điêu khắc

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

tưởng nhớ Vũ Hoàng Chương




Những ngày vào giữa năm 1975, ở trại tị nạn Fort Chaffee bỗng có một “tư trào” chuyền nhau đọc bài “ hoàng hạc lâu” của Thôi Hiệu cùng bản dịch của Tản Đà. Bấy giờ lòng ai cũng ngậm ngùi xót xa. Bài thơ kia có một cái gì đó nói lên cái tình cảm xa quê, và cái tình cảnh quê nhà đã mất.
Đến năm 1976, tôi ở San Francisco, bất ngờ được Thi Vũ ở Paris gửi bản chụp viết tay bản dịch “Hoàng Hạc Lâu” của Vũ Hoàng Chương, tôi đã bật khóc mỗi lần đọc. Bản dịch này mới trọn vẹn nói lên “ cái tình cảm xa quê, và cái tình cảnh quê nhà đã mất.”
Hôm nay, 6/9/2011, nhân ngày giỗ Vũ Hoàng Chương, tôi thắp ba nén nhang:


Phiên âm
HOÀNG  HẠC LÂU

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán  Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh  Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu!

THÔI - HIỆU


Bản dịch của Tản Đà

LẦU HOÀNG HẠC

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai 


bản dịch của Vũ Hoàng Chương

LẦU HOÀNG  HẠC

Xưa hạc vàng bay vút bóng người
Đây lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi
Vàng tung cánh hạc đi đi mất
Trắng môt màu mây vạn vạn đời
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi
Gần xa chiều xuống đâu quê quán?
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi! 

Vũ Hoàng Chương 

 đây có lẽ cũng là bài thơ cuối cùng, ông đã "vàng tung cánh" đi đi mất ngày 6/9/1976. Và “ cái tình cảm xa quê, và cái tình cảnh quê nhà đã mất” của Vũ Hoàng Chương đau đớn hơn những người tị nạn như tôi, bởi vì ông lạc và mất quê hương ngay trên quê hương mình đang còn trú ngụ.
bài thơ dịch này do Cung Tiến phổ nhạc:
HOÀNG HẠC LÂU

Không có nhận xét nào: