điêu khắc

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Trong Lòng Gỗ Quan Tài - hai



 truyện nhiều kỳ

hai

Bây giờ không phải là kỳ cục, mà kỳ lạ. Sao ta lại ở trong quan tài? Quan tài này đã chôn chưa? Thất kinh ta nhổm lên. Nhưng cụng đầu vào vách gỗ. Không ngồi được. Bình tĩnh, ta tự nhủ. Nhớ rằng nếu sợ hãi, người sẽ tiết ra chất adrenaline. Đó là những hoọc-môn giao tiếp (pheromone), nó sẽ tấn công thể tạng từ bên trong, khiến đổ mồ hôi hóa chất, báo cho bên ngoài biết, và lập tức bị tất cả mọi tấn công từ bên ngoài, lâm vào tình trạng trong ngoài thọ địch. Nguy hiểm lắm. Ta vội nhớ lại nhưng điều học được trong kinh sách. Hành giả trên con đường xuyên qua những cảnh giới, những ma sự, điều đầu tiên là phải tự tin, dũng mãnh, không sợ hãi. Hai bàn tay hãy lỏng. Đây là ấn quyết thí-vô-úy. Ta nằm yên lặng làm theo. Hít thở theo pháp luân thường chuyển. Dần dà nghe được tiếng trái tim chậm lại. Nghe được sự tịch mịch chung quanh. Mũi làm việc nhiều hơn. Ta bắt đầu ngửi ra mùi gỗ đất, và phảng phất những mùi phức tạp. Có lẽ ta bị chôn sống vội vã. Không tẩm liệm.
Giờ thì ta chỉ còn trông mong vào khả năng của mũi. Và ta nhận ra không khí không có nhiều. Phải tiết kiệm không khí. Ta nghĩ đến cái bào thai còn sống trong bụng người mẹ đã chết. Bào thai sẽ chỉ được cứu khi được mổ đem ra. Ta sực nhớ đến cái điện thoại di động. Vội lục túi. Rỗng không. Thất vọng quá. Nhưng ta không phải là bào thai. Ta có quá khứ, có khứu giác và nhiều thứ. Ta phải cứu được ta. À, bây giờ phải hết sức dè sẻn không khí. Hãy thả lỏng. Ta ra lệnh cho toàn cơ thể. Mi tuyệt đối không được làm việc cho đến khi có lệnh mới! Nghĩ đến điện thoại di động ta lại nhớ đến báo cáo khoa học về loài ong. Trong không gian có vô số sóng từ trường. Loài ong theo sóng từ trường của hoa để đi lấy mật. Nhưng gần đây sóng của điện thoại di động đã làm nhiễu từ trường nên ong không tìm được hoa. Kết quả là rất nhiều ong đã bay lạc và chết vì đói. Dĩ nhiên trước sau gì ong cũng chết như mọi loài, kể cả người. Nhưng vấn đề là ong đã không làm được việc mai mối của nhiều giống đực và cái, gây tai hại giây chuyền cho cây trái. Thật là bế tắc. Ta chép miệng thở dài. A không được thở dài. Phải tiết kiệm mọi năng lượng. Nhiễu sóng cũng như nhiễu tâm thôi. Từ từ rồi sẽ tìm ra giải pháp.
Ta nhớ thuở thiếu niên từng tập hành xác: nằm bất động trong bóng tối dưới gầm giường. Vài con gián bò qua thân thể. Có cả con chuột đến gặm gặm ngón chân. Ta vẫn cố không nhúc nhích. Bây giờ áp dụng cách thức ấy vào hoàn cảnh này thật dễ dàng. Ta bắt đầu ngửi thấy không khí ở trong gỗ. Gỗ có nhiều khe li ti. Ta nhớ những thớ gỗ khi đẽo gọt tượng. Chỉ cần lách mũi dao hay mũi đục là có thể tách chúng ra hoặc luồn vào nhẹ nhàng. Ta lại nhớ đến Trang Tử kể chuyện người mổ trâu, trải bao nhiêu năm mà con dao vẫn nguyên vẹn, không bị cùn. Ấy là nghệ thuật tìm khoảng trống. Ta nhớ ra rồi: khoảng trống chính là nghệ thuật điêu khắc của Archipenko. Ông tình cờ để hai lọ hoa cạnh nhau, và tình cờ nhìn thấy một lọ hoa khác không có mặt, đứng ngay giữa hai lọ hoa kia. Hì hì! Thế là lại rơi vào không tánh của Phật giáo. Nhưng ta thực tình thích cả ba nhà điêu khắc trẻ thời đó đã trao đổi giúp đỡ nhau: Brencusi người Lỗ, Archipenko người Nga, và Modigliani người Ý. Riêng Modigliani vẽ nhiều hơn làm tượng, nhưng tượng của anh ta rất đặc biệt, như mới lấy từ đất ra. Cả ba anh chàng này ở ngay bên cạnh thiên tài Rodin, nhưng tuyệt đối xa lánh Rodin. Thật là tuyệt. Còn ta …
Ta khẽ nghiêng mũi áp vào vách gỗ bên trái. Mùi gỗ này cũ và khô. Loại gỗ tạp đã trải qua nhiều nắng. Bất ngờ có tiếng rích rắc rất nhỏ trong thớ gỗ. Có lẽ bình thường ta không thể nghe được. Nó nhỏ đến nỗi nếu ta thở nhanh hơn một chút là mất tăm. Nhưng dù sao thì âm thanh đó cũng không còn. Ta gần như nín thở rất lâu để chờ nghe một tiếng nữa. Nó có một tín hiệu mà ta chưa nhận biết. Bình thường gỗ hay vặn vẹo vì khô đi. Nó kêu những tiếng trắc. Còn tiếng vừa rồi hình như ngả sang bình. Âm ngang của nó lan đến môi ta. Nếu đúng như ta đoán thì sẽ có nước ngấm vào. Và nước chắc rất ít, chỉ như của một giọt sương. Ta đang ở thành phố San Francisco đầu tháng mười một. Cũng còn có sương bụi về đêm. Thôi đừng lẩn thẩn lang bang loay hoay xác định thời gian với không gian nữa. Ừ thì cứ cho là cỗ quan tài này đang vào đêm hay về sáng. Rồi sao ? Ta bị mất hướng. Yên ắng ngửi trở lại. Ta khẽ quay mũi sang bên phải. Có một chút tín hiệu mơ hồ. Có thêm chút không khí mơ hồ. Ta nghĩ đến con ốc sên. Loài này có tới bốn cái mũi. Xương nó lại ở bên ngoài thịt. Cừ thật. Nó chỉ sinh hoạt bằng mũi thôi. Xương ta thì ở bên trong, thịt ở bên ngoài, và chỉ có một cái mũi . Ta thất sách hơn nó nhiều. Ta lại nhớ đến chuyện Cái Mũi của Nikolai Gogol, một truyện ngắn tuyệt diệu. Nhưng tuyệt diệu nhất vẫn là chuyện của Bồ Tùng Linh trong Liêu Trai Chí Dị. Ông kể một vị sư mù, có khả năng đọc bằng mũi. Cứ đốt bài văn lên, vị sư ngửi khói tro mà hiểu hết. Lại còn phê phán rất sáng suốt. Kỳ lạ thế. Ta nửa tin nửa ngờ. Cái mũi là phần nhô cao nhất của cơ thể người. Nó có nhiệm vụ giao tiếp với thế giới. Nhất là thế giới tình ái. Mũi có tới hơn 50 triệu tế bào và đầu giây thần kinh để thông tin. Hình như ta lại nhận được thêm tín hiệu. Mũi ta ngửi dọc theo lườn gỗ phải. Có vài chỗ ta biết chắc không bị đất lấp kín. Do đó có nhiều dưỡng khí. Ta khe khẽ trườn uốn, đưa mũi như con sên, chậm chạp ăn nuốt không khí. Ta vẫn thích mở mắt ra, dù không nhìn thấy gì. Ở khoang cuối quan tài có nhiều dưỡng khí hơn. Ta đoán là đất bên ngoài ít, hoặc xốp. Ta kiểm soát các túi mặc nhiều lần nữa. Ta cần bộ chìa khóa xe chẳng hạn. Nó sẽ giúp ta cạy nạy các thứ. Nhưng tuyệt đối không có gì. Ta nghĩ chắc bộ quần áo này ta đã mặc trước lúc bị ngất đi, và ai đó bỏ ta vào quan tài đem chôn. Chiếc áo khoác màu nâu, chiếc áo tay dài hiệu Kuhl màu gạch thẫm ta chọn mua  ở REI năm ngoái. Cái quần đen cùng hiệu. Ta đang phục hồi trí nhớ. Cắc cớ nhất là ta ngất đi lúc nào và tại sao. Ta bị đột ngột biến mất ? Mọi người đã biết ta bị mất tích chưa ? Chợt thấy ù tai. Dấu hiệu thiếu dưỡng khí. Thôi đừng nghĩ. Hãy tập trung vào hơi thở…

(còn nữa)
Đọc lại kỳ 

một

1 nhận xét:

Henry nói...

Cái lọ hoa khác không có mặt, đứng ngay giữa hai lọ hoa kia vẫn còn hình tướng, vẫn còn sinh diệt. E rằng, điều đó, vẫn chưa hẳn là Tánh Không trong kinh Phật.

"Không sinh cũng không diệt
Không thường cũng không đoạn
Không một cũng không khác
Không đến cũng không đi".
(Long Thọ)