điêu khắc

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Cao Bá Quát : Tim Vẫn Say…





Bài tựa truyện Hoa Tiên được viết tại chính quê hương thi sĩ là Ải Cúc Đường, tháng 7 năm quý mão 1843 (Thiệu Trị thứ 3) – xem CAO BÁ QUÁT: thơ vn bay ...   Ta không rõ việc gấp của ông là việc gì. Và tại sao sau đó ông về sống vừa đau thương vừa thơ mộng ở Thăng Long mãi đến năm 1847 mà không tiếp tục ? Phải chăng cái dang dở là cách nói khiêm cung của nhà thơ ? Hay phải chăng công việc của thơ vốn không bao giờ hoàn tất, không bao giờ muốn chấm xuống hàng ? Và phải chăng truyện Hoa Tiên ngày nay ta đang đọc vốn đã do tay chăm sóc của thi sĩ họ Cao ?
“Thơ thật là khó nói…Bàn về thơ, tuy phải nắm vững kỹ thuật, chữ viết; nhưng làm thơ, gốc ở tâm tình thi sĩ.” (Phù thi chi nan ngôn dã…phù luận thi tuy thủ kỳ cách pháp, tác thi, tất bản chư tính tình…)
Đó là câu Cao Bá Quát viết trong bài tựa tập thơ Thương Sơn của Tùng Thiện Vương.* Chỉ là một câu đó cũng đủ hóa giải tất cả mọi cuộc tranh luận sôi nổi hùng hồn từ xưa đến nay về vấn đề sáng tác phẩm bằng chữ mẹ đẻ hay chữ nước ngoài. Nó cũng hóa giải vấn đề trường phái, giai cấp, thể chế chính trị; và gần đây cái mà Mao Trạch Đông gọi là cơ sở.**
Đó là một câu nói nhân bản nhất, và rất mực …thi sĩ, mà chúng ta có được ngày hôm nay.
Trong bài tựa, Cao Bá Quát nhận xét tổng quát về văn học Việt Nam với lối học từ chương khoa cử trải mấy trăm năm đã in sâu tô đậm vào đầu óc kẻ sĩ. Những đường lối giản dị, miêu tả chân thật, hầu như đều mất; thay thế bằng lối văn chải chuốt, điển tích, cầu kỳ, ước lệ và tối nghĩa. Tuy các tác gia nối gót nhau ra đời, nhưng phần lớn đều ở trong giòng văn học ngoại lai, hoặc lải nhải trong tình cảm ủy mị sáo rỗng. Ít có người thoát được như Nguyễn Trãi, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Du … Đại loại có 3 hạng người làm văn học: người kém cỏi thì khổ lụy về cuộc sống, hoặc buông thả theo thói đời. Người có hào khí thì “tẩu hỏa nhập ma” không tiêu hóa được mớ kiến thức thô bạo. Còn kẻ gọi là trí thức khoa bảng thì tự đắc, hý hửng, muốn vơ vét trăm nhà, thâu thu vạn thể, thành ra chỉ có bắt chước, mô phỏng, mà thực lực không có, phong thái không cao; họ tô điểm khéo léo, hình thức đẹp đẽ như mặc áo gấm, mà tinh thần lại thấp hèn.
Cao Bá Quát nói thẳng vào thời đại ông không một chút nương tay. Ông đã sống  giữa kinh thành Huế, giữa những ông vua, ông hoàng bà chúa, những quan lớn quan bé, đua nhau làm thơ làm văn, thi nhau đặt vè, ngâm phú.. Đặc biệt dưới triều Tự Đức, một ông vua mê làm thơ hơn làm việc nước, thì khắp triều đình ai lại không a dua xu nịnh làm thơ.
“ Một hôm vua Tự Đức gọi Tùng Thiện Vương vào hỏi:
-         Thi với ca khác nhau thế nào ?
-         Tâu, thi tức là ca; thi, ca đều là những điệu nhạc cả.
-         Sao những điệu nhạc lại có ở trong thi, ca ?
-         Tâu, vì trong câu thi, câu ca, đều phải dùng chữ Hán đúng với nhạc âm, nên khi ngâm cũng như khi hát vậy.
-         Ông đã tinh về âm điệu, tinh về thi ca, ta tuyên triệu vào đây để truyền nghề ấy.
-         Tâu, nghề thơ, chỉ những người thanh nhàn, không có cơ tâm mới học được. Chúng tôi vì còn nhiều tục lụy, nên vẫn có muốn học, song đến nay vẫn chưa thành nghề.
-         Nghề thơ khó lắm sao ?
-         Tâu, không khó, nhưng mà ít người có đủ tư cách để học cho đến thành nghề.
-         Như ta đây có đủ tư cách mà học chăng ?
-         Tâu không, vì nghề trị nước, ngày có vạn việc, trách nhiệm nặng nề, tâm không được nhàn, nên từ xưa các bậc chí tôn dẫu có làm thơ, là chỉ để tiêu khiển nhất thời; còn nghề thơ, thì đã không học, mà cũng không nên học”***
Nhưng vua Tự Đức không nghe, nằng nặc học nghề làm thơ cho bằng được. Câu chuyện vừa nghiêm trọng vừa tức cười. Cao Bá Quát được gọi về kinh làm lại ở bộ Lễ và Viện Hàn Lâm năm 1847, cho đến ngày bị đổi đi làm giáo thụ ở Quốc Oai năm 1851. Suốt 5 năm trời đó ông bị đọc, bị nghe, bị thấy bao nhiêu bài văn thơ vịnh cái hoa con kiến, tả chuyện đi câu đi ăn… những lời những ý rập khuôn, lải nhải nhạt nhẽo. Ông kể vài thí dụ điển hình:”đầu làng tạm chia tay đã hát “chén rượu Dương Quan”, cạnh xóm sang chơi đã ngâm ngay “tiếng gà điếm cỏ”.(thôn đầu tiểu biệt, toại ca “bôi tửu Dương Quan”, lân xá tam kinh,tức phú “kê thanh mao điếm”.) Họ nắn nót từng chữ từng câu sao cho có vẻ xót xa biên tái, họ chải chuốt từng lời sao cho có vẻ khuê các trưởng giả. Làm được một bài thì hí hửng mời nhau ăn tiệc để khoe. Ai cũng tự cho mình là hay nhất, đến độ ganh ghét nhau, chửi ruả nhau, gièm pha nhau, thù oán nhau. Tác giả Việt Nam Ca Trù có trích một chuyện chép trong bài tiểu sử Phạm Thế Lịch trên báo Nam Phong số 147 tháng 2,1930:
“ Khi vua Tự Đức sai đại thần Phan Văn Nhã dự thảo bài văn Ngọc Diệp; Văn Nhã thảo xong, làm tiệc mời các quan đến uống rượu, đưa bài Ngọc Diệp cho mọi người xem, cố ý khoe văn mình hay. Viên nội các Mỗ vốn sẵn có văn tài, xem xong nói:” Văn bác Phan các quan xem thế nào, tôi nghe cứng nhăng nhắc.” Nhân đương say rượu, hai bên gây chuyện cãi nhau. Viên nội các nói:”Văn như thế chó làm cũng được”. Vì thế thành ra ẩu đả.Việc đến tai vua, ông (chỉ Cao Bá Quát) được vời vào hỏi chuyện đã xảy ra. Ông khai: “ Không biết ý làm sao, bên này bảo chó, bên kia bảo chó, rồi đến đánh nhau, tôi sợ cắn tôi, tôi hoảng tôi chạy.”****
Câu chuyện vừa tả được không khí văn chương nóng hổi thời đó, vừa nói được sự tấn công không nương tay của Cao Bá Quát vào hoàng phái và bọn đầu cơ văn nghệ. Ông tấn công thẳng vào cả vua Tự Đức. Có lần vua khoe thơ, nói là của thần tặng. Thơ chỉ có hai câu, rất lập dị, vừa Hán vừa Nôm. Cao Bá Quát ngứa tai liền bịa ra một bài 8 câu, đọc ngay ra giữa triều, trong cũng có 2 câu của vua. Ông bảo bài đó ông thuộc từ hồi còn nhỏ. Ông đả kích cái lối cứ mượn thần mượn thánh, mượn chiêm bao mộng mị làm thơ khoe. Đó là thái độ vừa thiếu tự tin, vừa khoe khoang kiêu ngạo, lại vừa vong thân. Họ làm thơ cốt ở hình thức, tưởng tượng tháp ngà mà không sống thực. Nhất nhất mọi hình thái câu văn, giai thoại đều có vẻ hoang đường, thần tiên, kỳ bí, sao cho giống với Đường thi. Cao Bá Quát bảo cái đó cũng tựa như tập viết, cứ gò gò bó bó, tô tô nắn nắn, chau chuốt xuông, không biết cải cách sáng tạo, thì dù có viết đẹp như mặt chữ Lan Đình, cũng chỉ đáng vất vào xọt rác mà thôi. Chẳng thà không học, không tập còn hơn.
Viết tựa cho một tập thơ, cho một người vừa là bạn vừa là một ông hoàng quyền thế, mà Cao Bá Quát công khai ráo riết tấn công đến như vậy. Bấy giờ là đầu mùa hạ năm 1851, ông viết cũng như để từ biệt kinh thành. Lệnh đổi ông ra Quốc Oai đã truyền từ tuần trước. Ông viết: “Sớm chiều tôi sẽ từ biệt, tập thơ đưa tặng đây tôi chưa đọc hết, vậy chỉ xin mạo muội góp ý, những mong được nghe lời phải. Tôi chơi với ông đã lâu, đâu phải đợi đến nay mới nói đến thơ ông. Và cũng đâu phải đợi đến Quát này mới có thể nói được”(Đán mộ thả biệt, lai tập vị năng phụng tất, cô dĩ bỉ kiến phu đạt, vọng tứ ích nhĩ. Tòng công du cửu, công thi khởi đãi kim nhật nhi hậu ngôn tai. Diệc khởi đãi Quát nhi hậu năng ngôn tai.)
Đọc bài này rồi đọc một bài thơ khác ông làm vào thời gian con gái vừa mất, cám ơn Tùng Thiện Vương đã gửi quà tặng, ta mới thấy mối giao tình giữa Cao và Tùng khác thường. Ta cũng có thể đoán Tùng Thiện Vương rất hâm mộ họ Cao.
Cuối bài tựa cho bạn, Cao Bá Quát viết: “ Sáng sớm mai, ngoài cầu Đốc Sơ, vời trông về cửa thành phía nam thấy vầng ánh sáng rực rỡ bay lên nửa tầng không, giữa bầu trời xanh mây trắng, từ xa nhìn mãi lại mà không chán, có phải là núi Thương Sơn chăng? Bồi hồi cởi áo ngồi uống rượu nơi trường đình mà ngâm các bài “Hà Thượng” trong tập thơ của ông, lòng chợt thấy xa xôi bát ngát”( Minh triêu Đốc Sơ kiều ngoại,nam vọng khuyết môn chi nam, kỳ quang hùng hùng xuất vu bán thiên chi thượng, bạch vân, bích không gian, viễn vọng nhi bất yếm giả, phi Thương Sơn da? Cô tửu bắc trường đình, giải y bồi hồi, vịnh công Hà Thượng chư thi, khách tâm ích viễn hỹ.)
Những câu cuối cùng ấy thật vừa để ngợi khen thơ bạn, mà cũng gửi gấm bao mối khao khát say tình quê hương của thi sĩ. Thương Sơn là tên một ngọn núi đẹp nổi tiếng ở huyện Hương Trà, phía tây kinh thành Huế, cũng là biệt hiệu của nhà thơ Tùng Thiện Vương, là tên tập thơ ông đề tựa. Ông đã mượn núi mượn sông của quê  hương để nhắn bạn. Núi trước mặt và sông ngay dưới chân. Trước mặt, dưới chân, trên đầu, chung quanh những nước non nhà, những vẻ đẹp có thật, những rung động có thật, những vấn đề có thật, thì bạn ơi đừng tìm kiếm xa xăm đâu biển Bắc mộng Tầu.
Ôi “ Bàn về thơ,tuy phải nắm vững kỹ thuật, chữ viết; nhưng làm thơ gốc vẫn ở tâm tình của thi sĩ.” Tính tình hay tâm tình cũng là trái tim người biết rung cảm với đất nước hồn thiêng, với triệu trái tim cùng một bọc sinh ra, với sự sinh tử của một quốc gia cần tự trị và  muốn được phú cường, với giòng lịch sử chứa chan máu thắm bát ngát hùng ca. Trái tim của thi sĩ. Trái tim vẫn đắm say trong sông núi hồn thiêng.

Chú thích:* Tùng Thiện Vương là hoàng tử thứ 10, con vua Minh Mạng, tên là Mân Thẩm ( Miên Thẩm) hiệu Thương Sơn, Bạch Hào Tử. Đương thời bốn người văn thơ được hâm mộ và truyền tụng là Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương :
Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường
Riêng Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát còn được gọi là thần Siêu thánh Quát.
** Mao chủ trương văn nghệ phải được nâng cao trên cơ sở của giai cấp nông công binh, phân biệt và xóa bỏ giai cấp phong kiến, tư sản, trí thức tiểu tư sản. ( Xem bài nói chuyện tại cuộc tọa đàm ở Diên An – tuyển tập Mao Trạch Đông, nxb Ngoại Văn 1964 )
*** Tùng Thiện Vương, của Ưng Trình và Bửu Ý, Huế 1970, tr.137
****Việt Nam Ca Trù Biên Khảo – Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Hòe, Sài Gòn 1962, tr.642

Tường Vũ Anh Thy 1982, ( trích trong Cao Bá Quát Giữa Hồn Thiêng Sông Núi, Ức Trai xuất bản 1985 )

Không có nhận xét nào: