điêu khắc

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Nguồn gốc & ý nghĩa Tết Trung Thu (2)


TẾT TRUNG THU Ở VIỆT NAM

Tháng tám chơi đèn kéo quân
Đó là một trong những đặc điểm của Tết Trung Thu ở Việt Nam. Đèn kéo quân là hình thức thu gọn cảnh kéo quân của bà Thiều Hoa, nữ tướng thời Hai Bà Trưng (40-43). Tích này vẫn được diễn hàng năm ở làng Hiền Quan (Tam Thanh) tỉnh Vĩnh Phú. Các đoàn quân kéo nhau lượn hình trôn ốc trước bàn thờ bà Thiều Hoa ngụ ý kéo quân vây thành. Cũng ở Vĩnh Phú, nhiều làng khác tổ chức các cuộc kéo quân thật đánh lẫn nhau vào đêm rằm tháng tám. Trẻ em được làm do thám, ông già bà cả trợ chiến hò reo, thanh niên nam nữ gậy gộc chiến đấu như thật.
Có lẽ đèn kéo quân là một hình thức tưởng nhớ để nuôi chí phục thù của người Việt sau cuộc thất bại của Hai Bà Trưng năm 43. Đèn kéo quân cũng giúp người ta vui Tết Trung Thu trong cảnh nô lệ thời bấy giờ. Tết Trung Thu là tết của trẻ em, người ta cũng muốn nhắc nhở con em của họ những chiến công lịch sử.
Trong lễ Tết Trung Thu có mâm cỗ gồm nhiều thứ trái cây và bánh kẹo. Đặc biệt có bánh đúc to tròn như mặt trăng đổ trên tàu lá chuối. Bánh đúc nhà nghèo chỉ có bột gạo và vôi, nhà giầu thêm nhân dừa, thịt mỡ, đỗ lạc (đậu phộng). Người ta có câu hát ví:
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ mới thương con chồng
(hoặc: mấy đời trọc phú mới thương dân nghèo)
Dịp này trẻ em xem đèn kéo quân, rước đèn chơi trò rồng rắn. Vui với các Con Giống nặn bằng bột nhuộm phẩm đủ màu sắc rực rỡ. Con Giống vừa ngụ ý giống như các con vật thật, vừa có nghĩa là biểu tượng sinh vật thể sẽ sinh sôi nẩy nở mãi mãi. Nghệ nhân nặn các Con Giống thoăn thoắt, chỉ vài phút là đã có con bò, con trâu, con thỏ, con gà, con chim, con cóc v.v. Thật là một loại điêu khắc dân gian thần tình !
Một đặc điểm khác trong mùa Tết Trung Thu là tiếng trống. Trống là dụng cụ âm nhạc đơn giản và phổ biến. Người ta làm các loại trống cơm, trống bỏi cho trẻ em tha hồ gõ múa. Và người lớn cũng chế ra một loại hát đám gọi là “ hát trống quân”
Tháng tám anh đi chơi xuân
Đồn đây có hội trống quân anh vào
Câu hát phổ biến này ngụ ý Tết Trung Thu cũng là tết của mùa xuân tươi trẻ trong lòng người. Hết xuân tới thu, hết thu tới xuân, tức là trong xuân đã sẵn có thu, và trong thu đã sẵn có xuân vậy.
Trước và sau dịp Tết Trung Thu người ta còn diễn trò Múa Rối Nước. Sân khấu là ao hồ hay bến sông. Diễn viên là công trình đẽo gọt trạm đục đan vót của các nghệ sĩ dân gian. Các tuồng tích đủ thể loại đều được đem “xuống” sân khấu nước. Người ta cũng diễn các cuộc chọi trâu, cuộc thi hóa rồng mà cuối cùng cá chép trúng tuyển:
Mồng bốn cá đi ăn thề
Mồng bẩy cá về cá vượt vũ môn
để khuyến khích học trò tin tưởng vào tương lai.
Đêm Tết Trung Thu, người ta phá cỗ trông trăng, kể chuyện Thằng Cuội:
Thăng Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi chơi cầu vồng
Đó là câu chuyện nửa cổ tích nửa thần thoại về một nhân vật tên Cuội, có công cứu giúp người bệnh tật hoạn nạn và kể cả người chết, đã vĩnh viễn ở trên mặt trăng. Hình như tất cả mọi trò vui, đèn đóm, hát múa, con giống v.v. của các em được phô diễn để tưởng nhớ và làm vui lòng Thằng Cuội đang một mình vời vợi trong trăng.

TẠM KẾT

Như ta biết, tuy Hán Quang Vũ lên ngôi từ năm 25, nhưng phải đến năm 43 mới được coi là bình ổn, và chính sách an tịnh khoan hòa mới được thi hành rộng khắp. Sự kiện dùng khoai môn và trái bưởi trong lễ tiết trung thu có thể có từ năm 25, nhưng chắc chỉ thành đại lễ từ năm 43. Và tôi chắc không thi hành ở Việt Nam vì ở đó đã có sẵn Tết Trung Thu bản địa rồi. Các quan thái thú sau Tô Định, sẽ chỉ muốn an thân, không cưỡng ép dân nhiều. Và sau cái chết của Hai Bà Trưng cùng các tướng soái đồng chí đồng bào, người Việt sẽ đón trung thu  rất ngậm ngùi sau năm 43, hà cớ gì lại còn phải tạ ơn trời đất bằng khoai môn và trái bưởi của binh lính nhà Hán. Do đó ta sẽ thấy:
1-Tết Trung Thu ở Việt Nam đã có từ trước khi Hán Quang Vũ ban lệnh kỷ niệm Tiết Trung Thu năm 23, chiến thắng Vương Mãng.
2-Tết Trung Thu ở Việt Nam là Tết thuần túy của trẻ em và là Tết của nền văn-hóa-đầm-lầy-lúa-nước.
3-Trên mặt trăng là hình ảnh Thằng Cuội, con trâu, cây đa. (chứ không phải Hằng Nga, hay Ngô Cương với cây quế như của Trung Hoa.)
Khác với Lễ Tiết Trung Thu của Trung Hoa, khởi đầu để tạ ơn chiến trận, và rồi được kiện toàn vào thời Đường Minh Hoàng, (một ông vua ăn chơi tửu sắc vô đạo, cướp vợ của con rồi cũng không bảo vệ được người con dâu này.) với trăm cách xa hoa dành cho người lớn có thế có tiền.

tường vũ anh thy









Không có nhận xét nào: