điêu khắc

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Cao Bá Quát: tiếng hú dài cõi mộng

tiếp theo bài

Cao Bá Quát: Tiếng Hát Tâm Không






Tiếng hát tâm không ấy vĩnh viễn lan trong không gian cô tịch, giữa một buổi chiều xuân xứ Huế, hình như đã nhập vào những đôi môi đôi mắt trọ trẹ Thừa Thiên, khiến thiên nhiên thành cõi mộng. Cõi mộng nào cũng có trăng. Trăng như con ngươi mở lớn. Trong trăng có mộng, và trong mộng có trăng. Trăng cũng là mộng. Mộng là trăng. Người đi vào cõi mộng là người đi vào cõi trăng. Khi tỉnh ra rồi thì không biết người là trăng hay trăng chính là người.
Con đường của Trang đi là con đường của cõi mộng. Trang mở mộng bằng đôi cánh chim Bằng, lướt theo gió lớn. Trang trở về bằng đôi cánh bướm mùa xuân (bướm trắng Nhất Linh) nương theo gió nhẹ.
Xưa Trang chiêm bao thấy mình là bướm, vui phận làm bướm, tự thấy thích chí, không còn biết có Trang nữa. Chợt tỉnh giấc, thì lại thấy mình là Trang. Không biết Trang chiêm bao là bướm, hay bướn chiêm bao là Trang ?
Đó là tâm trạng và tâm thức của những tâm hồn đã hoàn toàn vui trong cõi mộng và ấm trong cõi đời. Cao Bá Quát cũng có niềm vui ấy, và nỗi ấm ấy. Nhưng rốt cuộc ông vẫn một mình bươn bả ở ngoài trăng. Ông vẫn mãi mãi là nỗi-thao-thức-không-rời về thân phận con người trong lưới đời giăng mắc. Ông vẫn mãi là chính ông ngay trong đáy mộng. Không có cách gì hóa bướm. Nơi trại giam đã hai lần đổi chỗ, ông đã thấy mười cuộc trăng tròn – mười giấc mộng trôi xa. Mắt ông mở lớn cho bằng với mắt trăng. Trăng khi nào cũng sáng, cũng vằng vặc như bao mùa trăng cũ…Mắt nhìn trăng trừng trừng như định mạng. Chân ông chôn kín một góc trời. Bây giờ ông nhận ra một điều hết sức kinh hãi là ở tù lâu quá đâm quen cả với không gian tù. Chỉ còn trăng là tiếng gọi duy nhất ngoài thế giới xa kia. Và chỉ có cánh chim Bằng của Trang mới đưa được ông tới đó. Ông mượn hay giựt đại cánh chim Bằng của Trang để hối hả bay đi. Ông không biến thành chim, thành Trang hay thành bướm. Ông vẫn là ông. Và ông bay đi không phải để nghêu ngao vui thú, mà để trắc nghiệm, tìm thăm một tiền kiếp xa xăm của chính mình. Nơi vầng trăng ngọt là một rừng quế. Vì thế cung trăng còn gọi là cung quế. Trăng muôn đời thơm mùi cây quế. Hay quế của muôn đời thơm đẫm mùi trăng? Hỡi ơi nơi cõi mộng đầy quế thơm lại là nơi đày đọa một người. Người ấy họ Ngô, họ Vũ, hay họ Cao? Thưa đó là người đi tu tiên vào thời Hán, thời Hùng, thời Đinh Lê Lý Trần? Đã thành tiên mà còn mắc tội để đến nỗi bị đày! Tội lỗi là gì vậy? Tại sao lại bắt ông ta đi chặt quế ? Hỡi ơi quế là loài linh mộc, da thơm và cay nồng như màu mắt Thừa Thiên, không một loại dao kiếm nào có thể chặt được. Chặt đến đâu, da quế liền lại đến đó. Đã không muốn chặt, và chặt cũng không được, thì suốt đời chịu đóng đanh trong rừng quế mà thôi! Ôi té ra bị đày vào rừng quế cũng còn là một công án ? Ông tiên họ Ngô bước ra từ cây quế, hay từ cây quế bước ra, đon đả  kéo tay ta đến bên một cây quế thì thầm. Ôi mùi quế lẫy lừng làm ta bối rối hoang mang, tim đập thình thình. Hình như ông nói miên man mơ hồ về kiếp trước của ta ? Hình như ta với trăng là một đôi tình nhân kỳ lạ? Lời ông nhỏ quá, nghe vo ve văng vẳng như tiếng ong trong rừng vắng. Ta làm sao nhớ được. Quế vẫn ngạt ngào, trăng vẫn long lanh. Ta không chịu nổi. Ta khoa tay từ giã – ta bàng hoàng chia tay. Khắp châu thân đầy rẫy mùi quế. Nội phủ căng phồng, tứ chi mãn túc. Hốt nhiên ta bật ra tiếng hú – tiếng hú dài theo ngọn gió nam sà xuống Thừa Thiên. Tiêng hú dài liên miên vang vọng khắp phương trời chiêm bao trùng trùng điệp điệp.
Tiếng hú dài cõi mộng. Mộng ở Thừa Thiên hay mộng nơi cung quế? Các bạn ta ơi! Bây giờ là rằm tháng sáu. Trăng tháng sáu tròn hơn trăng tháng năm? Trăng tháng năm tròn hơn trăng tháng tư? Ta một mình nâng rượu mời trăng, nâng rượu hỏi trời. Ôi có phải trời đất bất nhân coi mọi loài như loài chó rơm? (thiên địa bất nhân dĩ vạn vật vi sô cẩu – đạo đức kinh) Ôi có phải hạt cơm thì trắng, hạt nước mắt thì đen? “các bạn ta ơi bao giờ được thả? Đến bao giờ ăn được bát cơm ngon?”(lời nhạc Nam Lộc). Trời đất mênh mang làm sao ta hỏi. Thôi thì bắt chước người xưa làm thơ con cóc. Con cóc là cậu ông trời…ai mà đánh nó, nó bèn …làm thơ…Làm thơ hỏỉ cháu trời cao: tại sao thi sĩ lại đi ở tù?

LỤC NGUYỆT THẬP NGŨ DẠ NGUYỆT
HẠ TÁC PHỤNG KÝ CHƯ CỐ NHÂN


Cơ lưu lưỡng thiên thứ
Thập kiến hải nguyệt viên
Nguyệt cận bất cải sắc
Khách cư hành dĩ biền
Ngã dục sáp song thí
Phi bộ lăng tử yên
Lộ phùng Ngô tiên nhân*
Ấp ngã quế thụ biên
Tương kiến vị khoản khúc
Tự thoại dư sinh tiền
Ngữ tế liễu bất ký
Huy thủ nam phong điên
Quy lai nhất trường khiếu
Bả tửu dục vấn thiên
Thiên cao bất khả vấn
Thả phú tù sơn thiên**

TRĂNG RẰM THÁNG SÁU
GỬI CÁC BẠN TA ƠI !

Phòng giam đã hai lần di chuyển
Mười con trăng trên biển mù xa
Trăng nay vẫn sáng như là
Người nay bỗng phải quen nhà tù lao
Có lúc muốn chấp chao đôi cánh
Lên chin tầng mây tía lô nhô
Chợt ông tiên cũ họ Ngô
Ở bên cây quế kéo vô vái chào
Gặp nhau những nghẹn ngào đón tiếp
Kể huyên thuyên duyên kiếp trước sau
Thì thào không thể nhớ ngay
Sà theo ngọn gió khoa tay giã từ
Về thế giới hú dài một tiếng
Nâng rượu lên hỏi chú trời cao
Trời cao hỏi được đâu nào
Làm thơ con cóc ra vào ta ngâm

* trong bài Thiên Cư Đối Nguyệt, Cao Bá Quát cũng nhắc đến ông tiên này:” dục bằng Ngô Chất phủ, chiết quế hợp đơn thành” nghĩa là ta muốn mượn cái búa của Ngô Chất để đẽo cho được nhành quế. Ngô Chất là người thời Tam Quốc, tự là Quý Trọng, cũng gọi là Ngô Cương, có tài thông bác, các bậc quyền chức đương thời đều kính nể. Sau đi tu tiên. Đồn là thành tiên nhưng phạm lỗi thiên đình bắt phải đi chặt quế !
** Tù Sơn là tên một bài phú của Liễu Tôn Nguyên đời Đường. Chúng tôi không dịch nghĩa mà chỉ lấy ý cho trọn nhịp hứng của bài thơ.
(trích Tường Vũ Anh Thy - Cao Bá Quát Giữa Hồn Thiêng Sông Núi - Ức Trai xuất bản 1985)







Không có nhận xét nào: