điêu khắc

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

CHỬ ĐỒNG TỬ : VÔ LƯỢNG THỌ - phần I


NGÀY CỦA TRÁI ĐẤT (EARTH DAY)

Tuy nhiều dân tộc có chung tục thờ Thần Đất như ở Việt Nam, nhưng sự thờ phụng không mang ý nghĩa làm đẹp trái đất . Ngày 22 tháng 4 năm 1990, mấy trăm triệu người trên thế giới họp nhau ăn mừng kỷ niệm và … cãi nhau về chuyện Trái Đất . Họ tố cáo rằng con người đã khai thác trái đất quá tàn nhẫn. Đã phóng uế vào trái đất quá bừa bãi, đến mức cần phải báo động về môi sinh. Họ đã không đề cập đến việc người ta đã từng chôn vào trái đất những tư tưởng, âm mưu rất hắc ám!
Tựu trung, ngày của Trái Đất, kêu gọi mọi người trên tòan thế giới hãy ý thức trách nhiệm về việc giữ gìn và phát triển trái đất như một “kho trời chung”. Có bốn vấn đề chính:
1. Nếu không làm tăng, thì đừng để giảm khí ozone trong khí quyển . Nó sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe con người .
2. Mực nước biển cần được duy trì sạch sẽ để giữ cho trái đất sự điều hòa nhiệt độ.
3. Rừng cây xanh lá cần được bảo vệ và phát triển tối đa để trái đất thêm xanh, và sinh vật thêm hồng.
4. Con người nên tiết giảm sinh đẻ vì “của kho có hạn”.

Tuy chia làm bốn nhưng thành số vẫn là một : cuộc sống. Con người vốn sống trong giới hạn: sinh, bệnh, già, và chết. Để kéo dài giới hạn này, người ta tiến dần vào khoa học. Để thóat khỏi giới hạn đó, người ta đi tìm Đạo học .
Ai cũng cảm nhận rằng, ngày của Trái Đất, đằng sau việc làm đẹp trái đất, là sự dọn mình để gặp gỡ … người của các hành tinh khác. Đó là tiến trình khoa học, tuy chậm chạp nhưng rất … cởi mở để người ta biến thành … công dân thế giới !
Cách đây ít nhất trên 2000 năm, một người Việt Nam đã từng “làm đẹp trái đất”, đi từ khoa học, vào tới đạo học, thực hiện được cả đến việc kết hợp với người hành tinh ngòai trái đất. Đó là Chử Đồng Tử. Hành trình của ông rất ngắn, thực hiện ngay trong một đời . Ông cũng là tổ của ngành Đạo Nội, tức đạo Đồng Bóng ở Việt Nam. Là một trong Tứ Bất Tử, nhưng Chử Đồng Tử, gọi theo thuật ngữ hiện nay, ông còn là thánh tổ của triết thuyết hiện sinh, là thánh tổ của tất cả mọi phong trào giải phóng giai cấp và giải phóng tính dục. Có lẽ ông là tổ của “Ngày của Trái Đất”, và là một người vượt qua vô sản, vượt qua tư bản, không hề đấu tranh mà vẫn đạt thành đạo quả.
Có lẽ Chữ Đồng Tử là tổng hợp của tôn giáo và trí tuệ Đông phương, từ hơn 2000 năm qua, vẫn sống thong dong ngòai trái đất .

CÂU CHUYỆN CÁI KHỐ

Khi còn nhỏ, mảnh vải quấn thân gọi là cái tã. Lớn lên rồi, mảnh vải ấy đổi kiểu và đổi tên là cái khố. Ngày xưa, vào thời Hùng Vương, và có kéo dài qua thời Hai Bà Trưng, khố là phục sức của đàn ông. Khố cũng có nhiều kiểu, như kiểu khố đuôi lươn rất được ưa chuộng. Mãi về sau này, khố mới bị xem như trang phục của nhà nghèo: “thời kỳ đóng khố” . Hoặc những người đóng khố bằng vỏ cây, lá cây như cái khố chuối của Trần Minh, thuộc lọai nhà nghèo. Khố là từ ngữ rất Việt Nam, mặc dầu nó cũng có một ít nghĩa Hán. Ta có thành ngữ “ bạn nối khố “, ý chỉ bạn rât thân, như ruột thịt. Cũng có nghĩa là bạn rất lâu, từ thuở hàn vi, thuở đóng khố. Nhưng từ ngữ “ cha con nối khố “ mới nói được hết ý nghĩa thâm trọng của liên hệ tình cảm sống chết của con người .
Đó là câu chuyện cổ tích: ngày xưa có bốn bố con, nghèo đến độ cả nhà chỉ có một chiếc chiếu và một cái khố. Họ phải thay nhau đóng khố để ra ngòai kiếm ăn. Đến khi ông bố sắp chết mới dặn các con giữ chiếu và khố lại mà dùng, cứ để bố chết truồng cũng được. Nhưng ba anh em thương bố quá, không nỡ, vẫn mặc khố cho bố, lấy mảnh chiếu bó bố lại, đợi ban đêm mới khiêng bố đi chôn. Phần vì thiếu ăn, phần vì trời đêm giá lạnh, ba anh em vất vả mệt quá. Họ nghỉ chân bên gò đất ngòai đồng, thầm khấn: “ Bố ơi, bố linh thiêng, phù hộ cho chúng con, bố nhẹ đi để chúng con dễ khiêng bố . “ Khấn xong họ tiếp tục khênh bố họ lên. Lần này họ khiêng dễ thật : rất nhẹ. Ba anh em mừng lắm, tin rằng bố rât linh thiêng .
Chôn cất bố xong, ba anh em lần theo lối cũ về nhà . Qua gò đất, họ vấp phải xác người chết bên đường . Xác chết cũng đóng khố . Trời tối quá, ba anh em không nhận ra ai . Họ xúyt xoa: “ Tội nhgiệp . Bố ta còn được bó chiếu chôn cất. Người này chết phơi thây ở đây . Thôi ta làm phúc chôn ông ta vậy” . Nhân hốc đất gần đấy, ba anh em hì hục khiêng xác chết vùi vào .
Đêm ấy, người anh cả ngủ mơ thấy một con rồng đến bảo: “Này anh kia, anh có dời xác bố anh ra khỏi hàm tôi không. Tôi trả công anh mâm bạc”. Sáng dậy quả có một mâm đầy bạc sáng lóe . Người anh kể chuyện giấc mơ . Rồi đến đêm anh ta đi dời mả bố mình nhích ra một chút . Ba anh em nhờ mâm bạc sống rất thỏai mái .
Lại một đêm khác, người con thứ hai mơ thấy rồng đến năn nỉ : “ Ông ơi, ông không chịu dời mả bố các ông, làm hàm tôi bắt đầu sưng đau lắm . Tôi đền ơn ông mâm vàng, xin ông nhích bố ông ra một chút”. Sáng ra quả có một mâm đầy vàng sáng rực . Người con đi ngay đến mả bố, kéo bó chiếu nhích đi theo lời con rồng .Từ đó ba anh em tương đối sung túc . Tậu nhà, lấy vợ, chăm chỉ làm ăn .
Nguyên hồi khiêng bố đi chôn, vì chiếu cũ rách, xác bố lọt tuột ra ngòai . Ba anh em không biết, tưởng bố tự nhẹ đi . Vô tình lần về, chôn làm phúc người dưng, lại chôn chính bố mình vào hàm rồng . Mỗi lần dời mả chiếu, xác bố thật vẫn y nguyên trong hàm rồng . Vì thế, người con út ngày kia thấy rồng lại đến khóc lóc : “ Ông ơi, miệng tôi sưng to đau quá sức rồi . Xin ông nhích mả bố ông ra một chút . Tôi đền ơn ông lọ ngọc tiên . “ Sáng dậy quả có một chiếc lọ nhỏ bằng ngọc rất đẹp. Người em mở nút ngửi được mùi thơm ngạt ngào . Anh ta cất lên giánh bếp , định bụng để đấy xem sao . Rồi anh cũng ra mả bố , nhích chiếc chiếu đi cho rồng . Dĩ nhiên xác bố thật vẫn nằm yên . Mả kết .
Nói về chị vợ người em út, đen đủi, xấu xí, chỉ được cái nết na, trung hậu, chịu khó . Một hôm tình cờ thấy lọ ngọc tiên trên giánh bếp . Nhân lúc muốn tắm, chị pha nước thơm trong lọ vào chum nước . Bất ngờ dội nước đến đâu, da chị trắng ra đến đấy . Chị thích quá, dội hết chum nước. Người chị bỗng trắng trong như ngọc, tóc xanh như mây . Chị trở nên đẹp lạ lùng . Nước tắm chị dội lan ra luống hành hương . Hành lớn vùn vụt . Củ hành to như bình vôi, lá dài như đòn gánh .
Chồng chị, người em út kia đi cày về, thấy vợ đẹp như tiên, say đắm quá, cứ ngẩn ngơ ngắm vợ không thiết làm lụng gì nữa . Mãi rồi vợ bảo : “ anh cứ ở nhà, không làm lấy gì mà ăn . Thôi để em vẽ em lên chiếc mo cau, anh đi cày, cắm mo cau trên bờ ruộng, cũng như có em vậy “. Chồng nghe theo, đem mo cau có hình vợ giống như đúc, cắm ở bờ ruộng, vừa làm vừa ngắm vợ không biết chán . Bất ngờ có con chim đại bàng sà xuống quắp chiếc mo cau bay đi . Nó bay đến cung điện nhà vua thì thả xuống . Vua xem hình vẽ trên mo cau đâm ra tương tư người con gái . Vua rao truyền tìm người đẹp mo cau để kết duyên . Quân lính bắt được chị vợ kia . Vua mừng lắm . Nhưng người vợ nhớ chồng, nhất định không chịu . Suốt ngày chị u sầu, không cười, chẳng nói . Được cái ngòai sắc đẹp lạ thường, chị còn tiết ra hương thơm lạ thường . Vua càng yêu thích, tìm mọi cách để được cầu thân .
Nói về chồng chị, người em út kia nhớ vợ quá . Anh bèn nhổ hành, quang gánh quẩy lên kinh đô , rao quanh cung điện :

Hành xanh hành xanh
Dọc bằng đòn gánh
Củ bằng bình vôi
Ai mua hành tôi
Thì thương tôi với

Người vợ nghe tiếng rao, hớn hở nở miệng cười . Ôi chao là đẹp . Vua thấy vậy, nẩy ra ý muốn làm người bán hành . Vua bèn gọi anh chồng đến, đổi lấy khố, gánh lấy hành . Người chồng lập tức mặc áo mũ của vua . Bấy giờ luật lệ nghiêm khắc, không ai được phép ngẩng mặt nhìn vua. Thành ra khi vua rao hành, người chồng đã mặc áo mũ vua, ra lệnh bắt vua bán hành hạ ngục . Cuối cùng anh làm vua, chị vợ làm hòang hậu .(1)

SỰ TÍCH CHỬ ĐỒNG TỬ

Câu chuyện cổ tích trên, một phần ảnh hưởng bởi truyện Chử Đồng Tử , hoặc ngược lại . Chử Đồng Tử chỉ có hai bố con . Bố tên là Chử Vi Vân , người làng Chử Xá . Bấy giờ vào đời vua Hùng Vương thứ ba. Hai bố con họ Chử rất hiền lành, gặp nạn nhà cháy, mất hết tài sản, chỉ còn một cái khố vải. Họ phải thay nhau đóng khố khi ra ngòai. Cũng như chuyện trước, ông bố bị bệnh già, bảo Chử Đồng Tử rằng: “ Ta chết cứ chôn lỗ cũng được, để khố lại mà mặc, kẻo xấu hổ.” Nhưng bố chết, con không muốn để bố trần truồng, vẫn mặc khố cho bố mà đem chôn.
Còn lại một mình, Chử Đồng Tử phải ẩn thân dưới nước, bắt tôm cua cá ốc độ nhật. Một hôm đang dầm mình ven sông câu cá, Chử Đồng Tử nghe tiếng chuông trống đàn sáo vang vang. Rồi bỗng chốc nghì tượng cờ xí tấp nập. Chử Đồng Tử hỏang sợ tìm chỗ trốn. Nhân thấy bãi phù sa, lau sậy lơ thơ, bèn phóng vào đào cát lấp kín thân thể, không dám nhúc nhích. Giây lát, thuyền lớn ghé lại, đó là chiếc thuyền của công chúa Tiên Dung Mỵ Nương, con vua Hùng Vương. Công chúa dung mạo tuyệt vời, tuổi đã mười tám, nguyện không lấy chồng, chỉ thích ngao du thiên hạ. Vua cũng chiều. Mỗi năm khỏang tháng hai, ba, nàng sửa sọan thuyền bè, lênh đênh sông biển, vui chơi quên cả ngày về. Thuyền đỗ bến Chử Xá, công chúa bước xuống dạo chơi. Nàng lại truyền lấy màn vây kín bãi phù sa lau sậy làm bãi tắm. Tình cờ đúng chỗ Chử Đồng Tử ẩn trốn. Tiên Dung cởi bỏ xiêm y, múc nước dội tắm. Nước trôi cát chảy để lộ thân hình Chử Đồng Tử. Hồi lâu công chúa mới biết là thân hình chàng trai. Công chúa từ tốn bảo:
- Ta đã nguyện không lấy chồng, nay lại gặp ngươi trong mộ cát, có lẽ do trời xếp đặt chăng? Thôi ngươi hãy đứng lên tắm rửa đi.
Rồi sai lấy áo quần cho Đồng Tử mặc, cùng xuống thuyền ăn uống. Chử Đồng Tử kể thân thế mình cho Tiên Dung nghe. Tiên Dung thương xót bảo làm vợ chồng. Đồng Tử cố từ. Công chúa nói:
- Cuộc tao ngộ lạ lùng này vốn do trời định sẵn, đừng cưỡng làm gì.
Đồng Tử bèn chịu. Kẻ tháp tùng đem việc này tâu vua. Hùng vương giận bảo:
- Tiên Dung không trọng danh tiết, hạ mình lấy kẻ không khố. Thôi, còn mặt mũi nào thấy ta nữa. Từ nay mặc kệ cấm chỉ không cho về nhà.
Tiên Dung nghe tin, sợ hãi, đành cùng Chử Đồng Tử ở đấy, lập thành phố xá, chợ búa, buôn bán với dân. Lâu dần thành một ngôi chợ rất lớn ( nay là chợ Hà Lõa, nghĩa là sông trần truồng). Các nhà buôn nước ngòai qua lại tấp nập, kính trọng Đồng Tử, Tiên Dung rất mực. Có vị đến nói với Tiên Dung rằng:
- Nếu quý vị chịu xuất vốn đi biển, giao thương với nước ngòai mà buôn vật quý, chỉ một năm ắt thành nghiệp lớn.
Tiên Dung bàn cùng Chử Đồng Tử :
- Vợ chồng ta do trời xếp đặt, thành sự đều từ tự nhiên. Nay cũng cứ thuận theo trời, cùng người nước ngòai ra ngọai quốc buôn bán, chắc sẽ thành công.
Rồi Đồng Tử đem vốn theo vị đại thương ra biển. Ngòai biển có ngọn núi Quỳnh Viên, trên núi có chiếc am. Thương nhân ghé thuyền múc nước. Đồng Tử nhân lên chơi am, gặp một đạo sĩ tên là Phật Quang. Đạo sĩ truyền phép cho Đồng Tử, bảo ở lại nghe pháp. Đồng Tử bèn giao vốn cho vị đại thương, dặn cứ đi mua hàng, khi trở về thì đón Đồng Tử. Ở lại Quỳnh Viên Sơn học đạo, Đồng Tử cho là phép lạ tự nhiên. Khi người đại thương mua được hàng đến đón, Đồng Tử mới từ giã am chủ. Vị đạo sĩ tặng Đồng Tử một cây gậy và một chiếc nón mà rằng:
- Linh thiêng ở cả đây đấy.
Về nhà, Chử Đồng Tử đem đạo pháp nói hết với Tiên Dung . Từ đó vợ chồng bỏ chợ búa, cùng đi tìm thầy học đạo. Một hôm đến phủ Khóai châu, trời tối mà chưa thấy nhà trọ. Họ đành ở lại giữa đường, cắm gậy, úp nón lên để che. Đêm ấy bỗng hiện lên lâu đài thành quách, lại đủ cả tướng sĩ, thị vệ, kho tàng, miếu xã … y như thủ đô của một nước lớn. Sáng ngày, dân thấy, lấy làm kinh dị, tranh nhau dâng hoa hương ngọc thực theo phục mỗi ngày mỗi đông.
Được tin, vua Hùng Vương cho là con gái muốn làm lọan, bèn phát binh trừng phạt. Tiên Dung nói:
- Chuyện không phải chúng ta cố ý làm ra, đều do trời định. Chết sống cũng thế. Ta đâu dám chống lại vua cha, xin chịu sự trừng phạt.
Dân nghe cả sợ, bỏ đi hết. Quan quân của triều đình rầm rộ kéo đến đóng cách một con sông lớn, vì trời sắp tối, chưa kịp tiền binh. Đến chừng nửa đêm, bỗng nhiên gió lớn. Rồi lâu đài thành quách của Chử Đồng Tử và Tiên Dung vụt bay lên trời. Đất chỗ ấy sụp xuống thành một cái đầm cực lớn. Dân gian gọi là Nhất Dạ Trạch (Đầm Một Đêm). Châu ấy được gọi là Man trù châu, hoặc Tự nhiên châu. Bốn mùa cúng tế rất linh dị .(2) Sách của Hội Chân Biên đề thơ rằng:

Tự cam vô kệ hiếu ư thân
Tùy ngộ an bần bất hữu thân
Trúc sách một đao thời tác lọan
Sa châu thủy quốc nhật tương lân.

Tiên châu giải cấu kỳ cơ hội
Kinh đảo viên thành thắng quả nhân
Đạo đại thiên nam tiên tác tổ
Duyên lai nhất niệm khả thông thần
Dịch:

Mình truồng cam phận khố nhường cha
No ấm, tùy may quản chi mà
Bến nước một cần buông có lúc
Giang sơn riêng một bãi phù sa

Thuyền tiên đôi lứa duyên kỳ ngộ
Phật đảo viên thành sạch nghiệp ta
Đạo tổ trời Nam người đệ nhất
Thần thông nhất niệm đạo không xa
( Hội Chân Biên – theo Nguyễn Đăng Thục)

Ở xã Đa Hòa, tổng Mễ Sở, phủ Khóai Châu, tỉnh Hưng Yên (nay là Hải Hưng) có đền thờ Chử Đồng Tử , trở thành trung tâm tín ngưỡng bình dân Việt Nam : Đạo Nội, hay Nội Đạo Tràng, hay Nội Điển, hay Đồng Bóng. Đạo này lấy hai chữ “Tự Nhiên” làm căn bản giáo lý, lấy hai chữ “thần tiên” làm chủ đạo, hòa hợp với sự thờ phượng các vị anh hùng dân tộc, trải dài theo lịch sử, để mở đạo trong lòng người . Chử Đồng Tử cùng công chúa Tiên Dung , và Tây Cung tiên nữ, trở thành các vị tổ của Đạo. Chúng tôi sẽ nói sau. Bây giờ xin trở lại “Ngày của Trái Đất” xem Chử Đồng Tử đã làm gì qua câu chuyện nhường khố.

(còn nữa)

bài này dã đăng trên tạp chí Thời Tập 1991, bị thất lạc 2 phần cuối, nay sưu tầm đăng lại đây.

tường vũ anh thy 1990

ghi chú:
(1) chuyện không thấy chép ở sách nào, chúng tôi chỉ nghe kể từ hồi còn nhỏ, coi như chuyện dân gian, sẵn đây ghi lại.
(2) chép theo Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp,bản dịch của Lê Hữu Mục, Trăm Việt xuất bản tại Hoa Kỳ 1982.

Không có nhận xét nào: