điêu khắc

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Cao Bá Quát: về giữa tử sinh




Trong sớ xin từ chức giáo thụ ở Quốc Oai, Cao Bá Quát lấy cớ về nuôi mẹ già, thì hẳn những bài này ông làm vào lần trở về lần cuối cùng ấy (1853 – 1854).(xem: về mái nhà xưa )

Làng ông ở cách Hà Nội khoảng 17 cây số về phía nam. Làng có một cây gạo rất to, mọc vươn lên cao tít. Dưới gốc cây gạo già đó, người ta dựng một cái điếm canh. Bài này ông có lời ghi chú: “Ngã hương lộ nhập Trung Nghĩa lý môn, tức quá Thiên Mã hồ bạn, vọng ngã gia cách viên nhĩ” Làng tôi, đi qua cổng làng Trung Nghĩa đến hồ Thiên Mã, đứng đó ngó về nhà chỉ cách một khu vườn”. Lời ghi chú của ông như định gửi gấm? Có thật lòng ông không động? Lòng ông chỉ còn muốn trở về mái nhà xưa, ở đó có mẹ già, có con cái thân nhân, có làng xóm, học trò, có một đời thanh nhàn im lặng?
Sử sách triều Nguyễn ghi “ năm Tự Đức thứ 7 (1854) Cao Bá Quát cáo quan về tụ tập đồ đảng gồm nhiều thành phần trí thức, sinh viên học sinh; liên kết với nhiều lực lượng dân tộc thiểu số như Đinh Công Mỹ, Bạch Công Trân, suy tôn Lê Duy Cự là giòng dõi nhà Lê, khởi loạn. Sử còn ghi rõ năm ấy mất mùa, vào tháng 6 tháng 7, châu chấu bay mù trời, cắn nát những cánh đồng lúa đang lên. Dân tình đói khổ. Cao Bá Quát định ngày đánh thành Hà Nội. Nhưng việc bại lộ nên phải khởi động trước dự trù. Cao Bá Quát đưa quân đánh phủ Ứng Hòa và huyện Thanh Oai, Hà Nội. Bị quân triều đình đánh tan ở xã Đồng Dương, Quát lại theo lối Mỹ Lương chạy lên phủ Vĩnh Tường, đốt phá huyện Tam Dương. Quát thường đi về quấy nhiễu phủ huyện Quốc Oai, Yên Sơn. Một hôm bị phó lãnh binh Lê Thuận Đại đem quân đón đánh, Quát chết tại trận. Ngụy thượng thư Nguyễn Kim Thành, ngụy phó vệ Nguyễn Văn Thực đều bị bắt. Trận ấy quan quân chém được hơn 100 thủ cấp, bắt sống được 80 tên. Triều đình đưa đầu Quát đem bêu khắp các tỉnh bắc hà rồi quăng xuống sông Nhị Hồng.
Người anh sinh đôi là Cao Bá Đạt, cử nhân năm 1834, đang là tri huyện Nông Cống (Thanh Hóa) bị bắt giải về kinh; giữa đường Đạt uống thuốc độc tự tử.
Dư đảng Cao Bá Quát còn hoạt động hơn 2 năm sau mới hết”. (Theo Đại Nam Chính Biên Nghịch Thần).
Những sự kiện lịch sử đó được công bố khắp nơi, nhưng vẫn không làm át được bao nhiêu huyền thoại dân gian nói về Cao Bá Quát. Cái chết của ông bỗng trở thành một công án khó hiểu. Người ta không ngớt bàn tán từ đó đến nay.
Trong những lời truyền tụng về cái chết của Cao Bá Quát, thì hai trường hợp sau đây được suy nghĩ nhiều nhất:
I – Truyền tụng về một trang tráng sĩ Cao Bá Quát không chịu được những chuyện bất công của triều đình nhà Nguyễn, nên đã bất bình ra  tay, đến khi bị bắt, trong tù còn ngâm nga:
Một chiếc cùm lim chân có đế
Ba vòng xích sắt bước thì vương
Ngụ ý khinh bỉ cả Đế, Vương. Lúc bị hành hình còn ngạo mạn cười:
Ba hồi trống giục mồ cha kiếp
Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời!
Truyền thuyết này được ghi trong văn học sử như một chân dung Cao Bá Quát ngang tàng, khinh thế ngạo vật, coi thường tử sinh.
II – Nguyên Cao Bá Quát bị Nguyễn Bá Nghi để ý thù ghét từ lúc còn làm việc ở Huế. Nguyễn Bá Nghi vào nhà Tùng Thiện Vương, lạy chào Tùng. Lúc đó Cao Bá Quát đang ngồi uống rượu với Tùng, đã không đứng dậy lại còn nói với Tùng: “Nguyễn Bá Nghi về chính sự không hiểu ra sao chứ văn thì cũng xoàng.” Vì thế Bá Nghi rất giận. Khi Cao Bá Quát bị đổi làm giáo thụ Quốc Oai, Sơn Tây (1851) thì Nguyễn Bá Nghi đang là tổng đốc vùng ấy. Người này vốn rất thâm hiểm, hách dịch với cấp dưới, tâng bốc hối lộ bề trên.( Sau y làm tới Thượng Thư Bộ Hộ; năm 1861 làm Khâm Sai Đại Thần vào Biên Hòa xử tội Nguyễn Tri Phương và các tướng sĩ; y xử rất nặng tay: cách chức và trảm giam hậu các ông Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển,Tôn Thất Cáp, còn các thuộc quan trong quân thứ và tỉnh phần Gia Định đều bị cách chức hết.- Phan Khoang/ Việt Nam Pháp Thuộc Sử /Sài Gòn 1961) Bây giờ Bá Nghi có cơ hội làm khó dễ Cao Bá Quát. Y sức cho các quan giáo thụ, huấn đạo mọi phủ , huyện , mỗi đầu tháng phải dẫn học trò đến Văn Miếu bình văn do y làm chủ tọa. Cao Bá Quát phải tuân hành. Nhưng ông chỉ đem những quyển xoàng đến; còn quyển hay, ông dẫn học trò lên núi bình riêng với nhau. Hỏi thì ông đáp: “bình văn trên núi  cho khỉ nó nghe, dưới đất không ai biết nghe.” Nguyễn Bá Nghi biết chuyện càng để tâm thù.
Đến năm 1854, Cao Bá Quát lấy cớ về nuôi mẹ già, xin được từ quan. Nguyễn Bá Nghi phải bấm bụng chấp thuận, nhưng vẫn theo dõi Cao tìm cơ hội ám hại.
Cao Bá Quát về làng. Bấy giờ ông chỉ còn một người mẹ già, và hai con trai là Bá Thông, Bá Phùng. Ông mở trường dạy học tư, và du ngoạn đây đó. Một hôm Cao Bá Quát đến dự buổi cúng tế linh đình, có bày các hàng mã để đốt như gươm giáo, người ngựa, cờ quạt. Nguyễn Bá Nghi vu cho Cao tội họp kín để khởi loạn. Quân lính ập vào đám cúng, bắt giải lên Hà Nội. Cao Bá Quát bị xử chém. Hai con trai đều bị giết.
Những chi tiết này phù hợp với trường hợp thứ I, nên mới có cảnh Cao Bá Quát ngâm nga ngạo mạn trong xà lim.
Ngoài ra còn có giai thoại khác kể rằng: sau khi bị Nguyễn Bá Nghi bắt, Cao Bá Quát lại được cứu thoát nhờ dân chúng và bạn bè đánh tráo tù nhân. Cao Bá Quát cùng mẹ già và hai con trai trốn đi được bằng thuyền. Trong cuốn “Cao Chu Thần Thi Tập” do Sa Minh Tạ Thúc Khải tuyển dịch có chép hai bài thơ, ý tứ gần như để tả lại câu chuyện trốn tù này của Cao Bá Quát. Tuy chưa có bằng chứng xác thực, chúng tôi cũng sao chép lại nguyên bài thơ trang 464,465:
TỴ ĐỊA
Phục thử huề gia khứ
Phiêu nhiên mạn bắc hành
Thăng Long phiến vân viễn
Nghĩa Trụ nhất châu khinh
Vô lộ qui hương tỉnh
Phòng nhân thức tánh danh
Xuân Cầu, Đồng Tỉnh khúc
Vị hạ phú nhân tình

Dịch nghĩa:
NƠI Ở LÁNH MÌNH
Lại cũng đem cả gia quyến đi, lan man nhằm hướng bắc mà đến. Áng mây Thăng Long đã xa cách, một thuyền Nghĩa Trụ cũng nhẹ trôi. Đã không còn đường về quê làng, lại còn phòng người biết tên tuổi nữa. Những khúc hát ở làng Xuân Cầu, Đồng Tỉnh, cũng chưa lúc nào nhàn rỗi để ngâm nga.

PHIẾM NGHĨA TRỤ GIANG
Tà nhật mãn tùng bạc
Biển châu nhiễu trúc phù
Kiều khuynh dư thạch trụ
Thủy trọc đái hà lưu
Thiển chữ liên quyền lộ
Ngưng ba xuất một âu
Khước tư phi điể lạc
Binh các kỷ thời hưu

Dịch nghĩa:
DONG THUYỀN SÔNG NGHĨA TRỤ
Mặt trời đã dọi khắp cả bụi lùm, mà coi vẫn mỏng manh; chiếc thuyền thì quanh theo khóm trúc mà nổi trôi. Cầu đã nghiêng ngả rồi mà cột đá còn trơ đó, giòng nước đục chảy theo con sông. Chim cò kia thì cong mình đứng trên vũng cạn, chim âu nọ thì chìm nổi giữa lớp sóng lừng đừng. Nhân đó mà nghĩ đến bày chim kia vui vẻ liệng bay mà hiện giờ riêng ta lâm cảnh lửa binh, biết khi nào mới hết.

Có lẽ vấn đề không phải ở nơi sử sách triều Nguyễn, hay lời truyền tụng của dân gian mà ta có thể cả quyết trong nghi án Cao Bá Quát cùng cái chết của ông. Ông đã từng chịu hàm oan trong vụ chấm thi năm 1841, đã từng từ cõi chết trở về khi bản án tử hình được đổi thành giảo-giam-hậu. Ông đã từng bị sa thải năm 1843, rồi bị tình nghi chính trị năm 1851 để bị đày đi làm giáo thụ ở Quốc Oai. Tất cả, ông đều chịu đựng, cũng như ông đã chịu đựng làm người. Ông có cái cười rất mực trượng phu như ta đã thấy, và cái ngông cuồng rất mực thi sĩ. Ông yêu người, yêu vật, yêu quê hương làng nước, yêu từng ngọn cỏ đồi cây với một tấm lòng chân thực, đôi khi đến vụng về vì cuồng nhiệt. Ông có tư tưởng hành động, chống tham ô lãng phí, chống bất công xã hội, chống những nghịch cảnh phi lý của kiếp người. Đôi khi những tư tưởng hành động ấy thúc đẩy mãnh liệt khiến ông bị đau đớn dày vò vì sự bất lực và bế tắc. Có lẽ ý thức về Tài, Thời, và Nhân, Mệnh, nên qua thơ văn ta không thấy ông hé mở một chân trời hành động thật sự nào. Tư tưởng hành động của ông mang nhiều vẻ đẹp lãng mạn hào hùng hơn là cách mạng chính trị. Cho nên ông không chủ trương bạo động. Vụ án chấm thi là một bằng cớ. Tư tưởng, tâm tình và nghị lực của ông qua thơ văn giai đoạn đó có thể so sánh với giai đoạn đấu tranh bất bạo động cuả Ghandi. Những bài thơ đầy tình tự và kiên quyết trước bạo lực đã khai sinh ra một ông Thánh. Dân gian gọi Cao Bá Quát là " Thánh Quát”. Đối với người Việt, sự phong thánh mang giá trị tuyệt đối về tinh thần.
Phải chăng Cao Bá Quát đã đi về giữa tử sinh trong hồn thiêng sông núi. Và phải chăng định mệnh khắt khe vẫn chập chùng trên biển đời vô tận, vẫn rình rập trong bóng tối Việt Nam.
Xét những bài thơ cuối đời Cao Bá Quát, ta càng thấy rõ tư tưởng hành động của ông đồng vọng với phương trời tư tưởng đông phương trong quan hệ Thiên/Địa/Nhân, và ông đẩy tưởng này đến kỳ cùng cuộc tồn sinh sử lịch.
Trong bài Du Mỗ Cố Trạch Dạ Tính Đàn Tranh, Cao Bá Quát kể  sau tám năm lặn lội gian nan, khi trở về ông có ghé thăm một người bạn gái cũ ở bên bờ sông Tô Lịch. Cao Bá Quát ví lòng người thiếu phụ có những đắng cay đau khổ, “một mình mình biết, một mình mình hay”, như hạt sen ôm riêng cái mầm xanh đắng ngắt. Đời người phụ nữ như bông liễu yếu ớt, mỗi lần gió thổi là mỗi tả tơi tơ liễu, rụng bay tứ tán. Tại sao lại có thân phận đau thương hiu hẩm ấy dành riêng cho phụ nữ? Và ông có câu trả lời dứt khoát: bởi khói nhân gian đen bẩn, nham hiểm, tham lam. Cho nên ông cảm khái muốn khơi hết nước trong giòng sông Tô Lịch để rửa sạch khói nhân gian đó của người đời.
Sen ôm mầm đắng một mình
Liễu gầy gió cuốn thình lình tả tơi
Sông Tô khơi hết nước trời
Rửa cho thân phận cuộc đời sạch trong
(Liên tử hữu tâm tri độc khổ
Dương hoa vô lực vị thùy mang
Thi chiêu bách hộc Tô giang thủy
Biến dữ nhân gian tẩy tục trường)
Một bài khác Cao Bá Quát kể nhân nhà bị giột, phải ra trước thềm ngồi tránh giột. Lòng buồn bã, thân lười biếng ủ ê, ông không thiết cả ngâm nga thơ phú. Tư tưởng hành động của ông bắt đầu “hành động”. Ông tự hỏi:”biết tìm cách tỵ địa cho mình cũng tạm ổn, nhưng còn việc vá trời cho khỏi giột thì làm sao?” Câu hỏi làm rúng động hết tâm can. Ông vẫn quan niệm đời người là quán trọ, mà khách trọ đã lâu ngày. Nay xuân đã quá nửa, mà thời cuộc mỗi lúc mỗi cấp bách nguy nan, khiến lòng khách càng lo lắng xốn xang. Hỡi ơi, nơi căn nhà giột này cũng còn là nơi kiệt tác may mắn hân hạnh cho ta biết chừng nào. Cũng nhờ nó mà được chút gió mát nhẹ nhàng.

Khoảnh Nhân Trận Vũ

Ốc lậu di diêm tọa
Cùng sầu lại tự nga
Dĩ tri tỵ địa ổn
Tranh nại bổ thiên hà
Khách cửu xuân du bán
Thời nguy lụy khước đa
Thanh phong lai kiệt tác
Hạnh vị phiến vi hòa

Tránh Giột
Ra thềm tránh giột bồn chồn
Nghe lòng biếng nhác không buồn ngâm nga
Đã đành tỵ địa cũng qua
Vá trời chữa giột làm sao bây giờ
Xuân đi già nửa đời người
Bao cơn nguy biến khôn lường được đâu
Gió còn thoảng đến bên lầu
Còn hên còn được khô đầu mát lưng

Hai câu kết mang một vị đắng rất nhẹ, hòa với cái cười buồn, làm tư tưởng hành động trên hai câu thực thành nỗi ám ảnh, tư duy. Hình như không lúc nào Cao Bá Quát không bị nỗi ám ảnh ấy vây buả. Tấm lòng ông để cả vào non nước, để cả vào con người, mà không có cơ hội hành động xây dựng thì lòng ông phải ấm ức buồn phiền. Những ngày tháng được nhàn tản ở quê nhà, sống đạm bạc gần như kham khổ, nhưng ông vẫn áy náy như thấy mình còn xa hoa hưởng thụ quá nhiều “kho vô tận”
Nhàn thê tâm tự thích
Lưu thưởng ý thiên xa
(Trong cảnh nhàn thì lòng vẫn thích
Nhưng vẫn có vẻ xa hoa hưởng thụ)

Ta có thể gọi đó là “nỗi-ám-ảnh-không-rời” hay lời thì thầm của tái tim yêu nước thương đời. Một lần khác mưa to trên sông, mưa sầm sập như nghiêng trời lệch đất, Cao Bá Quát nhìn những đợt sóng mưa dào dạt bay như vỡ bờ. Cảnh sông xa mờ hòa cùng mưa gió, rít từng cơn làm ông bật tiếng than:”Mặt trời trốn ở đâu mà lại để cho mưa gió cuồng nộ dân gian, để cho kiếp người oán than mãi!”. Lần đó ông ngâm thơ vang cả căn phòng sách. Ông thấy hơi thu như đánh động lòng trai, như thúc giục cuộc lên đường.
đối vũ
bạo vũ khuynh thiên lậu
phi đào táp địa lai
thế liên giang sắc tráng
thanh nhập dạ phong ai
xích nhật hành hà đạo
thương sinh thán kỷ hồi
khách tình ngâm vọng viễn
thu chí chính tương thôi

nhìn mưa
mưa sầm sập như trời đổ nước
sóng tứ tung đất ước vỡ toang
một màu sông nước kinh hoàng
đêm reo gió rít lại càng thê lương
mặt trời ơi trốn phương nào thế
để con người mong chết mong mòn
thơ ngâm vang vọng trong phòng
hơi thu đánh động nỗi lòng nước non

Cao Bá Quát làm thơ bao giờ cũng gửi gấm, và đời ông bao giờ cũng lên đường. Ông gửi gấm cho con người, và lên đường vào sông núi. Suốt đời ông tin kính vái chào đóa mai trắng, khoa kiếm dưới trời trăng. Ông bảo kiếm pháp võ học của ông không bằng Tổ Địch đi chăng nữa, ông vẫn cầm kiếm múa. Thơ có kém Lý Bạch, nhưng ngâm lên vẫn rụng được ngôi sao vàng.
Võ không giỏi vẫn cầm kiếm bạc
Thơ tuy xoàng ngâm lạc ngàn sao
(vũ phi Tổ Địch không đề kiếm
thi nhượng Trường Canh diệc lạc tinh)
ngoài MAI và KIẾM, ông còn có mối cảm đặc biệt với SEN. Một lần uống rượu ở nhà bạn đã thật say, Cao Bá Quát trở về một mình, chưa cần bạn phải dìu đỡ. Ông thấy đầy trời khói sương phủ khắp một con sông dài, những cụm tre chuối vụt mờ đi trong bóng chiều. Ông có cảm giác bay bổng cô đơn và cô độc. Chợt đóa sen hồng vụt hiện ra ven đường sông. Ông mừng rỡ như gặp người tri kỷ. Ông cười đùa hào hứng với sen: liệu mặt sen có đỏ hơn mặt người say rượu như ông không?

bạc vãn túy qui

minh đính qui lai bất dụng phù
nhất giang yên trúc chính mô hồ
nam nam tự dữ liên hoa thuyết
khả đắc hồng như tửu diện vô ?


chiều tối uống rượu về

say khướt mười mươi thả bộ về

tre xanh sông khói thảy mơ hồ
lẩm nhẩm một mình nhìn sen thốt
có đỏ như là mặt rượu ta ? 
 

Hoặc hoa sen chính là định mệnh cuối cùng của đời ông? Ông gặp sen là ông mỉm cười: bao nỗi lênh đênh chìm nổi trước đây không cần nhắc đến, tay cầm bông sen mỉm cười tự biết đời mình.
Bình sinh lãng tích na trùng vấn
Thủ bả liên hoa tiếu tự tri
(Vãn Du Sài Sơn)
Đã qua những quãng bềnh bồng
Mỉm cười cầm đóa sen hồng biết ra
Phải chăng ông muốn mượn nụ cười của ngài Ca Diếp để tiếp dẫn một tư-tưởng-hành-động-độ-đời từ phương tây. Mặt trời đang lặn ở phương tây. Vậy thì đâu là chân diện mục của tư-tưởng-hành-động-cao-bá-quát ? Hình như có tiếng của ông vọng về:
Thủ bả liên hoa tiếu bất ngôn
Bổn lai phi ngã diệc phi thiền
(túy đề Đông An Tự)
 Tay sen mỉm một nụ cười
Không thiền mà cũng không người trước sau

Những tiếng vọng của thơ Cao Bá Quát hình như trùng hợp với một truyền thuyết khác : kể rằng sau khi được bạn bè và dân chúng giải cứu, ông được đưa về tu ở một cảnh chùa trên vùng núi Việt Bắc năm 1855.
Mong là như thế. Và chúng tôi tin thế.
 

tường vũ anh thy 1982
(trích trong Cao Bá Quát Giữa Hồn Thiêng Sông Núi - Ức Trai xuất bản 1985)








Không có nhận xét nào: