điêu khắc

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

tình sử: lông ngỗng mỵ châu (3)


bún mềm trong tiệc cưới

Làng Cổ Loa gần Hà Nội có đền thờ An Dương Vương và đền thờ Mỵ Châu. Trong đền thờ Mỵ Châu có tảng đá lớn giống hình phụ nữ không đầu ngồi xếp bằng, hai tay để lên đầu gối. Người ta tin rằng đó là xác Mỵ Châu trôi từ biển về. Dân làng tuyệt giao với một làng khác cách khoảng 15 cây số, vì làng này thờ Trọng Thủy. Họ căm ghét Trọng Thủy là ngoại nhân phản phúc. Dân làng còn có lệ nếu con gái trong làng mà lấy chồng khác làng thì cấm tuyệt hai vợ chồng không được về lại làng Cổ Loa, vì họ sợ sẽ tái diễn chuyện cũ như kiểu Trọng Thủy. Đành rằng những chuyện và sự kiện này phát xuất từ lòng yêu nước và lòng yêu lẽ phải, nhưng cũng hơi quá đáng. Sự thật  Mỵ Châu cũng không phải là thuần Việt (Văn Lang) mà đã lai với Ba Thục,Tây Vu. Còn Trọng Thủy cũng không phải thuần Tầu, mà đã lai với Việt. Mẹ Trọng Thủy họ Trình ở làng Đường Thâm tỉnh Thái Bình, nơi có đền thờ Triệu Đà và bà họ Trình cũng được thờ phụ. Ta cũng nhớ rằng sau khi chiến thắng, Triệu Đà sát nhập nước Âu Lạc vào Nam Việt, chia và đặt tên là quận Giao Chỉ và quận Cửu Chân. Đến năm 137 trước tây lịch, Triệu Đà mất, truyền ngôi cho cháu đích tôn là Triệu Hồ, con trai Trọng Thủy và Mỵ Châu. Đây cũng có thể là đoạn kết của mối tình sử éo le ngang trái đầy nước mắt.
Thuở nhỏ ở Thái Bình, tôi từng nghe rất nhiều chuyện về Mỵ Châu & Trọng Thủy. Một chuyện đáng nhớ nhất là bún mềm trong tiệc cưới. Người ta kể rằng Trọng Thủy rất đẹp trai, mới gặp là Mỵ Châu đã xiêu lòng. Cuộc đính ước xuông xẻ. Đến ngày cưới, chính Mỵ Châu lo tổ chức rất đình đám. Bấy giờ, mọi sinh hoạt đều bình dị thoải mái, không có nhiều nghi lễ, dù ở trong cung vua.(nhắc lại: cái lễ nhạc của Trung Hoa chưa xiềng xích nước ta.) Để chuẩn bị thức ăn cho tiệc cưới, ai cũng phải thức khuya dậy sớm đôn đáo lắm. Một đêm, làm việc khuya, mệt và đói, cả vua lẫn công chúa đều muốn ăn chút chút. Công chúa bèn cùng thị nữ xuống nhà bếp xem. Họ đến khu làm bánh thì thấy một người đứng ngủ gục bên nồi nước sôi, tay vẫn cầm cái rây bột. Mỵ Châu nổi tính trẻ thơ đưa ngón tay lên môi ra hiệu cho thị nữ đừng lên tiếng. Rồi nàng quành ra sau lưng người đầu bếp. Nàng bắt chước tiếng gà gáy, bất ngờ gáy to sát tai anh ta: "ò ó o .o.o...!" Anh ta choàng tỉnh, hốt hoảng thấy công chúa, vội quỳ xuống. Mỵ Châu cười xòa hỏi: “Mi nấu cái chi ?” Không đợi trả lời, nàng dòm vào nồi nước sôi, lấy vợt vớt ra những cọng bột chín. Nàng ăn thử, khen, và hỏi:”mi làm cái này hử?” Anh đầu bếp lắp bắp:” dạ…da…bẩm…dạ bẩmm…bbu”  Mỵ Châu cười khanh khách bảo: “thôi được rồi. Đưa cái rây cho ta.”  Đêm đó Mỵ Châu say mê làm ra cái mà ta gọi là bún. Và trong tiệc cưới Mỵ Châu, món bún trở thành món chính để đãi nhà trai Trọng Thủy. Ai ai cũng tấm tắc khen là tuyệt diệu, ăn kèm với đậu phụ rán chấm mắm tôm chanh! Món bún bất ngờ cũng là tấm lòng Mỵ Châu mềm mại mà sau này đã chinh phục được Trọng Thủy. Tôi kể chuyện này hoàn toàn dựa vào lời kể của các cụ xưa, không có chứng cớ. Nhưng câu chuyện dù giả hay thật vẫn nói lên một điều: Mỵ Châu yêu Trọng Thủy, và tình yêu ấy được đáp đền, dù bước đầu Trọng Thủy chỉ là một tên gián điệp có sứ mạng lấy lòng Mỵ Châu để thực hiện âm mưu chiến tranh.
(còn nữa)



Không có nhận xét nào: