điêu khắc

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

tình sử: lông ngỗng mỵ châu




Một đôi kẻ Việt người Tần
Nửa phần ân ái, nửa phần oán thương
Vuốt rùa chàng đổi móng
Lông ngỗng thiếp đưa đường

Thề nguyền phu phụ
Lòng nhi nữ
Việc quân vương
Duyên nợ tình kia dở dở dang

Nệm gấm vó câu
Trăm năm giọt lệ
Ngọc trai nước giếng
Ngàn thu khói nhang

Đó là bài TRỌNG THỦY-MỴ CHÂU của Tản Đà (1889-1939). Còn trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái (bản của Hoàng Xuân Hãn in tại Sài Gòn 1956) kể chi tiết:

Mặt ngoài hai nước phân cương
Mà trong Triệu lại mở đường thông gia
Nghĩ rằng Nam-Bắc một nhà
Nào hay hôn-cấu lại ra khấu-thù
Thục-Cơ tên gọi Mỵ-Châu
Gả cho Trọng-Thủy con đầu Triệu Vương
Trăm năm đã tạc đá vàng
Ai ngờ thế-tử ra đàng phụ ân
Tóc tơ tỏ hết xa gần
Thừa cơ đem máy nỏ thần đổi đi
Tỉnh-thân giả tiếng bắc qui
Đinh ninh dặn hết mọi bề thủy chung
Rằng:”Khi đôi nước tranh hùng
Kẻ Tần người Việt, tương phùng đâu đây?
Trùng lai dù họa có ngày
Nga mao xin nhận dấu này thấy nhau”
Cạn lời, thẳng ruổi vó câu
Quản bao liễu oán, hoa sầu nẻo xa!
……………………
Chữ “nga mao” nghĩa là lông ngỗng, hai ông Ngọc Hồ & Nhất Tâm ghi chú: “ có 2 thuyết: một nói gối dồn bằng lông ngỗng, một nói áo dệt bằng lông ngỗng. Không rõ Mỵ Châu dùng thứ nào để rắc dọc đường.” Trong cuốn Lĩnh Nam Chích Quái, Lê Hữu Mục dịch là “nệm gấm lông ngỗng” và chú thích: “ dịch chữ nhục. Có người dịch là áo choàng e không đúng. Nhưng thực ra nệm gấm mà thường mang trên người thì cũng là một thứ áo choàng.” Tác giả Hoàng Cơ Thụy trong Việt Sử Khảo Luận in ở Pháp năm 1987 có nhận xét: “ Tưởng cũng nên thêm vài lời về “nệm gấm lông ngỗng”; phải chăng tác giả cuốn Chích Quái lầm chữ “gấm”, chứ thời An Dương Vương đã làm chi có gấm, nhiều lắm là vải thường mà thôi. Nhưng ta nên để ý đến những cái lông ngỗng gài trên nệm: phải chăng đó là lông con chim Hồng, vật tổ của dân Lạc Việt, nay đã thành ra hiếm, chỉ công chúa Mỵ Châu mới còn có mà thôi?” Đến đây thì câu chuyện bắt đầu xa rồi, là lông ngỗng hay lông hồng, là chăn nệm hay áo choàng áo gối thì rõ ràng Mỵ Châu có một thứ làm bằng lông vũ, nàng đã bàn bạc với Trọng Thủy từ trước, đem theo trên đường chạy loạn; và nàng đã rải suốt dọc đường để làm dấu cho người chồng người tình của nàng. Hành động này mặc nhiên xác nhận rằng nàng vẫn yêu, vẫn tin vào tình yêu. Vì thế câu chuyện kể của làng Cổ Loa ở đoạn cuối không có lý. Làng Cổ Loa kể rằng: sau khi vua cha An Dương Vương chém con gái theo lời yêu cầu của Rùa Vàng thì xác Mỵ Châu liền biến thành đá trôi về làng Cổ Loa báo mộng cho dân làng khiêng về thờ. Còn Trọng Thủy không tìm thấy xác Mỵ Châu… Sau hồn Mỵ Châu dìm chết Trọng Thủy...Câu chuyện dài dòng và không đẹp. Sau đây tôi phối hợp từ nhiều nguồn tài liệu, phân tích thiên tình sử Lông Ngỗng Mỵ Châu.
(còn tiếp)




Không có nhận xét nào: