Không muốn phí công trong máng sách xưa, tất phải hiển lộ tài năng thật sự của chính mình trong cuộc sống. Mà cuộc sống thì thường hằng, trôi chảy đêm ngày như giòng sông. Cuộc sống ấy không thể đóng khung trên tường, không thể gói cất trong ngăn tủ, không thể ngăn bọc giới hạn…Cuộc sống là cuộc đời – là sự thật – là cuồn cuộn về phía trước. Cao Bá Quát ca tụng đời sống bao la, trong một không gian bao la, trong một tâm thức bao la. Tất cả phải được khơi mở. Không phải là vở kịch để diễn xuất, mà là một đời để hoạt động. Trong bài đêm xem diễn kịch Tầu, ông mô tả :” Trên sân khấu dựng cao, sáng choang đèn nến. Bỗng có tiếng thét vang làm gió đêm lạnh ngắt. Một trang tráng sĩ tua tủa râu ria, nghêng ngang áo giáp. Một viên tướng chễm chệ trên mình ngựa, mắt trừng trừng…” Rồi ông đặt vấn đề:” Không lẽ trong cuộc đời không có được những khuôn mặt thật hay sao, mà người ta lại ham vui trong những bộ mặt cũ, áo mũ xưa ?” Và ông chỉ thẳng những khán thính giả Trung Hoa đang mải mê nghếch mũi ngồi xem tuồng tích anh hùng lịch sử xa xưa, không để ý đến cái nhục hiện tại ở Hổ Môn, quân đội Anh đã ức hiếp triều đình Mãn Thanh, nhân vụ thuốc phiện năm 1840.
Dạ Quan Thanh Nhân Diễn Kịch Trường
Liệt cự thôi minh tối thượng đàn
Nhất thanh hám khởi dạ phong hàn
Kích tu tráng sĩ phương hoành giáp
Nộ mục tướng quân dĩ cứ an
Xuất thế khởi vô chân diên mục
Phùng trường lãng tiếu cổ y quan ?
Hổ Môn cận sự quân tri phủ
Thán tức hà nhân ủng tị khan ?
Đêm Xem Diễn Kịch Tầu
Trên sân khấu sáng choang đèn đuốc
Tiếng thét vang gió buốt đêm trường
Áo râu tráng sĩ cương cường
Tướng công chễm chệ bừng bừng mắt đao
Bộ mặt thực lẽ nào không có
Mà vui trò mũ áo xa xưa ?
Hổ Môn nhục mới biết chưa
Mà còn nghếch mũi say xưa xem tuồng ?
Đây cũng là quan điểm nghệ thuật của Cao Bá Quát. Ông không chịu được loại nghệ thuật cổ hủ, ru ngủ, và không thật. Tất nhiên Cao Bá Quát không có ý bài bác hay chối bỏ lịch sử. Trái lại, cuộc đời ông, văn thơ ông luôn luôn nhắc nhở, và ngưỡng mộ các anh hùng liệt nữ, các bài học lịch sử. Sự nhắc nhở và ngưỡng mộ đó, để ý thức về vai trò hiện tại, làm sáng tỏ tiền nhân và vinh quang đời sống. Ông muốn nhắn gọi là đừng dựa dẫm vào lịch sử, vào dân tộc, để đánh lừa quần chúng, hay ve vuốt ru ngủ quần chúng. Đừng núp bóng trong những thế lực bên ngoài, để che đậy sự hèn nhát, bất lực và nghèo kém bên trong. Phải chăng đó cũng là những mũi tên cảnh cáo triều đình nhà Nguyễn trước những sự bất lực về đối nội cũng như đối ngoại lúc bấy giờ ? Và những mũi tên ấy còn bay mãi tới bây giờ để tấn công vào tập đoàn chính trị hiện nay ?
Trong Bài Kệ Uống Trà ông làm nhân một đêm ngồi uông trà với Phan Nhạ, người bạn cùng chấm thi với ông ở Huế, ông đã khuyên đừng nhìn bên ngoài mà xét đoán. Ông không chủ trương chọn mặt gửi vàng theo nghĩa đen. Bởi vì xét bề ngoài sẽ rất dễ bị lầm lẫn. Mà cái lầm lẫn tai hại là không thấy hết được đức tính của người. Ông ví như uống trà, là uống trà suông, không phải uống trà ướp hoa nọ hoa kia. Ông ghi chú ở bài thơ về Phan Nhạ :” Ông bạn có lối uống trà rất cầu kỳ: ông ta bỏ trà vào nụ sen ngoài hồ, để cách đêm, sáng mới lấy ra pha uống, cho là ngon và lấy làm thích thú lắm!” Cao Bá Quát phê đó là ông ta uống hoa sen, không phải uống trà. Cao Bá Quát uống thuần trà – có nghĩa là trà suông và thanh khiết. Ông mô tả, sáng sớm thong thả ra giếng múc nước trong đem về. Nhóm lên một bếp lửa hồng bằng than nhỏ. Lửa đỏ và không có khói bụi. Ông đem nước sôi, rửa tay sạch sẽ, thong thả pha trà, rồi khề khà ngồi uống. Tinh khiết như một thi sĩ thiền sư. Hương thơm của trà trọn vẹn là trà, không lẫn lộn lăng nhăng với các mùi hoa lá nào khác. Ông cương quyết từ chối các loại hoa lá pha trộn vào trà, cho dù các loại hoa lá hiếm và quí đến đâu chăng nữa. Ông bảo sự pha trộn đó là sự lừa lọc chính khứu giác và vị giác của mình. Những thứ hoa hòe hoa sói ấy không những không làm tăng vị trà, mà còn làm mất hẳn cái đậm đà phảng phất rất riêng biệt của trà. Ông ví như quần áo phấn son lòe loẹt không tạo nên tư cách con người, có khi còn có tác dụng ngược lại. Nhưng điểm ông muốn nhấn mạnh là: nguyên thủy con người có những giá trị nhân bản (trà là trà, người là người) thì hãy để những giá trị ấy tự nó phát huy, thể hiện. Không vì thị hiếu nhất thời , hay mặc cảm tự ti mà che giấu, đem những sự không thật, để lừa mình và lừa người. Trở về với thi ca và âm nhạc, ông cho những âm điệu rườm rà và cầu kỳ, chữ nghĩa trau chuốt lập dị, chỉ làm hỏng cái nguyên thủy giản dị và thơ mộng của thơ nhạc. Thì ra suốt bài thơ dài 16 câu, ông chỉ muốn nói điều ấy. Đấy là điều ông ấp ủ cho nghệ thuật và con người. Giữ tấm lòng thành thực, giản dị, sống với cái đang là, tức là cái đang là. Cao Bá Quát mượn lời kinh của giòng thiền Huệ Năng để thị hiện điều ông muốn nói. Bài thơ chấm dứt ở lời Thiền, cũng bắt đầu mở ra từ đấy. Phải chăng ta cũng có thể hiểu, sống với cái đang có, viết những cái đang có, là những cái đang có. Đang là và đang có là những sự thật phong phú và vĩnh cửu nhất mà đời sông ta lại cứ quên đi hay tiêu phí.
Vị Minh Tiểu Kệ (đồng Phan sinh dạ tọa)
Tuyển hữu mạc thủ khí
Thủ khí mê kỳ nhân
Vị minh mạc thác hoa
Thác hoa ly kỳ chân
Hiểu tỉnh cấp thanh tuyền
Tế thán lý tân hỏa
Vô yên giữ trần khí
Hối thủ nhất tiếu khả
Nhứ hương quý thanh chân
Bất dụng ngoại thước ngã
Vô dĩ nhất ác khan
Phóng nhĩ tị quan giả
Huyễn phục phi tráng nhan
Phồn âm biến đại nhã
Thí lưu nhất chuyển ngữ
Tự tại chứng hiện quả
Bài Kệ Uống Trà ( làm trong khi ngồi khuya với Phan Nhạ)
Người ta không kể bề ngoài
Bề ngoài diêm dúa sơ sài bên trong
Tựa như trà ướp hoa đong
Vị trà đã mất hương lòng mất theo
Sáng ngày nước giếng trong veo
Bỏ than thật nhỏ lửa reo giữa lò
Nước sôi không khói không tro
Hai bàn tay sạch thơm tho khề khà
Uống trà cốt ở vị trà
Nhiều hoa lắm lá hương trà sao thanh
Đừng vì của hiếm hư danh
Mà đem cái mũi tranh giành thực hư
Áo quần không tạo phong tư
Rườm rà cách điệu làm ngưng cung đàn
Hãy nghe câu kệ lời vàng
Đang là đang có, có là đang đang.
tường vũ anh thy 1982 (trích Cao Bá Quát: Giữa Hồn Thiêng Sông Núi, Úc Trai xuất bản 1985 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét