tự đánh máy, sửa chữa và đổi tên cho đúng ý nghĩa hơn. tvat 26/3/11