ngọc trai nước giếng
Khi An Dương Vương thua Triệu Đà, đành đem Mỵ Châu lên ngựa chạy ra biển thì gặp lại Thần Kim Qui. Thần bảo chính Mỵ Châu là giặc. Chắc là lúc ấy vừa mệt mỏi vừa hoang mang vừa tức giận nên nhà vua tin lời thần. Mặc cho Mỵ Châu khóc:
Tôi sinh phận gái vốn hòa nết ngay
Tấm lòng đã cậy trời hay
Hiếu trung thờ chúa thảo ngay thờ chồng
Ai ngờ phải chước anh hùng
Đa đoan cho thiếp thác cùng sự oan
Trông ơn trời đất thứ khoan
Thịt nguyền nên đá máu nguyền nên châu
(thiên nam ngữ lục)
Lời nguyền của Mỵ Châu đã cảm đất trời, nên trai sò ăn máu nàng ruột kết thành ngọc trai. Ngọc trai cũng chính là tên nàng: Trân Châu. Chuyện này làm ta nhớ trái tim chàng ca sĩ Trương Chi cũng kết thành ngọc. Ngọc Trương Chi chỉ có nước-mắt-Mỵ-Nương mới giải được ẩn tình. Còn Ngọc Mỵ Châu chỉ có nước-giếng-Trọng-Thủy mới làm cho rạng rỡ.
Những năm trước công nguyên là giai đoạn vô cùng sôi động để hình thành những thế lực có tính cách chiến lược. Bên Trung Hoa, sau khi nhà Tần suy là cuộc tranh hùng Hán-Sở. Khi nhà Hán thành lập, cũng là lúc Triệu Đà muốn xưng vương đối trọi với nhà Hán. Sự ra đời của nhà nước Nam Việt cần được củng cố và mở rộng. Mộng xâm chiếm nước Âu Lạc do An Dương Vương cũng mới thành lập là mục tiêu số một của Triệu Đà. Nhưng quân Nam Việt đã thất bại trước một đối thủ nhỏ hơn vì Âu Lạc đoàn kết dưới sức mạnh cung nỏ hùng hậu và tài nghệ của An Dương Vương. Tôi mò mẫm đọc lại tất cả các sách sử tiếng Việt có trong nhà như: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Đại Việt Sử Ký, Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, An Nam Chí Lược, Việt Sử Lược, Khâm Định Việt Sử, Việt Sử Tiêu Án, Cổ Sử Việt Nam, Sử Ký Tư Mã Thiên, Trung Hoa Sử Lược, Việt Sử Toàn Thư, Việt Sử Lược, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Việt Nam Thời Khai Sinh, Việt Sử Khảo Luận…để mong tìm không khí trận chiến giữa Nam Việt Triệu Đà và Âu Lạc An Dương Vương. Các sách đều rất vắn tắt, bắt buộc ta phải tưởng tượng và suy luận thêm ra. Vì quyết tâm chiếm Âu Lạc, phe Triệu Đà chắc chắn sẽ tìm hiểu và tìm cách chiến thắng. Trọng tâm là vũ khí chiến thuật và tướng tài. Triệu Đà sẽ tung hàng loạt thám tử và điệp viên sang hoạt động bên Âu Lạc. Gây chia rẽ hàng ngũ triều đình Âu Lạc. Đầu tiên xin hòa, chia đất, chia dân. Bấy giờ An Dương Vương có hai thế lực lớn giúp đỡ: Lạc Hầu giúp chiến lược tham mưu, Cao Lỗ giúp vũ khí chiến thuật. Chính Cao Lỗ là người chế tạo và giám sát nỏ thần. Hai nhân vật này Triệu Đà muốn loại bỏ trước khi cho Trọng Thủy sang ở rể. Ta có thể tưởng tượng cuộc đi đêm của họ vô cùng ráo riết. Tôi hơi dài dòng ở đây vì muốn nêu rõ vai trò của Trọng Thủy. Tuy là thế tử nhưng Trọng Thủy cũng bị xử dụng như một nước cờ của Triệu Đà mà thôi. Trọng Thủy chắc sẽ hăm hở và đầy hùng tâm thực hiện kế sách cho tương lai đất nước, và cho chính sự nghiệp của mình. Và rồi…như ta đã biết: những tháng ngày tuyệt đẹp, bên một người tuyệt đẹp, một trái tim trong trắng tuyệt đẹp là công chúa Mỵ Châu; họ đã cho ra đời một hoàng nam kháu khỉnh. Chắc chắn Trọng Thủy không quên người mẹ ruột cũng là dân Âu Lạc với Mỵ Châu bây giờ trở thành bà nội của cháu bé. Và ngay cả An Dương Vương cũng thật thà định bụng truyền ngôi cho cháu ngoại. Dưới mắt Trọng Thủy, ông không còn là đối thủ, mà là người cha vợ đáng thương kính. Những đan xen khắng khít chằng chịt của tình cảm không thể không dày vò tâm trí Trọng Thủy. Liệu rồi đây khi hai nước can qua thân mạng của tất cả mọi thương yêu sẽ ra sao. Bên tình bên nước thực là khó thay. Khi guồng máy chạy, tất cả đều bị lôi kéo theo không cách nào tránh được. ( Nhớ cuốn Giòng Sông Thanh Thủy của Nhất Linh có nói rất rõ ràng thơ mộng nhưng cũng rất lạnh lùng tàn nhẫn của cái "guồng máy" này.) Trọng Thủy đành bàn với Mỵ Châu kế hoạch tìm nhau trong khói lửa. Chắc thâm tâm Trọng Thủy đã quyết định dù thế nào cũng sẽ cùng sống chết với Mỵ Châu. Hy vọng của Trọng Thủy là vãn hồi được chút gì đó sau chiến tranh. Nhưng than ôi sau chiến tranh chỉ là xác Mỵ Châu đầy máu! Trọng Thủy thừa hiểu kết cục này do chính mình gây ra, hoặc do chính mình không thể cứu vãn. Khi ôm xác Mỵ Châu về chôn cất ở Cổ Loa, Trọng Thủy đã nghĩ đến cái chết. Tự tử xuống giếng để tạ tội với Mỵ Châu, và còn để phản đối vua cha Triệu Đà.
Mặc dù làng Cổ Loa ghét cay ghét đắng Trong Thủy, nhưng trong làng vẫn có giếng Trọng Thủy, và dân làng vẫn phải công nhận ngọc trai đem về rửa nước giếng Trong Thủy thì sáng đẹp hơn ra. Nước giếng Trọng Thủy nổi danh đến độ nhà nước Trung Hoa đòi tiến cống. Lệ tiến cống trong đó có một hũ nước giếng Loa Thành suốt từ thời bắc thuộc. Mãi tới thời Lý(1009-1225) mới bỏ. Nhưng sau đó lại tiếp tục dưới thời Lê, Mạc. Trong cuốn Truyền Kỳ Mạn Lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án (đầu thế kỷ 19) kể chuyện ông Nguyễn Công Hãng đang giữ chức Binh Bộ Tả Thị Lang thời Án Đô Vương Trịnh Cương(1709-1729) làm chánh sứ sang Tầu tiến cống: ” “Lại còn việc bắt cống hũ nước rửa ngọc trai lấy ở giếng Loa Thành (theo sự tích Trọng Thủy-Mỵ Châu), ông cũng bỏ đi, mà lấy nước giếng ở Ba Sơn đem cống. Họ thử không thấy hiệu nghiệm, liền trách, ông nói:” Đó là vì khí mạch của giời đất, lâu ngày tất nhiên phải đổi.” (bản dịch Đạm Nguyên). Tuy cách cư sử của tiến sĩ Nguyễn Công Hãng có hơi trí trá, ra điều khinh vua quan nhà Thanh không biết gì, nhưng cũng từ đó lệ tiến cống nước giếng Loa Thành được bãi bỏ. Xem thế đủ biết ngọc trai rửa bằng nước giếng Cổ Loa thì sáng đẹp ra là có thật. Ta không cần con mắt khoa học phân chất nước giếng, mà hãy nhìn vào hiện tượng này để thấy hai cái chết đau thương đã quyện vào nhau cho một lời lý giải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét