điêu khắc

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Cao Bá Quát: Mai Hoa Kiếm





Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

Hai câu thơ được truyền tụng trong dân gian này, có một nỗi xót xa, mà lại ngạo nghễ trầm hùng. Phải chăng ở mười năm cuối cùng của Cao Bá Quát (1843 – 1853), ông đã bôn ba khắp mọi nẻo đường đất nước để kết giao bằng hữu, để sửa soạn cho cuộc cách mạng phương đông, tìm thanh báu kiếm tung lên giữa trời xanh*, bằng một tấm lòng thành thực, tinh khiết như bông mai trắng suốt đời ông mến mộ
Mười năm gươm báu tìm nhau
Một đời yêu kính hoa mai giữa trời
Mai giữa trời, mai giữa đời, hay mai giữa rừng, giữa đỉnh đồi, thì thơ ông vẫn bay mãi trong hồn-thiêng-sông-núi. Ông muốn tung lên khắp mọi ngọn núi đỉnh đồi của đất nước thân yêu những hạt mai mầm để ngày kia khi mùa xuân trở về, mai sẽ nở ngào ngạt tưng bừng lộng lẫy chào đón dân gian. Mai sẽ như một bức tranh phi thường để toàn dân ngưỡng mộ, để đời ông ngưỡng mộ.

TRỒNG MAI
Gieo lên khắp núi cùng đồi
Hạt mai tinh khiết gởi hồn đá xanh
Mai này lộc biếc xuân xanh
Toàn dân ngắm được bức tranh phi thường

TÀI MAI
Thí tương mai tử trịch sơn gian
Nhất ác thanh tư ký bích loan
Ký thủ lai thời xuân sắc hảo
Dữ nhân công tác họa đồ khan

Gieo hạt giống trên đá xanh, hẳn người gieo phải là một tay có nội công thượng thừa. Gửi giấc mộng vào đá, hẳn người gửi phải là một thi sĩ của đời sau. Bằng vào nội công ấy, và tâm thức ấy, Cao Bá Quát đã tạo được cuộc cách mạng ở phương đông, giữa thế kỷ XIX, khi thế giới phương tây đang trên đà sa đọa vào những cuộc bán buôn xâm lược. Ông bước đi, những bước chân dài theo chiều dài lịch sử Việt Nam và thế giới, cùng với thanh mai-hoa-kiếm, ông đã múa lên, trong tích tắc, ngọn lửa thần bí của phương đông chợt nở hoa. Phải chăng hoa và kiếm mang một mối ân tình đồng vọng? Và phải chăng Rồng và Tiên còn vương vấn mãi trời Nam? Thế thì lịch sử vẫn mang mang cổ kim hòa điệu. Hồn núi sông còn lồng lộng giữa ngàn cây. Hà cớ gì ta cứ phải là một tay thi sĩ ?
Đấy là ý của Cao Bá Quát trong một bài thơ họa vần với Thận Tư Trần Văn Vi, cùng làm với Diệp Xuân Huyên và Hòa Phủ. Tựa của bài là Phóng Quan Nhị Hà. Bài thơ mở ra một buổi chiều mưa bui vừa tạnh, gió mùa thu lành lạnh, và một mình ông đứng nhìn mãi vào non nước Việt Nam. Tầm mắt nhìn về bắc phương, thấy núi đồng trùng điệp, nhìn về nam phương mây cuốn mênh mang. Cái không gian vời vợi đó, cùng với thành Thăng Long hùng tráng xây trên bụng rồng xưa; hốt nhiên ông thấy giòng sông cuồn cuộn phù sa hồng đỏ như hoa đào, như lồng bao nhiêu hình ảnh, và tâm cảnh về một lịch sử linh thiêng. Hỡi ơi lịch sử cổ kim lồng lộng đi về trong sông núi chiều quê, vương vấn nơi bãi cát cồn dâu, nơi ngọn cỏ lá cây, nơi cả mây trời, thì hà cớ gì ta cứ phải là nhà thơ? Hẳn nhiên ông muốn nói về một nhà thơ tháp ngà hoàng phái, hay ông muốn bật tung một tư tưởng về thi ca hoằng viễn nơi cõi đời sử lịch?

Phóng Quan Nhị Hà

Tài thu tế vũ hựu vi phong
Độc ỷ thương mang mộ khí trung
Tế bắc sơn liên bình dã hợp
Trực nam vân nhập đại hoang không
Thành y long đỗ kiêm thiên tráng
Lãng quyển đào hoa sách địa hồng
Hạo hạo quan hà kim cổ ý
Thử thân hà sự tác thi ông

Vời Trông Sông Nhị

Mưa bui tạnh, gió thu lành lạnh
Một mình ta đứng cạnh chiều buông
Bắc phương tiếp núi liền đồng
Nam phương mây cuốn mênh mông cuối trời
Trên bụng rồng thành cao hùng tráng
Dưới giòng sông nước đỏ đào hoa
Cổ kim lồng lộng sơn hà
Cớ gì ta cứ phải là nhà thơ

Bởi vì tài thơ dù trác tuyệt đến đâu cũng không diễn hết được bao nhiêu vẻ đẹp của non sông gấm vóc, cũng không nói hết được mối tương cảm lạ lùng với hồn thiêng sông núi. Phải chăng có những lúc, chỉ có sự im lặng linh thiêng để chiêu cảm tình đất nước.

 -------------------------------------------------------------------------
·     *Trong bài Buổi Sáng Qua Sông Hương, Cao Bá Quát ví sông Hương như ngọn kiếm dựng giữa trời xanh
Ngàn núi ngựa chạy quanh ruộng thắm
Giòng sông gươm lấp lánh trời xanh
(Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền
Trường giang như kiếm lập thiên thanh)


----------------------------------------------------------------
tường vũ anh thy 1982 (trích Cao Bá Quát: Giữa Hồn Thiêng Sông Núi, Ức Trai xuất bản 1985 )







Không có nhận xét nào: