điêu khắc

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc II

( Thay lời tựa tiểu thuyết Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc, quyển 2, 1989,
của Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng, đăng lại nhân ngày giỗ 7-5-2000 )

Hoa nắng không phải là nắng hoa.
Hoa trăng không phải là trăng hoa.
Nhìn hoa nắng , ngắm hoa trăng, có lúc khởi bao nhiêu nghi tình về thực tại lung linh này.
Nghi tình không phải là tình nghi
Cho nên trong ánh nắng, dưới ánh trăng, vắng bặt tri kiến điên rồ của nhân thế. Nguyễn Du trong bài Đạo Ý có câu:
 
trạm trạm nhất phiến tâm
minh nguyệt cổ tỉnh thủy 
(tấm lòng lặng lẽ như nhiên
trăng xanh giếng cũ một miền nước trong.)
 
Hoa Nghiêm là chốn trăng và nắng đi về không dấu vết, nhưng kết thành hoa: Hoa-Ðốm- Giữa-Trời, hoa-đốm-giữa-không-hư. Từ tâm tư đó phát khởi tình yêu và đại nguyện (tức đại-bi-tâm)
 
Thế gian ly sanh diệt
Do như hư không hoa
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng đại-bi-tâm
(Kinh Lăng Già)
 
Sự không sinh cũng không diệt là hiện tượng của tình-yêu-không-bờ-mé. Một niệm khởi đi là trùng trùng duyên khởi. Do bởi ánh sáng của hoa nắng và hoa trăng kết tập nên thế giới lung linh huyễn mộng:
tất cả Phật như bóng
các Pháp đều như vang
(Hoa Nghiêm - Phẩm Nhập Pháp Giới)
 
Hỡi ơi, như bóng, như vang, như mộng, mà không phải là vang bóng, hay bóng vang. Cho nên Thiện Tài Ðồng Tử học nói. Lúc xướng chữ A thời nhập bát-nhã-ba-la-mật-môn là vô-sai- biệt-cảnh-giới. Lòng không ở mà ở. Không ở thì vô sở trụ. Ở thì huyễn-trụ. Cái ngụ ý của kinh thật là huyền hoặc.
Cho nên tiểu thuyết đặt tên là Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc. Cái đặc biệt là trong sự huyền- hoặc-mơ-hồ-đến-hồ-đồ-bỡn-cợt kia lại mở ra và khép lại bằng một lời-kinh-kỳ-bí-đến-nghiêm- trang. Chiếc thang của truyện là mỗi tờ giấy trắng chữ đen. Chiếc thang của giấy mực lại là cỏ cây hoa lá chốn rừng xanh núi biếc. Và chiếc thang của tâm linh ngoi mãi nơi bùn lầy để bước vào đóa hoa sen kỳ lạ: Hoa Nghiêm.
Phải chăng tác giả Nghiêm Xuân Hồng muốn người đọc, đọc lại thơ Nguyễn Du, đọc lại lời kinh xưa chưa hiển lộ. Ðọc lại lòng mình, tâm tư mình, không vang bóng, chẳng bóng vang. Cái tâm của Như Lai chân diện mục. Tác giả muốn đục bỏ mọi giả-hiện của thế-gian, để phát khởi đại-bi-tâm.
Cho nên có Thạch-Sanh thì phải có Long- Cuồng-Huệ. Có Long -Cuồng- Huệ thì có Càn- Thát-Bà. Có Càn-Thát-Bà lại có Phi-Ly và tất cả. Có tất cả phải xoay quanh công chúa Mỵ-Ê là bóng của hoa. Bóng của hoa là nắng, hình của hoa là trăng.
Giữa Hoa Nắng và Hoa Trăng là câu chuyện tình Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc.
Hoa nắng màu vàng
Hoa trăng màu vàng
Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc hình như cũng màu vàng
Tất cả mọi màu vàng của hoa đều là Bát Nhã
Uất uất hoàng hoa  
Vô phi bát nhã
Hỡi ơi:
hành thâm bát-nhã-ba-la-mật-đa thời
chiếu kiến ngũ uấn giai không
độ nhật thế khổ ách. . .


(xem thêm HOA TRĂNG NĂM HAI NGÀN)
 
Tường Vũ Anh-thy
San Jose 1989 

Không có nhận xét nào: