điêu khắc

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

CHỬ ĐỒNG TỬ : Vô Lượng Thọ Phần II


TỪ CÁI KHỐ ĐẾN BÀI HỌC THIÊN NHIÊN



            Có một chi tiết trong “Ngày của Trái Đất” là người ta kêu gọi bớt dùng đồ nylon, đặc biệt cái tã nylon (diaper). Hợp chất chế tạo tã nylon có công dụng không thấm nước, không mục rữa. Tã nylon rất tiện lợi cho … người lớn, nhưng rất bất lợi cho trẻ em và …trái đất ! Lý do: trẻ em nhiều lúc phải chịu đựng cái bọc bế tắc đầy phân và nước tiểu. Xác tã nylon thải ra mỗi ngày hàng triệu cái, trái đất không tiêu thụ nổi vì nó lâu mục rữa quá: hàng trăn năm !
            Những lý do người ta nêu ra đó, thiếu một điều quan trọng: bài học thiên nhiên về tình người . Bài học này cũng là phương pháp giáo dục truyền thống.
            Con người sinh ra, chịu ảnh hưởng huyết thống, địa lý, lịch sử, văn hóa…Sự ảnh hưởng đó tự nhiên, như …thiên nhiên . Đứa bé nhận và hưởng “công ơn bú mớm” của cha mẹ như một điều kiện sống. Càng nhận nhiều bao nhiêu, đứa bé càng thâm cảm bấy nhiêu. Cả sự cho và sự nhận đều rất tự nhiên, trong sáng, và đầy ân tình. Ở đây không có lý trí kể lể, không có tư doanh hay quốc doanh… Bởi vì cha mẹ cung cấp cho con cái những nhu cầu kinh tế, lao động, dù nhiều bao nhiêu cũng là nhỏ so với … một tấm lòng. Tấm lòng ấy thể hiện ngay trong việc … thay tã. Vì là tã vải, ướt một tí cũng phải thay. Tất nhiên cha mẹ rất vất vả, nhất là gặp thời kỳ con nhỏ có bệnh. Nhưng bù lại, đứa bé cảm nhận được tấm lòng ấy, để sau này nó biết ăn ở phải đạo làm người . Sự kiện thay tã (sau này là nhường khố ) là cái vòng nhân duyên từ ái như một bài học tự nhiên. Chính nhờ đó mà em bé Gióng vụt lớn thành Phù Đổng Thiên Vương giúp nước , đánh giặc. Chính nhờ đó mà Chử Đồng Tử và các trẻ em Việt Nam biết nhường cơm xẻ áo với người .
            Dùng tã nylon (diaper) là sự “ ăn bớt” công ơn bú mớm của trẻ em. Từ sự “ăn bớt” ấy, đứa trẻ cũng sẽ “ăn bớt” với đời sống sau này. Dĩ nhiên, tã và khố ở đây chỉ là chi tiết, biểu tượng về một hành động “nuôi dưỡng”, một sự giáo dục truyền thống, có tính cách thiên nhiên [1]
            Trên đây ta mới bàn về chuyện người , còn chuyện đất ? Xin thưa, quả đúng như báo cáo khoa học: trái đất không tiêu thụ nổi xác tã nylon, cũng như nhiều đồ phế thải “hóa học” khác. Trái đất sẽ mất đi biết bao nhiêu khả năng “nuôi dưỡng” con người . Ở đông phương, người ta có khoa địa lý, tìm đất để táng mộ. “ Để thử đất huyệt táng tốt hay xấu, họ dùng chỉ ngũ sắc chôn xuống đất độ vài năm rồi đào lên xem. Hễ đất tốt thì sắc chỉ không phai, đất xấu thì sắc chỉ biếm màu hết. Họ cũng lấy đồ đựng nước , bỏ cá con vào nuôi, rồi chôn xuống đất vài năm. Hễ cá sống là đất tốt, cá chết là đất xấu. Vì vậy xem cây cỏ tươi hay héo cũng biết được đất tốt hay xấu “ [2]. Người Việt rất tin địa lý. Sự tin tưởng này kéo theo sự yêu người và yêu đất . Tình yêu ấy được thể hiện trong việc thờ cúng tổ tiên. Người ta tin rằng chết không phải là hết, mà về với tổ tiên vọng tộc. Tin tưởng đến độ thành tục ngữ:

                        Sống về mồ về mả
                        Chẳng ai sống về cả bát cơm

            Quan niệm tâm linh này đã bao dung mọi lý thuyết kinh tế tư bản và vô sản. Bát cơm tuy trọng, nhưng mồ mả đời sau còn trọng hơn.

                        Sống mỗi người một nhà
                        Già mỗi người một mồ
           
            Đó là tất cả vẻ đẹp của đời sống , dung hòa một nền kinh tế thịng vựơng ( có nhà ở) và thế giới tâm linh tròn đầy (có mộ phần). Nhà ở và mộ phần liên hệ gắn bó như anh em song sinh. Bởi vậy, gia đình có chuyện chẳng lành, người ta vẫn lo lắng: “Hay là động mồ động mả chăng?” .
            Đó cũng là tình yêu đất. Sống cũng do đất, chết cũng do đất . Người Việt có tinh thần yêu thiên nhiên và làm đẹp trái đất rất cao. Nhiều chuyện cổ tích, vì không giết họai lòai vật, không chặt bừa cây cối, không phá họai thiên nhiên, mà các nhân vật gặp nhiều may mắn.
            Riêng chuyện Chử Đồng Tử cũng như ba người con hiếu thảo kia, không nỡ để bố chết trần truồng, dù bố đã nhường khố , nhưng các con lại nhường lại. Sự nhường đi nhường lại ấy nói lên biết bao tình cảm thắm thiết giữa kẻ sống, người chết. Có lẽ ông bố nghĩ thế này: “ mình là bố, sống đã không lo nổi cho con cái khố, thì chết truồng là phải. Để khố cho con mặc đỡ xấu hổ với đời. Mình chết truồng như tự phạt, quỳ lạy tạ tội với tổ tiên.” Chử Đồng Tử và các người con có lẽ nghĩ rằng: “ Bố về với tổ tiên mà trần truồng thì còn mặt mũi nào nữa. Các con sống mà để bố như vậy thì sau này không đáng chết. Thôi cứ mặc khố cho bố . Bề nào cũng khổ. Nhưng rồi sẽ liệu sau. Với lại … sống về mồ về mả…”. Trong một quốc gia mà mọi người nghĩ về nhau như thế, thì quốc gia ấy hẳn có giá trị đạo đức như thế nào? Và tương lai quốc gia ấy phải như thế nào? Bài học thiên nhiên về tình người chính là nền giáo dục truyền thống mà Chử Đồng Tử đã được hưởng. Và ông đã phát huy sự giáo dục đó. Nó có ý nghĩa nền tảng của Đạo Tự Nhiên mà ông chính là … đạo chủ.

GIỮA NÓN VÀ GẬY

            Để cha mình mặc khố đem chôn, Chử Đồng Tử đã mong muốn ngược lại lời khuyên của cha: cha sẽ không bị xấu hổ ở thế giới tâm linh. Khố và xác thân người ta sẽ tan theo thời gian trong lòng đất . Nhưng ý tưởng nhường khố vĩnh viễn thường trụ trong không gian. Khi không có khố , Đồng Tử trần truồng thân xác giữa trần gian. Nhưng tâm hồn ông đầy ắp tình cảm văn hóa truyền thống. Trong truyện cổ dân gian, xác người cha chôn trong hàm rồng để mộ kết. Truyện Chử Đồng Tử , trái lại, chính ông chôn sống ông trong lau sậy đất cát mà kết mộ. Một ngôi mộ chết, và một ngôi mộ sống , cả hai đều kết. Một người chết có khố , và một người sống không khố . Có và không, chết và sống, tất cả đều bay lượn giữa thiên nhiên, hiện tại, tương lai và quá khứ. Đó chính là không gian và thời gian của đời sống, biểu tượng cụ thể bằng cái nón. Nón dùng để úp lên. Như thiên nhiên, như đời sống tràn trên mặt đất. Nón úp lên gì? Xin thưa: úp lên người. Bởi vì người là sinh vật đứng lên từ mặt đất, như cây cối, nhưng biết hành động và tư duy. Người thuộc về dương tính, trong khi đất thuộc về âm. Quặng mỏ kim lọai (kim), cây gỗ (mộc) đều thuộc về dương (cho lửa và ánh sáng). Lửa và ánh sáng còn tượng trưng cho trí tuệ. Ta có thể kết luận rất uy tín rằng: con người ta đã chôn theo chất kim lọai (vàng bạc), đồ tẩm liệm (vải, khố, …), đóng hòm (gỗ), hoặc hỏa thiêu (lửa) để người chết sớm hòa với đất (âm) theo vòng tròn thiên nhiên và nhân duyên.
            Có lẽ biểu tượng đúng nhất về người là cây gậy (mộc). Gậy được cầm để hành động. Gậy biểu tượng cho chủ quyền, và quyền chủ động. Trong thần thọai, gậy tượng trưng cho pháp luật thiêng liêng và thần bí, phát hiện tâm linh siêu việt. Đó cũng là lý do tại sao Đức Phật ngồi dưới gốc bồ đề mà đắc đạo. Đức Chúa Jesus đóng đanh trên thập tự giá mà về trời, còn vọng lại câu: “ ai muốn theo ta hãy từ bỏ mình, vác thập tự giá mà đi”.
            Cây bồ đề, cây thập tự đều thuộc mộc, thuộc dương, tạo lửa và ánh sáng (hào quang). Đó chính là cây gậy tử sinh, gậy trí tuệ mà Chử Đồng Tử nhận được từ vị đạo sĩ núi Quỳnh Viên. Gậy này cũng làm ta nhớ đến chuyện “gậy thần và sách ước” trong kho tàng cổ tích Việt Nam [3].
            Tôi chắc rằng, sau bao nhiêu ngày tháng khổ hạnh, đến khi ngồi im lặng dưới cây bồ đề, Đức Phật đã không còn mảnh vải nào che thân. Cũng như chúa Jesus trên gỗ thập tự, đã thực sự bị cướp nát đến mảnh vải cuối cùng. Sự kiện này sẽ hữu lý khi ta thấy Chử Đồng Tử được gậy và nón là do hành động nhường khố kính cha. Khố là mảnh vải che thân, nhưng cũng là mảnh tương quan đối đãi. Còn khố là còn chướng ngại, còn bị chi phối bởi nghiệp lực của sắc giới và dục giới. Chử Đồng Tử không khố , tự lấp mình đi, đã giải được tất cả mọi nghiệp lực của sắc giới và dục giới. Ông đến với Tiên Dung , cũng trần truồng như hiện, do làn nước nhân duyên vạch rõ. Nước ấy cũng là nước tắm của người vợ xấu xí, là nước ngọc tiên. Nước của thiên nhiên xanh lá.
            Cho nên sự lạ kỳ giữa nón và gậy chính là nước . Đức Phật nhận bát sữa. Đức Chúa nhận nước dấm. Và Chử Đồng Tử nhận nước tắm của một giòng sông. Nước , hành thủy, trong truyền thống ngũ hành Đông phương. Ở Việt Nam , nước đứng đầu ngũ hành và được cai quản bởi Mẫu Thỏai. Chữ Thỏai do chữ Thủy đọc trại đi, và nàng chính là công chúa, con gái Lạc Long Quân. [4]

NGŨ HÀNH NHÂN DUYÊN

            Quan niệm vũ trụ nhân sinh của giòng Đạo Nội theo hệ thống Âm Dương Ngũ Hành, lấy sự sinh khắc và giao hưởng đối cực thể hiện hiện tượng đời sống và tâm linh siêu việt. Vì ngũ hành là tâm sinh lực của vạn vật, do sinh khắc mà cấu tạo nên, được biểu tượng bằng năm hổ (ngũ hổ) và năm sắc (ngũ sắc), án ra năm phương Bắc Đông Nam Tây và Trung Ương. Hành Thủy đứng đầu với ý nghĩa nước là nguồn tuôn tràn ra đời sống :
                       
        Công cha như núi Thái Sơn
                    Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra

            Cái hành thủy uyển chuyển vô cùng ấy cũng là nước mắt của Mẫu Thỏai, con gái Lạc Long Quân, thương xót chính mình và vạn vật. Mẫu Thỏai chính là “lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình”, là nguồn cội nuôi dưỡng, tác hợp, sinh khắc theo chu kỳ đồ biểu:

SINH ( => ) Thủy  => Mộc => Hỏa => Thổ => Kim

KHẮC ( ↔ )  Thủy ↔ Hỏa ↔ Mộc ↔ Kim ↔ Thổ

            Ngòai ra còn có hiện tượng tương thừa, tương vũ.
            Sự sinh khắc biến hóa theo biện chứng “ trung Âm hữu Dương, trung Dương hữu Âm”, tức Âm Dương Hòa. Chúng tôi không đi sâu vào chi tiết trong bài này, sỡ dĩ phải giới thiệu để có thể trình bày cuộc tình Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Tây Cung, cùng khái lược về Đạo Nội. Mặc dù với thuyết tự nhiên, nhưng căn bản giáo lý cũng như quan niệm vũ trụ nhân sinh phong phú, chúng tôi sẽ trình bày trong lọat bài đặc biệt khác. Sau đây là biểu đồ tổng quát:




Đó là biểu đồ nhịp nhàng theo sự tuần hòan thiên nhiên, với không gian và thời gian, cùng sự sống của muôn lòai. Biểu tượng trời tròn, đất vuông, không có tính khoa học, mà thiên về tâm linh . Đất vuông ở trong, trời tròn bao ngòai, rất hài hòa trong tiết điệu ẩn và hiện. Trong vuông, ngòai tròn, cũng là thuật xử lý và dưỡng sinh của Đông phương. Biểu tượng này được gói gém trong truyện tích lịch sử “Bánh Dầy Bánh Chưng” thời Hùng Vương. Sở dĩ Liêu Lang được truyền ngôi báu vì ông đã hệ thống hóa, giản lược hóa, và hiện thực hóa được tư tưởng truyền thống và nếp sống thiên nhiên nông nghiệp Việt Nam. Riêng giòng Đạo Nội, lấy biểu tượng con hổ để chỉ uy lực và sinh lực, do sự sinh khắc phân hóa tràn ngập không gian và thời gian. Họ gọi Hổ là Tướng quân, và giòng Đạo Nội cũng kết thúc văn chầu bằng bài Ngũ Hổ Tướng Quân Luyện Văn. Biểu đồ trên xin được giải thích về Ngũ Hỗ ( Ngũ Hành) theo văn chầu:

            …..
            Trong hổ phúc thâm tàng binh pháp
            Lúc dương uy chấn tác qua nha
            Tai nghe nghìn dặm xa xa
            Ai mà thỉnh đến đều là cấp lai
            Thóat chân hình, trần ai biến tướng
            Hiện làm thần giao trượng thiên uy
            …

            Năm tướng phụng mệnh trấn nhận năm phương:

                        Tướng Thanh Hổ đóng ra Đông hướng
                        Ngọn cờ xanh vẽ tượng cơ tinh
                        Giáo trường vó sắt đầy doanh
                        Bắt lòai quỷ mộc đêm thanh hiện hình
                        Tướng Bạch Hổ binh hành cờ trắng
                        Cõi Tây giao trọng trấn quân doanh
                        Những lòai cốt khí hôi tanh
                        Lệnh truyền bộ ngũ tan tành như gio
                        Tướng Xích Hổ phất ra cờ đỏ
                        Mặt viêm phương chấn nộ hỏa công
                        Thạch tinh bắt được thiêu hồng
                        Đậu là chẳng khiếp uy phong khác thường
                        Tướng Bắc Hổ đóng sang Bắc trại
                        Trừ những lòai hành hại sinh linh
                        Gươm trường súng lớn tề chinh
                        Huyện kỳ kéo đến yêu tinh thất thần
                        Tướng Hòang Hổ trung tâm điều độ
                        Chiếc cờ vàng thẳng trỏ nghiêm minh
                        Khi mà tịch ấn đem binh
                        Uy như lẫm liệt chấn kinh xa gần [5]

            Biện chứng “âm dương ngũ hành” có khả năng giải thích những hiện tượng thiên nhiên , siêu nhiên thần bí, và đời sống của muôn lòai. Người ta hệ thống hóa mọi hiện tượng vào trong hệ thống âm dương ngũ hành. Đó là ta có thể áp dụng hệ thống âm dương ngũ hành vào nhiều bộ môn nghiên cứu như chính trị, quân sự, kinh tế, văn học, giáo dục, thiên văn, địa lý, y học, võ học, đạo học, lý số học … Văn hóa Việt Nam chịu nhận ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nhưng biết phối hợp với văn minh Hy Mã Lạp Sơn (Ấn Độ) dể sáng tạo nền tư tưởng văn minh Lạc Việt (Hòang Liên Sơn). Nếu Ấn Độ và Trung Hoa từ trên các đỉnh núi cao phía Tây và phía Bắc, thì Việt Nam chính là đồng bằng nhỏ bé thu hẹp ở  trung cung. Sự thành tựu này được biểu tượng bằng câu chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Chử Đồng Tử vẫn được gọi là cậu bé của đầm lầy, tức vùng đất thấp. Và những chuyện thần linh từ núi Tản, núi Sóc, đã chuyển xuống đồng bằng trung cung, nơi đó có đầm một đêm (Nhất Dạ Trạch).
            Không phải ngẫu nhiên mà Tiên Dung về đầm lầy gặp Chử Đồng Tử . Nhưng rất tình cờ, Chử Đồng Tử trở thành người con rể đầu tiên chống lại nhà vợ. Cuôc nhân duyên theo ngũ hành đến lúc chuyển động. Sự chuyển động này đã thay đổi từ thượng tầng đến hạ tầng cơ cấu xã hội thời Hùng Vương.
(còn nữa)



[1] Chúng tôi đề nghị quý cha mẹ trẻ, dùng tã nylon cho bé khi ra khỏi nhà, nhất là đi xa. Còn thường ngày, trong nhà, nếu được , dùng tã vải. Vừa tiết kiệm được tiền tã, vừa làm đẹp thêm tình con, tình đất.
[2] Lê Quý Đôn , dẫn trong Vân Đài Lọai Ngữ, bản dịch Phạm Vũ và Lê Hiền, Saigon 1972, tr. 47
[3] Nhân đây tôi vẫn tiếc cho tác giả Ngô Thừa Ân trong “Tây Du Ký” đã không biết đến cây gậy này, nên đã để Tôn Ngộ Không dùng “thiết bảng” (kim lọai) làm “gậy Như ý” và làm vũ khí. Tác giả Nghiêm Xuân Hồng trong “Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc” đã biến gậy thành lá, hóa thân của Cuồng Huệ, khiến tư tưởng của ông khế hợp truyền thống Đông phương.
[4] Sự tích Mẫu Thỏai được kể khá rõ trong sách của Hội Chân Biên, và các bài chầu văn. Sự kiện này khiến ta phải đặt câu hỏi: cái bọc trăm trứng của bà Âu Cơ đã nở ra cả trai lẫn gái, hay Lạc Long Quân có con gái với bà vợ khác, trước hoặc sau bà Âu Cơ?
[5] Những chữ gạch dưới (hoặc in nghiêng hoặc đậm nét) là chúng tôi tự nhấn mạnh

Không có nhận xét nào: