Suốt bao nhiêu năm, đôi lần nhắm mắt tôi lại bị ám ảnh bởi bước chân lạ lùng của Cao Bá Quát. Sau năm 1975, tỵ địa ở Mỹ, tôi càng bị bước chân Cao Bá Quát dẵm vào giấc ngủ. Nhiều lúc bước chân ông mạnh đến độ làm tôi bàng hoàng thức giấc. Có lúc bước chân ông nhẹ nhàng, dìu tôi đi ngây ngất trên đồi núi quê hương. Có lúc bước chân ấy vội vã thúc bách khiến tôi ú ớ khó thở. Cũng có khi bước chân ông vừa vui vừa buồn, nghênh ngang, và ngơ ngác. Nhưng có lẽ điều tôi bị ám ảnh nhất là bước chân lúc ngập ngừng lúc hối hả mỗi khi ông đi xa trở về nhà. Tôi hình dung ra được cả hai bàn chân to lớn, với hai ngón cái và những ngón con. Bàn chân đạp bì bõm trên những thửa ruộng còn ngập nước phèn. Lún trong những vũng bùn đen. Hoặc chìm vào rêu cỏ. Tôi không hiểu tại sao tôi phát khóc khi tưởng tượng ra như thế! Tôi rưng rưng mê mải dõi theo bước chân ông cho đến lúc …trời sáng !
Bấy giờ có lẽ vào khoảng thời gian ông đi công cán trở về được gọi vào Bộ Lễ ít lâu rồi bị thải (1843) hoặc vào năm thôi làm giáo thụ ở Quốc Oai (1854). Mỗi lần về nhà là mỗi lần ông bị giao động dữ dội. Có lần nóng lòng sốt ruột, thay vì đi đường cái, thì ông băng đồng đi lối tắt cho nhanh. Ta có thể đoán đó là những lần ông đi thi Hội trở về. Lòng trẻ và hồn mơ. Bây giờ ông trở về từ cõi bụi hồng. Lòng già và trí đạt. Hồn ông ngào ngạt tình thương. Ông đi bộ đến làng Đông Dư thì dừng lại ngập ngừng. Ở đầu sông đã thấy thấp thoáng bóng làng ông. Từ xa đã có thể nhận ra nhờ cây gạo cao lớn. Tại sao nhà không còn cách trở nhiêu khê mà chân ông ngập ngừng quá thế ? Mỗi bước mỗi dừng. Không phải vì thiếu người võng lọng lễ nghi quan cách (ông còn lạ gì cái chức tước nghi lễ bề ngoài trong đám quan trường.) Cũng không phải ông chậm bước chờ bạn đến sau. Mà vì gần đây mang nhiều tục lụy. Khói nhân gian đã làm ông đau đớn. Làm mòn mỏi chí trai. Ông không còn cái bồng bột hăng hái thuở thiếu niên nóng bỏng! Trong nhiều bài thơ ông đã nói đến tâm trạng ấy. Không chán nản thất vọng, mà là sự lặng lẽ thong thả của một trung niên hán tử đã từng trải đường đời, việc người. Đường đời cao thấp mịt mờ mây khói. Việc người nóng lạnh thất thường như nắng mưa. Ông vẫn chưa hẹn thật được lúc nào là lúc treo mũ từ quan. Chưa biết chắc đâu là nơi ông về đóng cửa vườn rau. Nhà ông có nửa mẫu ruộng hoang từ lâu không ai dòm ngó, cỏ dại mọc cao ngập đầu. Họ hàng thân thích mỗi ngày mỗi thưa thớt qua lại. Ông biết đối với bà con, chưa có được bữa tiệc bò dê mời họ. Không biết đến bao giờ. Đời ông chỉ toàn là ly biệt. Ông nghĩ đến bước đường bôn tẩu phía trước mà ngùi ngùi. Lòng ông không biết bao nhiêu cơ man tình cảm. Ông lặng lẽ nhìn trời. Trời đã tối rồi, dừng chân nơi đâu. Có lẽ ông sẽ ngủ trọ ở làng Đông Dư này thôi.
Sa hành đễ Đông Dư, ký mộ lưu túc
Giang đầu vọng cố hương
Cố hương vị tu trở
Như hà hành bất tiền
Nhất bộ nhất diên trữ
Phi quan phạp dư lệ
Ninh vị đẳng trù lữ
Cận lai phụ tục lụy
Tráng đồ bán tiêu tữ
Thế lộ canh yên vân
Nhân sự như hàn thử
Vị hữu quải quan kỳ
Sài môn tại hà hử
Bán mẫu cựu điền viên
Vu uế dĩ bất cử
Thân thích nhật dĩ sơ
Hà thường tốc phì trữ
Niệm biệt trướng tiền đồ
Mặc mặc bất dục ngữ
Nhật mộ vô định tung
Do vi dị hương xứ.
Đêm ngủ trọ làng Đông Dư
Bến đầu sông trông về cố quận
Làng ta kia kề cận tấc gang
Dùng dằng sao chẳng lẹ làng
Bước lên một bước trăm đàng ngổn ngang
Không phải vì thiếu người võng lọng
Không phải vì ngóng vọng bạn bè
Mà vì tục lụy não nề
Chí trai mòn mỏi ước thề phôi pha
Cuộc trần thế mây sa mặt sóng
Cõi người ta lạnh nóng vô thường
Bao giờ cởi mũ quan trường
Về đâu đóng cửa rào vườn ẩn cư
Nửa mẫu ruộng từ xưa còn đó
Cỏ dại đầy chả có ai chăm
Họ hàng thưa thớt mỗi năm
Lợn dê chưa mổ đãi đằng được nhau
Chuyện ly biệt lòng đau quằn quặn
Lòng dặn lòng im lặng là hơn
Ngần ngừ trời tối trống trơn
Đêm nay đành trọ trong vườn làng Đông Dư.
Làng Phú Thụy có một cái gò cao đặt tên là gò Chương Sơn. Trong bài Đắc Hà Thành cố nhân thư thoại…ông đã nhắc đến:
Vấn tấn Chương Sơn cựu ẩn thôn
Cao đường vô dạng lưỡng nhi tồn
Lục niên sinh tử phù trầm địa
Nhất chỉ giao du cảm khái ngôn
Kim cổ sự đa tu thức định
Văn chương đạo tiểu lại cùng tôn
Diệc chi hệ vật phi trường sách
Đầu bạch qui lai dã bế môn
Đây là thư gửi bạn, trả lời thư bạn ở Hà Nội, báo tin về gia đình ông, và hỏi thăm thơ phú của ông. Ôi được tin gò Chương Sơn nơi quê cũ đó, bố mẹ vẫn bình yên, hai con nhỏ còn khỏe mạnh. Đã sáu năm qua, trôi nổi sống chết trong cõi bụi hồng, tôi mượn giấy bút gửi lời cảm khái bạn bè. Việc xưa nay, sau trước, phải định tâm tĩnh trí, suy xét cho cùng. Nghiệp văn chương tuy không lớn (văn chương là đạo nhỏ) nhưng lúc cùng, nhờ đó mà thanh tao. Hỡi ơi! Biết dấn thân vào cõi thị phi không phải là kế bền lâu, nên lòng này vẫn hẹn đến khi đầu bạc sẽ về lại quê gò đó ẩn cư.
Thư gửi bạn ở Hà Nội
Biết tin quê gò Chương Sơn ấy
Bố mẹ còn ai nấy bình yên
Sáu năm chìm nổi triền miên
Đôi giòng gửi bạn nỗi niềm nhớ thương
Việc xưa nay phải thường tỉnh táo
Chuyện văn chương cơm áo đôi đường
Đem thân vào chốn đoạn trường
Hẹn khi tóc bạc về vườn ẩn cư
Câu “lục niên sinh tử phù trầm địa” là một chi tiết để ta đoán được ông làm bài này ở Quốc Oai vào khoảng năm 1853. Vì tính từ năm 1847 là năm ông trở lại làm việc ở Huế, đến năm 1852 đổi đi làm giáo thụ ở Quốc Oai, và mãi đầu năm 1854 ông mới được về quê. Đây cũng là chi tiết quan trọng để ta tìm hiểu tâm sự của ông vào những ngày tháng cuối cùng. Hình như ông nghĩ nhiều về sự từ biệt cõi đa đoan, về ẩn nơi quê cũ ? Có lẽ ít người tha thiết về làng xưa như Cao Bá Quát. Bài Gặp Lại Làng Xưa (Tương Đáo Cố Hương) ông đã vẽ lại cảnh làng ông và tâm sự của ông:
Tương Đáo Cố Hương
Cao cao mộc miên thụ
Cổ cán hà thanh sơ
Thiều thiều vọng thử bang
Quyết hữu cao nhân lư
Trúc mật phú dư kính
Thảo phong nhiễu tiền trừ
Bích chiểu hí tiêm lân
Lục đằng tú gia sơ
Y tích truyền kinh xứ
Yển tức thứ hữu dư
Thanh nhàn duy thủ chuyết
Ngô khế tại huyền hư
Tự bão khuê tổ thượng
Cách vi khâu hác cư
Tuế cửu vị qui khứ
Chỉ ưng úy giản thư
Tiêu tiêu hoàn đáo thử
Mạch mạch dục hà như
Tố tâm kỳ bất phụ
Lai giả khả truy dư
Kìa cây gạo cao vòi vọi. Gốc đã già mà cành ngọn xanh tươi. Xa xa nhìn vào làng của bậc “cao nhân” ở đấy, thấy trúc tre đan kín lối đi về. Thấy cỏ thơm xanh rợn một thềm thơ. Thấy tung tăng cá lội trong ao biếc. Thấy lúa đồng dào dạt ngạt ngào. Đó cũng là nơi ta dạy học thuở xưa, nơi ngơi nghỉ tuyệt vời. Hỡi ơi chốn quê mùa mộc mạc chính là chốn lòng ta thơ thới thanh nhàn. Hồn ta gửi mãi vào mây trắng xa xôi. Ôi có ngờ đâu từ khi đeo ấn làm quan, ôm chí “lo trước vui sau” trong cõi nhân gian, mới phải xa quê nhà, rời thôn ổ. Đằng đẵng bao tháng năm chưa được trở về mái làng xưa, chỉ vì sợ lệnh vua phép nước. Nay đã bơ phờ tóc bạc, khi trở về dằng dặc băn khoăn, bâng khuâng như vừa thua một cuộc cờ. Lòng tần ngần thầm mong nỗi niềm xưa không ruồng rẫy tấm thân này, bởi vì tấm thân này thầm hẹn sẽ không còn cuộc trùng sinh lầm lạc lúc ra đi.
Gặp lại làng xưa
Kìa cây gạo vươn cao vẫn đó
Gốc đã già ngọn ngó vẫn thanh
Vời trông phong cảnh trong làng
Trong làng có cửa có nhà “cao nhân”
Tre trúc tốt quanh sân đầy ngõ
Cỏ tươi tươi cười rõ mặt thềm
Ao sâu cá lội êm đềm
Lúa thơm phơi phới khắp miền đồng xanh
Nơi dạy học trong lành xưa cũ
Cũng là nơi lam lũ nghỉ ngơi
Quê mùa cuộc sống thảnh thơi
Lòng quê theo áng mây trời xa xa
Kể từ buổi vào ra thư kiếm
Mới đổi dời thôn điếm gò hang
Bao năm chưa được về làng
Một lo việc nước hai quàng lệnh vua
Nay phờ phạc như thua một cuộc
Trở về nhà thân thuộc nôn nao
Mai sau dù có thế nào
Bước chân tấc dạ xin chào nhân gian.
tường vũ anh thy 1982
(trích trong Cao Bá Quát Giữa Hồn Thiêng Sông Núi - Ức Trai xuất bản 1985)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét