điêu khắc

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

CAO BÁ QUÁT: CÔN SƠN HÀNH






Côn Sơn hay Lô Sơn? *  Hay là ẩn ngữ của thi ca? Hay là quê hương của bến mộng? ** Nếu Lô Sơn có sóng Triết Giang trong sương khói cuồn cuộn, thì Côn Sơn có sóng Lục Đầu mây khói mịt mù. Côn Sơn có suối tuôn róc rách như tiếng đàn cầm. Côn Sơn có đá biếc mưa rêu như tấm thảm tiên, có rừng sâu trúc mọc vi vút thông reo…*** Côn Sơn có chùa Tứ Phúc, có tượng Trúc Lâm, có cầu Thấu Ngọc, có động Thanh Hư …
Trong một bài thơ tựa đề “Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác” (Sau thời loạn tới Côn Sơn cảm tác) của Nguyễn Trãi, có lời chú về Côn Sơn : ”Núi ở xã Chi Hãn, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nơi Trần Nguyên Đán ở khi về hưu. Núi có động Thanh Hư, phía dưới có cầu Thấu Ngọc. Đời Trần sư Pháp Loa dựng am ở đó. Sư Huyền Quang cũng có tới.”
Trần Nguyên Đán là ngoại tổ của Nguyễn Trãi, làm quan đời Trần tới chức Nhập Nội Kiểm hiệu Tư Đồ, Bình Chương Sự, Quốc Thượng Hầu; khi già về Côn Sơn, lập am trong động Thanh Hư. Pháp Loa là vị sư được ký truyền y bát của Trúc Lâm Đại Sĩ, làm tổ thứ hai phái Trúc Lâm đời Trần. Huyền Quang là vị tổ thứ ba phái Trúc Lâm. Huyền Quang mới chính thật ở Côn Sơn nhiều hơn ở kinh đô. Ông mất tại Côn Sơn năm 1334.****
Nguyễn Trãi về trí sĩ ở Côn Sơn năm 1439, khi ông đã 60 tuổi. Về đây ông trùng tu chùa Tứ Phúc ( Thiên Tứ Phúc Tự ), sửa sang động Thanh Hư, lập thêm am sống đời đạo sĩ. Bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi đã nói lên hết vẻ đẹp của Côn Sơn, và tâm tình hoài bão của thi sĩ.
Côn Sơn hay Lô Sơn ?
Khác với Tô Đông Pha, Cao Bá Quát đến Côn Sơn vào một ngày xuân rạng rỡ. Mây trắng bay suốt một giải trời rộng rãi. Núi xuân trải chập chùng hùng vĩ. Ông đến cùng người bạn thơ Phan Long Trân, cùng bầu rượu, và cùng…một tấm lòng nao nức nỗi thiên thu.
Núi Côn Sơn không cao lắm, nhưng thế núi chênh vêng như treo trên mây trời. Ta không có bức họa Côn Sơn, nhưng qua bài thơ đề bức họa Côn Sơn của Nguyễn Trãi, ta vẫn có thể vẽ lại bức họa Côn Sơn ,*****và trong tập Địa Dư Chí của Nguyễn Trãi, phần viết về Chí Linh, Hải Dương******ta cũng có thể biết vùng núi Côn Sơn có nhiều hoa liễu và đá mây. Ở Côn Sơn nhìn ra bến Lục Đầu (sáu đầu sông cùng đổ nhịp vào một giòng sông xanh) nơi đó có đồn lũy, sau xây lại qui mô đặt tên là thành Cổ Phao. Những trận chiến lẫy lừng trên bến sông Lục Đầu đã đem thành Cổ Phao vào lịch sử.
Khi Cao Bá Quát đến Côn Sơn thì lịch sử đã là thảm rêu xanh bát ngát ủ kín đất trời Chí Linh. Đứng giữa núi rừng u tịch, ông cất tiếng hú. Tiếng hú của một người có buồng phổi còn đầy rẫy nội lực – có trái tim còn ăm ắp máu tươi. Tiếng hú hư hoang vang vọng trong trời đất, như một lời nhắn gọi thiên thu. Phải chăng tiếng hú của Cao Bá Quát cũng là tiếng hú của thiền sư Không Lộ******* làm lạnh bầu thái hư. Cao Bá Quát hú lên rồi cây lá xôn xao, mây trời vỗ cánh và đất đá bật tuôn sương khói. Tiếng hú ngân dài và ngân mãi, ngân suốt chiều dài của lịch sử Việt Nam bên bờ đông hải. Ông thấy ở Côn Sơn như chứa hết tam thanh bát cảnh********như chứa hết những linh hồn Việt Nam bất tử, và còn chứa hết được linh hồn thế giới.
Thấp thoáng trong vô số những anh hùng dựng nước là những tấm y vàng của các thiền sư, và hình như chòm râu bạc của Lữ Đồng Tân, giải mũ xanh của Lý Thái Bạch cũng đang rộn ràng chào đón khách thi nhân. Cao Bá Quát hào hứng quá, bùi ngùi quá. Tiếng hú vừa cất lên thì trái tim vừa thổn thức. Ông khẽ ngâm một bài thơ cổ. Khẽ tu một hớp rượu nồng. Đôi chân khật khờ, tóc rối, ông dừng trước cửa chuà Tứ Phúc làm sâu trong núi. Vâng, ngôi chùa ấy đã cổ lắm rồi. Chùa được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được mùi hương. Đài Phật Tổ rêu phủ lờ mờ. Trên màu rêu ấy ông tưởng như bóng dáng vị lão tướng đòi Trần với hào khí nước Nam còn mãi với núi trời. Và hình như có môt bông hoa cúc vừa nở bên cầu Thấu Ngọc ? Không, đấy chỉ là dư vang bài thơ của Huyền Quang.*********Bây giờ bên cầu Thấu Ngọc chỉ mọc toàn một loài hoa cỏ lăn tăn. Và trên động Thanh Hư chim kêu ríu rít như nghìn hoa cỏ vẫn chan hòa. Có ai nghe tiếng gọi đò ? Có ai đáp tiếng rao của người bán chiếu ? Có ai thiếu chút niềm rộng rãi của chiêm bao ? Phải chăng bài thơ của Nguyễn Trãi còn lồng lộng trên núi cao, và mộng công hầu, bầu khanh tướng, cùng tấm lòng vằng vặc của thi gia đã trôi vào mây trắng ?
Ôi ba vạn sáu ngàn ngày là mấy
Cuộc ta bà tam muội thấy mà thương
Chỉ còn đây thân tứ đại tha hương
Vâng, cái thân tứ đại ấy bỗng còn mãi nơi Trúc Lâm, nơi Pháp Loa, nơi Huyền Quang…với đôi mắt muôn đời mở nhìn đoàn dương thế. Nếu căn nhà lửa trần gian thiêu đốt được hùm sói rắn rết bọ hung, thì đôi mắt kia mới êm đềm khép lại. Hỡi ơi ! Trước cửa chùa cứ toan thuyết pháp ? Trước lòng ta toan đảo chính lòng ai ? Sao không thấy trước mặt ta là một hồ lô rượu. Kìa hãy uống đi! Cánh cửa động Hàn Nham đóng chặt rồi *********
Ôi trên bến Lục Đầu thành Cổ Phao còn đó. Sóng lớp phế hưng vẫn vỗ mãi vào bờ. Bao chiến thuyền lung lay trên sông Lục Đầu, nay chỉ còn lơ lửng một mảng câu. Bao anh hùng thưở trước nay chỉ còn là đám bụi hồng. Hãy rót đi ! Hãy rót đi đừng ngại.
Cuộc buồn vui như giòng nước luân lưu, mỗi lúc mỗi khác. Nơi ta đang ngồi đây vui thú uống rượu có thể cũng là nơi người sau đến ngậm ngùi! Cuộc đời như một giòng sông tự vỗ vào lòng mình, không phải để thấy mình bị giam hãm mà để ý thức rằng mình đang trôi vô tận về biển khơi.**********Ngày xưa Khổng Tử  nhìn thấy giòng nước trôi mãi ấy đã nghĩ gì? Có ai tra hỏi mãi về một giòng sông? Hỡi ơi! Lấy tâm trói tâm ngồi đấu lý mãi với sư chùa cổ để làm gì? Này! Rót nữa đi! Tiêu khiển thêm vài chung lếu láo! Kìa! Trên đỉnh núi Côn Sơn tùng cao vẫn mọc ngạo nghễ! Ta hãy trèo lên đó ngó ra tám phương cho rõ mặt tám vạn bốn nghìn thế giới. Thì ra khắp thế giới là một màu mây trắng. Mây trắng muôn đời bay mãi vào thiên thu. Đất bỗng lắng yên, hồn bỗng chùng. Chim lữ thứ rủ nhau về lũ lượt trong tà huy phất phới lá vàng bay. Hình như gió xuân cũng là gió heo may thì phải? Mà sao heo hút quá! Bâng khuâng quá! Ta đã về chưa? Ta sắp về chưa? Ta sẽ về đâu ?

CÔN SƠN HÀNH

Xuân thiên hà minh mông
Xuân sơn liên vạn trùng
Du tử vãn huề hồ
Hào hứng lăng trường không
Khách đạo Côn Sơn chi thượng thanh thả u
Dữ tử tương tương phỏng cố du
Khóa cao độ hiểm nhiễu la kính
Dao chỉ âm âm thương thụ đầu
Giải y phân thủ tản bộ hành
Tùng đào vị ngã trữ viễn tình
Tam thanh, Bát cảnh như truy tùy
Đổng Lân Thái Bạch phân tống nghinh
Ngưỡng diện cao thanh khiếu thái cổ
Hàn sao táp táp phong linh linh
Đê thanh phục ngâm Tử-phủ chương
Phiên nhiên phi phát đăng sơn quynh
Sơn quynh thượng hữu Phạm vương đài
Cổ tích thương thương ế lục đài
Kiến thuyết Trần công cựu du thưởng
Chi kim sơn khí y nhiên giai
Thấu Ngọc kiều biên dã hoa tiểu
Thanh Hư đổng lý văn đề điểu
Ức Trai phú tại dữ thùy luân
Thiên cổ cao danh phó tình hiệu
Duy hữu Trần triều thiền giả bất hoại thân
Y y tuệ nhãn chiếu kim nhân
Lãng truyền thế đế giai hỏa trạch
Cánh hữu hà nhân thám tháp luân
Hành khách bất tri du tử ý
Mạn hướng sơn tăng thuyết thiền lý
Tôn tiền hữu tửu quân thả ẩm
Vị quân nhất ca Hàn Sơn tử
Cổ Phao thành hạ Lục Đầu tân                        
Thỉnh quân bắc vọng khan tích nhân
Bách chiến giang sơn thặng như đĩnh
Vạn cổ anh hùng nhất tụ trần
Chước chước quân mạc từ
Nhân thế bi hoan bất đồng thì
Kim nhân du thưởng hậu nhân bi
Tức tâm liễu nghĩa chân như si
Ngột tọa cùng thiền hề dĩ vi
Chước chước quân mạc từ
Sơn tiêu phục hữu cao tùng tam lưỡng chi
Phan trắc diếu bát hoang
Minh vân thiên ngoại phi
Chính điểu tương dữ hoàn
Lạc diệp phân phân nhi
Du nhân quy bất quy ?

CÔN SƠN HÀNH

Trời xuân mộng mênh mông mây trắng
Núi xuân say xa vắng chập chùng
Lòng xuân phơi phới một vùng
Chiều xuân quẩy rượu ta cùng hát vang
Núi Côn Sơn xiết bao thanh tú
Bác với tôi thăm dấu tích xưa
Trèo cao vượt đá chui rừng
Cây xanh lá thắm vui mừng thấy nhau
Phanh ngực áo tà tà đi tới
Gió thông reo thơ thới tình ca
Tam Thanh Bát Cảnh theo ta
Đổng Tân Thái Bạch những là đón đưa
Cất tiếng hú hư hoang lòng cõi
Cây ngàn năm mưa gió dạt dào
Nhẹ ngâm thơ nhẹ nghẹn ngào
Tóc bay chân bước lên chào chùa trong
Chùa trên núi trên thờ Phật Tổ
Dấu rêu phong đài cổ lờ mờ
Nghe đồn một thưở đợi chờ
Trần Nguyên Đán với mây trời vẫn xanh
Cầu Thấu Ngọc hoa tung tăng mọc
Động Thanh Hư chim ríu rít ca
Bài thơ Nguyễn Trãi chan hòa
Ngàn xưa lòng đã gửi vào trời mây
Thân không nát Trúc Lâm tam tổ
Mắt nghìn sau nhìn bổ lòng ta
Lòng ta trong cõi ta bà
Dám thưa, thưa dám ta bà dám thưa
Chưa hiểu hết lòng ta rốt ráo
Còn đem thiền đấu láo với sư
Rượu đây hãy uống ngất ngư
Ta say ta khẽ ậm ừ sắc không
Thành Cổ Phao dưới sông bến Lục
Thử nhìn xem vinh nhục là đâu
Mấy phen chiến sử anh hào
Rồi ra nắm đất mái chèo lửng lơ
Rót nữa đi xin đừng từ chối
Cuộc buồn vui hồ mỗi giống nhau
Trước vui sau lại buồn đau
Cởi lòng sau trước cưỡi trâu xuống làng
Chuyện thiền luận ngồi lâu dấm dớ
Rót nữa đi xin chớ ngại say
Xem cho rõ mặt đông tây
Tùng cao đỉnh núi ngất ngây mấy chòm
Mây lơ lửng ngoài trời bay mãi
Chim đường xa tầm tã trở về
Lá rơi lảo đảo lá hề !
Dùng dằng nửa ở nửa về …về đâu ?

Tường vũ Anh Thy 1982 (trích trong Cao Bá Quát Giữa Hồn Thiêng Sông Núi)
CHÚ THÍCH : * Xem Tuệ Sĩ: Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng ( Ca Dao,Sài Gòn 1973)
**Nguyễn Phi Khanh trong bài Du Côn Sơn có câu: Bách niên phù thế nhân giai mộng (trăm năm cõi thế là cõi mộng)***Viết theo bài Côn Sơn của Nguyễn Trãi(Hoàng Khôi - Ức Trai tập) ****Xem thêm Nguyễn Lang: Việt Nam Phật Giáo Sử Luận,Lá Bối – Paris 1977. *****Úc Trai tập.******Thiền sư Không Lộ đời Lý có câu: Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh, Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư (Một thưở lên cao đầu gió núi,Hú dài một tiếng lạnh hư không)*******Tam Thanh: Ba cảnh đẹp nổi tiếng ở Lạng Sơn, Bắc Việt là ba động Nhất Thanh, Nhị Thanh, Tam Thanh. Bát Cảnh là tám cảnh đẹp quanh hồ Tây Thăng Long (Hà Nội)*******Sư Huyền Quang có bài thơ Hoa Cúc:
                                                       Người ở trên lầu, hoa dưới sân
                                                       Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông
                                                        Hồn nhiên người với hoa vô biệt
                                                        Một đóa hoa vừa mới nở tung
                                         (Nguyễn Lang dịch – Việt Nam Phật Giao Sử Luận)
********Hàn Sơn Tử là một cao tăng đời Đường, cùng với Thập Đắc, là môn đệ của Phong Vân Đại Sư (Thiên Thai Tông). Lư Khâu Dẫn làm thái thú Thái Châu,biết tiếng đến tìm, nhưng hai vị đều bỏ chạy. Sau Lư đi du ngoạn tình cờ thấy Hàn Sơn tựa mình bên hang động. Lư tiến lên yết kiến thì Hàn Sơn chui vào hang. Đá tự nhiên khép lại. Lư có công sưu tầm những bài thơ và kệ của Hàn Sơn, được hơn 300 bài, đóng thành Hàn Sơn Tự Tập, do Lư viết tựa. *********Ý thơ Rabindanath Tagore – Sadhana
Lời Thêm: Hồi đó (1982) tôi vừa uống rượu vừa viết Cao Bá Quát. Suốt đêm, cứ Cao bảo rót là tôi rót liền. Hôm sau đưa Đào Mộng Nam xem. Anh vốn rất cẩn thận,điềm đạm, và nghiêm nghị; đọc bài thơ này anh phản đối cực kỳ. Khi tranh luận anh cũng sôi nổi. Anh không thể chấp nhận những câu như :phanh ngực áo tà tà đi tới. Nhưng tôi bảo tôi đâu có dịch sai. Cái hứng cả đêm, tốn bao nhiêu rượu mới có bài thơ. Bây giờ nghĩ lại, quả thật tôi không “đứng đắn’ với văn học ! Nhưng cha mẹ sinh con, trời sanh tánh biết làm thế nào được. Chúng tôi bèn giận nhau đâu những… nửa giờ ! tvat 25/1/11






Không có nhận xét nào: