điêu khắc

Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011

rượu cuối năm

cầm thời gian trong tay
buông trôi qua gò má
hai vạt trăng lưỡi liềm trên mắt
rơi xuống thành hạt tròn trong vắt
buôn buốt gót tơ mưa
đưa người  đưa cả ngàn cánh lá
không cánh nào xanh
tôi thầm
hôn vào đôi môi đông đá
của cuộc tình




tường vũ anh thy 30/1/11

Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

NGAY TRƯỚC MŨI TA

Buổi ăn trưa trong vườn nhà, chúng tôi nói đủ thứ chuyện. Nhân đề tài về những cái hay cái đẹp ngay quanh ta mà ta không biết hưởng, cứ đi tìm mãi đâu đâu... Bạn Nguyễn Thành Út đưa ví dụ một nghê.sĩ tài ba thuộc hàng số một thế giới, vác cây đàn Violin giá bạc triệu đô-la ra đứng đầu đường , kéo suốt buổi chỉ đươc mấy đồng bố thí. Không ai thưởng thức tiêng đàn đắt giá ấy ngay trước mặt. Tôi rất đồng ý, và phát biểu thêm rằng có những người hay, việc hay, ngay trước mũi ta, nhưng ta không nhận biết, có thể vì:
1- Ta quá bận rộn ồn ào và vong thân trong cuộc sống hàng ngày.
2- Ta thiếu tự tin, chỉ tin những gì đã được bảo đảm , công nhận bởi số đông nào đó ...
3- Ta không có đủ tâm lượng.
Tôi sực nhớ bài viết trong blog của anh Hoàng Thạch Quân, nên mạn phép anh đăng lại ở đây để chúng ta suy gẫm cuối năm cọp, đầu năm mèo :



Xem xong The Lives of Others tôi không thể không nghĩ đến bài “Pearls before Breakfast” đăng trên Washington Post Online ngày 8-7-07 – bài viết thành công nhất từ trước đến nay của nhà báo Gene Weingarten. Sau khi bài báo được đăng, tác giả đã nhận được trên một ngàn e-mail từ độc giả khắp nước Mỹ và một số nước khác như Canada, Israel, Pháp, v.v., trong đó có hơn 100 người thú nhận đã khóc khi đọc bài báo của ông. Vậy bài báo đó viết về cái gì và có liên quan gì đến bộ phim The Lives of Others?


Trước hết ta cần hiểu sơ qua về ý nghĩa của tựa đề bài báo. Thông thường, các nhà văn, nhà báo chọn lựa tựa đề cho bài viết hay tác phẩm của họ một cách rất cẩn thận vì (a) họ muốn thu hút sự chú ý của độc giả ngay từ cái nhìn đầu tiên, và (b) họ muốn thâu tóm toàn bộ ý tưởng chính yếu nhất của bài viết qua một vài từ ngắn gọn. Chọn tựa đề cho bài viết vì vậy là cả một nghệ thuật.
“Pearls before breakfast” có nguồn gốc từ câu thành ngữ tiếng Anh “to cast pearls before swine” nhưng đã được tác giả thay đổi đôi chút cho phù hợp với nội dung bài viết. “To cast pearls before swine” có nghĩa đen (thùi lùi) là “ném ngọc trước mặt lũ heo”. Dĩ nhiên, ngọc là vật trang sức đẹp và quí‎ giá, nếu ta đem đặt nó trước mặt đám con cháu họ Trư thì không thể có chút hy vọng chúng sẽ biết thưởng thức. Như vậy, câu thành ngữ tương đương trong tiếng Việt chúng ta là “đàn gảy tai trâu”, hay “đem bông hoa nhài cắm bãi phân trâu”, hay “đem hồng ngâm cho chuột vọc; đem hạt ngọc cho ngâu vầy”. [Thú thiệt, câu cuối tôi lấy từ tự điển tinhvan.com trên mạng chứ tôi cũng chưa từng biết bao giờ!] Hoàn toàn ngẫu nhiên câu thàng ngữ “đàn gảy tai trâu” lại mô tả chính xác nội dung bài báo. Vậy ai đem đàn đi gảy cho trâu nghe? Và ai là trâu ở đây?
“Pearls before breakfast” tường thuật lại một cuộc thử nghiệm được tờ Washing Post tiến hành tại Washington D.C vào lúc 7:51 sáng thứ 6 ngày 12 tháng 1 năm 2007 để trả lời những câu hỏi sau. Cải trang một nhà vĩ cầm danh tiếng nhất thế giới thành một nghệ sĩ đường phố và để nhà vĩ cầm biểu diễn những bản nhạc danh tiếng nhất thế giới trước khu vực nhà ga Metro nơi có hàng ngàn người ra vào mỗi buổi sáng thì chuyện gì sẽ xảy ra? Liệu anh ta có thể thu hút được bao nhiêu người dừng chân thưởng thức tiếng đàn vĩ cầm của mình? Liệu nhà vĩ cầm bậc thầy sẽ nhận được bao nhiêu tiền từ tấm lòng cảm kích của những người qua đường?
Không cần đọc tiếp nhưng dựa vào tựa đề của bài báo bạn chắc cũng có thể đoán được kết quả của cuộc thử nghiệm ra sao. “Pearls before Breakfast” mô tả câu chuyện nhà vĩ cầm danh tiếng Joshua Bell đem tiếng đàn điêu luyện của mình ra gảy cho đôi tai [trâu] của những người dân Washington vào giờ ăn điểm tâm sáng. Quá bận rộn lo lắng cho công việc, những con người bất hạnh này không thể chú tâm dù chỉ là giây lát để lắng nghe đến tiếng đàn vĩ cầm réo rắt và điêu luyện của Bell. Trong suốt 46 phút đứng trước bến xe điện ngầm và biểu diễn 6 bản nhạc cổ điển của những nhà soạn nhạc danh tiếng nhất thế giới–từ Bach cho đến Schubert cho đến Manuel Ponce và Jules Massenet–cho cả thảy 1,097 người đi qua, tổng cộng chỉ có 27 người chậm bước chân để ném tiền vào trong chiếc hộp anh để dưới đất (tổng cộng là $32 và vài đồng tiền lẽ), và có vỏn vẹn đúng 7 người thật sự dừng dân lại để nghe tiếng đàn của Bell trong 1 phút hoặc lâu hơn. Hơn một ngàn người còn lại không chậm bước chân mà thậm chí cũng chẳng buồn ngoái đầu để xem tiếng đàn xuất phát từ đâu ra và ai đang chơi đàn.
Cuộc thử nghiệm trên được tiến hành trước nhà ga L’Enfant Plaza và hầu hết những người sử dụng bến này là nhân viên văn phòng cấp bậc trung của chính phủ. Tức đa số là những người có học vấn và văn hóa. Trong số hơn một ngàn người đi qua, chỉ có duy nhất một người nhận ra Bell là ai. Bà ta dừng lại và đứng nghe Bell biểu diễn cho đến phút cuối. Sau đó khi được phóng viên báo Washington Post hỏi ý kiến, bà cho biết: “It was the most astonishing thing I’ve ever seen in Washington. Joshua Bell was standing there playing at rush hour, and people were not stopping, and not even looking, and some were flipping quarters at him! Quarters! I wouldn’t do that to anybody. I was thinking, Omigosh, what kind of a city do I live in that this could happen?
Có quá nhiều điều bất ổn khi hơn một ngàn người đi qua mà chỉ có vài chục người để ‎ý đến tiếng đàn và người chơi đàn. Trong bài báo tác giả đã cố gắng trung lập hết mức khi đưa ra một vài giả thuyết để giải thích hiện tượng đáng buồn trên.
  1. Bối cảnh đóng vai trò rất quan trọng. Thời điểm và địa điểm cuộc thử nghiệm không phù hợp để thu hút người nghe. Giống như đem một bức danh họa treo trong một quán ăn bình dân và kỳ vọng mọi người chú ‎ đến nó, điều này là hoàn toàn không hợp l‎ý‎‎.
  2. Giả thuyết của Joshua Bell: những người qua đường cố tình không chú ý‎‎‎ nhìn đến anh vì không muốn cảm thấy lương tâm cắn rứt vì đã không cho người nghệ sĩ nghèo chút tiền. Họ không muốn có cảm giác như đang “trấn lột” anh.
Đa số ý‎‎‎ kiến của độc giả gởi cho tác giả bài viết xoay quanh lập luận #1 ở trên. Nghệ thuật cần được thưởng thức đúng nơi, đúng chỗ. Không phải ai cũng rành âm nhạc cổ điển và 7 giờ sáng là thời điểm mọi người đều bận rộn, đầu óc lo lắng, đó không phải là thời điểm phù hợp để làm thí nghiệm. Tuy nhiên, điều mà tác giả bài báo muốn nhấn mạnh không phải là trình độ thưởng thức âm nhạc cổ điển của người dân Mỹ. Điều khiến ông ta cảm thấy thật sự bất ổn qua cuộc thí nghiệm này là dân Washington (hay có thể là đại đa số dân Mỹ nói chung?) không có khả năng mở rộng đôi tai, đôi mắt và tâm hồn để đón nhận những gì thanh tao và đẹp đẽ nhất của cuộc sống.
Sau khi cuộc thử nghiệm kết thúc và ngồi xem lại cuộn băng ghi hình toàn bộ cuộc thí nghiệm, điều băn khoăn duy nhất còn lại của tác giả bài báo không phải là tại sao người qua đường không dừng chân thưởng thức tiếng đàn kỳ diệu của Bell, mà tại sao không mấy ai buồn ngoảnh mặt chú ‎ý đến tiếng đàn. Nói cách khác, câu hỏi đặt ra ở đây là, ngoại trừ một số nhỏ đang nghe nhạc trên máy IPOD hay đang đeo heaphone nói điện thoại, lỗ tai của một ngàn người còn lại có nghe được tiếng đàn của Bell không? Nếu họ có nghe tiếng nhạc, theo lẽ thường tình họ sẽ phải đưa mắt tìm kiếm người chơi đàn. L‎ý do nào họ khiến họ không đưa mắt nhìn Bell? Bell đưa ra lời giải thích của mình ở trên (#2) để l‎‎ý giải. Đáng tiếc là khi phóng viên báo Washington phỏng vấn những người đi ngang qua chỗ Bell đứng, không một ai đưa ra l‎ý do này để giải thích. Tất cả đều cho biết trong đầu họ đang bận tâm lo nghĩ và tính toán cho công việc. Chỉ còn một kết luận hợp lý cuối cùng: dân Washington quá bận tâm đến công việc, quá lo toan bận rộn đến các chi tiết cuộc sống cá nhân, quá chú trọng đến thế giới nội tâm bên trong đến mức không hề quan tâm đến những gì xảy ra xung quanh.
Nếu ta giả sử Bell đi sang một quốc gia nào đó ở Phi Châu nơi đang xảy ra một cuộc nội chiến đẫm máu và đứng gảy đàn tại một địa điểm đẫm máu nhất, xung quanh là đạn bay, bom nổ và hàng chục xác chết nằm la liệt thì ta có thể hiểu được nếu không một ai vây lại quanh anh để nghe tiếng đàn. Bản năng sinh tồn mạnh hơn bản năng hướng đến nghệ thuật. Nỗi sợ hãi trước cái chết ngăn không cho bước chân của con người tìm đến nghệ thuật. Nhưng ở Washington D.C không có bom, đạn và xác chết – xác ướp chắc cũng không có trong các viện bảo tàng ở Washington– vậy thì cái gì mạnh hơn nỗi sợ cái chết khiến người dân Washington không thể dừng chân hay ngoảnh đầu đón nhận thứ âm nhạc tinh tuý và kỳ diệu nhất của nhân loại? Họ còn sống hay là họ đã chết? Hay chính xác hơn là tâm hồn họ còn thức tỉnh hãy đã chết? Họ là những cái xác vô hồn, những bóng ma vật vờ trên đường phố?
Theo bộ phim The Lives of Others người chưa đánh mất hết lương tri và còn có thể cứu vãn là người vẫn còn quan tâm và biết xúc động trước cái đẹp của nghệ thuật và âm nhạc. Âm nhạc và nghệ thuật có khả năng đánh thức và cứu chữa những tâm hồn đui mù, què quặt vì đặc tính vĩnh cửu của nó, vượt qua biên giới của sự sống và cái chết (biên giới thời gian) và vượt qua tất cả những biên giới ràng buộc của thế giới vật chất (biên giới của không gian). Nếu như đang sống một cuộc sống vật chất đầy đủ nhất và văn minh nhất nhưng lại không có khả năng để lắng nghe (khoan nói đến chuyện thưởng thức) thứ âm nhạc kỳ diệu nhất được biểu diễn bởi một trong những tay đàn kỳ diệu nhất trên hành tinh, vậy ta sống vì cái gì? Ta đang theo đuổi những giá trị gì? Khái niệm chân, thiện, mỹ có còn chỗ đứng trong cuộc sống của ta? Có biết ta đang đâm đầu về đâu và đang trở thành cái gì?

Hoàng Thạch Quân  2007

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Lễ Cúng Ông Táo

Vài ý nghĩ nhân ngày cúng Ông Táo


Hôm nay là ngày 23 tháng chạp ta, người Việt có Lễ Cúng Ông Táo. Tục lệ này có nhiều ý nghĩa. Người Việt ai cũng biết chuyện cổ tích về Ông Táo nên tôi sẽ không kể lại. Tôi chỉ ghi vài ý nghĩ riêng về tục lệ này như sau:
1- Bếp lửa có trong mọi gia đình để nấu chín thức ăn. Về mặt kinh tế, bếp biết rõ gia đình ăn uống như thế nào, giầu có thoải mái hay nghèo khổ. Về mặt tình cảm xã hội, bếp biết rõ gia đình đầm ấm hay xào xáo. Do đó sau một năm, bếp tổng kết và tường trình, (annual report). Gia đình sẽ theo bản tường trình ấy để sắp xếp cuộc sống tốt đẹp hơn cho năm tới,
2-Tại sao bếp lửa có một bà và hai ông? Theo truyền thống đông phương, thể quẻ Ly thuộc dương, tính thuộc âm, nên có hai ông. Và theo truyền thống yêu nước, người Việt chống Tầu rất mãnh liệt, nên đã phản đối văn hóa phương Bắc:"quân tử bất cận trù phòng"  Người Tầu không để nam giới vào bếp (một hình thức bao che đàn ông, nô lệ hóa đàn bà) thì người Việt khuyến khích đàn ông vào bếp, càng nhiều càng tốt, để chia xẻ cái ăn với cả gia đình. Vì các ông vào bếp nhiều nên ta gọi bếp là Ông Táo ( Táo : Bếp )
3- Câu chuyện Thần Bếp và tục lệ cúng Ông Táo cùng cá chép vào ngày 23 tháng chạp mỗi năm, có lẽ đã có từ trước thời Hai Bà Trưng, trước tây lịch. Nước Tầu như một con cá sấu khổng lồ lúc nào cũng muốn nuốt chửng con cá chép Việt Nam. Nhưng vì đầu cá sấu ở phương bắc, mỗi lần quay lại đớp cá chép rất khó khăn. Cá chép lại có tài bay nhẩy (hóa được thành rồng). Đó là vì sao Lễ Cúng Ông Táo phải có cá chép để Ông Táo cưỡi. Thời cực thịnh của Việt Nam vào thế kỷ XI - XIV đã từng có Lễ Đuổi Cá Sấu. Không phải chỉ vì cá sấu thật quấy nhiễu mà Hàn Thuyên làm thơ nôm đuổi cá sấu. Những diễn biến đó là do người Việt làm chủ nước Việt, cá chép đã hóa rồng, đã đuổi được hẳn cá sấu Trung Hoa về phuơng bắc.
Hiện nay cá sấu Trung Hoa đang gầm gừ nhai nuốt Hoàng Sa, Trường Sa, hỏi người trong nước có dám làm Lễ Đuổi Cá Sấu không ?

tường vũ anh thy trưa 23 tháng chạp



Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

CAO BÁ QUÁT: CÔN SƠN HÀNH






Côn Sơn hay Lô Sơn? *  Hay là ẩn ngữ của thi ca? Hay là quê hương của bến mộng? ** Nếu Lô Sơn có sóng Triết Giang trong sương khói cuồn cuộn, thì Côn Sơn có sóng Lục Đầu mây khói mịt mù. Côn Sơn có suối tuôn róc rách như tiếng đàn cầm. Côn Sơn có đá biếc mưa rêu như tấm thảm tiên, có rừng sâu trúc mọc vi vút thông reo…*** Côn Sơn có chùa Tứ Phúc, có tượng Trúc Lâm, có cầu Thấu Ngọc, có động Thanh Hư …
Trong một bài thơ tựa đề “Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác” (Sau thời loạn tới Côn Sơn cảm tác) của Nguyễn Trãi, có lời chú về Côn Sơn : ”Núi ở xã Chi Hãn, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nơi Trần Nguyên Đán ở khi về hưu. Núi có động Thanh Hư, phía dưới có cầu Thấu Ngọc. Đời Trần sư Pháp Loa dựng am ở đó. Sư Huyền Quang cũng có tới.”
Trần Nguyên Đán là ngoại tổ của Nguyễn Trãi, làm quan đời Trần tới chức Nhập Nội Kiểm hiệu Tư Đồ, Bình Chương Sự, Quốc Thượng Hầu; khi già về Côn Sơn, lập am trong động Thanh Hư. Pháp Loa là vị sư được ký truyền y bát của Trúc Lâm Đại Sĩ, làm tổ thứ hai phái Trúc Lâm đời Trần. Huyền Quang là vị tổ thứ ba phái Trúc Lâm. Huyền Quang mới chính thật ở Côn Sơn nhiều hơn ở kinh đô. Ông mất tại Côn Sơn năm 1334.****
Nguyễn Trãi về trí sĩ ở Côn Sơn năm 1439, khi ông đã 60 tuổi. Về đây ông trùng tu chùa Tứ Phúc ( Thiên Tứ Phúc Tự ), sửa sang động Thanh Hư, lập thêm am sống đời đạo sĩ. Bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi đã nói lên hết vẻ đẹp của Côn Sơn, và tâm tình hoài bão của thi sĩ.
Côn Sơn hay Lô Sơn ?
Khác với Tô Đông Pha, Cao Bá Quát đến Côn Sơn vào một ngày xuân rạng rỡ. Mây trắng bay suốt một giải trời rộng rãi. Núi xuân trải chập chùng hùng vĩ. Ông đến cùng người bạn thơ Phan Long Trân, cùng bầu rượu, và cùng…một tấm lòng nao nức nỗi thiên thu.
Núi Côn Sơn không cao lắm, nhưng thế núi chênh vêng như treo trên mây trời. Ta không có bức họa Côn Sơn, nhưng qua bài thơ đề bức họa Côn Sơn của Nguyễn Trãi, ta vẫn có thể vẽ lại bức họa Côn Sơn ,*****và trong tập Địa Dư Chí của Nguyễn Trãi, phần viết về Chí Linh, Hải Dương******ta cũng có thể biết vùng núi Côn Sơn có nhiều hoa liễu và đá mây. Ở Côn Sơn nhìn ra bến Lục Đầu (sáu đầu sông cùng đổ nhịp vào một giòng sông xanh) nơi đó có đồn lũy, sau xây lại qui mô đặt tên là thành Cổ Phao. Những trận chiến lẫy lừng trên bến sông Lục Đầu đã đem thành Cổ Phao vào lịch sử.
Khi Cao Bá Quát đến Côn Sơn thì lịch sử đã là thảm rêu xanh bát ngát ủ kín đất trời Chí Linh. Đứng giữa núi rừng u tịch, ông cất tiếng hú. Tiếng hú của một người có buồng phổi còn đầy rẫy nội lực – có trái tim còn ăm ắp máu tươi. Tiếng hú hư hoang vang vọng trong trời đất, như một lời nhắn gọi thiên thu. Phải chăng tiếng hú của Cao Bá Quát cũng là tiếng hú của thiền sư Không Lộ******* làm lạnh bầu thái hư. Cao Bá Quát hú lên rồi cây lá xôn xao, mây trời vỗ cánh và đất đá bật tuôn sương khói. Tiếng hú ngân dài và ngân mãi, ngân suốt chiều dài của lịch sử Việt Nam bên bờ đông hải. Ông thấy ở Côn Sơn như chứa hết tam thanh bát cảnh********như chứa hết những linh hồn Việt Nam bất tử, và còn chứa hết được linh hồn thế giới.
Thấp thoáng trong vô số những anh hùng dựng nước là những tấm y vàng của các thiền sư, và hình như chòm râu bạc của Lữ Đồng Tân, giải mũ xanh của Lý Thái Bạch cũng đang rộn ràng chào đón khách thi nhân. Cao Bá Quát hào hứng quá, bùi ngùi quá. Tiếng hú vừa cất lên thì trái tim vừa thổn thức. Ông khẽ ngâm một bài thơ cổ. Khẽ tu một hớp rượu nồng. Đôi chân khật khờ, tóc rối, ông dừng trước cửa chuà Tứ Phúc làm sâu trong núi. Vâng, ngôi chùa ấy đã cổ lắm rồi. Chùa được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được mùi hương. Đài Phật Tổ rêu phủ lờ mờ. Trên màu rêu ấy ông tưởng như bóng dáng vị lão tướng đòi Trần với hào khí nước Nam còn mãi với núi trời. Và hình như có môt bông hoa cúc vừa nở bên cầu Thấu Ngọc ? Không, đấy chỉ là dư vang bài thơ của Huyền Quang.*********Bây giờ bên cầu Thấu Ngọc chỉ mọc toàn một loài hoa cỏ lăn tăn. Và trên động Thanh Hư chim kêu ríu rít như nghìn hoa cỏ vẫn chan hòa. Có ai nghe tiếng gọi đò ? Có ai đáp tiếng rao của người bán chiếu ? Có ai thiếu chút niềm rộng rãi của chiêm bao ? Phải chăng bài thơ của Nguyễn Trãi còn lồng lộng trên núi cao, và mộng công hầu, bầu khanh tướng, cùng tấm lòng vằng vặc của thi gia đã trôi vào mây trắng ?
Ôi ba vạn sáu ngàn ngày là mấy
Cuộc ta bà tam muội thấy mà thương
Chỉ còn đây thân tứ đại tha hương
Vâng, cái thân tứ đại ấy bỗng còn mãi nơi Trúc Lâm, nơi Pháp Loa, nơi Huyền Quang…với đôi mắt muôn đời mở nhìn đoàn dương thế. Nếu căn nhà lửa trần gian thiêu đốt được hùm sói rắn rết bọ hung, thì đôi mắt kia mới êm đềm khép lại. Hỡi ơi ! Trước cửa chùa cứ toan thuyết pháp ? Trước lòng ta toan đảo chính lòng ai ? Sao không thấy trước mặt ta là một hồ lô rượu. Kìa hãy uống đi! Cánh cửa động Hàn Nham đóng chặt rồi *********
Ôi trên bến Lục Đầu thành Cổ Phao còn đó. Sóng lớp phế hưng vẫn vỗ mãi vào bờ. Bao chiến thuyền lung lay trên sông Lục Đầu, nay chỉ còn lơ lửng một mảng câu. Bao anh hùng thưở trước nay chỉ còn là đám bụi hồng. Hãy rót đi ! Hãy rót đi đừng ngại.
Cuộc buồn vui như giòng nước luân lưu, mỗi lúc mỗi khác. Nơi ta đang ngồi đây vui thú uống rượu có thể cũng là nơi người sau đến ngậm ngùi! Cuộc đời như một giòng sông tự vỗ vào lòng mình, không phải để thấy mình bị giam hãm mà để ý thức rằng mình đang trôi vô tận về biển khơi.**********Ngày xưa Khổng Tử  nhìn thấy giòng nước trôi mãi ấy đã nghĩ gì? Có ai tra hỏi mãi về một giòng sông? Hỡi ơi! Lấy tâm trói tâm ngồi đấu lý mãi với sư chùa cổ để làm gì? Này! Rót nữa đi! Tiêu khiển thêm vài chung lếu láo! Kìa! Trên đỉnh núi Côn Sơn tùng cao vẫn mọc ngạo nghễ! Ta hãy trèo lên đó ngó ra tám phương cho rõ mặt tám vạn bốn nghìn thế giới. Thì ra khắp thế giới là một màu mây trắng. Mây trắng muôn đời bay mãi vào thiên thu. Đất bỗng lắng yên, hồn bỗng chùng. Chim lữ thứ rủ nhau về lũ lượt trong tà huy phất phới lá vàng bay. Hình như gió xuân cũng là gió heo may thì phải? Mà sao heo hút quá! Bâng khuâng quá! Ta đã về chưa? Ta sắp về chưa? Ta sẽ về đâu ?

CÔN SƠN HÀNH

Xuân thiên hà minh mông
Xuân sơn liên vạn trùng
Du tử vãn huề hồ
Hào hứng lăng trường không
Khách đạo Côn Sơn chi thượng thanh thả u
Dữ tử tương tương phỏng cố du
Khóa cao độ hiểm nhiễu la kính
Dao chỉ âm âm thương thụ đầu
Giải y phân thủ tản bộ hành
Tùng đào vị ngã trữ viễn tình
Tam thanh, Bát cảnh như truy tùy
Đổng Lân Thái Bạch phân tống nghinh
Ngưỡng diện cao thanh khiếu thái cổ
Hàn sao táp táp phong linh linh
Đê thanh phục ngâm Tử-phủ chương
Phiên nhiên phi phát đăng sơn quynh
Sơn quynh thượng hữu Phạm vương đài
Cổ tích thương thương ế lục đài
Kiến thuyết Trần công cựu du thưởng
Chi kim sơn khí y nhiên giai
Thấu Ngọc kiều biên dã hoa tiểu
Thanh Hư đổng lý văn đề điểu
Ức Trai phú tại dữ thùy luân
Thiên cổ cao danh phó tình hiệu
Duy hữu Trần triều thiền giả bất hoại thân
Y y tuệ nhãn chiếu kim nhân
Lãng truyền thế đế giai hỏa trạch
Cánh hữu hà nhân thám tháp luân
Hành khách bất tri du tử ý
Mạn hướng sơn tăng thuyết thiền lý
Tôn tiền hữu tửu quân thả ẩm
Vị quân nhất ca Hàn Sơn tử
Cổ Phao thành hạ Lục Đầu tân                        
Thỉnh quân bắc vọng khan tích nhân
Bách chiến giang sơn thặng như đĩnh
Vạn cổ anh hùng nhất tụ trần
Chước chước quân mạc từ
Nhân thế bi hoan bất đồng thì
Kim nhân du thưởng hậu nhân bi
Tức tâm liễu nghĩa chân như si
Ngột tọa cùng thiền hề dĩ vi
Chước chước quân mạc từ
Sơn tiêu phục hữu cao tùng tam lưỡng chi
Phan trắc diếu bát hoang
Minh vân thiên ngoại phi
Chính điểu tương dữ hoàn
Lạc diệp phân phân nhi
Du nhân quy bất quy ?

CÔN SƠN HÀNH

Trời xuân mộng mênh mông mây trắng
Núi xuân say xa vắng chập chùng
Lòng xuân phơi phới một vùng
Chiều xuân quẩy rượu ta cùng hát vang
Núi Côn Sơn xiết bao thanh tú
Bác với tôi thăm dấu tích xưa
Trèo cao vượt đá chui rừng
Cây xanh lá thắm vui mừng thấy nhau
Phanh ngực áo tà tà đi tới
Gió thông reo thơ thới tình ca
Tam Thanh Bát Cảnh theo ta
Đổng Tân Thái Bạch những là đón đưa
Cất tiếng hú hư hoang lòng cõi
Cây ngàn năm mưa gió dạt dào
Nhẹ ngâm thơ nhẹ nghẹn ngào
Tóc bay chân bước lên chào chùa trong
Chùa trên núi trên thờ Phật Tổ
Dấu rêu phong đài cổ lờ mờ
Nghe đồn một thưở đợi chờ
Trần Nguyên Đán với mây trời vẫn xanh
Cầu Thấu Ngọc hoa tung tăng mọc
Động Thanh Hư chim ríu rít ca
Bài thơ Nguyễn Trãi chan hòa
Ngàn xưa lòng đã gửi vào trời mây
Thân không nát Trúc Lâm tam tổ
Mắt nghìn sau nhìn bổ lòng ta
Lòng ta trong cõi ta bà
Dám thưa, thưa dám ta bà dám thưa
Chưa hiểu hết lòng ta rốt ráo
Còn đem thiền đấu láo với sư
Rượu đây hãy uống ngất ngư
Ta say ta khẽ ậm ừ sắc không
Thành Cổ Phao dưới sông bến Lục
Thử nhìn xem vinh nhục là đâu
Mấy phen chiến sử anh hào
Rồi ra nắm đất mái chèo lửng lơ
Rót nữa đi xin đừng từ chối
Cuộc buồn vui hồ mỗi giống nhau
Trước vui sau lại buồn đau
Cởi lòng sau trước cưỡi trâu xuống làng
Chuyện thiền luận ngồi lâu dấm dớ
Rót nữa đi xin chớ ngại say
Xem cho rõ mặt đông tây
Tùng cao đỉnh núi ngất ngây mấy chòm
Mây lơ lửng ngoài trời bay mãi
Chim đường xa tầm tã trở về
Lá rơi lảo đảo lá hề !
Dùng dằng nửa ở nửa về …về đâu ?

Tường vũ Anh Thy 1982 (trích trong Cao Bá Quát Giữa Hồn Thiêng Sông Núi)
CHÚ THÍCH : * Xem Tuệ Sĩ: Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng ( Ca Dao,Sài Gòn 1973)
**Nguyễn Phi Khanh trong bài Du Côn Sơn có câu: Bách niên phù thế nhân giai mộng (trăm năm cõi thế là cõi mộng)***Viết theo bài Côn Sơn của Nguyễn Trãi(Hoàng Khôi - Ức Trai tập) ****Xem thêm Nguyễn Lang: Việt Nam Phật Giáo Sử Luận,Lá Bối – Paris 1977. *****Úc Trai tập.******Thiền sư Không Lộ đời Lý có câu: Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh, Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư (Một thưở lên cao đầu gió núi,Hú dài một tiếng lạnh hư không)*******Tam Thanh: Ba cảnh đẹp nổi tiếng ở Lạng Sơn, Bắc Việt là ba động Nhất Thanh, Nhị Thanh, Tam Thanh. Bát Cảnh là tám cảnh đẹp quanh hồ Tây Thăng Long (Hà Nội)*******Sư Huyền Quang có bài thơ Hoa Cúc:
                                                       Người ở trên lầu, hoa dưới sân
                                                       Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông
                                                        Hồn nhiên người với hoa vô biệt
                                                        Một đóa hoa vừa mới nở tung
                                         (Nguyễn Lang dịch – Việt Nam Phật Giao Sử Luận)
********Hàn Sơn Tử là một cao tăng đời Đường, cùng với Thập Đắc, là môn đệ của Phong Vân Đại Sư (Thiên Thai Tông). Lư Khâu Dẫn làm thái thú Thái Châu,biết tiếng đến tìm, nhưng hai vị đều bỏ chạy. Sau Lư đi du ngoạn tình cờ thấy Hàn Sơn tựa mình bên hang động. Lư tiến lên yết kiến thì Hàn Sơn chui vào hang. Đá tự nhiên khép lại. Lư có công sưu tầm những bài thơ và kệ của Hàn Sơn, được hơn 300 bài, đóng thành Hàn Sơn Tự Tập, do Lư viết tựa. *********Ý thơ Rabindanath Tagore – Sadhana
Lời Thêm: Hồi đó (1982) tôi vừa uống rượu vừa viết Cao Bá Quát. Suốt đêm, cứ Cao bảo rót là tôi rót liền. Hôm sau đưa Đào Mộng Nam xem. Anh vốn rất cẩn thận,điềm đạm, và nghiêm nghị; đọc bài thơ này anh phản đối cực kỳ. Khi tranh luận anh cũng sôi nổi. Anh không thể chấp nhận những câu như :phanh ngực áo tà tà đi tới. Nhưng tôi bảo tôi đâu có dịch sai. Cái hứng cả đêm, tốn bao nhiêu rượu mới có bài thơ. Bây giờ nghĩ lại, quả thật tôi không “đứng đắn’ với văn học ! Nhưng cha mẹ sinh con, trời sanh tánh biết làm thế nào được. Chúng tôi bèn giận nhau đâu những… nửa giờ ! tvat 25/1/11






Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

TRĂNG SÔNG TRÀ




Năm 1847, Cao Bá Quát được triệu vào kinh, làm việc trong viện hàn lâm. Ông thường đi công cán ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi… Đây là thời kỳ Cao Bá Quát sống khắc khoải giữa mộng và thực, giữa lưu đầy và quê nhà, giữa muôn vàn cảm khái về sự chờ đợi cuộc lên đường… Ông mượn rượu và trăng, vừa để tiêu sầu, vừa để ấp ủ …Thơ ông đắm đuối như một cánh chim chao lượn mê mải về cuối trời hứa hẹn, như một giòng sông vươn tới biển mù khơi.
Bấy giờ là mùa thu, gió vàng bay rất chậm, trăng trên sông Trà Khúc lồng lộng áo phù vân. Hình như thu với trăng chứa rất nhiều ly biệt, và cuộc ra đi ắt mang nỗi trở về. Nhất là trăng sông Trà, không biết vì đâu đêm nay trăng lại sáng thế! Sáng và trong văn vắt. Sáng khắp một giải nước non gấm vóc muôn vạn nẻo đường đời. Màu trăng vương vấn quấn quít và xa xôi như nhớ như thương như chờ như đợi trên từng ngọn cỏ lá cây, từng viên sỏi đá cát hoang bờ tường phên giậu. Ta muốn mời trăng cạn nốt ly này. Trong trăng có rượu hay trong rượu có trăng. Trăng bước vào ly trăng đi sóng sánh. Ta muốn ngậm lấy trăng trong vành ly đời dâu bể, thì hốt nhiên trăng bặt âm. Đôi ngươi mở, ta chỉ thấy bóng người ngang dọc như bóng những mùa xa xăm; phải chăng trăng đã khuất, bóng đã tan, thời đã hết …
Ta hờ hững đặt ly về dưới chiếu. Rượu bỗng đầy loang loáng ánh trăng thu. Sao trăng vẫn còn đây, còn vương vấn còn dìu  dặt cung đàn, còn lẽo đẽo cùng ta đến cùng đường lạc lối. Xưa chàng Nguyễn Tịch  (trong nhóm Trúc Lâm thất hiền) đã đi tìm trăng khắp vạn nẻo, mỗi lần đi là mỗi độ trở về nức nở nỗi cô đơn. Chàng đã xin làm hiệu úy trong trại bộ binh để được uống rượu mời trăng. Còn ta, ta cũng làm quan tại bộ Lễ để có rượu này. Ở đầu sông, gặp tiết trời heo hút của mùa thu, ta muốn mời trăng cả một bầu rượu tràn, muốn nói với trăng rằng ta có người bạn cũ là bác Tồn Chân, đêm nay cùng uống rượu mời trăng. Bạn ta ở Đà Nẵng. Sáng sớm mai bác ta sẽ lên đường đi quân thứ ở cửa biển Cần Giờ.
Hình như từ đêm qua, gió vàng đã thổi hiu hắt tự trời cao. Móc trắng sương mù vần vũ làm buốt lạnh tận xương gan. Cái mùi lạnh ngai ngái của biệt ly. Đời người thật dễ gì được gặp nhau luôn. Mây sớm với trăng tà. Cuộc đi biền biệt. Hãy uống. Sẵn rượu đây hãy mời trăng sông Trà.
Trăng sông Trà! Trăng lồng lộng như tấm gương ngâm dãi dầu dưới giòng nước bạc. Nước vẫn trôi, trăng vẫn lộng. Hề! Đấng trượng phu chống kiếm đi thì đi thẳng. Sá gì sương móc với heo may. Đừng giùng giằng ly biệt kiểu nhi nữ thường tình.
Đó là giải ý trong một bài thơ Cao Bá Quát làm để tiễn bạn lên đường. Bài thơ có tựa đề :

Trà Giang Thu Nguyệt Ca

Trà giang nguyệt
Kim dạ vị thùy thanh ?
Quan sơn vạn lý hạo nhất sắc
Hà xứ bất hệ ly nhân tình
Cử bôi thí yêu nguyệt
Nguyệt nhập bôi trung hành
Hãm bôi dục yết cánh phi khứ
Chỉ hữu nhân ảnh tương tung hoành
Dinh bôi thả phục trí
Hựu kiến cô quang sinh
Vấn quân hà sự luyến luyến bất nhẫn xả
Ngã thị Trúc Lâm cùng đồ chi bộ binh
Giang đầu thử tịch phùng thu tiết
Tửu mãn tu khuynh vị quân thuyết
Đà môn cựu lữ Tồn Chân ông
Cần hải minh tiên hiểu tương biệt
Tạc dạ kim phong há thiên khuyết
Bạch lộ, thanh sương sảo xâm cốt
Nhân sinh hội ngộ an khả thường
Hữu tửu thả ẩm Trà giang nguyệt
Trà giang nguyệt
Như kính há ngân lưu
Trượng phu án kiếm khứ tiện khứ
Kỳ lộ vô vi nhi nữ sầu


Trăng Thu Sông Trà Ca

Trăng sông Trà, trắng sông Trà
Đêm nay vằng vặc đậm đà vì đâu
Mênh mông muôn dặm một màu
Không đâu không nhuộm tình sầu chia phôi
Mời trăng một chén rượu nồng
Trăng vào đáy cốc trăng lồng lộng bay
Nhắp môi trăng chợt tắt ngay
Dọc ngang chỉ thấy lung lay bóng người
Dừng tay đặt chén bồi hồi
Ánh vàng lại đọng ngời ngời đáy ly
Trăng còn lưu luyến chưa đi
Ta còn kiếp lính chân chim đọa đày
Đầu sông gặp tiết thu gầy
Nghiêng bầu rượu rót lời đầy lời vơi
Tiễn người bạn cũ ra khơi
Sớm rời Đà Nẵng, tối rơi Cần Giờ
Đêm qua vàng gió lưng trời
Mịt mù sương móc lạnh đời buốt xương
Đời người đâu dễ gặp thường
Rượu đây hãy uống mê cuồng với trăng
Trăng sông Trà, trắng sông Trà
Dưới giòng nước bạc vẫn là tấm gương
Làm trai vung kiếm lên đường
Đi thì đi dứt đừng thương với sầu

Tường Vũ Anh Thy 1982

( Trích trong Cao Bá Quát Giữa Hồn Thiêng Sông Núi, Ức Trai xuất bản 1985)
Lời thêm : Vào những năm 1977-1979, bạn tôi là Đào Mộng Nam ở New York đã chịu khó sưu tầm tài liệu sử và văn học Việt Nam, chụp và gửi cho tôi; đặc biêt là thơ chữ Nho của Nguyễn Du và Cao Bá Quát. Công việc vất vả và tốn kém, mà tôi chỉ gửi được chút chi phí. Đến mãi năm 1981-1982, tôi mới có dịp đền ơn khi anh đến sống với tôi một thời gian dài ở San Jose. Dịp này tôi cũng lăn lóc học thêm chữ Nho của anh. Anh đã giúp tôi hiểu và dịch được những văn cổ. Thật là một người bạn người thầy quý hóa. Thế mà lúc anh mất bất ngờ vào cuối tháng tám 2006, tôi đã không viếng anh được. Cuối năm ta, đầu năm tây 2011, tôi bỗng nghĩ đến anh nhiều, nên sẽ đánh máy một số bài thơ của  Nguyễn Du và Cao Bá Quát một thời dịch với anh, hoặc một mình, đã từng mạo muội xuất bản. Riêng bài Trăng Sông Trà tôi còn có ý gửi riêng cho một người bạn nữa là anh Võ Hoàng, bấy giờ đang chờ đi chiến đấu ở biên giới . Chúng tôi cùng làm tờ Nhân Văn. Võ Hoàng tuy bình tĩnh, nhưng vẫn băn khoăn. Đào Mộng Nam có khích lệ anh ấy. tvat 23/1/11

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

trăng tháng chạp

ông đi chân đất vào rừng
cái gì có
cái gì không
ông đi chân đất vào rừng
cái gì sống 
cái gì chết
ông đi chân đất vào rừng
cái gì ta
cái gì người
ông đi chân đất vào rừng
sao lại ta
sao lại người
ông đi chân đất vào rừng
lặng lẽ cười
lặng lẽ ngồi


(viết cho ngày Phật thành đạo)


tvat 20/1/11

ba cái đầu

tôi có ba cái đầu
đứng một chiều thẳng đứng
giây thời gian quay quay
ba cái đầu cùng nhẩy

bổ ba đầu thành sáu
đứng một chiều thẳng đứng
giây thời gian quay quay
sáu cái đầu cùng nhẩy

bổ sáu đầu thành tá
hóa ra một cái đầu
giây thời gian quay quay
cái đầu không chịu nhẩy

tvat 19/1/11

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

HOA TRĂNG NĂM HAI NGÀN

Thay lời tựa bộ tiểu thuyết

Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc
của Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng
ỨcTrai xuất bản 1988
Xuân Thu tái bản 1991

Hoa Trăng hay Trăng Hoa?
Từ ngữ thế gian thường có lắm điều đày đọa? Hoa Trăng dịch nôm từ tên một loài hoa: Hoa Nguyệt Quế, cánh nhỏ,. màu trắng như sương, thơm ngát. Và Nguyệt Quế là tên vầng trăng rằm tháng giêng ở Quỳnh Hải (Quỳnh Hải nguyên tiêu*) khởi thành mười hai nhân duyên chập chùng cho cõi phù sinh này.
Nhưng đảo ngược chữ Hoa Trăng thành Trăng Hoa thì hốt nhiên mở ra những chân trời đọa đày viễn mộng khác: cõi ái ân trai gái, cũng trùng trùng duyên khởi như sóng nước bao la.
Phải chăng chuyện trai gái trăng hoa mãi mãi là một công án? Mãi mãi là tiếng thầm thì bí ẩn như mật ngôn của sóng gió vỗ vào bờ đá dưới trăng rằm?
Mỗi lần gió thổi là một lần sóng vỗ. Mỗi lần sóng vỗ là một lần lay động ánh trăng. Mỗi lần ánh trăng lay động là một lần vang dội âm ba. Cái khoảnh khắc hiện tại bỗng là thiên thu ẩn mật. Và đó chính là mật ngôn, là diệu âm, đã đánh thức, và giác ngộ chúng sanh, trong hoa trăng nghiêm mật.
Mỗi trang của cuốn Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc này như mở mãi vào cõi trăng nghiêm mật dị thường.
Muốn đi vào cõi trăng ấy, hành giả phải một mình tự cởi bỏ mọi ràng buộc thế gian. Hoặc như nàng Thúy Kiều của Nguyễn Du, bước qua miền trăng hoa trải dài 15 năm, để đến sông Tiền Ðường tìm đóa hoa trăng nghiêm mật nhất của đời nàng. Hoặc như Ðường Tam Tạng trong truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, băng qua chặng trăng hoa quỷ mị đến bến đò Lăng Vân, gặp chiếc thuyền bát nhã chở ông vào cõi hoa trăng ấy.
Ở truyện Tây Du Ký, Tam Tạng không tự mình quyết định được định mệnh cuối cùng, ông phải nhờ Tôn Ngộ Không, dùng trí vô úy xô đẩy ông bước qua  chính phàm thân của ông để lọt vào thuyền bát nhã. Và nhờ thuyền bát nhã đưa ông vào cõi trăng.
Ở Truyện Kiều, Nguyễn Du để một mình Thúy Kiều tự nhẩy qua xác thân phàm, bơi thẳng vào nhụy hoa trăng.
Ở Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc, Nghiêm Xuân Hồng lại khởi đi tự vầng trăng ấy. Khi Thạch Sanh (lức Lý Liễu Quán) bưng ly rượu độc, bưng chén lửa hồng lên uống mà không hề chớp mắt là một hành động tỉnh thức dị thường của một bậc Bồ Tát đã từng bước qua phàm thân mình, uống biển pháp để ngăn che cho mọi chúng sinh không phải đối diện với diêm vương qủy sứ. **
Những nhân vật khác của truyện như Long Cuồng Huệ, dùng trí rất vi tế biết tất cả thế giới như giấc mộng, như ảnh tượng, như huyễn hóa. . . để thị hiện đản sanh rất vi tế mà cứu độ chúng sanh. Như Càn Thát Bà, tìm cầu  một âm thanh rất vi tế để hiển thị tất cả âm thanh khắp thế giới. . . dùng một âm thanh thuyết pháp làm cho tất cả chúng sanh đều hoan hỉ...
Những nhân vật ấy đều là các Bồ Tát, họ không trông cầu người khác cúng dường mình, chỉ chuyên cấp thí tất cả chúng sinh nên không kinh sợ về tiếng xấu.
Ðó là những kẻ vô úy, bước đi, trên con đường tìm về cõi hoa trăng nghiêm mật. Dưới ánh trăng, mỗi cánh đều huyền hoặc, và trang nghiêm như một tờ kinh... cho nên mọi trăng hoa không làm họ kinh sợ, mọi trăng hoa không làm chao động lằn ánh sáng phát ra tự trái tim, phản chiếu ánh sáng vi diệu của Hoa-Trăng-Nghiêm-Mật.
Thời gian được dệt bởi vô lượng ánh sáng. Và kể từ thuở đó, thuở vào truyện Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc, thuở của Bồ tát Long Thọ, với vô-phân-biệt-trí đang tiến dần đến năm 2000. Nghĩa là đã 2000 năm ánh sáng của hoa-trăng-rằm-tháng-giêng tưới lên từng ngọn cỏ bờ khe, từng lọn sóng, vẫn ẩn dấu trong một trang kinh. Mõ và chuông đập nhịp cho hơi thở dài suốt một chiều dài lịch sử nhân sinh 2000 năm không hề gián đoạn.
Tên gọi Thạch Sanh trong cổ tích, tên gọi Mỵ Ê trong lịch sử, hay tên gọi Càn Thát Bà trong kinh sách, tên gọi Phong Châu của địa cầu, tất cả đều tử sinh trong một cõi nổi trôi sinh tử. Tất cả đều chập chờn huyền hoặc trong ánh sáng của Hoa Trăng.
Lạ lùng thay, thuở ấy, câu chuyện Chữ Ðồng Tử và Tiên Dung, với chiếc gậy thần có hai đầu sống chết, sau một mùa trăng hoa, thì đoá hoa trăng chợt nở ngạt ngào nghiêm mật như sách ước.
Cách dựng truyện lạ lùng này, cùng với lời kinh xưa, cư sĩ Nghiêm Xuân Hồng đã đưa người đọc vào một vùng huyền hoặc của ánh sáng Hoa Trăng. Câu chuyện thỉnh kinh chỉ là một cái cớ. Ngón tay chỉ mặt trăng là một cái cớ. Như những nhân vật kia, người đọc, chính người đọc, phải vượt qua nhân vật để bước vào nhụy hoa.
Xin nguyện cầu Hoa Trăng nở trong năm 2000, để ánh sáng vi diệu được chan rưới khắp mọi cõi nhân sinh.
 
Tường Vũ Anh Thy
San jose, mùa trăng rằm tháng giêng năm Mậu Thìn 1988

* Tựa đề một bài thơ của Nguyễn Du
** Những chữ in nghiêng trích trong Kinh Hoa Nghiêm, bản dịch của Thích Trí Tịnh
 

x
x








 











www.thuvienhoasen.org




 
 

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

mười lăm ngón tay

cầm dao bằng tay phải
chẻ năm ngón trái thành mười
rồi cười với trăng
chị hằng ơi
bây giờ có mười lăm ngón tay để săn sóc chị


tvat 18/1/11

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

Ghi chú về Dostoevsky & Akutagawa

Đầu thập niên 60 thế kỷ 20 ở Sài Gòn tôi xem phim Rashomon của đạo diễn Akira Kurosawa với diễn viên Toshiro Mifune. Sau đọc truyện ngắn Trong Rừng (In A Grove) tôi rất thích nhà văn Ryunosuke Akutagawa của Nhật Bản. Đến thập niên 80 ở San Jose đọc truyện Tơ Nhện ( The Spider's Thread ) của ông, tôi càng thú vị. Truyện kể Đức Phật ở Niết Bàn nhìn xuống địa ngục thấy tên cướp Kandata đang đau khổ trong biển lửa. Tên cướp của giết người này làm quá nhiều tội ác, nhưng có một việc thiện là đã từng cứu sống một con nhện. Nhân có con nhện đang giăng tơ trên đài sen, Đức Phật bèn lấy tơ nhện thả xuống cứu tên cướp. Hắn bám vào tơ nhện, lơ lửng leo lên. Rồi hắn nhìn xuống thấy nhiều người cũng bám vào tơ nhện leo theo. Sợ tơ đứt, hắn đạp và la mắng dành độc quyền.Ngay khi đó tơ đứt, ném hắn rơi trở lại hỏa ngục (theo bản Anh ngữ của Edwin McClellan)
Cuối năm 2010, tôi tìm đọc lại Dostoevsky, tác giả tôi thích nhất. Tôi vật lộn với cuốn the brothers karamazov (dầy quá). Đến đoạn nhân vật Grushenka kể chuyện cổ tích về một phụ nữ cả đời làm ác. Chết đi bà ta bị đọa trong hồ lửa địa ngục. Nhưng bà cũng từng cho một người ăn mày một nhánh hành, kể như là việc thiện. Thượng đế bèn lấy nhánh hành giao cho thần hộ mệnh của bà ta để đem cứu. Lập tức người đàn bà ác độc bám vào nhánh hành leo lên. Nhưng khi nhìn xuống, bà ta thấy nhiều người cũng đang bám lấy nhánh hành. Bà ta cũng sợ đứt nên quẫy đạp chửi rủa dành độc quyền. Ngay khi đó nhánh hành đứt, ném trả bà ta vào hồ lửa địa ngục.(bản Anh ngữ của Ralph E.Matlaw, Norton xuất bản1976, trang 330)
Sự trùng hợp này làm tôi vừa băn khoăn vừa buồn. Dostoevsky viết năm 1880, Akutagawa viết muộn nhất năm 1927 (năm ông tự tử). Không lẽ Akutagawa đạo ý ? Ôi một nhà văn tôi yêu thích mà làm thế thì tôi buồn chết mất . Có thể câu chuyện cổ tích kia là của chung, do giao thoa văn hóa mà mỗi dân tộc thâu nhận khác nhau chăng ? Hoặc người ta đã giải quyết vấn đề này từ lâu mà tôi không biết ? Dù sao tôi cũng ghi chú lại ở đây (để tồn kho) trong khi chờ đáp án. Cũng là thói quen đọc sách của riêng tôi.


tvat 14/1/11

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

hai chiếc lá



lá trên cây
lá trong đầu
lá trên cây đi tìm ánh sáng
lá trong đầu im lặng suy tư
rồi mùa thu mùa đông
lá trên cây úa rụng
lá trong đầu im lặng suy tư

mùa xuân cây bung lá mới
lá trong đầu im lặng suy tư

tvat 16/1/11