điêu khắc

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Nguồn gốc & ý nghĩa Tết Trung Thu




 
 

Khi khảo về Tết Trung Thu, hầu hết đều cho là bắt nguồn từ Trung Hoa. Tuy ta chưa có tài liệu, nhưng tìm vào phong tục, tập quán dân gian vẫn có thể nhận ra Tết Trung Thu của Việt Nam hoàn toàn khác và có trước Trung Hoa. Tôi viết lại bài này với hy vọng có người có thêm tài liệu và góp ý bổ xung.
Tháng giêng ăn tết ở nhà
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè
Tháng tư đong đậu nấu chè
Ăn tết đoan ngọ trở về tháng năm
Tháng sáu buôn nhãn bán trăm
Tháng bẩy hôm rằm xá tội vong nhân
Tháng tám chơi đèn kéo quân
Trở về tháng chín chung chân buôn hồng
Tháng mười buôn thóc bán bông
Tháng một tháng chạp nên công hoàn thành
Bài ca dao mô tả sinh hoạt dân gian Việt Nam, quanh 12 tháng, một năm, bốn mùa. Đó là sinh hoạt rất xa xưa vẫn tồn tại đến ngày nay. Ta thấy qua 12 tháng có 4 Lễ Tết được kể ra theo thứ tự: Tết ( hay Tết Cả, tên chữ là Tết Nguyên Đán) vào tháng giêng; Tết Đoan Ngọ (gọi nôm là Tết Giết Sâu Bọ) vào tháng năm; Tết Trung Nguyên (tức  Lễ Vu Lan ) vào tháng bẩy, và Tết Trung Thu ( hay Tết Trông Trăng, Tết Trẻ Em) vào tháng tám.
Riêng Tết Trung Nguyên ( truyền vào từ Ấn Độ) là mang nội dung tôn giáo. Ba Tết còn lại do truyền thống dân gian, biểu tượng của nền văn-hóa-đầm-lầy-lúa-nước.
Do ảnh hưởng địa lý, khí hậu, người Việt sinh sống ở những vùng đất thấp, đầm lầy. Quanh năm họ trồng trọt, cày cấy, chăn nuôi và chài lưới. Lễ Tết là những dịp nghỉ ngơi, vui mừng, tạ ơn, và chào đón một mùa xuân mới (Tết Cả); là dịp phòng ngừa bệnh tật, hòa hợp với thiên nhiên, giữ gìn môi sinh (Tết Giết Sâu Bọ); và là dịp đợi chờ kết quả, lo cho con trẻ, cùng vui với trăng rằm (Tết Trung Thu). Cũng do ảnh hưởng giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ, Trung Hoa, cùng các nước láng giềng trong khu vực mà sinh hoạt văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội của người Việt mang những nét chung chung của Đông Á, nhưng bản chất Việt Nam có nhiều dị biệt độc đáo. Lễ Tết là một trong những sự dị biệt độc đáo đó.
Ngay chữ "Tết" là âm Việt cổ đã chứa đựng những khác biệt và những ý nghĩa độc đáo của người Việt. Chữ Nôm viết "Tết" là mượn âm "tiết" của chữ Nho, vừa đọc là tiết, tết, tét, tít, tịt  (Bảng Tra Chữ Nôm, Ủy Ban Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1976, tr.244) tùy theo ý nghĩa của câu văn, sự việc. Do đó, Tết vừa có ý chỉ thời gian (tiết), vừa có ý chỉ hành động dâng biếu tạ ơn (sống tết, chết giỗ) lại vừa có ý gắn bó trung thành (sêu tết). Ta có động từ "tết" có nghĩa là đan, bện, kết. Tuy chữ viết có khác, nhưng tiếng Việt quan trọng ở âm (giọng đọc) chứ không ở mặt chữ. Lê Quý Đôn trong “Vân Đài Loại Ngữ” cũng viết: “Trung Quốc viết chữ, nghĩa lý ở chữ, không ở âm; nước ngoài chép âm, nghĩa lý ở âm, không ở chữ”(tr.279) Vậy âm "tết" của ta thật nhiều ý nghĩa, chứ không đơn thuần như chữ "tiết" của Trung Hoa. Chữ “Tết” đứng một mình bao giờ cũng được hiểu ngầm là Tết Cả, Tết Đầu Năm. Nay khảo về Tết Trung Thu, là tết thứ tư theo truyền thống Việt Nam, ta cũng cần biết sơ qua Lễ Tiết Trung Thu của người Trung Hoa.
LỄ TIẾT TRUNG THU Ở TRUNG HOA
Nguồn gốc Lễ Tiết Trung Thu ở Trung Hoa được lưu truyền như sau: Nhà tiền Hán do Lưu Bang lập ra được 210 năm thì mất vào tay Vương Mãng (năm 8). Mãng là tay cách mạng, cũng giống như Hồ Quý Ly của Việt Nam sau này, không ổn định được lòng dân vẫn còn nhớ nhà Hán. Tôn thất nhà Hán là Lưu Diễn cùng em là Lưu Tú tôn Lưu Huyền (cùng là cháu sáu đời vua Cảnh Đế) làm Hán Đế, khởi binh đánh Vương Mãng ở Hà Nam. Tục truyền rằng có lần quân Lưu Tú bị quân Vương Mãng vây rất nguy ngập. Tú cho người cầu viện. Nhưng viện binh chờ mãi chưa thấy mà lương trong thành đã cạn sạch. Quân lính đào hết củ nọ rễ kia để ăn cũng hết. Lưu Tú lấy làm lo sợ, bèn thiết đàn cầu khẩn trời đất xin được lương nuôi quân. Người ta tin rằng nhờ lòng thành của Lưu Tú, và nhất là nhờ chân mạng đế vương, mà hôm sau trời ban cho một loại củ ăn rất bùi. Đó là củ khoai môn. Quân sĩ đào được loại khoai này ăn nhiều quá đâm ra sình bụng. Báo hại Lưu Tú lại phải thiết đàn cầu khấn lần nữa. Lần này trời cho một loại quả vừa chua vừa ngọt. Đó là trái bưởi. Quân sĩ kiếm được trái bưởi ấy thích quá ăn đẫy vào. Nhờ thế lại trị được bệnh sình chướng và táo bón. Bấy giờ vào đúng tiết thu phân, rằm tháng tám. Quân Lưu Tú lai rai ăn khoai môn với bưởi chờ viện binh rồi đánh lui được quân Vương Mãng ở Côn Dương, Hà Nam. Đây là trận chiến quyết định, oai danh anh em Lưu Tú nổi như sóng cồn. Lưu Huyền nghi kỵ bèn giết Lưu Diễn, phong Lưu Tú làm Phá Lỗ Tướng Quân, hợp cùng quân các nơi đánh vào Trường An, giết được Vương Mãng năm 23. Lưu Huyền lên ngôi đế hiệu là Cảnh Thủy. Ông vua này nhu nhược và nghi kỵ, chẳng bao lâu bị loạn “Xích Mi” giết. Trong khi đó Lưu Tú được lòng dân quân đã lên ngôi hoàng đế vào năm 25 ở Cảo Nam, Hà Bắc; hiệu là Quang Vũ. Việc bình định thiên hạ mãi đến năm 43 mới kết thúc, sau khi Mã Viện thắng Hai Bà Trưng ở Việt Nam. Vua Quang Vũ nhớ ơn trời đất đã cho khoai môn và trái bưởi năm nào để dẫn đến vinh quang bây giờ, bèn ra lệnh làm lễ tạ ơn vào ngày rằm tháng tám. Phẩm vật chính là khoai môn và trái bưởi. Lễ tổ chức hàng năm, truyền khắp dân gian, lâu ngày thành lệ. Về sau người ta mới thêm các loại bánh trái , cùng nghi thức yến ẩm khác để trở thành đại lễ tiết Trung Thu. Tuy nhiên lễ tiết này không bao giờ thiếu khoai môn và trái bưởi.
Đến đời Đường Minh Hoàng (713-741) lễ tiết trung thu trở nên phong phú như ngày nay với hình ảnh tiên nga múa khúc nghê thường v.v.
Vậy lễ tiết Trung Thu ở Trung Hoa có lẽ có từ thập kỷ 40.
TẾT TRUNG THU Ở VIỆT NAM
Tháng tám chơi đèn kéo quân
Đó là một trong những đặc điểm của Tết Trung Thu ở Việt Nam. Đèn kéo quân là hình thức thu gọn cảnh kéo quân của bà Thiều Hoa, nữ tướng thời Hai Bà Trưng (40-43). Tích này vẫn được diễn hàng năm ở làng Hiền Quan (Tam Thanh) tỉnh Vĩnh Phú. Các đoàn quân kéo nhau lượn hình trôn ốc trước bàn thờ bà Thiều Hoa ngụ ý kéo quân vây thành. Cũng ở Vĩnh Phú, nhiều làng khác tổ chức các cuộc kéo quân thật đánh lẫn nhau vào đêm rằm tháng tám. Trẻ em được làm do thám, ông già bà cả trợ chiến hò reo, thanh niên nam nữ gậy gộc chiến đấu như thật.
Có lẽ đèn kéo quân là một hình thức tưởng nhớ để nuôi chí phục thù của người Việt sau cuộc thất bại của Hai Bà Trưng năm 43. Đèn kéo quân cũng giúp người ta vui Tết Trung Thu trong cảnh nô lệ thời bấy giờ. Tết Trung Thu là tết của trẻ em, người ta cũng muốn nhắc nhở con em của họ những chiến công lịch sử.
Trong lễ Tết Trung Thu có mâm cỗ gồm nhiều thứ trái cây và bánh kẹo. Đặc biệt có bánh đúc to tròn như mặt trăng đổ trên tàu lá chuối. Bánh đúc nhà nghèo chỉ có bột gạo và vôi, nhà giầu thêm nhân dừa, thịt mỡ, đỗ lạc (đậu phộng). Người ta có câu hát ví:
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ mới thương con chồng
(hoặc: mấy đời trọc phú mới thương dân nghèo)
Dịp này trẻ em xem đèn kéo quân, rước đèn chơi trò rồng rắn. Vui với các Con Giống nặn bằng bột nhuộm phẩm đủ màu sắc rực rỡ. Con Giống vừa ngụ ý giống như các con vật thật, vừa có nghĩa là biểu tượng sinh vật thể sẽ sinh sôi nẩy nở mãi mãi. Nghệ nhân nặn các Con Giống thoăn thoắt, chỉ vài phút là đã có con bò, con trâu, con thỏ, con gà, con chim, con cóc v.v. Thật là một loại điêu khắc dân gian thần tình !
Một đặc điểm khác trong mùa Tết Trung Thu là tiếng trống. Trống là dụng cụ âm nhạc đơn giản và phổ biến. Người ta làm các loại trống cơm, trống bỏi cho trẻ em tha hồ gõ múa. Và người lớn cũng chế ra một loại hát đám gọi là “ hát trống quân”
Tháng tám anh đi chơi xuân
Đồn đây có hội trống quân anh vào
Câu hát phổ biến này ngụ ý Tết Trung Thu cũng là tết của mùa xuân tươi trẻ trong lòng người. Hết xuân tới thu, hết thu tới xuân, tức là trong xuân đã sẵn có thu, và trong thu đã sẵn có xuân vậy.
Trước và sau dịp Tết Trung Thu người ta còn diễn trò Múa Rối Nước. Sân khấu là ao hồ hay bến sông. Diễn viên là công trình đẽo gọt trạm đục đan vót của các nghệ sĩ dân gian. Các tuồng tích đủ thể loại đều được đem “xuống” sân khấu nước. Người ta cũng diễn các cuộc chọi trâu, cuộc thi hóa rồng mà cuối cùng cá chép trúng tuyển:
Mồng bốn cá đi ăn thề
Mồng bẩy cá về cá vượt vũ môn
để khuyến khích học trò tin tưởng vào tương lai.
Đêm Tết Trung Thu, người ta phá cỗ trông trăng, kể chuyện Thằng Cuội:
Thăng Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi chơi cầu vồng
Đó là câu chuyện nửa cổ tích nửa thần thoại về một nhân vật tên Cuội, có công cứu giúp người bệnh tật hoạn nạn và kể cả người chết, đã vĩnh viễn ở trên mặt trăng. Hình như tất cả mọi trò vui, đèn đóm, hát múa, con giống v.v. của các em được phô diễn để tưởng nhớ và làm vui lòng Thằng Cuội đang một mình vời vợi trong trăng.
TẠM KẾT
Như ta biết, tuy Hán Quang Vũ lên ngôi từ năm 25, nhưng phải đến năm 43 mới được coi là bình ổn, và chính sách an tịnh khoan hòa mới được thi hành rộng khắp. Sự kiện dùng khoai môn và trái bưởi trong lễ tiết trung thu có thể có từ năm 25, nhưng chắc chỉ thành đại lễ từ năm 43. Và tôi chắc không thi hành ở Việt Nam vì ở đó đã có sẵn Tết Trung Thu bản địa rồi. Các quan thái thú sau Tô Định, sẽ chỉ muốn an thân, không cưỡng ép dân nhiều. Và sau cái chết của Hai Bà Trưng cùng các tướng soái đồng chí đồng bào, người Việt sẽ đón trung thu  rất ngậm ngùi sau năm 43, hà cớ gì lại còn phải tạ ơn trời đất bằng khoai môn và trái bưởi của binh lính nhà Hán. Do đó ta sẽ thấy:
1-Tết Trung Thu ở Việt Nam đã có từ trước khi Hán Quang Vũ ban lệnh kỷ niệm Tiết Trung Thu năm 23, chiến thắng Vương Mãng.
2-Tết Trung Thu ở Việt Nam là Tết thuần túy của trẻ em và là Tết của nền văn-hóa-đầm-lầy-lúa-nước.
3-Trên mặt trăng là hình ảnh Thằng Cuội, con trâu, cây đa. (chứ không phải Hằng Nga, hay Ngô Cương với cây quế như của Trung Hoa.)
Khác với Lễ Tiết Trung Thu của Trung Hoa, khởi đầu để tạ ơn chiến trận, và rồi được kiện toàn vào thời Đường Minh Hoàng, (một ông vua ăn chơi tửu sắc vô đạo, cướp vợ của con rồi cũng không bảo vệ được người con dâu này.) với trăm cách xa hoa dành cho người lớn có thế có tieenf.