điêu khắc

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Trong Lòng Gỗ Quan Tài - hai



 truyện nhiều kỳ

hai

Bây giờ không phải là kỳ cục, mà kỳ lạ. Sao ta lại ở trong quan tài? Quan tài này đã chôn chưa? Thất kinh ta nhổm lên. Nhưng cụng đầu vào vách gỗ. Không ngồi được. Bình tĩnh, ta tự nhủ. Nhớ rằng nếu sợ hãi, người sẽ tiết ra chất adrenaline. Đó là những hoọc-môn giao tiếp (pheromone), nó sẽ tấn công thể tạng từ bên trong, khiến đổ mồ hôi hóa chất, báo cho bên ngoài biết, và lập tức bị tất cả mọi tấn công từ bên ngoài, lâm vào tình trạng trong ngoài thọ địch. Nguy hiểm lắm. Ta vội nhớ lại nhưng điều học được trong kinh sách. Hành giả trên con đường xuyên qua những cảnh giới, những ma sự, điều đầu tiên là phải tự tin, dũng mãnh, không sợ hãi. Hai bàn tay hãy lỏng. Đây là ấn quyết thí-vô-úy. Ta nằm yên lặng làm theo. Hít thở theo pháp luân thường chuyển. Dần dà nghe được tiếng trái tim chậm lại. Nghe được sự tịch mịch chung quanh. Mũi làm việc nhiều hơn. Ta bắt đầu ngửi ra mùi gỗ đất, và phảng phất những mùi phức tạp. Có lẽ ta bị chôn sống vội vã. Không tẩm liệm.
Giờ thì ta chỉ còn trông mong vào khả năng của mũi. Và ta nhận ra không khí không có nhiều. Phải tiết kiệm không khí. Ta nghĩ đến cái bào thai còn sống trong bụng người mẹ đã chết. Bào thai sẽ chỉ được cứu khi được mổ đem ra. Ta sực nhớ đến cái điện thoại di động. Vội lục túi. Rỗng không. Thất vọng quá. Nhưng ta không phải là bào thai. Ta có quá khứ, có khứu giác và nhiều thứ. Ta phải cứu được ta. À, bây giờ phải hết sức dè sẻn không khí. Hãy thả lỏng. Ta ra lệnh cho toàn cơ thể. Mi tuyệt đối không được làm việc cho đến khi có lệnh mới! Nghĩ đến điện thoại di động ta lại nhớ đến báo cáo khoa học về loài ong. Trong không gian có vô số sóng từ trường. Loài ong theo sóng từ trường của hoa để đi lấy mật. Nhưng gần đây sóng của điện thoại di động đã làm nhiễu từ trường nên ong không tìm được hoa. Kết quả là rất nhiều ong đã bay lạc và chết vì đói. Dĩ nhiên trước sau gì ong cũng chết như mọi loài, kể cả người. Nhưng vấn đề là ong đã không làm được việc mai mối của nhiều giống đực và cái, gây tai hại giây chuyền cho cây trái. Thật là bế tắc. Ta chép miệng thở dài. A không được thở dài. Phải tiết kiệm mọi năng lượng. Nhiễu sóng cũng như nhiễu tâm thôi. Từ từ rồi sẽ tìm ra giải pháp.
Ta nhớ thuở thiếu niên từng tập hành xác: nằm bất động trong bóng tối dưới gầm giường. Vài con gián bò qua thân thể. Có cả con chuột đến gặm gặm ngón chân. Ta vẫn cố không nhúc nhích. Bây giờ áp dụng cách thức ấy vào hoàn cảnh này thật dễ dàng. Ta bắt đầu ngửi thấy không khí ở trong gỗ. Gỗ có nhiều khe li ti. Ta nhớ những thớ gỗ khi đẽo gọt tượng. Chỉ cần lách mũi dao hay mũi đục là có thể tách chúng ra hoặc luồn vào nhẹ nhàng. Ta lại nhớ đến Trang Tử kể chuyện người mổ trâu, trải bao nhiêu năm mà con dao vẫn nguyên vẹn, không bị cùn. Ấy là nghệ thuật tìm khoảng trống. Ta nhớ ra rồi: khoảng trống chính là nghệ thuật điêu khắc của Archipenko. Ông tình cờ để hai lọ hoa cạnh nhau, và tình cờ nhìn thấy một lọ hoa khác không có mặt, đứng ngay giữa hai lọ hoa kia. Hì hì! Thế là lại rơi vào không tánh của Phật giáo. Nhưng ta thực tình thích cả ba nhà điêu khắc trẻ thời đó đã trao đổi giúp đỡ nhau: Brencusi người Lỗ, Archipenko người Nga, và Modigliani người Ý. Riêng Modigliani vẽ nhiều hơn làm tượng, nhưng tượng của anh ta rất đặc biệt, như mới lấy từ đất ra. Cả ba anh chàng này ở ngay bên cạnh thiên tài Rodin, nhưng tuyệt đối xa lánh Rodin. Thật là tuyệt. Còn ta …
Ta khẽ nghiêng mũi áp vào vách gỗ bên trái. Mùi gỗ này cũ và khô. Loại gỗ tạp đã trải qua nhiều nắng. Bất ngờ có tiếng rích rắc rất nhỏ trong thớ gỗ. Có lẽ bình thường ta không thể nghe được. Nó nhỏ đến nỗi nếu ta thở nhanh hơn một chút là mất tăm. Nhưng dù sao thì âm thanh đó cũng không còn. Ta gần như nín thở rất lâu để chờ nghe một tiếng nữa. Nó có một tín hiệu mà ta chưa nhận biết. Bình thường gỗ hay vặn vẹo vì khô đi. Nó kêu những tiếng trắc. Còn tiếng vừa rồi hình như ngả sang bình. Âm ngang của nó lan đến môi ta. Nếu đúng như ta đoán thì sẽ có nước ngấm vào. Và nước chắc rất ít, chỉ như của một giọt sương. Ta đang ở thành phố San Francisco đầu tháng mười một. Cũng còn có sương bụi về đêm. Thôi đừng lẩn thẩn lang bang loay hoay xác định thời gian với không gian nữa. Ừ thì cứ cho là cỗ quan tài này đang vào đêm hay về sáng. Rồi sao ? Ta bị mất hướng. Yên ắng ngửi trở lại. Ta khẽ quay mũi sang bên phải. Có một chút tín hiệu mơ hồ. Có thêm chút không khí mơ hồ. Ta nghĩ đến con ốc sên. Loài này có tới bốn cái mũi. Xương nó lại ở bên ngoài thịt. Cừ thật. Nó chỉ sinh hoạt bằng mũi thôi. Xương ta thì ở bên trong, thịt ở bên ngoài, và chỉ có một cái mũi . Ta thất sách hơn nó nhiều. Ta lại nhớ đến chuyện Cái Mũi của Nikolai Gogol, một truyện ngắn tuyệt diệu. Nhưng tuyệt diệu nhất vẫn là chuyện của Bồ Tùng Linh trong Liêu Trai Chí Dị. Ông kể một vị sư mù, có khả năng đọc bằng mũi. Cứ đốt bài văn lên, vị sư ngửi khói tro mà hiểu hết. Lại còn phê phán rất sáng suốt. Kỳ lạ thế. Ta nửa tin nửa ngờ. Cái mũi là phần nhô cao nhất của cơ thể người. Nó có nhiệm vụ giao tiếp với thế giới. Nhất là thế giới tình ái. Mũi có tới hơn 50 triệu tế bào và đầu giây thần kinh để thông tin. Hình như ta lại nhận được thêm tín hiệu. Mũi ta ngửi dọc theo lườn gỗ phải. Có vài chỗ ta biết chắc không bị đất lấp kín. Do đó có nhiều dưỡng khí. Ta khe khẽ trườn uốn, đưa mũi như con sên, chậm chạp ăn nuốt không khí. Ta vẫn thích mở mắt ra, dù không nhìn thấy gì. Ở khoang cuối quan tài có nhiều dưỡng khí hơn. Ta đoán là đất bên ngoài ít, hoặc xốp. Ta kiểm soát các túi mặc nhiều lần nữa. Ta cần bộ chìa khóa xe chẳng hạn. Nó sẽ giúp ta cạy nạy các thứ. Nhưng tuyệt đối không có gì. Ta nghĩ chắc bộ quần áo này ta đã mặc trước lúc bị ngất đi, và ai đó bỏ ta vào quan tài đem chôn. Chiếc áo khoác màu nâu, chiếc áo tay dài hiệu Kuhl màu gạch thẫm ta chọn mua  ở REI năm ngoái. Cái quần đen cùng hiệu. Ta đang phục hồi trí nhớ. Cắc cớ nhất là ta ngất đi lúc nào và tại sao. Ta bị đột ngột biến mất ? Mọi người đã biết ta bị mất tích chưa ? Chợt thấy ù tai. Dấu hiệu thiếu dưỡng khí. Thôi đừng nghĩ. Hãy tập trung vào hơi thở…

(còn nữa)
Đọc lại kỳ 

một

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Trong Lòng Gỗ Quan Tài - một




truyện nhiều kỳ


một

Ta thức giấc. Có lẽ đã là một giấc ngủ dài. Ta không nhớ gì trong giấc ngủ. Lẽ ra ta phải nhớ gì mới đúng, vì khi ngủ ai cũng có hơn 20% mơ. Chắc tại ta nằm lệch từ trường của trái đất. Trên nguyên tắc, nếu nằm thuận theo hướng bắc - nam, người ta sẽ nhớ nhiều giấc mơ hơn. Giấc mơ thường giải quyết nhiều bế tắc của đời sống. Mơ cũng báo trước vài sự kiện nếu biết lý giải. Vậy coi như ta không mơ. Ta vẫn nằm yên. Nhớ xem bắt đầu ngủ từ lúc nào. Tệ thật. Ta chẳng nhớ gì cả. Ta khẽ ngả bàn chân phải sang bên phải. Đụng tường. Ta khẽ nhích cùi chõ bên phải sang bên phải. Đụng tường. À ra ta đang nằm sát vách. Vậy là ta không ngủ ở nhà. Giường của ta không kê sát vách. Ta vội mở mắt. Tối hù. Tối quá. Ta vẫn nằm yên. Nhắm mắt lại. Cố nhớ xem mình ở đâu. Ta bật cười. Không biết mình ở đâu, ngủ khi nào, thì đúng là say xỉn. Thường gọi là đứt phim. Ta đã từng bị đứt phim vài lần. Chuyện này chỉ xảy ra trong thế giới của những người uống rượu, và uống nhiều. Một lần đơn vị ta về đóng quân dưỡng sức ở Giồng Ông Tố, bên kia bến đò Thủ Thiêm, sát ngay Sài Gòn. Vì được xả hơi, ta nhậu với đồng đội xả láng. Thế là đứt phim. Ta không biết tại sao ta lại nằm dưới đất. Bên trên là cái võng dù. Một lần khác ở Nha Trang. Ta đang là thương phế binh chờ giải ngũ. Bất ngờ ta gặp bạn cũ cùng đơn vị. Bạn ta lại là nhà thơ, thân thiết. Mừng nhau không thể nào không xả láng. Lại đứt phim. Ta không nhớ bạn ta trả tiền bia hay ta trả. Ta cũng không nhớ bạn ta từ biệt như thế nào. Ta chỉ biết mình thức giấc trên căn gác của mình. Thế thì ta cũng biết đi về leo lên gác ngủ. Kể ra vẫn thú vị. Nhưng từ ngày sang Mỹ, đã 36 năm qua ta chưa đứt phim. Đây có lẽ là lần đầu chăng? Ta mỉm cười mở mắt ra. Tối hù. Tối quá. Ta không tin có một thứ tối đen như vậy. Mắt ta vốn rất tốt. Mẹ ta từng kể hồi mới đẻ, ba ngày sau ta mới mở mắt. Kỳ cục thế. Nhưng ta có một ông bác họ là sư trụ trì một ngôi chùa ở Hà Nội, nói với cha ta là ta có đôi-mắt-thần-giáng-sinh. Lúc đó cha ta còn không biết ta đang được sinh ra ở Thái Bình. Kỳ cục thế.
Nhưng mà dù có đôi mắt thần chăng nữa, bây giờ ta cũng không nhìn thấy gì. Ta chưa bao giờ biết có một sự tối đen thế này. Ta khẽ đưa một bàn tay lên mắt. Không thấy gì cả. Hay là ta bị mù ? Hơi lo lắng, ta chớp chớp. Cảm nhận được đôi mắt còn tốt. Không phải mù. Sự đen đặc kỳ quặc vây bủa ta. Ta khẽ đưa bàn chân trái và khuỷu tay trái sang bên trái. Đụng vách. Thế là ta biết đang bị kẹt giữa hai bức vách mà khoảng cách chỉ vừa cho ta nằm. Thế là thế nào? Ta vẫn nằm yên. Cố nhớ. Những lần đứt phim trước, ta vẫn nhớ được khúc dạo đầu. Bây giờ, tuyệt nhiên không nhớ gì cả. Kỳ cục. Ta đưa cả hai tay sờ mò hai bên vách lên phía trên. Bên trên cũng lại là vách. Rồi ta khám phá ra chung quanh trên dưới đều là vách gỗ. Thôi rồi, ta đang nằm trong một cái hòm gỗ. Một cỗ quan tài.

(còn nữa)

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

những bài thơ pha vào rượu




hoa

hoa 
ồ hoa
mặt đất nở bừng ta
ta 
ồ ta
giữa trời một đóa hoa


ta đi

(kìa xem mưa thấm qua tường
bao nhiêu mạch máu con đường ta đi)

ta đi trên mênh mông
hoa mưa lung linh đáy mắt
ta đi trên mênh mông
thênh thang những lá cây rừng ướt át
ta đi 
ồ ta đi 


thuốc lá

thuốc lá 
ồ thuốc lá ơi
mi đốt trên môi ta 
những giấc mơ
những cánh rừng
và ta nhả ra vô lượng mây


thời gian

này thời gian
mi thổi qua khắp cõi miền dâu bể
đêm qua 
ta mơ thấy mi về
hôn lên ngực ta bằng đôi môi lạnh giá
rồi mi cho ta một chai rượu không nhãn
ta thầm gọi
biển ơi
 


Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

chúa jesus, và nietzsche


gửi nguyễn xuân hữu

bánh mì làm bằng lúa mạch
rượu vang làm bằng nho tươi
con người làm bằng hồn phách
tôi khóc dưới chân chúa jesus
liếm máu ông thay bữa trưa ở trên đồi
nietzsche nói đúng
chẳng làm gì có bài giảng ở trên núi
kinh không chữ
kinh không chữ
tôi ngồi trong bóng đêm
một mình
uống rượu với đậu phụ nướng
nhìn bức tượng phật bằng gỗ làm chưa xong


tvat  121111

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

trên đường đồi



trên đường đồi lạnh giá
gió mùa thu thổi con nhện đung đưa
lời của gió say sưa qua những lá 
mà lá gan anh ngơ ngác úa vàng
bàn tay anh vẫn thơm mùi lúa
nhưng cánh đồng anh ai vừa gặt hết bông
giòng sông anh sông xưa không chảy nữa
hai bàn chân ngớ ngẩn đứng ven đời


 tvat 111111

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Nguyễn Du : Trăng, và Kiều



Trong suốt ba ngàn hai trăm năm mươi bốn vần sáu tám Nguyễn Du đã dùng đến bẩy mươi chữ "trăng" trong Truyện Kiều. Và trong bẩy lần Kiều động nỗi đau thương nhung nhớ, Nguyễn Du cũng đem vầng trăng ra diễn tả. Mỗi lần nhìn thấy trăng là mỗi lần Kiều vừa nao nức mơ màng vừa đau đớn thẹn thùng. Như giấc mộng chập chùng – như đôi cánh thời gian, vầng trăng sáng chao lượn khắp một không- gian- kiều. Chỉ thấy trăng - cái vầng trăng ấy vỗ cánh kêu một tiếng tang thương rồi vô tận. Mộng xế hay trăng già. Ngoài ra là cỏ xanh.
Ôi có phải thi sĩ là kẻ đầu tiên khám phá ra vầng trăng, và hồng nhan là người đầu tiên chết trong vầng trăng ấy ? Hay trăng là kẻ đầu tiên khám phá ra thi sĩ, và trăng sẽ chết trong cõi hồng quần ? Thế thì ai đã bày ra màu dang dở - ai đã khoác lên vai áo đoạn trường ?
Ôi có phải chợt sinh ra đã lạc bước vào cõi mộng - gặp trăng rồi thì mộng trở thiên thu?
Lỡ từ lạc bước bước ra (Nguyễn Du)
Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn (Bùi Giáng)
tấm thân đã liệu từ nhà liệu đi thì trăng kia vẫn cứ mọc, và lòng kia vẫn cứ trôi mãi vào trăng - như một chiếc thuyền - như một cánh hoa - một giòng tiểu khê - trôi mãi về cuối trời - trôi mãi vào cõi người ta - trôi mài vào một bản-đàn-trăng-nhập
Trăng nhập vào đàn - trăng nhập vào Kiều hay trăng nhập vào Nguyễn Du để cả một đời người cứ tìm những chốn đoạn trường mà đi.
Hỡi ơi hình như đã từ lâu lắm vầng trăng vằng vặc giữa trời đã khuôn thiêng trên mái tóc tạ từ - như một con chim phiêu dạt - vầng trăng ấy ngậm trái tim Kiều bay dãi dầu dĩ vãng - ngậm trái tim người cha già tóc trắng bay mãi vào sử lịch tồn sinh mà đôi chân của cuộc lữ còn lãng đãng bỏ lại trên trần gian chút bụi hồng rêu phủ !
Trước và sau trong nỗi khép và mở vô vàn chỉ là một bản-đàn-trăng-nhập từ một cỗi mộng xa xăm đổ về hai bến hẹn.
Nguyễn Du đã có lần đứng trên ngọn Hồng Lĩnh nhìn trăng mà thở dài - nhắp chén rượu đời để nghe vầng trăng ứa chan những máu. Ông viết gửi cho bạn:
Đêm nay trăng sáng núi Hồng
Trường An ngìn dặm lòng tôi não nùng
( bài Ký Hữu)
Và gửi cho Từ Hải:
Ngẫm từ dấy việc binh đao
Đống xương Vô Định đà cao bằng đầu.
Nguyễn Du đã sống trong một thời máu lửa - một thời chỉ toàn những cuộc chém giết kinh hồn, giữa Tây Sơn và nhà Lê, giữa Tây Sơn và nhà Thanh, giữa Tây Sơn và nhà Nguyễn. Mười sáu năm binh lửa diễn ra khắp quê hương là mười sáu năm Nguyễn Du sống trong gió bụi ê chề, hết mười năm ăn nhờ ở đậu nơi Thái Bình quê vợ, là những năm còm cõi lê chân khắp chín mươi chín ngọn núi Hồng quê cha. Trong cõi người ta trải ra không hết những đoạn trường.
Đức Phật  đã nhận ra đời là bể khổ, và Nguyễn Du thì nghe ra bốn giây nhỏ máu năm đầu ngón tay. Ông xót xa: những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Nhưng mà hùng tâm tóc bạc đứng ngồi thở than,(bài Khai Song) chỉ ước mơ gốc tùng một bóng vô ngần thảnh thơi.(bài Sơn Thôn) Mà trớ trêu thay, định mạng đã đóng đinh lên thập tự hồng, tấm thân vẫn phải lẽo đẽo đi về chiêm bao.
Ông đã khóc với đời, khóc cho đời, và khóc với mình, khóc cho mình.
Trong hết thi nghiệp của Nguyễn Du người ta chỉ nghe thấy những khúc đàn não nuột - họa chăng ở một lần cuối khi Kiều gẩy cho Kim Trọng nghe mới thấy đầm ấm dương hòa nhưng đó chỉ là hồ điệp hay là trang sinh - và ngay cả hỡi ơi chung cuộc thì cũng đã trải qua một cuộc bể dâu mất rồi.
                                        
*

Vầng trăng từ độ lên ngôi, khách má hồng đã nghe ra một nỗi niềm cay đắng như tiếng thơ đổ hồi trong phế phủ. Trăng đã sáng lên mọi mép miền dâu bể - thơ đã cất lên khắp cõi mộng ban sơ. Trăng và Thơ cùng bay vào miên viễn - tiếng thở dài còn đồng vọng trên bình nguyên xanh cỏ rợn chân trời - trong trời thu ngất tạnh bóng xiêm y.
Ôi có phải cũng là từ khi trăng là nguyệt, kinh là kỳ từ châu quận tân toan (Bùi Giáng) mà khúc bạc mệnh đã lên đường trăng soi, mà khách hồng quần đã
Mịt mù dặm cát đồi cây
Tiếng gà điếm nguyệt dấu giầy cầu sương
Trăng đã đến với Kiều từ sau cuộc hội đạp thanh, và hiện ra ngay trong buổi tối trở về trướng hoa, tim còn đập má còn hồng
Gương nga chênh chếch dòm song
Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân
Kiều một mình lặng ngắm bóng trăng - lặng ngắm cảnh trăng soi. Tâm thức luyến ái đã quẫy lên khi không gian dìu dặt, để rồi má bỗng hồng thêm, tim bỗng run thêm - run như tờ giấy mới, cùng với vầng trăng trôi vào cõi mộng - một cõi mộng điêu linh - một mùa trăng về tảo mộ - một mùa trăng soi những đoạn trường xa xăm - những phương trời thăm thẳm những ngày ngày đăm đăm.
Thế là hốt nhiên một cuộc lữ phơi ra trong trăng tà - để khách má hồng lẽo đẽo giữa cuộc chơi
Đùng đùng gió giục mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay
Trông vời gạt lệ phân tay
Phương trời thăm thẳm ngày ngày đăm đăm

Và ai đó trong một phiến đá bầm đầu buổi hoàng hôn, cuối bữa hôn hoàng đã khóc trên cuộc chơi này - một cuộc chơi rất mực - cuộc say đầy tháng cuộc cười thâu đêm - ấy nó chính là cuộc chiêm bao theo cuộc trăng đáy nước. Ôi vầng trăng ấy đã bủa vây chút hồng quần - đã xô giòng tiểu khê chẩy qua cầu nho nhỏ - xô má hồng vào chốn thanh lâu - xô hồng nhan vào cõi đoạn trường - xô bản đàn nhỏ máu ngón tay …

*

Thúy Kiều đã bước vào cuộc chơi trong một mùa trăng
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Khi ước nguyện với Kim Trọng, rồi chàng chợt phải ra đi lo tang lễ ông chú, thì Kiều cũng chợt phải ra đi vì đình tụng của cha già. Nhị đào đã bị Mã Giám Sinh bẻ vào một đêm trăng ngày ấy. Tới Lâm Truy gặp mụ trùm lầu xanh là Tú Bà cũng vẫn là mùa trăng. (Lâm Truy vừa một tháng tròn tới nơi).
Những ngày ở lầu Ngưng Bích, lầu máu đọng. ( Trong cuốn chú giải Kiều của Chiêm Vân Thị kể có viên quan nọ ở phương xa tự tử chết. Máu chảy đọng thành vũng. Có người đồng hương gói máu ấy đem về cho thân nhân người quá cố. Đi mất ba năm, khi mở ra thì máu biến thành ngọc bích.) Đấy là tên theo điển tích, còn thực tế, chính máu của Kiều đã chảy ra và đọng lại ở đó. Để rồi chỉ còn vầng trăng là tri kỷ.
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Trăng thôi thúc quá, Kiều cũng liều nhắm mắt đưa chân, để xem con tạo xoay vần đến đâu, trốn khỏi lầu Ngưng Bích với Sở Khanh (là người trong kế hoạch cạm bẫy của Tú Bà). Cuộc chạy trốn lần đầu tiên cái định mạng khủng khiếp này diễn ra vào một đêm trăng muộn (đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành) và đã thất bại khi trăng từ từ lặn (gió cây trút lá trăng ngàn ngậm sương).
Thế là thôi, thế là đành, lấy thân mà trả nợ đời cho xong! Kiều bị bắt lại, bị đánh đập tàn nhẫn đến nước phải lạy van mà hứa một lời đau đớn
Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ đây xin chừa!
Nhưng lần ấy trăng bắt đầu lặn bẵng đi - không nghe nói trong những ngày từ đêm hai mươi mốt đến mùa trăng tháng sau Kiều làm gì - chỉ biết khi trăng tháng sau vừa tròn thì Kiều bắt đầu cuộc đời kỹ nữ với công phu dạy dỗ của Tú Bà
Vừa tuần nguyệt sáng gương trong
Tú Bà ghé lại thong dong dặn dò
Cũng có thể nguyệt sáng gương trong là ý nói Kiều bị đau vì trận đòn phải tĩnh dưỡng đến nay mới hồi phục dung quang. Nhưng dẫu sao thì trăng cũng đổ hồi.
Trăng đổ trên đầu xanh hay tóc trắng – trăng ôm người, người ôm trăng cùng khóc giữa mê cung.
Có người chiết tự câu một vầng trăng khuyết ba sao giữa trời, trong lần thứ năm diễn tả nỗi thương nhớ của Kiều là chữ Tâm  chỉ Thúc Kỳ Tâm (Thúc Sinh).
Nhưng đến đây thì vầng trăng thật đã quá lắm rồi - đã là cái tâm của Kiều. Cái vầng trăng ấy, con tim ấy, dù là sáng vằng vặc đi chăng nữa thì cũng bị cuốn trôi đi - trôi mãi vào một cõi hồng trần.
Trong bài  “đạo ý”, Nguyễn Du đã gửi gắm tâm sự, muốn giữ một lòng bát ngát trăng trong. Nơi một chỗ đứng nào đó, Nguyễn Du  đã thấy trăng như là tất mệnh - là trái tim dễ đau của thi sĩ - Trăng như là bến đợi - là chốn hẹn - là nỗi nhớ niềm đau - là tất cả mọi ước mơ - và cũng cả những đoạn trường.

*                  
Trong ba lần gửi thân nơi thảo am, lấy câu kinh tiếng kệ, và tấm áo nâu sòng để gần rừng tía để xa bụi hồng, nhưng cả ba lần trăng đều đến tận thiền phòng níu kéo Kiều lên đường nhập cuộc chơi tiếp nối. Ba lần ni cô Thúy Kiều (hay Trạc Tuyền) đều đã phá giới. Lần thứ nhất trăng gọi Kiều vào nửa đêm, ni cô nghe theo tiếng gọi của trăng đã cuống lên, đánh cắp cả chuông vàng khánh ngọc trong chùa, rồi leo tường băng đi theo trăng.
Nghĩ đi nghĩ lại quanh co
Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân
Bên mình giắt để phòng thân
Lần nghe canh đã một phần trống ba
Cất mình qua ngọn tường hoa
Lần đường theo bóng trăng tà về tây
Lần ấy Kiều sợ quá
Canh khuya thân gái dặm trường
Phần e đường sá phần thương dãi dầu
Kiều đi mãi tới sáng bạch cũng vẫn bơ vơ nào đã biết đâu là nhà. Thế nên Kiều đánh liều đến tu ở một ngôi chùa khác. Trăng đã mớm cho Kiều nói dối – trăng đã giắt lối cho Kiều phá giới - cho nên lần tu thứ hai này rất là gay cấn. Những tưởng cứ  “sớm khuya lá bối phướn mây, ngọn đèn khêu nguyệt tiếng chày điểm sương” là đã “gửi thân được chốn am mây” rồi. Nhưng mà trăng vẫn sáng - trăng đưa lối như một bóng ma - trăng đưa đường như một con quỉ - chẳng bao lâu Kiều lại bị bước vào chốn đoạn trường.
Nguyệt là Tâm, nhưng có phải tâm Kiều muốn thế? Thưa không. Cây muốn lăng mà gió chẳng muốn ngừng. Tâm không muốn, nhưng thân lại bị đắm trong bùn.
Tiếc cho nước đã đánh phèn
Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần
Sao thế? Xin thưa
Hồng quân với khách hồng quần
Đã xoay đến thế còn vần chửa thôi
Thôi thì thôi
Biết thân chạy chẳng khỏi trời
Cũng liều má phấn cho rồi ngày xanh
Nguyệt là tâm, và nguyệt ở trên trời
Một vầng trăng khuyết ba sao giữa trời
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Cho nên trăng hay tâm cũng là trời. Trời hay tất mệnh - trời hay nghiệp số đào hoa cũng thế. Hỡi ơi
Chém cha cái số hoa đào
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi
Trong cuộc đời, khi ra làm quan với nhà Nguyễn, Nguyễn Du đã ba lần xin treo ấn từ quan, nhưng lần nào cũng chẳng đặng đừng. Trăng đã buộc như duyên tình đã buộc.
Nguyễn Du đã bày tỏ thuyết định mệnh và nghiệp báo trong Truyện Kiều. Và chính cuộc đời ông đã sống chết với một vầng trăng. Ông yêu định mệnh, nhưng vẫn muốn chống lại định mệnh, và nhận chịu mọi hệ quả của hành động phản kháng này.
Vầng trăng của đời Kiều, hay của Nguyễn Du là một vầng trăng duỗi dài hai bến hẹn
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường
Ý thức về định mệnh - cô đơn trong một chỗ đợi chờ - Nguyễn Du vẫn muốn hành động - muốn phiêu lưu - muốn đến một phương trời kia tạo dựng một cõi miền.
Đã có rất nhiều câu như Kim Trọng nói với Kiều :”xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Hay Tam Hợp đạo cô nói với Giác Duyên:
Sư rằng:”phúc họa đạo trời
Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra
Có trời mà cũng có ta
Và ngay phần đóng lại Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã viết
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Nhưng đó lại là một cõi miền dâu bể khác - ở đây chỉ nói về một vầng trăng mà Kiều đã phó thác. Tuy nhiên Kiều cũng đã và đang ở trên giòng sinh thức này, kiều ôm giữ một vầng trăng - khóc trong vầng trăng - đi trong vầng trăng - hát trong vầng trăng - và chết trong vầng trăng.

*

Cái ngày gặp Từ Hải là ngày Kiều gặp một bến bờ mới - ngày trăng thật sự lên ngôi - và Kiều tin rằng sẽ giã từ tất cả để chỉ khoác áo vàng đi trong vầng trăng - giã biệt cung đàn - giã biệt quê hương. Trong suốt cuộc đời, Kiều đã đánh đàn cho Kim Trọng nghe hai lần, đánh cho Mã Giám Sinh nghe, đánh một mình nơi lầu xanh, đánh cho Hoạn Thư và Thúc Sinh nghe, đánh trong đêm khao quân của Hồ Tôn Hiến, hoặc còn đánh nhiều lần đâu đó; nhưng tuyệt nhiên không đánh đàn cho Từ Hải nghe. Sao thế ? Xin thưa: đó là một điều bí ẩn.
Bây giờ giữa một mùa trăng sáng, giữa một giòng sông sâu, Kiều phải quyết định đời mình sớm hơn. Nàng bèn ôm lấy trăng nước sông Tiền Đường. Nhưng trước khi nhắm mắt, nàng vẫn còn thấy vầng trăng sáng - sáng cả trong tâm thức Kiều, khiến lòng nàng tan nát tân toan
Một mình cay đắng trăm đường
Thôi thì nát ngọc tan vàng thì thôi
Vầng trăng đã gác non đoài
Một mình luống những đứng ngồi chưa xong
Đêm trăng trải mấy đoạn trường, mà giòng sông thì dài như mộng - nước động và trăng xô - lô nhô dĩ vãng. Mãi! Đêm vẫn bất động - chỉ có yên lung hàn thủy nguyệt lung sa (Đỗ Mục)- và chỉ có ta là tâm thức quằn quại của Thúy Kiều dưới khoang thuyền định mạng. Kìa, khuôn mặt ai hay là trăng ảnh? - hay là máu của một mùa thu xưa - hay là mưa của một ngày xuân rụng? Vô số mặt trăng chợt ùa lên như chim nhạn. Vô số mặt trăng chợt sa xuống nước như những cánh hoa rơi. Ai đấy? Người xưa? Hay là người trong mộng. Hay là người trong mộ. Hay là ta giữa một cõi ta bà. Hay là trái tim - ôi trái tim sũng mộng - trái tim của một thời để yêu và một thời để chết.(Erich Maria Remarque) Chạy đi. Chạy trên những chiếc lá khô. Chạy trên những xác người. Chạy trên vô số những bàn tay - chạy trên rừng dâu - chạy trong vầng trăng sáng - chạy trên giòng sông sâu. Chạy trên đâu - chạy đi đâu - chạy đến đâu?
Thôi thì một thác cho rồi
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông
Đoạn trường đang mở ra hay khép lại mà khắp không gian chợt hối hả vô cùng. Kiều chết rồi trăng cũng chết theo.
Trăng nằm xuống duỗi dài hai bến hẹn
Một giòng sông vồn vã động chân trời (bùi giáng)

Trăng nằm xuống hay trăng vừa thoát chạy thì tấm lòng Kiều vẫn dang dở giữa mênh mông. Trăng giữa trời và trăng đáy nước. Phải chăng giấc mộng Trang Châu vừa trỗi dậy, và một thưở ai kia chàng thi sĩ ôm trăng cười say dĩ vãng đã cất cánh bay về cõi hư hoang. Và phải chăng bản đàn trăng nhập đã nhập lại vào trăng trong một kiếp ngậm ngùi.
Tóc trắng phau phau chợt bay lên gió lộng. Và đôi cánh thơ chở đầy mây trắng cũng chợt vun vút vào vầng trăng.
Hình như không gian hốt nhiên vừa ngất tạnh. Ai đã vừa quét sạch một con đường lá me bừa bãi rác? Ai đã vừa thu vén chợ chiều qua? Ai đã lau đi màu chiêm bao vừa mới đổ? Ai đã dứt bụi hồng chiêm bao đi về nẻo đó? Ai ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi?(Tản Đà) Mà ai biết ai là người khóc vầng trăng thuở ấy!
Một vùng cỏ mọc xanh rì
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu
Trong cõi mộng điêu tàn - cuộc chơi còn lẩn khuất.

 *

Mái tóc trắng của Nguyễn Du phải chăng là mái tóc của một vầng trăng bạc - tóc của bao mùa thu chết - tóc của bao mùa đông qua. Ôi tóc trắng phau phau mà còn gửi thân nơi nhà người - còn thơ thẩn cuối mùa trăng - còn lẽo đẽo giữa bụi hồng. Tóc trắng bay dưới trời trăng huyễn mộng - tóc trắng bay vương vấn cồn dâu - tóc xanh chìm xuống giòng sâu - mùa thu trở lá tăm mù cánh chim.
Hình như ngập ngừng lắm mẹ ơi ! Cả thế giới bỗng vô cùng dang dở. Trời xô mây đẩy mộng cuối con đường.
Tóc trắng khóc mùa thu con khóc võ vàng. Đường đã lên đồi con vùng dãy dụa. Mẹ bỗng đi như nước bỗng lìa ngàn. Trăng đã xa như ngấn nước vàng - tóc bạc trắng đến vô vàn mây trắng.
Mẹ ơi đầu xuân con băng mặt nhựt
Lượm giẻ màu xanh lau nhẹ chiêm bao ( Phạm Công Thiện)
Phải chăng chủ đề của thi ca là cuộc lên đường qui hồi cố quận. Giòng lục bát là một giòng thơ có khả năng bát ngát trên lối về
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Chị về cho mẹ ra đi - chị đi cho mẹ đi về dưới trăng
Mẹ về đứng ở đầu sân
Cuối cùng mẹ bước vô ngần mẹ đi (Bùi Giáng)

Đi và về. Trong một tiếng tang thương trải vô lượng đại dương thế giới. Về và đi trong đôi cánh của vầng trăng và giòng sông thủy triều. Lục bát Nguyễn Du đã tạo nên nhịp tư huyền diệu - nhịp của tứ tượng - nhịp của thiên trì hơi thở.

Hình như vầng trăng vẫn còn sáng lắm - sáng mênh mông trong một đêm mênh mông - sáng vàng một giòng sông sóng vỗ - sáng trắng một giấc mộng chưa tan - mà ô hay không phải trăng vừa mới chết đó sao ? Trăng vừa gieo theo một cánh hồng ? Trăng vừa đeo theo một trái tim đau ?
Ngọn triều non bạc trùng trùng
Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo
Phải chăng trăng là một ẩn ngữ ? Và đâu là chân diện mục của vầng trăng ?
Im lặng. Bởi vì :
Nàng còn thiêm thiếp giấc vàng chưa phai. Khách hồng quần đã tịnh khẩu? Ai có đủ tư cách đáp cho nàng? Nguyễn Du ư? Người ấy đang ngồi bên song cửa yên lặng nhắp chén rượu đời, mắt nheo nheo nhìn những cánh hoa rơi lả tả trên tấm thảm xanh ngoài trời thu ngất tạnh.
Đạm Tiên ư? Một hồn ma bóng quế - một mộ trăng kín cỏ mục lối về - ba lần cô đến từ cõi mộng xa khơi rồi bỏ đi cũng chưa tròn mộng – dấu cô chỉ là một chút hương thừa - một chút rêu xanh - chỉ còn một chút trăng vằng vặc - một chòm sao tâm, và dăm ba hàng mây trắng...
Nhưng mà vầng trăng tuy còn đấy - tuy còn mãi cũng vô ngôn.


tường vũ anh thy San Francisco 1980- trích trong THI ĐIỆP NGUYỄN DU 1982


Những bài trong Thi Diệp Nguyễn Du đã đăng trên blog này:

Nguyễn Du: lỡ từ lạc bước…

lời thêm: đọc lại những bài này viết từ 31 năm trước, có nhiều đoạn tôi không hiểu, nhưng vì tôn trọng nguyên tác tôi vẫn đánh máy nguyên si. Tôi nghĩ chắc lúc viết, tác giả hẳn đang lên đồng! Tôi  sửa lỗi chính tả và lỗi đánh máy lúc ấy chưa có computer, nhiều đoạn chồng chéo cả lên nhau. Tôi chỉ mới biết đánh máy vào computer khoảng một năm nay. Vậy để nói lại cho rõ: những chữ in nghiêng (italic) trong bài thơ Nguyễn Du hoặc những thành ngữ, những câu quen thuộc trong văn chương, ai cũng đã biết nên không ghi chú.










Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

mưa không tắt lửa


mưa không tắt lửa
khói bình minh pha tím rừng xanh
rừng xanh   rừng xanh
ánh vào cốc rượu sánh long lanh
cánh chim trắng bên con tầu đỏ
sóng nghìn trùng bập vỡ toang
trời chực đổ trong tranh vangogh
ôm em ôm cả thời chia phôi

mưa không tắt lửa
cửa em không khép
nắng nép trong khe
chẻ đôi con mắt
thành cổ loa lồng lộng
trái tim đầy ác mộng


con bọ ngựa giơ chân chém tình lang
đất thành mây
bay qua mặt trời gay gắt
tôi vẫn yêu
dẫu thế nào
xô hết mọi hoang liêu 

tvat

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

Nguyễn Du: lỡ từ lạc bước…




Mô tả Kiều trước mùa tảo mộ, Nguyễn Du đã dùng hai câu:
Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai
Hai câu thơ có khả năng nói lên tất cả tâm thức Kiều, chuyên chở toàn bộ định mệnh nàng. Nàng sống bên trong bức màn nhung gấm gia đình. Bề mặt tĩnh lặng này đã chiếm hữu Kiều, đã giành giật nàng giữa giòng sông nước lũ của một định mệnh mơ hồ. Bên kia bức màn nhung là những mùa thu chết trong cuồng điên tiết điệu ân tình – là những phương trời thăm thẳm của lữ khách bôn ba – là những cánh chim bay rợp cõi ta bà.
Ta để ý chữ “êm đềm” trong câu lục, và chữ “mặc” trong câu bát, mỗi chữ đều có những khả năng kỳ diệu. Nhất là chữ “mặc” đã khẳng định được tâm hồn Kiều đang vẫn bị giằng co hay cao ngạo, đang vẫn ý thức rõ ràng về cuộc đời và định mạng, giòng sông và cây cầu, giòng sông và thuyền đò. Nàng biết nàng là ai ? Trong quá khứ, những ngày còn thơ ấu, Kiều đã được nghe nói về mình:
Nhớ từ năm hãy thơ ngây
Có người tướng số đoán ngay một lời
Tinh hoa phát tiết ra ngoài
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa
Kiều lớn lên trong mơ hồ về một định mệnh mỏng manh chập chờn ấy. Như một cái “nhân” đã gieo, chờ đến mùa hội đủ “duyên” để “thành”. Kiều nhìn thấy nghiệp, nhìn thấy đời mình lúc xa lúc gần, như chiêm bao réo gọi. Suốt mười mấy năm trời nàng ôm “nhân bạc mệnh” của đời nàng để trả lời với những băn khoăn tra hỏi mà không thể trả lời. Nhân bạc mệnh vừa thôi thúc hành hạ Kiều, vừa trở thành thân thiết như một người bạn trong tâm, người tình trong trí, đã khiến nàng phổ thành khúc đàn tuyệt diệu, khóc trước cho đời nàng, khóc trước cho những cuộc tình, khóc trước cho những kiếp người, cho cõi người ta.
Khúc nhà tay lựa nên xoang
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân
Phải chăng Thúy Kiều, như Kinh Majjitrima Nikaya đã nói:”Tất cả chúng sinh đều mang theo cái Nghiệp(Karma) của chính mình như một di sản - một vật di truyền - như người chí thân-như chỗ nương tựa .Và Kiều nương theo khúc đàn bạc mệnh -khúc đàn trăng nhập - sẵn sàng cùng định mệnh bôn ba mở phơi đời sống. Cho nên nhất cử nhất động của Kiều trong ngày hội đạp thanh  là những tác động của định mạng trở cơn, của cô đơn cuộc lữ. Nàng mang theo tất cả thânmệnh trên đường đi dự hội, nhập cuộc chơi rất mực quần hồng.
Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao giòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
Bốn câu này không chỉ để tả cảnh, mà Nguyễn Du cực muốn vẽ ra những biểu tượng cho đời người. Ngọn tiểu khê chính để khơi lên giòng sông định mạng từ lâu Kiều hồi hộp đợi chờ, thấp thỏi mỏi mong với nhiều kiêu hãnh. Nó đang dần dần lộ ra như cái mầm của hạt nhân đang nở. Trong một vài sát na, Kiều nhận ra ngay ngọn tiểu khê của đời nàng trước mặt, đồng thời với một nhịp cầu mà nàng sẽ phải bước lên. Lòng nàng chợt nao nao. Từ bao lâu nàng chờ đợi, thì giờ đây, kìa đã đến! Đến một cách tình cờ quá; chuyện Đạm Tiên được kể ở đây như một duyên tiền định. Hốt nhiên Kiều thấy đau thương xa xót. Nàng muốn…hình như nàng cố sẽ khác đi, hay sẽ là thế ấy…
Nếu nhìn cuộc đời như một giòng sông thì đâu là chuyến đò, đâu là cây cầu để vượt qua ?
Câu hỏi hốt nhiên mở ra những phương trời đồng vọng - những giấc mộng đầu tay, có mưa bay và trăng tà - và hỏi cũng là đáp -từ đấy mộng phơi thềm nhật nguyệt - thân là cầu - tâm là thuyền - cùng dìu nhau vào cuộc túy lúy càn khôn - tồn sinh sử lịch - ngất tạnh trời thu…hỡi ơi! Trăm năm trong cõi người ta, những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Cuộc đối thoại của ba chị em Kiều trước mộ Đạm Tiên là cuộc tra vấn nội tâm của riêng Kiều. Đây là giây phút mãnh liệt nhất của Nhân & Duyên. Trước khi thuận theo giòng sông định mạng, Kiều còn cố gắng yếu ớt từ chối nụ hôn của người tình. Kiều hiểu rằng, trên đường lữ thứ, nàng sẽ chỉ còn trông cậy vào chính nàng. Cô đơn & Vô úy, đó là cung cách duy nhất để lên đường. Nhưng Kiều chưa thành tựu cung cách ấy nên nàng tâm thật vẫn nao nao
Nỗi niềm tưởng đến mà đau
Thấy người nằm đấy biết sau thế nào
Tâm trạng này là tâm trạng chung của những ai lần đầu tiên đối diện với chính mình trên giòng sông định mạng.
Trước nay khi phân tích Truyện Kiều,người ta đã không ngớt nói về Kim Trọng như một người tình của Kiều mà chiết tự cái tên nghĩa là tấm lòng chung thủy. Nhưng bảo Kim Trọng là người tình lý tưởng, đóng vai quan trọng nhất đời Kiều thì không đúng.
Về khía cạnh luyến ái, Kiều có đem lòng thương yêu Kim Trọng, nhưng là một thứ tình ước lệ và đợi chờ. Nàng rung động như một tình cảm đầu đời, nhưng thâm tâm thì biết rằng không phải - không phải chiếc cầu, không phải chuyến đò, không phải bến đỗ. Nàng chỉ cố thử, gượng xem “nhân định” có thắng “thiên” không. Thử xem nàng có thể không phải là nàng chăng? Nàng là ai? Là khúc đàn bạc mệnh? Là hồng nhan đa truân? Là kẻ lữ hành đơn độc trên giòng sông muốn trôi về biển cả? Không, tất cả vẫn chưa lộ diện. Tất cả vẫn là điều bí ẩn mà Kiều sẽ phải khám phá…
Cuộc gặp gỡ Kim Trọng bên ngọn tiểu khê, bên mộ Đạm Tiên, là cuộc gặp gỡ đầu tiên và cuối cùng của đời Kiều, hay là cuộc gặp gỡ của phân ly giữa Tài, Thời, và Mệnh. Hai câu kết mô tả cuộc gặp gỡ ấy:
Dưới cầu nước chẩy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha
Nguyễn Du mượn lại ngay ngọn tiểu khê và cây cầu để nhắc nhở người đọc, nhắc nhở Thúy Kiều. Dù Kim Trọng đã có mặt thì giòng sông vẫn cứ trôi, và khách hồng quần vẫn cứ truân chiên bôn bả trong trời chiều giục giã. Ta để ý chữ trong veo và chữ bóng chiều. Kiều phải hiểu ngay rằng đời nàng đang trên đường quạnh hiu của định mệnh. Định mệnh ấy như một thập tự hồng, biểu tượng của đóng đinh và cứu chuộc. Kiều sẽ bị buộc chặt vào phân ly, lưu đày, và cái chết vì chính Kiều và vì cõi người ta. Không có sự lựa chọn, hay Kiều đã chọn lựa từ tiền kiếp nghiệp lai? Không có cơ hội nào để thử thách, hay Kiều đã và đang thách thức trọn cuộc đời?
Sau 170 câu, Nguyễn Du đã đặt Kiều trước định mệnh, đã đưa Kiều đến đầu đời ly biệt, đã dẫn Kiều đến mép một giòng sông quạnh quẽ. Trước và sau Kiều hoàn toàn cô đơn và cô độc. Cha mẹ nàng, em trai em gái, rồi người tình người thù người ơn v.v. tất cả chỉ là bối cảnh của giòng sông, hay là “duyên” tác động trên cái “nhân” đời Kiều. Tuy thương yêu Kim Trọng, nhưng chàng không không phải là người đủ điều kiện hiểu Kiều, giữ Kiều và giúp Kiều. Trước và sau, Kim Trọng chỉ là một chàng trai ước lệ của Nho Giáo cộng với sự đam mê ủy mị. Kiều có lòng muốn mượn chàng, về phe với chàng, cùng chàng thử xoay lại định mệnh. Nhưng Kim Trọng đã không nhìn ra Kiều, mặc dù chàng yêu Kiều rất mực. Để nói lên điều này, Nguyễn Du đã tả ngay cái cảnh Kim trọng tương tư đi tìm lại bóng dáng người đẹp :
Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người
Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi
Một vùng cỏ mọc xanh rì
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu
Kiều đã đi theo giòng tiểu khê mất rồi, làm sao Kim Trọng có thể thấy lại. Yêu là nhìn thấy nhau trong định mạng. Trước những biến cố dồn dập trong nội tâm Kiều, Kim Trọng không hề hay biết, bởi vì đó là những phương trời xa lạ đối với chàng. Mặc dầu Kiều đã hết lòng hết dạ, cố gắng bày tỏ tâm tình, cố gắng giắt Kim Trọng đến giòng sông chỉ cho chàng thấy đời mình ở đó. Nhưng tuyệt nhiên Kim Trọng không thể hiểu, không thể thấy. ( xem Kiều từ câu 410 đến câu 568). Đến nỗi Kiều phải nói những lời kỳ dị:
Bây giờ giáp mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao !
Kim Trọng vẫn ngớ ngẩn mừng rỡ “làm lễ rước vào”. Kiều phải gẩy “khúc bạc mệnh” là lá bài chót giúp Kim Trọng hiểu mình. Kim Trọng đã suýt nhìn thấy, hay chàng vừa chợt thấy đã kinh hoàng che mắt bỏ chạy khi buột miệng nói:
Rằng: hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
Lựa chi những bậc tiêu tao
Dột lòng mình cũng nao nao lòng người
Kiều càng nuôi hy vọng vào tình yêu Kim Trọng bao nhiêu càng sa chân vào cõi ly biệt bấy nhiêu. Sự thất bại của Kim Trọng cũng là sự thất bại của con người cuả thời đại cũ, không còn thích hợp với những đổi thay. Trái lại, sự thất vọng của Kiều lại là một khát vọng khai mở, một thành công của ý thức bùng vỡ.
Nơi đầu đường lữ thứ ta thấy Kiều đang hoàn toàn sống trong sự dằn vặt, thổn thức, toan tính, đắng cay khăn khó sau buổi chiều chơi mả Đam Tiên, gặp Kim Trọng; sau buổi chiều nhìn thấy bóng đời mình trên ngọn tiểu khê và cây cầu gỗ nhỏ. Thời gian bây giờ đang vùng vẫy như cá trong đăng, như chim trong lưới, như gió trong cây, như mây trong núi, như nước trong ghềnh. Dĩ vãng hiện tại tương lai cùng lúc đứng lên
Rộng đường gần với nỗi xa bời bời
……………………….
Ngổn ngang trăm mối bên lòng
Nàng thấy trăng như xa mà gần, như hiền mà ác, nơi phương trời nào xa lắm, bóng nàng đang mải miết cô liêu
Một mình lưỡng lự canh chầy
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh
Ai đã xô Thúy Kiều vào cuộc lữ ? Ai đã đưa mộng dữ vào trướng hoa màn rũ ?
Ma đưa lối quỷ đưa đường
Cứ tìm những lối đoạn trường mà đi
Thấp thoáng sau khuôn mặt Kim Trọng – sau khuôn mặt ước lệ tình cảm và truyền thống – là hình ảnh Đạm Tiên – là hình ảnh chính mình – hình ảnh cuộc đời gió bão nổi trôi – hình ảnh của tử sinh – của ước muốn chế ngự và vượt thoát…Như đã trình bày, Kiều muốn cùng Kim Trọng xây dựng một cuộc đời ngược lại với định mệnh, ngược lại với khuynh hướng “bạc mệnh & đa truân” vốn là nhân đã gieo trong tâm thức nàng. Nhưng sự phân ly giữa Tài, Mệnh và Thời đã để cuộc toan tính kia đổ vỡ. Kim Trọng đã đến chậm như Thủy Tinh, để cho Đạm Tiên tới trước. Đạm Tiên chính là hình ảnh của ngọn tiểu khê và cây cầu gỗ nhỏ - chính là bóng dáng khủng khiếp về nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa
Thưa rằng :”thanh khí xưa nay
Mới cùng nhau lúc ban ngày đã quên?
Hàn gia ở mé tây hiên
Dưới giòng nước chẩy bên trên có cầu…”
Trong tiểu thuyết “Hình Bóng” của Dostoevsky, và truyện ngắn “William Wilson” của E.A.Poe * mang chủ đề cuộc đời và định mạng, đều nói lên sự giằng co giữa Thiện & Ác, Sắc & Không; và kết thúc bi thảm trong cơn lốc hư vô. Với Nguyễn Du và Truyện Kiều, đây chỉ là những bước đầu tiên bối rối. Chỉ trong một buổi chiều, Kiều gặp cả Kim Trọng và Đạm Tiên. Kim Trọng là sắc Đạm Tiên là không. Rồi sau đó Đạm Tiên sẽ là sắc và Kim Trọng sẽ là không. Lúc đầu Đạm Tiên chỉ là lời kể của Vương Quan, rồi hiện ra bằng những điềm và dấu vết :
Một lời nói chửa kịp thưa
Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay
Ào ào đổ lộc rung cây
Ở trong dường có hương bay ít nhiều
Dè chừng ngọn gió lần theo
Dấu giày từng bước in rêu rành rành
Như thế Đam Tiên là từ không mà tới. Khi Kiều gặp Kim Trọng với thân xác “đề huề lưng gió túi trăng, sau chân theo một vài thằng con con”, Kiều trở về trướng loan “một mình lặng ngắm bong nga” thì Kim Trọng chỉ còn là cái bóng mơ hồ “người mà đến thế thì thôi… “ Trái lại, Đạm Tiên bỗng hiện ra bên Kiều quyến luyến và thân thuộc như kẻ “đồng hội đồng thuyền”; cùng nhau xướng họa thơ văn.
Phải chăng Sắc và Không, Thực và Mộng là những biến cố đầu đời; là căn bản tư tưởng cho một hành trình đi vào cuộc lữ ? Trong đó, tựa như bài Kinh Bát Nhã: “ Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”. Đây cũng là yếu tính tối thượng của tư tưởng đông phương mà Nguyễn Du muốn thể hiện. Vì thế mà Truyện Kiều đã không kết thúc ở sông Tiền Đường, mà lại bằng hai câu:
Lời quê góp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh
Đạm Tiên đến với Kiều trước sau bốn lần trong ba giấc mộng, ba chặng đường. Và Kiều đã “sống” cuộc đời Đam Tiên, “chết” cuộc đời Đam Tiên, rồi “vượt” cuộc đời Đam Tiên. Kiều không sống cuộc đời Kim Trọng, không chết cuộc đời Kim Trọng, mà nàng chỉ thể hiện nỗi nhớ tình cảm đầu đời. Cuộc trùng phùng ở hồi chung cuộc là sự lìa bỏ mọi chấp tướng của hành giả đã vượt thoát mọi bến bờ.
Thế giới ta bà là cuộc đời hỗn loạn, hư dối, lừa đảo; trong đó mỗi người là một Hình & Bóng trái ngược và toan tính, tựa như thế giới Rashomon** của nhà văn Nhật Bản Akutagawa. Thúy Kiều đã kinh qua thế giới này với biết bao đoạn trường; để rồi nàng ôm giữ một vầng trăng, tụng cho đời bài Bát Nhã Tâm Kinh. Kiều đã từ thế giới ấy đi ra, rồi lại từ thế giới ấy đi vào. Trước và sau, khép và mở, ra và vào, chỉ là một Bài Kinh Cứu Khổ.
Phải chăng đó cũng là hình ảnh của Nguyễn Du ?
Thúy Kiều đã bước vào đời sống bằng sự day dứt giữa Sắc và Không; bằng sự phân ly Tài, Thời, và Mệnh. Nàng lìa bỏ mái ấm gia đình, lìa bỏ quê làng để lưu lạc trong trùng trùng đất khách quê người. Bề mặt, sự ra đi của nàng do biến cố gia đình thúc đẩy  (bán mình chuộc cha). Đó cũng là lý do nàng từ bỏ Kim Trọng, từ bỏ cuộc tình và cuộc đời ước lệ. Bề sâu, nàng ra đi bởi sự thôi thúc của ý thức độc lập, hành động tự do, khát vọng khơi mở và thách thức. Đồng thời với cô đơn và phản kháng, chung quanh nàng không có đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu, không có tương quan ý thức, không có thăng bằng xã hội…Chung quanh nàng chỉ bị bao vây bởi ước lệ, truyền thống, sự bất công thối nát, sự giả trá nặng về hình thức, sự vô thường của cuộc đời… Và Kiều đã từng làm ni cô, từng theo Từ Hải năm năm hùng cứ một phương hải tần. Tuy không đi sâu vào chi tiết, nhưng cũng đủ thấy bước chân đầu tiên Kiều muốn bước là bước chân Dịch Biến – là cuộc lên đường qui hồi cố quận – là cánh chim bay vào mây trắng – là ý thức bất nhị -   là giòng sông chảy cuồn cuộn về phía biển – là con đường không con đường …Không phải để đi tìm cây cầu hay con thuyền; mà chính là để trở thành cây cầu, trở thành con thuyền. Đó cũng là lời mở của bài Bát Nhã Tâm Kinh: quán tự tại bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thế khổ ách.
Thế mà bước chân ấy lại:
lỡ từ lạc bước bước ra
tấm thân đã liệu từ nhà liệu đi

Tôi nghe đâu đó ngoài biển xa tiếng sóng đổ dồn ầm ỹ rồi bất chợt gió lùa mùi muối mặn đặc biệt của thái bình dương.

*truyện này tôi chưa đọc, chỉ xem phim của Louis Malle với tài tử Alain Delon và Brigitte Bardo trong bộ Histoires Extraodinaires gồm ba truyện ngắn của Poe, thêm các đạo diễn Fellini và Roger Vadim; chiếu ở Sài Gòn thập niên 1960.
**phim của Akira Kurosawa với tài tử Toshiro Mifune, cũng chiếu ở Sài Gòn thập niên 1960.


tường vũ anh thy San Francisco 1980- trích trong THI ĐIỆP NGUYỄN DU 1982


Những bài trong Thi Diệp Nguyễn Du đã đăng trên blog này:

 Nguyễn Du & Người Gẩy Đàn Thành Thăng Long