Trong suốt ba ngàn hai trăm năm mươi bốn vần sáu tám Nguyễn Du đã dùng đến bẩy mươi chữ "trăng" trong Truyện Kiều. Và trong bẩy lần Kiều động nỗi đau thương nhung nhớ, Nguyễn Du cũng đem vầng trăng ra diễn tả. Mỗi lần nhìn thấy trăng là mỗi lần Kiều vừa nao nức mơ màng vừa đau đớn thẹn thùng. Như giấc mộng chập chùng – như đôi cánh thời gian, vầng trăng sáng chao lượn khắp một không- gian- kiều. Chỉ thấy trăng - cái vầng trăng ấy vỗ cánh kêu một tiếng tang thương rồi vô tận. Mộng xế hay trăng già. Ngoài ra là cỏ xanh.
Ôi có phải thi sĩ là kẻ đầu tiên khám phá ra vầng trăng, và hồng nhan là người đầu tiên chết trong vầng trăng ấy ? Hay trăng là kẻ đầu tiên khám phá ra thi sĩ, và trăng sẽ chết trong cõi hồng quần ? Thế thì ai đã bày ra màu dang dở - ai đã khoác lên vai áo đoạn trường ?
Ôi có phải chợt sinh ra đã lạc bước vào cõi mộng - gặp trăng rồi thì mộng trở thiên thu?
Lỡ từ lạc bước bước ra (Nguyễn Du)
Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn (Bùi Giáng)
Dù tấm thân đã liệu từ nhà liệu đi thì trăng kia vẫn cứ mọc, và lòng kia vẫn cứ trôi mãi vào trăng - như một chiếc thuyền - như một cánh hoa - một giòng tiểu khê - trôi mãi về cuối trời - trôi mãi vào cõi người ta - trôi mài vào một bản-đàn-trăng-nhập…
Trăng nhập vào đàn - trăng nhập vào Kiều hay trăng nhập vào Nguyễn Du để cả một đời người cứ tìm những chốn đoạn trường mà đi.
Hỡi ơi hình như đã từ lâu lắm vầng trăng vằng vặc giữa trời đã khuôn thiêng trên mái tóc tạ từ - như một con chim phiêu dạt - vầng trăng ấy ngậm trái tim Kiều bay dãi dầu dĩ vãng - ngậm trái tim người cha già tóc trắng bay mãi vào sử lịch tồn sinh mà đôi chân của cuộc lữ còn lãng đãng bỏ lại trên trần gian chút bụi hồng rêu phủ !
Trước và sau trong nỗi khép và mở vô vàn chỉ là một bản-đàn-trăng-nhập từ một cỗi mộng xa xăm đổ về hai bến hẹn.
Nguyễn Du đã có lần đứng trên ngọn Hồng Lĩnh nhìn trăng mà thở dài - nhắp chén rượu đời để nghe vầng trăng ứa chan những máu. Ông viết gửi cho bạn:
Đêm nay trăng sáng núi Hồng
Trường An ngìn dặm lòng tôi não nùng
( bài Ký Hữu)
( bài Ký Hữu)
Và gửi cho Từ Hải:
Ngẫm từ dấy việc binh đao
Đống xương Vô Định đà cao bằng đầu.
Nguyễn Du đã sống trong một thời máu lửa - một thời chỉ toàn những cuộc chém giết kinh hồn, giữa Tây Sơn và nhà Lê, giữa Tây Sơn và nhà Thanh, giữa Tây Sơn và nhà Nguyễn. Mười sáu năm binh lửa diễn ra khắp quê hương là mười sáu năm Nguyễn Du sống trong gió bụi ê chề, hết mười năm ăn nhờ ở đậu nơi Thái Bình quê vợ, là những năm còm cõi lê chân khắp chín mươi chín ngọn núi Hồng quê cha. Trong cõi người ta trải ra không hết những đoạn trường.
Đức Phật đã nhận ra đời là bể khổ, và Nguyễn Du thì nghe ra bốn giây nhỏ máu năm đầu ngón tay. Ông xót xa: những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Nhưng mà hùng tâm tóc bạc đứng ngồi thở than,(bài Khai Song) chỉ ước mơ gốc tùng một bóng vô ngần thảnh thơi.(bài Sơn Thôn) Mà trớ trêu thay, định mạng đã đóng đinh lên thập tự hồng, tấm thân vẫn phải lẽo đẽo đi về chiêm bao.
Ông đã khóc với đời, khóc cho đời, và khóc với mình, khóc cho mình.
Trong hết thi nghiệp của Nguyễn Du người ta chỉ nghe thấy những khúc đàn não nuột - họa chăng ở một lần cuối khi Kiều gẩy cho Kim Trọng nghe mới thấy đầm ấm dương hòa nhưng đó chỉ là hồ điệp hay là trang sinh - và ngay cả hỡi ơi chung cuộc thì cũng đã trải qua một cuộc bể dâu mất rồi.
*
*
Vầng trăng từ độ lên ngôi, khách má hồng đã nghe ra một nỗi niềm cay đắng như tiếng thơ đổ hồi trong phế phủ. Trăng đã sáng lên mọi mép miền dâu bể - thơ đã cất lên khắp cõi mộng ban sơ. Trăng và Thơ cùng bay vào miên viễn - tiếng thở dài còn đồng vọng trên bình nguyên xanh cỏ rợn chân trời - trong trời thu ngất tạnh bóng xiêm y.
Ôi có phải cũng là từ khi trăng là nguyệt, kinh là kỳ từ châu quận tân toan (Bùi Giáng) mà khúc bạc mệnh đã lên đường trăng soi, mà khách hồng quần đã
Mịt mù dặm cát đồi cây
Tiếng gà điếm nguyệt dấu giầy cầu sương
Trăng đã đến với Kiều từ sau cuộc hội đạp thanh, và hiện ra ngay trong buổi tối trở về trướng hoa, tim còn đập má còn hồng
Gương nga chênh chếch dòm song
Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân
Kiều một mình lặng ngắm bóng trăng - lặng ngắm cảnh trăng soi. Tâm thức luyến ái đã quẫy lên khi không gian dìu dặt, để rồi má bỗng hồng thêm, tim bỗng run thêm - run như tờ giấy mới, cùng với vầng trăng trôi vào cõi mộng - một cõi mộng điêu linh - một mùa trăng về tảo mộ - một mùa trăng soi những đoạn trường xa xăm - những phương trời thăm thẳm những ngày ngày đăm đăm.
Thế là hốt nhiên một cuộc lữ phơi ra trong trăng tà - để khách má hồng lẽo đẽo giữa cuộc chơi
Đùng đùng gió giục mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay
Trông vời gạt lệ phân tay
Phương trời thăm thẳm ngày ngày đăm đăm
Và ai đó trong một phiến đá bầm đầu buổi hoàng hôn, cuối bữa hôn hoàng đã khóc trên cuộc chơi này - một cuộc chơi rất mực - cuộc say đầy tháng cuộc cười thâu đêm - ấy nó chính là cuộc chiêm bao theo cuộc trăng đáy nước. Ôi vầng trăng ấy đã bủa vây chút hồng quần - đã xô giòng tiểu khê chẩy qua cầu nho nhỏ - xô má hồng vào chốn thanh lâu - xô hồng nhan vào cõi đoạn trường - xô bản đàn nhỏ máu ngón tay …
*
*
Thúy Kiều đã bước vào cuộc chơi trong một mùa trăng
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Khi ước nguyện với Kim Trọng, rồi chàng chợt phải ra đi lo tang lễ ông chú, thì Kiều cũng chợt phải ra đi vì đình tụng của cha già. Nhị đào đã bị Mã Giám Sinh bẻ vào một đêm trăng ngày ấy. Tới Lâm Truy gặp mụ trùm lầu xanh là Tú Bà cũng vẫn là mùa trăng. (Lâm Truy vừa một tháng tròn tới nơi).
Những ngày ở lầu Ngưng Bích, lầu máu đọng. ( Trong cuốn chú giải Kiều của Chiêm Vân Thị kể có viên quan nọ ở phương xa tự tử chết. Máu chảy đọng thành vũng. Có người đồng hương gói máu ấy đem về cho thân nhân người quá cố. Đi mất ba năm, khi mở ra thì máu biến thành ngọc bích.) Đấy là tên theo điển tích, còn thực tế, chính máu của Kiều đã chảy ra và đọng lại ở đó. Để rồi chỉ còn vầng trăng là tri kỷ.
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Trăng thôi thúc quá, Kiều cũng liều nhắm mắt đưa chân, để xem con tạo xoay vần đến đâu, trốn khỏi lầu Ngưng Bích với Sở Khanh (là người trong kế hoạch cạm bẫy của Tú Bà). Cuộc chạy trốn lần đầu tiên cái định mạng khủng khiếp này diễn ra vào một đêm trăng muộn (đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành) và đã thất bại khi trăng từ từ lặn (gió cây trút lá trăng ngàn ngậm sương).
Thế là thôi, thế là đành, lấy thân mà trả nợ đời cho xong! Kiều bị bắt lại, bị đánh đập tàn nhẫn đến nước phải lạy van mà hứa một lời đau đớn
Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ đây xin chừa!
Nhưng lần ấy trăng bắt đầu lặn bẵng đi - không nghe nói trong những ngày từ đêm hai mươi mốt đến mùa trăng tháng sau Kiều làm gì - chỉ biết khi trăng tháng sau vừa tròn thì Kiều bắt đầu cuộc đời kỹ nữ với công phu dạy dỗ của Tú Bà
Vừa tuần nguyệt sáng gương trong
Tú Bà ghé lại thong dong dặn dò
Cũng có thể nguyệt sáng gương trong là ý nói Kiều bị đau vì trận đòn phải tĩnh dưỡng đến nay mới hồi phục dung quang. Nhưng dẫu sao thì trăng cũng đổ hồi.
Trăng đổ trên đầu xanh hay tóc trắng – trăng ôm người, người ôm trăng cùng khóc giữa mê cung.
Có người chiết tự câu một vầng trăng khuyết ba sao giữa trời, trong lần thứ năm diễn tả nỗi thương nhớ của Kiều là chữ Tâm chỉ Thúc Kỳ Tâm (Thúc Sinh).
Nhưng đến đây thì vầng trăng thật đã quá lắm rồi - đã là cái tâm của Kiều. Cái vầng trăng ấy, con tim ấy, dù là sáng vằng vặc đi chăng nữa thì cũng bị cuốn trôi đi - trôi mãi vào một cõi hồng trần.
Trong bài “đạo ý”, Nguyễn Du đã gửi gắm tâm sự, muốn giữ một lòng bát ngát trăng trong. Nơi một chỗ đứng nào đó, Nguyễn Du đã thấy trăng như là tất mệnh - là trái tim dễ đau của thi sĩ - Trăng như là bến đợi - là chốn hẹn - là nỗi nhớ niềm đau - là tất cả mọi ước mơ - và cũng cả những đoạn trường.
*
*
Trong ba lần gửi thân nơi thảo am, lấy câu kinh tiếng kệ, và tấm áo nâu sòng để gần rừng tía để xa bụi hồng, nhưng cả ba lần trăng đều đến tận thiền phòng níu kéo Kiều lên đường nhập cuộc chơi tiếp nối. Ba lần ni cô Thúy Kiều (hay Trạc Tuyền) đều đã phá giới. Lần thứ nhất trăng gọi Kiều vào nửa đêm, ni cô nghe theo tiếng gọi của trăng đã cuống lên, đánh cắp cả chuông vàng khánh ngọc trong chùa, rồi leo tường băng đi theo trăng.
Nghĩ đi nghĩ lại quanh co
Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân
Bên mình giắt để phòng thân
Lần nghe canh đã một phần trống ba
Cất mình qua ngọn tường hoa
Lần đường theo bóng trăng tà về tây
Lần ấy Kiều sợ quá
Canh khuya thân gái dặm trường
Phần e đường sá phần thương dãi dầu
Kiều đi mãi tới sáng bạch cũng vẫn bơ vơ nào đã biết đâu là nhà. Thế nên Kiều đánh liều đến tu ở một ngôi chùa khác. Trăng đã mớm cho Kiều nói dối – trăng đã giắt lối cho Kiều phá giới - cho nên lần tu thứ hai này rất là gay cấn. Những tưởng cứ “sớm khuya lá bối phướn mây, ngọn đèn khêu nguyệt tiếng chày điểm sương” là đã “gửi thân được chốn am mây” rồi. Nhưng mà trăng vẫn sáng - trăng đưa lối như một bóng ma - trăng đưa đường như một con quỉ - chẳng bao lâu Kiều lại bị bước vào chốn đoạn trường.
Nguyệt là Tâm, nhưng có phải tâm Kiều muốn thế? Thưa không. Cây muốn lăng mà gió chẳng muốn ngừng. Tâm không muốn, nhưng thân lại bị đắm trong bùn.
Tiếc cho nước đã đánh phèn
Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần
Sao thế? Xin thưa
Hồng quân với khách hồng quần
Đã xoay đến thế còn vần chửa thôi
Thôi thì thôi
Biết thân chạy chẳng khỏi trời
Cũng liều má phấn cho rồi ngày xanh
Nguyệt là tâm, và nguyệt ở trên trời
Một vầng trăng khuyết ba sao giữa trời
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Cho nên trăng hay tâm cũng là trời. Trời hay tất mệnh - trời hay nghiệp số đào hoa cũng thế. Hỡi ơi
Chém cha cái số hoa đào
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi
Trong cuộc đời, khi ra làm quan với nhà Nguyễn, Nguyễn Du đã ba lần xin treo ấn từ quan, nhưng lần nào cũng chẳng đặng đừng. Trăng đã buộc như duyên tình đã buộc.
Nguyễn Du đã bày tỏ thuyết định mệnh và nghiệp báo trong Truyện Kiều. Và chính cuộc đời ông đã sống chết với một vầng trăng. Ông yêu định mệnh, nhưng vẫn muốn chống lại định mệnh, và nhận chịu mọi hệ quả của hành động phản kháng này.
Vầng trăng của đời Kiều, hay của Nguyễn Du là một vầng trăng duỗi dài hai bến hẹn
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường
Ý thức về định mệnh - cô đơn trong một chỗ đợi chờ - Nguyễn Du vẫn muốn hành động - muốn phiêu lưu - muốn đến một phương trời kia tạo dựng một cõi miền.
Đã có rất nhiều câu như Kim Trọng nói với Kiều :”xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Hay Tam Hợp đạo cô nói với Giác Duyên:
Sư rằng:”phúc họa đạo trời
Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra
Có trời mà cũng có ta
Và ngay phần đóng lại Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã viết
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Nhưng đó lại là một cõi miền dâu bể khác - ở đây chỉ nói về một vầng trăng mà Kiều đã phó thác. Tuy nhiên Kiều cũng đã và đang ở trên giòng sinh thức này, kiều ôm giữ một vầng trăng - khóc trong vầng trăng - đi trong vầng trăng - hát trong vầng trăng - và chết trong vầng trăng.
*
*
Cái ngày gặp Từ Hải là ngày Kiều gặp một bến bờ mới - ngày trăng thật sự lên ngôi - và Kiều tin rằng sẽ giã từ tất cả để chỉ khoác áo vàng đi trong vầng trăng - giã biệt cung đàn - giã biệt quê hương. Trong suốt cuộc đời, Kiều đã đánh đàn cho Kim Trọng nghe hai lần, đánh cho Mã Giám Sinh nghe, đánh một mình nơi lầu xanh, đánh cho Hoạn Thư và Thúc Sinh nghe, đánh trong đêm khao quân của Hồ Tôn Hiến, hoặc còn đánh nhiều lần đâu đó; nhưng tuyệt nhiên không đánh đàn cho Từ Hải nghe. Sao thế ? Xin thưa: đó là một điều bí ẩn.
Bây giờ giữa một mùa trăng sáng, giữa một giòng sông sâu, Kiều phải quyết định đời mình sớm hơn. Nàng bèn ôm lấy trăng nước sông Tiền Đường. Nhưng trước khi nhắm mắt, nàng vẫn còn thấy vầng trăng sáng - sáng cả trong tâm thức Kiều, khiến lòng nàng tan nát tân toan
Một mình cay đắng trăm đường
Thôi thì nát ngọc tan vàng thì thôi
Vầng trăng đã gác non đoài
Một mình luống những đứng ngồi chưa xong
Đêm trăng trải mấy đoạn trường, mà giòng sông thì dài như mộng - nước động và trăng xô - lô nhô dĩ vãng. Mãi! Đêm vẫn bất động - chỉ có yên lung hàn thủy nguyệt lung sa (Đỗ Mục)- và chỉ có ta là tâm thức quằn quại của Thúy Kiều dưới khoang thuyền định mạng. Kìa, khuôn mặt ai hay là trăng ảnh? - hay là máu của một mùa thu xưa - hay là mưa của một ngày xuân rụng? Vô số mặt trăng chợt ùa lên như chim nhạn. Vô số mặt trăng chợt sa xuống nước như những cánh hoa rơi. Ai đấy? Người xưa? Hay là người trong mộng. Hay là người trong mộ. Hay là ta giữa một cõi ta bà. Hay là trái tim - ôi trái tim sũng mộng - trái tim của một thời để yêu và một thời để chết.(Erich Maria Remarque) Chạy đi. Chạy trên những chiếc lá khô. Chạy trên những xác người. Chạy trên vô số những bàn tay - chạy trên rừng dâu - chạy trong vầng trăng sáng - chạy trên giòng sông sâu. Chạy trên đâu - chạy đi đâu - chạy đến đâu?
Thôi thì một thác cho rồi
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông
Đoạn trường đang mở ra hay khép lại mà khắp không gian chợt hối hả vô cùng. Kiều chết rồi trăng cũng chết theo.
Trăng nằm xuống duỗi dài hai bến hẹn
Một giòng sông vồn vã động chân trời (bùi giáng)
Trăng nằm xuống hay trăng vừa thoát chạy thì tấm lòng Kiều vẫn dang dở giữa mênh mông. Trăng giữa trời và trăng đáy nước. Phải chăng giấc mộng Trang Châu vừa trỗi dậy, và một thưở ai kia chàng thi sĩ ôm trăng cười say dĩ vãng đã cất cánh bay về cõi hư hoang. Và phải chăng bản đàn trăng nhập đã nhập lại vào trăng trong một kiếp ngậm ngùi.
Tóc trắng phau phau chợt bay lên gió lộng. Và đôi cánh thơ chở đầy mây trắng cũng chợt vun vút vào vầng trăng.
Hình như không gian hốt nhiên vừa ngất tạnh. Ai đã vừa quét sạch một con đường lá me bừa bãi rác? Ai đã vừa thu vén chợ chiều qua? Ai đã lau đi màu chiêm bao vừa mới đổ? Ai đã dứt bụi hồng chiêm bao đi về nẻo đó? Ai ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi?(Tản Đà) Mà ai biết ai là người khóc vầng trăng thuở ấy!
Một vùng cỏ mọc xanh rì
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu
Trong cõi mộng điêu tàn - cuộc chơi còn lẩn khuất.
*
*
Mái tóc trắng của Nguyễn Du phải chăng là mái tóc của một vầng trăng bạc - tóc của bao mùa thu chết - tóc của bao mùa đông qua. Ôi tóc trắng phau phau mà còn gửi thân nơi nhà người - còn thơ thẩn cuối mùa trăng - còn lẽo đẽo giữa bụi hồng. Tóc trắng bay dưới trời trăng huyễn mộng - tóc trắng bay vương vấn cồn dâu - tóc xanh chìm xuống giòng sâu - mùa thu trở lá tăm mù cánh chim.
Hình như ngập ngừng lắm mẹ ơi ! Cả thế giới bỗng vô cùng dang dở. Trời xô mây đẩy mộng cuối con đường.
Tóc trắng khóc mùa thu con khóc võ vàng. Đường đã lên đồi con vùng dãy dụa. Mẹ bỗng đi như nước bỗng lìa ngàn. Trăng đã xa như ngấn nước vàng - tóc bạc trắng đến vô vàn mây trắng.
Mẹ ơi đầu xuân con băng mặt nhựt
Lượm giẻ màu xanh lau nhẹ chiêm bao ( Phạm Công Thiện)
Phải chăng chủ đề của thi ca là cuộc lên đường qui hồi cố quận. Giòng lục bát là một giòng thơ có khả năng bát ngát trên lối về
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Chị về cho mẹ ra đi - chị đi cho mẹ đi về dưới trăng
Mẹ về đứng ở đầu sân
Cuối cùng mẹ bước vô ngần mẹ đi (Bùi Giáng)
Đi và về. Trong một tiếng tang thương trải vô lượng đại dương thế giới. Về và đi trong đôi cánh của vầng trăng và giòng sông thủy triều. Lục bát Nguyễn Du đã tạo nên nhịp tư huyền diệu - nhịp của tứ tượng - nhịp của thiên trì hơi thở.
Hình như vầng trăng vẫn còn sáng lắm - sáng mênh mông trong một đêm mênh mông - sáng vàng một giòng sông sóng vỗ - sáng trắng một giấc mộng chưa tan - mà ô hay không phải trăng vừa mới chết đó sao ? Trăng vừa gieo theo một cánh hồng ? Trăng vừa đeo theo một trái tim đau ?
Ngọn triều non bạc trùng trùng
Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo
Phải chăng trăng là một ẩn ngữ ? Và đâu là chân diện mục của vầng trăng ?
Im lặng. Bởi vì :
Nàng còn thiêm thiếp giấc vàng chưa phai. Khách hồng quần đã tịnh khẩu? Ai có đủ tư cách đáp cho nàng? Nguyễn Du ư? Người ấy đang ngồi bên song cửa yên lặng nhắp chén rượu đời, mắt nheo nheo nhìn những cánh hoa rơi lả tả trên tấm thảm xanh ngoài trời thu ngất tạnh.
Đạm Tiên ư? Một hồn ma bóng quế - một mộ trăng kín cỏ mục lối về - ba lần cô đến từ cõi mộng xa khơi rồi bỏ đi cũng chưa tròn mộng – dấu cô chỉ là một chút hương thừa - một chút rêu xanh - chỉ còn một chút trăng vằng vặc - một chòm sao tâm, và dăm ba hàng mây trắng...
Nhưng mà vầng trăng tuy còn đấy - tuy còn mãi cũng vô ngôn.
tường vũ anh thy San Francisco 1980- trích trong THI ĐIỆP NGUYỄN DU 1982
Những bài trong Thi Diệp Nguyễn Du đã đăng trên blog này:
Nguyễn Du: lỡ từ lạc bước…
lời thêm: đọc lại những bài này viết từ 31 năm trước, có nhiều đoạn tôi không hiểu, nhưng vì tôn trọng nguyên tác tôi vẫn đánh máy nguyên si. Tôi nghĩ chắc lúc viết, tác giả hẳn đang lên đồng! Tôi sửa lỗi chính tả và lỗi đánh máy lúc ấy chưa có computer, nhiều đoạn chồng chéo cả lên nhau. Tôi chỉ mới biết đánh máy vào computer khoảng một năm nay. Vậy để nói lại cho rõ: những chữ in nghiêng (italic) trong bài là thơ Nguyễn Du hoặc những thành ngữ, những câu quen thuộc trong văn chương, ai cũng đã biết nên không ghi chú.
lời thêm: đọc lại những bài này viết từ 31 năm trước, có nhiều đoạn tôi không hiểu, nhưng vì tôn trọng nguyên tác tôi vẫn đánh máy nguyên si. Tôi nghĩ chắc lúc viết, tác giả hẳn đang lên đồng! Tôi sửa lỗi chính tả và lỗi đánh máy lúc ấy chưa có computer, nhiều đoạn chồng chéo cả lên nhau. Tôi chỉ mới biết đánh máy vào computer khoảng một năm nay. Vậy để nói lại cho rõ: những chữ in nghiêng (italic) trong bài là thơ Nguyễn Du hoặc những thành ngữ, những câu quen thuộc trong văn chương, ai cũng đã biết nên không ghi chú.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét