Bấy giờ là mùa xuân năm quí dậu 1813. Trời tháng giêng đất bắc có mưa nhẹ và gió lùa. Nguyễn Du cùng phái đoàn từ Huế vào Thăng Long để chuẩn bị đi sứ sang Trung Hoa.
Thăng Long! Kinh Thành Ly Biệt! Thoắt đã mười mấy năm trời! Kể từ độ đất nước điêu linh nội loạn, rồi vó ngựa chinh chiến của nhà Tây Sơn năm bính ngọ 1786, Thăng Long chìm trong khói lửa, nước mắt, máu, và phân ly. Rồi những ngày tháng biền biệt trôi đi trong kinh hoàng khắc khoải, Thăng Long chỉ còn là dĩ vãng. Hình ảnh một kinh đô huy hoàng từ thời Lý (1011) với giấc mơ cha Rồng về dựng nước đã sừng sững trong lịch sử bi hùng của dân tộc còn văng vẳng xa xăm! Trong đôi mắt đăm đăm thăm thẳm của Nguyễn Du, hình như Thăng Long mãi mãi vẫn là một kinh đô vàng son độc lập, là tiếng gọi thiêng liêng thắm thiết. Nơi đó, ông đã sống, và đã lớn lên. Sau cuộc thất bại thê thảm của giòng họ Trịnh năm 1786, đến chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung phá tan 20 vạn quân Thanh năm 1789, Nguyễn Du phải lưu lạc nơi Thái Bình quê vợ. Vào những năm 1790-1793, một người anh của Nguyễn Du là Nguyễn Nễ cộng tác với Tây Sơn. Thỉnh thoảng Nguyễn Du vào thăm anh để có dịp nhìn Thăng Long với những tang thương ngậm ngùi. Những lần ấy ông đã thấy cảnh tướng tá nhà Tây Sơn điên đảo trác táng bên các mỹ nữ ả đào còn sót lại từ phủ chúa Trịnh…sự thực hãi hùng và bi đát của các cuộc đảo chính chớp nhoáng cướp chính quyền, cũng như đằng sau sân khấu của phủ chúa đã làm Nguyễn Du ngao ngán thất vọng… cho đến khi vua Gia Long vời ông đi theo đoàn quân tiếp thu Thăng Long 1802…
Vua Gia Long không ở Thăng Long mà đóng đô ở Phú Xuân. Năm 1805, nhà vua ra lệnh phá bỏ tất cả thành Thăng Long để xây lại một tòa thành khác cũng ngay trên nền các cung điện cũ. Do đó bây giờ trở lại Thăng Long, Nguyễn Du không còn nhận ra cố đô. Ông đã gần 50 tuổi rồi. Đầu đã bạc từ khi trăng là nguyệt. Ông bùi ngùi, hốt hoảng đi dạo khắp Thăng Long. Hình như núi Tản Viên vẫn sừng sững, và giòng sông Lô vẫn lờ lững vờn quanh. Những căn nhà xưa đã không còn nguyên vẹn, và nhiều con đường xưa giờ đã thay tên. Thăng Long ơi! Ta mất người như người đã mất tên…
Nguyễn Du đi giữa trời Thăng Long như giữa lòng đổ nát. Làm sao tìm gặp lại thân quen. Ông hồi hộp và rón rén đi vào những con đường trong trí nhớ ngoại ô để thẫn thờ thấy những thiếu nữ ngày xưa giờ đã tay bồng tay mang nặng nhọc, những bạn bè hào hiệp ngày nào đã lụ khụ trong vẻ sợ sệt chiều tà. Ông đi và đi lạc. Lạc giữa một buổi chiều Thăng Long xa lạ và tàn nhẫn. Một không gian mà ông nhớ ông thương ông ấp ủ ông dằn vặt… suốt mười mấy năm trường, bây giờ gặp lại, giữa chiều tháng giêng bỗng ngỡ ngàng vô kể. Ông không thể tưởng tượng được mới ngần ấy năm mà Thăng Long đã biến đổi đến thế! Có lẽ tại vì lòng ông vẫn là một tấm lòng thi sĩ ngày xưa? Hay có phải chính ông là một khách lạ? Trẻ con ở Thăng Long nhìn ông muốn hỏi ông từ đâu đến?
Đêm ấy Nguyễn Du bâng khuâng khó hiểu. Lòng ông vừa rạo rực bồi hồi, vừa xót xa cay đắng, lại vừa mơ mộng vẩn vơ. Ông trằn trọc. Ngoài trời trăng sáng. Trăng tháng giêng Thăng Long, ông nghe văng vẳng tiếng sáo mơ hồ. Trăng đem tiếng sáo tới hay tiếng sáo đưa trăng về?
Thăng Long I
Tản Lĩnh Lô Giang tuế tuế đồng.
Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long.
Thiên niên cự thất thành quan đạo,
Nhất phiến tân thành một cố cung.
Tương thức mỹ nhân khan bão tử,
Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông.
Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy,
Đoản địch thanh thanh minh nguyệt trung.
Núi Tản sông Lô muôn đời ấy
Bạc đầu còn được thấy Thăng Long
Phố nhà lộn đảo lòng vòng
Một tòa thành mới nát lòng cung xưa
Những người đẹp con đưa con bế
Bạn bè xưa lê lết về già
Một đêm thao thức như là
Sáo khuya trăng sáng trăng tà sáng sao
Bài thơ vừa làm xong, Nguyễn Du lập tức mở cửa đi lững thững ra ngoài. Hình như khắp không gian đều lên mùi rêu nhớ. Nguyễn Du đã trằn trọc vì một mùi rêu? Thưa không, ông trằn trọc chính vì một vầng trăng.
Ba mươi năm kiếp lưu đày
Chân trời góc biển xum vầy vẫn trăng
(bài Quỳnh Hải Nguyên Tiêu)
Ông đã tự coi mình là bạn với vầng trăng sáng – mà vầng trăng thì đời đời bất tuyệt (bài Đạo Ý). Trăng đêm nay cũng là trăng thuở ấy. Duy có nhà cửa thành quách của Thăng Long không phải là thành quách nhà cửa của Thăng Long thuở ấy. Trăng soi sáng khắp thành Thăng Long mới. Ánh trăng la đà. Lòng Nguyễn Du cũng la đà. Nguyên một ngày dài dạo khắp Thăng Long, giữa những đường phố mơ hồ về trí nhớ, giữa những bản nhạc mới được chơi tạp lục khắp nơi, ông hoàn toàn không nhìn thấy Thăng Long của lòng ông thuở ấy…
Ai mất ai còn ai lặn lội
Tìm trong ký ức xa xôi
(thơ Nguyễn Chí Thiện)
Nguyễn Du nghe ra một vầng trăng rướm máu. Tóc ông đã bạc từ lâu… Cuộc đời vốn là trường gió tanh mưa máu của những cuộc tranh cướp đảo chính và bóc lột, chung qui bởi miếng cơm manh áo và cái danh hão danh huyền. Lên voi hay xuống chó…nay có mai không. Ông cũng đã thấy lịch sử thăng trầm, quyền ngai như ngọn cờ trương lên và kéo xuống, như buổi sáng ra mắt dàn chào để buổi chiều lột áo đi chui (xem Hoàng Lê Nhất Thống Chí) thế sự ấy nên cười hay nên khóc? Đối với Nguyễn Du, hình như vầng trăng đã vừa soi sáng lại nơi tâm hồn ông cái vĩnh cửu và cái vô thường ông ấp ủ. Thế nhưng lỡ từ lạc bước bước ra…
Thăng Long II
Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành,
Do thị Thăng Long cựu đế kinh
Cù hạng tứ khai mê cựu tích
Quản huyền nhất biến tạp tân thanh
Thiên niên phú quý cung tranh đoạt
Tảo tuế thân bằng bán tử sinh
Thế sự phù trầm hưu thán tức
Tự gia đầu bạch diệc tinh tinh.
Trăng xưa chiếu sáng ngôi thành mới
Thăng Long ơi ới thủ đô xưa
Lạc trong phố thị xây bừa
Lạc trong đàn sáo mới vừa tạo ra
Danh lợi người đời là tranh cướp
Mất còn thân thuộc mướp trơ xơ
Than chi cuộc sống chơ vơ
Than chi cuộc sống chơ vơ
Cùng ta tóc bạc phất phơ giữa trời
Hai bài thơ Nguyễn Du làm để mở đầu cho tập Bắc Hành Tạp Lục, cũng để mở ra một phương trời cô lữ của một người dám nhận mình là người. Ông trở về Thăng Long, nhìn lại Thăng Long, đi giữa Thăng Long, để đối diện với một thực tại bẽ bàng hơn ông tưởng, để từ đó…
Người đã định một lần thôi để hỏng
Đường vu vơ về chốn cũ trăm năm
Miền cát lạnh chân lạc đà bé bỏng
Bóng hình em tơi tả dưới trăng rằm
( thơ Bùi Giáng )
TVAT ( trích Thi Điệp Nguyễn Du, San Jose 1982)
Lời thêm: có những chữ, những câu in nghiêng trong bài là lấy từ thơ, từ nhạc, hoặc từ văn, từ ca dao tục ngữ...đã quen thuộc, nên không ghi xuất xứ.Thi Điệp Nguyễn Du phần lớn đã đăng trên tạp chí Nhân Văn, phát hành ở San Jose từ những năm 1982-1983, nay có sửa đổi, nhất là lỗi chính tả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét