Thay lời tựa bộ tiểu thuyết
Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc
của Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng
ỨcTrai xuất bản 1988
Xuân Thu tái bản 1991
Xuân Thu tái bản 1991
Hoa Trăng hay Trăng Hoa?
Từ ngữ thế gian thường có lắm điều đày đọa? Hoa Trăng dịch nôm từ tên một loài hoa: Hoa Nguyệt Quế, cánh nhỏ,. màu trắng như sương, thơm ngát. Và Nguyệt Quế là tên vầng trăng rằm tháng giêng ở Quỳnh Hải (Quỳnh Hải nguyên tiêu*) khởi thành mười hai nhân duyên chập chùng cho cõi phù sinh này.
Từ ngữ thế gian thường có lắm điều đày đọa? Hoa Trăng dịch nôm từ tên một loài hoa: Hoa Nguyệt Quế, cánh nhỏ,. màu trắng như sương, thơm ngát. Và Nguyệt Quế là tên vầng trăng rằm tháng giêng ở Quỳnh Hải (Quỳnh Hải nguyên tiêu*) khởi thành mười hai nhân duyên chập chùng cho cõi phù sinh này.
Nhưng đảo ngược chữ Hoa Trăng thành Trăng Hoa thì hốt nhiên mở ra những chân trời đọa đày viễn mộng khác: cõi ái ân trai gái, cũng trùng trùng duyên khởi như sóng nước bao la.
Phải chăng chuyện trai gái trăng hoa mãi mãi là một công án? Mãi mãi là tiếng thầm thì bí ẩn như mật ngôn của sóng gió vỗ vào bờ đá dưới trăng rằm?
Mỗi lần gió thổi là một lần sóng vỗ. Mỗi lần sóng vỗ là một lần lay động ánh trăng. Mỗi lần ánh trăng lay động là một lần vang dội âm ba. Cái khoảnh khắc hiện tại bỗng là thiên thu ẩn mật. Và đó chính là mật ngôn, là diệu âm, đã đánh thức, và giác ngộ chúng sanh, trong hoa trăng nghiêm mật.
Mỗi trang của cuốn Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc này như mở mãi vào cõi trăng nghiêm mật dị thường.
Muốn đi vào cõi trăng ấy, hành giả phải một mình tự cởi bỏ mọi ràng buộc thế gian. Hoặc như nàng Thúy Kiều của Nguyễn Du, bước qua miền trăng hoa trải dài 15 năm, để đến sông Tiền Ðường tìm đóa hoa trăng nghiêm mật nhất của đời nàng. Hoặc như Ðường Tam Tạng trong truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, băng qua chặng trăng hoa quỷ mị đến bến đò Lăng Vân, gặp chiếc thuyền bát nhã chở ông vào cõi hoa trăng ấy.
Ở truyện Tây Du Ký, Tam Tạng không tự mình quyết định được định mệnh cuối cùng, ông phải nhờ Tôn Ngộ Không, dùng trí vô úy xô đẩy ông bước qua chính phàm thân của ông để lọt vào thuyền bát nhã. Và nhờ thuyền bát nhã đưa ông vào cõi trăng.
Ở Truyện Kiều, Nguyễn Du để một mình Thúy Kiều tự nhẩy qua xác thân phàm, bơi thẳng vào nhụy hoa trăng.
Ở Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc, Nghiêm Xuân Hồng lại khởi đi tự vầng trăng ấy. Khi Thạch Sanh (lức Lý Liễu Quán) bưng ly rượu độc, bưng chén lửa hồng lên uống mà không hề chớp mắt là một hành động tỉnh thức dị thường của một bậc Bồ Tát đã từng bước qua phàm thân mình, uống biển pháp để ngăn che cho mọi chúng sinh không phải đối diện với diêm vương qủy sứ. **
Những nhân vật khác của truyện như Long Cuồng Huệ, dùng trí rất vi tế biết tất cả thế giới như giấc mộng, như ảnh tượng, như huyễn hóa. . . để thị hiện đản sanh rất vi tế mà cứu độ chúng sanh. Như Càn Thát Bà, tìm cầu một âm thanh rất vi tế để hiển thị tất cả âm thanh khắp thế giới. . . dùng một âm thanh thuyết pháp làm cho tất cả chúng sanh đều hoan hỉ...
Những nhân vật ấy đều là các Bồ Tát, họ không trông cầu người khác cúng dường mình, chỉ chuyên cấp thí tất cả chúng sinh nên không kinh sợ về tiếng xấu.
Ðó là những kẻ vô úy, bước đi, trên con đường tìm về cõi hoa trăng nghiêm mật. Dưới ánh trăng, mỗi cánh đều huyền hoặc, và trang nghiêm như một tờ kinh... cho nên mọi trăng hoa không làm họ kinh sợ, mọi trăng hoa không làm chao động lằn ánh sáng phát ra tự trái tim, phản chiếu ánh sáng vi diệu của Hoa-Trăng-Nghiêm-Mật.
Thời gian được dệt bởi vô lượng ánh sáng. Và kể từ thuở đó, thuở vào truyện Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc, thuở của Bồ tát Long Thọ, với vô-phân-biệt-trí đang tiến dần đến năm 2000. Nghĩa là đã 2000 năm ánh sáng của hoa-trăng-rằm-tháng-giêng tưới lên từng ngọn cỏ bờ khe, từng lọn sóng, vẫn ẩn dấu trong một trang kinh. Mõ và chuông đập nhịp cho hơi thở dài suốt một chiều dài lịch sử nhân sinh 2000 năm không hề gián đoạn.
Tên gọi Thạch Sanh trong cổ tích, tên gọi Mỵ Ê trong lịch sử, hay tên gọi Càn Thát Bà trong kinh sách, tên gọi Phong Châu của địa cầu, tất cả đều tử sinh trong một cõi nổi trôi sinh tử. Tất cả đều chập chờn huyền hoặc trong ánh sáng của Hoa Trăng.
Lạ lùng thay, thuở ấy, câu chuyện Chữ Ðồng Tử và Tiên Dung, với chiếc gậy thần có hai đầu sống chết, sau một mùa trăng hoa, thì đoá hoa trăng chợt nở ngạt ngào nghiêm mật như sách ước.
Cách dựng truyện lạ lùng này, cùng với lời kinh xưa, cư sĩ Nghiêm Xuân Hồng đã đưa người đọc vào một vùng huyền hoặc của ánh sáng Hoa Trăng. Câu chuyện thỉnh kinh chỉ là một cái cớ. Ngón tay chỉ mặt trăng là một cái cớ. Như những nhân vật kia, người đọc, chính người đọc, phải vượt qua nhân vật để bước vào nhụy hoa.
Xin nguyện cầu Hoa Trăng nở trong năm 2000, để ánh sáng vi diệu được chan rưới khắp mọi cõi nhân sinh.
Tường Vũ Anh Thy
San jose, mùa trăng rằm tháng giêng năm Mậu Thìn 1988
San jose, mùa trăng rằm tháng giêng năm Mậu Thìn 1988
* Tựa đề một bài thơ của Nguyễn Du
** Những chữ in nghiêng trích trong Kinh Hoa Nghiêm, bản dịch của Thích Trí Tịnh
** Những chữ in nghiêng trích trong Kinh Hoa Nghiêm, bản dịch của Thích Trí Tịnh
x
x