Thế là sau những năm tháng tù đày cùng quẫn, những năm tháng phiêu dạt tha hương, Cao Bá Quát đã hình thành một đường gươm tuyệt thế: đó là Mai Hoa Thi Kiếm. Kiếm pháp này lấy căn bản ở chữ Vô, biến thế sang Hữu, và hiển thị ở Sinh. Từ Vô sang Hữu, lưỡi kiếm nhấp nhô như sóng mà không đóng lại ở một góc độ nào. Kiếm động thì người động, kiếm tĩnh thì người tĩnh. Người và kiếm vừa có thể phân biệt, vừa có thể không phân biệt. Như giòng sông đang chảy cuồn cuộn giữa khoảng không bao la. Trời mây in đáy nước. Đáy nước vọng trời mây. Nước chảy thì mây trôi. Giữa cái hữu hạn và vô hạn hốt nhiên cùng ríu rít. Bởi thế ông mới làm được câu trường giang như kiếm lập thiên thanh (giòng sông gươm lấp lánh trời xanh). Nước ở đâu trời ở đó. Giữa Có và Không, vừa có thể phân biệt, vừa có thể không phân biệt. Nước chảy đến đâu, lập tức cỏ cây hoa lá côn trùng nảy sinh ở đó.
Đầu mùa thu năm 1843, từ Đà Nẵng, ông về thăm nhà cửa bố mẹ vợ con làng xã. Cuộc trở về này không phải là một, nhưng lại là cuộc trở về quan trọng trong ý nghĩa về nguồn. Rất tình cờ ông nhặt được cuốn truyện dài bằng thơ lục bát ở nhà người hàng xóm. Tên truyện là Hoa Tiên, tác giả là Nguyễn Huy Tự. Tuy chỉ là chuyện tình dựa theo một bản ca của Trung Hoa, nhưng Cao Bá Quát lại nhìn ra cái tinh túy của thi ca Việt Nam. ( cũng như trường hợp Truyện Kiều của Nguyễn Du ). Truyện bắt đầu từ việc ân ái riêng tư của vợ chồng; rồi đến đạo cha con; nghĩa vua tôi; mối giao tình thân thiết giữa bạn bè; lòng thương yêu anh chị em trong nhà. Lớn thì triều đình nhà nước, kế sách binh cơ, khen thưởng khuyến khích việc trung nghĩa tiết liệt. Nhỏ thì chuyện người việc đời, cả đến cỏ cây khí hậu thời tiết. Lời văn mới lạ, ý nghĩa đoan trang. ( Kỳ vi thuyết dã, khởi ư phối thất chi tế, tình ái hiệp nật chi tư, nhi đạt ư phụ tử chi luân; chủ thần chi nghĩa; bằng hữu thiết tư chi nhã; huynh đệ tương hảo chi tình. Đại nhi triều đình, binh mưu, bao trung khuyến tiết chi điển. Tiểu nhi nhân tình thế thái, phong khí thảo mộc chi vi. Kỳ văn kỳ, kỳ nghĩa chính.) Đó là nhận xét đầu tiên của ông. Lúc đó lòng ông đang chan chứa bao nhiêu mối u tình. Lớn, cũng những chuyện triều đình đất nước. Đất nước ông đang rối loạn, lại có nguy cơ bị ngoại xâm bởi người phương Tây. Nhỏ, thì chuyện mình chuyện nhà. Mình thì tù đày, lang thang thất nghiệp. Nhà thì dọn, con chết, chị chết. Hoàn cảnh bi thương đen tối, nhưng lòng ông lại rất trong sáng hào sảng. Ông viết:” Sự đau khổ của con người không ngoài một chữ tình, mà cái khó trong đời là duyên gặp gỡ. Từ đó suy ra tính tới, thì cái lý trong thiên hạ đã thông được quá nửa rồi.Vì thế ta có mối cảm đặc biệt với truyện Hoa Tiên. (Phù nhân mạc khổ vu tình, nhi mạc nan vu ngộ, dẫn nhi thân chi,xúc loại nhi trường chi, tắc thiên hạ chi lý, tri quá bán hĩ. Ngô ư Hoa Tiên lương hữu cảm yên.)
Cái mối cảm đặc biệt với truyện Hoa Tiên không hẳn chỉ có vậy. Bởi vì mở đầu cho bài tựa truyện Hoa Tiên, ông đã đặt một câu hỏi lớn: “Sống trên đất nước Việt Nam này ta có thể bỏ được chữ quốc ngữ của ta không?” Câu hỏi mà ai cũng phải đáp: “ Không bỏ được” ( Bất khả dã!) Ôi đã không bỏ được chữ quốc ngữ thì những truyện viết bằng quốc ngữ như Hoa Tiên, Kim Vân Kiều, ta có bỏ được không?( Độc quốc ngữ dã, Kim Vân Kiều, Hoa Tiên, chi thư khả phế hồ? Dĩ nhiên ta cũng không thể nào bỏ được. Làm sao bỏ được khi đó là những tác phẩm lớn, viết bằng tim óc của người xưa! Làm sao bỏ được khi đó là những tác phẩm viết bằng chính lời nói của nước ta, góp công tô chuốt nền văn chương dân tộc riêng biệt của ta! “ Nước Việt ta, từ sau Hàn Thuyên, các tác gia mọc lên như rừng: nào thơ cổ cận của Ôn Như Hầu, kích thước ngang với Đỗ Phủ thời Đường; Nào điệu cung từ của Nguyễn Hữu Chỉnh dìu dặt như thời Hán, Ngụy…Còn như về văn chương tiểu thuyết, cho đến nay ta mới thấy Hoa Tiên và Kim Vân Kiều là bậc nhất.” (Ngã quốc Hàn Thuyên chi hậu, tác gia lâm lập: Ôn Như cổ cận, quy mô Thiếu Lăng; Bằng Quận Công cung từ, trì sậu: Hán, Ngụy. Chí vu chuyện khúc chi công, ngô phục đắc Hoa Tiên, Kim Vân Kiều yên.)
Thế thì cái nhìn và cái mộng của Cao Bá Quát đã là một nhịp liên tục từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Du, ông đã thấy sự cần thiết phải có của văn chương dân tộc ghi bằng quốc ngữ. Và ông cũng đã tự hào về nền văn chương dân tộc ấy. Ta có thể đặt câu hỏi: Đã thế sao Cao Bá Quát không làm thơ bằng quốc ngữ? Xin thưa: những bài hát nói ông đã thử làm, vốn cũng đâu phải là tầm thường như ta đã thấy. Nhưng trước lịch sử văn học dân tộc, Cao Bá Quát cảm được sự thiêng liêng của hồn sông núi, nên ông hết sức rụt rè khiêm tốn: Dùng quốc ngữ làm văn chương thì ta chưa dám ( Dĩ quốc ngữ vi văn chương, ngô vị cảm dã.) Cho nên ông chỉ dám dùng văn chương để xem quốc ngữ mà thôi ( Câu dĩ văn chương quan quốc ngữ, tắc ngô thiết hữu thủ yên.) Đấy là bởi ông hết sức thành thật. Tác phẩm của người xưa sừng sững, ông tự liệu mình không thể vượt qua. ( Cái học từ chương lệ thuộc Trung Hoa của triều đình nhà Nguyễn bấy giờ đã khép chặt mọi cửa ngõ của sĩ tử Việt Nam.) Nhưng lòng ông vừa cảm phục vừa hãnh diện, lại vừa ngứa ngáy háo hức muốn la lớn hét to cho thiên hạ cùng cảm phục, cùng hãnh diện với ông về văn chương đân tộc. Tâm tình ấy thật khác hẳn thái độ ngạo mạn khinh bỉ mà người ta đã gán cho ông !
Ôi người đời đã hiểu khía cạnh khinh thế ngạo vật của ông theo kiểu người đời. Bởi vì người đời xem Hoa Tiên, Kim Vân Kiều là những cuốn dâm thư, lẳng lơ, gian dối! Họ đâu có buồn xem cho hết ngọn ngành. Thời đại Cao Bá Quát, người ta đua nhau làm thơ chữ Hán để ngâm vịnh tâng bốc nhau. Thi xã, hội thơ… mọc lên như nấm. Bao nhiêu thơ xưa, điển cũ bên Tầu được đem ra làm khuôn vàng thước ngọc mà trích, mà họa, mà nhái…Chúng ta sẽ được Cao Bá Quát phân tích việc này trong bài tựa tập thơ của Tùng Thiện Vương. Ta cũng chắc rằng cái không khí văn chương tháp ngà lai căng và vong bản nhốn nháo thời đó đã làm ông có lần phải bịt mũi :
Ngán cho cái mũi vô duyên
Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An
Trong bài tựa truyện Hoa Tiên, ông viết: “ Gần đây, những kẻ khinh bạc, đem Hoa Tiên ra làm chuyện đầu môi chót lưỡi, những người cầm bút không xem xét ngọn ngành, vội cho là lời văn dâm đãng, khúc lẳng lơ, đáng buồn biết bao”( Cận thế khinh bạc, chi đồ, tư vi thoại bính, thao cô giả vãng vãng bất sát, ủy vi dâm từ, diễm khúc, khả bi dã phù!)
Bởi vì người ta lúc ấy có mặc cảm làm văn thơ bằng quốc ngữ là quê mùa cục mịch, sao bằng viết chữ Hán, vẻ trí thức cao sang! Cũng tựa như gần đây, người ta rập theo Tây theo Mỹ. Nói hay viết mà không có tí Tây Mỹ vào thì bị xem là nhà quê, thất học. Có kẻ còn công khai bài bác văn chương Việt Nam; ca tụng văn học ngoại quốc. Ta chẳng lạ gì chuyện đó. Bởi có thế mới thấy được lòng người và tình người.
Trở lại vấn đề quốc ngữ và truyện Hoa Tiên, Kim Vân Kiều cùng với nền văn chương dân tộc, Cao Bá Quát viết tiếp: “Nếu chỉ xem quốc ngữ là quốc ngữ thế thôi thì hai cuốn Hoa Tiên và Kim Vân Kiều, có hay không, cũng không thành vấn đề nữa. Nhưng nếu muốn làm cho rực rỡ nền văn chương dân tộc của ta, làm cho rõ thế nào là văn chương dân tộc của ta, thì quý vị yêu văn sẽ phải nghĩ gì ? Làm gì?” Câu hỏi này, chính ông đã đáp từ đầu khi ông tâm sự:” Ta bị về vườn đã lâu, ngẫu nhiên thấy cuốn truyện Hoa Tiên trong sọt sách cũ của ông hàng xóm, bèn lấy đọc. Trong lúc buồn bã cùng quẫn, gặp cuốn sách này thật chẳng khác nào tìm được vật báu quí giá. Ta mạo muội kiểm điểm từng trang, muốn sửa vài chỗ sai lầm, bớt vài đoạn dài dòng, để thành tác phẩm hoàn mỹ. Nhưng bỗng có việc gấp, phải đi xa, đành chịu bỏ dở dang.” Việc nhuận cuốn Hoa Tiên bị bỏ dở, thì ý ông muốn khi in ra sẽ được các bạn yêu văn tiếp ta sắc y tô điểm, tiếp tay phổ biến.
Câu cuối cùng của bài tựa cũng là lời tuyên dương rực rỡ nhất về thi ca:” Kim Vân Kiều đạt thế ngữ, Hoa Tiên tắc cảnh thế ngữ dã” (Truyện Kiều là tiếng nói hiểu đời, Hoa Tiên là tiếng nói răn đời.)
Hốt nhiên cả một trời thơ dào dạt, lời ca dao, tiếng ru, điệu hò, bài ca phường vải, khúc hát quan họ, bản chèo…những chuyện cổ tích xa xưa, chuyện sử diễn ca tráng lệ, cuộc đời mưa nắng gió sương, tình đất, lũy tre, nghĩa quê, lòng biển…tất cả đều lồng lộng bay giữa hồn thiêng sông núi…Thơ sẽ phải bay giữa hồn thiêng sông núi! Và chỉ có hồn thiêng sông núi mới đủ từ uy giữ cho thơ không lạc lối mê đường.
Đó lả tất cả nguồn cảm hứng, tâm tình trầm trọng, mộng ước ban sơ, mà Cao Bá Quát đã trao thân gửi phận cho Thơ, đã trân trọng đặt cho Thơ một sứ mệnh vừa thiêng liêng vừa hào hùng.
tường vũ anh thy 1982 ( Trích trong Cao Bá Quát Giữa Hồn Thiêng Sông Núi, Ức Trai xuất bản 1985)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét