điêu khắc

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

uống rượu ba trường phái



kể ra uống rượu có rất nhiều trường phái. Tác giả Bồ Tùng Linh (1640-1715)   trong Liêu Trai Chí Dị viết truyện con sâu rượu (tửu trùng), đại ý: có một người họ Lưu ở Sơn Tây uống rượu như hũ chìm mà không bao giờ say. Lại có một nhà sư gặp bảo:” Đó là bệnh, có thể chữa.” Bèn trói chân tay Lưu, bắt nằm sấp dưới nắng. Nhà sư đặt thau rượu ngon cách đầu Lưu chừng gang tay. Rượu bay sực nức! Nắng nóng làm khô khát quá sức! Một lúc thì oằn oại cồn cào, trong cổ ngứa ngáy rồi ộc ra một con sâu bay vào thau rượu. Nhà sư cởi trói cho Lưu, cùng đến xem con sâu đỏ hon hỏn to bằng ngón tay đang ngo ngoe uống rượu! Sâu này bỏ trong hũ, cứ đổ nước vào là thành rượu ngon! (viết đến đây lại nhớ trong Kinh Thánh chuyện Chúa Jesus thực hiện phép lạ đầu tiên : biến nước lã thành rượu ở Cana. Chắc Chúa không cần con sâu rượu này?) Bồ Tùng Linh không đả động gì đến chuyện sau khi bắt con sâu rượu thì anh chàng kia ra sao. Chả lẽ anh ta thôi uống rượu? Hoặc hễ uống thì say? Nhưng dù sao trước đó anh ta thuộc trường phái “sâu rượu”; uống tì tì hết ngày này sang ngày khác mà không say!
Người phản đối mạnh mẽ “phái sâu rượu” là Cao Xuân Huy. Sinh thời anh thường bảo:”Uống rượu mà không say thì uống làm cái đếch gì!” Vì thế cuộc rượu nào anh cũng say. Mà hễ say là anh ngủ khì. Nhìn anh ngủ co hai chân vẫn đi giầy, tay thế thủ, rõ là một người lính dễ thương vô cùng! Quí vị nào không tin cứ hỏi Lê Giang Trần thì biết. Thế là ta có trường phái “ uống rượu phải cho say”.
Lại có người phản đối kịch liệt là Cao Đông Khánh. Anh bảo:”Uống rượu mà say thì làm gì còn cơ hội uống thâu đêm suốt sáng với người ta?” Cho nên anh cứ lai rai uống mãi. Vừa uống vừa đọc thơ. Nếu để ý kỹ thì hình như anh đọc thơ nhiều hơn uống rượu. Mà hễ cứ rượu thơ là mặt mũi anh đầm đìa mồ hôi như đang tắm. Tôi cả quyết là anh không có “con sâu rượu”, bằng cớ là anh chỉ say sau khi Cao Xuân Huy say. Tuy nhiên anh vẫn lập ra trường phái “uống rượu không được say”.
Lại có người khác không phản đối gì hai trường phái trên mà chủ trương:”uống rượu để bay!” Đó là anh Phạm Công Thiện. Anh uống chậm chãi dai dẳng rồi bay vào cõi “nói năng mơ mòng”. Và càng nói, anh càng uống ,đến ...hoang vu! Tuy không “như hũ chìm”, nhưng phải công nhận là anh “trụ” được lâu suốt cuộc rượu mà không rơi xuống đất!
Bài này chỉ viết về những “tửu đồ” đã bỏ chúng ta, rủ nhau đi uống rượu ở một nơi khác.

tường vũ anh thy 30/3/11

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

vang bóng


hai đỉnh núi hai người đứng gọi
tiếng rừng xanh vang vọng rừng xanh
trong hoa đốm trời cao lồng lộng
lời chiêm bao vang dội chiêm bao
giữa cuộc đời mỉm cười miên viễn
tiễn người đi biền biệt người đi
hỡi ơi một giải ngân hà
đêm đêm hiu quạnh biết là nhớ ai
ai vẫn nhớ và ai không muốn nhớ
nhớ chăng ai
ai nhớ mà mong
chong đèn 
đèn hắt cong cong
bóng vang trước gió
gió đong bóng người


tường Vũ anh thy 28/3/11

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011


Lời dẫn: Gần đây người ta tìm được một chiếc lá nằm dưới các lớp bùn ở đáy hồ nước thuộc tiểu bang Idaho, Hoa Kỳ. Các khoa học gia và các nhà khảo cổ dùng các phương pháp đo định tuổi tân tiến như chất DNA..đã khẳng định rằng chiếc lá đó đã có từ 17 triệu năm! Lá hiện còn giữ màu xanh.
Tưởng tượng , từ 17 triệu năm trước, khi chưa có mặt con người, đến bây giờ 1990, thế giới lúc nhúc mấy tỉ người đang sôi nổi chuyện tư bản, vô sản, tự do, dân chủ…và vũ khí hạt nhân, chiếc lá vẫn âm thầm có mặt. Mười năm tới,với gần 10 tỉ sinh mạng thế giới sẽ bước vào thế kỷ 21, chiếc lá cũng bước theo. Liệu những đề tài chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội …có rơi rớt bớt đi để giữ một màu xanh cho trái đất.
Bài thơ “ Lá” tôi làm từ những cảm xúc đó, và còn nhớ từng đọc tập thơ Lá Cỏ ( Leaves of Grass )của  Walt  Whitman, tập Lá Hoa Cồn của Bùi Giáng, và mới đây tập Lá của Văn Cao, Hà Nội xuất bản năm 1989.

một chiếc lá còn xanh
tìm thấy dưới đáy hồ ở Idaho
từ mười bẩy triệu năm trước
lá sẽ bước cùng chúng ta
vào những năm 2000

mười bẩy triệu năm qua
ánh sáng vẫn xanh
lá vẫn rưng rưng ngập nước
như môi em còn ươn ướt
vẫn lướt  trôi trong mưa nắng cuộc đời
chiếc lá thật tình cờ
thật bất ngờ gặp gỡ
mà mười bảy triệu năm
vẫn thở thì thầm
dưới đáy hồ ở Idaho
hay dưới đáy Hồ Gươm Hà Nội

không có gì vội vã
sáng nay lá thổi lớn trong tôi
như gió đã thổi khắp Âu Châu
gió nổi từ Châu Ấ
thổi luồn qua Úc Mỹ tới Châu Phi
tôi chẳng hồ nghi
có con rùa con mới 4000 tuổỉ
ở dưới đáy Hồ Gươm Hà Nội
nghểnh đầu lên muốn lội
khi gió dào dạt từ bụi măng tre
gió phần phật ngoài khóm chuối

gió thổi vào bẹ cau
em đi qua cầu
gió thổi tóc bay
bàn tay em không che nổi gió
nên trái tim em bên đó phập phồng
mười bảy triệu năm giữa bụi hồng
lá đợi chờ giọt nước mắt ai
để được đầu thai
làm bông hoa thế kỷ

chiếc lá vô cùng
chút màu xanh còn lại
trên mái chùa mềm mại ở Cao Miên
trên mu con rùa ở Hồ Gươm Hà Nôi
chút màu xanh vô tội
muốn hội ngộ tương lai
cùng những ai
muốn làm xanh trái đất

đã mười bảy triệu năm qua
sáng nay bỗng có một gã khờ
lang thang phố thị lờ mờ nhớ nhung

tường vũ anh thy
san jose, 4-1990 cho Ngày Của Trái Đất (earth day)

(bài thơ Lá, đăng lần đầu trên tạp chí Thời Tập năm 1990 ở quận Cam, California Hoa Kỳ, sau đó đăng trong tuyển tập 20 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại, nxb Đại Nam 1995,California Hoa Kỳ)







Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

CAO BÁ QUÁT: thơ vẫn bay ...



  

Thế là sau những năm tháng tù đày cùng quẫn, những năm tháng phiêu dạt tha hương, Cao Bá Quát đã hình thành một đường gươm tuyệt thế: đó là Mai Hoa Thi Kiếm. Kiếm pháp này lấy căn bản ở chữ Vô, biến thế sang Hữu, và hiển thị ở Sinh. Từ Vô sang Hữu, lưỡi kiếm nhấp nhô như sóng mà không đóng lại ở một góc độ nào. Kiếm động thì người động, kiếm tĩnh thì người tĩnh. Người và kiếm vừa có thể phân biệt, vừa có thể không phân biệt. Như giòng sông đang chảy cuồn cuộn giữa khoảng không bao la. Trời mây in đáy nước. Đáy nước vọng trời mây. Nước chảy thì mây trôi. Giữa cái hữu hạn và vô hạn hốt nhiên cùng ríu rít. Bởi thế ông mới làm được câu trường giang như kiếm lập thiên thanh (giòng sông gươm lấp lánh trời xanh). Nước ở đâu trời ở đó. Giữa Có và Không, vừa có thể phân biệt, vừa có thể không phân biệt. Nước chảy đến đâu, lập tức cỏ cây hoa lá côn trùng nảy sinh ở đó.
Đầu mùa thu năm 1843, từ Đà Nẵng, ông về thăm nhà cửa bố mẹ vợ con làng xã. Cuộc trở về này không phải là một, nhưng lại là cuộc trở về quan trọng trong ý nghĩa về nguồn. Rất tình cờ ông nhặt được cuốn truyện dài bằng thơ lục bát ở nhà người hàng xóm. Tên truyện là Hoa Tiên, tác giả là Nguyễn Huy Tự. Tuy chỉ là  chuyện tình dựa theo một bản ca của Trung Hoa, nhưng Cao Bá Quát lại nhìn ra cái tinh túy của thi ca Việt Nam. ( cũng như trường hợp Truyện Kiều của Nguyễn Du ). Truyện bắt đầu từ việc ân ái riêng tư của vợ chồng; rồi đến đạo cha con; nghĩa vua tôi; mối giao tình thân thiết giữa bạn bè; lòng thương yêu anh chị em trong nhà. Lớn thì triều đình nhà nước, kế sách binh cơ, khen thưởng khuyến khích việc trung nghĩa tiết liệt. Nhỏ thì chuyện người việc đời, cả đến cỏ cây khí hậu thời tiết. Lời văn mới lạ, ý nghĩa đoan trang. ( Kỳ vi thuyết dã, khởi ư phối thất chi tế, tình ái hiệp nật chi tư, nhi đạt ư phụ tử chi luân; chủ thần chi nghĩa; bằng hữu thiết tư chi nhã; huynh đệ tương hảo chi tình. Đại nhi triều đình, binh mưu, bao trung khuyến tiết chi điển. Tiểu nhi nhân tình thế thái, phong khí thảo mộc chi vi. Kỳ văn kỳ, kỳ nghĩa chính.) Đó là nhận xét đầu tiên của ông. Lúc đó lòng ông đang chan chứa bao nhiêu mối u tình. Lớn, cũng những chuyện triều đình đất nước. Đất nước ông đang rối loạn, lại có nguy cơ bị ngoại xâm bởi người phương Tây. Nhỏ, thì chuyện mình chuyện nhà. Mình thì tù đày, lang thang thất nghiệp. Nhà thì dọn, con chết, chị chết. Hoàn cảnh bi thương đen tối, nhưng lòng ông lại rất trong sáng hào sảng. Ông viết:” Sự đau khổ của con người không ngoài một chữ tình, mà cái khó trong đời là duyên gặp gỡ. Từ đó suy ra tính tới, thì cái lý trong thiên hạ đã thông được quá nửa rồi.Vì thế ta có mối cảm đặc biệt với truyện Hoa Tiên.    (Phù nhân mạc khổ vu tình, nhi mạc nan vu ngộ, dẫn nhi thân chi,xúc loại nhi trường chi, tắc thiên hạ chi lý, tri quá bán hĩ. Ngô ư Hoa Tiên lương hữu cảm yên.)
Cái mối cảm đặc biệt với truyện Hoa Tiên không hẳn chỉ có vậy. Bởi vì mở đầu cho bài tựa truyện Hoa Tiên, ông đã đặt một câu hỏi lớn: “Sống trên đất nước Việt Nam này ta có thể bỏ được chữ quốc ngữ của ta không?” Câu hỏi mà ai cũng phải đáp: “ Không bỏ được” ( Bất khả dã!) Ôi đã không bỏ được chữ quốc ngữ thì những truyện viết bằng quốc ngữ như Hoa Tiên, Kim Vân Kiều, ta có bỏ được không?( Độc quốc ngữ dã, Kim Vân Kiều, Hoa Tiên, chi thư khả phế hồ? Dĩ nhiên ta cũng không thể nào bỏ được. Làm sao bỏ được khi đó là những tác phẩm lớn, viết bằng tim óc của người xưa! Làm sao bỏ được khi đó là những tác phẩm viết bằng chính lời nói của nước ta, góp công tô chuốt nền văn chương dân tộc riêng biệt của ta! “ Nước Việt ta, từ sau Hàn Thuyên, các tác gia mọc lên như rừng: nào thơ cổ cận của Ôn Như Hầu, kích thước ngang với Đỗ Phủ thời Đường; Nào điệu cung từ của Nguyễn Hữu Chỉnh dìu dặt như thời Hán, Ngụy…Còn như về văn chương tiểu thuyết, cho đến nay ta mới thấy Hoa Tiên và Kim Vân Kiều là bậc nhất.” (Ngã quốc Hàn Thuyên chi hậu, tác gia lâm lập: Ôn Như cổ cận, quy mô Thiếu Lăng; Bằng Quận Công cung từ, trì sậu: Hán, Ngụy. Chí vu chuyện khúc chi công, ngô phục đắc Hoa Tiên, Kim Vân Kiều yên.)
Thế thì cái nhìn và cái mộng của Cao Bá Quát đã là một nhịp liên tục từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Du, ông đã thấy sự cần thiết phải có của văn chương dân tộc ghi bằng quốc ngữ. Và ông cũng đã tự hào về nền văn chương dân tộc ấy. Ta có thể đặt câu hỏi: Đã thế sao Cao Bá Quát không làm thơ bằng quốc ngữ? Xin thưa: những bài hát nói ông đã thử làm, vốn cũng đâu phải là tầm thường như ta đã thấy. Nhưng trước lịch sử văn học dân tộc, Cao Bá Quát cảm được sự thiêng liêng của hồn sông núi, nên ông hết sức rụt rè khiêm tốn: Dùng quốc ngữ làm văn chương thì ta chưa dám ( Dĩ quốc ngữ vi văn chương, ngô vị cảm dã.) Cho nên ông chỉ dám dùng văn chương để xem quốc ngữ mà thôi ( Câu dĩ văn chương quan quốc ngữ, tắc ngô thiết hữu thủ yên.) Đấy là bởi ông hết sức thành thật. Tác phẩm của người xưa sừng sững, ông tự liệu mình không thể vượt qua. ( Cái học từ chương lệ thuộc Trung Hoa của triều đình nhà Nguyễn bấy giờ đã khép chặt mọi cửa ngõ của sĩ tử Việt Nam.) Nhưng lòng ông vừa cảm phục vừa hãnh diện, lại vừa ngứa ngáy háo hức muốn la lớn hét to cho thiên hạ cùng cảm phục, cùng hãnh diện với ông về văn chương đân tộc. Tâm tình ấy thật khác hẳn thái độ ngạo mạn khinh bỉ mà người ta đã gán cho ông !
Ôi người đời đã hiểu khía cạnh khinh thế ngạo vật của ông theo kiểu người đời. Bởi vì người đời xem Hoa Tiên, Kim Vân Kiều là những cuốn dâm thư, lẳng lơ, gian dối! Họ đâu có buồn xem cho hết ngọn ngành. Thời đại Cao Bá Quát, người ta đua nhau làm thơ chữ Hán để ngâm vịnh tâng bốc nhau. Thi xã, hội thơ… mọc lên như nấm. Bao nhiêu thơ xưa, điển cũ bên Tầu được đem ra làm khuôn vàng thước ngọc mà trích, mà họa, mà nhái…Chúng ta sẽ được Cao Bá Quát phân tích việc này trong bài tựa tập thơ của Tùng Thiện Vương. Ta cũng chắc rằng cái không khí văn chương tháp ngà lai căng và vong bản nhốn nháo thời đó đã làm ông có lần phải bịt mũi :
                      Ngán cho cái mũi vô duyên
                Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An
Trong bài tựa truyện Hoa Tiên, ông viết: “ Gần đây, những kẻ khinh bạc, đem Hoa Tiên ra làm chuyện đầu môi chót lưỡi, những người cầm bút không xem xét ngọn ngành, vội cho là lời văn dâm đãng, khúc lẳng lơ, đáng buồn biết bao”( Cận thế khinh bạc, chi đồ, tư vi thoại bính, thao cô giả vãng vãng bất sát, ủy vi dâm từ, diễm khúc, khả bi dã phù!)
Bởi vì người ta lúc ấy có mặc cảm làm văn thơ bằng quốc ngữ là quê mùa cục mịch, sao bằng viết chữ Hán, vẻ trí thức cao sang! Cũng tựa như gần đây, người ta rập theo Tây theo Mỹ. Nói hay viết mà không có tí Tây Mỹ vào thì bị xem là nhà quê, thất học. Có kẻ còn công khai bài bác văn chương Việt Nam; ca tụng văn học ngoại quốc. Ta chẳng lạ gì chuyện đó. Bởi có thế mới thấy được lòng người và tình người.
Trở lại vấn đề quốc ngữ và truyện Hoa Tiên, Kim Vân Kiều cùng với nền văn chương dân tộc, Cao Bá Quát viết tiếp: “Nếu chỉ xem quốc ngữ là quốc ngữ thế thôi thì hai cuốn Hoa Tiên và Kim Vân Kiều, có hay không, cũng không thành vấn đề nữa. Nhưng nếu muốn làm cho rực rỡ nền văn chương dân tộc của ta, làm cho rõ thế nào là văn chương dân tộc của ta, thì quý vị yêu văn sẽ phải nghĩ gì ? Làm gì?” Câu hỏi này, chính ông đã đáp từ đầu khi ông tâm sự:” Ta bị về vườn đã lâu, ngẫu nhiên thấy cuốn truyện Hoa Tiên trong sọt sách cũ của ông hàng xóm, bèn lấy đọc. Trong lúc buồn bã cùng quẫn, gặp cuốn sách này thật chẳng khác nào tìm được vật báu quí giá. Ta mạo muội kiểm điểm từng trang, muốn sửa vài chỗ sai lầm, bớt vài đoạn dài dòng, để thành tác phẩm hoàn mỹ. Nhưng bỗng có việc gấp, phải đi xa, đành chịu bỏ dở dang.” Việc nhuận cuốn Hoa Tiên bị bỏ dở, thì ý ông muốn khi in ra sẽ được các bạn yêu văn tiếp ta sắc y tô điểm, tiếp tay phổ biến.
Câu cuối cùng của bài tựa cũng là lời tuyên dương rực rỡ nhất về thi ca:” Kim Vân Kiều đạt thế ngữ, Hoa Tiên tắc cảnh thế ngữ dã” (Truyện Kiều là tiếng nói hiểu đời, Hoa Tiên là tiếng nói răn đời.)
Hốt nhiên cả một trời thơ dào dạt, lời ca dao, tiếng ru, điệu hò, bài ca phường vải, khúc hát quan họ, bản chèo…những chuyện cổ tích xa xưa, chuyện sử diễn ca tráng lệ, cuộc đời mưa nắng gió sương, tình đất, lũy tre, nghĩa quê, lòng biển…tất cả đều lồng lộng bay giữa hồn thiêng sông núi…Thơ sẽ phải bay giữa hồn thiêng sông núi! Và chỉ có hồn thiêng sông núi mới đủ từ uy giữ cho thơ không lạc lối mê đường.
Đó lả tất cả nguồn cảm hứng, tâm tình trầm trọng, mộng ước ban sơ, mà Cao Bá Quát đã trao thân gửi phận cho Thơ, đã trân trọng đặt cho Thơ một sứ mệnh vừa thiêng liêng vừa hào hùng.
 tường vũ anh thy 1982 ( Trích trong Cao Bá Quát Giữa Hồn Thiêng Sông Núi, Ức Trai xuất bản 1985)


Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

tsunami (sóng thần) và người Nhật

Tôi nhận được bức thư có tính cách luân lưu qua mailing list của anh Trần Việt Long, người gửi là một cảnh sát Nhật gốc Việt mà báo chí đã có loan tin. Người nhận tên Đăng, mà ta tạm không cần biết; chỉ biết nội dung thư chứa nhiều suy gẫm. Từ hơn một thế kỷ đã qua, ông cha ta đã không sai lầm khi muốn theo guơng người Nhật để cách mạng đất nước qua Phong Trào Đông Du, đứng đầu là Phan Bội Châu. Tiếc rằng vì chính sự quốc tế bấy giờ đã không cho ta có cơ hội hoàn tất cuộc cách mạng có thể đem lại nhiều vinh quang cho dân tộc hơn là cuộc cách mạng vô sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo dưới sự dìu dắt của Nga Sô và Trung Hoa. Chuyện đã qua, nay trước thảm họa thiên nhiên, người Nhật, qua những báo cáo và nhận xét của thông tin quốc tế khiến ta phải khâm phục. Đặc biệt qua bức thư của anh Hà Minh Thành, trực tiếp cho ta những hình ảnh và ý nghĩa cụ thể để nghĩ về tư cách làm người trong một thế giới sôi động hỗn loạn như hiện nay. Nhất là khi tôi đang viết những giòng này thì quân đội tây phuơng đang xối xả tấn công Libya...Tôi nghĩ đấy không còn ý nghĩa của cuộc cách mạng hoa nhài như ở Tunisia và Ai Cập nữa.Gần đây trong nước đã đổi tên thành " cách mạng hoa sen". Có lẽ sẽ có ý nghĩa hơn ? Nhưng dù sao tôi vẫn thích ý nghĩa ban đầu của "cách mạng hoa nhài" là quần chúng tự phát chống độc tài bất công.
tường vũ anh thy 21/3/11
================================================
Thân gửi anh Đăng,
Xin được giới thiệu tôi tên là Hà Minh Thành. Qua anh Nguyễn Hữu Viện tôi mới được biết anh và trang tin của anh dù tôi làm việc cách chỗ của anh cũng không bao xa. Xin hân hạnh được làm quen với anh. Hiện tại tôi đang được tăng phái công tác hỗ trợ cho cảnh sát tỉnh Fukushima, chỗ tui đang làm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 khoảng 25 km. Gọi là lên đây hỗ trợ giữ an ninh chứ  mấy ngày nay chỉ đi nhặt xác người không thôi. Dân địa phương họ tự động thành lập các đội tự quản, tương trợ lẫn nhau. Giả sử có ai muốn ăn cắp ăn trộm cũng khó. Vấn đề an ninh không lo lắm. Người chết nhiều quá, tụi tôi chỉ còn lấy dấu tay, chụp hình và trùm mền lại rồi giao người đem đi thiêu. Ngày đầu còn mặc niệm, có cảnh sát tăng phái còn khóc nhưng bây giờ thì không còn thời gian để mà mặc niệm và khóc nữa. Hôm qua còn không có chỗ để mà thiêu họ nữa đó anh. Khủng khiếp. 
Ký giả của Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc Vương Hy Văn hôm qua theo tôi một ngày để lấy tin khi đi ngang qua một ngôi nhà bị sập mà tiền giấy có lẽ từ ngôi nhà đó trôi ướt nằm tứ tán cả bãi đất chắc cũng vài chục triệu yen nhưng mà chẳng ai thèm nhặt đã phải thốt lên: "50 năm nữa , kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ đứng đầu thế giới, nhưng vĩnh viễn Trung Quốc không thể được gọi là cường quốc vì 50 năm nữa người Trung Quốc cũng chưa thể có trình độ dân trí và ý thức đạo đức công dân cao như người Nhật hiện tại. Tôi hổ thẹn mình là con cháu của Khổng Tử nhưng không hiểu cái đạo Nhân Nghĩa làm người bằng họ."
Người Trung Quốc 50 năm nữa không bằng họ còn người Việt mình không biết bao nhiêu năm nữa mới có dân trí như vậy. Mấy ngày nay tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình người trong hoạn nạn lắm nhưng có một chuyện khiến tôi cảm động nhất đã khiến một người lớn như tôi từng có bằng Tiến sĩ công học ở Đại học Đông Bắc (Tohoku Dai) cũng phải hổ thẹn về một bài học làm người.

Câu chuyện tối hôm kia tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn. Nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh run lập cập tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: "Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói". Thằng bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".
Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc để nó và mọi người đang xếp hàng không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy một thằng có ăn có học  từng có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.
Tôi nghĩ một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.

Lên đây rồi bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của vị thiền sư phụ của tôi ở Tokyo trước khi lâm chung dạy lại cho tôi đó là "Nhân sinh nhất mộng , bất luận kiến tâm, Tâm vô sở cầu thị Phật". Cái sự hy sinh vì người một cách vô ngã của đứa nhỏ 9 tuổi khiến tôi ngộ ra được những điều cả cuộc đời bon chen của mình tôi chưa nhận thấy được. Tôi nhường khẩu phần ăn tối của tôi cho thằng bé để nhận của nó một lời cám ơn, còn nó cho đi cả buổi ăn tối của nó một cách vô tư  không so đo dù nó đói còn thê thảm hơn tôi nhiều và chắc còn phải đói nhiều trong cả cuộc đời vì không gia đình nữa. Những công án thiền của Bích Nham Lục, Vô môn quan hoàn toàn vô nghĩa so với hành động của một đứa bé 9 tuổi.
Xưa nay tôi không phục lắm người Nhật từ khi còn đi học, làm kỹ sư rồi làm cảnh sát thì phải luôn tiếp xúc với những người Nhật ở mặt trái của xã hội. Nhưng mà hành động của người dân Nhật trong vùng động đất bây giờ đã khiến tôi phục họ thật sự.

Tình hình quanh nhà máy điện hạt nhân vẫn còn an ninh, hiện tại tụi tôi đã được phát sẵn khẩu trang và đồng phục nylon. Ông Kan sáng nay họp báo dự tính đến tình huống xấu nhất là bỏ cả vùng miền Đông. Tôi không phải chuyên ngành về nguyên tử lực như anh nên không hiểu lắm về tác hại của phóng xạ. Nhưng tôi nghĩ cũng đang nguy hiểm. Tụi TEPCO vụ này chủ quan quá. Anh Đăng nếu được nên sắp xếp cho vợ con về VN trước thì tốt nhất. Tôi sợ tới lúc xấu nhất không còn vé máy bay. Tôi thì bà xã người Nhật, con gái cũng mới ra trường y tá và cũng đang hoạt động cứu trợ thiện nguyện ngay tại Fukushima này. Tôi hỏi con gái tôi "Tình hình có vẻ nguy hiểm , con có muốn đi VN lánh nạn không".  Nhỏ con gái của tôi trả lời "Đi đâu bây giờ , xung quanh con với cha người ta chết với bị thương hàng hàng lớp lớp. Không lẽ bỏ chạy. Thôi kệ, tới đâu hay tới đó."  Tôi gọi điện thoại về hỏi bà vợ tôi tính sao, có cần chạy qua quê chồng trú tạm lánh nạn một mình không thì bà xã tôi nói với tôi rằng người Nhật của họ thì 36 kế của Tôn Tử binh pháp họ chỉ dùng được tới cái kế 35. Cái chước cuối cùng "Tẩu vi thượng sách" không có chỗ dùng vì cái xứ đảo này không có chỗ nào để mà chạy nữa. Cùng lắm chịu chết thôi. Thôi thì tôi thân phận dính líu tới cái tổ quốc thứ hai này rồi. Vợ con gì cũng không chạy không lẽ một mình tôi bỏ nhiệm sở. Già rồi có hít chút phóng xạ vô nữa cũng chẳng sao cả. Mang  cái ơn nghĩa với đất nước này cũng nhiều thôi thì  bây giờ cùng đến lúc có cơ hội để trả ơn cho họ vậy.
Hy vọng không có gì xảy ra , khoảng 3 tuần nữa có thể trở về Saitama. Hy vọng được gặp anh Đăng nếu anh còn ở Nhật, anh em mình tâm sự nhiều hơn. Tôi năm nay 56 tuổi. Chắc cở tuổi của anh.

Chúc anh và gia quyến an toàn.

> Hà Minh Thành

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

CAO BÁ QUÁT : bài kệ uống trà



Không muốn phí công trong máng sách xưa, tất phải hiển lộ tài năng thật sự của chính mình trong cuộc sống. Mà cuộc sống thì thường hằng, trôi chảy đêm ngày như giòng sông. Cuộc sống ấy không thể đóng khung trên tường, không thể gói cất trong ngăn tủ, không thể ngăn bọc giới hạn…Cuộc sống là cuộc đời – là sự thật – là cuồn cuộn về phía trước. Cao Bá Quát ca tụng đời sống bao la, trong một không gian bao la, trong một tâm thức bao la. Tất cả phải được khơi mở. Không phải là vở kịch để diễn xuất, mà là một đời để hoạt động. Trong bài đêm xem diễn kịch Tầu, ông mô tả :” Trên sân khấu dựng cao, sáng choang đèn nến. Bỗng có tiếng thét vang làm gió đêm lạnh ngắt. Một trang tráng sĩ tua tủa râu ria, nghêng ngang áo giáp. Một viên tướng chễm chệ trên mình ngựa, mắt trừng trừng…” Rồi ông đặt vấn đề:” Không lẽ trong cuộc đời không có được những khuôn mặt thật hay sao, mà người ta lại ham vui trong những bộ mặt cũ, áo mũ xưa ?” Và ông chỉ thẳng những khán thính giả Trung Hoa đang mải mê nghếch mũi ngồi xem tuồng tích anh hùng lịch sử xa xưa, không để ý đến cái nhục hiện tại ở Hổ Môn, quân đội Anh đã ức hiếp triều đình Mãn Thanh, nhân vụ thuốc phiện năm 1840.
Dạ Quan Thanh Nhân Diễn Kịch Trường
Liệt cự thôi minh tối thượng đàn
Nhất thanh hám khởi dạ phong hàn
Kích tu tráng sĩ phương hoành giáp
Nộ mục tướng quân dĩ cứ an
Xuất thế khởi vô chân diên mục
Phùng trường lãng tiếu cổ y quan ?
Hổ Môn cận sự quân tri phủ
Thán tức hà nhân ủng tị khan ?

Đêm Xem Diễn Kịch Tầu
Trên sân khấu sáng choang đèn đuốc
Tiếng thét vang gió buốt đêm trường
Áo râu tráng sĩ cương cường
Tướng công chễm chệ bừng bừng mắt đao
Bộ mặt thực lẽ nào không có
Mà vui trò mũ áo xa xưa ?
Hổ Môn nhục mới biết chưa
Mà còn nghếch mũi say xưa xem tuồng ?
Đây cũng là quan điểm nghệ thuật của Cao Bá Quát. Ông không chịu được loại nghệ thuật cổ hủ, ru ngủ, và không thật. Tất nhiên Cao Bá Quát không có ý bài bác hay chối bỏ lịch sử. Trái lại, cuộc đời ông, văn thơ ông luôn luôn nhắc nhở, và ngưỡng mộ các anh hùng liệt nữ, các bài học lịch sử. Sự nhắc nhở và ngưỡng mộ đó, để ý thức về vai trò hiện tại, làm sáng tỏ tiền nhân và vinh quang đời sống. Ông muốn nhắn gọi là đừng dựa dẫm vào lịch sử, vào dân tộc, để đánh lừa quần chúng, hay ve vuốt ru ngủ quần chúng. Đừng núp bóng trong những thế lực bên ngoài, để che đậy sự hèn nhát, bất lực và nghèo kém bên trong. Phải chăng đó cũng là những mũi tên cảnh cáo triều đình nhà Nguyễn trước những sự bất lực về đối nội cũng như đối ngoại lúc bấy giờ ? Và những mũi tên ấy còn bay mãi tới bây giờ để tấn công vào tập đoàn chính trị hiện nay ?
Trong Bài Kệ Uống Trà ông làm nhân một đêm ngồi uông trà với Phan Nhạ, người bạn cùng chấm thi với ông ở Huế, ông đã khuyên đừng nhìn bên ngoài mà xét đoán. Ông không chủ trương chọn mặt gửi vàng theo nghĩa đen. Bởi vì xét bề ngoài sẽ rất dễ bị lầm lẫn. Mà cái lầm lẫn tai hại là không thấy hết được đức tính của người. Ông ví như uống trà, là uống trà suông, không phải uống trà ướp hoa nọ hoa kia. Ông ghi chú ở bài thơ về Phan Nhạ :” Ông bạn có lối uống trà rất cầu kỳ: ông ta bỏ trà vào nụ sen ngoài hồ, để cách đêm, sáng mới lấy ra pha uống, cho là ngon và lấy làm thích thú lắm!” Cao Bá Quát phê đó là ông ta uống hoa sen, không phải uống trà. Cao Bá Quát uống thuần trà – có nghĩa là trà suông và thanh khiết. Ông mô tả, sáng sớm thong thả ra giếng múc nước trong đem về. Nhóm lên một bếp lửa hồng bằng than nhỏ. Lửa đỏ và không có khói bụi. Ông đem nước sôi, rửa tay sạch sẽ, thong thả pha trà, rồi khề khà ngồi uống. Tinh khiết như một thi sĩ thiền sư. Hương thơm của trà trọn vẹn là trà, không lẫn lộn lăng nhăng với các mùi hoa lá nào khác. Ông cương quyết từ chối các loại hoa lá pha trộn vào trà, cho dù các loại hoa lá hiếm và quí đến đâu chăng nữa. Ông bảo sự pha trộn đó là sự lừa lọc chính khứu giác và vị giác của mình. Những thứ hoa hòe hoa sói ấy không những không làm tăng vị trà, mà còn làm mất hẳn cái đậm đà phảng phất rất riêng biệt của trà. Ông ví như quần áo phấn son lòe loẹt không tạo nên tư cách con người, có khi còn có tác dụng ngược lại. Nhưng điểm ông muốn nhấn mạnh là: nguyên thủy con người có những giá trị nhân bản (trà là trà, người là người) thì hãy để những giá trị ấy tự nó phát huy, thể hiện. Không vì thị hiếu nhất thời , hay mặc cảm tự ti mà che giấu, đem những sự không thật, để lừa mình và lừa người. Trở về với thi ca và âm nhạc, ông cho những âm điệu rườm rà và cầu kỳ, chữ nghĩa trau chuốt lập dị, chỉ làm hỏng cái nguyên thủy giản dị và thơ mộng của thơ nhạc. Thì ra suốt bài thơ dài 16 câu, ông chỉ muốn nói điều ấy. Đấy là điều ông ấp ủ cho nghệ thuật và con người. Giữ tấm lòng thành thực, giản dị, sống với cái đang là, tức là cái đang là. Cao Bá Quát mượn lời kinh của giòng thiền Huệ Năng để thị hiện điều ông muốn nói. Bài thơ chấm dứt ở lời Thiền, cũng bắt đầu mở ra từ đấy. Phải chăng ta cũng có thể hiểu, sống với cái đang có, viết những cái đang có, là những cái đang có. Đang là và đang có là những sự thật phong phú và vĩnh cửu nhất mà đời sông ta lại cứ quên đi hay tiêu phí.

Vị Minh Tiểu Kệ (đồng Phan sinh dạ tọa)
Tuyển hữu mạc thủ khí
Thủ khí mê kỳ nhân
Vị minh mạc thác hoa
Thác hoa ly kỳ chân
Hiểu tỉnh cấp thanh tuyền
Tế thán lý tân hỏa
Vô yên giữ trần khí
Hối thủ nhất tiếu khả
Nhứ hương quý thanh chân
Bất dụng ngoại thước ngã
Vô dĩ nhất ác khan
Phóng nhĩ tị quan giả
Huyễn phục phi tráng nhan
Phồn âm biến đại nhã
Thí lưu nhất chuyển ngữ
Tự tại chứng hiện quả

Bài Kệ Uống Trà ( làm trong khi ngồi khuya với Phan Nhạ)

Người ta không kể bề ngoài
Bề ngoài diêm dúa sơ sài bên trong
Tựa như trà ướp hoa đong
Vị trà đã mất hương lòng mất theo
Sáng ngày nước giếng trong veo
Bỏ than thật nhỏ lửa reo giữa lò
Nước sôi không khói không tro
Hai bàn tay sạch thơm tho khề khà
Uống trà cốt ở vị trà
Nhiều hoa lắm lá hương trà sao thanh
Đừng vì của hiếm hư danh
Mà đem cái mũi tranh giành thực hư
Áo quần không tạo phong tư
Rườm rà cách điệu làm ngưng cung đàn
Hãy nghe câu kệ lời vàng
Đang là đang có, có là đang đang.

tường vũ anh thy 1982 (trích Cao Bá Quát: Giữa Hồn Thiêng Sông Núi, Úc Trai xuất bản 1985 )

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

Nguyễn Thượng Hiền : Lời gọi kêu hồn nước





Trong cuốn hồi ký của Phan Bội Châu có đoạn viết về Nguyễn Thượng Hiền như sau:
“ Hoan Nghênh Cụ Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền “
Năm Đinh Vị(1907) tháng 7, vua Thành Thái bị phế, Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền tiên sinh, lúc đó đang làm quan đốc học tỉnh Nam Định, bỏ quan về nhà. Năm sau (1908) xuất dương. Tháng 3 năm Mậu Thân (1908) tôi từ Xiêm La trở về, gặp tiên sinh ở Quảng Đông, mời tiên sinh qua Nhật Bản, trước đã đánh điện cho Đồng Văn Thư Viện, dặn toàn thể học sinh, thượng tuần tháng 9, phái đại biểu đến Hoành Tân, đón tiếp tiên sinh. Tiên sinh đến Đông Kinh, liền mở học sinh hoan nghênh đại hội. Lúc bấy giờ Đông Á Đồng Văn Hội, đương làm nhà mới cho học sinh ta, khí tượng vẻ vang, mượn viện đường mới làm sở hội hoan nghênh. Tiên sinh có làm bài khai hiệu diễn thuyết, và bài ca khuyến viện học sinh bằng quốc ngữ, ước vài ngàn chữ, có câu rằng :
                                     Cơm xào thịt giặc mới ngon
                              Bát canh chan giọt máu thù mới cam
Lại có làm một bản sách “Viễn Hải Qui Hồng” và bản “Tang Hải Lệ Đàm” thảy đem ra in, gửi về trong nước. Ngày sau trong lúc Âu chiến, tiên sinh bôn tẩu khắp Xiêm La, Hương Cảng, Quảng Đông, Quảng Tây, hết sức lo khỉ quân cách mạng. Nhưng đều không được như ý, nên bẩy tám năm sau, say mùi thiền, dấn thân ở nơi cửa Phật. Người Tầu, ai ham Phật học, thảy vui lòng chơi với tiên sinh.
Ôi người như tiên sinh chẳng phải là Trịnh Sở Nam, Chu Thuấn Thủy nước ta ư! (Phan Bội Châu Niên Biểu, Sài Gòn 1971, tr. 123)
Sử chép năm 1907, Pháp truất phế vua Thành Thái và đày ra đảo Réunion (Châu Phi). Lúc đó Nguyễn Thượng Hiền không kìm được sự căm phẫn, phăng phăng đến Phủ Toàn Quyền Đông Dương ở Hà Nội chất vấn. Ông yêu cầu người Pháp khôi phục chức vụ cho vua. Nhưng dĩ nhiên việc không thành. Ông bèn bỏ việc quan, cải trang cùng với Đặng Thái Thân làm thương nhân trốn sang Trung Hoa hoạt động cách mạng.
Nguyễn Thượng Hiền sinh năm Bính Dần (1866) bút hiệu Mai Sơn, biệt hiệu Nam Chi. Biệt hiệu này cùng với Sào Nam Phan Bội Châu đều lấy từ câu cổ thi “Việt điểu sào nam chi” (Chim Việt tổ cành Nam), chính thế mà cuộc đời hai ông có liên hệ mật thiết với nhau từ khi chưa hoạt đông cách mạng.
Nguyễn Thượng Hiền gặp Phan Bội Châu ở Huế vào năm Đinh Dậu 1897. Cảm bài phú “Bái Thạch Vi Huynh” của Phan, Nguyễn Thượng Hiền kết thân bằng hữu, lại đem sách vở thơ văn trong và ngoài nước cho Phan Bội Châu xem. Đặc biệt “Tiên sinh kể những việc nghĩa dũng của ông Tăng Bạt Hổ cho tôi (Phan Bội Châu) nghe, tôi chôn sâu người ấy ở trong lòng, và cái tư tưởng phá cũi xổ lồng đến lúc đó mới manh động. (Phan Bội Châu niên Biểu,SĐD tr 24)
Xem thế đủ biết sự nghiệp cách mạng của Phan Bội Châu bắt đầu từ Nguyễn Thượng Hiền, và hỡi ơi cũng kết thúc bởi Nguyễn Thượng Hiền ! Điều này chúng tôi sẽ trình bày ở đoạn sau.
Nguyễn Thượng Hiền người làng Liên Bạt, huyện Sơn Lãng, tỉnh Hà Nội (nay là phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông) con thứ  hai cụ Nguyễn Thượng Phiên (Đậu hoàng giáp thời vua Tự Đức 1865, làm thương thư tòa nội các). Văn hay chữ tốt, Nguyễn Thượng Hiền đậu cử nhân rất trẻ (1884 – 18 tuổi). Nhưng chàng cử trẻ tuổi kia lại sớm chán công danh, bỏ nhà vào núi Na (Thanh Hóa) học Đạo. Núi Na là nơi có nhiều ẩn sĩ và đạo sĩ nổi danh từ rất xa xưa, đặc biệt vào thời Lý, Trần. Bất ngờ anh ruột qua đời, gia đình không người nối dõi, nên tìm Nguyễn Thượng Hiền về…lấy vợ! Vì đạo hiếu, chàng cử trẻ tuổi đành theo xe hoa của con gái quan phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết. Thế là từ đó công danh đeo đuổi. Đậu tiến sĩ năm 1892, Nguyễn Thượng Hiền làm đốc học Ninh Bình. Sẵn mùi Đạo, ông dán hai câu đối ở dinh đốc học:
Bích vân phương thảo cung thi liệu      (mây xanh biếc, cỏ thơm non, đầy hứng thơ)
Hoàng cúc thanh sơn xứng hoạn tình  (hoa cúc vàng,núi xanh lam,thật đáng việc làm quan)
Đại khái đời làm quan của Nguyễn Thượng Hiền rất hời hợt. Ông ham thích thơ văn phong cảnh, và ước vọng về một cõi thần tiên khác. Cuộc đời trước mặt đối với ông rất gượng ép, rất phiền toái, và rất mâu thuẫn. Ông không chấp nhận vị thế của một nước bị trị, với một triều đình cổ lỗ nhút nhát và hoen ố. Nhưng chưa làm được gì cụ thể, ông chỉ vùi mình vào văn nghệ, không muốn làm quan. Trong bài hát nói “Chơi Chùa Thày” có câu :
Nhân hướng mộng trung tranh tướng tướng
Ngã tòng bôi lý trịch kiền khôn
(người người trong mộng tranh nhau làm tướng
Mình ta bên chén rượu quăng trời đất đi )
Và câu :
Ngồi tính đốt ba mươi hai tuổi lẻ
Thấy nghiêng trời lệch bể đã bao phen
Ta thấy ông là một nhà văn nghệ có ý thức, tiềm ẩn những tư tưởng kháng chiến cách mạng. Thời của ông là một thời vừa loạn lạc vừa nơm nớp khắc khoải của nước nhược tiểu bị trị. Ông cũng như nhiều nam nữ trí thức khác, thao thức khắc khoải trước tình nhà nợ nước. Vì vậy làm quan, hay làm dân, hay làm đạo sĩ thì lòng ông cũng …ngậm ngùi !
Những cuộc gặp gỡ tri âm như cuộc gặp Phan Bội Châu năm 1897, chắc đã để lại nhiều hùng khí cho ông. Đến khi Phan Bội Châu thành lập Duy Tân Hội, sau là Việt Nam Quang phục Hội thì lòng ông chắc rất phấn khởi. Tháng 8 năm Giáp Tuất (1904) Phan Bội Châu ra bắc để từ biệt xuất dương sang Nhật Bản. Dịp này Phan Bội Châu làm bài
Xuất Dương Lưu Biệt
Sinh vi nam tử yếu vi kỳ
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di
Ư bách niên trung tu hữu ngã
Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy
Giang sơn tử hũ sinh đồ nhuế
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si
Nguyên trục trường phong đông hải khứ
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi
(Thân trai đã sống phải hơn đời
Chẳng lẽ vần xoay mặc đất  trời
Trong khoảng trăm năm còn có tớ
Lẽ nào ngăn trở lại không ai
Nước non chết chóc càng thêm nhục
Sách thánh mờ phai đọc lũ người
Đông hải quyết theo cơn gió lớn
Vẫy vùng muôn dặm sóng xa khơi)
Đào Mộng Nam dịch
Mấy năm sau (1907) Nguyễn Thượng Hiền cũng lên đường nhập cuộc với bài
Thuật Cảm
Thất mã yên trần biệt cựu lam
Quyên khu thệ báo quốc ân thâm
Bổ thiên điền hải tuy nan sự
Phá phủ trầm chu tự tráng tâm
Vạn lý chinh sam tùy nhạn độ
Tam canh hùng kiếm tác long ngâm
Hà thời thân hệ cường hồ cảnh
Qui đối giang sơn tửu mãn châm
Tả Mối Cảm Xúc
Ngựa biệt rừng xưa ngợp bụi hồng
Quyết tâm đền trả nợ non sông
Vá trời lấp biển dù gian khổ
Đạp sóng ra khơi dẫu nhọc công
Muôn dặm chinh y tung cánh nhạn
Canh khuya gươm báu thét oai rồng
Ngày nào trói được loài lang sói
Trở lại quê hương chuốc rượu nồng
(Đào Mộng Nam dịch)
Thực là những lời gan ruột khảng khái đáp nhau. Từ đấy đời ông gắn liền với Phong Trào Đông Du, cùng với Phan Bội Châu bôn ba đi Nhật về Hoa từ 1908 đến 1916
Cuộc cách mạng Trung Hoa năm Tân Hợi (1911)  đã ảnh hưởng trực tiếp tới Duy Tân Hội của Việt Nam. Tháng giêng năm Nhâm Tý (1912) Tôn Trung Sơn được cử làm lâm thời Đại Tổng Thống, Trung Hoa bắt đầu theo chế độ dân chủ. Trước tình thế mới, Duy Tân Hội cải thành Việt Nam Quang Phục Hội, lấy “tam dân chủ nghĩa” của Tôn Văn làm căn bản tư tưởng, tổ chức thành ba bộ: Tổng Vụ Bộ, Bình Nghị Bộ, và Chấp Hành Bộ. Hội trưởng là Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, phó là Tổng Lý Phan Bội Châu. Nguyễn Thượng Hiền được cử làm Bộ Viên Bình Nghị Bộ Bắc Kỳ. Khí thế Việt Nam Quang Phục Hội rất mạnh, chế quốc kỳ (đây là lần đầu tiên Việt Nam có quốc kỳ , nhưng chưa có quốc ca), phát hành quân dụng phiếu, tuyên bố cương lãnh…và tấn công Pháp bằng quân sự. Nhưng vì lực bất tòng tâm, phương tiện thiếu thốn, bao nhiêu cố gắng chỉ giết được tên tuần phủ Thái Bình là Nguyễn Duy Hàn, hai tên thiếu tá Chapuis, Montgrand… Bù lại, cách mạng bị thiệt hại rất nặng. Phan Bội Châu bị lên án tử hình. Cuộc lùng bắt VNQPH rất gắt gao.
Đến tháng giêng, tháng hai năm quý sửu (1913) đảng nhóm họp ở Quảng Đông thì chỉ còn hơn trăm người! Tình hình cách mạng Trung Hoa cũng biến chuyển khác thường, và VNQPH không còn hoạt động được. Thêm nhiều nghĩa sĩ bị tù, bị giết. Đến cuối năm đó (12-1913) thì Phan Bội Châu bị bắt cùng với cụ Mai Lão Bạng, giam ở ngục Quảng Đông.
Tháng 9 năm Ất Mão (1915) ở trong ngục, Phan Bội Châu ủy thác cho Nguyễn Thượng Hiền sang Thái Lan tiếp xúc với đại diện người Đức và người Áo. Nguyễn Thượng Hiền nhận viện trợ và nhận chỉ huy một đơn vị quân sự tấn công đồn Móng Cáy. Nghĩa quân tụ tập toan làm những cuộc tấn công biên giới để gây thanh thế. Nhưng tất cả đều thất bại vì không đủ thực lực.
Sau đó, Nguyễn Thượng Hiền bỏ đi tu ở chùa Thường Tịch Quang trên núi Cô Sơn (một thắng cảnh Hàng Châu, tỉnh Triết Giang, Trung Hoa). Ông thật sự sống hẳn với lời kinh tiếng kệ, và trăng nước thiên nhiên, không hề nói tới việc đời. Ông mất ở đó vào năm 1926, sau khi Phan Bội Châu bị Pháp bắt.
Còn về việc Phan Bội Châu bị bắt lần cuối cùng năm 1925, sở dĩ có liên quan đến Nguyễn Thượng Hiền như sau :
Ngày 11 tháng 5 năm Ất Sửu (1925) tôi gấp lên Thượng Hải, tính làm xong việc gửi bạc  đi   Bá Linh thì tức khắc xuống thuyền đi Quảng Đông. Bởi vì thuyền Thượng Hải đi Quảng Đông chỉ mất có 5 ngày. Khi tôi ở Hàng Châu có mang theo bạc Tầu 400$ tức là số bạc gửi cho ông Trần. Ai dè lúc tôi ra đi mà thời giờ hành động của tôi đã có kẻ nhất nhất mật báo với người Pháp, mà người mật báo đó chính là ở chung với tôi, nhờ tôi nuôi nấng! Việc thiên hạ đến như thế, tôi làm sao biết được. Người ấy nghe nói tên là Nguyễn Thượng Huyền. Lúc đầu nó mới đến Hàng Châu, đi một cặp với Trần Đức Quý, tôi đã lấy làm nghi, nhưng nghe nói người ấy là cháu cụ Nguyễn Thượng Hiền, gọi cụ Thượng Hiền bằng ông chú, học thông chữ Hán, đã từng đỗ cử nhân, chữ Pháp và chữ quốc ngữ cũng đủ xài. Tôi nhân yêu tài nó, lưu nó làm thư ký, còn như nó làm ma cho Pháp, tôi có nghĩ tới đâu!
12 giờ trưa ngày 11 tháng 5 âm lịch, xe lửa Hàng Châu đi đến Bắc trạm, tôi vì nóng gửi bạc cho ông Trần nên gửi đồ hành lý ở nhà chứa đồ, chỉ cách một cái ca bảng nhỏ, đi ra cửa ga thì thấy một cái xe khá lịch sự, đứng chung quanh có 4 người Tây, tôi không nhận ra được là người Pháp. Bởi vì ở Thượng Hải, người Tây nước nào cũng có, khách sang trọng biết chừng nào mà kể; đem xe hơi rước khách cũng là thông lệ của  lữ quán to. Tôi có biết đâu chiếc xe hơi này là đồ của kẻ cướp bắt cóc người đâu! Tôi mới ra khỏi cửa ga vài ba bước thấy có một người Tây hung dữ lại trước mặt tôi, dùng tiếng Quan Thoại mà nói với tôi rằng: “Trưa cơ xế hần hào, xênh xiên sâng sang xê.” Tôi đương cự rằng: “Ượ bá giảu.” Thình lình ba người Tây nữa ở sau xe ra, hết sức đẩy tôi lên xe, máy xe tức khắc vặn thì tôi đã vào tô giới Pháp! (Phan Bội Châu Niên Biểu, tr. 211 – 212).
Đó là câu chuyện mà đến khi nhắm mắt (29 tháng 10 năm 1940) mối tình đồng chí keo sơn giữa Phan Bội Châu và Nguyễn Thượng Hiền vẫn còn chút sương mù. Nguyên bấy giờ (1925) Nga Sô muốn đem chủ nghĩa Cộng Sản vào Á Đông nên đặc biệt cử một phái đoàn sang Quảng Châu làm cố vấn cho chính phủ miền Nam Trung Hoa. Phái đoàn gồn Borodine, Galen tức Blucher, và Lý Thụy (tức Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chi Minh). Hồ bèn tìm ngay đến trụ sở Phan Bội Châu , và trình bày cái gọi là “Toàn thế giới nhược tiểu dân tộc liên hiệp hội”. Hội này có tham vọng lãnh đạo và xúi giục các nước nhỏ đang bị đô hộ như Việt Nam, chống lại đế quốc thực dân và tư bản, giành lại độc lập. Hồ đề nghị VNQPH nên gia nhập và đổi tên là “ Toàn thế giới nhược tiểu dân tộc, Á Đông bộ, Việt Nam chi phân bộ.” Có nghĩa là đảng Việt Nam nằm trong hệ thống chính trị đấu tranh giải phóng của quốc tế, đặc biệt là Á Đông.
Phan Bội Châu không những bằng lòng, còn đi tìm các đồng chí cũ về, như Nguyễn Thượng Hiền đang lánh tu ở Hàng Châu. Nhưng lúc Phan Bội Châu vắng mặt thì ở nhà (Quảng Châu), Hồ Chí Minh và Lâm Đức Thụ âm mưu triệu tập một buổi họp không có Nguyễn Hải Thần, để tìm cach bán Phan Bội Châu cho Pháp. Họ lấy cớ là cần tiền hoạt động, mà cụ Phan đã già, chết cũng không sao, có khi chưa chắc bị xử chết. Dĩ nhiên tất cả đều là sự sắp đặt của Hồ Chí Minh. Y mua chuộc được hội nghị để có danh hành động. Vừa bán được Phan Bội Châu lấy tiền, vừa được tiếng là “hoàn tất công tác của 2 đảng một cách tốt đẹp”. Y bèn phái Nguyễn Thượng Huyền là cháu Nguyễn Thượng Hiền (để cụ Phan tin) bam sát Phan Bội Châu, báo cáo mọi hành động của cụ. Thật là một thâm kế. Đến nay cả Hồ Chí Minh cũng đã chết. Nhưng chắc gặp hai cụ Nguyễn, Phan dưới suối vàng, chắc y chỉ cúi đầu lẩn trốn. Hoặc y sẽ cười giã lã. Hoặc y sẽ làm mặt lạnh phớt lờ. Chỉ có hai nhà cách mạng lão thành kia tủm tỉm cười với nhau. Hoặc là đưa mắt nhìn nhau, rồi lại nhìn về non nước Việt Nam mà lặng lẽ không nói một điều gì nữa.
Nguyễn Thượng Hiền để lại nhiều tác phẩm, nhiều bài thơ rải rác, trong đó có cuốn “Nam Chi Thi Tập”. Dân gian rất truyền tụng bài phú:”Bài Phú Cải Lương Hồi Nước Ta Mới Duy Tân” Bài phú này đặc biệt đã xử dụng hàng trăm câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao từ dân gian ghép lại. Sau có in trong  Văn Đàn Bảo Giám do Trần Trung Viên và Hư Chu biên tập,  nhà Mặc Lâm xuất bản.
Khi ở Quảng Đông, được tin vợ mất, Nguyễn Thượng Hiền làm bài
Điếu Nội
Ngưỡng quan thiên, thiên dĩ vân ê tứ sắc, phủ quan địa, địa dĩ kinh cức hoành sinh, bão tuyết xan sương, gian quan thiên lý ngoại, thương hải vị năng điền, thệ ngã tráng tâm, khởi phục gia hương oanh lữ mộng.
Thiếu tùng phụ, phụ dĩ quân sự xuất bôn, trưởng tùng phu, phu dĩ quốc nạn tha thích, hàm tân nhữ khổ, chung thủy sổ thập niên, bạch đầu ưng cách thậm, đa quân tảo giác, tiên tương cân trất đoạn sầu căn
(Trông lên trời, trời đã bốn bề mây bủa, cúi nhìn đất, đất đã gai góc tràn lan, uống tuyết ăn sương, gian lao ngàn vạn dặm, bể thẳm còn chưa lấp, nước non trót nặng lời thề, lẽ để hồn quê vương vấn mộng.
Trẻ theo cha, cha vì việc vua ra đi, lớn theo chồng, chồng vì việc nước xa lánh, nuốt cay ngậm đắng, sau trước mấy mươi năm, đầu bạc hẳn càng buồn, duyên nợ khen ai khéo tính, trước đem gương lược cắt giây sầu.) Đặng Thai Mai dịch.
Bài Điếu Nội có nhiều bản chép khác, như bản của cụ Hồng Liên Lê Xuân Giáo đăng ở Việt Nam Khảo Cổ Tập San số 6, Sài Gòn 1970. Nhưng bản của Đặng Thai Mai sưu tầm đầy đủ và hay hơn cả.
Bài “Ký Quốc Nội Đồng Chí” là một bài gan ruột của nhà cách mạng Nguyễn Thượng Hiền đã được lưu truyền sâu rộng trong giới sĩ phu bấy giờ. Nguyên văn:
Nhiệt huyết mãn hung ức
Bi ca thế nan thu
Hành đăng hải ngoại sơn
Dẫn Lĩnh vọng Viêm châu
Dao tri trần ai tế
Bất phạp anh tuấn lưu
Phấn lực khuông Hán tộ
Thi tâm báo Hán cừu
Phong lôi minh tráng trí
Thần quỉ vận âm mưu
Tư nhân phách lực đại
Năng tẩy sơn hà tu
Thiều dao bất đắc kiến
Sử ngã tâm phiền ưu
An đắc tháp lưỡng dực
Lăng phong tầm cựu du
Luân tâm cộng nhất thất
Lập sự kỳ thiên thu
Ngã bang linh tú vực
Nhân vật đa thù vưu
Lam sơn dữ Đằng thủy
Tiền liệt do bính vưu
Ta tai ngã đồng bào
Xử thế đương tự do
An năng khốn ky ách
Cục xúc đồng mã ngưu
Nam nhi thất xích thân
Vị quốc hoài tráng du
Tử vi Đặng tướng quân
Sinh vi Tế Văn Hầu
Lê chưng xuất thủy hỏa
Ngô nguyện phương thiểu thù
Minh công tại hà xứ
Viên Tản thiên phong đầu

Đào Mộng Nam đã diễn ngâm như sau:
Gởi Đồng Chí Trong Nước
Trái tim hồng sục sôi máu đỏ
Buồn hát vang lệ đổ tơi bời
Trèo lên đỉnh núi trông vời
Nước non cách trở dặm khơi mịt mùng
Quê hương ấy ta từng thấu tỏ
Trai anh hùng nào có thiếu chi
Ngày đêm ra sức giúp vì
Diệt thù dựng nước cứu nguy đồng bào
Chí dọc ngang sấm gào gió thét
Mưu quỉ thần quét sạch sài lang
Nung gan luyện chí sẵn sang
Sao cho non nước rỡ ràng mới cam 
Chốn xa xôi mắt làm sao ngó
Mảnh hồn ta vò võ năm canh
Ước gì mọc cánh bay nhanh
Vượt ngàn sóng gió để mình có nhau
Dưới mái tranh chung đầu tính kế
Nghiệp lớn xây hậu thế lẫy lừng
Nước ta là đất anh hùng
Hàng hàng lớp lớp cây rừng chen chân
Bạch Đằng giang Lam Sơn chói lọi
Vinh quang xưa còn rọi ngàn sau
Than ơi dân Việt khổ đau
Kiếp người thân ngựa phận trâu sao đành
Lẽ nào chịu khom mình tuân phục
Chịu nhọc nhằn tủi nhục sao đang
Thân trai bảy thước ngang tàng
Hãy vì tổ quốc hiên ngang quên mình
Hịch Nguyễn Trãi uy linh tạc dạ
Thơ Đặng Dung chí cả làm lòng
Giúp dân thoát cảnh cùm gông
Để ta trả sạch núi sông nợ nần
Công lao ấy chẳng cần ghi nhớ
Vẫn  ngàn năm rực rỡ Ba Vì.

Đặc biệt bài Chiêu Quốc Hồn được truyền tụng nhiều nhất. Bài này Nguyễn Thượng Hiền làm trong những giây phút bừng bừng khí thế cách mạng. Khi lên án bọn phản dân bán nước, hoặc những kẻ luồn nịnh, những hạng sâu mọt… lời ông như tiếng sư tử hống. Không thể tha thứ được bọn ấy, cũng như không thể không ngợi ca khích lệ những bậc nghĩa sĩ anh hùng. Tiếng lòng ông, cũng như tiếng lòng của  NGUYỄN CAO: TỰ PHẬN CA,  như tiếng lòng của bao nhà chiến sĩ tiên phong cách mạng Việt Nam, đã tô thắm tờ văn sử.
Bài Chiêu Quốc Hồn chúng tôi dựa vào bản đã sửa chữa của cụ Hồng Liên Lê Giáo như sau :
CHIÊU QUỐC HỒN
Việt Nam quốc nhân Nguyễn Thượng Hiền cẩn dĩ nhất phiến đan tâm, mãn thiên huyết hận, chiêu ngã Việt Nam quốc hồn nhi cáo chi viết:
Ô hô! Quốc chi lưỡng gian, đại tiểu tuy thù
Mạc bất hữu kỳ quốc hồn, nhi ngã độc vô ?
Phỉ ngã quốc chi vô hồn, nhân tính thực ngu
Duy lợi thị thị, duy danh thị xu
Dĩ xiểm du vi đắc sách, thị trung nghĩa vi úy đồ
Bất tri bang quốc điển diệt chi khả thống, đản tri thân gia phì noãn chi kham ngu
Đương quốc cừu chi nhiễu bại, thực hữu cơ chi khả đồ
Hợp ngô quần khả dĩ phục Sở, phấn ngô lực khả dĩ chiêu Ngô
Nhi nãi hôn hôn mặc mặc, triêu điềm mộ du
Mị địch giả dĩ vạn kề, ứng nghĩa giả vô nhất phu
Ai hỉ tai, cử quốc dai bất tri miễn sỉ, hà quái bỉ súc chi như khuyên trung đồn, nhi thác chi nhược viên hạ câu             
Ô hô! Quốc do tại thị, hồn tắc yên tồ ?
Ngã kim đăng cao, phát thanh dĩ hô :
Tây cống chi vực, Đông kinh chi khu
Hoan Ái chi điện, Hương Bình chi đô
Khởi vô nhất nhị nghĩa sĩ, niệm quốc nạn chi khuông phù ?
Khởi vô nhất nhị di dân, khích nghĩa niệm dĩ trì khu ?
Ư dĩ tuyết chủng tộc chi sĩ, ư dĩ tẩy sơn hà chi ô
Ô hô! Hồn như khả tri, hạp qui lai hồ?
Anh phong kinh khí, phản kỳ chân ngô
Vật trầm luân ư nô giới, ô thử phát phu
Vật bái khể ư lỗ đình, nhục thử đầu lư
Qui tai! Qui tai! Niệm nhị Tiên Tổ, nhược Lê Thuận Thiên đế chi phá địch, nhược Trần Hưng Đạo vương chi cầm Hồ
Qui tai! Qui tai! Thị nhị lân cảnh, nhược Trung Hoa chi chấn hưng ư Vũ vực, nhược Nhật Bản chi xưng hung ư hải ngung
Thiên nhân vạn nhân, các tề nãi tâm, nhất nãi lực, khiến nãi tích, hoằng nãi mô
Sử thế giới chi nhân dai quát mục nhi viết:
Bỉ Việt Nam giả kim dĩ năng phấn nhiên độc lập, bất cam vi Pháp Lan Tây nhân vĩnh thế chi nô
Ô hô! Đồng bào! Ngã nguyện tứ thiên niên minh linh chi quốc hồn, lại nhĩ tráng chí chi xuy hư, hoác nhiên tại tô
Bất tuẫn bỉ nhất ban trư tâm cẩu phế, nô nhan tì tất dĩ câu tồ.

Áng văn chương trác tuyệt này đã được diễn dịch bởi nhiều bậc thâm nho ái quốc. Chúng tôi mạo muội diễn ngâm :
LỜI GỌI KÊU HỒN NƯỚC

Người dân Việt Nam là Nguyễn Thượng Hiền, với một tấm lòng son, đầy trời máu hận vong quốc, xin thành khẩn kêu gọi hồn thiêng sông núi Việt Nam, và kính trình như sau:
Ôi các nước ở trong trời đất
Dù nhỏ to chẳng mất quốc hồn
Lẽ đâu riêng nước Việt mình
Hồn thiêng sông núi vô tình hay sao?
Nhưng hồn nước ôi chao vẫn đó
Chỉ tại ta nghèo khó tham lam
Lợi thì tít mắt làm càn
Nghe danh là bám như đàn nhặng xanh
Việc nịnh nọt ra danh ra giá
Chuyện quốc gia quấy quá trốn xa
Hết lo thân tới lo nhà
Hỡi ơi nước mất mới là đớn đau!

Bọn quốc thù nay đang khốn bại
Chính là cơ nghĩ lại cho tròn
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
Nghĩa lý ấy người nào cũng biết
Tại sao còn mù điếc ham vui
Bám đuôi nịnh hót quân thù
Chẳng ai theo đuổi con đường quốc gia
Chua xót thay nước nhà bị nhục
Toàn dân như trâu ngựa heo gà
Nước đây hồn ở đâu đâu
Đứng lên ta gọi một bầu máu tươi :
Hỡi ba miền này Trung Nam Bắc
Huế Sài Gòn Hà Nội thân thương
Há không nam nữ lên đường
Cùng nhau cứu quốc hết lòng được sao ?
Trước là để rửa hờn sông núi
Sau làm cho nòi giống vinh quang
Hồn có biết hãy vang suốt cõi
Khí hùng xưa dõi dõi hồn a !
Hồn về gột sạch tóc da
Không còn cúi mặt người ta chê cười
Hồn hãy về hồn ơi hồn hỡi !
Tổ tiên ta rạng rỡ anh hùng
Lam Sơn kháng chiến vẫy vùng
Đức Trần Hưng Đạo lẫy lừng chống Nguyên
Hãy trở về hồn ơi hồn hỡi !
Thử ngoái xem mắc cở láng giềng
Trung Hoa cách mạng ba miền
Phù Tang ngạo nghễ xưng hiền biển đông

Chữ đồng tâm vạn người như một
Hãy cùng nhau lột xác đứng lên
Hãy cho thế giới biết rằng :
Việt Nam độc lập quét bằng thực dân
Hỡi đồng bào ruột gan thân quí
Bốn ngàn năm hồn nước thiêng liêng
Về đây hùng khí ngập trời
Như luồng gió mới xây đời tự do

Còn những bọn lòng heo dạ chó
Cùng những phường đón gió săn hơi
Suốt đời thân phận tôi đòi
Chết cùng chết quẩn như giòi bọ thôi .

tường vũ anh thy, san jose 11/1988