Đọc lại cuốn những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc tôi muốn chất vấn nếu ổng còn sống. Chất vấn rằng: Tại sao ông nhắc đến bao nhiêu thứ cây cối hoa cỏ ở Sài Gòn hồi đó, mà tuyệt nhiên không nói gì về cây bông gòn của tôi ?
Tuy nhiên, Bình Nguyên Lộc đặc biệt viết về mồ mả cũ của Sài Gòn xưa ( chiếm gần 1/3 sách ). Người ta sống gần, sống quanh, và sống...trên các mồ mả ! Chính gia đình tôi hồi mới di cư (1954) đã từng ở Xóm Củi, cạnh nhà là một ngôi mộ xây ! Nhà hàng xóm còn dựa lưng vào mả ! Trước mả là ngã ba hẻm. Người bán hàng rong và trẻ nít thường xúm xít hồn nhiên bên mả. " Mồ mả ở Sài Gòn thân mật quá chừng. Người ta sinh hoạt giữa mồ mả như quen biết với ma dữ lắm. Ở cổng xe lửa Mỹ, bên hông nhà thuơng Từ Dũ có hai ngôi mộ song hồn khá to. Trên mộ có cây mọc. Người ta treo võng dưới tàn cây vào những trưa hè, người ta đong đưa kẽo kẹt trông rất an nhàn. Ngộ nghĩnh nhứt là tấm bảng hiệu " hớt tóc" cắm trên đó, cạnh chiếc võng. Khách hớt tóc cứ ra vào cái tiệm lộ thiên ấy mà không chút sợ sêt, e dè (trang 90). Ở Mỹ làm gì mà có cảnh ấy nhỉ? Ông Bình Nguyên Lộc còn tiết lộ chi tiết này : Sài Gòn đâu đâu cũng có mồ mả, nhiều nhất là Đàng Ô Ma (gần phía Hồng Thập Tự cũ). Ô Ma có lẽ là phiên âm từ tiếng Pháp Aux mares (phía vũng lầy). Ông đặt câu hỏi: "Sao ta chôn xác người ở xóm vũng lầy? Thật là khó hiểu." Nhưng tôi cho đây là thêm chứng cớ về vùng đầm lầy của Sài Gòn xưa ( văn minh đầm lầy ).
Đọc Bình Nguyên Lộc ta còn học được vài chữ vài tiếng lạ miền Nam như bài ca dao :
Chợ Bến Thành mới
Kẻ lui người tới
Xem tứ diện rất xinh
Thấy em tốt dạng tốt hình
Chẳng hay em có chốn duơn* tình hay chưa?
-Anh hỏi em về việc duơn tình
Em đà có chốn gửi mình cho Thanh**
-Căn duơn đâu mà thấu đến bên Tàu
Họa chăng em thấy chú lửng *** giàu em ham ?
Ông ghi chú: * duyên. ** người Tàu đời Mãn Thanh.*** người Tàu còn trẻ. ( tr. 124) Té ra "lửng" là còn trẻ. Chú lửng là anh Ba Tầu còn trẻ ! ( gửi cái nghĩa này cho gio-o ).Tôi tìm trong Tự Vị Tiếng Miền Nam của Vuơng Hồng Sển cũng chưa thấy có !
Cuối sách Bình Nguyên Lộc van xin :
Mai sau dù có thế nào
Đốt lò hương ấy đọc ca dao này .
Gần như những lời tiên tri: phụ nữ Việt gần đây đua nhau lấy các chú lửng. Nghe nói các chú lửng đi đào bới bô-xít gì đó ở miền trung Việt cũng ra sức tìm đào Việt lấy chơi ! Thiệt là nhục nhã hết ý !
Ghi chú: Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình Nguyên Lộc được in ở Sài Gòn vào thập niên 60, đến năm 1999 nhà xuất bản Trẻ cũng ở Sài Gòn tái bản
.
tường vũ anh thy 16/2/11
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét