điêu khắc

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Nguyễn Du, và Người Đàn Hát Thành Thăng Long




Quan tổng trấn (tuyên phủ) thành Thăng Long bấy giờ là Nguyễn Văn Thành, nhân dịp phái đoàn Nguyễn Du đi sứ, qua Bắc Hà, bèn tổ chức một buổi văn nghệ tiếp đón. Đây cũng là dịp để một số cựu thần nhà Lê gặp gỡ. Nguyễn Du từng dự rất nhiều cuộc trình diễn văn nghệ, và ông rất thích. Nhưng lần này tâm hồn ông còn xao xuyến về cuộc đổi đời, còn ngậm ngùi về cuộc thay tên, nên tuy dự tiệc mà lòng ông hiu hắt xa xôi. Lại nữa, trên những khuôn mặt phấn son diêm dúa kia, trong lối phục sức xa hoa nọ, cùng tiếng đàn giọng hát xa lạ, càng làm ông thờ ơ lãnh đạm. Nguyễn Du rất sành âm điệu, ông đã từng đánh trống, cầm phách, thổi tiêu và gẩy đàn. Ông nhận thấy các đội nữ nhạc thay nhau múa hát đêm nay, rặt một điệu tầm thường nhàm chán.
Hình như mỗi lần nghe hát là mỗi độ bùi ngùi, Nguyễn Du lại mơ màng về dĩ vãng xa xăm. Trong cái không khí ồn ào tưng bừng của buổi tiệc văn nghệ hôm nay, kẻ nói người cười, ông chợt thấy mình thực sự là một kẻ xa lạ, vĩnh viễn lạ xa…Nguyễn Du toan tìm cách ra ngoài thì tai ông chợt rung lên một nốt nhạc trong trẻo : tiếng đàn Nguyễn – đàn cầm!
Đó là tiếng đàn rất thịnh hành ở phủ chúa Trịnh ngày xưa. Bất giác Nguyễn Du đảo mắt tìm người đánh đàn. Mãi cuối chiếu của một sân khấu thu hẹp, ông nhận ra một người đàn bà gầy gò tiều tụy. Nàng mặc toàn một thứ vải thô bạc thếch và vá nhiều mảnh nhỏ. Mười ngón tay nàng xạm đen lặng lẽ gẩy đàn. Tiếng đàn càng ngày càng êm dịu và thân thuộc. Ông không thể lầm được: đó ắt phải là khúc nhạc Cửa Quyền. Nàng là ai ? Khuôn mặt nàng cũng xạm đen đầy vẻ dãi dầu, mái tóc lốm đốm hoa râm phơ phất, toàn thân nàng như một cây chuối khô giữa mùa đông giá. Nàng chẳng hề nói, chẳng hề cười. Nhưng tiếng đàn lại tươi như mùa xuân và thân quen như cỏ xanh.
Lòng tôi bỗng rưng rưng. Tiếng đàn cầm trôi nổi bồng bềnh như ru tôi về với giấc mộng xa xưa, như xô tôi tới cuối trời mây trắng. Bây giờ là tháng giêng ở Thăng Long. Ngoài kia trăng chắc là sáng lắm.
Bữa tiệc rồi cũng tàn. Đêm vui rồi cũng hết. Nguyễn Du nao nức  cố tìm cách gặp người đàn bà gẩy đàn cầm. Trong cái không khí nhốn nháo chào hỏi tan hàng, ông đến được nơi người đàn bà ấy. Ông dịu dàng nhìn vào đôi mắt nàng. Đôi mắt ấy nghẹn ngào cúi xuống. Mái tóc hoa râm như cánh rừng thưa trụi lá. Đôi vai nàng như đôi vai của một cánh chim gặp mưa giữa trời bão tố. Ông vẫn dịu dàng nhìn nàng – nhìn những phương trời thăm thẳm nỗi phôi pha. Ngày xuân mòn mỏi má hồng phôi pha. Nàng ngập ngừng, không nhìn lại ông, nhưng ông nghe rất rõ tiếng nàng hỏi:
-      Ngài có phải là cậu Bẩy con quan cố Tham Tụng không?
-      Vâng…
Vâng! Chính tôi là người ấy. Chính người ấy là tôi…
-      Vâng! Cô Cầm ???
-      Vâng…
Ôi Cầm Nương! Chính là nàng! Tôi vẫn ngờ ngợ là nàng. Nhưng mà trời ơi rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao.
Tại sao lại là Cầm Nương được chứ? Người nữ danh ca ấy ở Thăng Long không ai biết rõ tên họ. Thuở nhỏ nàng học đàn cầm trong đội nữ nhạc ở cung vua Lê. Vì thạo đàn cầm nên người ta quen gọi là Cầm Nương. Khi Tây Sơn kéo quân ra chiếm Bắc Hà, các đội nữ nhạc nhà Lê, người chết, kẻ lưu lạc. Nàng vẫn ôm giữ cây đàn trăng. Vì những khúc hát nàng thuộc toàn là các khúc cung phụng gẩy cho vua nghe, người ngoài không hề biết, nên tài nghệ và tiếng tăm  nàng nổi nhất một thời.
Bấy giờ tôi còn trẻ (25 tuổi) thỉnh thoảng về Thăng Long thăm anh Nguyễn Nễ, ở trọ gần Giám Hồ (hồ Gương). Gần đấy, quan quân Tây Sơn thường mở những cuộc hát lớn, toàn là danh ca lộng lẫy, hàng vài chục người. Nàng nhờ tiếng đàn cầm mà nổi tiếng là đệ nhất danh ca Bắc Hà. Nàng vừa hát hay, lại vừa khéo nói khôi hài. Nàng còn có thể sáng tác những khúc ca mới phổ vào cây đàn Nguyễn. Khắp mặt tướng sĩ Tây Sơn đều mê đắm điên đảo, đua nhau thưởng từng bát rượu, nàng uống hết ngay. Tiền thưởng cùng với gấm vóc lụa là đầy mặt đất. Tôi đứng trong bóng tối, nhìn không rõ mặt nàng. Mãi sau mới gặp ở nhà anh tôi. Người nàng thâm thấp, má bầu, nhan sắc không phải là chim sa cá lặn, nhưng trắng trẻo đầy đặn, khéo trang điểm, lông mày thanh, áo hồng, quần lụa cánh chả hay xanh nhạt đầy vẻ phong nhã. Nàng ưa uống rượu, pha trò, đôi mắt long lanh kiêu sa như không để mắt tới ai. Tôi có nhiều dịp uống rượu và chơi thuyền cùng nàng…
Sau đó vài năm tôi dời nhà về Nam, từ đó không gặp nàng…
-      Cô Cầm! Thế rồi sau đó ra sao ?
-      …nay tuổi đã già, sắc đã nhạt, thiếp thuê tạm gian nhà lá ở ngoại thành. Thỉnh thoảng các quan yến tiệc, hay dân gian tế lễ, lại tìm thiếp đến hát. Than ôi! Giang hà nhật hạ, món tiền thù tặng ít ỏi, nhưng cũng nhờ đấy làm kế sinh nhai cho qua ngày đoạn tháng. Thiếp nghĩ tủi phận mình kém người ca nữ trên bến Tầm Dương
Nàng kể giọng sập sùi. Ông lặng người đi.
Than Ôi! Người nữ danh ca ấy sao ra nông nỗi thế! Nguyễn Du bồi hồi. Lại suốt đêm ông không yên giấc. Ông cứ đi ra đi vào, ngẩng lên cúi xuống, ngậm ngùi cho cảnh xưa và cảnh nay. Trăm năm trong cõi người ta, cái vui cái khổ khéo là đắng cay. Trải qua một cuộc đổi thay, những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Cuộc gặp gỡ kỳ lạ này, sau khi từ biệt, khiến ông cảm thương vô hạn. Trên đường đi sứ, trước khi vào đất Trung Hoa, Nguyễn Du làm xong bài trường ca: 

Long Thành Cầm Giả Ca

Long thành giai nhân
Tính thị bất ký thanh
Độc thiện Nguyễn cầm
Cử thành chi nhân dĩ Cầm danh
Học đắc tiên triều cung trung "cung phụng khúc"
Tự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh

Dư ức thiếu thời tằng nhất kiến
Giám Hồ hồ biên dạ khai yến
Kỳ thời tam thất chính phương niên
Hồng trang yểm ái đào hoa diện
Đà nhan hám thái tối nghi nhân
Lịch loạn ngũ thanh tùy thủ biến
Hoãn như sơ phong độ tùng lâm
Thanh như song hạc minh tại âm
Liệt như Tiến- phúc -bi đầu toái tích lịch
Ai như Trang Tích bệnh trung vi Việt ngâm
Thính giả mĩ mĩ bất tri quyện
Tiện thi trung- hòa đại nội âm

Tây Sơn chư thần mãn tọa tận khuynh đảo
Triệt dạ truy hoan bất tri bão
Tả phao hữu trịch tranh triền đầu
Nê thổ kim tiền thù thảo thảo
Hào hoa ý khí lăng vương hầu
Ngũ -Lăng thiếu niên bất túc đạo
Tính tương tam thập lục cung xuân
Hoạt tố Trường An vô giá bảo

Thủ tịch hồi đầu nhị thập niên
Tây Sơn bại hậu dư Nam thiên
Chỉ xích Long Thành bất phục kiến
Hà huống thành trung ca vũ diên
Tuyên phủ sứ quân vị dư trụng mãi tiếu
Tịch trung ca kỹ giai niên thiếu
Tịch mạt nhất nhân phát bán hoa
Nhan sấu thần khô hình lược tiểu
Lang tạ tàn mi bất sức trang
Thùy tri tựu thị đương thời thành trung đệ nhất diệu


Cựu khúc thanh thanh ám lệ thùy
Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi
Mãnh nhiên ức khởi nhị thập niên tiền sự
Giám Hồ tịch trung tằng kiến chi

Thành quách suy di nhân sự cải
Kỷ xứ tang điền biến thương hải
Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong
Ca vũ không di nhất nhân tại
Thuấn tức bách niên năng kỷ thì
Thương tâm vãng sự lệ triêm y
Nam hà qui lai đầu tận bạch
Quái để giai nhân nhan sắc suy

Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng
Khả liên đối diện bất tương tri

Bài Ca Người Gẩy Đàn Thành Thăng Long

Rằng thưa người đẹp Long thành
Họ tên không rõ rất rành cầm chương
Khắp thành đều gọi Cầm Nương
Một cung “phụng khúc” còn nhường cho ai
Khúc từ triều trước cung ngai
So ra tiên giới trần ai nào bằng

Nhớ ta hồi trẻ gặp nàng
Hồ Gương dạ tiệc tuổi vàng đôi mươi
Xiêm hồng ánh mặt càng tươi
Rượu nồng nồng đượm càng mười phần ưa
Năm cung thánh thót tay đưa
Khoan như gió thoảng trên rừng thông xanh
Trong như tiếng hạc mây lành
Mạnh như tiếng sét tan tành đá bia
Buồn như Trang Tích xưa kia
Ốm đau tiếng Việt đầm đìa hát ngâm
Người nghe như nín như câm
Ấy đàn cung cấm ấy âm trung hòa

Tây Sơn văn võ mấy tòa
Thâu đêm say đắm la đà chứa chan
Kẻ quăng người ném tiền ban
Nghìn vàng như thể tro tàn đất nâu
Hào hoa rất mực vương hầu
Ngũ Lăng bọn trẻ còn lâu mới bì
Nàng đà vô giá kinh kỳ
Với băm sáu ngón xuân thì kiêu sa

Hai mươi năm thấm thoát qua
Tây Sơn thua trận còn ta lìa nhà
Từ Nam ngàn dặm trăng tà
Thăng Long không thấy huống là tiệc hoa
Nay quan tuyên phủ tiếp ta
Họp thương nữ trẻ hát ca vang lừng
Nhác trông một vẻ ngập ngừng
Hình dung tiều tụy lưng chừng tóc râm
Phấn son nhạt nét mi tàn
Nào ai biết đấy tiếng đàn không hai

Khúc xưa lời xoáy bên tai
Lặng nghe tê tái như mài ruột gan
Nhớ ra hai chục năm dài
Giám Hồ thuở đó một nàng ở trong

Người dời thành đổ quách long
Ruộng dâu một sớm vào lòng biển xanh
Tây Sơn nghiệp sạch sành sanh
Còn trơ khúc hát võ vàng ca nhi
Trăm năm chớp mắt ra gì
Thương tâm chuyện trước khóc vì chuyện sau
Ta về đầu bạc như lau
Giai nhân sắc cũng phai màu xuân tơ

Rõ ràng mở mắt còn ngờ
Buồn sao gặp gỡ thẫn thờ không hay


Lời thơ phảng phất những u tình đồng vọng trong thơ Bạch Cư Dị với người ca nữ bến Tầm Dương, và ngậm ngùi bi tráng  trong thơ Tô Đông Pha với bài Phú Xích Bích. Than ôi, những sự nghiệp anh hùng nay còn đâu! Chỉ có tiếng đàn cầm của người cung nữ thành Thăng Long để đẩy lịch sử ra khỏi biên giới của thi ca, dìu giai nhân sang bên kia bờ bến mộng, mà đôi chân của thi sĩ vẫn lẽo đẽo trên đoạn đường lữ thứ…
Phải chăng thi sĩ đã thấy mình đi như là đi mãi – đi đến kỳ cùng cuộc lữ. Thi sĩ thấy mình sinh ra là để đi - là định mệnh không bến bờ dù lịch sử vẫn đổ dồn như ngàn sóng nhấp nhô. Đôi cánh thơ chở theo những tâm tình đồng vọng vẫn bay miết qua cõi điêu tàn hoang phế - bay trong khói lửa ly loạn – trong giông bão cuồng xô – để hốt nhiên biến tan thành giấc mộng lồng lộng gió tà huy
Em về rũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay
(thơ Bùi Giáng)

Tường Vũ Anh Thy – trích trong THI ĐIỆP NGUYỄN DU 1982

Lời thêm: những sự kiện trong bài tôi đều viết theo lời dẫn của Nguyễn Du, và tham khảo theo cuốn Việt Nam Ca Trù Biên Khảo của Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Hòe, Sài Gòn 1962. Bài thơ này của Nguyễn Du cũng khởi hứng cho tôi viết thành truyện ngắn Phương Trời Thăm Thẳm .


Không có nhận xét nào: