điêu khắc

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

giắt tay nhau với đóa hoa nhài

những lọn sóng giắt tay nhau đi trên đại duơng
những hạt cát giắt tay nhau đi trên sa mạc
những luồng gió giắt tay nhau đi qua không trung
và cây cối giắt tay nhau đi trên mặt đất
chúng ta có nên giắt tay nhau với đóa hoa nhài


hỡi ơi hành tinh ta ở quanh quẩn với mặt trời
ta không thể thấy giải ngân hà không ngừng sinh nở
những vì sao vẫn giắt tay nhau đi trong vô cùng


chúng ta đã chỉ là những hành khách lạ
chưa từng thật thà giắt tay nhau
nay ta có nên giắt tay nhau
đi trên sóng hay dưới những bảng chỉ đường
hỡi ơi trời đất lạ thường
nghìn năm chợt có
một ngày như không

chúng ta có nên giắt tay nhau với đóa hoa nhài
cùng những giòng sông
cùng những đọt mưa
đưa ta về quê xưa
đưa ta về quê khác
rừng núi đầm lầy bình nguyên hải đảo
từ tunisia đến ai cập libya
từ lục địa trung hoa qua đông duơng
từ ba tư miến điện triều tiên cuba châu phi châu mỹ
chúng ta có nên giắt tay nhau với đóa hoa nhài
theo giòng nước mắt sinh tồn
cuộc trăm năm nọ oan hồn còn ghi


chúng ta có nên giắt tay nhau với đóa hoa nhài
như những người của trái đất
mất hay còn
cũng cất được rượu trần gian


tường vũ anh thy  24/2/11

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

những bước lang thang trên hè phố của gã bình nguyên lộc

Đọc lại cuốn những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc tôi muốn chất vấn nếu ổng còn sống. Chất vấn rằng: Tại sao ông nhắc đến bao nhiêu thứ cây cối hoa cỏ ở Sài Gòn hồi đó, mà tuyệt nhiên không nói gì về cây bông gòn của tôi ?
Tuy nhiên, Bình Nguyên Lộc đặc biệt viết về mồ mả cũ của Sài Gòn xưa ( chiếm gần 1/3 sách ). Người ta sống gần, sống quanh, và sống...trên các mồ mả ! Chính gia đình tôi hồi mới di cư (1954) đã từng ở Xóm Củi, cạnh nhà là một ngôi mộ xây ! Nhà hàng xóm còn dựa lưng vào mả ! Trước mả là ngã ba hẻm. Người bán hàng rong và trẻ nít thường xúm xít hồn nhiên bên mả. " Mồ mả ở Sài Gòn thân mật quá chừng. Người ta sinh hoạt giữa mồ mả như quen biết với ma dữ lắm. Ở cổng xe lửa Mỹ, bên hông nhà thuơng Từ Dũ có hai ngôi mộ song hồn khá to. Trên mộ có cây mọc. Người ta treo võng dưới tàn cây vào những trưa hè, người ta đong đưa kẽo kẹt trông rất an nhàn. Ngộ nghĩnh nhứt là tấm bảng hiệu "  hớt tóc"  cắm trên đó, cạnh chiếc võng. Khách hớt tóc cứ ra vào cái tiệm lộ thiên ấy mà không chút sợ sêt, e dè (trang 90). Ở Mỹ làm gì mà có cảnh ấy nhỉ? Ông Bình Nguyên Lộc còn tiết lộ chi tiết này : Sài Gòn đâu đâu cũng có mồ mả, nhiều nhất là Đàng Ô Ma (gần phía Hồng Thập Tự cũ). Ô Ma có lẽ là phiên âm từ tiếng Pháp Aux  mares (phía vũng lầy). Ông đặt câu hỏi: "Sao ta chôn xác người ở xóm vũng lầy? Thật là khó hiểu."  Nhưng tôi cho đây là thêm chứng cớ về vùng đầm lầy của Sài Gòn xưa ( văn minh đầm lầy ). 
Đọc Bình Nguyên Lộc ta còn học được vài chữ vài tiếng lạ miền Nam như bài ca dao :
Chợ Bến Thành mới
Kẻ lui người tới
Xem tứ diện rất xinh
Thấy em tốt dạng tốt hình
Chẳng hay em có chốn duơn* tình hay chưa?
-Anh hỏi em về việc duơn tình
Em đà có chốn gửi mình cho Thanh**
-Căn duơn đâu mà thấu đến bên Tàu
Họa chăng em thấy chú lửng *** giàu em ham ?
Ông ghi chú: * duyên. ** người Tàu đời Mãn Thanh.*** người Tàu còn trẻ. ( tr. 124) Té ra "lửng" là còn trẻ. Chú lửng là anh Ba Tầu còn trẻ ! ( gửi cái nghĩa này cho gio-o ).Tôi tìm trong Tự Vị Tiếng Miền Nam của Vuơng Hồng Sển cũng chưa thấy có !
Cuối sách Bình Nguyên Lộc van xin :
Mai sau dù có thế nào
Đốt lò hương ấy đọc ca dao này .
Gần như những lời tiên tri: phụ nữ Việt gần đây đua nhau lấy các chú lửng. Nghe nói các chú lửng đi đào bới bô-xít gì đó ở miền trung Việt cũng ra sức tìm đào Việt lấy chơi ! Thiệt là nhục nhã hết ý !

Ghi chú: Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình Nguyên Lộc được in ở Sài Gòn vào thập niên 60, đến năm 1999 nhà xuất bản Trẻ cũng ở Sài Gòn tái bản
.
tường vũ anh thy 16/2/11 

  


Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

NGUYỄN CAO: TỰ PHẬN CA

Bài Hát Cho Người Nằm Xuống

 


Nguyễn Cao sinh năm 1828 ở Bắc Ninh. Ông thi đỗ giải nguyên khoa Đinh Mão 1867. Đất nước đang lúc khẩn trương cả trong lẫn ngoài. Trong thì giặc giã lầm than, tham quan ô lại. Ngoài thì giặc Pháp ồ ạt xâm chiếm miền Nam, và đang lăm le miền Bắc. Vinh dự giải nguyên không đem đến cho Nguyễn Cao sự hăng hái đền ơn nhà nợ nước, mà làm chàng trai 40 ngán ngẩm ngại ngùng. Ông chưa trực tiếp nhìn thấy cảnh người Tây tàn sát người Việt, mà chỉ thấy trước mắt quan Nam sa đọa, mua danh bán tước, bóc lột dân lành. Vì không muốn đem thân vào chốn quan trường mua bán ấy, lại thương dân đói khổ lầm than không được mở mang trí óc, Nguyễn Cao về làng mở trường dạy học. Trước là giữ được thanh cao, sau là bồi đắp dân trí, đào tạo nhân tài. Đây là tư tưởng ẩn dật của nhiều sĩ phu trước đảo điên thế cuộc.
Nhưng ý định của Nguyễn Cao không thành. Thực dân Pháp sau khi nuốt trọn miền Nam, đã tham tàn tiến vào đất Bắc (1873-1883). Tiếng súng bùng nổ tâm tình yêu nước chống thù của sĩ phu Bắc Hà. Ngay khi Pháp tấn công lần thứ nhất, Nguyễn Cao đã dứt khoát đứng lên chiêu mộ nghĩa dũng, một lòng cứu nước, diệt Tây. Ông đã đứng hẳn về phía những người đồng cảnh là dân chúng Việt Nam trước họạ ngoại xâm, và nội thù. Suốt mười năm trời đó, sát cánh với Nguyễn Thiện Thuật, tham chính với triều đình, ông chiến đấu hăng say, nghiêm chỉnh, để cuối cùng bị thương vào năm 1883, cũng là năm Pháp chiếm được Bắc Hà. Một lần nữa, ông rút về dạy học với dân quê.
Năm Ất Dậu 1885, hưởng ứng hịch Cần Vương, Nguyễn Cao lại cùng Nguyễn Thiên Thuật lập chiến khu qui mô chống Pháp. Những cuộc chiến đấu oanh liệt đã không thay đổi được cục diện trước mắt, mà Nguyễn Cao còn bị bắt giải giam vào hỏa lò Hà Nội. Bấy giờ ông giữ chức Tán Tướng Quân Vụ Bắc Kỳ.
Bọn thực dân Pháp phối hợp với bọn Việt gian bán nước tìm cách mua chuộc, khai thác Nguyễn Cao. Nhưng ông là một sĩ phu không khuất phục trước danh vọng và bạo lực. Chúng dụ dỗ không được, đánh đập tra khảo cũng không xong, trước sau ông chỉ có một tấm lòng yêu nước. Chúng không tin, ông liền cấu ruột rút ra trước mặt chúng:”Lòng tôi đây! Rất thẳng!” Hành đông của ông làm chúng xanh mặt kính sợ. Chúng xúm lại băng bó cứu thương. Nhưng ý ông đã định, ông không chịu ăn uống thuốc thang, và đến ngày 14 tháng 4 năm Quí Hợi 1887, ông cắn nốt cái lưỡi để tự kết liễu mạng mình.
Nguyễn Cao mồ côi cha rất sớm, lúc mới có 7 tháng. Cha ông là Nguyễn Hanh, làm tri huyện huyện Thủy Đường, Bắc Ninh. Mẹ ông là hoa khôi Bắc Ninh, lúc đó mới 22 tuổi, ở vậy nuôi con. Đúng như thơ Phan Khôi:
   Nuôi con cho lớn cho khôn
   Rồi ra tắm máu mà chôn cái thù
Bởi vì cuộc đời bà là một cuộc đời anh hùng. Mẹ anh hùng sinh con hào kiệt. Bà được liệt vào hàng nữ lưu quốc sắc trinh liệt và can đảm phi thường. Nguyên gần làng bà có tên lý trưởng thế lực và giầu. Y rất tham lam hiếu sắc, tìm cách mua bà. Nhưng tiền bạc và thế lực của y không làm bà động tâm. Bà đã nguyện thủ tiết thờ chồng và nuôi con. Nhưng y là một thứ heo độc thèm khát, đã liều lĩnh đón đường toan cưỡng hiếp bà. Bà hết sức chống cự. Tuy thoát khỏi sự cưỡng hiếp, nhưng ngực bà đã bị tên lý trưởng kia làm hoen ố. Bà nuốt nhục sống để nuôi con. Họ hàng không hiểu, cứ tiếp tục khuyên bà tái giá, lấy tên lý trưởng. Cực chẳng đã bà phải hứa suông khi mãn tang chồng. Bà đã có chủ ý, đợi con đủ tuổi lớn khôn. Ngày tháng vẫn trôi đi trong sự ẩn nhẫn căm thù. Bà thì cứ hoãn, tên lý trưởng cứ giục giã. Cho đến khi không còn trì hoãn được nữa, bà đành thực hiện ý định sớm, lúc ấy Nguyễn Cao mới gần 10 tuổi. Bà cho mời làng trên xóm dưới, quan viên hai họ, và tên lý trưởng kia đến dự cuộc tế chồng, và…lấy chồng mới! Khi đã đông đủ, bà đứng ra kể lại đầu đuôi câu chuyện đời. Rồi không đợi ai kịp phản ứng, bà cầm dao thản nhiên cắt hai cái vú ném trước mặt mọi người: “Bàn tay cường hào ác bá của tên kia đã làm hoen ố cặp vú này, nay tôi cắt bỏ, để chồng tôi không vì thế mà thương tâm.” Rồi bà nắm tay Nguyễn Cao nói:” Mẹ đau đớn phải xa con. Con hãy ở lại, cố gắng lập thân. Giòng máu nhà ta là giòng máu trung trinh tiết liệt.” Máu và nước mắt, và cái chết ấy đã theo suốt đời Nguyễn Cao. Có lẽ trước khi cấu bụng rút ruột, qua bài Tự Phận Ca, ông hẳn phải thương nhớ mẹ ông biết chừng nào !
Nguyễn Cao có người vợ rất hiền. Bà đã tự trầm dưới sông để khuyên con. Trong bài Tự Phận Ca, ông thật sự nghĩ đến bà như một liệt nữ.
Cuộc đời khí phách và tư tưởng hào hùng, bi tráng của Nguyễn Cao, phần lớn là ảnh hưởng của mẹ. Những kẻ thường than thở:”Trời đất mênh mông mà không chỗ dung thân” sẽ phải khiếp vía cúi mặt khi đọc câu thơ này của ông:
   Thiên địa hứa đa dung tử sở
   Trùng trùng thủy bích dữ sơn thanh
   ( Trời đất thật nhiều nơi để ở
   Ngút ngàn nước biếc với non xanh )
Phải chăng Nguyễn Cao còn muốn nói về nước non Việt Nam, hồn thiêng sông núi Việt Nam, dưới gầm trời này, đâu đâu ta cũng có thể sống mà xây dựng đất nước, sống mà bảo tồn được quê hương.
Cuộc đời Nguyễn Cao là cuộc đời dứt khoát. Ông đã chọn cho mình một thế đứng, một hướng đi. Thế đứng của những người đồng cảnh. Và hướng đi chiến đấu xây dựng quê hương.(nói theo hiện ngữ là cứu nước và dựng nước.) Vì thế năm 40 ông không làm quan mà về làng dạy học. Năm 45, thôi dạy học đi khởi nghĩa diệt thù. Năm 59 ông đứng về phía sĩ phu trọng khí tiết không gục ngã trước ngoại thù và nội thù.
Tự Phận Ca được làm trước ngày ông rút ruột giơ ra cho quân thù xem. Đó là thiên bi hùng ca viết cho người nằm xuống, là tiếng hát ruột gan của kẻ sĩ chí trai cuối thế kỷ 19, được cất lên giữa khói lửa chập chùng. Trong đó thân phận con người nhập một với ơn nhà nợ nước. Nối kết được tư tưởng dân tộc đã từng thể hiện từ cuộc cách mạng khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào thế kỷ thứ nhất, bừng trải suốt chiều dài lịch sử gần 2000 năm (40-1887)
Thiên bi hùng ca lồng lộng của Nguyễn Cao mà chúng tôi chuyển ý thành lời Việt sau đây, ước mong sẽ thức tỉnh được những tâm tình gian dối, thức tỉnh được những tay đầu cơ tham vọng cõng rắn cắn gà nhà, thức tỉnh được những nỗi lòng ủy mị buông xuôi, để bừng lên theo khí thế thanh niên lên đường dựng nước yêu đời.
Cuộc đời, tác phẩm, và cái chết của Nguyễn Cao cũng sẽ là điều mà những kẻ loay hoay luẩn quẩn giữa sống và viết, không dám sống điều mình viết, phải cụp đuôi cúi đầu.
TỰ PHẬN CA – bài hát cho người nằm xuống
Trời đất hề, sinh ra ta
Có đầu óc mà chí khí không dài
Có lòng dạ mà cơ thể ốm đau
Chẳng bằng con ngựa kia bon bon ngàn dặm
Còn kém cả con vịt trời giữa giòng nước lênh đênh
Đã thua con chim liếc mắt trên cành
Thua cả loài báo đen núp mình chờ đợi

Trời đất hề, sinh ra ta
Theo đòi sách vở từng trải việc đời
Tưởng rằng yên phận
Mà vận nước ngả nghiêng
Hồn thiêng sông núi
Réo gọi lên đường
Hỡi ơi nghĩa lớn coi là trọng
Hơn thiệt xem thường mới chí trai
Cứ như lý nay mai tất thắng
Ngặt một điều mạnh yếu chưa phân
Lòng mà đã quyết cùng thân
Mồ hôi máu chảy  muôn phần chưa thôi

Trời đất hề, sinh ra ta
Trên quốc tổ chưa vuông danh phận
Dưới đồng bào ôm hận không tròn
Gia đình thân tộc chưa xong
Bạn bè xóm láng ngoài trong nhỡ nhàng
Việc dân việc nước việc nhà
Dở dang nước mắt nhạt nhòa cả ba

Trời đát hề, sinh ra ta
Sống mà quẩn như loài dê chó
Thà chết đi theo gió sớm mây chiều
Sống mà thừa như cục bướu nhân gian
Thà chết đi bồi giang sơn gấm vóc
Ôi núi Nùng sông Nhị
Vẫn ngát hương xanh
Một nấm đất con thành vạn thưở
Lồng lộng mơ hồ vây bủa
Kìa kiếm Sóc Sơn
Thơ Lý Thường Kiệt
Cọc sắt Bạch Đằng giang
Giữa hồn thiêng sông núi
Sẽ thành mưa thành gió thành sấm sét ngang trời
Rửa những tang thương ô nhục
Theo giòng sông nước mênh mông

Trời đất hề, sinh ra ta
Có đêm nằm mộng ngồi xem kịch
Cùng Khuất Nguyên uống rượu gật gù
Đời lấy điều buồn ta chọn điều vui
Kéo mở ba màn rượu còn một hũ
Tỉnh trong khi say thức trong lúc ngủ
Hiểu ta chăng hay chê ta quá nóng ?
Không hiểu ta mà giận ta danh lợi ?
Hỡi ơi dù hiểu hay không
Dù đời nay đời trước hoặc đời sau
Đáng chi đâu lời khen chê phải trái
Tự ta ta biết ta ca
Bài ca đất nuớc sinh thành nước non

Trời đất hề, sinh ra ta
Đời của trăm năm
Riêng ta quá nửa
Tự cho đã đủ
Nên cởi mũ đời
Xá gì cuộc thế xôn xao
Lênh đênh bể khổ lao đao phận người

Trời đất hề, sinh ra ta
Muốn bảo con khấn
Cùng vợ ta xưa
Em chết ở sông nhà
Ta chết nơi sông nước
Tuy không cùng tháng cùng ngày
Nhưng cùng giòng nước vơi đầy trời mây

Trời đất hề, sinh ra ta !

Bài thơ có ghi chú:” thử công tựu Hà Nội thời tuyệt bút thiên” (thiên tuyệt bút làm khi tới Hà Nội). Và một tiểu chú khác về giấc mộng ngồi uống rượu với Khuất Nguyên. Khuất Nguyên nói:” đời như sân khấu kịch trường, ta thì muốn bỏ mười điều chia buồn lấy mười điều góp vui; còn thiên hạ bỏ mười điều góp vui lấy mười điều chia buồn”(Nhân sinh tại thế như khối lỗi nhất trường, tòng ngã giả, khứ thập điếu tựu thập hạ, tòng tha giả, khứ thập hạ tựu thập điếu.). Khuất Nguyên là một kẻ sĩ bậc nhất của Trung Hoa thời chiến quốc. Ông có tư cách thanh cao và tấm lòng yêu nước Sở. Câu nói bất hủ của ông: đời đục mình ta trong, đời say mình ta tỉnh. Nguyễn Cao lấy điểm này để bày tỏ chí ông. Hỡi ơi tạo hóa đã sinh ra  ta, sinh ra con người, nhưng lại bỏ hắn vào những sự bất toàn sống thác, vào những cõi thị phi điên đảo, vào những hải đảo cô liêu giữa đại dương sóng dữ. Thân phận con người đã là nỗi ám ảnh không rời từ Nguyễn Trãi – Nguyễn Du – Cao Bá Quát – Nguyễn Cao. Nhưng hình như Nguyễn Cao đã tìm được lối thoát khác, trực tiếp hơn và hãi hung hơn.
Nguyên văn phiên âm Việt Nho : TỰ PHẬN CA
Ta ta tạo vật hề dĩ ngã vi sinh
Dữ ngã dĩ trí nhi đoản kỳ chí
Dữ ngã dĩ thành nhi bệnh kỳ hình
Ký bất năng vi câu chi ngang ngang thiên lý
Hựu bất năng vi phù chi phiếm phiếm trung hành
Ký bất năng vi chí điểu vi tủng thân trắc mục
Hựu bất năng vi ẩn báo chi liễm thái tàng thanh

Ta ta tạo vật hề dĩ ngã vi sinh
Lạm tòng khoa hoạn lịch duyệt chu tinh
Cửu an điềm thoái ngẫu thử gian trinh
Hốt văn hữu mệnh bất cảm dĩ hoàng ninh
Danh nghĩa vi trọng lợi hại vi khinh
Dục dĩ lý thắng nạn dữ thế tranh
Hãn nhiên bất cố hữu vi vô thành

Ta ta tạo vật hề dĩ ngã vi sinh
Thượng vô dĩ báo đáp quân phụ
Hạ vô dĩ trửng tế sinh linh
Nội vô dĩ nghĩa hối tử điệt thiện hóa tộc lý
Ngoại vô dĩ trung tín tụng giả thủy chung bằng tình
Dân sinh tam sự tàm phụ thế linh
Du du hồ! Dương dương hồ!
Sóc chi kiếm! Không chi chi! Đằng chi thung!
Tương dữ vi trắc giáng tả hữu phong vũ lôi đình
Dĩ tẩy hồ di thiên chi tinh

Ta ta tạo vật hề dĩ ngã vi sinh
Trù tích chi dạ mộng dữ Khuất Tử Bình đối ngã ngôn
“Khứ điếu tựu hạ, khứ hạ tựu điếu”
Ký kịch sổ soạn tửu trường vị khuynh
Nhị kim yên như mộng nhi giác, như túy nhi tinh
Tri ngã giả, hoặc cơ kỳ quá phẫn
Bất tri giả, hoặc ố kỳ yêu danh
Tri dữ bất tri
Hựu an kế đương thế hậu thế chi thị phi xứng hành
Tự tri tự phận liễu dĩ tự minh

Ta ta tạo vật hề dĩ ngã vi sinh
Sinh nhi luân ư khuyển dương chi dị vực
Hà như tử nhi đồng hồ thiên địa diểu minh
Sinh nhi vi nhân gian chi huyền vưu phụ chuế
Hà như tử nhi vị  giang sơn chi quỳnh chi ngọc anh
Nhị chiêm thủy bích Nùng thường sơn thanh
Nhất thốn tĩnh địa thiên cổ giai thành

Ta ta tạo vật hề dĩ ngã vi sinh
Nhân thùy mãn bách, bán bách ngải linh
Ngã dĩ vi thọ trần đương giải anh
Nhi hựu hà tiện hồ nhân sinh chi trường cần
Thương khổ hải chi linh đinh

Ta ta tạo vật hề dĩ ngã vi sinh
Thương kỳ quy cáo gia nhi chúc ngã cố thất
Tích khanh ư gia chi giang
Kim ngã ư quốc chi giang
Tuy bất đắc đồng thời đồng nhật
Do đắc đồng lưu  đồng thanh

Ta ta tạo vật hề dĩ ngã vi sinh

tường vũ anh thy san jose 1986
(trích tạp chí Truyền Thông, số 24/bộ mới,tháng 3/1988)



 

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

giữa gỗ và người

học cách tìm mặt trời của lá
học cách lá đong đưa khi có gió mưa
học cách lá rơi mà không rụng
học trong bụng gỗ những đường vân
cách gỗ nối tim từ thuở là nhân
cách gỗ nghe và cách gỗ thở
thớ gỗ cho đi và thịt gỗ để dành
từ bể dâu gỗ trở về dâu bể

ngẩng đặt gỗ lên
cúi lạy hai lần
trước khi đẽo gọt



tường vũ anh thy 11/2/11

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Hầu Bóng : một hình thái kịch nghệ đặc thù




Trong các buổi tửu đàm và trà đàm năm 1985, kịch tác gia Vũ Khăc Khoan định cho tái bản cuốn TÌM HIỂU SÂN KHẤU CHÈO; đồng thời thành lập ban kịch CHÚNG TA. Về sách, tôi có góp ý rằng: chèo, tuồng, hát bội, cải lương, và thoại kịch ở Việt Nam dậm chân ở giai đoạn mô phỏng và nhập vai. Trong khi kịch mới đã tới hồi không mô phỏng, không nhập vai nữa. Nhắc nhở người coi rằng (tôi) đang đóng kịch. Một điều không ngờ được là trong ĐẠO NỘI (Đồng Bóng) người ta (Việt Nam) đã thực hiện tất cả các chuyện ấy từ hàng ngàn năm rồi !
Tôi không nói ngoa. Hãy đến dự và quan sát một buổi lên đồng. Sân khấu là chánh điện. Người ngồi đồng ( vấn hầu) ở vị trí trung cung (thổ) Ba bà phụ đồng (gọi là bà nhưng) ngồi hai bên tả hữu và sau lưng. Phía trước là điện thờ nguy nga lộng lẫy với các bức tượng. Thấp sát sàn sân khấu, dưới gầm bàn hoa quả, là một tấm gương kín đáo. Gương còn mang ý nghĩa bóng nước (hành thủy ở phương bắc) nguồn mạch của đời sống. Đó là sân khấu ngũ hành. Tôi không đi sâu vào vấn đề ngũ hành ở đây, chỉ đề cập đến tính cách kịch nghệ.
Người ngồi đồng sẽ là diễn viên chính. Sẽ sắm rất nhiều vai. Trang phục, điệu bộ, và tinh thần của mỗi vai hoàn toàn khác nhau. Từ lúc nhập vai đến khi kết thúc (đồng thăng) có khi rất ngắn (mươi mười lăm phút) và gọi là một Giá. Có khi vai kéo dài nửa giờ hoặc gần một giờ. Họ thay y phục ngay  trước mắt khán giả.
Các bà nhưng là những diễn viên phụ, có nhiệm vụ chính là giúp thay đổi trang phục cho người ngồi đồng. Họ tung hứng, tấu lạy, đối thoại rất nhịp nhàng. Họ cũng là những người chuyển quà cáp (lộc Thánh) đến khán giả (con công đệ tử, khách khứa tham dự buổi hầu bóng). Và đặc biệt họ còn là người điều khiển chương trình ( M.C. Đạo diễn )
Một ban nhạc gồm đàn, sáo, sênh, phách, thanh la, não bạt, kèn nhị,trống, và ca sĩ (cung văn). Nhạc và lời, và giọng hát gắn bó linh động với điệu bộ của các diễn viên trên sân khấu.
Ánh sáng là đèn nến chung quanh, và rực rỡ trên điện thờ. Cùng với khói nhang, mùi hoa quả tươi, tạo thành bầu khí lung linh huyền ảo. Tất cả rung rinh uyển chuyển trong âm nhạc. Quay cuồng theo nhịp trống và điệu múa của diễn viên.
Tóm lại, hầu bóng có đủ yếu tố của một sân khấu kịch nghệ. Lược qua phần tôn giáo, đức tin, và ý nghĩa của từng giá, từng lời ca, bản nhạc, tôi nhận thấy phần kịch nghệ có những đặc điểm :
1-      Diễn viên ( vấn hầu & các bà nhưng) đã tô vẽ, ăn mặc, lời nói cử chỉ, điệụ bộ, cốt sao giống với nhân vật được trình diễn. đó là họ đạt tới nghệ thuật mô phỏng.
2-      Khi đồng nhập (đồng giáng) diễn viên trở thành nhân vật một cách thần tình. ( Đôi khi họ làm được cả những việc mà bình thường họ không thể, như xuyên đinh vào má (xuyên lình), nuốt than thổi lửa v.v.). Đó là họ đã đạt tới nghệ thuật nhập vai.
3-      Khi thôi diễn (đồng thăng) họ trở lại với con người bình thường. Họ cười nói, hoặc gắt gỏng, và thay đổi trang phục tự nhiên ngay trước mắt khán giả, không giấu giếm. Họ không có hậu trường. Tựa như kịch mới, họ nhắc nhở khán giả rằng họ chỉ là người thường, và sẽ đóng kịch. Họ đạt tới nghệ thuật kịch phản kịch.
Trước và trong khi trình diễn, diễn viên chính vẫn nhìn thấy mính trong tấm gương giấu kín dưới gầm bàn hoa quả phía trước. Đây là đặc điểm lạ lùng, giúp ta thấy diễn viên rất tỉnh táo, và ý thức về vai trò họ đang mô phỏng và nhập vai. Họ đạt được tới nghệ thuật kịch đương đại : Tôi vẫn là Tôi
4-      Toàn hội trường (Đền) từ diễn viên trên sân khấu tới khán giả chung quanh đều gắn bó mật thiết. Khung cảnh cảm động và náo nhiệt nhất là lúc có người dâng lễ, lúc phát lộc, lúc ban thuốc chữa bệnh, lúc ban các lời khuyên…Đặc điểm này, ngoài lý do tôn giáo, về kịch nghệ, còn cho ta thấy sự đồng thuận và ý thức cao trong việc trình diễn, cũng như thưởng ngoạn.
Hầu Bóng là hình thức tôn giáo sơ khai, có mặt từ ngàn xưa, đặc biệt ở khu cực Đông Nam Á. Được Việt hóa và cực thịnh vào thời Hậu Lê ( thế kỷ XV) trở thành Đạo Nội. Có nhiều người cho rằng nó không đủ yếu tố của một tôn giáo, cũng như nghi ngờ về lịch sử phát triển của nó. Đây không thuộc phạm vi bài này.
Khi tôi phát biểu rằng:” có lẽ hầu bóng là hình thái kịch nghệ đầu tiên và đặc thù của kịch nghệ Việt Nam. Nó phát triển và ảnh hưởng trong dân gian, biến thái ra tuồng, chèo, cải lương cũng như hát bội.” Thì kịch tác gia Vũ Khắc Khoan yêu cầu tôi viết thành bài để bổ xung cho cuốn Tìm Hiểu Sân Khấu Chèo. Tôi đã hứa, rồi phần bận sinh kế, phần tuổi trẻ ham chơi, chưa kịp viết thì ông Vũ qua đời; sách cũng chưa in.
Đến năm 1996, có dịp điểm cuốn Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam của tiến sĩ Trần Ngọc Thêm, tôi mới đề cập đến vấn đề này trong tập san Triết. Lập tức chủ nhiệm Nguyễn Hữu Liêm mời tôi viết về Đạo Nội. Để thu thập thêm tài liệu sống, tôi lái xe đi Sacramento dự buổi hầu bóng ở Đền Sòng Sơn Linh Từ. Đây là đền tương đối lớn ở hải ngoại. Tôi tiếp xúc với chủ đền, các vấn hầu, và các con công đệ tử. (Tôi đã từng ở nhiều tháng trong đền Việt Nam trước 1975) Chuyến đi, lại cho tôi một kinh nghiệm không dính dáng gì tới kịch nghệ: vấn đề dục tính. Người ta thường cho lên đồng phần lớn là ái nam ái nữ. Sự thực không phải thế ! Nơi đây còn là chốn giao duyên. Và dục tính còn xuyên suốt như hậu trường sân khấu ngày nay. Dục tính còn chính là động cơ thôi thúc cuộc lên đồng. Tuy không là mục tiêu của bài này, nhưng quan hệ tới việc thành lập một ban kịch. Những kẻ yêu kịch, yêu sân khấu, thể hiện những đam mê. Họ năng nổ, tháo vát và khao khát yêu đương. Tôi nhận thấy không khí hầu bóng nồng nực tình nam nữ. Trước khi trình diễn (vấn hầu) người ta hân hoan náo nhiệt trong một bữa tiệc mặn. Thôi thì miệng ăn tay gắp sóng mắt đa tình. Chuyện đạo chuyện đời linh đình qua tai người nọ kẻ kia. Từ cụ ông này tới bà cụ nọ. Ông nọ bà kia. Anh kia chị nọ. Chàng này nàng ấy v.v. được bàn thảo, gièm pha, ca ngợi, hay khuyến khích hoặc cấm cản. Đến khi tham dự buổi hầu  bóng thì không khí tràn ngập niềm phấn khởi, hy vọng, và thành tâm. Họ quên hết mọi tị hiềm, mọi khúc mắc, mọi rối bời…Điểm đặc biệt là các tín đồ Đạo Nội (con công đệ tử) trong khi hành lễ không hề lộ vẻ sầu thảm hay trầm trọng. Họ rất khơi khơi. Ta có cảm tưởng ai ai cũng thảnh thơi. Nguyên phần tích cực này đã là một dục tính mạnh mẽ.
Nhớ lại những ngày dựng vở Thành Cát Tư Hãn cùng với tác giả Vũ Khắc Khoan ở trại tỵ nạn Fort Chaffee, Arkansas. Tôi đóng vai Sơn Ca. Trong giới hạn nào đó, có lẽ tôi đã nhập được vai. Bằng cớ là sau khi xem kịch, nhiều nữ khán giả ái mộ. Và tiếp theo là những chuyện tình. Tôi đã thắc mắc như Phạm Duy có lần tâm sự: Chả biết phụ nữ họ yêu cái “thằng” Phạm Duy này hay “nhạc sĩ” Phạm Duy. Câu hỏi ở bài hát: “ Yêu tôi hay yêu đàn” ông bảo là câu hỏi thật. Cũng thế, qua kinh nghiệm bản thân, tôi cũng tự hỏi: “ các cô đang yêu tôi hay yêu Sơn Ca của Vũ Khắc Khoan?” Xin phép độc giả cho tôi được đi sâu vào chuyện riêng tư của mình thêm tí nữa, để qua đó, chứng minh điều tôi sắp trính bày. Thế rồi một bi kịch diễn ra: tôi yêu một trong số các cô yêu Sơn Ca ấy ! Sự thực, tôi không phải là Sơn Ca. Nhưng tôi lại không có cái khả năng đóng kịch phản kịch, nhắc nhở rằng tôi là tôi, tôi chỉ là kẻ “đóng kịch”. Tôi rất kính phục Trương Chi. Anh đã không để cho Mỵ Nương yêu “tiếng hát Trương Chi”. Mặc dù anh bị thất bại, vì Mỵ Nương chỉ yêu “tiếng hát” mà không yêu Trương Chi. Sự thất bại của anh tuyệt vời. Nó vừa can đảm, lương thiện, vừa oai hùng! Còn tôi đã nhập nhằng giữa cái “tôi”  và cái “tôi kịch”. Các tín đồ Đạo Nội không thế. Họ rất minh bạch giữa họ (đời thường) và các thần linh (đời kịch). Khoảng cách đó chính là cuộc cách mạng kịch nghệ của Bertoll Brecht (1898-1956) kể từ Aristote, để mở ra cho Samuel Beckett, Ionesco…
Tôi vẫn nghĩ Truyện Kiều của Nguyễn Du là một vở kịch mới. Ông giới thiệu không gian, thời gian, và để cho các nhân vật trình diễn. Cuối cùng ông nhấn mạnh cho người đọc biết đấy chỉ là kịch, là một câu chuyện cũ. Đừng suy diễn vớ vẩn gì cả. Có thể ông chả có tâm sự gì gửi gấm ở đấy đâu. Này, mọi sự đều mua vui ấy mà. Lương thiện và oai hùng thay !
Để trở thành diễn viên, người ta phải bỏ nhiều công phu học hỏi, luyện tập. Nhưng để trở thành người “ngồi đồng” trong Đạo Nội, ngoài căn mạng, phải qua thời kỳ đội bát nhang(tôn nhang) và trình đồng. Công phu có hàng chục năm. Có người tập từ khi còn thơ ấu. Đền chính là ngôi trường kịch nghệ của họ. Sự đào luyện tài năng mới (thanh đồng) là mối quan tâm của Đền và Đạo. Nhờ đó Đạo Nội còn phát triển và tồn tại cho đến ngày nay, mặc dầu nó bị ngộ nhận, bài bác, và ngăn chặn.

Vũ Tiến Thủy san jose may 10-1998
(trích tạp chí Hợp Lưu số 41 tháng 6 & 7/1998)
            


Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2011

Chuyện Huyệt Táng Hàm Rồng

     Xưa có bốn bố con, nghèo đến độ cả nhà chỉ có một chiếc chiếu và một cái khố. Họ phải thay nhau đóng khố để ra ngòai kiếm ăn. Đến khi ông bố sắp chết mới dặn các con giữ chiếu và khố lại mà dùng, cứ để bố chết truồng cũng được. Nhưng ba anh em thương bố quá, không nỡ, vẫn mặc khố cho bố, lấy mảnh chiếu bó bố lại, đợi ban đêm mới khiêng bố đi chôn. Phần vì thiếu ăn, phần vì trời đêm giá lạnh, ba anh em vất vả mệt quá. Họ nghỉ chân bên gò đất ngòai đồng, thầm khấn: “ Bố ơi, bố linh thiêng, phù hộ cho chúng con, bố nhẹ đi để chúng con dễ khiêng bố . “ Khấn xong họ tiếp tục khênh bố họ lên. Lần này họ khiêng dễ thật : rất nhẹ. Ba anh em mừng lắm, tin rằng bố rât linh thiêng .
            Chôn cất bố xong, ba anh em lần theo lối cũ về nhà . Qua gò đất, họ vấp phải xác người chết bên đường . Xác chết cũng đóng khố . Trời tối quá, ba anh em không nhận ra ai . Họ xúyt xoa: “ Tội nhgiệp . Bố ta còn được bó chiếu chôn cất. Người này chết phơi thây ở đây . Thôi ta làm phúc chôn ông ta vậy” . Nhân hốc đất gần đấy, ba anh em hì hục khiêng xác chết vùi vào .
            Đêm ấy, người anh cả ngủ mơ thấy một con rồng đến bảo: “Này anh kia, anh có dời xác bố anh ra khỏi hàm tôi không. Tôi trả công anh mâm bạc”. Sáng dậy quả có một mâm đầy bạc sáng lóe . Người anh kể chuyện giấc mơ . Rồi đến đêm anh ta đi dời mả bố mình nhích ra một chút . Ba anh em nhờ mâm bạc sống rất thỏai mái .
            Lại một đêm khác, người con thứ hai mơ thấy rồng đến năn nỉ : “ Ông ơi, ông không chịu dời mả bố các ông, làm hàm tôi bắt đầu sưng đau lắm . Tôi đền ơn ông mâm vàng, xin ông nhích bố ông ra một chút”. Sáng ra quả có một mâm đầy vàng sáng rực . Người con đi ngay đến mả bố, kéo bó chiếu nhích đi theo lời con rồng .Từ đó ba anh em tương đối sung túc . Tậu nhà, lấy vợ, chăm chỉ làm ăn .
            Nguyên hồi khiêng bố đi chôn, vì chiếu cũ rách, xác bố lọt tuột ra ngòai . Ba anh em không biết, tưởng bố tự nhẹ đi . Vô tình lần về, chôn làm phúc người dưng, lại chôn chính bố mình vào hàm rồng . Mỗi lần dời mả chiếu, xác bố thật vẫn y nguyên trong hàm rồng . Vì thế, người con út ngày kia thấy rồng lại đến khóc lóc : “ Ông ơi, miệng tôi sưng to đau quá sức rồi . Xin ông nhích mả bố ông ra một chút . Tôi đền ơn ông lọ ngọc tiên . “ Sáng dậy quả có một chiếc lọ nhỏ bằng ngọc rất đẹp. Người em mở nút ngửi được mùi thơm ngạt ngào . Anh ta cất lên giánh bếp , định bụng để đấy xem sao . Rồi anh cũng ra mả bố , nhích chiếc chiếu đi cho rồng . Dĩ nhiên xác bố thật vẫn nằm yên . Mả kết .
            Nói về chị vợ người em út, đen đủi, xấu xí, chỉ được cái nết na, trung hậu, chịu khó . Một hôm tình cờ thấy lọ ngọc tiên trên giánh bếp . Nhân lúc muốn tắm, chị pha nước thơm trong lọ vào chum nước . Bất ngờ dội nước đến đâu, da chị trắng ra đến đấy . Chị thích quá, dội hết chum nước. Người chị bỗng trắng trong như ngọc, tóc xanh như mây . Chị trở nên đẹp lạ lùng . Nước tắm chị dội lan ra luống hành hương . Hành lớn vùn vụt . Củ hành to như bình vôi, lá dài như đòn gánh .
            Chồng chị, người em út kia đi cày về, thấy vợ đẹp như tiên, say đắm quá, cứ ngẩn ngơ ngắm vợ không thiết làm lụng gì nữa . Mãi rồi vợ bảo : “ anh cứ ở nhà, không làm lấy gì mà ăn . Thôi để em vẽ em lên chiếc mo cau, anh đi cày, cắm mo cau trên bờ ruộng, cũng như có em vậy “. Chồng nghe theo, đem mo cau có hình vợ giống như đúc, cắm ở bờ ruộng, vừa làm vừa ngắm vợ không biết chán . Bất ngờ có con chim đại bàng sà xuống quắp chiếc mo cau bay đi . Nó bay đến cung điện nhà vua thì thả xuống . Vua xem hình vẽ trên mo cau đâm ra tương tư người con gái . Vua rao truyền tìm người đẹp mo cau để kết duyên . Quân lính bắt được chị vợ kia . Vua mừng lắm . Nhưng người vợ nhớ chồng, nhất định không chịu . Suốt ngày chị u sầu, không cười, chẳng nói . Được cái ngòai sắc đẹp lạ thường, chị còn tiết ra hương thơm lạ thường .Vua càng yêu thích, tìm mọi cách để được cầu thân .  Nói về chồng chị, người em út kia nhớ vợ quá . Anh bèn nhổ hành quang gánh quẩy lên kinh đô, rao quanh cung điện:  
                                  hành xanh hành xanh    
                                  dọc bằng đòn gánh
                                  củ bằng bình vôi
                                  ai mua hành tôi
                                  thì thương tôi với !
          
                             
   Người vợ nghe tiếng rao, hớn hở nở miệng cười . Ôi chao là đẹp ! Vua thấy vậy, nẩy ra ý muốn làm người bán hành . Vua bèn gọi anh chồng đến, đổi lấy khố, gánh lấy hành . Người chồng lập tức mặc áo mũ của vua . Bấy giờ luật lệ nghiêm khắc, không ai được phép ngẩng mặt nhìn vua. Thành ra khi vua rao hành, người chồng đã mặc áo mũ vua, ra lệnh bắt vua bán hành hạ ngục . Cuối cùng anh làm vua, chị vợ làm hòang hậu . 


tường vũ anh thy kể



Chuyện không thấy chép ở sách nào, tôi chỉ nghe kể từ khi còn bé, sẵn đây xin ghi và kể lại. Chuyện này tôi cũng đã dẫn chứng trong bài :Chử Đồng Tử: vô lượng thọ đã đăng trên tạp chí Thời Tập; tôi đang sưu tầm và sẽ đăng vào blog này.
tvat 5/2/11 (cho sinh nhật tí)

Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2011

Sự Tích Cái Nấm Mèo



Tường Vũ Anh Thy kể



Ngày xưa có một chị mèo tam thể. Thông thường thì mũi mèo rất nhỏ nhắn xinh xắn, nhưng chị lại có cái mũi rõ to.Tuy cả làng mèo đều công nhận là chị vừa đẹp vừa hiền vừa thông minh tài giỏi, nhưng chị mèo vẫn ấm ức khó chịu với cái mũi to của mình.  Chị mèo rất ít nói, song mỗi khi mở miệng là chị nói thật, nói thẳng. Có lúc sự thẳng thắn làm các bạn mèo tức giận, thành ra chị mèo ít bạn.
Trong sơn động phía bắc có Ông-Mèo-Thông-Thái lông vàng được cả làng mèo ưa mến vì ông hay giúp đỡ và gỡ rối cho họ. Đầu năm ông mèo vào làng dự hội Tết. Đến đâu ông cũng vui vẻ chào hỏi và cười nói những dự tính tươi đẹp cho năm mới. Thấy chị mèo e thẹn một mình, ông mèo ân cần hỏi han và tấm tắc khen chị có quí tướng. Chính cái mũi to đặc sắc đã cho chị mèo có nhiều khả năng phi thường. Từ đó họ quen nhau. Chị mèo hay đến và tâm sự với ông mèo như một người bạn rất quí. Lâu dần họ yêu nhau và lấy nhau .
Nhưng rồi chị mèo vẫn bị cái mũi to của mình ám ảnh day dứt. Một hôm chị gặp anh mèo trắng xa lạ đi qua làng. Anh mèo đon đả :
-         Aa! Chào cô ! Cô là người xinh đẹp nhất mà tôi nhìn thấy đấy  Nhưng nếu cô mà uống được hạt-lệ-lơ-lửng thì bảo đảm cô trở thành hoa hậu thế giới! Vì hạt-lệ-lơ-lửng có  khả năng làm mũi cô nhỏ nhắn xinh đẹp tuyệt vời !
-         Hạt lệ à ? Là cái gì vậy? Đi đâu mà tìm ? Chị mèo run giọng hỏi dồn.
-         Ah! Đó là thứ hạt trong suốt  lơ lửng trong không gian. Nó sẽ biến mất nếu tiếp xúc với bất kỳ thứ gì. Chỉ uống được khi nó đang lơ lửng. Cô cứ theo tôi qua cánh rừng bên kia, tôi sẽ giúp cô toại nguyện. Cô đi bây giờ nhé ?
-         Ồ chưa ! Tôi phải hỏi ý kiến của chồng tôi đã.
-         Tùy cô. Cơ hội này rất hiếm. Đi ngay bây giờ mới kịp.
Chị mèo đắn đo một lúc rồi bằng lòng. Anh mèo trắng bèn nắm tay chị mèo đưa đi tìm hạt lệ. Đó là giọt nước mắt người, gọi là hạt-lệ-lơ-lửng. Chị mèo uống xong quả nhiên mũi nhỏ lại. Chị thích quá, nghĩ Ông-Mèo-Thông-Thái chồng mình không biết hạt -lệ-lơ-lửng thì cũng chả thông thái gì. Chị mèo bèn ở với anh mèo trắng.
Từ ngày uống hạt-lệ-lơ-lửng, tuy mũi nhỏ nhắn xinh đẹp, nhưng tai chị mèo tam thể cũng nhỏ theo. Chị mất dần những khả năng phi thường. Trước kia chị có thể phát hiện ra chuột và rắn cách xa ba cái nhà, thì bây giờ chị chỉ kịp thấy chúng vụt qua mà không đuổi kịp. Chị vốn nổi tiếng về tài bay lượn từ mái nhà này sang mái nhà nọ, tài trèo cao tít tắp, thì nay chị rụt rè đi quanh quẩn dưới đất. Nhất là đầu óc chị mèo vốn nhanh nhậy và dũng cảm, nhiều sáng tạo, đã không còn nữa. Anh mèo trắng bồ chị lại ít ở nhà, anh mải theo ve vãn các cô mèo khác. Chị mèo không ghen tức, mà chỉ thấy biếng nhác chán chường.
Đến tối 23 Tết chị mèo tam thể chạnh nhớ người chồng cũ là Ông-Mèo -Thông-Thái, chị đi về thăm. Đến nơi, chị mèo mới biết ông mèo đã chết trong sơn động. Một nguồn cảm xúc mãnh liệt bỗng dâng lên làm chị mèo ứa nước mắt. Những hạt -lệ -lơ -lửng chị uống trước kia theo giòng nước mắt trôi theo… Chị mèo tam thể chết mà hồn còn vương vẩn nương theo con cá chép của Ông Táo lên trời. Trời bèn cho chị đoàn tụ. Đêm 30 Tết, theo Ông Táo trở lại trần gian, chị mèo tam thể nhìn thấy xác Ông -Mèo Thông -Thái đã mọc thành cây xanh, hồn chị ríu rít bám quanh thân cành thành những nụ nấm nhỏ xíu. Người ta gỡ nấm ấy ngâm vào nước thì nở ra rất to, và gọi là Nấm Mèo. Miền bắc Việt Nam gọi là mộc nhĩ (tai gỗ) là nấm dùng nhiều nhất cho các món ăn cúng giỗ và tết như :giò thủ, thịt đông, nem cua, chả rán, phá sồi bóng, thang, mọc, miến v.v.
tvat 2/2/11