điêu khắc

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

Nguyễn Du: lỡ từ lạc bước…




Mô tả Kiều trước mùa tảo mộ, Nguyễn Du đã dùng hai câu:
Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai
Hai câu thơ có khả năng nói lên tất cả tâm thức Kiều, chuyên chở toàn bộ định mệnh nàng. Nàng sống bên trong bức màn nhung gấm gia đình. Bề mặt tĩnh lặng này đã chiếm hữu Kiều, đã giành giật nàng giữa giòng sông nước lũ của một định mệnh mơ hồ. Bên kia bức màn nhung là những mùa thu chết trong cuồng điên tiết điệu ân tình – là những phương trời thăm thẳm của lữ khách bôn ba – là những cánh chim bay rợp cõi ta bà.
Ta để ý chữ “êm đềm” trong câu lục, và chữ “mặc” trong câu bát, mỗi chữ đều có những khả năng kỳ diệu. Nhất là chữ “mặc” đã khẳng định được tâm hồn Kiều đang vẫn bị giằng co hay cao ngạo, đang vẫn ý thức rõ ràng về cuộc đời và định mạng, giòng sông và cây cầu, giòng sông và thuyền đò. Nàng biết nàng là ai ? Trong quá khứ, những ngày còn thơ ấu, Kiều đã được nghe nói về mình:
Nhớ từ năm hãy thơ ngây
Có người tướng số đoán ngay một lời
Tinh hoa phát tiết ra ngoài
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa
Kiều lớn lên trong mơ hồ về một định mệnh mỏng manh chập chờn ấy. Như một cái “nhân” đã gieo, chờ đến mùa hội đủ “duyên” để “thành”. Kiều nhìn thấy nghiệp, nhìn thấy đời mình lúc xa lúc gần, như chiêm bao réo gọi. Suốt mười mấy năm trời nàng ôm “nhân bạc mệnh” của đời nàng để trả lời với những băn khoăn tra hỏi mà không thể trả lời. Nhân bạc mệnh vừa thôi thúc hành hạ Kiều, vừa trở thành thân thiết như một người bạn trong tâm, người tình trong trí, đã khiến nàng phổ thành khúc đàn tuyệt diệu, khóc trước cho đời nàng, khóc trước cho những cuộc tình, khóc trước cho những kiếp người, cho cõi người ta.
Khúc nhà tay lựa nên xoang
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân
Phải chăng Thúy Kiều, như Kinh Majjitrima Nikaya đã nói:”Tất cả chúng sinh đều mang theo cái Nghiệp(Karma) của chính mình như một di sản - một vật di truyền - như người chí thân-như chỗ nương tựa .Và Kiều nương theo khúc đàn bạc mệnh -khúc đàn trăng nhập - sẵn sàng cùng định mệnh bôn ba mở phơi đời sống. Cho nên nhất cử nhất động của Kiều trong ngày hội đạp thanh  là những tác động của định mạng trở cơn, của cô đơn cuộc lữ. Nàng mang theo tất cả thânmệnh trên đường đi dự hội, nhập cuộc chơi rất mực quần hồng.
Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao giòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
Bốn câu này không chỉ để tả cảnh, mà Nguyễn Du cực muốn vẽ ra những biểu tượng cho đời người. Ngọn tiểu khê chính để khơi lên giòng sông định mạng từ lâu Kiều hồi hộp đợi chờ, thấp thỏi mỏi mong với nhiều kiêu hãnh. Nó đang dần dần lộ ra như cái mầm của hạt nhân đang nở. Trong một vài sát na, Kiều nhận ra ngay ngọn tiểu khê của đời nàng trước mặt, đồng thời với một nhịp cầu mà nàng sẽ phải bước lên. Lòng nàng chợt nao nao. Từ bao lâu nàng chờ đợi, thì giờ đây, kìa đã đến! Đến một cách tình cờ quá; chuyện Đạm Tiên được kể ở đây như một duyên tiền định. Hốt nhiên Kiều thấy đau thương xa xót. Nàng muốn…hình như nàng cố sẽ khác đi, hay sẽ là thế ấy…
Nếu nhìn cuộc đời như một giòng sông thì đâu là chuyến đò, đâu là cây cầu để vượt qua ?
Câu hỏi hốt nhiên mở ra những phương trời đồng vọng - những giấc mộng đầu tay, có mưa bay và trăng tà - và hỏi cũng là đáp -từ đấy mộng phơi thềm nhật nguyệt - thân là cầu - tâm là thuyền - cùng dìu nhau vào cuộc túy lúy càn khôn - tồn sinh sử lịch - ngất tạnh trời thu…hỡi ơi! Trăm năm trong cõi người ta, những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Cuộc đối thoại của ba chị em Kiều trước mộ Đạm Tiên là cuộc tra vấn nội tâm của riêng Kiều. Đây là giây phút mãnh liệt nhất của Nhân & Duyên. Trước khi thuận theo giòng sông định mạng, Kiều còn cố gắng yếu ớt từ chối nụ hôn của người tình. Kiều hiểu rằng, trên đường lữ thứ, nàng sẽ chỉ còn trông cậy vào chính nàng. Cô đơn & Vô úy, đó là cung cách duy nhất để lên đường. Nhưng Kiều chưa thành tựu cung cách ấy nên nàng tâm thật vẫn nao nao
Nỗi niềm tưởng đến mà đau
Thấy người nằm đấy biết sau thế nào
Tâm trạng này là tâm trạng chung của những ai lần đầu tiên đối diện với chính mình trên giòng sông định mạng.
Trước nay khi phân tích Truyện Kiều,người ta đã không ngớt nói về Kim Trọng như một người tình của Kiều mà chiết tự cái tên nghĩa là tấm lòng chung thủy. Nhưng bảo Kim Trọng là người tình lý tưởng, đóng vai quan trọng nhất đời Kiều thì không đúng.
Về khía cạnh luyến ái, Kiều có đem lòng thương yêu Kim Trọng, nhưng là một thứ tình ước lệ và đợi chờ. Nàng rung động như một tình cảm đầu đời, nhưng thâm tâm thì biết rằng không phải - không phải chiếc cầu, không phải chuyến đò, không phải bến đỗ. Nàng chỉ cố thử, gượng xem “nhân định” có thắng “thiên” không. Thử xem nàng có thể không phải là nàng chăng? Nàng là ai? Là khúc đàn bạc mệnh? Là hồng nhan đa truân? Là kẻ lữ hành đơn độc trên giòng sông muốn trôi về biển cả? Không, tất cả vẫn chưa lộ diện. Tất cả vẫn là điều bí ẩn mà Kiều sẽ phải khám phá…
Cuộc gặp gỡ Kim Trọng bên ngọn tiểu khê, bên mộ Đạm Tiên, là cuộc gặp gỡ đầu tiên và cuối cùng của đời Kiều, hay là cuộc gặp gỡ của phân ly giữa Tài, Thời, và Mệnh. Hai câu kết mô tả cuộc gặp gỡ ấy:
Dưới cầu nước chẩy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha
Nguyễn Du mượn lại ngay ngọn tiểu khê và cây cầu để nhắc nhở người đọc, nhắc nhở Thúy Kiều. Dù Kim Trọng đã có mặt thì giòng sông vẫn cứ trôi, và khách hồng quần vẫn cứ truân chiên bôn bả trong trời chiều giục giã. Ta để ý chữ trong veo và chữ bóng chiều. Kiều phải hiểu ngay rằng đời nàng đang trên đường quạnh hiu của định mệnh. Định mệnh ấy như một thập tự hồng, biểu tượng của đóng đinh và cứu chuộc. Kiều sẽ bị buộc chặt vào phân ly, lưu đày, và cái chết vì chính Kiều và vì cõi người ta. Không có sự lựa chọn, hay Kiều đã chọn lựa từ tiền kiếp nghiệp lai? Không có cơ hội nào để thử thách, hay Kiều đã và đang thách thức trọn cuộc đời?
Sau 170 câu, Nguyễn Du đã đặt Kiều trước định mệnh, đã đưa Kiều đến đầu đời ly biệt, đã dẫn Kiều đến mép một giòng sông quạnh quẽ. Trước và sau Kiều hoàn toàn cô đơn và cô độc. Cha mẹ nàng, em trai em gái, rồi người tình người thù người ơn v.v. tất cả chỉ là bối cảnh của giòng sông, hay là “duyên” tác động trên cái “nhân” đời Kiều. Tuy thương yêu Kim Trọng, nhưng chàng không không phải là người đủ điều kiện hiểu Kiều, giữ Kiều và giúp Kiều. Trước và sau, Kim Trọng chỉ là một chàng trai ước lệ của Nho Giáo cộng với sự đam mê ủy mị. Kiều có lòng muốn mượn chàng, về phe với chàng, cùng chàng thử xoay lại định mệnh. Nhưng Kim Trọng đã không nhìn ra Kiều, mặc dù chàng yêu Kiều rất mực. Để nói lên điều này, Nguyễn Du đã tả ngay cái cảnh Kim trọng tương tư đi tìm lại bóng dáng người đẹp :
Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người
Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi
Một vùng cỏ mọc xanh rì
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu
Kiều đã đi theo giòng tiểu khê mất rồi, làm sao Kim Trọng có thể thấy lại. Yêu là nhìn thấy nhau trong định mạng. Trước những biến cố dồn dập trong nội tâm Kiều, Kim Trọng không hề hay biết, bởi vì đó là những phương trời xa lạ đối với chàng. Mặc dầu Kiều đã hết lòng hết dạ, cố gắng bày tỏ tâm tình, cố gắng giắt Kim Trọng đến giòng sông chỉ cho chàng thấy đời mình ở đó. Nhưng tuyệt nhiên Kim Trọng không thể hiểu, không thể thấy. ( xem Kiều từ câu 410 đến câu 568). Đến nỗi Kiều phải nói những lời kỳ dị:
Bây giờ giáp mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao !
Kim Trọng vẫn ngớ ngẩn mừng rỡ “làm lễ rước vào”. Kiều phải gẩy “khúc bạc mệnh” là lá bài chót giúp Kim Trọng hiểu mình. Kim Trọng đã suýt nhìn thấy, hay chàng vừa chợt thấy đã kinh hoàng che mắt bỏ chạy khi buột miệng nói:
Rằng: hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
Lựa chi những bậc tiêu tao
Dột lòng mình cũng nao nao lòng người
Kiều càng nuôi hy vọng vào tình yêu Kim Trọng bao nhiêu càng sa chân vào cõi ly biệt bấy nhiêu. Sự thất bại của Kim Trọng cũng là sự thất bại của con người cuả thời đại cũ, không còn thích hợp với những đổi thay. Trái lại, sự thất vọng của Kiều lại là một khát vọng khai mở, một thành công của ý thức bùng vỡ.
Nơi đầu đường lữ thứ ta thấy Kiều đang hoàn toàn sống trong sự dằn vặt, thổn thức, toan tính, đắng cay khăn khó sau buổi chiều chơi mả Đam Tiên, gặp Kim Trọng; sau buổi chiều nhìn thấy bóng đời mình trên ngọn tiểu khê và cây cầu gỗ nhỏ. Thời gian bây giờ đang vùng vẫy như cá trong đăng, như chim trong lưới, như gió trong cây, như mây trong núi, như nước trong ghềnh. Dĩ vãng hiện tại tương lai cùng lúc đứng lên
Rộng đường gần với nỗi xa bời bời
……………………….
Ngổn ngang trăm mối bên lòng
Nàng thấy trăng như xa mà gần, như hiền mà ác, nơi phương trời nào xa lắm, bóng nàng đang mải miết cô liêu
Một mình lưỡng lự canh chầy
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh
Ai đã xô Thúy Kiều vào cuộc lữ ? Ai đã đưa mộng dữ vào trướng hoa màn rũ ?
Ma đưa lối quỷ đưa đường
Cứ tìm những lối đoạn trường mà đi
Thấp thoáng sau khuôn mặt Kim Trọng – sau khuôn mặt ước lệ tình cảm và truyền thống – là hình ảnh Đạm Tiên – là hình ảnh chính mình – hình ảnh cuộc đời gió bão nổi trôi – hình ảnh của tử sinh – của ước muốn chế ngự và vượt thoát…Như đã trình bày, Kiều muốn cùng Kim Trọng xây dựng một cuộc đời ngược lại với định mệnh, ngược lại với khuynh hướng “bạc mệnh & đa truân” vốn là nhân đã gieo trong tâm thức nàng. Nhưng sự phân ly giữa Tài, Mệnh và Thời đã để cuộc toan tính kia đổ vỡ. Kim Trọng đã đến chậm như Thủy Tinh, để cho Đạm Tiên tới trước. Đạm Tiên chính là hình ảnh của ngọn tiểu khê và cây cầu gỗ nhỏ - chính là bóng dáng khủng khiếp về nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa
Thưa rằng :”thanh khí xưa nay
Mới cùng nhau lúc ban ngày đã quên?
Hàn gia ở mé tây hiên
Dưới giòng nước chẩy bên trên có cầu…”
Trong tiểu thuyết “Hình Bóng” của Dostoevsky, và truyện ngắn “William Wilson” của E.A.Poe * mang chủ đề cuộc đời và định mạng, đều nói lên sự giằng co giữa Thiện & Ác, Sắc & Không; và kết thúc bi thảm trong cơn lốc hư vô. Với Nguyễn Du và Truyện Kiều, đây chỉ là những bước đầu tiên bối rối. Chỉ trong một buổi chiều, Kiều gặp cả Kim Trọng và Đạm Tiên. Kim Trọng là sắc Đạm Tiên là không. Rồi sau đó Đạm Tiên sẽ là sắc và Kim Trọng sẽ là không. Lúc đầu Đạm Tiên chỉ là lời kể của Vương Quan, rồi hiện ra bằng những điềm và dấu vết :
Một lời nói chửa kịp thưa
Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay
Ào ào đổ lộc rung cây
Ở trong dường có hương bay ít nhiều
Dè chừng ngọn gió lần theo
Dấu giày từng bước in rêu rành rành
Như thế Đam Tiên là từ không mà tới. Khi Kiều gặp Kim Trọng với thân xác “đề huề lưng gió túi trăng, sau chân theo một vài thằng con con”, Kiều trở về trướng loan “một mình lặng ngắm bong nga” thì Kim Trọng chỉ còn là cái bóng mơ hồ “người mà đến thế thì thôi… “ Trái lại, Đạm Tiên bỗng hiện ra bên Kiều quyến luyến và thân thuộc như kẻ “đồng hội đồng thuyền”; cùng nhau xướng họa thơ văn.
Phải chăng Sắc và Không, Thực và Mộng là những biến cố đầu đời; là căn bản tư tưởng cho một hành trình đi vào cuộc lữ ? Trong đó, tựa như bài Kinh Bát Nhã: “ Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”. Đây cũng là yếu tính tối thượng của tư tưởng đông phương mà Nguyễn Du muốn thể hiện. Vì thế mà Truyện Kiều đã không kết thúc ở sông Tiền Đường, mà lại bằng hai câu:
Lời quê góp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh
Đạm Tiên đến với Kiều trước sau bốn lần trong ba giấc mộng, ba chặng đường. Và Kiều đã “sống” cuộc đời Đam Tiên, “chết” cuộc đời Đam Tiên, rồi “vượt” cuộc đời Đam Tiên. Kiều không sống cuộc đời Kim Trọng, không chết cuộc đời Kim Trọng, mà nàng chỉ thể hiện nỗi nhớ tình cảm đầu đời. Cuộc trùng phùng ở hồi chung cuộc là sự lìa bỏ mọi chấp tướng của hành giả đã vượt thoát mọi bến bờ.
Thế giới ta bà là cuộc đời hỗn loạn, hư dối, lừa đảo; trong đó mỗi người là một Hình & Bóng trái ngược và toan tính, tựa như thế giới Rashomon** của nhà văn Nhật Bản Akutagawa. Thúy Kiều đã kinh qua thế giới này với biết bao đoạn trường; để rồi nàng ôm giữ một vầng trăng, tụng cho đời bài Bát Nhã Tâm Kinh. Kiều đã từ thế giới ấy đi ra, rồi lại từ thế giới ấy đi vào. Trước và sau, khép và mở, ra và vào, chỉ là một Bài Kinh Cứu Khổ.
Phải chăng đó cũng là hình ảnh của Nguyễn Du ?
Thúy Kiều đã bước vào đời sống bằng sự day dứt giữa Sắc và Không; bằng sự phân ly Tài, Thời, và Mệnh. Nàng lìa bỏ mái ấm gia đình, lìa bỏ quê làng để lưu lạc trong trùng trùng đất khách quê người. Bề mặt, sự ra đi của nàng do biến cố gia đình thúc đẩy  (bán mình chuộc cha). Đó cũng là lý do nàng từ bỏ Kim Trọng, từ bỏ cuộc tình và cuộc đời ước lệ. Bề sâu, nàng ra đi bởi sự thôi thúc của ý thức độc lập, hành động tự do, khát vọng khơi mở và thách thức. Đồng thời với cô đơn và phản kháng, chung quanh nàng không có đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu, không có tương quan ý thức, không có thăng bằng xã hội…Chung quanh nàng chỉ bị bao vây bởi ước lệ, truyền thống, sự bất công thối nát, sự giả trá nặng về hình thức, sự vô thường của cuộc đời… Và Kiều đã từng làm ni cô, từng theo Từ Hải năm năm hùng cứ một phương hải tần. Tuy không đi sâu vào chi tiết, nhưng cũng đủ thấy bước chân đầu tiên Kiều muốn bước là bước chân Dịch Biến – là cuộc lên đường qui hồi cố quận – là cánh chim bay vào mây trắng – là ý thức bất nhị -   là giòng sông chảy cuồn cuộn về phía biển – là con đường không con đường …Không phải để đi tìm cây cầu hay con thuyền; mà chính là để trở thành cây cầu, trở thành con thuyền. Đó cũng là lời mở của bài Bát Nhã Tâm Kinh: quán tự tại bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thế khổ ách.
Thế mà bước chân ấy lại:
lỡ từ lạc bước bước ra
tấm thân đã liệu từ nhà liệu đi

Tôi nghe đâu đó ngoài biển xa tiếng sóng đổ dồn ầm ỹ rồi bất chợt gió lùa mùi muối mặn đặc biệt của thái bình dương.

*truyện này tôi chưa đọc, chỉ xem phim của Louis Malle với tài tử Alain Delon và Brigitte Bardo trong bộ Histoires Extraodinaires gồm ba truyện ngắn của Poe, thêm các đạo diễn Fellini và Roger Vadim; chiếu ở Sài Gòn thập niên 1960.
**phim của Akira Kurosawa với tài tử Toshiro Mifune, cũng chiếu ở Sài Gòn thập niên 1960.


tường vũ anh thy San Francisco 1980- trích trong THI ĐIỆP NGUYỄN DU 1982


Những bài trong Thi Diệp Nguyễn Du đã đăng trên blog này:

 Nguyễn Du & Người Gẩy Đàn Thành Thăng Long

 







Không có nhận xét nào: