điêu khắc

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

lúa ba trăng

lúa ba trăng hà tĩnh
nở thành gạo qui nhơn
đê thái bình đổ lụt
chảy lên rừng cao nguyên
trên đỉnh hoàng liên sơn
thấy đồng bằng sông cửu
khói sương trời đà lạt
rơi một hạt cúc trai
giữa hai bờ giếng giêng hai
mắt ai ngăn ngắt tình ai chập chùng

trăng soi giếng cũ trăng lùi lại
nước gặp trăng xưa nước ngậm ngùi
ở bên này núi trăng còn sáng
cuối cánh rừng kia đã tối sầm
tối rồi một cánh chim hờ hững
bay ở cà mau lững thững buồn

lúa ba trăng hà tĩnh
nở thành gạo qui nhơn
biển thái bình phan thiết
vỗ miết bờ quê hương
núi đồi trăm nhớ ngàn thương
nhớ trăm nỗi nhớ ngàn thương phận người

tvat 18/3/89

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

mưa bất chợt trưa chủ nhật ở san jose


mưa ở đầu thu em ở đâu
giọng mưa rất khẽ ngoài hiên nhà
ta ngồi trong mộ-đời-lưu-lạc
thấy tầng mây thấp phủ bàn chân
ta chờ mộ mở chờ tim mở
nở hộ ta một đóa tơ mưa
những giọt mưa bỗng thành giọt nhạc
dạo khắp không gian tiếng nổi chìm
ta nhìn trong đáy ly vàng óng
thoáng bóng ta nhòa theo bóng chim
tơ mưa vương vấn như tơ rượu
rượu hết chai còn hương vẫn say

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Nguyễn Du, và Người Đàn Hát Thành Thăng Long




Quan tổng trấn (tuyên phủ) thành Thăng Long bấy giờ là Nguyễn Văn Thành, nhân dịp phái đoàn Nguyễn Du đi sứ, qua Bắc Hà, bèn tổ chức một buổi văn nghệ tiếp đón. Đây cũng là dịp để một số cựu thần nhà Lê gặp gỡ. Nguyễn Du từng dự rất nhiều cuộc trình diễn văn nghệ, và ông rất thích. Nhưng lần này tâm hồn ông còn xao xuyến về cuộc đổi đời, còn ngậm ngùi về cuộc thay tên, nên tuy dự tiệc mà lòng ông hiu hắt xa xôi. Lại nữa, trên những khuôn mặt phấn son diêm dúa kia, trong lối phục sức xa hoa nọ, cùng tiếng đàn giọng hát xa lạ, càng làm ông thờ ơ lãnh đạm. Nguyễn Du rất sành âm điệu, ông đã từng đánh trống, cầm phách, thổi tiêu và gẩy đàn. Ông nhận thấy các đội nữ nhạc thay nhau múa hát đêm nay, rặt một điệu tầm thường nhàm chán.
Hình như mỗi lần nghe hát là mỗi độ bùi ngùi, Nguyễn Du lại mơ màng về dĩ vãng xa xăm. Trong cái không khí ồn ào tưng bừng của buổi tiệc văn nghệ hôm nay, kẻ nói người cười, ông chợt thấy mình thực sự là một kẻ xa lạ, vĩnh viễn lạ xa…Nguyễn Du toan tìm cách ra ngoài thì tai ông chợt rung lên một nốt nhạc trong trẻo : tiếng đàn Nguyễn – đàn cầm!
Đó là tiếng đàn rất thịnh hành ở phủ chúa Trịnh ngày xưa. Bất giác Nguyễn Du đảo mắt tìm người đánh đàn. Mãi cuối chiếu của một sân khấu thu hẹp, ông nhận ra một người đàn bà gầy gò tiều tụy. Nàng mặc toàn một thứ vải thô bạc thếch và vá nhiều mảnh nhỏ. Mười ngón tay nàng xạm đen lặng lẽ gẩy đàn. Tiếng đàn càng ngày càng êm dịu và thân thuộc. Ông không thể lầm được: đó ắt phải là khúc nhạc Cửa Quyền. Nàng là ai ? Khuôn mặt nàng cũng xạm đen đầy vẻ dãi dầu, mái tóc lốm đốm hoa râm phơ phất, toàn thân nàng như một cây chuối khô giữa mùa đông giá. Nàng chẳng hề nói, chẳng hề cười. Nhưng tiếng đàn lại tươi như mùa xuân và thân quen như cỏ xanh.
Lòng tôi bỗng rưng rưng. Tiếng đàn cầm trôi nổi bồng bềnh như ru tôi về với giấc mộng xa xưa, như xô tôi tới cuối trời mây trắng. Bây giờ là tháng giêng ở Thăng Long. Ngoài kia trăng chắc là sáng lắm.
Bữa tiệc rồi cũng tàn. Đêm vui rồi cũng hết. Nguyễn Du nao nức  cố tìm cách gặp người đàn bà gẩy đàn cầm. Trong cái không khí nhốn nháo chào hỏi tan hàng, ông đến được nơi người đàn bà ấy. Ông dịu dàng nhìn vào đôi mắt nàng. Đôi mắt ấy nghẹn ngào cúi xuống. Mái tóc hoa râm như cánh rừng thưa trụi lá. Đôi vai nàng như đôi vai của một cánh chim gặp mưa giữa trời bão tố. Ông vẫn dịu dàng nhìn nàng – nhìn những phương trời thăm thẳm nỗi phôi pha. Ngày xuân mòn mỏi má hồng phôi pha. Nàng ngập ngừng, không nhìn lại ông, nhưng ông nghe rất rõ tiếng nàng hỏi:
-      Ngài có phải là cậu Bẩy con quan cố Tham Tụng không?
-      Vâng…
Vâng! Chính tôi là người ấy. Chính người ấy là tôi…
-      Vâng! Cô Cầm ???
-      Vâng…
Ôi Cầm Nương! Chính là nàng! Tôi vẫn ngờ ngợ là nàng. Nhưng mà trời ơi rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao.
Tại sao lại là Cầm Nương được chứ? Người nữ danh ca ấy ở Thăng Long không ai biết rõ tên họ. Thuở nhỏ nàng học đàn cầm trong đội nữ nhạc ở cung vua Lê. Vì thạo đàn cầm nên người ta quen gọi là Cầm Nương. Khi Tây Sơn kéo quân ra chiếm Bắc Hà, các đội nữ nhạc nhà Lê, người chết, kẻ lưu lạc. Nàng vẫn ôm giữ cây đàn trăng. Vì những khúc hát nàng thuộc toàn là các khúc cung phụng gẩy cho vua nghe, người ngoài không hề biết, nên tài nghệ và tiếng tăm  nàng nổi nhất một thời.
Bấy giờ tôi còn trẻ (25 tuổi) thỉnh thoảng về Thăng Long thăm anh Nguyễn Nễ, ở trọ gần Giám Hồ (hồ Gương). Gần đấy, quan quân Tây Sơn thường mở những cuộc hát lớn, toàn là danh ca lộng lẫy, hàng vài chục người. Nàng nhờ tiếng đàn cầm mà nổi tiếng là đệ nhất danh ca Bắc Hà. Nàng vừa hát hay, lại vừa khéo nói khôi hài. Nàng còn có thể sáng tác những khúc ca mới phổ vào cây đàn Nguyễn. Khắp mặt tướng sĩ Tây Sơn đều mê đắm điên đảo, đua nhau thưởng từng bát rượu, nàng uống hết ngay. Tiền thưởng cùng với gấm vóc lụa là đầy mặt đất. Tôi đứng trong bóng tối, nhìn không rõ mặt nàng. Mãi sau mới gặp ở nhà anh tôi. Người nàng thâm thấp, má bầu, nhan sắc không phải là chim sa cá lặn, nhưng trắng trẻo đầy đặn, khéo trang điểm, lông mày thanh, áo hồng, quần lụa cánh chả hay xanh nhạt đầy vẻ phong nhã. Nàng ưa uống rượu, pha trò, đôi mắt long lanh kiêu sa như không để mắt tới ai. Tôi có nhiều dịp uống rượu và chơi thuyền cùng nàng…
Sau đó vài năm tôi dời nhà về Nam, từ đó không gặp nàng…
-      Cô Cầm! Thế rồi sau đó ra sao ?
-      …nay tuổi đã già, sắc đã nhạt, thiếp thuê tạm gian nhà lá ở ngoại thành. Thỉnh thoảng các quan yến tiệc, hay dân gian tế lễ, lại tìm thiếp đến hát. Than ôi! Giang hà nhật hạ, món tiền thù tặng ít ỏi, nhưng cũng nhờ đấy làm kế sinh nhai cho qua ngày đoạn tháng. Thiếp nghĩ tủi phận mình kém người ca nữ trên bến Tầm Dương
Nàng kể giọng sập sùi. Ông lặng người đi.
Than Ôi! Người nữ danh ca ấy sao ra nông nỗi thế! Nguyễn Du bồi hồi. Lại suốt đêm ông không yên giấc. Ông cứ đi ra đi vào, ngẩng lên cúi xuống, ngậm ngùi cho cảnh xưa và cảnh nay. Trăm năm trong cõi người ta, cái vui cái khổ khéo là đắng cay. Trải qua một cuộc đổi thay, những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Cuộc gặp gỡ kỳ lạ này, sau khi từ biệt, khiến ông cảm thương vô hạn. Trên đường đi sứ, trước khi vào đất Trung Hoa, Nguyễn Du làm xong bài trường ca: 

Long Thành Cầm Giả Ca

Long thành giai nhân
Tính thị bất ký thanh
Độc thiện Nguyễn cầm
Cử thành chi nhân dĩ Cầm danh
Học đắc tiên triều cung trung "cung phụng khúc"
Tự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh

Dư ức thiếu thời tằng nhất kiến
Giám Hồ hồ biên dạ khai yến
Kỳ thời tam thất chính phương niên
Hồng trang yểm ái đào hoa diện
Đà nhan hám thái tối nghi nhân
Lịch loạn ngũ thanh tùy thủ biến
Hoãn như sơ phong độ tùng lâm
Thanh như song hạc minh tại âm
Liệt như Tiến- phúc -bi đầu toái tích lịch
Ai như Trang Tích bệnh trung vi Việt ngâm
Thính giả mĩ mĩ bất tri quyện
Tiện thi trung- hòa đại nội âm

Tây Sơn chư thần mãn tọa tận khuynh đảo
Triệt dạ truy hoan bất tri bão
Tả phao hữu trịch tranh triền đầu
Nê thổ kim tiền thù thảo thảo
Hào hoa ý khí lăng vương hầu
Ngũ -Lăng thiếu niên bất túc đạo
Tính tương tam thập lục cung xuân
Hoạt tố Trường An vô giá bảo

Thủ tịch hồi đầu nhị thập niên
Tây Sơn bại hậu dư Nam thiên
Chỉ xích Long Thành bất phục kiến
Hà huống thành trung ca vũ diên
Tuyên phủ sứ quân vị dư trụng mãi tiếu
Tịch trung ca kỹ giai niên thiếu
Tịch mạt nhất nhân phát bán hoa
Nhan sấu thần khô hình lược tiểu
Lang tạ tàn mi bất sức trang
Thùy tri tựu thị đương thời thành trung đệ nhất diệu


Cựu khúc thanh thanh ám lệ thùy
Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi
Mãnh nhiên ức khởi nhị thập niên tiền sự
Giám Hồ tịch trung tằng kiến chi

Thành quách suy di nhân sự cải
Kỷ xứ tang điền biến thương hải
Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong
Ca vũ không di nhất nhân tại
Thuấn tức bách niên năng kỷ thì
Thương tâm vãng sự lệ triêm y
Nam hà qui lai đầu tận bạch
Quái để giai nhân nhan sắc suy

Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng
Khả liên đối diện bất tương tri

Bài Ca Người Gẩy Đàn Thành Thăng Long

Rằng thưa người đẹp Long thành
Họ tên không rõ rất rành cầm chương
Khắp thành đều gọi Cầm Nương
Một cung “phụng khúc” còn nhường cho ai
Khúc từ triều trước cung ngai
So ra tiên giới trần ai nào bằng

Nhớ ta hồi trẻ gặp nàng
Hồ Gương dạ tiệc tuổi vàng đôi mươi
Xiêm hồng ánh mặt càng tươi
Rượu nồng nồng đượm càng mười phần ưa
Năm cung thánh thót tay đưa
Khoan như gió thoảng trên rừng thông xanh
Trong như tiếng hạc mây lành
Mạnh như tiếng sét tan tành đá bia
Buồn như Trang Tích xưa kia
Ốm đau tiếng Việt đầm đìa hát ngâm
Người nghe như nín như câm
Ấy đàn cung cấm ấy âm trung hòa

Tây Sơn văn võ mấy tòa
Thâu đêm say đắm la đà chứa chan
Kẻ quăng người ném tiền ban
Nghìn vàng như thể tro tàn đất nâu
Hào hoa rất mực vương hầu
Ngũ Lăng bọn trẻ còn lâu mới bì
Nàng đà vô giá kinh kỳ
Với băm sáu ngón xuân thì kiêu sa

Hai mươi năm thấm thoát qua
Tây Sơn thua trận còn ta lìa nhà
Từ Nam ngàn dặm trăng tà
Thăng Long không thấy huống là tiệc hoa
Nay quan tuyên phủ tiếp ta
Họp thương nữ trẻ hát ca vang lừng
Nhác trông một vẻ ngập ngừng
Hình dung tiều tụy lưng chừng tóc râm
Phấn son nhạt nét mi tàn
Nào ai biết đấy tiếng đàn không hai

Khúc xưa lời xoáy bên tai
Lặng nghe tê tái như mài ruột gan
Nhớ ra hai chục năm dài
Giám Hồ thuở đó một nàng ở trong

Người dời thành đổ quách long
Ruộng dâu một sớm vào lòng biển xanh
Tây Sơn nghiệp sạch sành sanh
Còn trơ khúc hát võ vàng ca nhi
Trăm năm chớp mắt ra gì
Thương tâm chuyện trước khóc vì chuyện sau
Ta về đầu bạc như lau
Giai nhân sắc cũng phai màu xuân tơ

Rõ ràng mở mắt còn ngờ
Buồn sao gặp gỡ thẫn thờ không hay


Lời thơ phảng phất những u tình đồng vọng trong thơ Bạch Cư Dị với người ca nữ bến Tầm Dương, và ngậm ngùi bi tráng  trong thơ Tô Đông Pha với bài Phú Xích Bích. Than ôi, những sự nghiệp anh hùng nay còn đâu! Chỉ có tiếng đàn cầm của người cung nữ thành Thăng Long để đẩy lịch sử ra khỏi biên giới của thi ca, dìu giai nhân sang bên kia bờ bến mộng, mà đôi chân của thi sĩ vẫn lẽo đẽo trên đoạn đường lữ thứ…
Phải chăng thi sĩ đã thấy mình đi như là đi mãi – đi đến kỳ cùng cuộc lữ. Thi sĩ thấy mình sinh ra là để đi - là định mệnh không bến bờ dù lịch sử vẫn đổ dồn như ngàn sóng nhấp nhô. Đôi cánh thơ chở theo những tâm tình đồng vọng vẫn bay miết qua cõi điêu tàn hoang phế - bay trong khói lửa ly loạn – trong giông bão cuồng xô – để hốt nhiên biến tan thành giấc mộng lồng lộng gió tà huy
Em về rũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay
(thơ Bùi Giáng)

Tường Vũ Anh Thy – trích trong THI ĐIỆP NGUYỄN DU 1982

Lời thêm: những sự kiện trong bài tôi đều viết theo lời dẫn của Nguyễn Du, và tham khảo theo cuốn Việt Nam Ca Trù Biên Khảo của Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Hòe, Sài Gòn 1962. Bài thơ này của Nguyễn Du cũng khởi hứng cho tôi viết thành truyện ngắn Phương Trời Thăm Thẳm .


Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Nguyễn Du: Thăng Long, ngày tôi trở lại





Bấy giờ là mùa xuân năm quí dậu 1813. Trời tháng giêng đất bắc có mưa nhẹ và gió lùa. Nguyễn Du cùng phái đoàn từ Huế vào Thăng Long để chuẩn bị đi sứ sang Trung Hoa.
Thăng Long! Kinh Thành Ly Biệt! Thoắt đã mười mấy năm trời! Kể từ độ đất nước điêu linh nội loạn, rồi vó ngựa chinh chiến của nhà Tây Sơn năm bính ngọ 1786, Thăng Long chìm trong khói lửa, nước mắt, máu, và phân ly. Rồi những ngày tháng biền biệt trôi đi trong kinh hoàng khắc khoải, Thăng Long chỉ còn là dĩ vãng. Hình ảnh một kinh đô huy hoàng từ thời Lý (1011) với giấc mơ cha Rồng về dựng nước đã sừng sững trong lịch sử bi hùng của dân tộc còn văng vẳng xa xăm! Trong đôi mắt đăm đăm thăm thẳm của Nguyễn Du, hình như Thăng Long mãi mãi vẫn là một kinh đô vàng son độc lập, là tiếng gọi thiêng liêng thắm thiết. Nơi đó, ông đã sống, và đã lớn lên. Sau cuộc thất bại thê thảm của giòng họ Trịnh năm 1786, đến chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung phá tan 20 vạn quân Thanh năm 1789, Nguyễn Du phải lưu lạc nơi Thái Bình quê vợ. Vào những năm 1790-1793, một người anh của Nguyễn Du là Nguyễn Nễ cộng tác với Tây Sơn. Thỉnh thoảng Nguyễn Du vào thăm anh để có dịp nhìn Thăng Long với những tang thương ngậm ngùi. Những lần ấy ông đã thấy cảnh tướng tá nhà Tây Sơn điên đảo trác táng bên các mỹ nữ ả đào còn sót lại từ phủ chúa Trịnh…sự thực hãi hùng và bi đát của các cuộc đảo chính chớp nhoáng cướp chính quyền, cũng như đằng sau sân khấu của phủ chúa đã làm Nguyễn Du ngao ngán thất vọng… cho đến khi vua Gia Long vời ông đi theo đoàn quân tiếp thu Thăng Long 1802…
Vua Gia Long không ở Thăng Long mà đóng đô ở Phú Xuân. Năm 1805, nhà vua ra lệnh phá bỏ tất cả thành Thăng Long để xây lại một tòa thành khác cũng ngay trên nền các cung điện cũ. Do đó bây giờ trở lại Thăng Long, Nguyễn Du không còn nhận ra cố đô. Ông đã gần 50 tuổi rồi. Đầu đã bạc từ khi trăng là nguyệt. Ông bùi ngùi, hốt hoảng đi dạo khắp Thăng Long. Hình như núi Tản Viên vẫn sừng sững, và giòng sông Lô vẫn lờ lững vờn quanh. Những căn nhà xưa đã không còn nguyên vẹn, và nhiều con đường xưa giờ đã thay tên. Thăng Long ơi! Ta mất người như người đã mất tên…
Nguyễn Du đi giữa trời Thăng Long như giữa lòng đổ nát. Làm sao tìm gặp lại thân quen. Ông hồi hộp và rón rén đi vào những con đường trong trí nhớ ngoại ô để thẫn thờ thấy những thiếu nữ ngày xưa giờ đã tay bồng tay mang nặng nhọc, những bạn bè hào hiệp ngày nào đã lụ khụ trong vẻ sợ sệt chiều tà. Ông đi và đi lạc. Lạc giữa một buổi chiều Thăng Long xa lạ và tàn nhẫn. Một không gian mà ông nhớ ông thương ông ấp ủ ông dằn vặt… suốt mười mấy năm trường, bây giờ gặp lại, giữa chiều tháng giêng bỗng ngỡ ngàng vô kể. Ông không thể tưởng tượng được mới ngần ấy năm mà Thăng Long đã biến đổi đến thế! Có lẽ tại vì lòng ông vẫn là một tấm lòng thi sĩ ngày xưa? Hay có phải chính ông là một khách lạ? Trẻ con ở Thăng Long nhìn ông muốn hỏi ông từ đâu đến?
Đêm ấy Nguyễn Du bâng khuâng khó hiểu. Lòng ông vừa rạo rực bồi hồi, vừa xót xa cay đắng, lại vừa mơ mộng vẩn vơ. Ông trằn trọc. Ngoài trời trăng sáng. Trăng tháng giêng Thăng Long, ông nghe văng vẳng tiếng sáo mơ hồ. Trăng đem tiếng sáo tới hay tiếng sáo đưa trăng về?
Thăng Long I
Tản Lĩnh Lô Giang tuế tuế đồng.
Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long.
Thiên niên cự thất thành quan đạo,
Nhất phiến tân thành một cố cung.
Tương thức mỹ nhân khan bão tử,
Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông.
Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy,
Đoản địch thanh thanh minh nguyệt trung.

Núi Tản sông Lô muôn đời ấy
Bạc đầu còn được thấy Thăng Long
Phố nhà lộn đảo lòng vòng
Một tòa thành mới nát lòng cung xưa
Những người đẹp con đưa con bế
Bạn bè xưa lê lết về già
Một đêm thao thức như là
Sáo khuya trăng sáng trăng tà sáng sao

Bài thơ vừa làm xong, Nguyễn Du lập tức mở cửa đi lững thững ra ngoài. Hình như khắp không gian đều lên mùi rêu nhớ. Nguyễn Du đã trằn trọc vì một mùi rêu? Thưa không, ông trằn trọc chính vì một vầng trăng.
Ba mươi năm kiếp lưu đày
Chân trời góc biển xum vầy vẫn trăng
(bài Quỳnh Hải Nguyên Tiêu)
Ông đã tự coi mình là bạn với vầng trăng sáng – mà vầng trăng thì đời đời bất tuyệt (bài Đạo Ý). Trăng đêm nay cũng là trăng thuở ấy. Duy có nhà cửa thành quách của Thăng Long không phải là thành quách nhà cửa của Thăng Long thuở ấy. Trăng soi sáng khắp thành Thăng Long mới. Ánh trăng la đà. Lòng Nguyễn Du cũng la đà. Nguyên một ngày dài dạo khắp Thăng Long, giữa những đường phố mơ hồ về trí nhớ, giữa những bản nhạc mới được chơi tạp lục khắp nơi, ông hoàn toàn không nhìn thấy Thăng Long của lòng ông thuở ấy…
Ai mất ai còn ai lặn lội
Tìm trong ký ức xa xôi
(thơ Nguyễn Chí Thiện)
Nguyễn Du nghe ra một vầng trăng rướm máu. Tóc ông đã bạc từ lâu… Cuộc đời vốn là trường gió tanh mưa máu của những cuộc tranh cướp đảo chính và bóc lột, chung qui bởi miếng cơm manh áo và cái danh hão danh huyền. Lên voi hay xuống chó…nay có mai không. Ông cũng đã thấy lịch sử thăng trầm, quyền ngai như ngọn cờ trương lên và kéo xuống, như buổi sáng ra mắt dàn chào để buổi chiều lột áo đi chui (xem Hoàng Lê Nhất Thống Chí) thế sự ấy nên cười hay nên khóc? Đối với Nguyễn Du, hình như vầng trăng đã vừa soi sáng lại nơi tâm hồn ông cái vĩnh cửu và cái vô thường ông ấp ủ. Thế nhưng lỡ từ lạc bước bước ra…
Thăng Long II
Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành,
Do thị Thăng Long cựu đế kinh
Cù hạng tứ khai mê cựu tích
Quản huyền nhất biến tạp tân thanh
Thiên niên phú quý cung tranh đoạt
Tảo tuế thân bằng bán tử sinh
Thế sự phù trầm hưu thán tức
Tự gia đầu bạch diệc tinh tinh.

Trăng xưa chiếu sáng ngôi thành mới
Thăng Long ơi ới thủ đô xưa
Lạc trong phố thị xây bừa
Lạc trong đàn sáo mới vừa tạo ra
Danh lợi người đời là tranh cướp
Mất còn thân thuộc mướp trơ xơ
Than chi cuộc sống chơ vơ
Cùng ta tóc bạc phất phơ giữa trời

Hai bài thơ Nguyễn Du làm để mở đầu cho  tập  Bắc Hành Tạp Lục, cũng để mở ra một phương trời cô lữ của một người  dám nhận mình là người. Ông trở về Thăng Long, nhìn lại Thăng Long, đi giữa Thăng Long, để đối diện với một thực tại bẽ bàng hơn ông tưởng, để từ đó…
Người đã định một lần thôi để hỏng
Đường vu vơ về chốn cũ trăm năm
Miền cát lạnh chân lạc đà bé bỏng
Bóng hình em tơi tả dưới trăng rằm
( thơ Bùi Giáng )

TVAT ( trích Thi Điệp Nguyễn Du, San Jose 1982)

Lời thêm: có những chữ, những câu in nghiêng trong bài là lấy từ thơ, từ nhạc, hoặc từ văn, từ ca dao tục ngữ...đã quen thuộc, nên không ghi xuất xứ.Thi Điệp Nguyễn Du phần lớn đã đăng trên tạp chí Nhân Văn, phát hành ở San Jose từ những năm 1982-1983, nay có sửa đổi, nhất là lỗi chính tả.





Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

tơ mưa



ta cùng đi
tơ mưa quấn gót
ta cùng về
gót quấn mưa tơ
ngày xưa mưa cùng với nắng
nắng giờ không có mưa xưa

nửa đêm hốt nhiên nằm mộng
sóng ở trong lòng vỗ giữa hư không



tvat

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

những trái su su trong vườn tôi nói rằng

IMG_1709.JPG

                               

                                                     
                                                                 vũ tiến thủy/sơn dầu trên bố/18"x24"        

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

truyện người đàn bà lập ra sài gòn




Như chim sổ lồng, Chey Chesdha II khi được thừa kế, hối hả đi tìm bạn, tìm người xây lại tổ ấm . Nước Chân Lạp ở về cực nam, nóng và ẩm thấp. Chey bùi ngùi nhìn những vùng đầm lầy hoang vu, lác đác. Dân chúng khốn khổ chịu đựng sự bóc lột hà hiếp của Xiêm La đến độ thành thói quen cúi mặt. Chey muốn nâng cằm họ lên. Tổ ấm, dù trên cây bông gòn hay bên cây bần cây đước, bên bụi ô rô, bụi dừa nước hay trên những giòng sông kinh lạch quanh co, vẫn phải là một chốn đi về…
Hồi tưởng những ngày tháng làm con tin ở Xiêm, Chey còn rùng mình. Nước Xiêm và người Xiêm trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng trong Chey Chesdha. Thủ đô Lôvek mới đây bị quân Xiêm dày xéo, càn quét. Chey nói với Outey,người em trai :
- Ta phải xây kinh đô mới cho Chân Lạp. Lập một triều đại mới không lệ thuộc Xiêm La. Em tính mình bắt đầu ở đâu ?
Outey không suy nghĩ đáp ngay :
- Thưa anh, chỉ có Oudong .
Chey vui vẻ phán :
- Phải đấy, tổ tiên ta dời đô không biết bao nhiêu lần. Nay sẽ là lần cuối cùng. OUDONG ! Được lắm !
Thế là một kinh đô mới được xây dựng trên vùng đất tương đối màu mỡ và thuận tiện. Tháng 3 năm 1618 Prea Chey Chesdha II lên ngôi vua, tước hiệu là Somdach-Prea-Chey-Chesdha-Thireach-Réamea-Thupphdey-Barommopit. Người em trai làm Phó Vương. Theo tục lệ Chân Lạp thì Phó Vương dưới quyền Vua và Hoàng Hậu, nhưng lại được kế vị khi vua băng hà. Bấy giờ Chey Chesdha chưa chính thức lập hoàng hậu, mặc dầu đã có nhiều phi tần. Kinh đô đang thiếu người chăn dắt. Outey bàn rằng :
- Thưa tâu, sẽ phải có một vị Hoàng Hậu nhan sắc,đức hạnh vẹn toàn để xứng đáng cai quản kinh đô mới mẻ và huy hoàng này !
Chey Chesdha lắc đầu :
- Sắc hạnh vẹn toàn chưa đủ đâu .
Outey sửng sốt hỏi :
- Thưa tâu còn thế nào mới xứng ngôi Hoàng Hậu ?
Chey Chesdha thấp giọng :
- Ngươi quên rằng chúng ta phải đối phó với Xiêm La ư ? Ta không thể nào làm một ông vua bù nhìn. Nay họ yêu sách cái này, mai họ ràng buộc cái nọ. Hiện ta chưa đủ sức mạnh để đối phó. Tốt nhất ta phải có sự giúp đỡ quân lực của lân bang. Outey, ngươi cho ta rõ, nước nào mạnh nhất quanh gần nước ta ?
Prea Outey ngẫm nghĩ một lúc rồi thưa :
- Dạ tâu chỉ có nước Đại Việt Đàng Trong. Họ cũng như ta, sống quen với đầm lầy sông nước. Thủy lực của họ rất mạnh, từng chiến thắng những cuộc hải chiến. Họ cũng như ta, đang mở rộng thông thương, không phân biệt xuất xứ. Vả lại dân họ từng có mặt trên nước ta đã lâu. Quan hệ giữa ta với họ hòan toàn tốt đẹp.
Chey Chesdha gật đầu :
- Hay lắm ! Ta sẽ nhờ họ để đối phó với tụi Xiêm. Outey ! Vua Đại Việt Đàng Trong là người như thế nào ?
Prea Outey đáp :
- Thưa tâu đó là một vị Phật sống ! À hay quá ! Nghe nói các vị Công Chúa của họ đều vẹn toàn …Hay là …
Chey Chesdha cười khanh khách :
- Đúng rồi ! Đúng rồi ! Hoàng Hậu của kinh đô Oudong mới mẻ huy hoàng này phải là vị Công Chúa Đại Việt ! Ha ha ha ! Chúng ta sẽ phải thành tâm, tận sức cầu hôn .

* * *

Tôi tưởng tượng Chúa Sãi là một người đàn ông không to lớn nhưng rất uy nghi và thông thái. Đối với người nhà và con cái, ông tỏ ra từ ái xuề xòa mà vẫn không mất vẻ nghiêm. Vầng trán rộng và cặp mắt sâu của ông lúc nào cũng như thông suốt mọi sự.
Là con trai thứ sáu, nhưng ông được Chúa Tiên đặc biệt chú ý do trận thủy chiến với người nước ngoài ở Cửa Việt năm 1585. Tháng 5 năm canh tí 1600, chúa Tiên vào Thuận Hóa, đóng ở dinh Ái Tử để tính việc lâu dài. Một hôm chúa đi chơi núi Hải Vân,có đem ông theo. Cha con chợt nhìn thấy một rặng tre ngoằn ngoèo rất dài như hình con rồng, khắp mình đều nở hoa. Ông thưa với chúa :" Con nghe nói tre trúc hàng trăm năm mới nở hoa một lần. Mỗi lần nở hoa là một lần tàn lụi để cho một giống tre trúc khác mọc lên." Chúa Tiên hớn hở bảo:" Đó là ý trời. Đây là đất yết hầu của miền Thuận Quảng. Cọn phải cẩn thận trấn giữ." Rồi chúa cho lập dinh ở xã Cần Húc, nơi có rặng tre nở hoa. Chúa Tiên tâm sự với ông : "Làm trai phải như tre như trúc. Tre trúc là phên giậu của xóm làng. Lại còn dùng được việc dựng nhà, đan rổ đan rá. Đến lúc trổ hoa, tre trúc hóa rồng." Chúa Tiên lại tiếp:" Làm gái thì phải như sen. Bông sen phẩm cách cao sang, dù sống trong bùn lầy. Sen già cho hạt, mà ngó sen đến chết vẫn còn vương tơ. Cha gả Ngọc Tú cho Trịnh Tráng không phải là vụng tính. Sau này, khi hữu sự Ngọc Tú sẽ giúp con." Xem thế, chúa Tiên có cái nhìn rất xa, và đã chọn ông làm người kế vị, đặc biệt thi hành gia kế họ Nguyễn. Khi sắp hết tuổi trời, tháng 6 năm quý sửu 1613, Chúa Tiên gọi ông đến trước giường, cầm tay bảo : “Làm việc nước phải biết trong thuận ngoài hòa. Làm trai họ Nguyễn phải là tre trúc. Làm gái họ Nguyễn phải là bông sen. Cha con, anh em, trước hết phải hòa hữu thân ái nhau. Giữ được lời dặn này thì cha chết cũng không ân hận gì. " Một lát, buông tay ông, Chúa lại nói:" Đất Thuận,Quảng, phía bắc có sông Linh Giang, núi Hoành Sơn hiểm trở. Phía nam có núi Hải Vân,Thạch Bi vững bền. Núi sinh vàng sắt, sông biển có cá muối; thực là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu con biết dạy dân, luyện binh, thì cũng chống chọi được với họ Trịnh, làm nên sự nghiệp muôn đời. Bằng không chống được thì cố giữ đất đai, mở mang bờ cõi, chờ thời cơ, chứ đừng bỏ hỏng lời dặn của ta." Ông tràn nước mắt quỳ vâng lời cha.
Câu chuyện đang xảy ra từ năm 1619. Khi ấy Chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) còn ở Cát Dinh, làng Trà Bát, Đăng Xương, Quảng Trị…( Mãi đến tháng 3 năm Bính Dần (1626) trong không khí sắp sửa có chiến tranh với họ Trịnh, Chúa Sãi mới dời Dinh vào xã Phước Nguyên, Quảng Điền; và từ đó mới đổi Dinh thành Phủ. Và rồi mãi đến năm 1744 (đời Vũ Vương) mới đổi Phủ thành Điện. Đương thời các con trai của Chúa gọi là Công Tử, con gái gọi là Công Nương hoặc Quận Chúa. Bản thân Nguyễn Phúc Nguyên thụ tước vua Lê là Thụy Quận Công. Đến đời Gia Long thứ 5 (1806) truy tôn Chúa Sãi làm Hiếu Văn Hoàng Đế. Các con đều là hoàng tử và công chúa. ) Tôi dùng hàm Công Chúa để nhấn mạnh thế cao sang của các vị Ngọc Liên, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa, Ngọc Đĩnh, nhưng không dùng hàm Hoàng Đế mà chỉ gọi Chúa Sãi để giữ lại một không-thời-gian thưở ấy .


Tôi viết chuyện này giữa mùa hè 1996, đúng 21 năm sống ở Hoa Kỳ; nghĩ về 21 năm tôi sống ở Sài Gòn. Vùng đất ấy đã vào ở hẳn trong lòng tôi. Câu chuyện đây đã từng xảy ra, không có gì quá ly kỳ. Tôi chỉ mượn nó để dàn trải lòng biết ơn Sài Gòn đã đem lại cho tôi 21 năm kia. Lời lẽ của tôi sẽ ngập ngọng nửa Bắc, nửa Trung, và phần lớn là miền Nam, cho đến nay vẫn còn đầm lầy. Đầm lầy chính là định mạng !
Thuở ấy nước Việt đang xóa nước Chiêm, tiến đến Tuy Hòa (1611) nơi có con sông Ba. Người Việt như những con cò, con vạc, con nông…lẫm chẫm, dò dẫm, cặm cụi, và lặn lội sang cả đất Chân Lạp. Chúa Sãi từng khuyến khích giúp đỡ dân lưu tán khắp nơi cùng theo quân và theo giòng nước khai khẩn những vùng đất mới còn hoang vu. Nhưng tôi sẽ không dông dài nữa để đi vào câu chuyện Người Đàn Bà Lập Ra Sài Gòn. Chúa Sãi hỏi :
- Con à, con biết chuyện đức công chúa Huyền Trân chứ ?
- Dạ thưa cha, con có đọc sử nên có biết.
- Ừ , ngày xưa, vì muốn gìn giữ giang sơn trong cảnh thái bình mà đức vua Trần đã gả đức công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm. Đức công chúa từng nói:”Làm con dân Đại Việt phải biết vượt chính mình”.Con hiểu câu nói ấy như thế nào ?
- Dạ chắc ý đức công chúa là: “con dân Đại Việt, muôn người như một, vì nước quên nhà” phải không thưa cha ?
- Không phải hẳn như vậy đâu. Không phải là:”hy sinh cá nhân để hoàn thành đại cuộc.”đó là sáo ngữ.
- Vậy thì …
- Con nên biết đức công chúa không phải hy sinh hạnh phúc cá nhân, cũng không phải là dày xéo lên phẩm cách cao sang của một người đàn bà như dân gian đã mai mỉa.
- Dạ hình như là câu: “tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho thằng mán thằng mường nó leo”
- Hừ ! Cũng như đức vua Trần nhận lời cầu hôn của vua Chiêm, không phải là “bất chấp thủ đoạn” …Nếu người đời cứ hiểu như thế thì tầm thường và thiệt thòi cho đức vua và đức công chúa quá …
- Con xin lỗi !
- Con không đáng trách. Ngày xưa Đức Phật cắt thịt nuôi chim là ngài muốn làm sáng nghĩa:”vượt thoát mọi khổ não để độ thoát mọi chúng sinh “ Ngài không hề hy sinh gì cả cho đại cuộc. Cha nghe nói Đức Ông Giê Su gì đó đã chịu đóng đanh câu rút trên giá gỗ thập tự để cứu người. Nếu quả đúng như vậy thì Ổng rất đáng kính phục.
- Ủa ! Cha cũng biết chuyện đó sao cha ?
- Hừm ! Cha phải biết mọi chuyện quan trọng đang xảy ra trên miếng đất mà cha con ta đang sinh sống, và đang phải giữ gìn chứ !
- Vậy…dạ…chị Ngọc Liên của con …
- Ngọc Vạn à ! Con yên tâm. Cha biết chị của con, cả dì của con nữa. Họ đều có liên lạc với các giáo sĩ Tây Dương. Không hề gì đâu. Cũng là một cây cầu rất tốt ! Rồi cha sẽ biểu cho họ biết. Con nên suy nghĩ kỹ về câu nói của đức công chúa Huyền Trân. Con bàn lại cả với Ngọc Khoa nữa. Ngày mốt chị em con cho cha nghe ý kiến.
- Dạ…chúng con sẽ thưa chuyện với cha .
- Ừa! Bây giờ cha phải trở về dinh. Thôi nhá !
- Dạ thưa cha.
Công chúa Ngọc Vạn khom lưng quỳ gối tiễn đưa cha. Chúa Sãi mỉm cười khoát tay:
- Không cần đa lễ. Ít bữa đến gặp cha. Cả Ngọc Khoa nữa .
- Dạ…Kính hầu cha hồi dinh an lạc .
Chúa Sãi đi rồi mà công chúa Ngọc Vạn còn quỳ yên không đứng lên. Nàng nghe đâu đó, trên đầu, hay khắp chung quanh một nỗi lo lắng lạ thường. Hình như cuộc viếng thăm bất chợt của cha nàng sẽ là một biến cố. “ Làm con dân Đại Việt phải biết vượt chính mình” Nàng lầm thầm câu nói của đức công chúa Huyền Trân do cha nàng nhắc lại. Ngọc Vạn vẫn từng nghĩ đến đức công chúa, và xa hơn nữa, ngược mãi về lịch sử xa xăm, ngài công chúa Tiên Dung thời vua Hùng Vương.

* * *

Công chúa Ngọc Khoa vươn tay bẻ một đài sen già bên cạnh búp sen non. Công chúa Ngọc Vạn cầm bông ngọc lan khoan thai bước tới hói :
- Bây giờ đố em chớ bông sen khác với bông lan chỗ nào ?
Ngọc Khoa nhìn chị nhìn hoa, cười bảo :
- Bông sen là chị, bông lan là em. Sen to, lan nhỏ, và đều thơm ngào ngạt. Ồ mà khi tàn thì cánh lan héo úa đổi màu; còn cánh sen thì rụng hết trơn trọi chị ơi .
Ngọc Vạn chỉ đài sen già trên tay Ngọc Khoa :
- Khác nhau chính là cái đài sen này. Ngọc lan không có đài lan. Sen già để lại đài sen, cho ta hạt sen làm mứt nấu chè thấy hôn ?
- Chị nói nghe buồn thấy mồ.
- Buồn thì có buồn thiệt. Ai biểu em chọn làm bông ngọc lan mần chi ?
- Em đâu có chọn .
Ngọc Vạn kéo Ngọc Khoa ngồi xuống bệ đá . Trời sắp hoàng hôn. Lá hoa xào xạc.
- Thôi em à. Nói cho cùng thì bông cũng là người. Kinh Phật bảo có sanh,có già,có bịnh,có chết. Nếu em cùng chọn bông sen với chị thì cũng rứa! Bữa qua cha tới chị nhắc lời đức công chúa Huyền Trân:”Làm con dân Đại Việt phải biết vượt chính mình.”Cha biểu cho em hay, rồi cùng gặp cha đưa ý kiến.
- Ủa! Sao giờ chị mới nói.
- Ừa chị mải nghĩ…
- Chị không cần phải nghĩ. Cha muốn biểu mình hy sinh đi lấy chúa Chân Lạp mà thôi. Bộ chị không biết gì hết trơn hả ? Người ta cho hay chúa Chân Lạp đã dâng lễ cầu hôn.Cả mấy người Nhựt Bổn cũng xin dâng lễ cầu hôn nữa kìa. Cha thì chắc là cha sẽ hứa ráo chọi. Mà cha chỉ còn hai chị em mình, chớ Ngọc Đĩnh bịnh hoài đâu có gả được . Huh u hu ! Chết em cũng không chịu đâu chị ơi !
Ngọc Khoa òa khóc nức nở. Nàng muốn khóc từ những hôm trước khi nghe ngóng được sự tình.Nhưng hình như nước mắt chỉ tích tụ chờ đến lúc này mới dồn dập tràn ra. Tiếng khóc của Ngọc Khoa làm Ngọc Vạn bủn rủn. Nàng nghe mơ hồ một nỗi cô đơn, hơn nữa, một nỗi tuyệt vọng, đọng đâu đó trong tim, xanh ngắt và đắng ngắt, như tim sen. Mắt nàng mở lớn nhìn em khóc như cả thế gian đầy đau khổ,và rồi sụt sịt khóc theo.Ngọc Khoa gục vào lòng chị. Hình như họ cố gắng không để tiếng khóc vang lên to quá.Đây là hoa viên trong dinh công chúa. Các thị nữ có thể hoảng hốt ùa lại. Hai chị em chỉ muốn khóc với nhau và tâm sự cùng nhau.
- Em à ! Thôi đừng khổ quá. Mình từng hứa nghe lời cha như đức công chúa vâng lời đức vua Trần đi lấy chúa Chiêm .
- Nhưng em đâu phải là công chúa thiệt. Với lại đó là nói giả bộ. Chị còn biểu khi đó chị có kế sách gì đó linh lắm mà ?
- Kế hả ? Thì cũng có …
- Đâu chị bày em coi .
- Suỵt! Thiên kế bất khả lậu. Cứ nghe theo chị, từ từ em sẽ biết .
- Thiệt hả ?
- Nè , công chúa đâu có nói chơi. Tươi rồi chưa để chị hỏi ?
- Chị hỏi chi cũng được, nhưng trả lời hay không là em đó .
- Ừa thế em nghe tin hồi nào và ở đâu vậy ?
- Thì người ta nói rùm beng, mà sao chị hổng nghe? Người ta còn nói cái ông Nhựt Bổn vừa kiêu ngạo vừa giàu có. Cái ông chúa Chân Lạp tuy trẻ hơn nhưng giống mọi đá. Người ta còn giỡn rằng hai ổng không phải Sơn Tinh và Thủy Tinh vì Chúa ta có tới ba nàng công chúa. Đó chị thấy chưa. Chuyện này đã chắc lắm rồi. Chị phải bày kế lẹ lẹ …
- Đừng có nôn quá. Cha chưa chính thức nói với mình mà .
- Chừng chị đợi cha nói thì…ván đã đóng thuyền rồi !
- Bề gì mơi mình cũng gặp cha. Mình sẽ hỏi thẳng cha mà.
- Nhưng mà …

* * *

Buổi sáng mùa hè năm ấy mát dịu. Đêm qua Chúa Sãi không ngủ được. Ông trằn trọc với dĩ vãng. Lời trăn trối của Chúa Tiên vây bọc lấy ông. “…giữ đất đai…mở mang bờ cõi…chờ thời cơ…làm trai họ Nguyễn phải là tre trúc…làm gái họ Nguyễn phải là bông sen…” Đã sáu năm rồi, không biết những việc ông làm có được như lời cha dặn ? Bước kế tiếp thực là khó khăn, bối rối…Ông nhận ra đã lâu ông không gần các con do công việc quá bề bộn và cấp bách. Lát nữa đây ông phải nói thế nào để chúng hiểu lời dặn của ông nội. Ông chỉ có bốn người con gái. Đứa lớn là Ngọc Liên đã gả về nhà Mạc. Bản thân ông đã cưới con gái trưởng của Mạc Kính Điển là anh ruột vua Hiến Tông Mạc Phúc Hải. Ông hiểu lời dặn của cha là trong nên hòa với nhà Mạc; ngoài phải liên kết với lân bang. Các anh em trai và các con trai của ông , sẽ cùng với ông làm tre trúc phên giậu. Còn bốn đứa con gái sẽ là bốn bông sen xây dựng ngoại tộc, kiến tạo đài sen.Ông không có thói quen cưỡng bức người dưới; lại càng không bao giờ thúc ép con cái. Chủ trương của ông là lòng thiện nguyện và ý thức bản thân…
Đang đắm trong suy tư , Chúa Sãi vẫn nhìn thấy người nội thị quỳ tâu :
- Dạ bẩm, có nhị vị công chúa !
- Cho vô ! Cho vô!
Chúa Sãi vừa khoát tay vừa đứng dậy đón con gái :
- Chà ! Hai đứa bây tới sớm dữ a !
- Dạ. Kính chào cha .
- Ừa thôi vô đây ! Vô đây !
Công chúa Ngọc Khoa đến sát bên Chúa Sãi, nói liến thoắng :
- Tụi con có gặp mẹ , và mẹ biểu bữa nay cha sẽ bỏ nguyên ngày để chơi với tụi con, phải không cha ?
- Ừa ! Chúng ta sẽ tha hồ nói đủ mọi thứ chuyện .
Chúa Sãi nắm tay hai cô con gái giắt đến bàn :
- Giờ thì hãy ăn sáng uống trà đã nhé .
- Dạ …
Bên ngoài nắng rực rỡ. Hoa nở chim kêu . Chúa Sãi nghiêng tai lắng nghe và cười tủm tỉm. Ngọc Khoa ngước mắt nhìn cha hỏi :
- Cha à ! Cha nghe chim nói gì vậy ?
- Hà hà ! Cha đâu có viên ngọc ếch hay ngọc rắn trong mình mà nghe được tiếng chim. Nhưng cha nghe được tiếng nắng , tiếng mưa , tiếng gió , và tiếng của hoa lá, đất đá lao xao trong không gian. Bây giờ họ đang trao đổi với nhau về những ngày đẹp trời. Các con có muốn biết họ đang nói gì không ?
Hai cô công chúa đều thích thú đáp :
- Dạ có .
Chúa Sãi khoan thai nhìn tận mắt hai cô :
- Họ biểu vùng đất này vốn cao hơn mặt biển, xa cách đầm lầy. Những ngày đẹp trời tuy không thiếu, mà thiệt ra những ngày xấu trời lại nhiều hơn. Bởi tại đất, nhưng cũng bởi tại người. Người xưa ưa cuộc sống rày đây mai đó, ưa chiếm đoạt mà không xây dựng giữ gìn. Ngày nay những người gốc ở vùng đầm lầy (họ đang nói về cha con mình, về dân Đại Việt đấy) chưa có lòng quý đất trọng cây để gây cuộc sống quần cư ấm cúng; vì thế những ngày xấu trời vẫn còn đe dọa. Lại có họa về một sự điêu tàn. Cha nghe được câu chuyện này đã lâu, nhân một buổi hoàng hôn, gió và đất tâm sự .
Chúa Sãi chiêu một ngụm trà, khẽ đổi thế ngồi. Cây cối lá hoa chợt lao xao lay động. Tiếng gió đi luồn lách khắp vườn và đến gọi cửa. Ngọc Khoa kéo tay áo Ngọc Vạn cùng nhìn ra ngoài nắng .
- A ! Gió đang báo tin nó sẽ có nhiều họ hàng và bè bạn vô thăm. Các con biết không, như thế có nghĩa là chúng ta sẽ bị bão và lạnh. Mùa thu tới sớm hơn. Lá hoa đang rất buồn , mặc dù các con đang thấy chúng hớn hở nở thêm ra. Chúa Sãi nói.
- Sao kỳ vậy cha ? Ngọc Khoa hỏi .
- Bởi vì chúng sẽ phải lìa cành lúc còn xanh. Chúng gọi đất là mẹ. Và chúng đang hỏi mẹ đất sao không cho chúng ăn ngủ nhiều hơn. Mẹ đất nhỏ nhẹ đáp là bà không bao giờ cấm cản hay giới hạn. Chỉ hiềm nỗi thân bà cằn cỗi, phải nuôi núi và biển, bà chỉ còn có bấy nhiêu sữa cho con thôi. Cha đã nghe rất nhiều tâm sự của đất . Các con có còn muốn nghe nữa không ?
- Dạ muốn . Cha kể đi cha .
- Ừa ! Bữa đó chiều xuống rất hối hả. Cha thả bộ ngoài hoa viên. Chợt một hơi gió nho nhỏ cuốn dưới chân . Cha ngừng lại ngó. Chừng thấy ló một mô đất, màu sắc rất lạ lùng, để lát cha đưa mấy con tới coi . Đất nói:” Nè chú gió! Sao mấy bữa thấy chú coi bộ bí mật dữ? Chuyện chi rứa ? Kể tui nghe rồi tui cho chú hay sự bí mật của tui “.Gió mỉm cười đáp :” Bí mật của tui không thể kể khơi khơi được. Bác biết tui đi từ Đàng Ngoài vô đây, mang theo bao nhiêu hơi thở tâm sự của con người. Lại cũng mang theo bao nhiêu bí mật chiến tranh của chính phủ. Lần nào qua đây tôi cũng sốt ruột. Nửa muốn nói ra, rồi lại ngọng ngịu. Tôi chịu đi xa, xa mãi về cực Nam. Ở đó có đầm lầy sông nước thảnh thơi. Tới nơi xa xôi mà lại nghe như về nhà. Nói bác đừng buồn chớ đất này không chắc gì yên ổn đâu.” Cha nghe đất thở dài, cả hai im lặng hồi lâu, rồi đất nói:” Tuy là tui không đi lại khắp nơi như chú, nhưng mà gió ơi ! Tui cũng có liên hệ máu mủ ruột thịt khắp nơi nên cũng biết chút đỉnh tin tức. Tui rất thông cảm sự sốt ruột của chú. Nói thiệt chú nghe, tui cũng sốt ruột quá sức. Chú dư biết, những cuộc binh biến, tiêu diệt từng diễn ra trên thân thể tui đâu đã lành. Người cũ phần lớn đã ngủ yên, phần còn lại thì uất nghẹn, đau đớn, xót xa, trách móc tui đủ thứ. Người mới thì đại đa số hời hợt, xa lạ; nhiều kẻ vồ vập tham lam; hầu hết họ coi đất này là đất tạm cư, sống không tận mà chết không yên. Thân thể tui bỗng chốc biến thành một thứ của hời của nổi. Mạnh ai nấy vơ vét lợi dụng đến cùng kiệt. Nghĩ thiệt là tủi thân. Sao đời tui toàn gặp những sự bạc bẽo vô tình hả chú ???” Nghe đến đây cha giật mình kinh ngạc. Hồi nghĩ, từ khi theo ông nội các con vô trấn nhậm đất này, giòng họ ta chưa hề có ý tưởng khinh bạc. Chúng ta vâng theo di huấn của ông nội, một lòng quý đất trọng cây; trong thuận ngoài hòa. Thế mà chúng ta vẫn chưa có được nhiều những ngày đẹp trời.Cha cũng biết lòng người sâu hiểm khôn dò, làm thế nào mà an lòng hết thảy được. Chợt cha lại nghe gió nói:” Tình cảnh bác thiệt hiểm nghèo, tui ái ngại dùm bác. Sao bác không bàn tính thử với bà con của bác coi có giải pháp nào; tỉ như ở miền cực nam đầm lầy, nơi tui ghé chơi rất lâu và rất thích đó.” Đất trả lời nho nhỏ:” Tui cũng có bàn có hỏi đấy chớ. Nhưng mà nhiêu khê lắm chú à . Cái miền cực nam đầm lầy sông nước mà chú thích đó, có xa lạ chi đâu; chính là con em út của tui. Nó than dữ lắm. Nào là hoang vu hiu quạnh. Nào là tranh chấp giành giựt tùm lum. Linh đinh cơ khổ nhứt là không biết tương lai ra làm sao. Nó biểu chớ coi vậy mà tui dễ thở hơn nó. Đó chú coi.” Gió lớn tiếng ngạc nhiên:” ỦA! Tui thường thấy trời đất minh mông, xum xuê cây trái, mặc sức tui ăn tui ngủ tui hú tui kêu. Té ra coi vậy mà không phải vậy hè! Thế còn chị bác ở miền bắc có ý kiến gì không?” Đất vẫn giữ âm độ thấp trả lời:” Chị ấy già cả nhưng khỏe mạnh. Đầm lầy khi xưa hầu hết đã được bồi đắp phì nhiêu. Người ta quý trọng chị ấy lắm. Nhưng cũng có cái khổ binh đao.Lòng người chia năm xẻ bảy. Cái lo lớn nhứt là họa xâm lăng của người Tầu ở cực bắc. Trong mấy chị em thì chỉ tương đối khá hơn thiệt. Nhưng mà tương lai cũng khó nói lắm chú à. Chỉ có tính hà tiện, lo xa, nhưng mà chú ơi “ky ca ky cóp cho cọp nó ăn” chớ mình có được hưởng cái gì đâu. Mấy phen chỉ tay trắng đắng cay thiệt tội nghiệp! Chỉ cũng có biểu tui; một là kiên nhẫn chờ tới lúc ba chị em ráp lại; hai là phá cho tan hoang mà đi. Tui thì tui chưa biết tính sao …” Im ắng một hồi rồi cha nghe gió nói:” Chờ thì khổ. Phá thì đau. Nếu bác rắp tâm giúp mấy người đầm lầy thì tui có kế nhỏ giúp bác.”Cha đang hồi hộp chờ nghe kế sách của gió thì mấy người tới mời cha đi lo công chuyện rất gấp. Thiệt là tiếc hùi hụi.
Công chúa Ngọc Vạn, Ngọc Khoa cùng bật hỏi:
- Ủa ! Bộ cha không nghe được khi nào khác nữa sao cha ?
Chúa Sãi nhắp thêm trà rồi thủng thẳng nói:
- Khi khác, chuyện khác các con à . Nhưng mà cha nghĩ lung lắm. Bởi thế mới kêu mấy con tới đặng bàn.
Ngọc Vạn thưa:
- Chúng con cám ơn cha đã coi trọng. Thiệt ra việc nhà, việc nước khi nào chúng con cũng vâng theo ý cha cả mà .
- Ừa ! Lý thì là vậy. ..Nhưng không khi nào cha muốn ép các con làm những việc không đồng ý. Các con đã suy nghĩ về lời của đức công chúa Huyền Trân chưa ?
Ngọc Vạn đưa mắt nhìn Ngọc Khoa , rồi trang nghiêm nói :
- Dạ thưa, đức công chúa nói:”Làm con dân Đại Việt phải biết vượt chính mình.” Tụi con nghĩ “vượt chính mình” là vượt qua những thành kiến, những cám dỗ, những hoàn cảnh và những sở thích bản năng để thành người hữu dụng. Làm thân con gái, tỷ như bông sen, dù “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”;lại còn cho hạt sen nữa, phải không cha ?
Chúa Sãi hớn hở :
- Thiệt là những suy nghĩ của các bậc anh thư liệt nữ ! Cha thiệt là khâm phục. Thiệt là hãnh diện . Thiệt là mừng .
Ông đứng hẳn lên, bước tới bước lui.
Ngọc Vạn nhìn em, nhìn thấy sự đổi thay trên khuôn mặt Ngọc Khoa, nhất là đôi mắt. Đôi mắt Ngọc Khoa như đang chuyển từ hoàng hôn sang tới bình minh. Hai cõi bình minh đang gặp nhau trên một vùng đầm lầy nở đầy hoa sen. Ở đó, cái tim sen xanh ngắt vừa được thông. Người ta thường thông tim sen. Sợi tim sen dùng để pha trà uống cho dễ ngủ. Còn hạt sen thì được phơi trong những ngày đẹp trời.
Chúa Sãi ngồi xuống nhìn con, thong thả hỏi :
- Gần đây các con đã nghe biết gì về việc cầu hôn của những người nước ngoài ?
Ngọc Vạn lại đưa mắt sang Ngọc Khoa rồi kính cẩn nhìn cha :
- Dạ thưa tụi con chỉ biết sơ sơ .Thưa cha , cha cứ nói rõ cho tụi con hay đi cha .
- Ừa ! Một vị là quốc vương nước Chân Lạp; một vị là đại thương gia nước Nhựt Bổn. Cả hai đều dâng lễ cầu hôn. Cha chưa hứa hẹn gì cả . Cũng chưa bàn với ai ngoài mẹ các con.
Chúa Sãi rót thêm trà vào chén rồi tiếp :
- Sở dĩ mẹ không nói gì với các con, vì bả muốn đích thân cha thương lượng. Bả biểu:” Tôi với ông vào đây cũng là xa cách hẳn nơi chôn nhau cắt rún. Nơi chốn này không những xa lạ với tôi mà cả với ông. Lâu hồi bao nhiêu năm tháng, giờ ta đã quen và ta đã thương không khác chi quê hương cũ. Ông nói đúng, lần hồi rồi tất cả các mảnh đất xa xôi sẽ là quê hương mới của mình. Có con mà gả chồng xa, mẹ cha nào không đứt ruột. Nhưng tôi biết ruột ông và ruột tôi đã đứt từ hồi theo ông nội sấp nhỏ vượt sông Gianh núi Hoành.. Thôi ông cứ liệu nói chuyện với các con. Cha con quyết định thế nào tôi cũng sẽ đồng ý.” Tuy mẹ các con không khóc, nhưng cha chắc nước mắt bà chảy chan chứa trong lòng. Các con biết không, hồi ông nội còn sống, cha vẫn mơ màng coi đây chỉ là đất tạm cư. Tới khi ông nội qua đời, theo lời dặn dò, cha mới dứt khoát, một mặt nối kết hy vọng một ngày kia khôi phục đất bắc; một mặt tích cực gầy dựng sự nghiệp khắp miền nam, để tất cả sẽ là quê hương một nước Đại Việt. Cha mượn lời tâm sự của đất để các con hiểu rằng, nếu ta không thương yêu nơi chốn ta ở, chỉ coi là tạm cư, chằm hăm bỏ đi; thì đất cũng ngó ta như kẻ lạ, không đùm bọc đoái hoài. Nỗi khổ của cha là lòng người chưa định. Họ chưa hạ quyết tâm nhận nơi này làm quê hương. Họ chưa hiểu được câu nói của đức công chúa. Các con cần biết rõ là miếng đất ta đang ở đây, mặc dù do bao nhiêu công khó của người trước, nhưng vẫn bấp bênh trong hiện tại. Ngoài bắc, họ Trịnh vẫn điên dại với quyền thế; đã làm việc thí nghịch; vẫn gia tâm tiêu diệt họ Nguyễn chúng ta. Chung quanh ta gồm nhiều bộ lạc như Lục Hoan, Mọi Đá…luôn luôn quấy rối để chiếm đoạt tài sản của ta. Bên trong chắc chắn có kẻ nhị tâm,có kẻ nằm vùng, tìm cách chia rẽ hàng ngũ ta, hoặc vô hiệu hóa các kế hoạch của ta. Cha không trách ai. Lòng người chưa định vì chính mình chưa tạo được thế lực và hoàn cảnh để định lòng người. Muốn có thế lực mạnh thì ngoài việc luyện binh dạy dân; còn phải kết thân giao hảo với lân bang láng giềng. Muốn có hoàn cảnh tốt thì ngoài việc canh tân xã hội, còn phải mở rộng bờ cõi, tạo cơ hội thông thương trao đổi khắp nơi. Cha nói chuyện quốc sự với các con là để các con dễ nhìn thấy điều trọng điều khinh; biết rõ được thiên chức của người điều khiển guồng máy nhà nước. Quyết định nào của các con cũng sẽ đem lại ơn ích …
Công chúa Ngọc Vạn sa nước mắt thưa:
- Những lời cha nói đã vén cho con thấy cả một khung cảnh lớn của quốc gia. So với cá nhân con thật nhỏ mọn vô cùng. Con thiệt lòng vâng theo sự sắp đặt của cha mẹ. Cho dù đi đâu, ở đâu, cho dù với bất cứ hoàn cảnh nào con cũng vẫn là con của cha mẹ, là người của Đại Việt. Thưa cha, bây giờ không phải là con chỉ hiểu, mà hình như con đang cảm nhận lời của đức công chúa. Mình từ Đại Việt ra, rồi trở về Đại Việt. Một vòng tròn nhân duyên của cát bụi! Phải không cha ?
Chúa Sãi cảm động nói:
- Thiệt là những lời vàng đá! Cha cũng có một sợi tim như tim sen. Chính con là người đã thông tim cho cha !
Ba cha con Chúa Sãi trong khoảnh khắc biến thành ba pho tượng yên lặng giữa bình minh. Mặc dù chính sử triều Nguyễn không ghi chép về chuyện công chúa Ngọc Vạn, Ngọc Khoa đưa gả cho Chey Chesdha II và Mộc Thôn Tông Thái Lang, nhưng người ta đã nhờ tài liệu của các giáo sĩ thời đó như Christopho Bori; hoặc các tác giả, dịch giả Pháp như Maspéro, Moura, Henri Russier, Andre Migot; hoặc các tài liệu lịch sử của Trung Hoa, Nhật Bản, Cao Miên để ta có thể tin rằng câu chuyện trên là có thật. Người chồng của công chúa Ngọc Khoa còn có tên Việt là Nguyễn Đại Lương, vì chính sự Nhật Bản, sau này đã đưa công chúa về Trường Kỳ, vĩnh viễn ra đi ngoài sông nước đìu hiu. Chỉ còn lại ở Hoài Phố ( bây giờ là Hội An ) bên con sông Hoài (bây giờ là sông Thu Bồn ) cây cầu Nhật Bản với một hồ sen đầy thương nhớ. Tôi chưa có dịp đến Hội An để chiêm ngưỡng cây cầu này, thật là một thiếu sót lớn. Tôi không kể chuyện công chúa Ngọc Khoa mà theo đoàn ruớc dâu công chúa Ngọc Vạn ra vùng đầm lầy sông nước kinh rạch miền Nam …

* * *

Bấy giờ là mùa thu năm Canh Thân 1620, công chúa Ngọc Vạn đã ra đến kinh đô Oudong của Chân Lạp. Cuộc hành trình tuy mệt mỏi nhưng nhiều hứng thú nhờ phong cảnh lạ, và những thổ sản của mỗi địa phương nàng được nếm qua. Nơi đây khí hậu ẩm thấp, dù đã gần giữa thu mà trời còn nồng nực. Không khí như có mùi vôi. Những cây gòn cao và gầy, thỉnh thoảng nhả những nõn bông trắng bay lơ phơ trong gió. Những cây dừa đứng chào người qua lại. Ngọc Vạn ngại nhất là những luồng gió xoáy bất ngờ cuốn đầy bụi rác chạy lờ ngờ trước mặt. Dân ở đây gọi là chốt vòi voi. Nó khiến nàng cay mắt và ngộp thở. Đột nhiên nàng quay quắt nhớ nhà. Nỗi nhớ bắt đầu chỉ như bầu trời đọng mây. Rồi nước mắt cấn ở bờ mi. Rồi mưa đột ngột đổ rào rào theo tiếng sấm sét cuối chân trời. Nàng nghe một luồng gió buốt xuyên suốt cơ thể khiến nàng tê dại. Đám thị nữ vội đưa nàng vào tẩm cung. Ngọc Vạn hoàn toàn bị mê man trong cơn sốt đầu tiên miền nhiệt đới.
Trong cơn mê, Ngọc Vạn chần chừ trên một bến vắng. Nắng rang vàng những cát như những hạt mè đang chin. Nàng để chân trần bước vào cát. Nàng nghe cát lướt thướt vuốt ve. Ngọc Vạn lần theo con nước ra sông. Nàng muốn nằm với cát và nước. Nước nói:” Công chúa ơi, tôi đã theo công chúa vào đây !” Cát nói:” Còn tôi, tôi đợi công chúa từ lâu, lâu lắm!” Công chúa nói:” Ừ, ta đến rồi đó. Còn ngó gì nữa ?” Nàng để nguyên xiêm y dầm mình xuống nước. Nước rất nhẹ nhàng xoa ngực nàng. Liếm cằm và cổ nàng. Nước xoắn xít ở bụng nàng. Vỗ khe khẽ bờ mông nàng. Nước choàng ôm đùi nàng. Nàng cuống quit. Hai cánh tay nàng dang ra ôm lấy nước. Nàng rúc mặt mình vào nước. Nước rúc mặt vào tóc nàng. Nàng bỗng cảm giác như không còn xiêm áo. Nước đã cởi hết thân thể nàng, tâm hồn nàng. Nước như có hàng trăm ngón tay ve vuốt. Như có hàng trăm đôi môi hôn hít. Như có hàng trăm hơi thở phả đầy. Như có hàng trăm đôi mắt đắm đuối. Nàng và nước âu yếm giữa bầu trời đầy nắng vàng và bông gòn trắng…Bỗng Ngọc Vạn thấy có sự động đậy dưới chân. Cát len qua. Và bất chợt cát kéo nàng chìm nghỉm. Nàng cố dẫy dụa trì níu. Nhưng cát đã tham lam cuồng nộ gói chặt nàng. Vành tai nàng như thổi lửa. Bên trong là không gian tăm tối. Ngọn lửa soi sáng một người : công chúa Tiên Dung! Nơi đó là một đầm sen. Chử Đồng Tử không khố đang dầm mình trong đầm. Ngọc Vạn vừa muốn cất tiếng thì nhận ra khuôn mặt người đàn ông rám đen chính là vua Chiêm Thành: Chế Mân! Nàng ngoái lại nhìn thì đúng là đức công chúa Huyền Trân. Nàng òa khóc trong hoang mang sợ hãi…
- Công chúa! Tỉnh lại công chúa !
Công chúa Ngọc Vạn nhẹ hé rèm mi: Chế Mân đang rất thành khẩn nhìn nàng ? Nàng mở hẳn mắt ra: không phải Chế Mân mà là Chey Chesdha, nàng phỏng đoán. Khuôn mặt săn chắc trẻ trung đầy nắng của ông ta đầy vẻ quan hoài. Bên cạnh ông là vị thầy thuốc già hiền từ. Xa Xa các thị nữ khép nép đứng yên. Chey Chesdha lùi lại một bước, nghiêng mình nói:
- Chúc mừng công chúa .
- Không dám. Đa tạ quý vị . Công chúa Ngọc Vạn máy môi .
Tiếng nói của nàng rất nhỏ, chính nàng cũng không nghe rõ. Nhưng mọi người ra vẻ hài lòng. Họ nhìn nhau cởi mở. Họ nói, họ cử động mà không gây tiếng động. Rồi Chey Chesdha tới gần. Họ nhìn vào mắt nhau. Nàng khẽ gật đầu. Một bông sen vừa bừng nở. Nàng nghe gió rời rợi nâng tàu lá sen xanh thắm. Không gian say đắm tẩm hương thơm. Nàng chìm vào giấc ngủ không mộng mị.
Khi công chúa Ngọc Vạn tỉnh giấc, trời đã khuya. Đêm miền nam đậm mùi hoa trái. Mùi đất ấm nồng như thếp giấy bản vừa được rỡ ra cho ai đó mài mực làm thơ. Người thị nữ thân ái nhí nhảnh kể :
- Thưa công chúa! Thầy thuốc biểu công chúa bị các thần sông nước đòi. Phải đích thân nhà vua tới làm lễ mới giữ được công chúa lại. Trời ơi em chứng kiến một cuộc chiến giữa thần và người rất là quyết liệt. Ông thầy thuốc già vừa đọc chú vừa đốt các loại cỏ thơm xông mình công chúa. Còn ông vua phải chân quỳ chân đứng giữ hai ngón chân cái của công chúa. Trời , công chúa dãy dữ quá. Ổng đổ mồ hôi mặt. Hơn một canh giờ mới giành được công chúa về mình đó!
Ngọc Vạn vừa nghe vừa xao xuyến bồi hồi. Nàng chưa biết nàng sẽ thuộc về Chey Chesdha hay thuộc về sông nước miền nam. Dù thuộc về ai, nàng tự nhủ, nàng cũng sẽ cho trồng thật nhiều hoa sen. Nàng mỉm cười lẩm bẩm:
- Cứ để cho chàng Chey trồng cây gòn. Bông gòn thiệt ra cũng đẹp quá chớ !

* * *

Ông vua Chân Lạp Chey Chesdha II chính thức phong công chúa Ngọc Vạn làm chính cung hoàng hậu ngay giữa mùa thu năm ấy 1620. Ông cầm tay công chúa và nói:
- Từ nay ta suốt đời gọi nàng là Công-Chúa-Hoàng-Hậu.
- Tại sao không phải chỉ là hoàng hậu thôi chứ? Công chúa mỉm cười hỏi.
- Công-Chúa-Hoàng-Hậu , danh vị ấy mới tôn vinh được phẩm cách cao sang trong sáng và nhan sắc tuyệt vời của công chúa. Ta, ta không còn chữ nào để diễn tả được ý lòng ta. Chey đáp.
Công chúa Ngọc Vạn quả là một người đẹp chưa từng có ở thủ đô Oudong và khắp vùng đầm lầy miền nam. Nàng có một tâm hồn trong sáng thành thực hồn nhiên và đầy ắp bao dung. Để nàng nguôi nỗi buồn xa xứ, vua Chey Chesdha để công chúa Ngọc Vạn tự do đưa người Đại Việt vào thủ đô Oudong. Nàng thiết lập tại đây cả một khu phố, gồm nhiều xưởng thợ và hiệu buôn. Chey Chesdha không những rất mực say đắm mà còn rất vì nể phẩm cách và kiến thức của công chúa Ngọc Vạn. Ông cũng đã phong một số chức tước cho người của công chúa vào làm việc trong triều đình Oudong. Đặc biệt, biết công chúa thích hoa sen, ông đã khuyến khích thần dân trồng sen. Và dân Chân Lạp gọi Ngọc Vạn là Hòang-Hậu-Bông-Sen. Bà lập ra khu Mô Soài (Bà Rịa ngày nay) để dân Việt tha hương có nơi hội họp.
Tuy nhờ Đại Việt đảy lui hai cuộc xâm lăng của Xiêm La, nhưng nước Chân Lạp vẫn giữ quyền độc lập. Mùa thu năm 1623, Chúa Sãi gửi một phái đoàn ngoại giao tới Oudong đòi thiết lập môt tô giới ở Prey-kôr. Bấy giờ Prey-kôr còn là vùng đầm lầy và những rừng bông gòn hoang vu. Người Việt ở lẫn với người bản xứ, làm việc buôn bán giao thương tứ xứ. Prey-kôr không được người Chân Lạp xem trọng, và gần như vô chủ. Nhưng gần đây bỗng có những phát triển kinh tế đáng kể. Người Việt gọi là Bến Nghé, vì có bến cho ghe tàu khắp nơi ghé lại. Những chiếc ghe trông giống những con nghé bơi đến rồi bơi đi. Trùng với truyền thuyết về một con nghé đi tìm mẹ, hoặc con trâu mẹ đi tìm nghé con. Nó đến đây thì mất dấu nên điên cuồng đau đớn húc đất thành hố sâu . Lâu dần thành bến.Tuy Prey-kôr không được lưu ý, nhưng Chân Lạp vẫn khước từ yêu sách của Đại Việt, có lẽ vì tự ái quốc gia. Phái đoàn Đại Việt đành đến nhờ cậy công chúa Ngoc Vạn.
Công-Chúa-Hòang-Hậu-Bông-Sen Ngọc- Vạn, tước hiệu Somdach-Prea-Peaccac-Vodey-Prea-Voreac-Khsatley, đã dùng quyền uy và tình thương can thiệp. Cuối cùng, không những Prey-Kôr Bến Nghé dành riêng một tô giới cho Đại Việt, mà triều đình Đàng Trong còn được đặt quan chức, võ tướng để bảo vệ và thu thuế tại đây. Đó là cơ sở thu thuế đầu tiên của chính quyền Đại Việt, và là một địa điểm đầu tiên được chính thức công nhận trên đất Chân Lạp.
Tôi phỏng chừng, sau đó Bến Nghé Prey-Kôr có hai đặc điểm dễ nhận ra là: Trên bờ thì bông gòn mọc như rừng, còn dưới đầm thì bông sen tươi thắm khắp nơi. Rừng gòn là cây mọc từ lâu, riêng bông sen mới được trồng để nhớ ơn công chúa Ngọc Vạn. Lâu dần người ta gọi nôm na là bến Sen Gòn cho dễ nhớ.
Năm 1626, chiến cuộc Trịnh Nguyễn bùng nổ. Hai bờ Đại Việt lầm than. Trong nam vua Chey Chesdha băng hà (1628) để lại bà Công-Chúa-Hoàng-Hậu còn son trẻ, với bao nhiêu dang dở của một triều đình chưa kịp vững mạnh. Công chúa Ngọc Vạn trở thành hoàng thái hậu. Bà vẫn dùng quyền uy, kiến thức và tình thương săn sóc miền Nam. Nhưng miền Nam bất ngờ lại nội loạn tang thương. Ngọc Vạn khi ở nơi này khi ở nơi khác. Hàng năm cứ đến mùa bông gòn nở, nàng lại đến bến Sen Gòn chơi với dân Việt. Gió như có tay, cứ moi rút ruột bông gòn tung bay ra trong không gian. Những sợi tơ gòn non nõn, thỉnh thoảng bám nhẹ vào những cánh sen rung rinh trên đầm nước.
Bông sen nở
Bông gòn bay
Bến năm xưa hững hờ mây trắng
Bông sen nở
Bông gòn bay
Có ai hay nỗi lòng công chúa
Đã lâu lắm tôi không còn thấy lại bông gòn bay ngay cả những năm lớn lên ở Sài Gòn. Tình cờ tôi tìm được tờ nhật báo Tự Do ra ngày 29-3-1963 trong thư viện đại học Berkley đăng tin (nguyên văn) : “Hôm24-5-1963 tại Bộ Y Tế đã có một buổi họp liên bộ giữa đại diện các Bộ Y Tế, Cải Tiến Nông Thôn, Kinh Tế và Nội Vụ để thảo luận về việc trồng cây bông gòn. Kết quả các đại diện liên bộ đã đồng ý :
a) Ở nông thôn đất rộng người thưa, không khí trong sạch, có thể trồng tất cả các loại cây gòn. Nhưng khuyên đồng bào nên trồng loại cây gòn Togo để phù hợp với chủ trương của Bộ Cải Tiến Nông Thôn, vì cây gòn Togo quả chín không nứt. Nếu trồng loại cây gòn khác, nên hái quả khi bắt đầu chin để không bị nứt và nhả bông bay khắp nơi.
b) Ở thành phố loại cây gòn Togo cho phép trồng.
Các loại cây gòn khác, có trái chín nứt nhả bông mọc ở đường phố, chính quyền địa phương sẽ chặt. Nếu tư gia có loại cây gòn này, thì phải hái quả khi bắt đầu chín. Trong trường hợp để quả chín nhả bông, gia chủ sẽ bị phạt và cây gòn này đương nhiên bị chặt bỏ.
Bông gòn(Kapok) bay vào mũi rất khó chịu, bay vào đồ ăn mất vệ sinh, có thể gây biến ứng(Allergie) cho cơ thể. Vì lý do ấy Bộ Y Tế đã cùng các bộ Cải Tiến Nông Thôn, Bộ Kinh Tế,và Bộ Nội Vụ thảo luận để có quyết định trên.”
Đó là vào thời ông Ngô Đình Diệm. Bây giờ thành phố không còn tên cũ, mà đổi lấy tên một người không dính dáng gì tới Sài Gòn . Không biết ở đó có còn cây bông gòn nào không .
Tường Vũ Anh Thy
San Jose đầu thu 1996

Lời thêm: Truyện ngắn này đã đăng phần lớn trên tạp chí Hợp Lưu (Hoa Kỳ 1997)
Những ngày cuối năm 2010 sống rất đìu hiu, tôi đọc lại bản thảo viết tay bỗng nhớ chuyến đi với Trần Cao Lĩnh điếu tang Bình Nguyên Lộc vào ngày 8-3-1987.
Đó là ngày mưa gió sụt sùi ở Sacramento.  Tác giả Nhốt Gió đã viết về những nỗi đau khổ nhọc nhằn của những người cố công kiến tạo Miền Nam.
Tôi nhớ tác giả Sài Gòn Năm Xưa Vương Hồng Sển, dù chưa bao giờ gặp. Nhớ tác giả Chữ Nho Tự Học Đào Mộng Nam nói mãi về chất Nam Kỳ trong văn học. Những người tôi nhớ đều đã qua đời...
Tôi đành nhớ tôi với tác phẩm Văn Minh Đầm Lầy ôm ấp mãi vẫn chưa có dịp về Cà Mâu khảo sát. Tôi bèn tự đánh máy, sắp xếp lại truyện này như một tấm lòng gửi về Sài Gòn thân yêu của tôi.
tvat 20-12-2010