điêu khắc

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

Phương Trời Thăm Thẳm



Tôi về Sài Gòn giữa mùa thu 2013. Đúng 200 năm sau ông Nguyễn Du trở lại Hà Nội, bấy giờ là Thăng Long; và gặp cô Cầm. Cô đã già và nghèo sau những năm thống nhất đất nước.
- Sao anh về đúng năm em vừa hăm mốt? Đúng năm thành phố lấy lại tên Sài Gòn năm xưa?
Tiếng nàng như gió đưa, như mưa bụi rơi rơi trên tóc tôi. Thân thể chúng tôi được chăn ủ kín như hai con kén

Những cơn mưa tầm tã phập phồng bong bóng Sài Gòn. Đường sá ngập trong màn hơi nước và mùi vôi nồng. Ở Mỹ tôi chưa bao giờ được nhìn thấy bong bóng nước, cũng như chưa từng được ngửi cái mùi nồng nồng ngai ngái lạ lùng của mưa. Từa tựa như mùi da tóc u uẩn của nàng. Từa tựa như mùi rạo rực giữa hai bờ vú săn cao mềm nóng của nàng. Tôi úp mặt vào đấy cùng thở với tiếng tim nàng đập mạnh. Tưởng như ở trên núi, nghe rõ tiếng thì thùng âm vang trong vách đá. Con ong lách mình nhè nhẹ trong nõn hoa. Nàng cong thân như một vòng trăng. Cần cổ vươn dài trắng ngần. Ở đấy cái cằm nàng ngân nga lời hoa nở. Cùng với tiếng mưa to ào ạt tôi đáp xuống thân nàng như con ong đắm đuối trên đài hoa. Cùng với tiếng sấm sét vang dội ngoài không gian, chúng tôi cùng kêu lên trong căn phòng . Chúng tôi là những giòng sông quấn lấy nhau trôi phăng phăng ra cửa biển. Biển. Biền biệt. Ầm ì...

Biển sinh ra tôi năm 1990. Lúc đó bố tôi đến bờ biển San Francisco, và cũng gặp một cô Cầm. Người ấy là mẹ tôi, nhưng không bao giờ là vợ của bố tôi. Bởi vì, mẹ tôi kể, họ chỉ ở với nhau có mười ngày. Sau đó bố tôi đi biệt tích về Sài Gòn. Hình như vừa làm ăn, vừa làm cách mạng. Vì thế tôi lớn lên không có bố. Chỉ có tiếng đàn của mẹ. Và biển. Biền biệt. Ầm ì...

Cô Cầm chính thật là ai? Tôi không biết, đã đành. Ông Nguyễn Du cũng không biết. Cả Thăng Long người ta gọi cô là cô Cầm, vì cô thạo Nguyễn Cầm. Nguyễn hay nguyệt? Mẹ tôi tên thật là Nguyễn Nguyệt Cầm, và giỏi dương cầm. Ở San Francisco, mẹ tôi vừa dạy đàn, vừa chơi đàn trong những buổi trình diễn. Còn cô Cầm vừa dạo đàn, vừa hát. Cô còn sáng tác ca khúc phổ vào cây đàn Nguyễn rất riêng biệt của cô. Bấy giờ cô Cầm mới hai mươi mốt tuổi. Nhựa xuân còn thơm ngát trên da.

Tiếng ứ hự của nàng là một âm giai ngũ cung được phổ vào cây đàn Nguyễn. Tôi muốn ậm ừ như cây đàn bầu, nhưng nàng đã đẩy cánh tay tôi một cách giận dỗi. Nàng quay mình nằm nghiêng ra phía khác. Tôi thấy bớt đi hơi nóng rừng rực trong chăn. Nàng cũng là người chơi đàn nổi tiếng ở Sài Gòn. Tiếng đàn của nàng hôm ấy có ma lực làm ngưng tiếng tim đập trong tôi đến mười giây đồng hồ. Tôi nhìn sững hai bàn tay nàng. Nuột nà. Và ở dịp gần hơn, tôi thấy rõ được những làn lông óng ả. Y như hai búp măng mạnh tông mướt mượt. Tòan thể con người nàng là mùa xuân. Thốt nhiên tôi bập bẹ: "Xuân Cầm!" Nàng mở to mắt nhìn tôi ngỡ ngàng: "Anh quen Xuân Cầm?" Tôi ấp a ấp úng: "Xuân Cầm. À. Tôi quen cái tên nhưng ... không quen cái người." Nàng phá lên cười như suối chảy: "Thì ra là một lời tán tỉnh có thưởng." Rồi nàng vênh cằm, "anh không có dịp quen "cái người" đâu." Cằm nàng, lúc ấy là một mảnh trăng lạnh. Tôi đứng như trời trồng nhìn nàng đi theo ban nhạc đông đến mươi người. Tôi sực nhớ trong tờ chương trình ghi tên nàng là Mộc Cầm. Ở công viên Hồ Chí Minh, nàng trình diễn hai bài Trương Chi, một của Văn Cao, một của Phạm Duy. Hai nhạc sĩ đều đã chết theo với Trương Chi để riêng nàng đang sống. Tôi vội rẽ đám đông vội vã đi tìm nàng. Quả thật, nếu tôi lầm lẫn giữa tên Mộc Cầm với Xuân Cầm thì tội của tôi đáng trách quá! Tôi thành khẩn chỉ muốn xin lỗi nàng. Nhưng rừng người trong công viên làm tôi không còn nhận ra phương hướng. Mộc Cầm hay Xuân Cầm? Người đâu gặp gỡ làm chi. Trăm năm biết có duyên gì hay không? Tối đó tôi uống rượu một mình trong khách sạn. Ban đêm, Sài Gòn là một người đàn bà đi tắm sông, thơm mùi lá dừa và măng tươi. San Francisco thì là một người đàn bà đi tắm biển, thơm mùi rượu Jack Daniels và muối mặn. Trong mùi rượu Jack Daniels có mùi son phấn, nếu bỏ thêm đá lạnh càng dậy mùi hơn. Còn Hà Nội? Hà Nội bấy giờ là Thăng Long. Đêm trên Hồ Gươm lung linh ánh đèn lồng. Cô Cầm mới hai mươi mốt tuổi. Kỳ thời tam thất chính phương niên. Cô mặc xiêm hồng, ánh đèn lồng càng tăng nét diễm ảo trên mặt trên mắt cô đang nồng rượu hoa đào. Cô là hoa. Cô là rượu. Cô là đêm Thăng Long thơm mùi sen cốm trộn lẫn với mùi tươi của mai rùa. Hồng trang yểm ái đào hoa diện. Đà nhan hám thái tối nghi nhân. Cô Cầm hay uống rượu. Cô càng uống càng đẹp. Cô nói cô cười và cô hát đều là rượu cả. Mùi rượu trong hơi thở của cô phả vào mặt Nguyễn Du như mời như gọi như trêu như đợi như có như không. Khi ấy Nguyễn Du đã 28 tuổi rồi. Cùng tuổi với bố tôi, và mẹ tôi cũng 21 như cô Cầm. Còn nàng? Tôi thì 23 tuổi. Tôi nghĩ, nàng sẽ vĩnh viễn là tuổi xuân. Xuân Cầm, tôi nói một mình. "Tôi nhất quyết tên nàng là Xuân Cầm." Bất chợt tôi lại nhớ San Francisco. Nhớ biển. Biền biệt. Ầm ì...

Mẹ tôi kể, vào năm hăm mốt tuổi thì gặp bố tôi trong một đêm bà trình diễn nhạc Mozart ở San Francisco. Hai người đã uống rượu với nhau suốt mười ngày mười đêm trên khắp thành phố. Rượu làm đỏ cầu Golden Gate, và đỏ những tảng đá ven bờ biển gần Cliff House. Và chính thật, rượu đã sinh ra tôi. Thế mà tôi không uống được nhiều. Tôi đã bị nàng hạ đo ván ngay hôm sau gặp lại ở mộ thi sĩ. Quả thế, rất tình cờ, khi tôi đến mộ thi sĩ thì nàng đang hành lễ. Tuy run rẩy nhưng tôi vẫn đủ khéo léo không để lộ ra sự vụng về. Bất ngờ thấy tôi, nàng ngỡ ngàng bối rối. Tôi nói: "Tôi xin lỗi cô." Nàng hỏi: "Anh là gì?" Tôi hiểu ý câu hỏi của nàng nên đáp ngay: "Tôi là bạn của chắt ông thi sĩ ở San Francisco. Nhân dịp về Sài Gòn thì ghé lại thăm. Còn cô?" Nàng nói: "Thế ra anh là Việt kiều." Tôi cãi: "Tôi không phải Việt kiều. Vì tôi chưa hề ở Việt Nam." Nàng cũng cãi: "Sao anh nói được tiếng Việt?" Rồi bất chợt chúng tôi  cùng cười ầm lên. Trên mộ, bức ảnh thi sĩ đã già nhưng vẫn đẹp. Tôi hỏi: "Mộ này là mộ thật hả cô?" Nàng cau mày hỏi lại: "Sao anh lại hỏi thế?" Tôi đáp: "Vì tôi nghĩ, người ta sẽ làm mộ ông thi sĩ bên bờ sông Việt Bắc mới phải." Tay nàng đột xuất nắm tay tôi: "Đi. Tôi mời anh đi uống rượu."

Sài Gòn đang có nhiều quán rượu nổi trên sông. Nhưng nàng không cho tôi chọn cũng không cho tôi trả tiền. Lúc ấy tôi bỗng như một làn sóng nhỏ bám lấy làn sóng lớn là nàng. Chúng tôi lướt qua thành phố như những lượn sóng biển. Biển. Biền biệt. Ầm ì...

Tôi chắc cánh tay và bàn tay của cô Cầm cũng đẹp như của nàng. Đêm ấy trên Hồ Gươm, cô Cầm gẩy đàn Nguyễn Nguyệt. Năm ngón nõn nà. Mười ngón ngà ngọc. Thoắt tiến thoắt lui và thoắt biến. Cánh áo lơi xuống để lộ cả cánh tay đầy lông tơ mướt mượt. Tiếng đàn của cô bấy giờ như một làn gió nhẹ, rung khẽ qua rừng thông. Như tiếng chim xưa bay trở về bóng rợp." Lịch loạn ngũ thanh tùy thủ biến. Hoãn như hương phong độ tùng lâm. Thanh như chích hạc minh tại âm."  Nguyễn Du làm thơ về cô như thế. Sau này đến lượt Thúy Kiều. Nhưng cô Cầm có thật. Nguyễn Du kể: "  Lúc trẻ, tôi có về kinh thăm anh tôi, trọ cạnh Hồ Gươm. Gần đấy là dinh cơ nữ nhạc của quân nhà Tây Sơn, tập họp không dưới vài chục cô. Riêng nàng với cây đàn Nguyễn đã nổi nhất đám. Nàng lại biết hát và phổ lời ca nói năng thích ý. Quan quân đều say mê, điên đảo. Chén tạc chén thù, vây quanh nàng không dứt. Tiền lụa thưởng cho nàng tràn đầy mặt đất. Khi ấy tôi ẩn mình trong bóng tối xa xa, nhìn không rõ nàng. Đến khi gặp lại ở nhà anh tôi, mới hay nàng thâm thấp, má bầu bĩnh, trán gồ, mặt gẫy. Nhan sắc không đẹp lắm, nhưng nước da trắng, thân hình đầy đặn. Nàng khéo trang điểm phấn son, xiêm y tòan bằng lụa hồng và cánh áo màu xanh nhạt. Xem nàng đầy vẻ phong lưu nhàn nhã. Tính hay uống rượu, nói đùa rất có duyên. Mắt long lanh mơ mộng như chẳng để ý tới ai."   Chắc rằng cô có để ý đến Nguyễn Du nên hai người mới quen nhau. Và họ mời nhau uống rượu. Cô Cầm giao ước: "Nếu anh say trước phải làm đền cho em một bài ca." Nguyễn Du chịu liền. Họ uống rượu và yêu nhau như thế lâu hơn thời gian yêu nhau của bố mẹ tôi nhiều. Đâu những hai năm.

Mẹ tôi kể, mười ngày đêm ở San Francisco, bố tôi làm mười bài thơ cho mẹ phổ nhạc. Khi ra đi, ông chỉ có một bộ quần áo. Tất cả, ông gửi lại mẹ tôi. Trong ấy có gần trăm ngàn đô la. Ông bảo: "Ngộ nhỡ anh không về, em đỡ vất vả nuôi con." Ông biết trước là ông sẽ có tôi. Điều ấy làm tôi rất an ủi. Tôi lớn lên lủi thủi lắm. Nhưng cũng tốt nghiệp đại học San Francisco. Tôi giao ước với mẹ: "Xong đại học, con muốn đi tìm bố!" Mẹ tôi bằng lòng. Chúng tôi có năm sáu tấm ảnh chụp bố tôi hồi ấy. Tôi scan hết vào computer. Và lẩn thẩn theo dõi những đổi thay trên khuôn mặt và thân hình bố tôi. Căn cứ vào tính nết của bố tôi, 23 năm qua, bây giờ computer đã cho tôi một tấm ảnh quen thuộc. Bất cứ lúc nào tôi cũng có thể in ra. Đó là một người đàn ông cao ráo, vừa lãng mạn vừa dắn dỏi. Dĩ nhiên là tôi rất giống ông. Có điều, tóc ông bạc rất sớm. Mới 50 tuổi mà đã trắng như bông. Nhưng hình như ông Nguyễn Du còn bạc sớm hơn thế! Đâu từ những năm mới 30. Ông gặp lại cô Cầm khi xấp xỉ 50. Cô Cầm mới 41 mà già đến nỗi ông không nhận ra. Đôi má bầu bĩnh năm xưa bây giờ hóp lại. Khuôn mặt gẫy của cô trở nên tối tăm. Thân hình đầy đặn đã tóp teo tiều tụy. Cô không còn phấn son. Không còn xiêm lụa. Cô lóp ngóp đi theo ban hát xướng để kiếm chút sinh nhai. Những sự đổi thay ấy, tôi chắc computer của tôi không lường trước được. Mà ai có tưởng được như thế. Mới ngày nào đây nhựa xuân thơm tràn da thịt. Cô mặc áo xanh, cô thay xiêm hồng. Miệng cô hoa đơm. Mắt cô rượu đổ. Tôi chắc rằng nỗi khổ của Nguyễn Du sẽ ghê gớm lắm. Khổ về nỗi đời, nỗi thời gian trôi lạnh lùng dâu bể, đã đành. Ông còn khổ vì tình riêng trong lòng. Mối ân tình với cô những ngày ấy không trả được nữa. Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. Trải qua một cuộc bể dâu. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Ông chỉ còn trả gián tiếp trong thơ. Sau này, khi viết truyện Kiều. Chứ bấy giờ, 1813, gặp lại cô Cầm trong tiệc rượu thành Thăng Long, ông chết điếng. Còn cô Cầm? Tôi chắc rằng cô không chết điếng. Cô đã quen với cuộc sống nghèo hèn. Tấm áo vá trên người cô. Mớ tóc hoa râm phờ phạc trên đầu cô. Đã 20 năm trôi qua cuộc tình cũ kỹ ấy, cô đâu còn mơ ước gì. Chỉ một điều, chỉ một người, làm cô rưng rưng, làm cô rối loạn. Khi xác định được Nguyễn Du, chính là "cậu Bẩy con quan cố Tham Tụng" thì cô lả đi. Nguyễn Du thì bối rối quá. Cho đến khi cô tỉnh, ông theo cô về thăm nhà. Đó là một gian nhà lá ở ngoại thành Thăng Long. Lối đi đất bùn.

Một lằn chớp sáng kéo theo những tiếng nổ ầm trời làm cả nàng và tôi đều giật mình. Tôi choàng sang. Tóc nàng như rừng tối. Nàng gối đầu bên ngực tôi. Mùi Courvoisier trong hơi thở trộn với mùi da, mùi tóc cùng lúc bốc lên ngào ngạt. Bên ngoài mưa dào dạt như tiếng nhạc Mozart. Tôi vuốt khẽ những sợi lông tay của nàng trong chăn. Ở đáy bụng nàng có thiên đường cỏ mọc. Nàng co đùi lên kêu: "nhột em." Và chúng tôi ôm chặt nhau như muốn biến thành một. Miệng chúng tôi như vẫn còn nguyên ngụm rượu Pháp mớm cho nhau. Tôi nhận ra bằng da ngực mình, đôi vú nàng săn bỏng. Tôi nhận ra bằng đáy bụng mình, đáy bụng nàng co thắt. Chúng tôi lại như những giòng sông quấn lấy nhau trôi phăng phăng ra cửa biển. Biển. Biền biệt. Ầm ì...

Lối đi đất bùn quanh co. Gian nhà lá có một vại nước to đằng trước. Cô Cầm chỉ tay cười nói: "Lâu đài Nhị Cầm đây rồi." Nguyễn Du chua xót bảo: "Cái tên hay đấy." Ông phải hơi cúi mới vào được nhà. Tất cả đều rất sơ sài. Nhưng mà sạch sẽ. Tưởng như có mùi hương trầm. Tưởng như có mùi cốm mới. Và thật sự có nhiều mùi cói. Cói từ những chiếc chiếu còn mới tinh xếp thành một khoang. Là lạ, quen quen. Nguyễn Du hít vào một hơi rồi mới hỏi: "Thế ra còn đi buôn chiếu kia à?" Cô Cầm bật cười: "Em không còn là Thị Lộ. Có con gái mình đi bán chiếu như Thị Lộ thì có." Ông giật mình: "Con gái cô?" Cô Cầm trở giọng buồn buồn: "Anh không ngờ phải không? Em cũng không dám dùng họ Nguyễn cho con. Em dùng họ ngoại. Tên con là Thúy Cầm. Em chả giới thiệu "lâu đài Nhị Cầm" với anh rồi sao?" Nguyễn Du lại chết điếng. Tiếng cô Cầm kể: "Anh về Thái rồi em mới biết mình có mang. Chín tháng sau thì sinh Thúy Cầm. Đúng rằm tháng tám năm Ất Mão. Lại nghe tin anh đã đi Hà Tĩnh. Em nhờ người thông tin mãi mà vẫn biệt tăm. Thế rồi loạn lạc lưu li. Em đem con về Kinh Bắc. Nấu diêu bông để kiếm ăn. Cũng có người mối lái chắp duyên. Nhưng ... lòng em chỉ có ... một mình anh." Kể đến đây thì cô Cầm khóc. Ông Nguyễn Du cũng không dấu nổi nước mắt. Ông nói: "lỗi tại tôi tất cả." Ông nhớ lại những ngày ấy cùng cô Cầm hát và uống rượu. Nhưng cứ đến chỗ xem trong âu yếm có chiều lả lơi" thì ông phải dừng lại. Tại cô Cầm cả. Cô đẩy tay ông ra: "Đời còn rộng rãi, vội gì. Anh không thương em sao?" Cho đến một đêm kia trên con thuyền rượu ở Tây Hồ, cô không còn nói thế! Cả hai cùng đã say lắm. Cây đàn Nguyễn của cô cũng say. Má cô bừng bừng như xác pháo. Cô nằm nghiêng nghiêng tựa khoang thuyền. Áo cô lệch hẳn xuống chiếu. Trái đào tiên lấp ló bóng đèn khuya. Nguyễn Du lắp bắp nói: "Tôi đang biến thành Tôn Hành Giả đây." Cô Cầm cười khanh khách: "Tôn Hành Giả thì đã làm gì được ai?" Nguyễn Du cũng cười nói: "Không làm gì được ai thật. Nhưng ăn trộm được đào tiên." Vừa nói ông vừa sà ngay vào cô Cầm. Cô vẫn cười khanh khách. Nhưng Nguyễn Du không cười. Ông vừa chạm quả đào tiên. Ông không ngờ vú cô đẹp quá! Đầu chóp đỏ như hoa hồng. Cả bầu da trắng nõn. Ông giật bắn người vì cái vẻ mềm mại kinh hồn ông chạm phải. Cô Cầm cũng thôi cười. Đôi mắt thật long lanh tình tứ như rơi cả con ngươi. Ông chưa bao giờ thấy ai đẹp bằng lúc ấy! Cả khoang thuyền như làm bằng mây bay hoa nở. Ông háo hức mở xiêm áo cô Cầm. Rành rành sẵn đúc một tòa thiên nhiên. Cô Cầm liếc xéo ông một cái rồi quay đi. Ông nhìn thấy cả một lớp lông tơ như tẩm phấn. Bàn tay run run, ông khe khẽ đụng vào má cô Cầm. Má cô nóng bỏng như cốm rang. Nhưng môi cô lại ướt rượt mùi rượu thơm ngan ngát. Ông chạm má vào môi cô. Bàn tay cô không mát mà ấm áp lạ lùng. Bàn tay ấy quấn lấy lưng ông. Luồn xuống người ông. Hệt như hai con rắn trườn lướt khắp châu thân ông. Bỗng chốc ông bủn rủn. Không thể nào điều khiển được thân hình cơ bắp. Ông để mặc ông thình lình dán chặt vào cô Cầm. Cô là biển, là cát, là sóng, là gió, là mây. Chiếc thuyền tình trên đêm Hồ Tây tròng trành dữ dội. Cô bỗng hát líu lo như tiếng sáo cao vút. Ông cũng ậm ừ như tiếng đàn bầu. Ông cảm nhận được ở trong cô là một nguồn nhiệt lượng vô cùng vô tận khiến ông bị kích thích cực độ. Những cơ vòng trong đáy bụng cô co thắt liên hồi làm ông đắm đuối. Ông chết điếng trên người cô. Ông phải nhận, chưa bao giờ ông được nhìn một tấm bụng đẹp nõn nà như thế. Họ nằm yên rất lâu. Rồi ông nói: "xin cảm ơn em." Cô Cầm bảo: "em mới là người xin cảm tạ." Hôm ấy ông mới biết cô Cầm còn trong trắng.

Mẹ tôi kể, ngay sau lần uống rượu đầu tiên với bố tôi trên tầng lầu thứ 56, bà đã hiến dâng. Bố tôi nói: "anh không biết Cầm còn con gái. Xin tha lỗi cho anh." Mẹ tôi khóc: "Không. Tại em tự nguyện. Dù biết anh không ở lại. Tại em cả chứ, phải không?" Bố tôi vò đầu: "Đáng lẽ anh không nên như thế! Thật tình. Nếu biết em còn con gái." Mẹ tôi đột ngột giận dữ: "Thì ra anh không hề yêu tôi. Thôi được. Anh đi ngay đi." Bố tôi hốt hỏang quá gọi rối rít: "Cầm. Cầm. Kìa Cầm."

Chúng tôi cũng uống rượu trên không trung. Tôi không biết là tầng thứ mấy. Nàng có vẻ quen thuộc nơi đây. Trời Sài Gòn về đêm, cao và trong lạ lùng. Tôi thấy được rõ giải ngân hà. Trời với người đều thật thà dễ chịu. Lòng tôi bỗng chốc như một vạt nước trong vắt. In rõ những vì sao. Và nàng hiện ra ở đấy thanh cao mà đằm thắm lạ thường. Tôi ngửi được mùi u hương, như thể nàng từ cây chanh cây bưởi bước ra. Giọng nàng ríu rít sơn ca: "Mời anh. Này, hôm nay không say không về." Tôi vừa kinh ngạc vừa thích thú bởi sự thân mật của nàng. Hai ly rượu vàng quánh như mật ong. Tôi ngửi thấy mùi gỗ xuân. Tôi nói khẽ: "Xin mời cô Mộc Cầm ... hay Xuân Cầm?" Hàm răng trắng lóng lánh của nàng úp mở: "Xuân hay Mộc gì thì anh ráng mà tìm lấy một mình." Thế mà tôi lại say lướt khướt không biết mình ở đâu. Chỉ thấy một mầu lung linh huyền ảo của mắt môi vai tóc. Của những ngón tay va xiêm áo nàng. Chỉ nghe tiếng nàng như chim sơn ca. Chỉ ngửi thấy nàng như gỗ mùa xuân. Như chanh như cốm. Cho đến khi về đến khách sạn tôi mới mơ hồ tỉnh lại. Tôi toan ôm thì nàng đã khéo léo lướt đi. Tiếng cười trong suốt của nàng còn vang vọng mãi trong giấc ngủ của tôi. Hôm ấy, tôi đúng là chưa được quen "cái người" nàng. 

Cô Cầm vẫn còn khóc. Đôi vai gầy của cô như con chim xơ xác đã bay nhiều đoạn đường khó nhọc. Hai cánh tay cô, tuy thế vẫn còn lông mượt. Và đôi mắt cô khi nhìn Nguyễn Du vẫn đăm đắm mối tình đầu. Cô lại kể: "Đến khi thống nhất đất nước, em cố đem con mon men về Thăng Long, mong gặp được anh. Nhưng cảnh cũ điêu tàn, mà tin anh biền biệt. Cung phủ chúa Trịnh không còn, dinh thự Tây Sơn cũng mất. Người cũ kẻ mới đều dớn dác láo liên. Thù cũ nợ mới liên miên bày ra trước mắt. Nửa phần bơ vơ nửa phần khiếp sợ. Em lại giắt con đi. Cứ thế vài năm một bận về Thăng Long. Năm kia năm kìa mới bắt được tin anh đã làm việc với tân triều. Nghĩ đến phận mình trăm đắng ngàn cay thôi từ nay đành xuôi tay. Chỉ thương cái Thúy Cầm. Càng lớn nó càng giống anh. Em cũng cố xoay cho nó tí chữ tí nghĩa. Ngộ nhỡ mai kia. Nói dại, nó gặp được anh ... Không, em chưa cho nó biết gì về anh cả. Chả là kể chuyện xưa tích cũ cho nó nghe. Em có người bạn tên Nguyễn Du như thế! Không, hẵng để nguyên cho em nói hết kẻo em lại quên. Dạo này cái gì em cũng làm trước quên sau. Chỉ được mỗi một việc kinh kệ là tụng đến đâu nhớ đến đấy. Sư cụ bảo em có thiện duyên." Nói đến đây cô Cầm đã thôi khóc. Hình như cô đột ngột nhẹ nhàng. Tuy mắt vẫn mơ màng nhưng khuôn mặt mười phần tĩnh lặng đến tám.

Nàng với tôi vẫn ôm nhau rất chặt. Nhưng tôi không nghe được tiếng thức của nàng. Hơi nóng của chúng tôi đã dịu đi như đêm tối. Ngoài kia mưa vẫn rơi, lúc to lúc nhỏ. Trong tiếng mưa có lẫn cả tiếng ồn hỗn tạp của thành phố. Tôi bỗng thèm ăn một món quà khuya. Nghe nói Sài Gòn là thiên đường ăn đêm. Tôi thường ăn rất khuya ở San Francisco. Nhất là khu chợ Tầu. Mùa này bắt đầu lạnh và dầy sương. Trước ngày lên đường về Việt Nam, mẹ tôi còn chịu khó la cà với tôi ngoài phố đến ba giờ sáng. Chúng tôi có hạt dẻ nóng trong túi. Ở trên những đỉnh dốc, nhiều khi gió thốc bật tiếng ho. Tôi lo mẹ bị cảm. Nhưng mẹ tôi chỉ xúc động vì nhớ nhung dĩ vãng. Nhất là khi ở bãi biển. Gió theo sóng và sóng theo gió tới tấp vào bờ. Như vậy mà chúng tôi lại rất yêu biển. Biển. Biền biệt. Ầm ì...

Cô Cầm không những thôi khóc mà bất chợt cô cười khanh khách. Tiếng cười vẫn trong như suối mùa xuân. Nhưng Nguyễn Du chẳng tin được. Cô cười là cười khóc đấy! Tiếng cô ngàn ngạt: "Chả là gần đây em hay đến chùa. Tụng vài thời kinh với mấy người hàng xóm. Khi thì cầu siêu, khi thì cầu an. Ở Thăng Long, nhà nào cũng có người chết. Sư cụ bảo giọng em tốt, lại có thành ý. Vậy đặc biệt tâm truyền pháp khí tụng niệm. Em thuê gian nhà lá này đã hai năm. Thỉnh thỏang trong dinh yến tiệc, hay dân gian tế lễ, người ta tìm em đến hát. Cũng được một ít thù tặng. Thúy Cầm thì vừa đi buôn chiếu, vừa học chữ ở chùa. Em không truyền nghề cho nó để tránh nghiệp dư. Có lần nó hỏi: "Cửa quyền là gì hả mẹ?" Chả là mỗi lần em cất tiếng hát, người ta lại xầm xì: "Đó là tiếng hát cửa quyền thời trước." Em gạt đi bảo nó: "Chỉ là điệu hát cũ mà giờ đã không còn hợp thời." Đã hai năm nay, mỗi lần tụng kinh Bát Nhã đến đoạn: "... thị cố vô trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức, vô nhãn nhĩ tỉ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới, vô vô minh diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử diệc vô sở đắc cố ..." thì không hiểu sao em lại ... cứ nhớ ... đến anh." Ánh sáng chiều trong gian nhà lá chợt bừng lên. Soi rõ vẻ e thẹn của cô Cầm. Cô vẫn có duyên ngầm như hai mươi năm trước. Đôi má hóp của cô, nước mắt đọng lóng lánh như ánh vỏ trai. Cô kéo hai tà áo vá: "Anh cũng không khác trước bao nhiêu. Chỉ có tóc bạc quá. Và bề ngoài đã hết vẻ thư nghèo. Thế anh về bao giờ?" Nguyễn Du dịu dàng nhìn cô: "Tôi phụng mệnh đi sứ sang Trung Quốc. Cũng chỉ dừng chân dăm ba ngày ở đây. Khốn khổ! Tôi cũng nhờ người dò tìm tin cô. Chẳng ai biết cô lưu lạc phương nào. Suốt hai mươi năm qua lúc nào tôi cũng muốn về Thăng Long lắm mà không được. Thật là dun dủi. Nếu không phụng mệnh đi sứ, chắc đến chết tôi cũng không thấy lại Thăng Long. Thăng Long là cô. Tạ ơn trời đất. Nay tôi còn biết có cả Thúy Cầm." Cô Cầm ngân ngấn nước mắt: "Anh đang là mệnh quan triều đình. Còn mẹ con em ..." Nguyễn Du khẽ gắt: "Cô đừng nói như thế nữa. Tôi lúc nào cũng là "cậu Bẩy Du" như những ngày ấy." Ông lần trong áo lấy ra một mảnh ngọc trai.

Trong những kỷ vật bố tôi để lại có một chiếc vòng cẩm thạch. Mẹ tôi đeo mấy chục năm đã không tháo khỏi cổ tay được nữa. Mà bà cũng không muốn tháo ra. Càng đeo, nước ngọc càng sáng bóng tuyệt đẹp. Như thế là tốt. Mẹ tôi kể, bà có tặng lại bố tôi một miếng khánh đá khắc chữ NGUYỄN2. Bởi vì hai người tình cờ đều họ Nguyễn. Tôi lớn lên mang họ Nguyễn có thể nói, cũng là họ của bố tôi. Nhiều lần tôi từng viết chữ Nguyễn bình phương trên bờ biển. Rồi để mặc cho sóng xóa dần đi. Biển, biền biệt. Ầm ì...

Vào một buổi chiều ở Thăng Long, quãng những năm 1794. Hôm ấy cô Cầm ăn mặc giản dị. Nhưng vẫn hàng lụa. Nước hồ Tây cũng giản dị. Nhưng vẫn kiêu kỳ. Cô ngồi im trong khoang thuyền nhìn mãi đâu đâu. Miệng cô như tủm tỉm cười thầm. Cô nghe được tiếng ho rất khẽ sau một gốc cây. Lòng cô bỗng như sóng. Nôn nóng cho thuyền vào sát bờ. Cậu Bẩy Du đã bất ngờ bên cạnh. Lưỡi cô Cầm đứng thẫn thờ giữa hai hàm răng: "Ái chà! Anh giỏi võ thế kia à? Nhẩy gì mà nhanh và nhẹ như beo. Làm em hết hồn." Nguyễn Du ngồi gần cô khẽ nói: "Đấy là cha nuôi anh truyền lại. Nhưng anh học chưa đến nơi đâu. Đừng cười. Này, hôm nay sao trông có gì bí mật thế?" Mắt cô Cầm rừng rực lửa yêu: "Anh đoán thử xem." Nguyễn Du cầm lấy tay cô. Bàn tay gẩy đàn Nguyễn, ngón dài. Cánh tay dầy lông tơ óng ánh. Một vẻ đẹp vừa kiêu sa đài các, vừa đắm đuối nghẹn ngào. Và một mùi thơm nửa xa nửa gần như sen và cốm làm ông sắp tan biến. Cô Cầm để yên cho ông giữ tay mình ấp lên cằm lên má. Mắt cô vẫn rừng rực. Lưỡi cô vẫn thẫn thờ. Cả con người cô cũng sắp mờ đi. Thuyền lập lờ trôi theo những cụm mây ở đáy hồ. Những tiếng động lao xao của đường phố bỗng trở thành xa vắng. Gió phe phẩy như mái rùa thơ thẩn bơi trong nước trong. Nhưng nhịp tim của hai người đập thình thịch hơn trống làng. Bỗng chốc cả khoang thuyền tràn ngập tiếng trống. Những ngón tay và những cánh tay. Những môi những má những răng và những tóc. Hơi thở của cô Cầm như khóc thầm. Hơi thở của Nguyễn Du thì dồn dập như lúa chín. Nước xanh vẫn đều đặn lướt vỗ bên mép thuyền. Nắng chiều hồng trên đỉnh ngực cô Cầm bây giờ đang rung rinh kỳ ảo. Môi cô như cánh hoa cong nở giữa giữa bình nguyên tóc rối. Một giòng suối ngọc chẩy róc rách qua núi đồi  khe lạch xa xăm. Ở đấy có con ong, say khướt khắp mình tẩm đẫm nhụy hương. Tiếng cô Cầm chợt thất lạc. Cô níu chặt vai ông rướn mình hô hấp. Trống đập liên hồi. Đê sắp vỡ. Những bắp chân và những cánh tay cuống quít. Cổ cô Cầm như cần cây đàn Nguyễn vút cao. Cô Cầm òa khóc theo cơn đê vỡ ngập chân trời...

Nguyễn Du để yên cho cô Cầm khóc lịm đi mãi. Lòng ông như một bãi đầm lầy, bây giờ nước bỗng đã ngập lụt. Họ ôm nhau để mặc cho nước cuốn. Để mặc cho nắng chiều chìm tắt đột ngột. Trong phút chốc tòan thể hồ Tây chìm lỉm vào đêm tối. Trăng tháng chạp chưa lên. Ánh than hồng trong khoang thuyền mùa đông năm Giáp Dần ấy mãi mãi ở trong ký ức Nguyễn Du. Mà mùa đông năm sau ông đã ở trong tù. Ông kể: "Ở trong tù, tôi chỉ có mảnh ngọc trai này làm bạn. Cô xem. Chữ Cầm đã mòn đi." Cô Cầm dầm dề nước mắt: "Thì ra thế! Thế mà em đã có lần oán trách anh." Cô kéo ở trong ngực ra một mảnh ngọc trai khác có khắc chữ "Du". Cô khóc tiếp: "Anh bỏ lỗi cho em. Thế rồi sao nữa? Anh ở tù? Bao lâu?" Nguyễn Du kể: "Tôi về Thái. Toan tính chuyện xuôi nam theo đức kim thượng. Xin lỗi cô. Nhà Lê mất sẽ là mất vĩnh viễn. Tôi muốn nói chậu nước đổ, thế là hết, không vét lại được. Tôi ở tù vì chuyện xuôi nam không thành. Nhờ ông anh tôi theo Tây Sơn như cô đã biết, nên tôi được thả. Nhưng một người tù được tha vẫn là người tù. Tôi về Hà Tĩnh sống nơm nớp, chẳng đi đâu được." Nguyễn Du ngừng kể, nhìn khắp nhà một lượt nữa. Đôi mắt ông vừa buồn bã vừa dịu dàng đậu trên vai áo vá của cô Cầm. Cô vẫn thút thít. Hẳn trong lòng cô có bao nhiêu mối ngổn ngang. Bao nhiêu điều muốn nói còn ấp úng dưới thanh quản. Nguyễn Du chậm rãi hỏi: "Bao giờ Thúy Cầm về?" Cô Cầm chỉ lắc đầu. Nguyễn Du bảo: "Cô liệu thu xếp. Tôi đi sứ Trung Quốc rồi sẽ rước mẹ con cô. Bây giờ tôi cũng còn nhiều việc triều chính phải thi hành. Thúy Cầm chưa về thì để lần khác tôi gặp nó vậy. Tôi sẽ cố lại đây lần nữa trước khi đi. Nhưng bề gì thì năm sau tôi cũng trở về. Cố gắng đợi nhé." Cô Cầm chỉ gật.

Mẹ tôi kể, lần cuối cùng uống rượu với bố tôi ở San Francisco cả đêm mà không ai say. Bố tôi bảo: "Anh đã nhận công tác này không thể hủy bỏ. Tiếc là anh gặp Cầm quá trễ. Nếu ..." Mẹ tôi gạt đi: "Đừng nói đến chữ "nếu". Chuyện của anh, anh cứ lo cho trọn. Em biết em phải làm gì." Bố tôi nói: "Nhưng trước đây mấy tháng anh có thể không nhận công tác này. Giờ thì quá trễ. Việc này có lẽ sẽ gây nguy hiểm cho anh. Anh không chắc về Sài Gòn rồi anh còn liên lạc được với Cầm hay không. Dù sao anh cũng mong mọi sự đừng quá đáng như anh tưởng. Và anh sẽ gặp lại Cầm. Nếu Cầm chờ anh ..." Mẹ tôi nói: "Em ghét nhất chữ "nếu"!" Anh không phải dặn dò, vì em sẽ ... không chờ đợi gì cả." Tiếng mẹ tôi ngạt đi. Bà khóc lặng lẽ với ly rượu Cognac.

Không hiểu sao hôm ấy, vì say rượu tôi lại mơ thấy đi mò ngọc trai. Tiếng cười trong suốt của nàng vọng lên từ đáy biển. Tôi bơi vào tiếng cười trong suốt của nàng vọng ra trong điện thoại. Nàng nói: "lêu lêu." Tôi chữa thẹn: "Tại lần đầu bị phục kích bất ngờ. Giờ có chuẩn bị tôi không sợ tái chiến!" Nàng giữ nguyên điệu cười chế diễu: "lêu lêu." Tôi thách: "Không tin thì uống ngay bây giờ." Nàng thôi cười: "Đừng có xí xọn. Này, em gọi để thông tin." Tôi thích chữ "em" nàng dùng: "Ừ. Đánh tin đi." Tiếng nàng rất rõ ràng: "Chiều nay em trình diễn trên thính đường Huỳnh Hoặc. Anh có muốn đi thì sẽ được mời." Tôi reo lên quýnh quáng: "Sao không? Trời ơi mấy giờ rồi?" Tiếng cười của nàng lại có dịp phát tuyến: "Bộ anh không nghe chó sủa gà gáy hả. Người ta đang sửa soạn đi ngủ rồi." Tôi chết sững: "Thật à cô?" Tôi vạch cửa sổ nhìn ra ngoài. Trời nắng chói chang. Tôi tức tối: "Cô là tay tổ nói dối. Mới trưa mà dọa người ta." Tiếng nàng có vẻ giận: "Ai nói dối? Này, đừng có làm tàng. Ở đây ai cũng ngủ buổi trưa cả đấy! Biết không?" Tôi sững sờ: "Ồ. Thì ra là vậy. Xin lỗi. Tôi không biết có lệ ngủ trưa. Lạ nhỉ." Nàng hòa hoãn: "Không biết thì không có tội. Thôi. Nếu anh thích đi một mình thì bẩy giờ ở thính đường khách sạn Huỳnh Hoặc. Thôi, em cúp." Tôi hốt hỏang: "Khoan. Nếu tôi không thích đi một mình?" Nàng cười: "Thì đón em lúc sáu giờ." Tôi sướng như mở cờ trong bụng.

Tôi đến đón nàng sớm hơn nửa giờ để mời nàng ăn uống. Nhưng nàng nói ngay: "Uống chút chút thì được. Trước khi trình diễn em thường phải nhịn ăn cả buổi. Sợ dơ cuống họng." Khách sạn Huỳnh Hoặc thật là sang trọng. Tối tân không kém bất cứ khách sạn nào ở Mỹ. Tất cả các cửa đều tự động. Không ai cần chìa khóa, dù là chìa khóa bằng thẻ plastic. Hệ thống thu hình nhỏ như mắt ruồi đã nhận đóng mà mở khi thấy mặt khách. Tôi chắc lòng mình cũng thế. Nàng đâu có chìa khóa mà trái tim tôi vốn đã mở toang. Tôi gọi rượu. Nàng bảo: "Cho anh thôi." Tôi hỏi: "Sợ thua à?" Nàng đáp: "Còn lâu. Người ta phải trình diễn. Không ăn được. Không uống rượu được." Nàng thật khác với cô Cầm. Cô Cầm có thể uống rượu hết ly này đến ly khác mà vẫn hát vẫn đàn. Nguyễn Du kể: "Cô Cầm uống rượu say có khi nôn mửa nằm lăn cả ra sàn. Bạn bè chê trách cô cũng không để tâm."

Cô Cầm như biến thành tượng đá. Ánh nắng chiều không đến với cô, mà rọi thành vệt nhỏ trên tấm liếp. Bó chiếu mới nằm yên trong bóng tối mờ mờ. Buổi chiều như có tiếng chuông mõ ngân nga: "thị chư pháp không tướng bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm ..." Cô Cầm ... khóc. Nước mắt của cô không phải là cơn khóc của hai mươi năm trước trên hồ Tây. Cô khóc một mình. Nguyễn Du đi rồi. Thúy Cầm chưa về. Lòng cô rối bời. Cô bỗng khao khát gặp lại con gái mình ngay. Để cô ôm nó! Cô nhìn nó. Vuốt ve nó. Và thấy nó giống Nguyễn Du như thế nào. Đằng đẵng hai mươi năm cô ao ước gặp ngày hôm nay. Thì hôm nay là thế! Nguyễn Du thật đã quên nhà Lê để đi với nhà Nguyễn? Những lời dị nghị về ông cô nghe là sự thật? Sự thật như chính cô thời Tây Sơn. Nhưng cô biết chắc cô hát với Tây Sơn chỉ là để hát. Hát hoài niệm một vương triều. Còn Nguyễn Du? Ông đi với nhà Nguyễn để làm gì? Cô không thể biết được. Vẫn biết chậu nước đổ thế là hết, không thể vét lại được. Nhưng có cần phải vét lại không? Hay là múc chậu nước khác? Cô Cầm lau nước mắt bằng những ngón tay. Trời đã sập tối. "Cái Cầm sao về muộn thế?" Chiếu lại ế đấy mà." Cô tự hỏi tự đáp và lần mò thắp ngọn đèn dầu. Cô lấy đầy một chậu nước mưa, ngâm tay và úp mặt vào đấy! Nước mát làm cô rùng mình tỉnh táo. Cô đổ chậu nước đi. Lấy một chậu nước khác "để cái Cầm về nó rửa mặt." Thế rồi cô òa khóc thành tiếng. Nức nở.

Mẹ tôi kể, nguyên một tháng trời, bố tôi đi rồi, mẹ tôi đều khóc bên ly rượu cognac. Cho đến khi biết được có tôi trong bụng, bà mới thôi rượu. Và thôi khóc. Mẹ tôi không muốn tôi ra đời dị hình dị dạng hay èo uột khó nuôi. Bà đem tôi ra biển thường xuyên. Tôi lớn lên trong bụng mẹ cùng tiếng dương cầm và tiếng biển. Biển. Biền biệt. Ầm ì...

Trên sân khấu nàng không lộng lẫy. Nhưng tiếng đàn và tiếng hát nàng rực rỡ như trăng rằm. Tôi bơi trong luồng âm ba bao la như biển cả. Tôi nhận ra giọng môi, giọng mũi, giọng lưỡi, và giọng cổ của nàng. Tôi nhận ra làn da tay của các ngón thon thon chạm trên dây đàn. Ma lực của thanh quản và giây tơ đàn bỗng như biến tôi thành bọt sóng mong manh. Cái bọt bóng ấy trôi lăn ra ngoài thính đường. Có lẽ tôi muốn nhìn thấy trăng sao. Thấy trời cao để lòng lộng gió. Tôi đang ngầy ngật thì nàng hiện ra. Tôi khẽ nói: "Cám ơn cô đêm nay." Đôi mắt nàng nhìn tôi rất nhẹ nhàng. Tôi nói như thầm thì: "Tôi có cảm giác tôi quỳ gối suốt thời gian cô hát." Nàng mỉm cười: "À! Em hiểu điều anh vừa nói. Bởi vì trong lần trình diễn này em có cảm giác mình đang chết. Đang cùng chết với âm thanh." Chúng tôi đột ngột ôm lấy nhau. Chúng tôi ôm nhau giữa Sài Gòn mắt đều rớm lệ.

Trong gian nhà lá ngoại thành Thăng Long; một buổi chiều xuân năm ấy (Quí Dậu 1813) cô Cầm ngồi một mình. Ngoài trời mưa bui. Dậu găng xanh mướt. Tấm thiệp trên tay còn ướt mực hay nước mắt, của cô hay của Nguyễn Du:

"Gửi Cầm nương,
"Tôi không kịp trở lại gặp cô với con gái Thúy Cầm nữa rồi. Vội đi. Vội viết mấy giòng. Của tin còn một chút này. Muộn lắm là tháng năm tháng sáu sang năm (Giáp Tuất) tôi về. Tôi sẽ đến đón mẹ con cô. Chuyện tựa chiêm bao mà rành rành sự thật. Đôi hàng trân trọng. Xin cô giữ mình."
"Bẩy Du"

Một chiếc hộp gấm xanh thẫm, đựng mấy tấm vàng, và mảnh ngọc trai có khắc chữ "Cầm". Lẫn trong tiếng mưa rơi là tiếng chuông mõ ngân nga. Cô Cầm nghe rất rõ: "Quán tự tại bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thế khổ ách ... Xá-Lợi-Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị..." Một vạt nắng bất ngờ như nâng cô Cầm lên. Cô có cảm giác mình đang tan theo nắng. Như khói. Như sương.

Nàng kể: "Ông ngoại em là thi sĩ. Mình đã gặp ngoài mộ. Cha em, qua lời mẹ là một người có tài và khí khái. Ông bị giết chết trước khi em sinh ra." Tôi đang lắng nghe thì nàng im bặt. Sài Gòn mưa gió bất chợt. Nhưng bất cứ khi nào mở cửa cũng nghe tiếng động triền miên. Tôi khẽ cầm tay nàng. Nàng đang bị dĩ vãng xúc động. Đôi mắt ngân ngấn xa xôi. Chúng tôi nằm yên lặng bên nhau mãi. Không cử động. Không một lời.

Cô Cầm nhìn thấy chính cô bé nhỏ, thơ ngây tung tăng đi vào cung điện nhà Lê. Ở đấy cô học đàn học hát học nói học cười và học viết. Thoáng một cái cô biến thành người nữ danh ca trong đòan quân binh xa lạ nửa ruộng nửa rừng. Giữa thành phố cổ kính thân quen, một khỏang hồ Tây chập chờn ảo giác. Thuyền tình dập dình trong mây khói. Rồi mây khói chợt biến thành khói lửa điêu linh. Tóc đen óng ả trở màu phơ bạc xác xơ. Má phấn xưa hóp sạm bất ngờ. Thành phố lạ xa. Đồng hoang ao cạn. Cô ôm con tị nạn bốn phương trời. Không thấy bóng người quen. "...tâm vô quái-ngại; vô quái-ngại cố vô hữu khủng-bố; viễn ly điên-đảo mộng tưởng; cứu cánh Niết-bàn, ..." Cô ngồi sau lưng vị sư già. Một vệt nắng vàng rất nhẹ rất vô tình vương trên vai áo nhà sư chợt lung linh kỳ ảo trong mắt cô. Bây giờ cũng là vạt nắng ấy trong gian nhà lá ngoại thành Thăng Long. "... Cố tri Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thị đại-thần chú, thị đại minh chú, thị vô-thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhứt thiết khổ, chân thật bất hư..." Cô biết nước mắt cô đang ứa ra và chẩy lăn trên gò má. Hình như gió khẽ lướt qua khóe mắt mát rượi. Cô Cầm bật kêu thành tiếng: "Sao lòng ta thanh thản thế này." Rồi cô bặm môi. Khuôn mặt cô hồng và tươi tắn. Cô nhẹ nhàng đứng lên. Nhẹ nhàng đến bên cây đàn nguyệt. Đó là cây đàn có lẽ còn lớn tuổi hơn cô nhiều. Cây đàn của mẹ cô thời con gái được ông ngoại thửa riêng. Nghe nói tấm gỗ ngô đồng; ông ngoại cô đã ngâm tẩm công phu trước khi tìm giao cho người thợ làm đàn cũng đã rất già. Nghe nói người thợ ấy đóng cây đàn ấy là cây cuối đời. Ông ta tỉ mẩn làm những ba tháng mới xong. Và ba tháng sau đó ông qua đời nhẹ nhàng như đi ngủ. Mẹ cô đã đàn cây đàn ấy, điếu ông. Mẹ cô cũng đàn cây đàn ấy điếu ông ngoại. Và cô, khi mẹ chết, cô chỉ đàn vọng, điếu mẹ. Bởi vì khi ấy cô ở Thăng Long, còn mẹ cô đã ở tận Cao Bằng ...

Tiếng đàn đổ vang làm chúng tôi choàng dậy như đã chìm vào cơn mê. Tôi toan đi dựng lại cây đàn thì nàng níu tay: "Cứ để nó nằm trên sàn cũng được mà." Rồi nàng dụi mũi vào cổ tôi: "Đàn ông cũng là đàn." Tôi bật cười: "Đàn bà cũng là đàn. Người ta gọi là ... đàn đúm." Nàng dùng ngón tay trỏ khều má tôi: "Anh sai rồi. Đàn ông mới gọi là ... đàn đúm. Còn đàn bà thì gọi là ... đàn đáy." Chúng tôi cùng phá lên cười.

Cô Cầm cũng đang cười. Cô cười không thành tiếng. Nụ cười rất bùi ngùi lặng lẽ. Cô so giây rất nhẹ. Tiếng đàn nguyệt lung linh như ánh nắng đọng trên vách liếp. Tiếng nọ gọi tiếng kia. Chẳng bao lâu mà đầy cả gian nhà lá ngoại thành.

Mẹ tôi có lối đánh đàn dồn dập. Tiếng nọ át tiếng kia. Như sóng. Tôi ngồi nghe mẹ tôi đàn bỗng chốc bị tràn ngập. Cả căn nhà như con tầu đi biển. Biển. Biền biệt. Ầm ì...

Tôi rất thích cảnh vừa mưa vừa nắng của Sài Gòn. Nắng rất vàng, và mưa rất trắng. Nàng là con gái Sài Gòn có khác. Cái ... đàn đáy của nàng nõn như trái bông gòn nở. Lẫn trong đám bông màu mỡ là những hột bông nhỏ như hạt tiêu. Bàn tay tôi phiêu lưu mãi cũng sẽ không bao giờ chán. Da tay cương cứng mãi trong trái bông êm nẫn dị kỳ. Nàng thở như một con cá trên ghe. Hơi thở vẫn thơm mùi cognac. Chúng tôi lại như những giòng sông quấn lấy nhau trôi phăng phăng ra cửa biển. Biển, biền biệt. Ầm ì...

Gọi là đàn nguyệt vì thùng đàn tròn và sáng như trăng rằm. Cô Cầm ôm đàn tựa như người ôm trăng. Cần đàn lẫn vào bóng tối. Bốn giây đàn chập hai như nối nhau không để đứt. Như những cánh dơi bay trong ánh trăng, âm thanh thánh thót mỗi lúc một nhiều như lá rụng. Cô Cầm bỗng không còn là người đàn bà già nua cằn cỗi lầm than xấu xí. Cô đã theo tiếng nhạc mà hóa thân. Cô trở về thời gian hai mươi năm trước ở Giám Hồ. Sóng nước lăn tăn cùng với bọt rượu nổi tăm. Gió xuân thổi và tuổi xuân tươi. Lòng cô phất phới như áo lụa. Đàn đến chỗ đầm ấm nhất thì cô phảng phất buồn. Đó là lần đầu tiên và cuối cùng cô Cầm đàn một mình. Một mình đàn hát cho mình mình nghe. Những giọt lê vô tình đã chẩy dàn trên má.

Mẹ tôi đàn một mình hoài. Tôi bắt gặp bà ngồi lặng trên phím dương cầm rất nhiều lần. Dáng thon nhỏ. Tấm lưng như một cụm mây ...

Tôi khẽ xoa lưng nàng. Bây giờ tôi mới biết cái rạng rỡ nói cười của nàng chỉ là bề ngoài. Nàng rất mau nước mắt. Buồn cũng khóc. Vui cũng khóc. Có điều tuyệt diệu là những lúc nàng này nàng đẹp vô tả. Tôi chỉ muốn dục: "Khóc đi em. Khóc đi em." Nhưng hình như hiểu ý, nàng bỗng nín, và hỏi: "Sao anh không dỗ khi em khóc?" Tôi bảo: "Anh quen tự do. Vả lại, sao em biết anh không dỗ?" Nàng nói: "Thôi." Tôi hỏi: "Thôi cái gì?" Nàng nói: "À, mai mình lên Đà Lạt. Hình cha em, mẹ em đều ở trên đó. Trong chùa."

Giữa mùa xuân năm Giáp Tuất (1814) Nguyễn Du đi sứ về đến Thăng Long. Ông về sớm. Và sớm đi tìm cô Cầm. Tìm gian nhà lá ngoại thành mà cô Cầm gọi đùa là "lâu đài Nhị Cầm" ấy. Vẫn lối đi đất bùn quanh co. Vẫn có một vại nước to đằng trước. Nhưng bỗng Nguyễn Du nhận ra gian nhà lá có một vẻ khác. Một vẻ buồn? Một vẻ hoang sơ? Một vẻ ngờ ngợ xa xôi? Ông đứng yên cạnh vại nước. Cái gáo bằng nứa giang to khô khốc. Vậy là ít ra cả ngày chưa có ai múc nước cả. Ông nhìn lên trời. Xuân Thăng Long rất dìu dịu mây xanh. Cánh cửa liếp đóng kín. Ông khẽ giặng tiếng. Nghe ngóng. Nhà không có ai. Mẹ con cô Cầm đều đi vắng? Ông nhìn giậu găng xanh. Ông nhìn đất nâu. Ông nhìn tấm vách làm bằng bùn trộn rơm. Ông nhìn tất cả bằng đôi mắt từ tốn bùi ngùi. Mùi của đất, của bùn, của rơm, của lá, và của mùa xuân quyện lấy nhau.
- Thưa ông đây có phải ...
Nguyễn Du giật mình quay lại. Một bà cụ già, lưng đã còng, chống gậy tre đang lẫm rẫm bước tới. Ông chắp tay:
- Dạ xin chào cụ. Chúng tôi muốn hỏi thăm nhà cô Cầm. Cụ là người ở đây ạ ?

Bà cụ dừng lại. Khuôn mặt chằng chịt nét nhăn. Thời gian như không còn chỗ nào có thể cứa thêm vào khuôn mặt ấy! Nguyễn Du nhìn bà cụ, đăm đăm chờ đợi. Mí mắt bà lão hình như rất khó nhọc nhướng lên:
- Vâng. Bẩm mời ông cứ vào nhà. Nhà không còn ai. Chúng tôi chờ ông đã lâu lắm .
Giọng bà lão còn rất khỏe. Nguyễn Du nghe rõ trái tim mình đập rất mạnh. Nỗi bất hạnh nào đã xảy ra cho mẹ con cô Cầm? Ông hồi hộp bước theo bà lão vào nhà.

Chúng tôi đến Đà Lạt bằng xe riêng của nàng. Sương mù mùa xuân quyện với khí núi làm không gian lành lạnh ngai ngái. Tôi nhớ sương mù ở San Francisco. Nhưng mùi Đà Lạt rất riêng biệt, không pha muối như ở San Francisco. Con đường lên chùa ngoằn ngòeo nhỏ. Hoa cỏ mọc chan hòa. Có những đoạn đường dốc và ngoằn ngòeo không kém đường Lombard. Chùa khuất trong những rặng thông và bách diệp quanh năm xanh thẫm. Đó là ngôi chùa cổ nổi tiếng có nhiều rùa.

Bà lão chậm rãi kể: "Hai mẹ con rời khỏi gian nhà này dễ chừng gần một trăm ngày rồi ông ạ. Tội nghiệp cô Cầm khóc nhiều lắm. Cô ấy có tả tướng mạo ông rất rõ nên vừa gặp tôi đã nhận ra ngay. Cô Cầm nhờ tôi đón chờ ông để giao tận tay ông một vật mà cô ấy rất quí. Ấy là cây đàn nguyệt."

Nguyễn Du run tay mở bọc vải phủ đàn.

Tôi theo nàng vào chánh điện. Bắt chước nàng thắp hương. Bắt chước nàng lễ Phật. Rồi theo nàng sang điện thờ các hương linh của thập phương tín hữu ký thác vào chùa. Ánh sáng chập chùng cùng mùi hương huyền ảo làm tôi hoang mang.

Một giọt nước mắt không cầm được của Nguyễn Du nhỏ xuống cây đàn nguyệt. Âm vang văng vẳng như chuông ngân. Ông nhìn thấy chiếc túi gấm màu xanh thẫm. Chiếc túi ủ kín một tờ thư:

"Khóc lạy Nguyễn lang,

"Kiếp này thiếp đành phụ mối ân tình của Nguyễn lang. Của tin gửi lại cây đàn. Xin Nguyễn lang nhận lấy. Con gái Thúy Cầm, tiện thiếp mạn phép đã gả sang kinh Bắc. Chốn ấy là chỗ thâm giao. Thiếp tin rằng con gái được chỗ yên thân. Phần tiện thiếp thì gửi mình nơi cửa huyền không. Xin để cho thiếp được toại nguyện. Kiếp sau xin cắn cỏ báo đền.
"Bái biệt muôn ngàn lạy

"Người gẩy đàn ở Thăng Long cũ"

Di ảnh mẹ nàng rất đẹp. Vừa hao hao giống nàng, lại hao hao giống mẹ tôi. Nàng bảo: "Hồi trẻ, mẹ em đẹp nổi tiếng. Mẹ vừa đàn hát vừa biết làm thơ. Em sẽ cho anh xem mấy tập thơ của mẹ." Tôi nói: "Bà thật là một người hòan hảo." Nàng kéo tay tôi: "Anh lễ mẹ em đi. Rồi sang lễ cha em nữa." Tôi vái di ảnh mẹ nàng. Hình như nàng thì thầm khấn nguyện, tôi không nghe rõ. Một lúc rất lâu, nàng cắm hương lên bàn thờ. Chúng tôi lặng lẽ qua lễ viếng di ảnh cha nàng. Nhìn thấy hình và bài vị của ông, tôi tê cứng mọi giác quan. Rõ ràng, đấy chính là bố tôi. Người mà tôi đang về Việt Nam để tìm.

-Tường Vũ Anh Thy
(mùa thu San Jose)1996


Ghi chú:

1. Mọi sự trùng tên ở ngoài đời, xin hiểu là vô tình.
2. Tựa đề và những chữ in nghiêng trong truyện đều là thơ của Nguyễn Du (1765-1820)

Không có nhận xét nào: