truyện nhiều kỳ
ba
…Có lẽ ta đã ngất đi không biết bao lâu. Giờ thì ta cảm thấy mệt và muốn tiểu. Ta sẽ phải tiểu thế nào để giữ sạch sẽ không bị khai ? Nước tiểu sẽ rất có ích. Ta nghĩ cách giữ lại số nước tiểu này. Hay là cất nó vào tay áo? Ta dùng răng nhấm nhấm tay áo như loài chuột. Răng ta vốn sắc và chắc. Ta chưa bao giờ phải đến nha sĩ. Thường ta cũng có bàn chải đánh răng trong người. Ta lại có thói quen kỳ cục là luôn luôn để tăm ở túi quần. Ta kiểm soát lại túi quần. Chả có gì cả. Mãi mới thấy còn cây tăm giắt vướng trong khe túi. Ta khoái trá cười: kẻ nào lục soát mà vẫn còn sót một cây tăm. Ta luôn luôn chà rửa răng bằng bàn chải mà không cần thuốc đánh răng. Sau đó dùng tăm. Ồ, chỉ là cách vệ sinh ta học được từ côn trùng. Chúng rất sạch sẽ. Có lần ta đứng xem một con ruồi bậu ở bệ cửa sổ. Ánh nắng soi rất rõ. Nó dùng chân trước lướt qua miệng rồi chải chuốt râu mặt mắt mũi. Đổi chân, và nó dùng chân sau rửa mình. Y hệt các con chim tắm ở vũng nước. Hình như phải rất sạch nó mới phản ứng nhanh nhẹ. Có điều ta vẫn phải xa lánh chúng vì không muốn bị các hóa chất của chúng xâm phạm. Côn trùng luôn tiết ra chất làm mềm thực phẩm để chúng dễ tiêu thụ. Chúng là bậc thầy về vũ khí hóa học đấy. À, ta đã nhấm được một đoạn tay áo. Dùng răng và tay, xé ra rất dễ. Ta nghiêng mình, lấy miếng tay áo hứng nước tiểu. Ta có thói quen bấm mười ngón chân xuống sàn, hơi kiễng người lên. Tư thế này bao giờ cũng làm nước tiểu bắn xa. Đó cũng là bí quyết của người xưa giữ sự điều hòa và tăng sinh lực trong phòng the. Tình cờ bấm chân vào ván ta mới đoán được quan tài này không chắc chắn lắm. Tiểu xong ta gói miếng vải nhét vào một góc. Ta phải làm quen ngay với mùi amoniac để không bị hắt hơi và váng đầu. Muốn làm quen, với người hay vật hoặc môi trường, trước hết là sẵn sàng mở cửa thân tâm mình. Sau là sẵn sàng lãnh đủ. Nhờ cách ấy ta rất ít khi bị dị ứng với hoa cỏ thời tiết, và đám đông. Hồi còn trong quân ngũ, một dạo ở rừng biên giới, rất dễ bị sốt rét vì nước và muỗi. Nước chỉ có dưới hố bom B52. Ta tập uống một ngụm nhỏ ngày đầu để nghe ngóng phòng ngừa. Hôm sau uống nhiều hơn. Rồi ta uống thoải mái không bị gì. Ai làm theo kiểu của ta cũng đều an toàn. Cũng như tiêm chủng vậy thôi. Nhưng điều cần là tâm phải sẵn sàng.
Ta nằm yên suy tính. Nếu quan tài không chắc chắn thì ta có đủ sức phá nó ra không ? Ướm thử ngón chân cái. Tốt nhất nên tập trung sức để đạp một cú thôi.Ta nhớ hồi trẻ chơi thi đi giầy có vớ, chạy qua vũng nước, ai ướt vớ nhiều là thua. Kỹ thuật là dồn toàn sức vào mũi giầy. Khi chạy, phải điều khiển mũi giầy thật nhanh nhẹn chính xác. Mũi giầy vừa chúi xuống nước làm nước vẹt ra, thì phải rút chân lên ngay trước khi nước tụ về làm ướt giầy và thấm vào vớ. Ta muốn áp dụng để thử phá nắp quan tài.
Nhưng chắc ta phải dùng gót thay vì các ngón chân. Lấy khuỷu tay, lưng và mông làm điểm tựa. Khẽ trườn lưng xuống, ta ướm thử hai gót chân lên nắp. Không được. Chật chội quá, ta khó xoay sở. Đành dùng cả bàn chân. Không có khoảng cách đủ để lấy đà. Ta sẽ đẩy hơn là đạp. Cứ thử xem. Kiểm điểm hơi thở. Tốt nhất là đi ba vòng pháp luân thường chuyển. Đây là phương pháp thở ta học được từ một vị sư Tây Tạng. Ta đem hơi thở xuống bàn chân. Cách vận dụng rất giản dị : hít vào bình thường bằng mũi rồi mang lượng không khí từ từ tới nơi muốn đến. Đến rồi thì bỏ đi. Đi qua hậu môn, ở đây có một cơ vòng để co thắt; về bụng rồi theo miệng ra ngoài. Miệng cũng có cơ vòng, tập nó bằng cách nuốt nước miếng. Ta từng tự chữa những nơi đau chốn mỏi trong cơ thể mà chưa bao giờ dùng đến thuốc men từ khi học được phép thở này. Phối hợp với cách ăn uống sẽ tránh được nhiều bệnh. Đã hơn hai mươi năm ta chưa từng phải đi bác sĩ khám. Ấy thế mà bây giờ lại đang bị chôn sống không hiểu lý do! Ta bỗng thấy thương mình. Lại chép miệng. Ta vừa làm hỏng vòng thở. Bắt đầu lại nhé. Hết vòng thở thứ ba, ta dồn toàn lực đẩy một cú chân lên nắp quan tài. Bịich !
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét