điêu khắc

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Cao Bá Quát: tiếng hú dài cõi mộng

tiếp theo bài

Cao Bá Quát: Tiếng Hát Tâm Không






Tiếng hát tâm không ấy vĩnh viễn lan trong không gian cô tịch, giữa một buổi chiều xuân xứ Huế, hình như đã nhập vào những đôi môi đôi mắt trọ trẹ Thừa Thiên, khiến thiên nhiên thành cõi mộng. Cõi mộng nào cũng có trăng. Trăng như con ngươi mở lớn. Trong trăng có mộng, và trong mộng có trăng. Trăng cũng là mộng. Mộng là trăng. Người đi vào cõi mộng là người đi vào cõi trăng. Khi tỉnh ra rồi thì không biết người là trăng hay trăng chính là người.
Con đường của Trang đi là con đường của cõi mộng. Trang mở mộng bằng đôi cánh chim Bằng, lướt theo gió lớn. Trang trở về bằng đôi cánh bướm mùa xuân (bướm trắng Nhất Linh) nương theo gió nhẹ.
Xưa Trang chiêm bao thấy mình là bướm, vui phận làm bướm, tự thấy thích chí, không còn biết có Trang nữa. Chợt tỉnh giấc, thì lại thấy mình là Trang. Không biết Trang chiêm bao là bướm, hay bướn chiêm bao là Trang ?
Đó là tâm trạng và tâm thức của những tâm hồn đã hoàn toàn vui trong cõi mộng và ấm trong cõi đời. Cao Bá Quát cũng có niềm vui ấy, và nỗi ấm ấy. Nhưng rốt cuộc ông vẫn một mình bươn bả ở ngoài trăng. Ông vẫn mãi mãi là nỗi-thao-thức-không-rời về thân phận con người trong lưới đời giăng mắc. Ông vẫn mãi là chính ông ngay trong đáy mộng. Không có cách gì hóa bướm. Nơi trại giam đã hai lần đổi chỗ, ông đã thấy mười cuộc trăng tròn – mười giấc mộng trôi xa. Mắt ông mở lớn cho bằng với mắt trăng. Trăng khi nào cũng sáng, cũng vằng vặc như bao mùa trăng cũ…Mắt nhìn trăng trừng trừng như định mạng. Chân ông chôn kín một góc trời. Bây giờ ông nhận ra một điều hết sức kinh hãi là ở tù lâu quá đâm quen cả với không gian tù. Chỉ còn trăng là tiếng gọi duy nhất ngoài thế giới xa kia. Và chỉ có cánh chim Bằng của Trang mới đưa được ông tới đó. Ông mượn hay giựt đại cánh chim Bằng của Trang để hối hả bay đi. Ông không biến thành chim, thành Trang hay thành bướm. Ông vẫn là ông. Và ông bay đi không phải để nghêu ngao vui thú, mà để trắc nghiệm, tìm thăm một tiền kiếp xa xăm của chính mình. Nơi vầng trăng ngọt là một rừng quế. Vì thế cung trăng còn gọi là cung quế. Trăng muôn đời thơm mùi cây quế. Hay quế của muôn đời thơm đẫm mùi trăng? Hỡi ơi nơi cõi mộng đầy quế thơm lại là nơi đày đọa một người. Người ấy họ Ngô, họ Vũ, hay họ Cao? Thưa đó là người đi tu tiên vào thời Hán, thời Hùng, thời Đinh Lê Lý Trần? Đã thành tiên mà còn mắc tội để đến nỗi bị đày! Tội lỗi là gì vậy? Tại sao lại bắt ông ta đi chặt quế ? Hỡi ơi quế là loài linh mộc, da thơm và cay nồng như màu mắt Thừa Thiên, không một loại dao kiếm nào có thể chặt được. Chặt đến đâu, da quế liền lại đến đó. Đã không muốn chặt, và chặt cũng không được, thì suốt đời chịu đóng đanh trong rừng quế mà thôi! Ôi té ra bị đày vào rừng quế cũng còn là một công án ? Ông tiên họ Ngô bước ra từ cây quế, hay từ cây quế bước ra, đon đả  kéo tay ta đến bên một cây quế thì thầm. Ôi mùi quế lẫy lừng làm ta bối rối hoang mang, tim đập thình thình. Hình như ông nói miên man mơ hồ về kiếp trước của ta ? Hình như ta với trăng là một đôi tình nhân kỳ lạ? Lời ông nhỏ quá, nghe vo ve văng vẳng như tiếng ong trong rừng vắng. Ta làm sao nhớ được. Quế vẫn ngạt ngào, trăng vẫn long lanh. Ta không chịu nổi. Ta khoa tay từ giã – ta bàng hoàng chia tay. Khắp châu thân đầy rẫy mùi quế. Nội phủ căng phồng, tứ chi mãn túc. Hốt nhiên ta bật ra tiếng hú – tiếng hú dài theo ngọn gió nam sà xuống Thừa Thiên. Tiêng hú dài liên miên vang vọng khắp phương trời chiêm bao trùng trùng điệp điệp.
Tiếng hú dài cõi mộng. Mộng ở Thừa Thiên hay mộng nơi cung quế? Các bạn ta ơi! Bây giờ là rằm tháng sáu. Trăng tháng sáu tròn hơn trăng tháng năm? Trăng tháng năm tròn hơn trăng tháng tư? Ta một mình nâng rượu mời trăng, nâng rượu hỏi trời. Ôi có phải trời đất bất nhân coi mọi loài như loài chó rơm? (thiên địa bất nhân dĩ vạn vật vi sô cẩu – đạo đức kinh) Ôi có phải hạt cơm thì trắng, hạt nước mắt thì đen? “các bạn ta ơi bao giờ được thả? Đến bao giờ ăn được bát cơm ngon?”(lời nhạc Nam Lộc). Trời đất mênh mang làm sao ta hỏi. Thôi thì bắt chước người xưa làm thơ con cóc. Con cóc là cậu ông trời…ai mà đánh nó, nó bèn …làm thơ…Làm thơ hỏỉ cháu trời cao: tại sao thi sĩ lại đi ở tù?

LỤC NGUYỆT THẬP NGŨ DẠ NGUYỆT
HẠ TÁC PHỤNG KÝ CHƯ CỐ NHÂN


Cơ lưu lưỡng thiên thứ
Thập kiến hải nguyệt viên
Nguyệt cận bất cải sắc
Khách cư hành dĩ biền
Ngã dục sáp song thí
Phi bộ lăng tử yên
Lộ phùng Ngô tiên nhân*
Ấp ngã quế thụ biên
Tương kiến vị khoản khúc
Tự thoại dư sinh tiền
Ngữ tế liễu bất ký
Huy thủ nam phong điên
Quy lai nhất trường khiếu
Bả tửu dục vấn thiên
Thiên cao bất khả vấn
Thả phú tù sơn thiên**

TRĂNG RẰM THÁNG SÁU
GỬI CÁC BẠN TA ƠI !

Phòng giam đã hai lần di chuyển
Mười con trăng trên biển mù xa
Trăng nay vẫn sáng như là
Người nay bỗng phải quen nhà tù lao
Có lúc muốn chấp chao đôi cánh
Lên chin tầng mây tía lô nhô
Chợt ông tiên cũ họ Ngô
Ở bên cây quế kéo vô vái chào
Gặp nhau những nghẹn ngào đón tiếp
Kể huyên thuyên duyên kiếp trước sau
Thì thào không thể nhớ ngay
Sà theo ngọn gió khoa tay giã từ
Về thế giới hú dài một tiếng
Nâng rượu lên hỏi chú trời cao
Trời cao hỏi được đâu nào
Làm thơ con cóc ra vào ta ngâm

* trong bài Thiên Cư Đối Nguyệt, Cao Bá Quát cũng nhắc đến ông tiên này:” dục bằng Ngô Chất phủ, chiết quế hợp đơn thành” nghĩa là ta muốn mượn cái búa của Ngô Chất để đẽo cho được nhành quế. Ngô Chất là người thời Tam Quốc, tự là Quý Trọng, cũng gọi là Ngô Cương, có tài thông bác, các bậc quyền chức đương thời đều kính nể. Sau đi tu tiên. Đồn là thành tiên nhưng phạm lỗi thiên đình bắt phải đi chặt quế !
** Tù Sơn là tên một bài phú của Liễu Tôn Nguyên đời Đường. Chúng tôi không dịch nghĩa mà chỉ lấy ý cho trọn nhịp hứng của bài thơ.
(trích Tường Vũ Anh Thy - Cao Bá Quát Giữa Hồn Thiêng Sông Núi - Ức Trai xuất bản 1985)







Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

mùi rượu thơm

buổi sáng rất vắng
những lá nho trổ xuân trong nắng
lắng nghe tiếng rượu gọi 
hãy cùng thả trôi đời
nô với mây chân đất


và buổi trưa im
rượu ngủ dưới đáy thùng
trên hết tất cả là không cùng


đến đêm nằm bên cát nghe mưa thở nghe mưa hát nghe mưa thủ thỉ nghe mưa khóc mới thấy nhớ kiếp trước mở cửa đi mãi vào hoang vu với cõi lòng nặng trĩu vì vướng mắc vào một  hạt cát ướt mà hạt cát ấy trôi buôn buốt tuốt luốt ở mãi đâu đâu
suốt đêm mùi rượu thơm như mùi cơm đang chín tới như mùi nắng nho vừa khô còn đọng bên mép cằm ù ơ hàm răng trắng như mùi mằn mặn đăng đắng của mồ hôi
suốt đêm
suốt đêm
mùi rượu thơm






tường vũ anh thy

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

lá II



LỜI DẪN: tôi nghe được chuyện này: có một ông già Việt Nam xuất hiện trong một quán đông. Trông ông khỏe mạnh tươi tắn, ăn nói rất nhiệt tình và quyến rũ. Hỏi ra mới biết ông là một người tù vừa được tha. Ông đã ở tù 17 năm. Và suốt 17 năm, hoàn toàn sống trong bóng tối. Ông không hề được nhìn thấy ánh sáng của bầu trời. Hỏi: 17 năm trời ấy, ông nhớ, nghĩ và mơ ước gì? Đáp: Nhiều nhất là màu xanh của lá, tiếng trẻ thơ , và ánh nắng vàng.
Chuyện do một người bạn (ở Mỹ) về Sài Gòn tình cờ gặp ông, kể lại. Tôi chỉ là kẻ nghe hóng. Nhưng tai tôi vẫn nóng lên. Tôi nghĩ đến chiếc lá 17 triệu năm nằm hiu quạnh dưới đáy hồ ở Idaho. Nghĩ đến những người tù nổi tiếng như Nelson Mandela, vô danh như ông già Việt Nam nọ, hay như bao nhiêu người tù bất hạnh, biết đâu đang hiu hẩm ở châu Á, châu Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Úc…Dostoievsky trong cuốn “Anh em nhà Karamazov” cũng nói đến niềm ước ao của một người sống trong bóng tối thèm khát màu xanh của lá.
Tôi làm bài “Lá II” để tặng những người tù còn sống hay đã chết, và nguyện cầu cho thế giới chiến tranh này sớm chấm dứt.


có một người đàn ông trong tù
suốt 17 năm không nhìn thấy lá
và có một chiếc lá dưới đáy hồ
suốt 17 triệu năm không thấy mặt người

ở trong tù
người đàn ông cười vẫn một mình
hai hàm răng không tăng không giảm ?
ông gối đầu lên những giấc mơ
mơ về một chiếc lá xanh xanh lá
tiếng trẻ thơ và đóa nắng vàng

dưới đáy hồ
chiếc lá quạnh hiu xanh

mười bảy năm qua
mười bảy triệu năm qua
nắng vẫn rơi vàng thế giới
mà không tới ông tù
không tới đáy hồ sâu
dù nhà tù ở Việt Nam
hay đáy hồ sâu ở châu Mỹ

suốt 6205 đêm, không có ngày
người tù nghe ngóng
tưởng như khắp không gian
có những chiếc lá xanh
và ánh nắng vàng
sẽ nở thành hoa đốm
giữa bày trẻ thơ

ông áp tai xuống đất
tưởng đến một chiếc lá rơi
sẽ vô cùng tê tái
ông gõ tay vào đất
chuyển nhịp tim ông đến lá bên ngoài
bên ngoài loài người vẫn đánh nhau
khi nóng khi lạnh đều tàn nhẫn
người tù cố giữ hai lá phổi
một lá tim và một lá gan
trong ngục tù tăm tối
xối mòn mỏi xương da
ông khẽ ca
một bài xanh của lá

suốt 6205 triệu đêm, kể cả ngày
dưới đáy hồ châu Mỹ
chiếc lá nằm
chờ
tịch mịch

bây giờ hai lá phổi Việt Nam thiếu nắng
bên lá lách Trung Hoa
bên lá gan Nga đều rất đắng
tôi lo lắng
với những người ở trong bóng tối
cùng nguyện cầu cho trái đất này
đến được những giấc mơ
mơ về một cõi xanh xanh lá
tiếng trẻ thơ và đốm nắng vàng

tường vũ anh thy 10-1990
xem lại bài


Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Cao Bá Quát: thiên địa nhất thi tù



Ngày tháng trong tù trôi rất chậm – chậm đến độ người tù có cảm tưởng mình cầm được thời gian. Bởi vì thời gian thì rất gần, kề sát một bên, đè lên đầu tóc mắt môi, thấm vào xương máu. Nhưng không gian lại rất xa – xa đến độ người tù có cảm tưởng mình không ở trên đời. Bởi vì ánh nắng ngoài cửa, trong khe, tuy nhìn thấy mà không với bắt được. Đêm trăng càng như xa lắm. Cả một giải trăng ngoài kia không nói làm gì, đến như vạt trăng rất gần ngoài cửa sổ, người tù cũng không được đụng đến. Hỡi ơi mưa càng đứt ruột. Con nước dâng nửa đêm về sáng. Gió chớm mùa đông thổi vì vèo như đuổi mùa thu đi. Cái không gian xa quá là xa kia, và cái thời gian quá gần này đã làm mỏi mòn võng mô. Màng mắt người tù không đủ nước, phải sước ra, vừa xót vừa đau. Phải chăng đây mới thật là mỏi mòn con mắt phương trời đăm đăm. Người ta hay dung chữ “lệ đá”. Nghe thì đẹp mà có diễn tả được điều gì. Cao Bá Quát ở tù mới cảm nhận được thế nào là thời gian dũa mòn con mắt, thế nào là nước mắt khô, nước mắt sống; thế nào là máu mắt, thế nào là bệnh nhãn. Không phải chỉ có bệnh nhãn mà thôi, bệnh đủ thứ trên xác thân và trong nội tạng. Chỉ có trái tim là vẫn tràn máu, và chỉ còn máu để đổ vào thơ. Ôi trời đất mênh mang nhốt một người tù cặm cụi làm thơ. Hay chỉ còn thơ của người tù vẫn lồng lộng giữa đất trời cô quạnh u ám
Ngày ngày nhìn thanh kiếm. Người lặng thinh, kiếm cũng lặng thinh. Trong sự lặng thinh có quá nhiều âm vọng. Tâm sự Cao Bá Quát dằng dặc không khác tâm sự Nguyễn Du. Trong bài Tạp Ngâm, Nguyễn Du viết:
Lưu lạc tráng tâm hư đoản kiếm
Tiêu điều lữ muộn đối thời ca
( Thời ca càng bước càng sầu
Tráng tâm u uất như màu kiếm hoen)
Phải chăng tâm sự của những tay tráng sĩ tài hoa giữa đất trời lưu lạc vẫn là nỗi cay đắng thiết tha với cõi người ta, vẫn là niềm băn khoăn khơi mở cuộc trùng sinh lịch sử ?
Có đêm buồn quá, Cao Bá Quát rọi đèn lần xem tấm áo bông. Tấm áo vợ ông gửi vào từ năm ngoái, có lẽ chính tay bà đã may? Tấm áo bây giờ còn mới hay đã cũ? Ông sờ lần từng đường chỉ mũi kim? Ông lật trong lật ngoài? Nó chỉ là tấm áo bông. Nó ấp ủ thân hình ông những đêm mùa đông xứ Huế. Ôi còn hình ảnh bi tráng nào bằng hình ảnh một trang tráng sĩ chống kiếm rọi đèn sờ lần tấm áo bông cũ trong góc nhà giam! Hốt nhiên ông muốn bật tiếng hú cho vang vọng đất trời. Nhưng ông nín lại. Chỉ có máu đang chảy cuồng nộ trong tâm. Và chỉ có gió đêm se thắt ngoài song ngục. Ông viết: giận vì tâm lực vẫn tràn đầy, mà bị nhốt nằm một chỗ, buồn không chịu được.
Đó cũng là một tiếng hú dài trong bài thơ sau:

ĐỘC DẠ CẢM HOÀI

Tân trướng sinh tàn dạ
Sơ hàn tống miểu thu
Tuế thời song bệnh nhãn
Thiên địa nhất thi tù
Ỷ chẩm khan trường kiếm
Hô đăng kiểm tệ cừu
Cưỡng liên tâm lực tại
Cơ ngọa bất câm sầu

TÂM SỰ TRONG ĐÊM

Con nước ngập nửa đêm về sáng
Gió mùa đông thổi lá tàn thu
Thời gian cứa mắt sưng vù
Đất trời cô quạnh người tù làm thơ
Ngồi câm lặng trơ vơ thanh kiếm
Đốt đèn lên xem áo bông xưa
Giận vì tâm lực vẫn thừa
Mà giam một chỗ, xin thưa: muốn cuồng

tường vũ anh thy 1982
(trích trong Cao Bá Quát Giữa Hồn Thiêng Sông Núi - Ức Trai xuất bản 1985)


Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

gà ra ràng



con gà cục tác kìa anh
em còn thái chỉ lá chanh củ gừng
lá chanh non nõn ngập ngừng
củ gừng mới mọc ven rừng chiêm bao
mướp hương xào với lòng đào
đôi chân đôi cánh đôi nào đôi ta 
đắp chung tỏi muối tiêu hành


tường vũ anh thy




xem lại  

thơ xó bếp

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

giấc mơ quê



rau muốn(g) xanh em ngồi (ch)trẻ nhỏ
diêu dở dang cà chua đỏ khế vàng
ước gì anh lấy được nàng
tía tô kinh giới tập tàng nấu canh


tường vũ anh thy

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

cá tôm buồn

cá (khóc) lóc đòi chiên vàng hai mặt
đòi gừng cay muối mặn để quên nhau
con tôm ấy lấy chỉ đen rồi đấy
em đi rồi tôm chẳng hồng lên

tường vũ anh thy

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

cơm nhà quê



rau bí đỏ tước xơ xào tỏi
canh mồng tơi hương mướp rau đay
pháo cà tôm mắm ớt cay
rộn ràng như thể thóc xay đầu mùa

tường vũ anh thy

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

hột vịt lộn


lộn vịt hột với rau răm
lộn ngực nịt với khuân qùy
cuống cà kê rắc hơi nhiều muối tiêu


tường vũ anh thy

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

CHỬ ĐỒNG TỬ : Vô Lượng Thọ Phần II


TỪ CÁI KHỐ ĐẾN BÀI HỌC THIÊN NHIÊN



            Có một chi tiết trong “Ngày của Trái Đất” là người ta kêu gọi bớt dùng đồ nylon, đặc biệt cái tã nylon (diaper). Hợp chất chế tạo tã nylon có công dụng không thấm nước, không mục rữa. Tã nylon rất tiện lợi cho … người lớn, nhưng rất bất lợi cho trẻ em và …trái đất ! Lý do: trẻ em nhiều lúc phải chịu đựng cái bọc bế tắc đầy phân và nước tiểu. Xác tã nylon thải ra mỗi ngày hàng triệu cái, trái đất không tiêu thụ nổi vì nó lâu mục rữa quá: hàng trăn năm !
            Những lý do người ta nêu ra đó, thiếu một điều quan trọng: bài học thiên nhiên về tình người . Bài học này cũng là phương pháp giáo dục truyền thống.
            Con người sinh ra, chịu ảnh hưởng huyết thống, địa lý, lịch sử, văn hóa…Sự ảnh hưởng đó tự nhiên, như …thiên nhiên . Đứa bé nhận và hưởng “công ơn bú mớm” của cha mẹ như một điều kiện sống. Càng nhận nhiều bao nhiêu, đứa bé càng thâm cảm bấy nhiêu. Cả sự cho và sự nhận đều rất tự nhiên, trong sáng, và đầy ân tình. Ở đây không có lý trí kể lể, không có tư doanh hay quốc doanh… Bởi vì cha mẹ cung cấp cho con cái những nhu cầu kinh tế, lao động, dù nhiều bao nhiêu cũng là nhỏ so với … một tấm lòng. Tấm lòng ấy thể hiện ngay trong việc … thay tã. Vì là tã vải, ướt một tí cũng phải thay. Tất nhiên cha mẹ rất vất vả, nhất là gặp thời kỳ con nhỏ có bệnh. Nhưng bù lại, đứa bé cảm nhận được tấm lòng ấy, để sau này nó biết ăn ở phải đạo làm người . Sự kiện thay tã (sau này là nhường khố ) là cái vòng nhân duyên từ ái như một bài học tự nhiên. Chính nhờ đó mà em bé Gióng vụt lớn thành Phù Đổng Thiên Vương giúp nước , đánh giặc. Chính nhờ đó mà Chử Đồng Tử và các trẻ em Việt Nam biết nhường cơm xẻ áo với người .
            Dùng tã nylon (diaper) là sự “ ăn bớt” công ơn bú mớm của trẻ em. Từ sự “ăn bớt” ấy, đứa trẻ cũng sẽ “ăn bớt” với đời sống sau này. Dĩ nhiên, tã và khố ở đây chỉ là chi tiết, biểu tượng về một hành động “nuôi dưỡng”, một sự giáo dục truyền thống, có tính cách thiên nhiên [1]
            Trên đây ta mới bàn về chuyện người , còn chuyện đất ? Xin thưa, quả đúng như báo cáo khoa học: trái đất không tiêu thụ nổi xác tã nylon, cũng như nhiều đồ phế thải “hóa học” khác. Trái đất sẽ mất đi biết bao nhiêu khả năng “nuôi dưỡng” con người . Ở đông phương, người ta có khoa địa lý, tìm đất để táng mộ. “ Để thử đất huyệt táng tốt hay xấu, họ dùng chỉ ngũ sắc chôn xuống đất độ vài năm rồi đào lên xem. Hễ đất tốt thì sắc chỉ không phai, đất xấu thì sắc chỉ biếm màu hết. Họ cũng lấy đồ đựng nước , bỏ cá con vào nuôi, rồi chôn xuống đất vài năm. Hễ cá sống là đất tốt, cá chết là đất xấu. Vì vậy xem cây cỏ tươi hay héo cũng biết được đất tốt hay xấu “ [2]. Người Việt rất tin địa lý. Sự tin tưởng này kéo theo sự yêu người và yêu đất . Tình yêu ấy được thể hiện trong việc thờ cúng tổ tiên. Người ta tin rằng chết không phải là hết, mà về với tổ tiên vọng tộc. Tin tưởng đến độ thành tục ngữ:

                        Sống về mồ về mả
                        Chẳng ai sống về cả bát cơm

            Quan niệm tâm linh này đã bao dung mọi lý thuyết kinh tế tư bản và vô sản. Bát cơm tuy trọng, nhưng mồ mả đời sau còn trọng hơn.

                        Sống mỗi người một nhà
                        Già mỗi người một mồ
           
            Đó là tất cả vẻ đẹp của đời sống , dung hòa một nền kinh tế thịng vựơng ( có nhà ở) và thế giới tâm linh tròn đầy (có mộ phần). Nhà ở và mộ phần liên hệ gắn bó như anh em song sinh. Bởi vậy, gia đình có chuyện chẳng lành, người ta vẫn lo lắng: “Hay là động mồ động mả chăng?” .
            Đó cũng là tình yêu đất. Sống cũng do đất, chết cũng do đất . Người Việt có tinh thần yêu thiên nhiên và làm đẹp trái đất rất cao. Nhiều chuyện cổ tích, vì không giết họai lòai vật, không chặt bừa cây cối, không phá họai thiên nhiên, mà các nhân vật gặp nhiều may mắn.
            Riêng chuyện Chử Đồng Tử cũng như ba người con hiếu thảo kia, không nỡ để bố chết trần truồng, dù bố đã nhường khố , nhưng các con lại nhường lại. Sự nhường đi nhường lại ấy nói lên biết bao tình cảm thắm thiết giữa kẻ sống, người chết. Có lẽ ông bố nghĩ thế này: “ mình là bố, sống đã không lo nổi cho con cái khố, thì chết truồng là phải. Để khố cho con mặc đỡ xấu hổ với đời. Mình chết truồng như tự phạt, quỳ lạy tạ tội với tổ tiên.” Chử Đồng Tử và các người con có lẽ nghĩ rằng: “ Bố về với tổ tiên mà trần truồng thì còn mặt mũi nào nữa. Các con sống mà để bố như vậy thì sau này không đáng chết. Thôi cứ mặc khố cho bố . Bề nào cũng khổ. Nhưng rồi sẽ liệu sau. Với lại … sống về mồ về mả…”. Trong một quốc gia mà mọi người nghĩ về nhau như thế, thì quốc gia ấy hẳn có giá trị đạo đức như thế nào? Và tương lai quốc gia ấy phải như thế nào? Bài học thiên nhiên về tình người chính là nền giáo dục truyền thống mà Chử Đồng Tử đã được hưởng. Và ông đã phát huy sự giáo dục đó. Nó có ý nghĩa nền tảng của Đạo Tự Nhiên mà ông chính là … đạo chủ.

GIỮA NÓN VÀ GẬY

            Để cha mình mặc khố đem chôn, Chử Đồng Tử đã mong muốn ngược lại lời khuyên của cha: cha sẽ không bị xấu hổ ở thế giới tâm linh. Khố và xác thân người ta sẽ tan theo thời gian trong lòng đất . Nhưng ý tưởng nhường khố vĩnh viễn thường trụ trong không gian. Khi không có khố , Đồng Tử trần truồng thân xác giữa trần gian. Nhưng tâm hồn ông đầy ắp tình cảm văn hóa truyền thống. Trong truyện cổ dân gian, xác người cha chôn trong hàm rồng để mộ kết. Truyện Chử Đồng Tử , trái lại, chính ông chôn sống ông trong lau sậy đất cát mà kết mộ. Một ngôi mộ chết, và một ngôi mộ sống , cả hai đều kết. Một người chết có khố , và một người sống không khố . Có và không, chết và sống, tất cả đều bay lượn giữa thiên nhiên, hiện tại, tương lai và quá khứ. Đó chính là không gian và thời gian của đời sống, biểu tượng cụ thể bằng cái nón. Nón dùng để úp lên. Như thiên nhiên, như đời sống tràn trên mặt đất. Nón úp lên gì? Xin thưa: úp lên người. Bởi vì người là sinh vật đứng lên từ mặt đất, như cây cối, nhưng biết hành động và tư duy. Người thuộc về dương tính, trong khi đất thuộc về âm. Quặng mỏ kim lọai (kim), cây gỗ (mộc) đều thuộc về dương (cho lửa và ánh sáng). Lửa và ánh sáng còn tượng trưng cho trí tuệ. Ta có thể kết luận rất uy tín rằng: con người ta đã chôn theo chất kim lọai (vàng bạc), đồ tẩm liệm (vải, khố, …), đóng hòm (gỗ), hoặc hỏa thiêu (lửa) để người chết sớm hòa với đất (âm) theo vòng tròn thiên nhiên và nhân duyên.
            Có lẽ biểu tượng đúng nhất về người là cây gậy (mộc). Gậy được cầm để hành động. Gậy biểu tượng cho chủ quyền, và quyền chủ động. Trong thần thọai, gậy tượng trưng cho pháp luật thiêng liêng và thần bí, phát hiện tâm linh siêu việt. Đó cũng là lý do tại sao Đức Phật ngồi dưới gốc bồ đề mà đắc đạo. Đức Chúa Jesus đóng đanh trên thập tự giá mà về trời, còn vọng lại câu: “ ai muốn theo ta hãy từ bỏ mình, vác thập tự giá mà đi”.
            Cây bồ đề, cây thập tự đều thuộc mộc, thuộc dương, tạo lửa và ánh sáng (hào quang). Đó chính là cây gậy tử sinh, gậy trí tuệ mà Chử Đồng Tử nhận được từ vị đạo sĩ núi Quỳnh Viên. Gậy này cũng làm ta nhớ đến chuyện “gậy thần và sách ước” trong kho tàng cổ tích Việt Nam [3].
            Tôi chắc rằng, sau bao nhiêu ngày tháng khổ hạnh, đến khi ngồi im lặng dưới cây bồ đề, Đức Phật đã không còn mảnh vải nào che thân. Cũng như chúa Jesus trên gỗ thập tự, đã thực sự bị cướp nát đến mảnh vải cuối cùng. Sự kiện này sẽ hữu lý khi ta thấy Chử Đồng Tử được gậy và nón là do hành động nhường khố kính cha. Khố là mảnh vải che thân, nhưng cũng là mảnh tương quan đối đãi. Còn khố là còn chướng ngại, còn bị chi phối bởi nghiệp lực của sắc giới và dục giới. Chử Đồng Tử không khố , tự lấp mình đi, đã giải được tất cả mọi nghiệp lực của sắc giới và dục giới. Ông đến với Tiên Dung , cũng trần truồng như hiện, do làn nước nhân duyên vạch rõ. Nước ấy cũng là nước tắm của người vợ xấu xí, là nước ngọc tiên. Nước của thiên nhiên xanh lá.
            Cho nên sự lạ kỳ giữa nón và gậy chính là nước . Đức Phật nhận bát sữa. Đức Chúa nhận nước dấm. Và Chử Đồng Tử nhận nước tắm của một giòng sông. Nước , hành thủy, trong truyền thống ngũ hành Đông phương. Ở Việt Nam , nước đứng đầu ngũ hành và được cai quản bởi Mẫu Thỏai. Chữ Thỏai do chữ Thủy đọc trại đi, và nàng chính là công chúa, con gái Lạc Long Quân. [4]

NGŨ HÀNH NHÂN DUYÊN

            Quan niệm vũ trụ nhân sinh của giòng Đạo Nội theo hệ thống Âm Dương Ngũ Hành, lấy sự sinh khắc và giao hưởng đối cực thể hiện hiện tượng đời sống và tâm linh siêu việt. Vì ngũ hành là tâm sinh lực của vạn vật, do sinh khắc mà cấu tạo nên, được biểu tượng bằng năm hổ (ngũ hổ) và năm sắc (ngũ sắc), án ra năm phương Bắc Đông Nam Tây và Trung Ương. Hành Thủy đứng đầu với ý nghĩa nước là nguồn tuôn tràn ra đời sống :
                       
        Công cha như núi Thái Sơn
                    Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra

            Cái hành thủy uyển chuyển vô cùng ấy cũng là nước mắt của Mẫu Thỏai, con gái Lạc Long Quân, thương xót chính mình và vạn vật. Mẫu Thỏai chính là “lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình”, là nguồn cội nuôi dưỡng, tác hợp, sinh khắc theo chu kỳ đồ biểu:

SINH ( => ) Thủy  => Mộc => Hỏa => Thổ => Kim

KHẮC ( ↔ )  Thủy ↔ Hỏa ↔ Mộc ↔ Kim ↔ Thổ

            Ngòai ra còn có hiện tượng tương thừa, tương vũ.
            Sự sinh khắc biến hóa theo biện chứng “ trung Âm hữu Dương, trung Dương hữu Âm”, tức Âm Dương Hòa. Chúng tôi không đi sâu vào chi tiết trong bài này, sỡ dĩ phải giới thiệu để có thể trình bày cuộc tình Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Tây Cung, cùng khái lược về Đạo Nội. Mặc dù với thuyết tự nhiên, nhưng căn bản giáo lý cũng như quan niệm vũ trụ nhân sinh phong phú, chúng tôi sẽ trình bày trong lọat bài đặc biệt khác. Sau đây là biểu đồ tổng quát:




Đó là biểu đồ nhịp nhàng theo sự tuần hòan thiên nhiên, với không gian và thời gian, cùng sự sống của muôn lòai. Biểu tượng trời tròn, đất vuông, không có tính khoa học, mà thiên về tâm linh . Đất vuông ở trong, trời tròn bao ngòai, rất hài hòa trong tiết điệu ẩn và hiện. Trong vuông, ngòai tròn, cũng là thuật xử lý và dưỡng sinh của Đông phương. Biểu tượng này được gói gém trong truyện tích lịch sử “Bánh Dầy Bánh Chưng” thời Hùng Vương. Sở dĩ Liêu Lang được truyền ngôi báu vì ông đã hệ thống hóa, giản lược hóa, và hiện thực hóa được tư tưởng truyền thống và nếp sống thiên nhiên nông nghiệp Việt Nam. Riêng giòng Đạo Nội, lấy biểu tượng con hổ để chỉ uy lực và sinh lực, do sự sinh khắc phân hóa tràn ngập không gian và thời gian. Họ gọi Hổ là Tướng quân, và giòng Đạo Nội cũng kết thúc văn chầu bằng bài Ngũ Hổ Tướng Quân Luyện Văn. Biểu đồ trên xin được giải thích về Ngũ Hỗ ( Ngũ Hành) theo văn chầu:

            …..
            Trong hổ phúc thâm tàng binh pháp
            Lúc dương uy chấn tác qua nha
            Tai nghe nghìn dặm xa xa
            Ai mà thỉnh đến đều là cấp lai
            Thóat chân hình, trần ai biến tướng
            Hiện làm thần giao trượng thiên uy
            …

            Năm tướng phụng mệnh trấn nhận năm phương:

                        Tướng Thanh Hổ đóng ra Đông hướng
                        Ngọn cờ xanh vẽ tượng cơ tinh
                        Giáo trường vó sắt đầy doanh
                        Bắt lòai quỷ mộc đêm thanh hiện hình
                        Tướng Bạch Hổ binh hành cờ trắng
                        Cõi Tây giao trọng trấn quân doanh
                        Những lòai cốt khí hôi tanh
                        Lệnh truyền bộ ngũ tan tành như gio
                        Tướng Xích Hổ phất ra cờ đỏ
                        Mặt viêm phương chấn nộ hỏa công
                        Thạch tinh bắt được thiêu hồng
                        Đậu là chẳng khiếp uy phong khác thường
                        Tướng Bắc Hổ đóng sang Bắc trại
                        Trừ những lòai hành hại sinh linh
                        Gươm trường súng lớn tề chinh
                        Huyện kỳ kéo đến yêu tinh thất thần
                        Tướng Hòang Hổ trung tâm điều độ
                        Chiếc cờ vàng thẳng trỏ nghiêm minh
                        Khi mà tịch ấn đem binh
                        Uy như lẫm liệt chấn kinh xa gần [5]

            Biện chứng “âm dương ngũ hành” có khả năng giải thích những hiện tượng thiên nhiên , siêu nhiên thần bí, và đời sống của muôn lòai. Người ta hệ thống hóa mọi hiện tượng vào trong hệ thống âm dương ngũ hành. Đó là ta có thể áp dụng hệ thống âm dương ngũ hành vào nhiều bộ môn nghiên cứu như chính trị, quân sự, kinh tế, văn học, giáo dục, thiên văn, địa lý, y học, võ học, đạo học, lý số học … Văn hóa Việt Nam chịu nhận ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nhưng biết phối hợp với văn minh Hy Mã Lạp Sơn (Ấn Độ) dể sáng tạo nền tư tưởng văn minh Lạc Việt (Hòang Liên Sơn). Nếu Ấn Độ và Trung Hoa từ trên các đỉnh núi cao phía Tây và phía Bắc, thì Việt Nam chính là đồng bằng nhỏ bé thu hẹp ở  trung cung. Sự thành tựu này được biểu tượng bằng câu chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Chử Đồng Tử vẫn được gọi là cậu bé của đầm lầy, tức vùng đất thấp. Và những chuyện thần linh từ núi Tản, núi Sóc, đã chuyển xuống đồng bằng trung cung, nơi đó có đầm một đêm (Nhất Dạ Trạch).
            Không phải ngẫu nhiên mà Tiên Dung về đầm lầy gặp Chử Đồng Tử . Nhưng rất tình cờ, Chử Đồng Tử trở thành người con rể đầu tiên chống lại nhà vợ. Cuôc nhân duyên theo ngũ hành đến lúc chuyển động. Sự chuyển động này đã thay đổi từ thượng tầng đến hạ tầng cơ cấu xã hội thời Hùng Vương.
(còn nữa)



[1] Chúng tôi đề nghị quý cha mẹ trẻ, dùng tã nylon cho bé khi ra khỏi nhà, nhất là đi xa. Còn thường ngày, trong nhà, nếu được , dùng tã vải. Vừa tiết kiệm được tiền tã, vừa làm đẹp thêm tình con, tình đất.
[2] Lê Quý Đôn , dẫn trong Vân Đài Lọai Ngữ, bản dịch Phạm Vũ và Lê Hiền, Saigon 1972, tr. 47
[3] Nhân đây tôi vẫn tiếc cho tác giả Ngô Thừa Ân trong “Tây Du Ký” đã không biết đến cây gậy này, nên đã để Tôn Ngộ Không dùng “thiết bảng” (kim lọai) làm “gậy Như ý” và làm vũ khí. Tác giả Nghiêm Xuân Hồng trong “Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc” đã biến gậy thành lá, hóa thân của Cuồng Huệ, khiến tư tưởng của ông khế hợp truyền thống Đông phương.
[4] Sự tích Mẫu Thỏai được kể khá rõ trong sách của Hội Chân Biên, và các bài chầu văn. Sự kiện này khiến ta phải đặt câu hỏi: cái bọc trăm trứng của bà Âu Cơ đã nở ra cả trai lẫn gái, hay Lạc Long Quân có con gái với bà vợ khác, trước hoặc sau bà Âu Cơ?
[5] Những chữ gạch dưới (hoặc in nghiêng hoặc đậm nét) là chúng tôi tự nhấn mạnh

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

CHỬ ĐỒNG TỬ : VÔ LƯỢNG THỌ - phần I


NGÀY CỦA TRÁI ĐẤT (EARTH DAY)

Tuy nhiều dân tộc có chung tục thờ Thần Đất như ở Việt Nam, nhưng sự thờ phụng không mang ý nghĩa làm đẹp trái đất . Ngày 22 tháng 4 năm 1990, mấy trăm triệu người trên thế giới họp nhau ăn mừng kỷ niệm và … cãi nhau về chuyện Trái Đất . Họ tố cáo rằng con người đã khai thác trái đất quá tàn nhẫn. Đã phóng uế vào trái đất quá bừa bãi, đến mức cần phải báo động về môi sinh. Họ đã không đề cập đến việc người ta đã từng chôn vào trái đất những tư tưởng, âm mưu rất hắc ám!
Tựu trung, ngày của Trái Đất, kêu gọi mọi người trên tòan thế giới hãy ý thức trách nhiệm về việc giữ gìn và phát triển trái đất như một “kho trời chung”. Có bốn vấn đề chính:
1. Nếu không làm tăng, thì đừng để giảm khí ozone trong khí quyển . Nó sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe con người .
2. Mực nước biển cần được duy trì sạch sẽ để giữ cho trái đất sự điều hòa nhiệt độ.
3. Rừng cây xanh lá cần được bảo vệ và phát triển tối đa để trái đất thêm xanh, và sinh vật thêm hồng.
4. Con người nên tiết giảm sinh đẻ vì “của kho có hạn”.

Tuy chia làm bốn nhưng thành số vẫn là một : cuộc sống. Con người vốn sống trong giới hạn: sinh, bệnh, già, và chết. Để kéo dài giới hạn này, người ta tiến dần vào khoa học. Để thóat khỏi giới hạn đó, người ta đi tìm Đạo học .
Ai cũng cảm nhận rằng, ngày của Trái Đất, đằng sau việc làm đẹp trái đất, là sự dọn mình để gặp gỡ … người của các hành tinh khác. Đó là tiến trình khoa học, tuy chậm chạp nhưng rất … cởi mở để người ta biến thành … công dân thế giới !
Cách đây ít nhất trên 2000 năm, một người Việt Nam đã từng “làm đẹp trái đất”, đi từ khoa học, vào tới đạo học, thực hiện được cả đến việc kết hợp với người hành tinh ngòai trái đất. Đó là Chử Đồng Tử. Hành trình của ông rất ngắn, thực hiện ngay trong một đời . Ông cũng là tổ của ngành Đạo Nội, tức đạo Đồng Bóng ở Việt Nam. Là một trong Tứ Bất Tử, nhưng Chử Đồng Tử, gọi theo thuật ngữ hiện nay, ông còn là thánh tổ của triết thuyết hiện sinh, là thánh tổ của tất cả mọi phong trào giải phóng giai cấp và giải phóng tính dục. Có lẽ ông là tổ của “Ngày của Trái Đất”, và là một người vượt qua vô sản, vượt qua tư bản, không hề đấu tranh mà vẫn đạt thành đạo quả.
Có lẽ Chữ Đồng Tử là tổng hợp của tôn giáo và trí tuệ Đông phương, từ hơn 2000 năm qua, vẫn sống thong dong ngòai trái đất .

CÂU CHUYỆN CÁI KHỐ

Khi còn nhỏ, mảnh vải quấn thân gọi là cái tã. Lớn lên rồi, mảnh vải ấy đổi kiểu và đổi tên là cái khố. Ngày xưa, vào thời Hùng Vương, và có kéo dài qua thời Hai Bà Trưng, khố là phục sức của đàn ông. Khố cũng có nhiều kiểu, như kiểu khố đuôi lươn rất được ưa chuộng. Mãi về sau này, khố mới bị xem như trang phục của nhà nghèo: “thời kỳ đóng khố” . Hoặc những người đóng khố bằng vỏ cây, lá cây như cái khố chuối của Trần Minh, thuộc lọai nhà nghèo. Khố là từ ngữ rất Việt Nam, mặc dầu nó cũng có một ít nghĩa Hán. Ta có thành ngữ “ bạn nối khố “, ý chỉ bạn rât thân, như ruột thịt. Cũng có nghĩa là bạn rất lâu, từ thuở hàn vi, thuở đóng khố. Nhưng từ ngữ “ cha con nối khố “ mới nói được hết ý nghĩa thâm trọng của liên hệ tình cảm sống chết của con người .
Đó là câu chuyện cổ tích: ngày xưa có bốn bố con, nghèo đến độ cả nhà chỉ có một chiếc chiếu và một cái khố. Họ phải thay nhau đóng khố để ra ngòai kiếm ăn. Đến khi ông bố sắp chết mới dặn các con giữ chiếu và khố lại mà dùng, cứ để bố chết truồng cũng được. Nhưng ba anh em thương bố quá, không nỡ, vẫn mặc khố cho bố, lấy mảnh chiếu bó bố lại, đợi ban đêm mới khiêng bố đi chôn. Phần vì thiếu ăn, phần vì trời đêm giá lạnh, ba anh em vất vả mệt quá. Họ nghỉ chân bên gò đất ngòai đồng, thầm khấn: “ Bố ơi, bố linh thiêng, phù hộ cho chúng con, bố nhẹ đi để chúng con dễ khiêng bố . “ Khấn xong họ tiếp tục khênh bố họ lên. Lần này họ khiêng dễ thật : rất nhẹ. Ba anh em mừng lắm, tin rằng bố rât linh thiêng .
Chôn cất bố xong, ba anh em lần theo lối cũ về nhà . Qua gò đất, họ vấp phải xác người chết bên đường . Xác chết cũng đóng khố . Trời tối quá, ba anh em không nhận ra ai . Họ xúyt xoa: “ Tội nhgiệp . Bố ta còn được bó chiếu chôn cất. Người này chết phơi thây ở đây . Thôi ta làm phúc chôn ông ta vậy” . Nhân hốc đất gần đấy, ba anh em hì hục khiêng xác chết vùi vào .
Đêm ấy, người anh cả ngủ mơ thấy một con rồng đến bảo: “Này anh kia, anh có dời xác bố anh ra khỏi hàm tôi không. Tôi trả công anh mâm bạc”. Sáng dậy quả có một mâm đầy bạc sáng lóe . Người anh kể chuyện giấc mơ . Rồi đến đêm anh ta đi dời mả bố mình nhích ra một chút . Ba anh em nhờ mâm bạc sống rất thỏai mái .
Lại một đêm khác, người con thứ hai mơ thấy rồng đến năn nỉ : “ Ông ơi, ông không chịu dời mả bố các ông, làm hàm tôi bắt đầu sưng đau lắm . Tôi đền ơn ông mâm vàng, xin ông nhích bố ông ra một chút”. Sáng ra quả có một mâm đầy vàng sáng rực . Người con đi ngay đến mả bố, kéo bó chiếu nhích đi theo lời con rồng .Từ đó ba anh em tương đối sung túc . Tậu nhà, lấy vợ, chăm chỉ làm ăn .
Nguyên hồi khiêng bố đi chôn, vì chiếu cũ rách, xác bố lọt tuột ra ngòai . Ba anh em không biết, tưởng bố tự nhẹ đi . Vô tình lần về, chôn làm phúc người dưng, lại chôn chính bố mình vào hàm rồng . Mỗi lần dời mả chiếu, xác bố thật vẫn y nguyên trong hàm rồng . Vì thế, người con út ngày kia thấy rồng lại đến khóc lóc : “ Ông ơi, miệng tôi sưng to đau quá sức rồi . Xin ông nhích mả bố ông ra một chút . Tôi đền ơn ông lọ ngọc tiên . “ Sáng dậy quả có một chiếc lọ nhỏ bằng ngọc rất đẹp. Người em mở nút ngửi được mùi thơm ngạt ngào . Anh ta cất lên giánh bếp , định bụng để đấy xem sao . Rồi anh cũng ra mả bố , nhích chiếc chiếu đi cho rồng . Dĩ nhiên xác bố thật vẫn nằm yên . Mả kết .
Nói về chị vợ người em út, đen đủi, xấu xí, chỉ được cái nết na, trung hậu, chịu khó . Một hôm tình cờ thấy lọ ngọc tiên trên giánh bếp . Nhân lúc muốn tắm, chị pha nước thơm trong lọ vào chum nước . Bất ngờ dội nước đến đâu, da chị trắng ra đến đấy . Chị thích quá, dội hết chum nước. Người chị bỗng trắng trong như ngọc, tóc xanh như mây . Chị trở nên đẹp lạ lùng . Nước tắm chị dội lan ra luống hành hương . Hành lớn vùn vụt . Củ hành to như bình vôi, lá dài như đòn gánh .
Chồng chị, người em út kia đi cày về, thấy vợ đẹp như tiên, say đắm quá, cứ ngẩn ngơ ngắm vợ không thiết làm lụng gì nữa . Mãi rồi vợ bảo : “ anh cứ ở nhà, không làm lấy gì mà ăn . Thôi để em vẽ em lên chiếc mo cau, anh đi cày, cắm mo cau trên bờ ruộng, cũng như có em vậy “. Chồng nghe theo, đem mo cau có hình vợ giống như đúc, cắm ở bờ ruộng, vừa làm vừa ngắm vợ không biết chán . Bất ngờ có con chim đại bàng sà xuống quắp chiếc mo cau bay đi . Nó bay đến cung điện nhà vua thì thả xuống . Vua xem hình vẽ trên mo cau đâm ra tương tư người con gái . Vua rao truyền tìm người đẹp mo cau để kết duyên . Quân lính bắt được chị vợ kia . Vua mừng lắm . Nhưng người vợ nhớ chồng, nhất định không chịu . Suốt ngày chị u sầu, không cười, chẳng nói . Được cái ngòai sắc đẹp lạ thường, chị còn tiết ra hương thơm lạ thường . Vua càng yêu thích, tìm mọi cách để được cầu thân .
Nói về chồng chị, người em út kia nhớ vợ quá . Anh bèn nhổ hành, quang gánh quẩy lên kinh đô , rao quanh cung điện :

Hành xanh hành xanh
Dọc bằng đòn gánh
Củ bằng bình vôi
Ai mua hành tôi
Thì thương tôi với

Người vợ nghe tiếng rao, hớn hở nở miệng cười . Ôi chao là đẹp . Vua thấy vậy, nẩy ra ý muốn làm người bán hành . Vua bèn gọi anh chồng đến, đổi lấy khố, gánh lấy hành . Người chồng lập tức mặc áo mũ của vua . Bấy giờ luật lệ nghiêm khắc, không ai được phép ngẩng mặt nhìn vua. Thành ra khi vua rao hành, người chồng đã mặc áo mũ vua, ra lệnh bắt vua bán hành hạ ngục . Cuối cùng anh làm vua, chị vợ làm hòang hậu .(1)

SỰ TÍCH CHỬ ĐỒNG TỬ

Câu chuyện cổ tích trên, một phần ảnh hưởng bởi truyện Chử Đồng Tử , hoặc ngược lại . Chử Đồng Tử chỉ có hai bố con . Bố tên là Chử Vi Vân , người làng Chử Xá . Bấy giờ vào đời vua Hùng Vương thứ ba. Hai bố con họ Chử rất hiền lành, gặp nạn nhà cháy, mất hết tài sản, chỉ còn một cái khố vải. Họ phải thay nhau đóng khố khi ra ngòai. Cũng như chuyện trước, ông bố bị bệnh già, bảo Chử Đồng Tử rằng: “ Ta chết cứ chôn lỗ cũng được, để khố lại mà mặc, kẻo xấu hổ.” Nhưng bố chết, con không muốn để bố trần truồng, vẫn mặc khố cho bố mà đem chôn.
Còn lại một mình, Chử Đồng Tử phải ẩn thân dưới nước, bắt tôm cua cá ốc độ nhật. Một hôm đang dầm mình ven sông câu cá, Chử Đồng Tử nghe tiếng chuông trống đàn sáo vang vang. Rồi bỗng chốc nghì tượng cờ xí tấp nập. Chử Đồng Tử hỏang sợ tìm chỗ trốn. Nhân thấy bãi phù sa, lau sậy lơ thơ, bèn phóng vào đào cát lấp kín thân thể, không dám nhúc nhích. Giây lát, thuyền lớn ghé lại, đó là chiếc thuyền của công chúa Tiên Dung Mỵ Nương, con vua Hùng Vương. Công chúa dung mạo tuyệt vời, tuổi đã mười tám, nguyện không lấy chồng, chỉ thích ngao du thiên hạ. Vua cũng chiều. Mỗi năm khỏang tháng hai, ba, nàng sửa sọan thuyền bè, lênh đênh sông biển, vui chơi quên cả ngày về. Thuyền đỗ bến Chử Xá, công chúa bước xuống dạo chơi. Nàng lại truyền lấy màn vây kín bãi phù sa lau sậy làm bãi tắm. Tình cờ đúng chỗ Chử Đồng Tử ẩn trốn. Tiên Dung cởi bỏ xiêm y, múc nước dội tắm. Nước trôi cát chảy để lộ thân hình Chử Đồng Tử. Hồi lâu công chúa mới biết là thân hình chàng trai. Công chúa từ tốn bảo:
- Ta đã nguyện không lấy chồng, nay lại gặp ngươi trong mộ cát, có lẽ do trời xếp đặt chăng? Thôi ngươi hãy đứng lên tắm rửa đi.
Rồi sai lấy áo quần cho Đồng Tử mặc, cùng xuống thuyền ăn uống. Chử Đồng Tử kể thân thế mình cho Tiên Dung nghe. Tiên Dung thương xót bảo làm vợ chồng. Đồng Tử cố từ. Công chúa nói:
- Cuộc tao ngộ lạ lùng này vốn do trời định sẵn, đừng cưỡng làm gì.
Đồng Tử bèn chịu. Kẻ tháp tùng đem việc này tâu vua. Hùng vương giận bảo:
- Tiên Dung không trọng danh tiết, hạ mình lấy kẻ không khố. Thôi, còn mặt mũi nào thấy ta nữa. Từ nay mặc kệ cấm chỉ không cho về nhà.
Tiên Dung nghe tin, sợ hãi, đành cùng Chử Đồng Tử ở đấy, lập thành phố xá, chợ búa, buôn bán với dân. Lâu dần thành một ngôi chợ rất lớn ( nay là chợ Hà Lõa, nghĩa là sông trần truồng). Các nhà buôn nước ngòai qua lại tấp nập, kính trọng Đồng Tử, Tiên Dung rất mực. Có vị đến nói với Tiên Dung rằng:
- Nếu quý vị chịu xuất vốn đi biển, giao thương với nước ngòai mà buôn vật quý, chỉ một năm ắt thành nghiệp lớn.
Tiên Dung bàn cùng Chử Đồng Tử :
- Vợ chồng ta do trời xếp đặt, thành sự đều từ tự nhiên. Nay cũng cứ thuận theo trời, cùng người nước ngòai ra ngọai quốc buôn bán, chắc sẽ thành công.
Rồi Đồng Tử đem vốn theo vị đại thương ra biển. Ngòai biển có ngọn núi Quỳnh Viên, trên núi có chiếc am. Thương nhân ghé thuyền múc nước. Đồng Tử nhân lên chơi am, gặp một đạo sĩ tên là Phật Quang. Đạo sĩ truyền phép cho Đồng Tử, bảo ở lại nghe pháp. Đồng Tử bèn giao vốn cho vị đại thương, dặn cứ đi mua hàng, khi trở về thì đón Đồng Tử. Ở lại Quỳnh Viên Sơn học đạo, Đồng Tử cho là phép lạ tự nhiên. Khi người đại thương mua được hàng đến đón, Đồng Tử mới từ giã am chủ. Vị đạo sĩ tặng Đồng Tử một cây gậy và một chiếc nón mà rằng:
- Linh thiêng ở cả đây đấy.
Về nhà, Chử Đồng Tử đem đạo pháp nói hết với Tiên Dung . Từ đó vợ chồng bỏ chợ búa, cùng đi tìm thầy học đạo. Một hôm đến phủ Khóai châu, trời tối mà chưa thấy nhà trọ. Họ đành ở lại giữa đường, cắm gậy, úp nón lên để che. Đêm ấy bỗng hiện lên lâu đài thành quách, lại đủ cả tướng sĩ, thị vệ, kho tàng, miếu xã … y như thủ đô của một nước lớn. Sáng ngày, dân thấy, lấy làm kinh dị, tranh nhau dâng hoa hương ngọc thực theo phục mỗi ngày mỗi đông.
Được tin, vua Hùng Vương cho là con gái muốn làm lọan, bèn phát binh trừng phạt. Tiên Dung nói:
- Chuyện không phải chúng ta cố ý làm ra, đều do trời định. Chết sống cũng thế. Ta đâu dám chống lại vua cha, xin chịu sự trừng phạt.
Dân nghe cả sợ, bỏ đi hết. Quan quân của triều đình rầm rộ kéo đến đóng cách một con sông lớn, vì trời sắp tối, chưa kịp tiền binh. Đến chừng nửa đêm, bỗng nhiên gió lớn. Rồi lâu đài thành quách của Chử Đồng Tử và Tiên Dung vụt bay lên trời. Đất chỗ ấy sụp xuống thành một cái đầm cực lớn. Dân gian gọi là Nhất Dạ Trạch (Đầm Một Đêm). Châu ấy được gọi là Man trù châu, hoặc Tự nhiên châu. Bốn mùa cúng tế rất linh dị .(2) Sách của Hội Chân Biên đề thơ rằng:

Tự cam vô kệ hiếu ư thân
Tùy ngộ an bần bất hữu thân
Trúc sách một đao thời tác lọan
Sa châu thủy quốc nhật tương lân.

Tiên châu giải cấu kỳ cơ hội
Kinh đảo viên thành thắng quả nhân
Đạo đại thiên nam tiên tác tổ
Duyên lai nhất niệm khả thông thần
Dịch:

Mình truồng cam phận khố nhường cha
No ấm, tùy may quản chi mà
Bến nước một cần buông có lúc
Giang sơn riêng một bãi phù sa

Thuyền tiên đôi lứa duyên kỳ ngộ
Phật đảo viên thành sạch nghiệp ta
Đạo tổ trời Nam người đệ nhất
Thần thông nhất niệm đạo không xa
( Hội Chân Biên – theo Nguyễn Đăng Thục)

Ở xã Đa Hòa, tổng Mễ Sở, phủ Khóai Châu, tỉnh Hưng Yên (nay là Hải Hưng) có đền thờ Chử Đồng Tử , trở thành trung tâm tín ngưỡng bình dân Việt Nam : Đạo Nội, hay Nội Đạo Tràng, hay Nội Điển, hay Đồng Bóng. Đạo này lấy hai chữ “Tự Nhiên” làm căn bản giáo lý, lấy hai chữ “thần tiên” làm chủ đạo, hòa hợp với sự thờ phượng các vị anh hùng dân tộc, trải dài theo lịch sử, để mở đạo trong lòng người . Chử Đồng Tử cùng công chúa Tiên Dung , và Tây Cung tiên nữ, trở thành các vị tổ của Đạo. Chúng tôi sẽ nói sau. Bây giờ xin trở lại “Ngày của Trái Đất” xem Chử Đồng Tử đã làm gì qua câu chuyện nhường khố.

(còn nữa)

bài này dã đăng trên tạp chí Thời Tập 1991, bị thất lạc 2 phần cuối, nay sưu tầm đăng lại đây.

tường vũ anh thy 1990

ghi chú:
(1) chuyện không thấy chép ở sách nào, chúng tôi chỉ nghe kể từ hồi còn nhỏ, coi như chuyện dân gian, sẵn đây ghi lại.
(2) chép theo Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp,bản dịch của Lê Hữu Mục, Trăm Việt xuất bản tại Hoa Kỳ 1982.