điêu khắc

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

lửa bóng


ngồi bên lò sưởi gầy thương nhớ
lửa cháy thành tro lửa thế gian
người xưa đốt củi chan giấc ngủ
người nay vừa đuổi khói bay đi

trước sau lửa vẫn không là bóng
củi hết than tàn bóng có không

ngồi bên lò sưởi tràn thương nhớ
nhớ và quên như lửa lênh đênh
nửa đêm mở cửa ra sân vắng
nhận được của trăng ánh đại thừa 

tvat trăng tháng10/11

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

mua chữ


 



Anh ta có rất nhiều tiền. Mua gì cũng được. Anh thích lắm. Một hôm anh thấy có người viết bảng tên đẹp như phụng múa rồng bay. Anh hỏi mua. Người ấy bán ngay. Bảo : anh muốn mua chữ gì cũng được. Thật không ? Thật chứ !
Anh mua nhiều tên anh về treo quanh phòng. 
Từ đấy đêm nào anh cũng nằm mơ đi viết chữ. Viết được chữ nào anh bỏ ngay vào túi. Sáng dậy, sờ túi thấy trống trơn. Chỉ những chữ mua ở chợ là còn.

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

chuyện thương tâm kinh hoàng ở Trung Hoa !!!

Tôi nhận được thư anh Nguyễn Bá Trạc:
Tai nạn mới xẩy ra tức thì. Các đài BBC, CNN... không chiếu hết, vì quá kinh hoàng: Một đứa bé gái 2 tuổi bị xe cán trong 1 con đường hẹp, xe này lui lại (cán thêm lần nữa) rồi chạy luôn. Cả thẩy 18 người (đi xe gắn máy lẫn đi  bộ) đểu ngoái nhìn, nhưng không một ai dừng lại giúp. Thêm một chiếc xe nữa chạy cán qua luôn. Việc mới xẩy ra chỉ cách đây vài giờ tại Foshan, Quảng Đông, Trung Quốc.
Đoạn phim này lấy từ máy surveillance camera chiếu lại toàn bộ:
http://www.youtube.com/watch?v=71_kpdDZo6c&feature=related&oref=http%3A%2F%2Fwww.youtube.com%2Fwatch%3Fv%3DyM892Qjou2M%26feature%3Drelated

bạn nghĩ gì ????

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

định nghĩa về văn minh: tuyệt chiêu của gà trống

chuyện rất ngắn


Hãy ngắm chú gà trống. Chú hớn hở hì hục ngậm một món ăn đem đến trước mặt chị gà mái. Chú ngậm lên bỏ xuống tỏ ý: đây là dưỡng chất trần gian, là tặng phẩm dành riêng cho chị. Chị gà mái (chắc cũng có rung động gì đó, ngoài sự việc háu ăn) e dè, từ tốn nhìn tặng phẩm. Chú gà vội vã để món ăn nằm yên dưới đất rồi giả tảng nhìn trời. Chị gà hơi yên tâm, rón rén bước đến gần. Trong khi chị lúi húi ăn thì lập tức chú gà xòe cánh co chân nhẩy phóc lên lưng chị. ( thôi rồi một đóa trà mi!). Tuy chú gà chỉ có một chiêu thức ấy, nhưng mỗi lần ra chiêu là phải thành công, không được thất bại, nên trở thành tuyệt chiêu !
Con người, ban đầu chắc cũng cùng một chiêu thức với gà. Nhưng dần dà, những lần ra chiêu không đạt được mục đích (vì đàn bà khôn hơn gà mái) bèn tìm cách biến chiêu. Thế gọi là văn hóa, và...văn minh! 

 


Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

tĩnh vật


nàng gọi cho chàng một glass kunde merlot
cho nàng ly cosmopolitan
màu đỏ thẫm & màu đỏ cam
những con nghêu há miệng 
tiếng duơng cầm đột ngột ngưng
những cử động đột ngột ngưng
đột ngột
đó là bức ảnh chụp
  

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Cao Bá Quát: thơ tiễn




Không rượu, tiễn bạn đi nhậm chức ở Thường Tín

Buổi chiều quê cũ – " quê cũ chiều tà hiu hắt đợi "(1) đôi bạn trân trọng và bùi ngùi chia tay. Không nhắp chén quan hà, nhưng vẫn khà men tình tổ quốc. Ráng chiều nhuộm thẫm những con đường quen thuộc ở Hà Nội, Nguyễn Trúc Khê, bạn sẽ đi ra khỏi những con đường ấy, mang theo phần linh hồn của tôi; bởi vì bạn biết đấy, đường Việt Nam đang tối, nhưng lòng trai Việt Nam không tối. Tôi không có rượu để tiễn bạn lên đường, nhưng lòng tôi đầy men rượu. Tôi đang bị bệnh tình hành hạ, không đủ sức bước theo bạn thêm một quãng đường nữa, nhưng trí tôi chắp cánh bay cùng bạn khắp vạn nẻo đường đất nước.
Kể từ lúc bạn cởi áo vải thô theo việc văn thư, buông cày viết chữ, ra gánh vác xã hội, bạn đã từng là quan huyện nhiều nơi; trước ở phủ Thạch An, sau đến huyện Phù Cừ. Thạch An lắm núi thì bạn vui với núi. Phù Cừ nhiều sông, thì bạn vui với sông.(2) Đó là Đạo. Thói thường nhân dân ai cũng muốn an cư lạc nghiệp, yên phận làm dân.Chính quyền cai trị chỉ cần đừng sách nhiễu dân thì mọi việc đâu vào đấy. Mấy ai muốn lôi thôi rắc rối vào thân. Hai huyện ấy tuy công việc khác nhau, nhưng chính sách giống nhau (nhà nước thống nhất từ lâu rồi mà!). Nếu bạn nắm vững được công tâm thì chỉ nằm không mà dân vẫn an. Thuật trị nước, gốc ở Đạo.
Nay nhà nước bổ bạn về làm tri phủ Thường Tín, hẳn bạn đã rõ cái khó cái dễ, điều trọng điều khinh. Thường Tín là nơi giáp đầu ba tỉnh Hà Nội, Nam Định và Hưng Yên. Lính tráng, cán bộ, thợ thuyền sống lẫn lộn với dân chúng. Đấy là mầm mống khó khăn. Phần nhiều những nhà khoa bảng đều xuất thân thanh bạch. Trong khi các bậc hào trưởng làng xóm khóm phường đa số là thành phần cũ, có nhiều tuổi đảng. Bên trong thì phải đối phó với bọn sai dịch mọt già. Bên ngoài lo lũ tham quan hối lộ tham nhũng. Trên đã sợ búa rìu kìm kẹp của nhà nước. Dưới lại lo dư luận nhân dân phán xét rình mò chụp mũ. Tuy cái khó nó bó cái khôn, nhưng không phải vì thế mà thúc thủ. Ở huyện Ứng Hòa ngày trước, bạn chúng ta là Huyện Phan đã tạo được nhiều tiếng thơm còn lưu truyền trong quần chúng. Bạn là người sáng suốt, thành thạo và có tâm đạo, tôi đâu dám nói nhiều. Ba điều Thanh, Thận và Cần, bạn ngồi đâu hẳn là nó phải ở đó. Bảo vệ dân, giúp đỡ dân; hay là kìm kẹp dân, bòn rút dân; bạn biết rõ thế nào rồi. Làm chim loan chim phượng để mọi người cùng ưa; hoặc làm chim diều chim quạ cho chúng ghét, bạn cũng biết đằng nào khó hơn.
Nay tôi gắng viết mấy giòng để tiễn bạn lên đường. “Đường đi khó, nhưng không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”(3) Điều tôi muốn nhắn với bạn là ở phủ Thường Tín vốn có nhiều danh tài. Trong đó, Chu Văn An và Nguyễn Trãi là hai nhân vật siêu đẳng, tôi vẫn hằng kính trọng. Hỡi ơi, chí làm trai ở trong trời đất không làm được việc xé gan như Tỉ Can, bẻ cột như Chu Vân, để giữ mối cương thường, làm vẻ vang tổ quốc, lại chịu khoanh tay nhìn bày quỉ đỏ lộng hành nhiễu loạn nhân dân, thì mai kia khi tuổi già áo mũ ban ngày về làng chỉ tổ làm bẩn quê hương.(4)
Chí làm trai cũng không làm nổi việc mài mực đầu gươm, đối đầu tư tưởng với loài quỉ khát máu, truyền hịch định bốn phương; mà cứ sớm tối loay hoay lo chuyện nhà cửa xe cộ, sắm sửa áo quần trang sức; thì đến lúc tuổi già chỉ gục đầu vào vợ con mà chết hết cả khí phách trượng phu.
Hỡi ơi! Những hạng người đó, giả sử có xuống suối vàng gặp hồn các cụ, thì cũng mặt dày môi mỏng, trống ngực thình thình, hồn phách rũ rượi, nào dám ngó lên.
Tôi nghĩ đến chuyện này lại thấy buồn ghê gớm! Tôi đã già rồi còn mong gì nữa! Hỡi ơi, trai thời loạn nhìn thanh gươm mà thẹn.(5)
Bạn về đến Thường Tín, hãy đến thăm làng Nhị Khê và làng Cung Hoàng (6) vào đền thờ hai cụ, cho tôi, vì tôi, rót lên chén rượu, thắp lên nén nhang, lạy xuống hai lạy, rằng tôi trời đất mang mang vẫn hằng mong mỏi không hổ với khí tiết một đời!
Bạn cũng cho tôi gửi lời thăm Lê Hy Vĩnh.(7) Bảo tôi vẫn khỏe, chưa chết, chỉ mắc chứng điên.Ôi thiên hạ ai cũng tỉnh, một mình ta điên!
Bài thơ kết thúc như một bài quyền. Bấy giờ có lẽ vào khoảng những năm 1850-1853, Cao Bá Quát về Quốc Oai rồi lại về Hà Nội. Ông sống vừa hối hả vừa lãng đãng và bí ẩn. Bí ẩn như những con châu chấu quái gở, một buổi chiều thu bỗng ồ ạt kéo vào cắn nát đồng cỏ Mỹ Lương không một lời báo trước.

Tống Nguyễn Trúc Khê xuất lỵ Thường Tín

Cố nhân phân thủ Hà Thành lộ
Thiên lý đăng xa nhãn như cố
Bệnh trung vô tửu tống quân hành
Vọng đoạn giang đình thụ sắc mộ

Thủy quân thích hạt tòng bạ thư
Tiền vi Thạch An hậu Phù Cừ
Thạch An giai sơn dữ sơn lạc
Phù Cừ giai thủy dữ thủy cư

Nhân chi dục an các kỳ tính
Ngã dĩ vật nhiễu hành hữu dư
Lưỡng bang sự dị chính nhược nhất
Ngọa nhi trì chi hà dụ như

Tức kim bị mệnh lai tư địa
Giản yếu hề cư thị quân ký
Văn nhã danh hương cổ hữu vân
Tài phú sở mệnh kim tắc dị

Tam tỉnh tiếp liên giang dã gian
Bách công thác xử binh dân lý
Y quan chi tộc bán thanh lưu
Tỉnh ấp chi hào đa cố lại

Nội ngu đố dịch ngoại tham quan
Thượng úy vương chương hạ thanh nghị
Ngô tào Phan doãn hữu di âm
Tạc nhật Ứng Hòa do cận sự

Tử chân luyện đạt cánh hà ngôn
Sĩ hoạn tam qui yết tọa gian
Bảo chướng kiển ti tòng thức triệt
Ưng chiên loan phượng định thùy nan

Bả bút tặng quân thỉnh quân biệt
ức ngã nhân chi hoàn hữu thuyết
thử bang cổ vị phú danh nhân
Tiều Ẩn Ức Trai đĩnh song tuyệt

Trượng phu sinh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thường
Tọa thị đương đạo kiêu sài lang
Bạch đầu trú cẩm ô cố hương
Phục bất năng thuẫn tỵ ma mặc phi hịch định tứ phương
Đê đầu oải ốc khí bất xương
Mộ niên tử chẩm nhi nữ bang
Túng nhiên địa hạ qui lai kiến nhị tẩu
Diện hậu tâm quí thần thảm thương
Tọa niệm thử sự thành khái khang
Y ngô lão hỹ hà sở vương
Quân lai thỉnh phóng Nhị Khê dữ Cung Hoàng
Đăng nhị tẩu chi từ đường
Vị ngã tái bái khuynh tiêu tương

Thả báo cố nhân Lê Hy Vĩnh
Đạo ngã hảo tại bất tử duy mệnh cuồng.


Tiễn bạn đi nhậm chức ở Thường Tín

Đường Hà Thành chia tay bạn cũ
Nghìn dặm xe đỏ mắt từ đây
Một màu hiu hắt cỏ cây
Rượu đâu! Không rượu gượng đau tiễn người

Kể từ thuở bạn mang quan tước
Trước Thạch An sau đến Phù Cừ
Thạch An lắm núi cũng ừ
Phù Cừ sông nước cũng mừng nước sông

Bản tính người chỉ mong yên ổn
Đừng nhiễu dân việc khó cũng xong
Ngồi mà mọi sự hanh thông
Chuyện tuy khác huyện nhưng chung một triều

Theo lệnh trên nay ra đất ấy
“Trọng” hay “Khinh” bạn thấy ngọn ngành
Xưa, đây văn vật đã thành
Nay “kinh tế mới” phải rành sáu câu

Ruộng sông lạch nối liền ba tỉnh
Lính với phu quẩn giữa dân lành
Khóm phường “anh chị” vẫn đành
Nửa nhà công chức đã thành nếp xưa

Trong sâu mọt ngoài thì tham nhũng
Dưới miệng dân trên búa triều đình
Huyện Phan được tiếng chuyên cần
Ứng Hòa huyện trước cũng gần đây thôi

Bạn sáng suốt tất còn phải nói
Gối đầu giường chữ Thận - Thanh- Cần
Vì dân khác với vồ dân
Làm chim loan phượng khác thân quạ diều

Tiễn bạn có đôi giòng thay rượu
Ấy tiện đây tôi nhắn điều này:
Danh nhân Thường Tín có đầy
Chu An, Nguyễn Trãi bậc thầy thế gian

Chí làm trai ở trong trời đất
Không xé gan bẻ cột giúp đời
Khoanh tay nhìn quỷ giết người
Mai về mũ áo bẩn đường quê hương
Cũng không chịu đối đầu tư tưởng
Bút mài gươm quỷ dám ho he
Loanh quanh sớm tối nhà xe
Chết già gối vợ chèo khoeo xứ người
Xuống suối vàng gặp hồn hai cụ
Còn mặt nào ngẩng được lên sao
Lòng tôi nghĩ ngợi xôn xao
Thân tôi già lão lao đao mất rồi

Bạn nhớ đến đền thờ hai cụ
Một Nhị Khê một ở Cung Hoàng
Thay tôi thắp nén hương vàng
Lạy thêm hai lạy cho lòng tôi say

Cũng gửi lời chào Lê Hy Vĩnh
Lâu lắm rồi không có tin nhau
Bảo tôi chẳng khỏe chẳng đau
Chết thì chưa chết nhưng điên dài dài.


tường vũ anh thy 1982
(trích trong Cao Bá Quát Giữa Hồn Thiêng Sông Núi - Ức Trai xuất bản 1985)

Chú thích:
(1) thơ Thôi Hiệu có câu:nhật mộ hương quan hà xứ thị / yên ba giang thượng xử nhân sầu.(bài Hoàng Hạc Lâu) - Đào Mộng Nam dịch cho ngày thân phụ anh qua đời : quê cũ chiều tà hiu hắt đợi / trên sông khói sóng gởi sầu thương.
(2)  Thạch An : tên huyện thuộc Cao Bằng / Phù Cừ: tên huyện ở Hưng Yên
(3)  Ý văn Nguyễn Bá Học.
(4) Tuy ta biết tích Tỉ Can mổ gan và Chu Vân bẻ cột, đều để chỉ người trung nghĩa, dám quên thân mạng, can gián, hoặc thẳng thắn bênh vực điều thiện, như Chu Văn An dâng “thất trảm sớ” đòi chém những  tham quan ô lại quanh vua Trần Dụ Tông (1341-1369). Nhưng điều đáng bàn ở đây là câu thơ: Trượng phu sinh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thường. Trong bài “Nam Phương Ca Khúc” mà ông Nguyễn Bá Trác phóng tác thành bài “Hồ Trường” cũng có câu thơ này. Theo Nguyễn Bá Trác thì ông đã nghe và ghi lại bài Nam Phương Ca Khúc ở Thượng Hải vào khoảng năm 1912 do một người bạn quen hát bằng tiếng Quảng Đông nhân một cuộc rượu. Mở đầu bài hát này là câu “Trượng phu sinh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thường.” mà Nguyễn Bá Trác dịch thành:” Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường.” Bài Nam Phương Ca Khúc  không biết tên tác giả và cũng không biết có từ bao giờ. Ta có thể ngờ tác giả nào đó đã mượn thơ Cao Bá Quát để làm bài “Nam Phương Ca Khúc”. Hoặc tác giả bài ca là chính Cao bá Quát, hay bạn đồng chí của họ Cao. Đây là một đề tài cần được tham khảo thêm.
(5)  Nguyễn Du trong bài Lưu Biệt Nguyễn Đại Lang có câu:                                             
                           Loạn thế nam nhi tu đối kiếm
                           Tha hương bằng hữu trọng phân khâm
                                ( Gươm thời loạn thẹn cho ta
                                Tha hương bằng hữu phân xa ngậm ngùi)

(6)  Làng Cung Hoàng có đền thờ Chu Văn An (Tiều Ẩn). Làng Nhị Khê có đền thờ Nguyễn Trãi (Ức Trai). Cả hai đều ở phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông.
(7)  Bài Đoản Ca Hành, Cao Bá Quát làm ở nhà bạn trong một cuộc rượu có câu:
Vị Phủ năng ẩm nhật bách bôi
Phương Đình năng thi thi tức giai
Trương phu kiến nhân vi bất nhị
Hy Vĩnh thanh khan thiên hạ tài
(Bạn Vị Phủ ngày hàng trăm chén
Bạn Phương Đình thơ khéo dị thường
Trượng phu rất mực khiêm nhường
Là Lê Hy Vĩnh tỏ tường tài ai)
Nguyễn Trúc Khê, và tất cả đều là bạn bè thân của Cao Bá Quát .




Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

CAO Bá Quát: về mái nhà xưa




Suốt bao nhiêu năm, đôi lần nhắm mắt tôi lại bị ám ảnh bởi bước chân lạ lùng của Cao Bá Quát. Sau năm 1975, tỵ địa ở Mỹ, tôi càng bị bước chân Cao Bá Quát dẵm vào giấc ngủ. Nhiều lúc bước chân ông mạnh đến độ làm tôi bàng hoàng thức giấc. Có lúc bước chân ông nhẹ nhàng, dìu tôi đi ngây ngất trên đồi núi quê hương. Có lúc bước chân ấy vội vã thúc bách khiến tôi ú ớ khó thở. Cũng có khi bước chân ông vừa vui vừa buồn, nghênh ngang, và ngơ ngác. Nhưng có lẽ điều tôi bị ám ảnh nhất là bước chân lúc ngập ngừng lúc hối hả mỗi khi ông đi xa trở về nhà. Tôi hình dung ra được cả hai bàn chân to lớn, với hai ngón cái và những ngón con. Bàn chân đạp bì bõm trên những thửa ruộng còn ngập nước phèn. Lún trong những vũng bùn đen. Hoặc chìm vào rêu cỏ. Tôi không hiểu tại sao tôi phát khóc khi tưởng tượng ra như thế! Tôi rưng rưng mê mải dõi theo bước chân ông cho đến lúc …trời sáng !
Bấy giờ có lẽ vào khoảng thời gian ông đi công cán trở về được gọi vào Bộ Lễ ít lâu rồi bị thải (1843)  hoặc vào năm thôi làm giáo thụ ở Quốc Oai  (1854).  Mỗi lần về nhà là  mỗi lần ông bị giao động dữ dội. Có lần nóng lòng sốt ruột, thay vì đi đường cái, thì ông băng đồng đi lối tắt cho nhanh. Ta có thể đoán đó là những lần ông đi thi Hội trở về. Lòng trẻ và hồn mơ. Bây giờ ông trở về từ cõi bụi hồng. Lòng già và trí đạt. Hồn ông ngào ngạt tình thương. Ông đi bộ đến làng Đông Dư thì dừng lại ngập ngừng. Ở đầu sông đã thấy thấp thoáng bóng làng ông. Từ xa đã có thể nhận ra nhờ cây gạo cao lớn. Tại sao nhà không còn cách trở nhiêu khê mà chân ông ngập ngừng quá thế ? Mỗi bước mỗi dừng. Không phải vì thiếu người võng lọng lễ nghi quan cách (ông còn lạ gì cái chức tước nghi lễ bề ngoài trong đám quan trường.) Cũng không phải ông chậm bước chờ bạn đến sau. Mà vì gần đây mang nhiều tục lụy. Khói nhân gian đã làm ông đau đớn. Làm mòn mỏi chí trai. Ông không còn cái bồng bột hăng hái thuở thiếu niên nóng bỏng! Trong nhiều bài thơ ông đã nói đến tâm trạng ấy. Không chán nản thất vọng, mà là sự lặng lẽ thong thả của một trung niên hán tử đã từng trải đường đời, việc người. Đường đời cao thấp mịt mờ mây khói. Việc người nóng lạnh thất thường như nắng mưa. Ông vẫn chưa hẹn thật được lúc nào là lúc treo mũ từ quan. Chưa biết chắc đâu là nơi ông về đóng cửa vườn rau. Nhà ông có nửa mẫu ruộng hoang từ lâu không ai dòm ngó, cỏ dại mọc cao ngập đầu. Họ hàng thân thích mỗi ngày mỗi thưa thớt qua lại. Ông biết đối với bà con, chưa có được bữa tiệc bò dê mời họ. Không biết đến bao giờ. Đời ông chỉ toàn là ly biệt. Ông nghĩ đến bước đường bôn tẩu phía trước mà ngùi ngùi. Lòng ông không biết bao nhiêu cơ man tình cảm. Ông lặng lẽ nhìn trời. Trời đã tối rồi, dừng chân nơi đâu. Có lẽ ông sẽ ngủ trọ ở làng Đông Dư này thôi.

Sa hành đễ Đông Dư, ký mộ lưu túc

Giang đầu vọng cố hương
Cố hương vị tu trở
Như hà hành bất tiền
Nhất bộ nhất diên trữ
Phi quan phạp dư lệ
Ninh vị đẳng trù lữ
Cận lai phụ tục lụy
Tráng đồ bán tiêu tữ
Thế lộ canh yên vân
Nhân sự như hàn thử
Vị hữu quải quan kỳ
Sài môn tại hà hử
Bán mẫu cựu điền viên
Vu uế dĩ bất cử
Thân thích nhật dĩ sơ
Hà thường tốc phì trữ
Niệm biệt trướng tiền đồ
Mặc mặc bất dục ngữ
Nhật mộ vô định tung
Do vi dị hương xứ.

Đêm ngủ trọ làng Đông Dư

Bến đầu sông trông về cố quận
Làng ta kia kề cận tấc gang
Dùng dằng sao chẳng lẹ làng
Bước lên một bước trăm đàng ngổn ngang
Không phải vì thiếu người võng lọng
Không phải vì ngóng vọng bạn bè
Mà vì tục lụy não nề
Chí trai mòn mỏi ước thề phôi pha
Cuộc trần thế mây sa mặt sóng
Cõi người ta lạnh nóng vô thường
Bao giờ cởi mũ quan trường
Về đâu đóng cửa rào vườn ẩn cư
Nửa mẫu ruộng từ xưa còn đó
Cỏ dại đầy chả có ai chăm
Họ hàng thưa thớt mỗi năm
Lợn dê chưa mổ đãi đằng được nhau
Chuyện ly biệt lòng đau quằn quặn
Lòng dặn lòng im lặng là hơn
Ngần ngừ trời tối trống trơn
Đêm nay đành trọ trong vườn làng Đông Dư.

Làng Phú Thụy có một cái gò cao đặt tên là gò Chương Sơn. Trong bài Đắc Hà Thành cố nhân thư thoại…ông đã nhắc đến:
Vấn tấn Chương Sơn cựu ẩn thôn
Cao đường vô dạng lưỡng nhi tồn
Lục niên sinh tử phù trầm địa
Nhất chỉ giao du cảm khái ngôn
Kim cổ sự đa tu thức định
Văn chương đạo tiểu lại cùng tôn
Diệc chi hệ vật phi trường sách
Đầu bạch qui lai dã bế môn

Đây là thư gửi bạn, trả lời thư bạn ở Hà Nội, báo tin về gia đình ông, và hỏi thăm thơ phú của ông. Ôi được tin gò Chương Sơn nơi quê cũ đó, bố mẹ vẫn bình yên, hai con nhỏ còn khỏe mạnh. Đã sáu năm qua, trôi nổi sống chết trong cõi bụi hồng, tôi mượn giấy bút gửi lời cảm khái bạn bè. Việc xưa nay, sau trước, phải định tâm tĩnh trí, suy xét cho cùng. Nghiệp văn chương tuy không lớn (văn chương là đạo nhỏ) nhưng lúc cùng, nhờ đó mà thanh tao. Hỡi ơi! Biết dấn thân vào cõi thị phi không phải là kế bền lâu, nên lòng này vẫn hẹn đến khi đầu bạc sẽ về lại quê gò đó ẩn cư.

Thư gửi bạn ở Hà Nội

Biết tin quê gò Chương Sơn ấy
Bố mẹ còn ai nấy bình yên
Sáu năm chìm nổi triền miên
Đôi giòng gửi bạn nỗi niềm nhớ thương
Việc xưa nay phải thường tỉnh táo
Chuyện văn chương cơm áo đôi đường
Đem thân vào chốn đoạn trường
Hẹn khi tóc bạc về vườn ẩn cư

Câu “lục niên sinh tử phù trầm địa” là một chi tiết để ta đoán được ông làm bài này ở Quốc Oai vào khoảng năm 1853. Vì tính từ năm 1847 là năm ông trở lại làm việc ở Huế, đến năm 1852 đổi đi làm giáo thụ ở Quốc Oai, và mãi đầu năm 1854 ông mới được về quê. Đây cũng là chi tiết quan trọng để ta tìm hiểu tâm sự của ông vào những ngày tháng cuối cùng. Hình như ông nghĩ nhiều về sự từ biệt cõi đa đoan, về ẩn nơi quê cũ ? Có lẽ ít người tha thiết về làng xưa như Cao Bá Quát. Bài Gặp Lại Làng Xưa (Tương Đáo Cố Hương) ông đã vẽ lại cảnh làng ông và tâm sự của ông:

Tương Đáo Cố Hương

Cao cao mộc miên thụ
Cổ cán hà thanh sơ
Thiều thiều vọng thử bang
Quyết hữu cao nhân lư
Trúc mật phú dư kính
Thảo phong nhiễu tiền trừ
Bích chiểu hí tiêm lân
Lục đằng tú gia sơ
Y tích truyền kinh xứ
Yển tức thứ hữu dư
Thanh nhàn duy thủ chuyết
Ngô khế tại huyền hư
Tự bão khuê tổ thượng
Cách vi khâu hác cư
Tuế cửu vị qui khứ
Chỉ ưng úy giản thư
Tiêu tiêu hoàn đáo thử
Mạch mạch dục hà như
Tố tâm kỳ bất phụ
Lai giả khả truy dư

Kìa cây gạo cao vòi vọi. Gốc đã già mà cành ngọn xanh tươi. Xa xa nhìn vào làng của bậc “cao nhân” ở đấy, thấy trúc tre đan kín lối đi về. Thấy cỏ thơm xanh rợn một thềm thơ. Thấy tung tăng cá lội trong ao biếc. Thấy lúa đồng dào dạt ngạt ngào. Đó cũng là nơi ta dạy học thuở xưa, nơi ngơi nghỉ tuyệt vời. Hỡi ơi chốn quê mùa mộc mạc chính là chốn lòng ta thơ thới thanh nhàn. Hồn ta gửi mãi vào mây trắng xa xôi. Ôi có ngờ đâu từ khi đeo ấn làm quan, ôm chí “lo trước vui sau” trong cõi nhân gian, mới phải xa quê nhà, rời thôn ổ. Đằng đẵng bao tháng năm chưa được trở về mái làng xưa, chỉ vì sợ lệnh vua phép nước. Nay đã bơ phờ tóc bạc, khi trở về dằng dặc băn khoăn, bâng khuâng như vừa thua một cuộc cờ. Lòng tần ngần thầm mong nỗi niềm xưa không ruồng rẫy tấm thân này, bởi vì tấm thân này thầm hẹn sẽ không còn cuộc trùng sinh lầm lạc lúc ra đi.

Gặp lại làng xưa

Kìa cây gạo vươn cao vẫn đó
Gốc đã già ngọn ngó vẫn thanh
Vời trông phong cảnh trong làng
Trong làng có cửa có nhà “cao nhân”
Tre trúc tốt quanh sân đầy ngõ
Cỏ tươi tươi cười rõ mặt thềm
Ao sâu cá lội êm đềm
Lúa thơm phơi phới khắp miền đồng xanh
Nơi dạy học trong lành xưa cũ
Cũng là nơi lam lũ nghỉ ngơi
Quê mùa cuộc sống thảnh thơi
Lòng quê theo áng mây trời xa xa
Kể từ buổi vào ra thư kiếm
Mới đổi dời thôn điếm gò hang
Bao năm chưa được về làng
Một lo việc nước hai quàng lệnh vua
Nay phờ phạc như thua một cuộc
Trở về nhà thân thuộc nôn nao
Mai sau dù có thế nào
Bước chân tấc dạ xin chào nhân gian.


tường vũ anh thy 1982
(trích trong Cao Bá Quát Giữa Hồn Thiêng Sông Núi - Ức Trai xuất bản 1985)


Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

tâm lệ

thời gian khép mở như hơi thở
kẻ ở người đi mấy cũng thương
mon men bước lại phương trời lạ
bạt ngàn sóng vỗ mộng bay bay
gió mặn đầy hai tay
say say ngoài khóe mắt
có tiếng chim nhắc vội chiều hôm
ở trên đầu núi mây còn sáng
dội xuống bình nguyên vạn nhớ nhung
mông lung biển thẫm vào vô tận
ba vì sao mọc giữa hư không
đố ai biết được sao là lệ
lệ rớt trong lòng lệ nở hoa