ÔI CÁI CẢM GIÁC MỜ MỊT GIỮA ĐẤT TRỜI chỉ có một mình, không phải đợi đến lúc vợ chết, mà là ngay lúc ra đi, ông đã mang mang. Tâm sự của ông là tâm sự của một tay tráng sĩ, bàng bạc phù vân, lồng lộng trường giang nổi sóng – là tâm sự của một thi sĩ – đi là đi mãi – đi cho đến kỳ cùng cuộc lữ. Vợ chết là lúc thử nghiệm và lịch nghiệm cái kỳ cùng của cuộc lữ kia nơi chân trời góc bể. Bởi thế ngay những ngày tháng lê thê trong gông cùm đày ải, ông đã cảm nghiệm được thế nào là định mạng trở cơn – thế nào là tồn sinh sử lịch – và thế nào là công lực mai hoa.
Hình như lúc nào Cao Bá Quát cũng có cảm giác mình là một loài cá Côn, chim Bằng trong sách Trang Tử. Ông đã bay, và sức bay cao vút.
bóng thiều quang thấp thoáng dưới nam san
ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ
(chén rượu tiêu sầu)
Đọc Nam Hoa Kinh, ta thấy mở đầu thiên Tiêu Diêu Du là một cánh chim quạt gió:
“tại biển bắc có con cá Côn, lớn không biết mấy ngàn dặm. Cá này hóa ra chim Bằng; lưng của chim Bằng lớn cũng không biết mấy ngàn dặm, vỗ cánh mà bay, cánh nó xòe ra như mây, che rợp một phương trời. Biển động, Bằng bèn bay sang biển Nam: biển Nam là Ao Trời.
…..
Cái mà ta thấy trong không kia có phải là bầy “ngựa rừng” chăng, hay là bụi trần? Hay là hơi thở của muôn vật thổi lên? Còn màu trời xanh xanh kia có phải là màu thật của nó không, hay chỉ là màu của vô cùng thăm thẳm? Thì cái thấy của chim Bằng bay trên mây xanh dòm xuống cảnh dưới đây cũng chỉ như thế mà thôi.” *
Đọc đoạn ấy rồi cũng mới thấy cái thấy của Cao Bá Quát khi ông nhìn lại cuộc đời người. Sự nhìn lại này là một cái nhìn song trùng trong đôi mắt nghệ sĩ. Ông tự thấy mình như một luồng hơi, một bầu khí nóng, bốc lên từ đồng ruộng phì nhiêu trên châu thổ sông Hồng hà. Cao Bá Quát vẫn có một quan niệm tuyệt đối về bản thể tự do của con người, nhất là Con Người Đồng Ruộng. Họ sinh ra và lớn lên trong dưỡng chất trần gian, tự do giữa trời đất. Họ chính là những luồng hơi từ sông hồ đồng ruộng bốc lên vào mùa xuân, đi lại khắp nơi khắp chốn tùy theo gió trời. Vì sinh ra như thế, tấm thân như sắt luyện trăm lần cứng rắn. Vì sinh ra như thế, tâm hồn ngùn nghụt hùng khí, nghênh ngang cùng trời đất. Phải chăng đó là cái ban sơ thơ mộng về con người tuyệt đối trong đôi mắt họ Cao? Và ông thất vọng khi tiếp xúc với thế giới hữu hạn của thành phố mà ông gọi là lưới đời. Khi mắc vào lưới đời thì khí phách dần dần mòn đi. Đó là một nỗi đau thương bậc nhất của kẻ sĩ. Đem một tâm hồn khoáng đạt, một tấm lòng thênh thang, để đối đãi với mối đau thương ở lưới đời thật chẳng khác “chiếc lá quay cuồng trên sóng lớn”, như thơ của Tô Đông Pha.
Chiếc lá là tấm thân ông đang trơ trọi, xa quê cha, vợ con, bè bạn. Sóng lớn là cái án sửa văn trong trường thi cho thí sinh. Lưới đời là sự ràng buộc khắt khe và độc ác của chính trị, luật pháp, và sự thấp hèn của thói đời. Bài thơ ông làm đề ngày 21 tháng giêng, đó là ngày ông bị giải giam sang ngục Thừa Thiên. Từ đây có lẽ ông sẽ không còn bị tra tấn đánh đập nữa. Ông có cảm giác chắc chắn rằng mình vẫn còn sống. Thì ra ta vẫn còn sống ! Ông đã ăn một cái tết trong tù với bao nhiêu hình cụ và nước mắt.
Cái sực tỉnh biết mình còn sống có lẽ làm ông gần với Trang Châu hơn. Những thiên Tiêu Diêu Du, Tề Vật Luận, Dưỡng Sinh Chủ, Đức Sung Phù…trong Nam Hoa Kinh bỗng ào ạt tuôn chảy trong bát mạch. Phải chăng ông đã vận công trong phép “lấy trí mà hóa tình” của Trang Tử? Hãy bình tĩnh, hết sức bình tĩnh! Ông nói:”phải lấy chí bên trong mà giữ khí bên ngoài”, không để cho tạp niệm, những sự nhỏ nhen chung quanh kích thích, ảnh hưởng. Đó là phép quán tưởng hành thiền, hay bí quyết võ công thượng thừa? Ở đây ông đã phối hợp phương pháp vận công của phái Lão Trang (Võ Đang) và phép quán tưởng của Thiền Đông Độ (Thiếu Lâm).Tại sao lại “nội chí nhiếp ngoại khí”? Đó không phải là một điều bí hiểm. Nó chỉ giản dị là một hơi thở tương thông, giữa chí và khí tương hiệp, trong và ngoài tương giải. Nhưng nó có sự huyền nhiệm của một luồng chân khí thúc đẩy kỳ kinh bát mạch vận chuyển liên tục theo nhịp tuần hoàn của vạn vật tương sinh. Chính nhờ phương pháp này, một chủ về dưỡng sinh, một chủ về dưỡng quán, mà Cao Bá Quát đã mở được cánh cửa tâm thức.
Ông bỗng thấy lòng hào sảng như những ngày xa xưa của tuổi trẻ. Chàng Quát uống rượu say là lăn quay ngay dưới bụi gai. Không hề gì. Buồn ngủ là ngủ. Ngủ được ngủ ngay. Đâu có trằn trọc đắn đo lo lắng. Đâu có tính gì đến cảnh cùng đường, đến cạm bẫy của thói đời.
Cùng đường rồi thì thân phận khác nào như ngọn cỏ bồng đứt rễ. Hãy như ngọn cỏ bồng đứt rễ. Tâm vô quái ngại. Tâm vô sở trụ. Người đời coi ông là tội phạm, là thứ bỏ đi, ông cũng nhận là đáng bỏ đi. “Rằng ngựa trâu, vâng cũng ngựa trâu”. Câu này ông làm về sau, bài MAY RỦI, chắc ở Quốc Oai, khoảng từ năm 1851 đến 1853, lấy ý của Trang Tử: “Hô ngã vi mã, ứng chi viết mã; hô ngã vi ngưu, ứng chi viết ngưu.” Đây là một bài thơ Nôm rất quan trọng, mà khởi điểm từ thời gian tù đày này. Nó cho ta thấy sự thành tựu của Kiếm Pháp Mai Hoa, ông còn gọi là Gươm Trí: liếc Gươm Trí cắt giặc phiền từ đó”. Gươm Trí phá hủy triệt để mọi chấp tướng phiền não ở thế gian, suốt trong ba cõi Dục giới, Sắc giới, và Vô sắc giới. Trí đây là Trí Huệ Bát Nhã. Gươm Trí có được là do ở Pháp Nhãn. Pháp Nhãn là con mắt thứ tư trong ngũ nhãn của Phật và Bồ Tát. Pháp Nhãn nhìn thấu suốt tất cả các pháp. Đó cũng là đôi mắt của kiếm sĩ, đã chứng Đạo, thấu suốt mọi thứ kiếm phổ, kiếm quyết, mọi chiêu thức phát ra hay không phát ra. Đó cũng là cặp mắt của chim Bằng từ trên cao nhìn xuống.
Đột nhiên cuộc đời tạp nhạp hiện lên với tất cả sự trơ tráo lố lăng và tàn lụi. Những kẻ lon ton nịnh hót, chạy chọt bon chen, múa may quay cuồng trong cõi thị phi thiện ác, kết cuộc sẽ đến đâu? Có nên cơm cháo gì khi tới hồi chung cuộc? Cái trói buộc giữa xác thân năm uẩn, sáu căn, sáu trần, sáu khiếu trong thế giới hiện tượng kia sẽ là gì? Phải chăng chỉ là một cuộc chiến do sự tham chấp và vọng tưởng? Trang Tử gọi là cuộc chiến tự nơi cái lòng người nhơ bẩn. “Tâm vô thiên du, lục tạc tương nhương.” Cao Bá Quát cố ý đưa Trang vào đây, trong khi bài thơ đang dùng Kinh Bát Nhã Ba La Mật; dùng pháp nhãn để “quán chiếu ngũ uẩn giai không”. Ông nhắc lại chữ “bánh xe, hòn đạn” trong thiên Đại Tông Sư: “giá như hóa cánh tay trái tôi thành con gà, thì tôi nhân đó mà gáy canh; giá như hóa cánh tay mặt của tôi thành hòn đạn, thì tôi nhân đó mà kiếm chim quay. Giá như hóa cái xương cùng của tôi làm bánh xe, tôi nhân đó mà cưỡi, há còn đợi xe ngựa nào nữa”** Rồi ông lại để cho lửa thiêu đốt tất cả. Chữ “hỏa khanh” là một từ ngữ Phật Giáo, có nghĩa là hầm lửa thiêu đốt tứ tung, cũng gọi địa ngục lửa, tượng trưng cho cõi đời sanh lão bệnh tử, cho kiếp người tham lam ái dục. Cùng nghĩa với “hỏa trạch”, căn nhà bốc lửa.***. Khi lửa thiêu đốt thì vạn sự ra tro. Biết vậy nhưng ông bật tiếng ho, ngâm khúc Ly Tao của Khuất Nguyên. Ngày trước Khuất Nguyên bị vua Sở ruồng bỏ, vừa đi lang thang ở bờ sông Tương, vừa làm khúc Ly Tao, Hoài Sa, vừa hát ngêu ngao, vẫn hàm ý yêu nước thương đời. Cao Bá Quát bị giải giam sang ngục Thừa Thiên, tay mang gông, ông vẫn làm thơ, vừa đi vừa ngâm. Ông tự hỏi giữa ông với Khuất Nguyên, ai thật là người bị ruồng bỏ vì yêu nước, thương đời ?
Bài thơ năm chữ, dài 32 câu, trải mấy ngàn năm lịch sử tư tưởng chữ nghĩa để trở về với thực tại tù đày, thân phận con người trong thế giới nhân sinh. Từ thế giới đó, ông bước ra rồi lại bước vào. Cái khó hiểu của bài thơ, hay chìa khóa của bài thơ lại ở trong tay Duy Ma Cật (Vimalakirti) một cư sĩ Phật Giáo rất giàu có; và Huệ Năng, vị tổ thứ sáu Thiền Đông Độ. Duy Ma Cật là cư sĩ duy nhất có sách gọi là kinh: Kinh Duy Ma Cật. Và Huệ Năng là thiền sư duy nhất có sách gọi là kinh: Pháp Bửu Đàn Kinh. Cao Bá Quát lại mượn tay của Trang Tử với cuốn Nam Hoa Kinh để mở. Ý nguyện của ông là ở lại giữa trần gian, tranh đấu cho tự do của con người, đập phá tất cả mọi nhà giam, trại tập trung, trại cải tạo; thiêu hủy tất cả mọi hình cụ tra tấn giữa người với người; (câu đối hồi trẻ của ông: trời nắng chang chang người trói người) đốt cháy tất cả mọi tài liệu học tập chính trị, để chỉ còn lại thơ trong bầu trời bát ngát. Đó là TIẾNG HÁT TÂM KHÔNG được cất lên khắp nẻo đường đời.
CHÍNH NGUYỆT NHỊ THẬP NHẤT NHẬT DI TỐNG THỪA THIÊN NGỤC TỎA CẤM
Dư sinh nhất dã mã
Phiêu chuyển tùy thiên phong
Vãng lai vô định căn
Chỉ taị đại khối trung
Thủy vi bách luyện cương
Khảng tảng nhất sĩ hùng
Tự trước thế võng anh
Tao tiết tòng ma lung
Dĩ ngã khoáng bạc tâm
Mãnh dữ ưu thích thông
Nhất diệp vũ bành bái
Tư ngôn văn nhiêm công
Tuế mộ tạ giá sở
Tàn sinh tín vi cung
Nội chí nhiếp ngoại khí
Bất thu bỉ lự công
Hốt ức thiếu niên thời
Túy ngọa kinh cức tòng
Khốn miên đắc sở tức
Khởi tri thương lộ cùng
Khảm kha lý tư vận
Phận ủy cô phi bồng
Tội phế tín ngã sở
Hề trạch tây dữ đông
Phiên phiên khoa tỳ tử
Hoan hoa an hữu chung
Tự ngã pháp nhãn quan
Lục tạc di nhược không
Hỏa khanh trước huyễn tướng
Luân đạn dữ hóa đồng
Phóng bộ học hành ngâm
Thùy thị ly tao ông
NGÀY HĂM MỐT THÁNG GIÊNG GIẢI GIAM SANG NGỤC THỪA THIÊN
ta vốn là một bầu khí nóng
tự do bay theo sóng gió chơi
ở đi, đi ở khơi khơi
khắp trong trời đất nơi nơi ẩn mình
như sắt thép trăm lần trui luyện
thân anh hùng chí nguyện nghênh ngang
cũi đời từ độ đa mang
tâm hồn khí phách hoang mang héo mòn
đem tấm lòng thênh thang khoáng đạt
sẩy gặp đâu trôi dạt đau thương
bỗng như chiếc lá giữa dòng
câu thơ Tô Thức cái vòng yêu ma
năm vừa hết cùm tra tạm kết
tết vừa xong lê lết còn thân
còn thân phải biết phòng thân
lấy tâm giữ khí chớ phân vân nhiều
nhớ tuổi trẻ như diều phơi phới
rượu uống say nằm dưới bụi gai
ngủ thời ngủ được ngủ ngay
bõ đâu tính tới những ngày đắng cay
bây giờ lúc chân tay cùng quẫn
hãy đành như ngọn cỏ bồng bay
cuộc đời xóa bỏ thân này
đã “vô sở trú” thì tây đông gì
kìa những kẻ đuổi hình bắt bóng
gió đổi chiều biết có hay không
cứ như pháp nhãn mà trông
được thua ái ố cái không vẫn kề
hầm lửa đỏ bốn bề thiêu đốt
lợi với danh cùng nhốt chung mồ
vừa đi vừa hát mơ hồ
ai người yêu nước thương đời hỡi ai
chú thích: * Nam Hoa Kinh, bản dịch của Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Khai Trí 1962 – tr. 112-113. Chúng tôi có sửa đổi chữ “trong không” thay vì “trên không” để tránh trùng ở câu dưới. ** Nam Hoa Kinh, SĐD. *** Tự Điển Phật Học – Đoàn Trung Còn – Sài Gòn 1966
tường vũ anh thy 1982
( trích trong Cao Bá Quát Giữa Hồn Thiêng Sông Núi, Ức Trai xuất bản 1985 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét