điêu khắc

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Trong Lòng Gỗ Quan Tài - sáu


 truyện nhiều kỳ

sáu


Đừng chán nản! Ta tự nhủ và trở mình nằm sấp. Tứ chi bốn góc quan tài, ta bắt đầu đo đếm. Điểm chính giữa sẽ là sống lưng. Tất nhiên sống lưng không chịu nổi một cú đội. Chỉ còn đầu, hai vai, và hai mông. Đầu cũng bị loại. Ta cân nhắc giữa vai phải và mông phải. Không hiểu sao ta bỗng nhớ câu chuyện lục tổ Huệ Năng kể trong kinh Pháp Bảo Đàn. Khi lục tổ được bí truyền y bát, giữa đêm còn đen kịt đã vội vã trốn về phương nam. Tăng chúng biết được ráo riết đuổi theo. Trong số người đông đảo đuổi, có một vị tăng nguyên là võ tướng bản lãnh cực khỏe tên Trần Huệ Minh. Ông ta lại có thuật khinh công “phi mao thoái” lướt nhanh như chồn sóc nên không mấy chốc đuổi kịp Huệ Năng. Biết không thể đối phó bằng sức mạnh, Huệ Năng bèn để y bát trên một tảng đá, rồi ngồi ẩn trong bụi cỏ chờ xem diễn biến. Trần Huệ Minh nhìn thấy y bát rành rành, tức thì mừng rỡ chụp ngay. Nhưng cũng ngay khi ấy lòng ông ta rộn lên: sao có thể lấy y bát dễ dàng thế? Bao nhiêu người muốn tranh đoạt y bát này thì họ có chịu khoanh tay cho ta mang y bát đi không? Y bát là vật bảo tín truyền từ sơ tổ Đạt Ma ắt phải có danh phận mới được giữ gìn, nếu mình dùng sức mạnh chiếm lấy thì có danh chính ngôn thuận không? Mình xuất gia tu học mong tìm Phật hay tìm y bát? Người được kế truyền y bát chính thức kia là ai? Đó là ta đoán chừng trong tâm tư Trần Huệ Minh ngần ngừ chưa dám nhấc y bát lên, chứ không phải phép lạ nào giữ chặt được y bát vào tảng đá. Ừ sao ta nghĩ đến chuyện này vào lúc này làm gì nhỉ? Ta đang nhẩm tính cách cạy phá nắp quan tài cơ mà? Ồ phải rồi! muốn cạy phá nắp quan tài không thể chỉ dùng sức. Sức ta đâu có nhiều. Phải dùng cả thân tâm may ra mới cạy phá được. Ông Trần Huệ Minh quì trước tảng đá có y bát nói: tôi vì Phật pháp tới đây chứ không phải vì y bát. Lục tổ Huệ Năng bước ra ngồi lên tảng đá bảo: nếu thế ông có thể im lặng, bặt hết duyên trần, không sanh khởi một niệm. Tất cả đều yên vắng. Lát sau Huệ Năng nói: Không nghĩ thiện, ác, chính ngay chỗ đó là bổn lai chân diện mục của Minh Thượng Tọa. Vừa nghe câu ấy, Huệ Minh đại ngộ. Theo lời lục tổ, ông đi đến Viên Châu, sau trụ tu ở Mông Sơn (Tứ Xuyên), đổi tên là Đạo Minh. Tương truyền Đạo Minh đại sư từng thuyết pháp cho quỷ được vãng sanh, mở ra tập tục cúng tế các cô hồn ma quỷ gọi là “Mông Sơn Thí Thực” vào mỗi mùa thu, trùng dịp lễ Vu Lan. Ta từng dự lễ này nhiều lần. Thì ra nãy giờ ta mải nối kết chữ “mông”. Nó hiện ra rồi mãi một đoạn kinh truyện dài ta mới hiểu chữ “mông”, cùng âm nhưng dĩ nhiên hoàn toàn khác nghĩa với tên địa lý “Mông Sơn”. Ta bật cười hích hích! Xin lỗi, ta chẳng hề cố ý diễu cợt hay báng bổ gì đâu. Tại ta đang cân nhắc nên dùng vai hay mông để húc nắp quan tài. Những liên tưởng nhì nhằng làm ta kinh ngạc về đầu óc con người. Nó khác với Google nhiều đấy chứ. Nó làm ta tự tin trở lại. 
(còn nữa) 

đọc lại kỳ

một

hai

năm


2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Xin chúc mừng tác giả TVAT. Công lực sáng tác còn dồi dào, mà lại đa tài nữa. Nghệ thuật điêu khắc đã kinh, lại còn văn thơ. Thế này thì ông Trời không công bằng, trao cho một người quá nhiều tài năng.

Đọc truyện Trong Lòng Gỗ Quan Tài rất lý thú. Tác giả đã hình dung ra được một tình huống lạ kỳ, nhưng lại miêu tả nó với thái độ khá dửng dưng, sử dụng khả năng phân tích, suy luận thay vì cách kể truyện theo kiểu liêu trai thường thấy.

Nhưng ưu điểm này có thẻ tự nó cũng là khuyết điểm. Dường như nghe giọng nói của tác giả hơn là của nhân vật (có thể vì đã chơi thân với tác giả nên quen thuộc với giọng nói). Nếu tác giả lắng giọng mình xuống, nếu kềm chế các chi tiết về kiến thức đi, có thể tác phẩm sẽ thành công hơn chăng?

Đ N Thắng

Henry nói...

Rất đồng ý với dòng còm của bạn Thắng, và hy vọng rằng ở một đoạn nào đó tạm kết, chúng ta sẽ nghe được giọng nói của nhân vật chăng? Mong thay! Mong thay! Hì!