điêu khắc

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

Cao Bá Quát : Sa Hành Đoản Ca

...hình như cuộc đời ông gắn liền với cuộc đi vô tận. Hình ảnh ông là một kiếm sĩ bước đi mãi trên cõi đời mênh mông. Trên sa mạc cát nâu cát trắng. Nước ta có một bờ biển hình chữ S dài hơn 2200 cây số. Cát chập chùng hết bãi nọ đến gò kia. Biển cát dài như vô tận. Mỗi bước chân trên cát tưởng như bước lùi lại mệt nhoài. Ông đi mãi trên bãi cát Việt Nam bên bờ Đông Hải. Đi đến trời chiều trở gió. Đi đến nắng tắt hoàng hôn. Đến hoang liêu vắng ngắt. Ông vẫn đi. Chân không chịu sự chôn vùi. Đi cho máu sước sưng vù. Đi cho mù mắt đau tim. Phải chăng ông đi tìm danh tìm lợi ? Bởi vì xưa nay kẻ tìm danh lợi vẫn tất tả bon chen ngoài đường sá. Họ rủ nhau đi hàng đàn hàng đúm. Cười nói um sùm. Ấy thế, hễ đầu gió có thơm mùi rượu là tất gần đâu đây có quán xá rượu ngon. Họ bon bon tìm tới đào bới ngả nghiêng. Hỡi ơi người tỉnh được thì ít, còn vô số kẻ say ngã lăn quay. Cuộc đời đầy rẫy những cạm bẫy thử thách. Đầy rẫy sa mạc phát tiết. Đầy rẫy sư tử Phi Châu xù tóc vàng răng nhọn. Đầy rẫy đùi mông uốn oéo lả lơi mời gọi nuột nà mười đêm ngà ngọc. Ấy thế, đường bằng phẳng trơn tru an toàn rất mực thì mịt mờ sương khói nghi binh. Đã không có được lòng ngay ý mạnh như ông Liễu Hạ Huệ ôm con gái bên Tầu ngủ cả đêm không động. Cũng không học được phép vừa đi vừa ngủ như ông Hạ Hầu Ấn, thì biết tính sao đây ? Biển cát vẫn dài chập chùng như giấc mộng điêu linh. Thân vẫn lơ ngơ trong cõi đời dâu bể ? Này, hãy nghe ta hát. Đây là bài hát đường cùng, hay là bài ca đường cuối. Hay là cùng đường lạc lối cuối đường đời. Kìa phương Bắc núi Bắc chập chùng hùng vĩ. Kìa phía Nam biển Nam dào dạt sóng ba đào. Sao lại đứng đây trong biển đêm cát trắng ? Làm gì ở đây đầy biển cát trắng đêm ?
Đó là một bài thơ, một bài ca, một bài hành, ông làm từ khi còn trai tráng. Từ khi còn lều chõng vẫn đi thi. Nhưng mà thi hỏng. Thi hỏng hay hỏng thi thì đời ông vẫn phải bước. Ông vẫn đi thi. Đây không phải là một bài than thân trách phận. Cũng không phải tỏ sự yếm thế như một số người hiện nay đã hiểu. Mà là một tâm trạng tỉnh thức của một định mạng khắt khe. Là tiếng gọi tiếp tục lên đường của trái tim còn tràn máu.

Sa Hành Đoản Ca
trường sa phục trường sa
nhất bộ nhất hồi khước
nhật nhập hành vị dĩ
khách tử lệ giao lạc
quân bất học tiên gia mỹ thụy ông
đăng sơn thiệp thủy oán hà cùng
cổ lai danh lợi nhân
bôn tẩu lộ đồ trung
phong tiền tửu điếm hữu mỹ tửu
tỉnh giả thường thiểu túy giả đồng
trường sa trường sa nại cừ hà
thản lộ mang mang úy lộ đa
thính ngã nhất xướng cùng đồ ca
bắc sơn chi bắc sơn vạn điệp
nam hải chi nam ba vạn cấp
quân hồ vi hồ sa thượng lập 

Bài Ca Trên Cát

biển cát dài lại dài biển cát
một bước đi một bước như lùi
thân lê giọt lệ ngậm ngùi
theo chiều bóng nhạt chân vùi gót chân
không học được thần tiên phép ngủ 
còn khổ công lội nước trèo non
xưa nay danh lợi chen bon
là con vất vả lon ton ngoài đường
nghe trước gió rượu ngon ngoài quán
say thì nhiều tỉnh được bao nhiêu
cát dài biển cát cô liêu
đường xa bát ngát nhiêu khê đường gần
nghe ta hát khúc ca đường cuối
bắc núi hề núi bắc mênh mang
biển nam ba vạn sóng ngàn
sao còn đứng lặng trên màn cát đêm

tường vũ anh thy 1982 ( trích trong Cao Bá Quát Giữa Hồn Thiêng Sông Núi - Ức Trai xuất bản 1985)


Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

thơ rượu


hoa và rượu

hoa không có lửa mà đốt cháy
rượu không có sóng mà nhấn chìm
đời ta yêu cả hoa và rượu
vậy cái ngu đần phải gấp đôi


yêu và uống

ai cũng bảo yêu là đau khổ
uống rượu nhiều thì phá hỏng buồng gan
nhưng khi yêu khổ mấy cũng lao vào
cứ thấy rượu thì gan lì uống mãi

tâm sự của chai rượu
 
chai rượu thầm thì kể :
kiếp trước em là người đẹp 
chết vì hiến máu cứu mẹ cha
thượng đế thương cho uống máu nho mà sống lại
ta cảm động hôn vỏ chai kính cẩn trước khi khui 
máu của rượu là máu ta đấy chứ


rượu và hoa

chị ong bảo : trong hoa có rượu anh ơi !
ta mỉm cười : sao giờ em mới biết ? 
hoa là rượu
rượu là hoa tha thiết lắm
nên mỗi lần uống rượu rất đắm đuối hân hoan


rượu đỏ

nhuộm đỏ thời gian bằng rượu đỏ
mình ta say mãi đến bao giờ
bất ngờ chai với ly cụng chén
mới biết cuộc đời qua kẽ tay
lòng ta như giàn nho vừa chín
cứ hái xin chừa một trái xanh


 trái tim

trái tim là chúa dại khờ
người ta không giăng bẫy cũng chui vào say sưa
tỉnh ra lại bảo bị lừa
thực ra trong đó có nho dự phần


chia xa

em bỏ đi
ta ngơ ngẩn chẳng hiểu gì
chỉ uống rượu cho tim đừng rũ xuống
rượu có cái hay là không dối
sáng tối hương nồng quấn quýt vẫn như như


tường vũ anh thy


 
 

 


Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Cao Bá Quát : Tim Vẫn Say…





Bài tựa truyện Hoa Tiên được viết tại chính quê hương thi sĩ là Ải Cúc Đường, tháng 7 năm quý mão 1843 (Thiệu Trị thứ 3) – xem CAO BÁ QUÁT: thơ vn bay ...   Ta không rõ việc gấp của ông là việc gì. Và tại sao sau đó ông về sống vừa đau thương vừa thơ mộng ở Thăng Long mãi đến năm 1847 mà không tiếp tục ? Phải chăng cái dang dở là cách nói khiêm cung của nhà thơ ? Hay phải chăng công việc của thơ vốn không bao giờ hoàn tất, không bao giờ muốn chấm xuống hàng ? Và phải chăng truyện Hoa Tiên ngày nay ta đang đọc vốn đã do tay chăm sóc của thi sĩ họ Cao ?
“Thơ thật là khó nói…Bàn về thơ, tuy phải nắm vững kỹ thuật, chữ viết; nhưng làm thơ, gốc ở tâm tình thi sĩ.” (Phù thi chi nan ngôn dã…phù luận thi tuy thủ kỳ cách pháp, tác thi, tất bản chư tính tình…)
Đó là câu Cao Bá Quát viết trong bài tựa tập thơ Thương Sơn của Tùng Thiện Vương.* Chỉ là một câu đó cũng đủ hóa giải tất cả mọi cuộc tranh luận sôi nổi hùng hồn từ xưa đến nay về vấn đề sáng tác phẩm bằng chữ mẹ đẻ hay chữ nước ngoài. Nó cũng hóa giải vấn đề trường phái, giai cấp, thể chế chính trị; và gần đây cái mà Mao Trạch Đông gọi là cơ sở.**
Đó là một câu nói nhân bản nhất, và rất mực …thi sĩ, mà chúng ta có được ngày hôm nay.
Trong bài tựa, Cao Bá Quát nhận xét tổng quát về văn học Việt Nam với lối học từ chương khoa cử trải mấy trăm năm đã in sâu tô đậm vào đầu óc kẻ sĩ. Những đường lối giản dị, miêu tả chân thật, hầu như đều mất; thay thế bằng lối văn chải chuốt, điển tích, cầu kỳ, ước lệ và tối nghĩa. Tuy các tác gia nối gót nhau ra đời, nhưng phần lớn đều ở trong giòng văn học ngoại lai, hoặc lải nhải trong tình cảm ủy mị sáo rỗng. Ít có người thoát được như Nguyễn Trãi, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Du … Đại loại có 3 hạng người làm văn học: người kém cỏi thì khổ lụy về cuộc sống, hoặc buông thả theo thói đời. Người có hào khí thì “tẩu hỏa nhập ma” không tiêu hóa được mớ kiến thức thô bạo. Còn kẻ gọi là trí thức khoa bảng thì tự đắc, hý hửng, muốn vơ vét trăm nhà, thâu thu vạn thể, thành ra chỉ có bắt chước, mô phỏng, mà thực lực không có, phong thái không cao; họ tô điểm khéo léo, hình thức đẹp đẽ như mặc áo gấm, mà tinh thần lại thấp hèn.
Cao Bá Quát nói thẳng vào thời đại ông không một chút nương tay. Ông đã sống  giữa kinh thành Huế, giữa những ông vua, ông hoàng bà chúa, những quan lớn quan bé, đua nhau làm thơ làm văn, thi nhau đặt vè, ngâm phú.. Đặc biệt dưới triều Tự Đức, một ông vua mê làm thơ hơn làm việc nước, thì khắp triều đình ai lại không a dua xu nịnh làm thơ.
“ Một hôm vua Tự Đức gọi Tùng Thiện Vương vào hỏi:
-         Thi với ca khác nhau thế nào ?
-         Tâu, thi tức là ca; thi, ca đều là những điệu nhạc cả.
-         Sao những điệu nhạc lại có ở trong thi, ca ?
-         Tâu, vì trong câu thi, câu ca, đều phải dùng chữ Hán đúng với nhạc âm, nên khi ngâm cũng như khi hát vậy.
-         Ông đã tinh về âm điệu, tinh về thi ca, ta tuyên triệu vào đây để truyền nghề ấy.
-         Tâu, nghề thơ, chỉ những người thanh nhàn, không có cơ tâm mới học được. Chúng tôi vì còn nhiều tục lụy, nên vẫn có muốn học, song đến nay vẫn chưa thành nghề.
-         Nghề thơ khó lắm sao ?
-         Tâu, không khó, nhưng mà ít người có đủ tư cách để học cho đến thành nghề.
-         Như ta đây có đủ tư cách mà học chăng ?
-         Tâu không, vì nghề trị nước, ngày có vạn việc, trách nhiệm nặng nề, tâm không được nhàn, nên từ xưa các bậc chí tôn dẫu có làm thơ, là chỉ để tiêu khiển nhất thời; còn nghề thơ, thì đã không học, mà cũng không nên học”***
Nhưng vua Tự Đức không nghe, nằng nặc học nghề làm thơ cho bằng được. Câu chuyện vừa nghiêm trọng vừa tức cười. Cao Bá Quát được gọi về kinh làm lại ở bộ Lễ và Viện Hàn Lâm năm 1847, cho đến ngày bị đổi đi làm giáo thụ ở Quốc Oai năm 1851. Suốt 5 năm trời đó ông bị đọc, bị nghe, bị thấy bao nhiêu bài văn thơ vịnh cái hoa con kiến, tả chuyện đi câu đi ăn… những lời những ý rập khuôn, lải nhải nhạt nhẽo. Ông kể vài thí dụ điển hình:”đầu làng tạm chia tay đã hát “chén rượu Dương Quan”, cạnh xóm sang chơi đã ngâm ngay “tiếng gà điếm cỏ”.(thôn đầu tiểu biệt, toại ca “bôi tửu Dương Quan”, lân xá tam kinh,tức phú “kê thanh mao điếm”.) Họ nắn nót từng chữ từng câu sao cho có vẻ xót xa biên tái, họ chải chuốt từng lời sao cho có vẻ khuê các trưởng giả. Làm được một bài thì hí hửng mời nhau ăn tiệc để khoe. Ai cũng tự cho mình là hay nhất, đến độ ganh ghét nhau, chửi ruả nhau, gièm pha nhau, thù oán nhau. Tác giả Việt Nam Ca Trù có trích một chuyện chép trong bài tiểu sử Phạm Thế Lịch trên báo Nam Phong số 147 tháng 2,1930:
“ Khi vua Tự Đức sai đại thần Phan Văn Nhã dự thảo bài văn Ngọc Diệp; Văn Nhã thảo xong, làm tiệc mời các quan đến uống rượu, đưa bài Ngọc Diệp cho mọi người xem, cố ý khoe văn mình hay. Viên nội các Mỗ vốn sẵn có văn tài, xem xong nói:” Văn bác Phan các quan xem thế nào, tôi nghe cứng nhăng nhắc.” Nhân đương say rượu, hai bên gây chuyện cãi nhau. Viên nội các nói:”Văn như thế chó làm cũng được”. Vì thế thành ra ẩu đả.Việc đến tai vua, ông (chỉ Cao Bá Quát) được vời vào hỏi chuyện đã xảy ra. Ông khai: “ Không biết ý làm sao, bên này bảo chó, bên kia bảo chó, rồi đến đánh nhau, tôi sợ cắn tôi, tôi hoảng tôi chạy.”****
Câu chuyện vừa tả được không khí văn chương nóng hổi thời đó, vừa nói được sự tấn công không nương tay của Cao Bá Quát vào hoàng phái và bọn đầu cơ văn nghệ. Ông tấn công thẳng vào cả vua Tự Đức. Có lần vua khoe thơ, nói là của thần tặng. Thơ chỉ có hai câu, rất lập dị, vừa Hán vừa Nôm. Cao Bá Quát ngứa tai liền bịa ra một bài 8 câu, đọc ngay ra giữa triều, trong cũng có 2 câu của vua. Ông bảo bài đó ông thuộc từ hồi còn nhỏ. Ông đả kích cái lối cứ mượn thần mượn thánh, mượn chiêm bao mộng mị làm thơ khoe. Đó là thái độ vừa thiếu tự tin, vừa khoe khoang kiêu ngạo, lại vừa vong thân. Họ làm thơ cốt ở hình thức, tưởng tượng tháp ngà mà không sống thực. Nhất nhất mọi hình thái câu văn, giai thoại đều có vẻ hoang đường, thần tiên, kỳ bí, sao cho giống với Đường thi. Cao Bá Quát bảo cái đó cũng tựa như tập viết, cứ gò gò bó bó, tô tô nắn nắn, chau chuốt xuông, không biết cải cách sáng tạo, thì dù có viết đẹp như mặt chữ Lan Đình, cũng chỉ đáng vất vào xọt rác mà thôi. Chẳng thà không học, không tập còn hơn.
Viết tựa cho một tập thơ, cho một người vừa là bạn vừa là một ông hoàng quyền thế, mà Cao Bá Quát công khai ráo riết tấn công đến như vậy. Bấy giờ là đầu mùa hạ năm 1851, ông viết cũng như để từ biệt kinh thành. Lệnh đổi ông ra Quốc Oai đã truyền từ tuần trước. Ông viết: “Sớm chiều tôi sẽ từ biệt, tập thơ đưa tặng đây tôi chưa đọc hết, vậy chỉ xin mạo muội góp ý, những mong được nghe lời phải. Tôi chơi với ông đã lâu, đâu phải đợi đến nay mới nói đến thơ ông. Và cũng đâu phải đợi đến Quát này mới có thể nói được”(Đán mộ thả biệt, lai tập vị năng phụng tất, cô dĩ bỉ kiến phu đạt, vọng tứ ích nhĩ. Tòng công du cửu, công thi khởi đãi kim nhật nhi hậu ngôn tai. Diệc khởi đãi Quát nhi hậu năng ngôn tai.)
Đọc bài này rồi đọc một bài thơ khác ông làm vào thời gian con gái vừa mất, cám ơn Tùng Thiện Vương đã gửi quà tặng, ta mới thấy mối giao tình giữa Cao và Tùng khác thường. Ta cũng có thể đoán Tùng Thiện Vương rất hâm mộ họ Cao.
Cuối bài tựa cho bạn, Cao Bá Quát viết: “ Sáng sớm mai, ngoài cầu Đốc Sơ, vời trông về cửa thành phía nam thấy vầng ánh sáng rực rỡ bay lên nửa tầng không, giữa bầu trời xanh mây trắng, từ xa nhìn mãi lại mà không chán, có phải là núi Thương Sơn chăng? Bồi hồi cởi áo ngồi uống rượu nơi trường đình mà ngâm các bài “Hà Thượng” trong tập thơ của ông, lòng chợt thấy xa xôi bát ngát”( Minh triêu Đốc Sơ kiều ngoại,nam vọng khuyết môn chi nam, kỳ quang hùng hùng xuất vu bán thiên chi thượng, bạch vân, bích không gian, viễn vọng nhi bất yếm giả, phi Thương Sơn da? Cô tửu bắc trường đình, giải y bồi hồi, vịnh công Hà Thượng chư thi, khách tâm ích viễn hỹ.)
Những câu cuối cùng ấy thật vừa để ngợi khen thơ bạn, mà cũng gửi gấm bao mối khao khát say tình quê hương của thi sĩ. Thương Sơn là tên một ngọn núi đẹp nổi tiếng ở huyện Hương Trà, phía tây kinh thành Huế, cũng là biệt hiệu của nhà thơ Tùng Thiện Vương, là tên tập thơ ông đề tựa. Ông đã mượn núi mượn sông của quê  hương để nhắn bạn. Núi trước mặt và sông ngay dưới chân. Trước mặt, dưới chân, trên đầu, chung quanh những nước non nhà, những vẻ đẹp có thật, những rung động có thật, những vấn đề có thật, thì bạn ơi đừng tìm kiếm xa xăm đâu biển Bắc mộng Tầu.
Ôi “ Bàn về thơ,tuy phải nắm vững kỹ thuật, chữ viết; nhưng làm thơ gốc vẫn ở tâm tình của thi sĩ.” Tính tình hay tâm tình cũng là trái tim người biết rung cảm với đất nước hồn thiêng, với triệu trái tim cùng một bọc sinh ra, với sự sinh tử của một quốc gia cần tự trị và  muốn được phú cường, với giòng lịch sử chứa chan máu thắm bát ngát hùng ca. Trái tim của thi sĩ. Trái tim vẫn đắm say trong sông núi hồn thiêng.

Chú thích:* Tùng Thiện Vương là hoàng tử thứ 10, con vua Minh Mạng, tên là Mân Thẩm ( Miên Thẩm) hiệu Thương Sơn, Bạch Hào Tử. Đương thời bốn người văn thơ được hâm mộ và truyền tụng là Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương :
Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường
Riêng Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát còn được gọi là thần Siêu thánh Quát.
** Mao chủ trương văn nghệ phải được nâng cao trên cơ sở của giai cấp nông công binh, phân biệt và xóa bỏ giai cấp phong kiến, tư sản, trí thức tiểu tư sản. ( Xem bài nói chuyện tại cuộc tọa đàm ở Diên An – tuyển tập Mao Trạch Đông, nxb Ngoại Văn 1964 )
*** Tùng Thiện Vương, của Ưng Trình và Bửu Ý, Huế 1970, tr.137
****Việt Nam Ca Trù Biên Khảo – Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Hòe, Sài Gòn 1962, tr.642

Tường Vũ Anh Thy 1982, ( trích trong Cao Bá Quát Giữa Hồn Thiêng Sông Núi, Ức Trai xuất bản 1985 )

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

trên sông khói

lạ giữa đêm
móng trăng đầu
xuân em nay đâu
tóc xưa khônh còn nữa
mưa hôm kia chở khói qua sông


lạ trong ngày
vườn cỏ đầy.   u uẩn
lá khua gió quẩn.   riết trên da
có phải    bước em   
bật hết lò sưởi hong tê tái
hái trộm của mozart nốt nhạc
gắn lên đôi cánh bạc      em bay
tay tôi rưng rức đỏ
bỏ rơi bao nhiêu con chữ
mỗi ngày


tường vũ anh thy

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2011

làm thế nào để cứu loài ong

Loài ong, và chắc nhiều loài khác nữa, bị mất tín hiệu vì sóng trao đổi của điện thoại di động. Người ta khám phá ra số ong bị chết vì lạc đường đến với hoa càng ngày càng gia tăng. Hiện tượng thương tâm này khiến tôi lấn cấn buồn rầu khổ sở cả tuần nay. Bây giờ ai ai cũng cần điện thoại di động, kể cả tôi, như một nhu cầu. Nhưng nhu cầu này lại làm thương tổn quá lớn đến các loài khác.
Thật là bế tắc.

tường vũ anh thy


Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Quán Thế Âm Bồ Tát






Một buổi sáng trong rừng, tình cờ thấy khúc gỗ gẫy bị cắt bỏ trên bãi cỏ, tôi chợt nghe tiếng kêu khe khẽ. Tôi sững sờ nhìn những thớ gỗ tua tủa đang biến thành những vành tai. Tôi bèn khuân khúc gỗ về đẽo gọt hơn hai tháng thành bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ( Bodhisattvàya Mahàsattvàyeti )
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ( Saddharma-Pundarìka) phẩm Phổ Môn, chính Đức Phật cho biết Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện dưới nhiều hình tướng (32 ứng thân) mang bình an đến mỗi khi  chúng sanh kêu cứu. Thế gian còn gọi nôm na là Phật Bà, tượng trưng bằng người mẹ có tình thương bao la rộng khắp. Tôi từng chứng kiến các con trẻ khóc mếu kêu gào vì đói khát hay sợ hãi, mãi khi người mẹ ôm ấp vỗ về thì trẻ mới nín. Người mẹ đã đem lại tín tâm cho người con. Người con cũng vì tín tâm vào người mẹ mà đoạn diệt mọi sợ hãi. Tín tâm là không nghi hoặc, nghi ngại, nghi ngờ, nghi kỵ; không hồ nghi, hoài nghi, kinh nghi, tình nghi, nghi nghi…
Cho nên thường phải niệm
Niệm niệm chớ sinh nghi
Quán Âm bậc Tịnh Thánh
(kinh Pháp Hoa/bản dịch Thích Trí Tịnh)
Trong Kinh Lăng Nghiêm ( Sũramgama-samàdhi ) có câu:
Vô úy thí chúng sanh
Diệu âm Quán Thế Âm
Phạm âm hải triều âm
Cứu thế tất an ninh
Xuất thế hoạch thường trụ
Nên có thể niệm :"Nam Mô Vô Úy Thí Quán Thế Âm Bồ Tát” để được giúp đỡ. Trong suốt thời gian đẽo gọt tượng, đêm đêm tôi đọc kinh Pháp Hoa và kinh Lăng Nghiêm, mới chợt nghiệm ra vạn vật trong thế gian này đều có tiếng nói, và biết nghe. Nhân kinh nói về  thập tứ vô úy thí  và tín tâm, tôi bỗng khởi tâm viết về mười bốn công đức của Bồ Tát Quán Thế Âm làm cho chúng sinh hết sợ hãi. Tôi cũng sẽ viết về bài Tín Tâm Minh của Tổ Tăng Xán để tăng lòng tin cho chính tôi, cũng như chia xẻ với những ai ...

 tường vũ anh thy - san jose 7/5/11

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc II

( Thay lời tựa tiểu thuyết Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc, quyển 2, 1989,
của Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng, đăng lại nhân ngày giỗ 7-5-2000 )

Hoa nắng không phải là nắng hoa.
Hoa trăng không phải là trăng hoa.
Nhìn hoa nắng , ngắm hoa trăng, có lúc khởi bao nhiêu nghi tình về thực tại lung linh này.
Nghi tình không phải là tình nghi
Cho nên trong ánh nắng, dưới ánh trăng, vắng bặt tri kiến điên rồ của nhân thế. Nguyễn Du trong bài Đạo Ý có câu:
 
trạm trạm nhất phiến tâm
minh nguyệt cổ tỉnh thủy 
(tấm lòng lặng lẽ như nhiên
trăng xanh giếng cũ một miền nước trong.)
 
Hoa Nghiêm là chốn trăng và nắng đi về không dấu vết, nhưng kết thành hoa: Hoa-Ðốm- Giữa-Trời, hoa-đốm-giữa-không-hư. Từ tâm tư đó phát khởi tình yêu và đại nguyện (tức đại-bi-tâm)
 
Thế gian ly sanh diệt
Do như hư không hoa
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng đại-bi-tâm
(Kinh Lăng Già)
 
Sự không sinh cũng không diệt là hiện tượng của tình-yêu-không-bờ-mé. Một niệm khởi đi là trùng trùng duyên khởi. Do bởi ánh sáng của hoa nắng và hoa trăng kết tập nên thế giới lung linh huyễn mộng:
tất cả Phật như bóng
các Pháp đều như vang
(Hoa Nghiêm - Phẩm Nhập Pháp Giới)
 
Hỡi ơi, như bóng, như vang, như mộng, mà không phải là vang bóng, hay bóng vang. Cho nên Thiện Tài Ðồng Tử học nói. Lúc xướng chữ A thời nhập bát-nhã-ba-la-mật-môn là vô-sai- biệt-cảnh-giới. Lòng không ở mà ở. Không ở thì vô sở trụ. Ở thì huyễn-trụ. Cái ngụ ý của kinh thật là huyền hoặc.
Cho nên tiểu thuyết đặt tên là Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc. Cái đặc biệt là trong sự huyền- hoặc-mơ-hồ-đến-hồ-đồ-bỡn-cợt kia lại mở ra và khép lại bằng một lời-kinh-kỳ-bí-đến-nghiêm- trang. Chiếc thang của truyện là mỗi tờ giấy trắng chữ đen. Chiếc thang của giấy mực lại là cỏ cây hoa lá chốn rừng xanh núi biếc. Và chiếc thang của tâm linh ngoi mãi nơi bùn lầy để bước vào đóa hoa sen kỳ lạ: Hoa Nghiêm.
Phải chăng tác giả Nghiêm Xuân Hồng muốn người đọc, đọc lại thơ Nguyễn Du, đọc lại lời kinh xưa chưa hiển lộ. Ðọc lại lòng mình, tâm tư mình, không vang bóng, chẳng bóng vang. Cái tâm của Như Lai chân diện mục. Tác giả muốn đục bỏ mọi giả-hiện của thế-gian, để phát khởi đại-bi-tâm.
Cho nên có Thạch-Sanh thì phải có Long- Cuồng-Huệ. Có Long -Cuồng- Huệ thì có Càn- Thát-Bà. Có Càn-Thát-Bà lại có Phi-Ly và tất cả. Có tất cả phải xoay quanh công chúa Mỵ-Ê là bóng của hoa. Bóng của hoa là nắng, hình của hoa là trăng.
Giữa Hoa Nắng và Hoa Trăng là câu chuyện tình Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc.
Hoa nắng màu vàng
Hoa trăng màu vàng
Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc hình như cũng màu vàng
Tất cả mọi màu vàng của hoa đều là Bát Nhã
Uất uất hoàng hoa  
Vô phi bát nhã
Hỡi ơi:
hành thâm bát-nhã-ba-la-mật-đa thời
chiếu kiến ngũ uấn giai không
độ nhật thế khổ ách. . .


(xem thêm HOA TRĂNG NĂM HAI NGÀN)
 
Tường Vũ Anh-thy
San Jose 1989