điêu khắc

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

tình sử: lông ngỗng mỵ châu (2)





Thục Nam Trân Châu

Mỵ Châu tên thật là Thục Nam Trân Châu (tôi suy luận từ tài liệu của Trần Quốc Vượng: Ở lưỡng Quảng có Việt-Kiệu-Thư chép người Đông-man nước Nam Việt thời Tần rất mạnh, có phép dùng nỏ tài tình, mũi tên bằng đồng bắn xuyên hàng chục người. Triệu Đà rất sợ. Vua Man (chỉ An Dương Vương) có con gái là Nam Trân (chỉ Mỵ Châu) xinh đẹp và giỏi nghề làm nỏ. Triệu Đà bèn sai con (chỉ Trọng Thủy) sang cầu hôn ở rể để học nghề. Trọng Thủy học được cách chế nỏ và phá nỏ, ba năm sau bỏ về, rồi cùng Triệu Đà đem quân đánh Nam Việt. | tôi cũng đồng ý việc dùng chữ “mỵ” như “mỵ-nương” chỉ có nghĩa là cô, nàng; của những nhà quyền quí.) Nhưng đã từ lâu dân gian gọi là Mỵ-Châu, tên thân mật và quen thuộc rồi. Cứ theo các truyền thuyết từ lịch sử đến truyền miệng thì Mỵ Châu là con gái duy nhất của An Dương Vương Thục Phán. Có lẽ vua không có con trai. Vì là con độc nhất nên Mỵ Châu càng được vua cha cưng chiều. Vua đặt tên Châu hoặc Trân Châu là có ý quí trọng đặc biệt. Sách Thiên Nam Ngữ Lục ca tụng Mỵ Châu :
Dốc bề trọn đạo tam tòng
Chẳng đua quyền quí, chẳng lung gian tà
Vẹn thời sau trước nết na
Thái Khương ấy tiết, Hằng Nga ấy lòng
Mỵ Châu giỏi nghề làm tên và nỏ. Đây là nghề bí mật quân sự của quốc gia. Thiên Nam Ngữ Lục mô tả:
An Dương có nỏ vuốt rùa thiêng thay
Bắn ra lửa cháy khói bay
Chết binh tên lại về ngay tay người
Vũ khí tinh xảo và hữu hiệu này chắc chắn phải rất khéo léo đặc biệt mới chế tạo được. Linh thiêng hay ảo diệu chính lại cần cái vuốt móng rùa làm lẫy. Mỗi lần bắn, tên ra liên tiếp 10 mũi. Mấy trăm năm sau, thời Tam Quốc bên Trung Hoa mới thấy nhà quân sự thiên tài là Gia Cát Khổng Minh nói (trước khi chết) với người kế nhiệm là Khương Duy:  “Ta có phép bắn nỏ " tên ra liên tiếp"  nhưng chưa từng dùng đến. Theo phép chế: tên dài 8 tấc, mỗi lần giương là bắn 10 mũi tên một loạt, ta đã vẽ thành đồ bản. Ngươi nên y theo phép chế tạo mà dùng.”(Tam Quốc Chí diễn nghĩa, bản dịch của Tử Vi Lang) Nhưng sau đó không thấy Khương Duy áp dụng. Có lẽ vì thiếu cái móng vuốt rùa chăng? Bởi cứ như Thiên Nam Ngữ Lục kể thì Trọng Thủy tuy lấy cắp được móng rùa, nhưng về đến sông Đại Bàng, đêm ngủ bỗng móng rùa vụt rơi xuống nước mất. Như vậy cách chế tạo bị thất truyền ? Ta đã biết nước Âu Lạc do Thục An Dương Vương gồm thâu nước Văn Lang của Hùng Vương từ những năm 257 trước công nguyên. (nhân đây cũng nên nói qua về “18 đời Hùng Vương” chỉ là cách gọi tượng trưng cho một giai đoạn lịch sử dài dựng nước của người Lạc Việt từ năm 2879 trước tây lịch đến năm 257 trước tây lịch. Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn, vừa dựng vừa giữ nước. Chử Đồng Tử là người đã chinh phục được đầm lầy, và sẽ là người xây dựng nền văn minh đầm lầy cho nước Văn Lang bằng cách du nhập văn minh Hy Mã Lạp Sơn rất hòa bình vào văn minh bản địa Hoàng Liên Sơn. Sau năm 257 trước tây lịch, nước Âu Lạc ra đời sẽ phải đối đầu với văn minh lục địa Trung Hoa đã bị xiềng xích bằng “ lễ nhạc Khổng Khâu”. Từ đây người Việt luôn luôn bị giằng co, và từng bị giày xéo bởi lễ giáo Trung Hoa. Ta đang nói về giai đoạn đầu tiên, trước khi Triệu Đà thần phục nhà Hán.)
Chính vì được yêu quí tin cậy như thế mà sau này Mỵ Châu bị dính mắc vào sự dòm ngó của ngoại bang. Tin tức tình báo của quân Triệu Đà về một  công chúa đẹp đẽ và tài giỏi của An Dương Vương đã xây dựng kế hoạch cầu hôn và ở rể. Trọng Thủy thực hiện gian kế này thật là xuất sắc. Trong vòng 3 năm anh ta được kể như là người của Âu Lạc (giống như được nhập tịch). Cũng như bao nhiêu điệp viên thời chinh chiến,  bằng bất cứ giá nào, Trọng Thủy vẫn phải hoàn tất điệp vụ của mình. Thiên Nam Ngữ Lục kể hai vợ chồng Trọng Thủy –Mỵ Châu có một con trai. Dĩ nhiên An Dương Vương sẽ mừng vui vì có  người thừa-kế. Và Trọng Thủy càng được tin cậy, đến độ được tham dự vào việc binh bị vũ khí bí mật quốc phòng. Người gián điệp Trọng Thủy phải tính ngay đến cuộc tháo chạy an toàn sau khi phá hủy được vũ khí địch và nắm giữ được bí quyết chế tạo. Nhưng có lẽ tình và con người của Mỵ Châu đã phần nào cảm hóa và ảnh hưởng được Trọng Thủy, nên những ngày tháng cuối cùng anh ta mới bàn với Mỵ Châu kế hoạch “tìm nhau trong khói lửa”.
(còn nữa)









Không có nhận xét nào: