điêu khắc

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Nguồn gốc & ý nghĩa Tết Trung Thu (2)


TẾT TRUNG THU Ở VIỆT NAM

Tháng tám chơi đèn kéo quân
Đó là một trong những đặc điểm của Tết Trung Thu ở Việt Nam. Đèn kéo quân là hình thức thu gọn cảnh kéo quân của bà Thiều Hoa, nữ tướng thời Hai Bà Trưng (40-43). Tích này vẫn được diễn hàng năm ở làng Hiền Quan (Tam Thanh) tỉnh Vĩnh Phú. Các đoàn quân kéo nhau lượn hình trôn ốc trước bàn thờ bà Thiều Hoa ngụ ý kéo quân vây thành. Cũng ở Vĩnh Phú, nhiều làng khác tổ chức các cuộc kéo quân thật đánh lẫn nhau vào đêm rằm tháng tám. Trẻ em được làm do thám, ông già bà cả trợ chiến hò reo, thanh niên nam nữ gậy gộc chiến đấu như thật.
Có lẽ đèn kéo quân là một hình thức tưởng nhớ để nuôi chí phục thù của người Việt sau cuộc thất bại của Hai Bà Trưng năm 43. Đèn kéo quân cũng giúp người ta vui Tết Trung Thu trong cảnh nô lệ thời bấy giờ. Tết Trung Thu là tết của trẻ em, người ta cũng muốn nhắc nhở con em của họ những chiến công lịch sử.
Trong lễ Tết Trung Thu có mâm cỗ gồm nhiều thứ trái cây và bánh kẹo. Đặc biệt có bánh đúc to tròn như mặt trăng đổ trên tàu lá chuối. Bánh đúc nhà nghèo chỉ có bột gạo và vôi, nhà giầu thêm nhân dừa, thịt mỡ, đỗ lạc (đậu phộng). Người ta có câu hát ví:
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ mới thương con chồng
(hoặc: mấy đời trọc phú mới thương dân nghèo)
Dịp này trẻ em xem đèn kéo quân, rước đèn chơi trò rồng rắn. Vui với các Con Giống nặn bằng bột nhuộm phẩm đủ màu sắc rực rỡ. Con Giống vừa ngụ ý giống như các con vật thật, vừa có nghĩa là biểu tượng sinh vật thể sẽ sinh sôi nẩy nở mãi mãi. Nghệ nhân nặn các Con Giống thoăn thoắt, chỉ vài phút là đã có con bò, con trâu, con thỏ, con gà, con chim, con cóc v.v. Thật là một loại điêu khắc dân gian thần tình !
Một đặc điểm khác trong mùa Tết Trung Thu là tiếng trống. Trống là dụng cụ âm nhạc đơn giản và phổ biến. Người ta làm các loại trống cơm, trống bỏi cho trẻ em tha hồ gõ múa. Và người lớn cũng chế ra một loại hát đám gọi là “ hát trống quân”
Tháng tám anh đi chơi xuân
Đồn đây có hội trống quân anh vào
Câu hát phổ biến này ngụ ý Tết Trung Thu cũng là tết của mùa xuân tươi trẻ trong lòng người. Hết xuân tới thu, hết thu tới xuân, tức là trong xuân đã sẵn có thu, và trong thu đã sẵn có xuân vậy.
Trước và sau dịp Tết Trung Thu người ta còn diễn trò Múa Rối Nước. Sân khấu là ao hồ hay bến sông. Diễn viên là công trình đẽo gọt trạm đục đan vót của các nghệ sĩ dân gian. Các tuồng tích đủ thể loại đều được đem “xuống” sân khấu nước. Người ta cũng diễn các cuộc chọi trâu, cuộc thi hóa rồng mà cuối cùng cá chép trúng tuyển:
Mồng bốn cá đi ăn thề
Mồng bẩy cá về cá vượt vũ môn
để khuyến khích học trò tin tưởng vào tương lai.
Đêm Tết Trung Thu, người ta phá cỗ trông trăng, kể chuyện Thằng Cuội:
Thăng Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi chơi cầu vồng
Đó là câu chuyện nửa cổ tích nửa thần thoại về một nhân vật tên Cuội, có công cứu giúp người bệnh tật hoạn nạn và kể cả người chết, đã vĩnh viễn ở trên mặt trăng. Hình như tất cả mọi trò vui, đèn đóm, hát múa, con giống v.v. của các em được phô diễn để tưởng nhớ và làm vui lòng Thằng Cuội đang một mình vời vợi trong trăng.

TẠM KẾT

Như ta biết, tuy Hán Quang Vũ lên ngôi từ năm 25, nhưng phải đến năm 43 mới được coi là bình ổn, và chính sách an tịnh khoan hòa mới được thi hành rộng khắp. Sự kiện dùng khoai môn và trái bưởi trong lễ tiết trung thu có thể có từ năm 25, nhưng chắc chỉ thành đại lễ từ năm 43. Và tôi chắc không thi hành ở Việt Nam vì ở đó đã có sẵn Tết Trung Thu bản địa rồi. Các quan thái thú sau Tô Định, sẽ chỉ muốn an thân, không cưỡng ép dân nhiều. Và sau cái chết của Hai Bà Trưng cùng các tướng soái đồng chí đồng bào, người Việt sẽ đón trung thu  rất ngậm ngùi sau năm 43, hà cớ gì lại còn phải tạ ơn trời đất bằng khoai môn và trái bưởi của binh lính nhà Hán. Do đó ta sẽ thấy:
1-Tết Trung Thu ở Việt Nam đã có từ trước khi Hán Quang Vũ ban lệnh kỷ niệm Tiết Trung Thu năm 23, chiến thắng Vương Mãng.
2-Tết Trung Thu ở Việt Nam là Tết thuần túy của trẻ em và là Tết của nền văn-hóa-đầm-lầy-lúa-nước.
3-Trên mặt trăng là hình ảnh Thằng Cuội, con trâu, cây đa. (chứ không phải Hằng Nga, hay Ngô Cương với cây quế như của Trung Hoa.)
Khác với Lễ Tiết Trung Thu của Trung Hoa, khởi đầu để tạ ơn chiến trận, và rồi được kiện toàn vào thời Đường Minh Hoàng, (một ông vua ăn chơi tửu sắc vô đạo, cướp vợ của con rồi cũng không bảo vệ được người con dâu này.) với trăm cách xa hoa dành cho người lớn có thế có tiền.

tường vũ anh thy









Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

Nguồn gốc & ý nghĩa Tết Trung Thu





Khi khảo về Tết Trung Thu, hầu hết đều cho là bắt nguồn từ Trung Hoa. Tuy ta chưa có tài liệu, nhưng tìm vào phong tục, tập quán dân gian vẫn có thể nhận ra Tết Trung Thu của Việt Nam hoàn toàn khác và có trước Trung Hoa. Tôi viết lại bài này với hy vọng có người có thêm tài liệu và góp ý bổ xung.

Tháng giêng ăn tết ở nhà
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè
Tháng tư đong đậu nấu chè
Ăn tết đoan ngọ trở về tháng năm
Tháng sáu buôn nhãn bán trăm
Tháng bẩy hôm rằm xá tội vong nhân
Tháng tám chơi đèn kéo quân
Trở về tháng chín chung chân buôn hồng
Tháng mười buôn thóc bán bông
Tháng một tháng chạp nên công hoàn thành

Bài ca dao mô tả sinh hoạt dân gian Việt Nam, quanh 12 tháng, một năm, bốn mùa. Đó là sinh hoạt rất xa xưa vẫn tồn tại đến ngày nay. Ta thấy qua 12 tháng có 4 Lễ Tết được kể ra theo thứ tự: Tết ( hay Tết Cả, tên chữ là Tết Nguyên Đán) vào tháng giêng; Tết Đoan Ngọ (gọi nôm là Tết Giết Sâu Bọ) vào tháng năm; Tết Trung Nguyên (tức  Lễ Vu Lan ) vào tháng bẩy, và Tết Trung Thu ( hay Tết Trông Trăng, Tết Trẻ Em) vào tháng tám.
Riêng Tết Trung Nguyên ( truyền vào từ Ấn Độ) là mang nội dung tôn giáo. Ba Tết còn lại do truyền thống dân gian, biểu tượng của nền văn-hóa-đầm-lầy-lúa-nước.
Do ảnh hưởng địa lý, khí hậu, người Việt sinh sống ở những vùng đất thấp, đầm lầy. Quanh năm họ trồng trọt, cày cấy, chăn nuôi và chài lưới. Lễ Tết là những dịp nghỉ ngơi, vui mừng, tạ ơn, và chào đón một mùa xuân mới (Tết Cả); là dịp phòng ngừa bệnh tật, hòa hợp với thiên nhiên, giữ gìn môi sinh (Tết Giết Sâu Bọ); và là dịp đợi chờ kết quả, lo cho con trẻ, cùng vui với trăng rằm (Tết Trung Thu). Cũng do ảnh hưởng giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ, Trung Hoa, cùng các nước láng giềng trong khu vực mà sinh hoạt văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội của người Việt mang những nét chung chung của Đông Á, nhưng bản chất Việt Nam có nhiều dị biệt độc đáo. Lễ Tết là một trong những sự dị biệt độc đáo đó.
Ngay chữ "Tết" là âm Việt cổ đã chứa đựng những khác biệt và những ý nghĩa độc đáo của người Việt. Chữ Nôm viết "Tết" là mượn âm "tiết" của chữ Nho, vừa đọc là tiết, tết, tét, tít, tịt  (Bảng Tra Chữ Nôm, Ủy Ban Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1976, tr.244) tùy theo ý nghĩa của câu văn, sự việc. Do đó, Tết vừa có ý chỉ thời gian (tiết), vừa có ý chỉ hành động dâng biếu tạ ơn (sống tết, chết giỗ) lại vừa có ý gắn bó trung thành (sêu tết). Ta có động từ "tết" có nghĩa là đan, bện, kết. Tuy chữ viết có khác, nhưng tiếng Việt quan trọng ở âm (giọng đọc) chứ không ở mặt chữ. Lê Quý Đôn trong “Vân Đài Loại Ngữ” cũng viết: “Trung Quốc viết chữ, nghĩa lý ở chữ, không ở âm; nước ngoài chép âm, nghĩa lý ở âm, không ở chữ”(tr.279) Vậy âm "tết" của ta thật nhiều ý nghĩa, chứ không đơn thuần như chữ "tiết" của Trung Hoa. Chữ “Tết” đứng một mình bao giờ cũng được hiểu ngầm là Tết Cả, Tết Đầu Năm. Nay khảo về Tết Trung Thu, là tết thứ tư theo truyền thống Việt Nam, ta cũng cần biết sơ qua Lễ Tiết Trung Thu của người Trung Hoa.

LỄ TIẾT TRUNG THU Ở TRUNG HOA

Nguồn gốc Lễ Tiết Trung Thu ở Trung Hoa được lưu truyền như sau: Nhà tiền Hán do Lưu Bang lập ra được 210 năm thì mất vào tay Vương Mãng (năm 8). Mãng là tay cách mạng, cũng giống như Hồ Quý Ly của Việt Nam sau này, không ổn định được lòng dân vẫn còn nhớ nhà Hán. Tôn thất nhà Hán là Lưu Diễn cùng em là Lưu Tú tôn Lưu Huyền (cùng là cháu sáu đời vua Cảnh Đế) làm Hán Đế, khởi binh đánh Vương Mãng ở Hà Nam. Tục truyền rằng có lần quân Lưu Tú bị quân Vương Mãng vây rất nguy ngập. Tú cho người cầu viện. Nhưng viện binh chờ mãi chưa thấy mà lương trong thành đã cạn sạch. Quân lính đào hết củ nọ rễ kia để ăn cũng hết. Lưu Tú lấy làm lo sợ, bèn thiết đàn cầu khẩn trời đất xin được lương nuôi quân. Người ta tin rằng nhờ lòng thành của Lưu Tú, và nhất là nhờ chân mạng đế vương, mà hôm sau trời ban cho một loại củ ăn rất bùi. Đó là củ khoai môn. Quân sĩ đào được loại khoai này ăn nhiều quá đâm ra sình bụng. Báo hại Lưu Tú lại phải thiết đàn cầu khấn lần nữa. Lần này trời cho một loại quả vừa chua vừa ngọt. Đó là trái bưởi. Quân sĩ kiếm được trái bưởi ấy thích quá ăn đẫy vào. Nhờ thế lại trị được bệnh sình chướng và táo bón. Bấy giờ vào đúng tiết thu phân, rằm tháng tám. Quân Lưu Tú lai rai ăn khoai môn với bưởi chờ viện binh rồi đánh lui được quân Vương Mãng ở Côn Dương, Hà Nam. Đây là trận chiến quyết định, oai danh anh em Lưu Tú nổi như sóng cồn. Lưu Huyền nghi kỵ bèn giết Lưu Diễn, phong Lưu Tú làm Phá Lỗ Tướng Quân, hợp cùng quân các nơi đánh vào Trường An, giết được Vương Mãng năm 23. Lưu Huyền lên ngôi đế hiệu là Cảnh Thủy. Ông vua này nhu nhược và nghi kỵ, chẳng bao lâu bị loạn “Xích Mi” giết. Trong khi đó Lưu Tú được lòng dân quân đã lên ngôi hoàng đế vào năm 25 ở Cảo Nam, Hà Bắc; hiệu là Quang Vũ. Việc bình định thiên hạ mãi đến năm 43 mới kết thúc, sau khi Mã Viện thắng Hai Bà Trưng ở Việt Nam. Vua Quang Vũ nhớ ơn trời đất đã cho khoai môn và trái bưởi năm nào để dẫn đến vinh quang bây giờ, bèn ra lệnh làm lễ tạ ơn vào ngày rằm tháng tám. Phẩm vật chính là khoai môn và trái bưởi. Lễ tổ chức hàng năm, truyền khắp dân gian, lâu ngày thành lệ. Về sau người ta mới thêm các loại bánh trái , cùng nghi thức yến ẩm khác để trở thành đại lễ tiết Trung Thu. Tuy nhiên lễ tiết này không bao giờ thiếu khoai môn và trái bưởi.
Đến đời Đường Minh Hoàng (713-741) lễ tiết trung thu trở nên phong phú như ngày nay với hình ảnh tiên nga múa khúc nghê thường v.v.
Vậy lễ tiết Trung Thu ở Trung Hoa có lẽ có từ thập kỷ 40.

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

tình sử: lông ngỗng mỵ châu (5)


ngàn thu khói nhang

Thiên tình sử Lông Ngỗng Mỵ Châu có nhiều nhân vật và nhiều cái chết. Trong các nhân vật, đặc biệt có con rùa vàng được gọi kính trọng là Thần Kim Qui. Thần xuất hiện trước khi Mỵ Châu chào đời. Thần giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa, lại trút móng giúp làm khí giới giữ thành. Vậy Thần chính là hiện thân của chiến tranh. Khi chiến tranh kết thúc bằng sự chiến bại, Thần đổ hết tội lỗi lên đầu Mỵ Châu, và gây thêm những cái chết đau thương sau chiến tranh. An Dương Vương Thục Phán khi còn trẻ anh hùng hào khí bao nhiêu thì về lâu về dài càng mờ tối bấy nhiêu. Sách Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca dành 2 câu kết cho ông:
Nghe thần, rồi lại tin con
Cơ mưu chẳng nhiệm, thôi còn trách ai?
Nhiệm ở đây có nghĩa là sâu kín. Ông đã lỏng lẻo lơ là và tự đắc để quân địch dùng chiến tranh gián điệp phá tan. Nhưng ông là người của chiến tranh, từ chiến tranh bước ra, thì sự mất đi cho chiến tranh cũng là hợp lý. Cũng như Trọng Thủy xuất hiện trên sân khấu đã là một chiến sĩ điệp báo, thì cái chết sau này dưới giếng Loa Thành cũng hợp lý. Chỉ có Mỵ Châu là oan ức, tức tưởi bằng cái chết do chính cha mình xuống tay. Tội lỗi duy nhất của cô là đã yêu, và tin vào tình yêu. Điều đó có phải là tội lỗi không?
Tôi cho rằng tất cả đều là nạn nhân của chính trị, của chiến tranh xâm lược. Trong bức điêu khắc gỗ minh oan cho một chuyện tình tôi để hai nhân vật Mỵ Châu và Trọng Thủy trên chiếc thuyền rùa cụt đầu. Tôi muốn mượn lưỡi kiếm của An Dương Vương, thay vì chém Mỵ Châu thì chém con rùa vàng (thần kim qui - thần chiến tranh xâm lược)

                                               MINH OAN CHO MỘT CHUYỆN TÌNH
Vũ Tiến Thủy-điêu khắc gỗ-tháng 10/2009

Người ta nhân danh đất nước, nhân danh tổ quốc để chà đạp lên mọi tình cảm riêng tư cao quý. Và nhất là chiến tranh bá quyền, thực dân và xâm lược.
Trong cuốn “Cuộc Đấu Tranh Giành Giật BIÊN GIỚI MỀM” của Thôi Húc Thần ,Tứ Xuyên 1992, chỉ rõ những gì đế quốc Trung Hoa đã đang và sẽ làm trong thế kỷ 21. Mở rộng biên cương giữa Nga, Việt, Ấn…và đặc biệt nới rộng  Biển Đông là một phần chính trong kế hoạch tiến công “biên giới cứng”(địa lý); thương hiệu hàng hóa tràn ngập, tung tiền cho vay nợ (nhất là cho Mỹ vay), phổ biến có tính cách cường điệu về văn hóa tư tưởng…là kế hoạch tiến công “biên giới mềm”. Cũng trong cuốn này, Trung Hoa gọi Việt Nam là một nước “tiểu bá quyền”,cần phải được dạy dỗ.
Đã bao ngàn năm nay, chiến tranh bành trướng cùng với chủ nghĩa bá quyền vẫn diễn ra trên trái đất. Và cũng đã biết bao nhiêu chuyện Mỵ Châu-Trọng Thủy… Và bi kịch Mỵ Châu-Trọng Thủy đã và sẽ vẫn xảy ra khi dã tâm bành trướng đế quốc cả biên giới cứng lẫn biên giới mềm còn theo đuổi.
Những ngày đẹp trời, có những cụm mây trắng nhỏ bay lăn tăn miên man như những chiếc lông ngỗng, tôi lại chạnh nhớ Mỵ Châu. Phải chăng cô muốn nói: chiến tranh ơi đừng đến nữa! Hãy cùng nhau thưởng thức cuộc đời.
Âm vang của Mỵ Châu cùng với nhang khói ngàn thu cùng trôi vào mây trắng.

tường vũ anh thy- san jose tháng 8/2011


kỳ tới: Tình Sử: VẢY RẮN THỊ LỘ


Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

tình sử: lông ngỗng mỵ châu (4)


ngọc trai nước giếng

Khi An Dương Vương thua Triệu Đà, đành đem Mỵ Châu lên ngựa chạy ra biển thì gặp lại Thần Kim Qui. Thần bảo chính Mỵ Châu là giặc. Chắc là lúc ấy vừa mệt mỏi vừa hoang mang vừa tức giận nên nhà vua tin lời thần. Mặc cho Mỵ Châu khóc:
Tôi sinh phận gái vốn hòa nết ngay
Tấm lòng đã cậy trời hay
Hiếu trung thờ chúa thảo ngay thờ chồng
Ai ngờ phải chước anh hùng
Đa đoan cho thiếp thác cùng sự oan
Trông ơn trời đất thứ khoan
Thịt nguyền nên đá máu nguyền nên châu
(thiên nam ngữ lục)
Lời nguyền của Mỵ Châu đã cảm đất trời, nên trai sò ăn máu nàng ruột kết thành ngọc trai. Ngọc trai cũng chính là tên nàng: Trân Châu. Chuyện này làm ta nhớ trái tim chàng ca sĩ Trương Chi cũng kết thành ngọc. Ngọc Trương Chi chỉ có nước-mắt-Mỵ-Nương mới giải được ẩn tình. Còn Ngọc Mỵ Châu chỉ có nước-giếng-Trọng-Thủy mới làm cho rạng rỡ.
Những năm trước công nguyên là giai đoạn vô cùng sôi động để hình thành những thế lực có tính cách chiến lược. Bên Trung Hoa, sau khi nhà Tần suy là cuộc tranh hùng Hán-Sở. Khi nhà Hán thành lập, cũng là lúc Triệu Đà muốn xưng vương đối trọi với nhà Hán. Sự ra đời của nhà nước Nam Việt cần được củng cố và mở rộng. Mộng xâm chiếm nước Âu Lạc do An Dương Vương cũng mới thành lập là mục tiêu số một của Triệu Đà. Nhưng quân Nam Việt đã thất bại trước một đối thủ nhỏ hơn vì Âu Lạc đoàn kết dưới sức mạnh cung nỏ hùng hậu và tài nghệ của An Dương Vương. Tôi mò mẫm đọc lại tất cả các sách sử tiếng Việt có trong nhà như: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Đại Việt Sử Ký, Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, An Nam Chí Lược, Việt Sử Lược, Khâm Định Việt Sử, Việt Sử Tiêu Án, Cổ Sử Việt Nam, Sử Ký Tư Mã Thiên, Trung Hoa Sử Lược, Việt Sử Toàn Thư, Việt Sử Lược, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Việt Nam Thời Khai Sinh, Việt Sử Khảo Luận…để mong tìm không khí trận chiến giữa Nam Việt Triệu Đà và Âu Lạc An Dương Vương. Các sách đều rất vắn tắt, bắt buộc ta phải tưởng tượng và suy luận thêm ra. Vì quyết tâm chiếm Âu Lạc, phe Triệu Đà chắc chắn sẽ tìm hiểu và tìm cách chiến thắng. Trọng tâm là vũ khí chiến thuật và tướng tài. Triệu Đà sẽ tung hàng loạt thám tử và điệp viên sang hoạt động bên Âu Lạc. Gây chia rẽ hàng ngũ triều đình Âu Lạc. Đầu tiên xin hòa, chia đất, chia dân. Bấy giờ An Dương Vương có hai thế lực lớn giúp đỡ: Lạc Hầu giúp chiến lược tham mưu, Cao Lỗ giúp vũ khí chiến thuật. Chính Cao Lỗ là người chế tạo và giám sát nỏ thần. Hai nhân vật này Triệu Đà muốn loại bỏ trước khi cho Trọng Thủy sang ở rể. Ta có thể tưởng tượng cuộc đi đêm của họ vô cùng ráo riết. Tôi hơi dài dòng ở đây vì muốn nêu rõ vai trò của Trọng Thủy. Tuy là thế tử nhưng Trọng Thủy cũng bị xử dụng như một nước cờ của Triệu Đà mà thôi. Trọng Thủy chắc sẽ hăm hở và đầy hùng tâm thực hiện kế sách cho tương lai đất nước, và cho chính sự nghiệp của mình. Và rồi…như ta đã biết: những tháng ngày tuyệt đẹp, bên một người tuyệt đẹp, một trái tim trong trắng tuyệt đẹp là công chúa Mỵ Châu; họ đã cho ra đời một hoàng nam kháu khỉnh. Chắc chắn Trọng Thủy không quên người mẹ ruột cũng là dân Âu Lạc với Mỵ Châu bây giờ trở thành bà nội của cháu bé. Và ngay cả An Dương Vương cũng thật thà định bụng truyền ngôi cho cháu ngoại. Dưới mắt Trọng Thủy, ông không còn là đối thủ, mà là người cha vợ đáng thương kính. Những đan xen khắng khít chằng chịt của tình cảm không thể không dày vò tâm trí Trọng Thủy. Liệu rồi đây khi hai nước can qua thân mạng của tất cả mọi thương yêu sẽ ra sao. Bên tình bên nước thực là khó thay. Khi guồng máy chạy, tất cả đều bị lôi kéo theo không cách nào tránh được. ( Nhớ cuốn Giòng Sông Thanh Thủy của Nhất Linh có nói rất rõ ràng thơ mộng nhưng cũng rất lạnh lùng tàn nhẫn của cái "guồng máy" này.) Trọng Thủy đành bàn với Mỵ Châu kế hoạch tìm nhau trong khói lửa. Chắc thâm tâm Trọng Thủy đã quyết định dù thế nào cũng sẽ cùng sống chết với Mỵ Châu. Hy vọng của Trọng Thủy là vãn hồi được chút gì đó sau chiến tranh. Nhưng than ôi sau chiến tranh chỉ là xác Mỵ Châu đầy máu! Trọng Thủy thừa hiểu kết cục này do chính mình gây ra, hoặc do chính mình không thể cứu vãn. Khi ôm xác Mỵ Châu về chôn cất ở Cổ Loa, Trọng Thủy đã nghĩ đến cái chết. Tự tử xuống giếng để tạ tội với Mỵ Châu, và còn để phản đối vua cha Triệu Đà.
Mặc dù làng Cổ Loa ghét cay ghét đắng Trong Thủy, nhưng trong làng vẫn có giếng Trọng Thủy, và dân làng vẫn phải công nhận ngọc trai đem về rửa nước giếng Trong Thủy thì sáng đẹp hơn ra. Nước giếng Trọng Thủy nổi danh đến độ nhà nước Trung Hoa đòi tiến cống. Lệ tiến cống trong đó có một hũ nước giếng Loa Thành suốt   từ thời bắc thuộc. Mãi tới thời Lý(1009-1225) mới bỏ. Nhưng sau đó lại tiếp tục dưới thời Lê, Mạc. Trong cuốn Truyền Kỳ Mạn Lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án (đầu thế kỷ 19) kể chuyện ông Nguyễn Công Hãng đang giữ chức Binh Bộ Tả Thị Lang thời Án Đô Vương Trịnh Cương(1709-1729) làm chánh sứ sang Tầu tiến cống: ” “Lại còn việc bắt cống hũ nước rửa ngọc trai lấy ở giếng Loa Thành (theo sự tích Trọng Thủy-Mỵ Châu), ông cũng bỏ đi, mà lấy nước giếng ở Ba Sơn đem cống. Họ thử không thấy hiệu nghiệm, liền trách, ông nói:” Đó là vì khí mạch của giời đất, lâu ngày tất nhiên phải đổi.”  (bản dịch Đạm Nguyên). Tuy cách cư sử của tiến sĩ Nguyễn Công Hãng có hơi trí trá, ra điều khinh vua quan nhà Thanh không biết gì, nhưng cũng từ đó lệ tiến cống nước giếng Loa Thành được bãi bỏ. Xem thế đủ biết ngọc trai rửa bằng nước giếng Cổ Loa thì sáng đẹp ra là có thật. Ta không cần con mắt khoa học phân chất nước giếng, mà hãy nhìn vào hiện tượng này để thấy hai cái chết đau thương đã quyện vào nhau cho một lời lý giải.

(còn một kỳ)


    Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

    tình sử: lông ngỗng mỵ châu (3)


    bún mềm trong tiệc cưới

    Làng Cổ Loa gần Hà Nội có đền thờ An Dương Vương và đền thờ Mỵ Châu. Trong đền thờ Mỵ Châu có tảng đá lớn giống hình phụ nữ không đầu ngồi xếp bằng, hai tay để lên đầu gối. Người ta tin rằng đó là xác Mỵ Châu trôi từ biển về. Dân làng tuyệt giao với một làng khác cách khoảng 15 cây số, vì làng này thờ Trọng Thủy. Họ căm ghét Trọng Thủy là ngoại nhân phản phúc. Dân làng còn có lệ nếu con gái trong làng mà lấy chồng khác làng thì cấm tuyệt hai vợ chồng không được về lại làng Cổ Loa, vì họ sợ sẽ tái diễn chuyện cũ như kiểu Trọng Thủy. Đành rằng những chuyện và sự kiện này phát xuất từ lòng yêu nước và lòng yêu lẽ phải, nhưng cũng hơi quá đáng. Sự thật  Mỵ Châu cũng không phải là thuần Việt (Văn Lang) mà đã lai với Ba Thục,Tây Vu. Còn Trọng Thủy cũng không phải thuần Tầu, mà đã lai với Việt. Mẹ Trọng Thủy họ Trình ở làng Đường Thâm tỉnh Thái Bình, nơi có đền thờ Triệu Đà và bà họ Trình cũng được thờ phụ. Ta cũng nhớ rằng sau khi chiến thắng, Triệu Đà sát nhập nước Âu Lạc vào Nam Việt, chia và đặt tên là quận Giao Chỉ và quận Cửu Chân. Đến năm 137 trước tây lịch, Triệu Đà mất, truyền ngôi cho cháu đích tôn là Triệu Hồ, con trai Trọng Thủy và Mỵ Châu. Đây cũng có thể là đoạn kết của mối tình sử éo le ngang trái đầy nước mắt.
    Thuở nhỏ ở Thái Bình, tôi từng nghe rất nhiều chuyện về Mỵ Châu & Trọng Thủy. Một chuyện đáng nhớ nhất là bún mềm trong tiệc cưới. Người ta kể rằng Trọng Thủy rất đẹp trai, mới gặp là Mỵ Châu đã xiêu lòng. Cuộc đính ước xuông xẻ. Đến ngày cưới, chính Mỵ Châu lo tổ chức rất đình đám. Bấy giờ, mọi sinh hoạt đều bình dị thoải mái, không có nhiều nghi lễ, dù ở trong cung vua.(nhắc lại: cái lễ nhạc của Trung Hoa chưa xiềng xích nước ta.) Để chuẩn bị thức ăn cho tiệc cưới, ai cũng phải thức khuya dậy sớm đôn đáo lắm. Một đêm, làm việc khuya, mệt và đói, cả vua lẫn công chúa đều muốn ăn chút chút. Công chúa bèn cùng thị nữ xuống nhà bếp xem. Họ đến khu làm bánh thì thấy một người đứng ngủ gục bên nồi nước sôi, tay vẫn cầm cái rây bột. Mỵ Châu nổi tính trẻ thơ đưa ngón tay lên môi ra hiệu cho thị nữ đừng lên tiếng. Rồi nàng quành ra sau lưng người đầu bếp. Nàng bắt chước tiếng gà gáy, bất ngờ gáy to sát tai anh ta: "ò ó o .o.o...!" Anh ta choàng tỉnh, hốt hoảng thấy công chúa, vội quỳ xuống. Mỵ Châu cười xòa hỏi: “Mi nấu cái chi ?” Không đợi trả lời, nàng dòm vào nồi nước sôi, lấy vợt vớt ra những cọng bột chín. Nàng ăn thử, khen, và hỏi:”mi làm cái này hử?” Anh đầu bếp lắp bắp:” dạ…da…bẩm…dạ bẩmm…bbu”  Mỵ Châu cười khanh khách bảo: “thôi được rồi. Đưa cái rây cho ta.”  Đêm đó Mỵ Châu say mê làm ra cái mà ta gọi là bún. Và trong tiệc cưới Mỵ Châu, món bún trở thành món chính để đãi nhà trai Trọng Thủy. Ai ai cũng tấm tắc khen là tuyệt diệu, ăn kèm với đậu phụ rán chấm mắm tôm chanh! Món bún bất ngờ cũng là tấm lòng Mỵ Châu mềm mại mà sau này đã chinh phục được Trọng Thủy. Tôi kể chuyện này hoàn toàn dựa vào lời kể của các cụ xưa, không có chứng cớ. Nhưng câu chuyện dù giả hay thật vẫn nói lên một điều: Mỵ Châu yêu Trọng Thủy, và tình yêu ấy được đáp đền, dù bước đầu Trọng Thủy chỉ là một tên gián điệp có sứ mạng lấy lòng Mỵ Châu để thực hiện âm mưu chiến tranh.
    (còn nữa)



    Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

    tình sử: lông ngỗng mỵ châu (2)





    Thục Nam Trân Châu

    Mỵ Châu tên thật là Thục Nam Trân Châu (tôi suy luận từ tài liệu của Trần Quốc Vượng: Ở lưỡng Quảng có Việt-Kiệu-Thư chép người Đông-man nước Nam Việt thời Tần rất mạnh, có phép dùng nỏ tài tình, mũi tên bằng đồng bắn xuyên hàng chục người. Triệu Đà rất sợ. Vua Man (chỉ An Dương Vương) có con gái là Nam Trân (chỉ Mỵ Châu) xinh đẹp và giỏi nghề làm nỏ. Triệu Đà bèn sai con (chỉ Trọng Thủy) sang cầu hôn ở rể để học nghề. Trọng Thủy học được cách chế nỏ và phá nỏ, ba năm sau bỏ về, rồi cùng Triệu Đà đem quân đánh Nam Việt. | tôi cũng đồng ý việc dùng chữ “mỵ” như “mỵ-nương” chỉ có nghĩa là cô, nàng; của những nhà quyền quí.) Nhưng đã từ lâu dân gian gọi là Mỵ-Châu, tên thân mật và quen thuộc rồi. Cứ theo các truyền thuyết từ lịch sử đến truyền miệng thì Mỵ Châu là con gái duy nhất của An Dương Vương Thục Phán. Có lẽ vua không có con trai. Vì là con độc nhất nên Mỵ Châu càng được vua cha cưng chiều. Vua đặt tên Châu hoặc Trân Châu là có ý quí trọng đặc biệt. Sách Thiên Nam Ngữ Lục ca tụng Mỵ Châu :
    Dốc bề trọn đạo tam tòng
    Chẳng đua quyền quí, chẳng lung gian tà
    Vẹn thời sau trước nết na
    Thái Khương ấy tiết, Hằng Nga ấy lòng
    Mỵ Châu giỏi nghề làm tên và nỏ. Đây là nghề bí mật quân sự của quốc gia. Thiên Nam Ngữ Lục mô tả:
    An Dương có nỏ vuốt rùa thiêng thay
    Bắn ra lửa cháy khói bay
    Chết binh tên lại về ngay tay người
    Vũ khí tinh xảo và hữu hiệu này chắc chắn phải rất khéo léo đặc biệt mới chế tạo được. Linh thiêng hay ảo diệu chính lại cần cái vuốt móng rùa làm lẫy. Mỗi lần bắn, tên ra liên tiếp 10 mũi. Mấy trăm năm sau, thời Tam Quốc bên Trung Hoa mới thấy nhà quân sự thiên tài là Gia Cát Khổng Minh nói (trước khi chết) với người kế nhiệm là Khương Duy:  “Ta có phép bắn nỏ " tên ra liên tiếp"  nhưng chưa từng dùng đến. Theo phép chế: tên dài 8 tấc, mỗi lần giương là bắn 10 mũi tên một loạt, ta đã vẽ thành đồ bản. Ngươi nên y theo phép chế tạo mà dùng.”(Tam Quốc Chí diễn nghĩa, bản dịch của Tử Vi Lang) Nhưng sau đó không thấy Khương Duy áp dụng. Có lẽ vì thiếu cái móng vuốt rùa chăng? Bởi cứ như Thiên Nam Ngữ Lục kể thì Trọng Thủy tuy lấy cắp được móng rùa, nhưng về đến sông Đại Bàng, đêm ngủ bỗng móng rùa vụt rơi xuống nước mất. Như vậy cách chế tạo bị thất truyền ? Ta đã biết nước Âu Lạc do Thục An Dương Vương gồm thâu nước Văn Lang của Hùng Vương từ những năm 257 trước công nguyên. (nhân đây cũng nên nói qua về “18 đời Hùng Vương” chỉ là cách gọi tượng trưng cho một giai đoạn lịch sử dài dựng nước của người Lạc Việt từ năm 2879 trước tây lịch đến năm 257 trước tây lịch. Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn, vừa dựng vừa giữ nước. Chử Đồng Tử là người đã chinh phục được đầm lầy, và sẽ là người xây dựng nền văn minh đầm lầy cho nước Văn Lang bằng cách du nhập văn minh Hy Mã Lạp Sơn rất hòa bình vào văn minh bản địa Hoàng Liên Sơn. Sau năm 257 trước tây lịch, nước Âu Lạc ra đời sẽ phải đối đầu với văn minh lục địa Trung Hoa đã bị xiềng xích bằng “ lễ nhạc Khổng Khâu”. Từ đây người Việt luôn luôn bị giằng co, và từng bị giày xéo bởi lễ giáo Trung Hoa. Ta đang nói về giai đoạn đầu tiên, trước khi Triệu Đà thần phục nhà Hán.)
    Chính vì được yêu quí tin cậy như thế mà sau này Mỵ Châu bị dính mắc vào sự dòm ngó của ngoại bang. Tin tức tình báo của quân Triệu Đà về một  công chúa đẹp đẽ và tài giỏi của An Dương Vương đã xây dựng kế hoạch cầu hôn và ở rể. Trọng Thủy thực hiện gian kế này thật là xuất sắc. Trong vòng 3 năm anh ta được kể như là người của Âu Lạc (giống như được nhập tịch). Cũng như bao nhiêu điệp viên thời chinh chiến,  bằng bất cứ giá nào, Trọng Thủy vẫn phải hoàn tất điệp vụ của mình. Thiên Nam Ngữ Lục kể hai vợ chồng Trọng Thủy –Mỵ Châu có một con trai. Dĩ nhiên An Dương Vương sẽ mừng vui vì có  người thừa-kế. Và Trọng Thủy càng được tin cậy, đến độ được tham dự vào việc binh bị vũ khí bí mật quốc phòng. Người gián điệp Trọng Thủy phải tính ngay đến cuộc tháo chạy an toàn sau khi phá hủy được vũ khí địch và nắm giữ được bí quyết chế tạo. Nhưng có lẽ tình và con người của Mỵ Châu đã phần nào cảm hóa và ảnh hưởng được Trọng Thủy, nên những ngày tháng cuối cùng anh ta mới bàn với Mỵ Châu kế hoạch “tìm nhau trong khói lửa”.
    (còn nữa)









    Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

    tình sử: lông ngỗng mỵ châu




    Một đôi kẻ Việt người Tần
    Nửa phần ân ái, nửa phần oán thương
    Vuốt rùa chàng đổi móng
    Lông ngỗng thiếp đưa đường

    Thề nguyền phu phụ
    Lòng nhi nữ
    Việc quân vương
    Duyên nợ tình kia dở dở dang

    Nệm gấm vó câu
    Trăm năm giọt lệ
    Ngọc trai nước giếng
    Ngàn thu khói nhang

    Đó là bài TRỌNG THỦY-MỴ CHÂU của Tản Đà (1889-1939). Còn trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái (bản của Hoàng Xuân Hãn in tại Sài Gòn 1956) kể chi tiết:

    Mặt ngoài hai nước phân cương
    Mà trong Triệu lại mở đường thông gia
    Nghĩ rằng Nam-Bắc một nhà
    Nào hay hôn-cấu lại ra khấu-thù
    Thục-Cơ tên gọi Mỵ-Châu
    Gả cho Trọng-Thủy con đầu Triệu Vương
    Trăm năm đã tạc đá vàng
    Ai ngờ thế-tử ra đàng phụ ân
    Tóc tơ tỏ hết xa gần
    Thừa cơ đem máy nỏ thần đổi đi
    Tỉnh-thân giả tiếng bắc qui
    Đinh ninh dặn hết mọi bề thủy chung
    Rằng:”Khi đôi nước tranh hùng
    Kẻ Tần người Việt, tương phùng đâu đây?
    Trùng lai dù họa có ngày
    Nga mao xin nhận dấu này thấy nhau”
    Cạn lời, thẳng ruổi vó câu
    Quản bao liễu oán, hoa sầu nẻo xa!
    ……………………
    Chữ “nga mao” nghĩa là lông ngỗng, hai ông Ngọc Hồ & Nhất Tâm ghi chú: “ có 2 thuyết: một nói gối dồn bằng lông ngỗng, một nói áo dệt bằng lông ngỗng. Không rõ Mỵ Châu dùng thứ nào để rắc dọc đường.” Trong cuốn Lĩnh Nam Chích Quái, Lê Hữu Mục dịch là “nệm gấm lông ngỗng” và chú thích: “ dịch chữ nhục. Có người dịch là áo choàng e không đúng. Nhưng thực ra nệm gấm mà thường mang trên người thì cũng là một thứ áo choàng.” Tác giả Hoàng Cơ Thụy trong Việt Sử Khảo Luận in ở Pháp năm 1987 có nhận xét: “ Tưởng cũng nên thêm vài lời về “nệm gấm lông ngỗng”; phải chăng tác giả cuốn Chích Quái lầm chữ “gấm”, chứ thời An Dương Vương đã làm chi có gấm, nhiều lắm là vải thường mà thôi. Nhưng ta nên để ý đến những cái lông ngỗng gài trên nệm: phải chăng đó là lông con chim Hồng, vật tổ của dân Lạc Việt, nay đã thành ra hiếm, chỉ công chúa Mỵ Châu mới còn có mà thôi?” Đến đây thì câu chuyện bắt đầu xa rồi, là lông ngỗng hay lông hồng, là chăn nệm hay áo choàng áo gối thì rõ ràng Mỵ Châu có một thứ làm bằng lông vũ, nàng đã bàn bạc với Trọng Thủy từ trước, đem theo trên đường chạy loạn; và nàng đã rải suốt dọc đường để làm dấu cho người chồng người tình của nàng. Hành động này mặc nhiên xác nhận rằng nàng vẫn yêu, vẫn tin vào tình yêu. Vì thế câu chuyện kể của làng Cổ Loa ở đoạn cuối không có lý. Làng Cổ Loa kể rằng: sau khi vua cha An Dương Vương chém con gái theo lời yêu cầu của Rùa Vàng thì xác Mỵ Châu liền biến thành đá trôi về làng Cổ Loa báo mộng cho dân làng khiêng về thờ. Còn Trọng Thủy không tìm thấy xác Mỵ Châu… Sau hồn Mỵ Châu dìm chết Trọng Thủy...Câu chuyện dài dòng và không đẹp. Sau đây tôi phối hợp từ nhiều nguồn tài liệu, phân tích thiên tình sử Lông Ngỗng Mỵ Châu.
    (còn tiếp)




    Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

    thơ rượu II

    rượu còn có ly

    đời lưu lạc lại thêm dâu bể
    sầu thêm sầu tội lắm người ơi
    người ơi rượu có tiêu sầu?
    sầu không có mắt rượu còn có ly

    rượu kể

    nhưng uống rượu thấy đã đời…dâu bể
    trước phải kể rượu làm ta thích kể
    kể đời ta kể đời bạn kể đời người
    kể với rượu kể với ta kể với bóng
    kể lóng ngóng như lần đầu mới kể
    ví dầu rượu chẳng tiêu sầu
    thì men rượu cũng cầm nhầm được tay…ai
    ví dù đếm một thành hai
    thì mai kia mốt nọ lọ chai anh đền

    tường vũ anh thy 
    xem lại :

    thơ rượu