Trong các buổi tửu đàm và trà đàm năm 1985, kịch tác gia Vũ Khăc Khoan định cho tái bản cuốn TÌM HIỂU SÂN KHẤU CHÈO; đồng thời thành lập ban kịch CHÚNG TA. Về sách, tôi có góp ý rằng: chèo, tuồng, hát bội, cải lương, và thoại kịch ở Việt Nam dậm chân ở giai đoạn mô phỏng và nhập vai. Trong khi kịch mới đã tới hồi không mô phỏng, không nhập vai nữa. Nhắc nhở người coi rằng (tôi) đang đóng kịch. Một điều không ngờ được là trong ĐẠO NỘI (Đồng Bóng) người ta (Việt Nam) đã thực hiện tất cả các chuyện ấy từ hàng ngàn năm rồi !
Tôi không nói ngoa. Hãy đến dự và quan sát một buổi lên đồng. Sân khấu là chánh điện. Người ngồi đồng ( vấn hầu) ở vị trí trung cung (thổ) Ba bà phụ đồng (gọi là bà nhưng) ngồi hai bên tả hữu và sau lưng. Phía trước là điện thờ nguy nga lộng lẫy với các bức tượng. Thấp sát sàn sân khấu, dưới gầm bàn hoa quả, là một tấm gương kín đáo. Gương còn mang ý nghĩa bóng nước (hành thủy ở phương bắc) nguồn mạch của đời sống. Đó là sân khấu ngũ hành. Tôi không đi sâu vào vấn đề ngũ hành ở đây, chỉ đề cập đến tính cách kịch nghệ.
Người ngồi đồng sẽ là diễn viên chính. Sẽ sắm rất nhiều vai. Trang phục, điệu bộ, và tinh thần của mỗi vai hoàn toàn khác nhau. Từ lúc nhập vai đến khi kết thúc (đồng thăng) có khi rất ngắn (mươi mười lăm phút) và gọi là một Giá. Có khi vai kéo dài nửa giờ hoặc gần một giờ. Họ thay y phục ngay trước mắt khán giả.
Các bà nhưng là những diễn viên phụ, có nhiệm vụ chính là giúp thay đổi trang phục cho người ngồi đồng. Họ tung hứng, tấu lạy, đối thoại rất nhịp nhàng. Họ cũng là những người chuyển quà cáp (lộc Thánh) đến khán giả (con công đệ tử, khách khứa tham dự buổi hầu bóng). Và đặc biệt họ còn là người điều khiển chương trình ( M.C. Đạo diễn )
Một ban nhạc gồm đàn, sáo, sênh, phách, thanh la, não bạt, kèn nhị,trống, và ca sĩ (cung văn). Nhạc và lời, và giọng hát gắn bó linh động với điệu bộ của các diễn viên trên sân khấu.
Ánh sáng là đèn nến chung quanh, và rực rỡ trên điện thờ. Cùng với khói nhang, mùi hoa quả tươi, tạo thành bầu khí lung linh huyền ảo. Tất cả rung rinh uyển chuyển trong âm nhạc. Quay cuồng theo nhịp trống và điệu múa của diễn viên.
Tóm lại, hầu bóng có đủ yếu tố của một sân khấu kịch nghệ. Lược qua phần tôn giáo, đức tin, và ý nghĩa của từng giá, từng lời ca, bản nhạc, tôi nhận thấy phần kịch nghệ có những đặc điểm :
1- Diễn viên ( vấn hầu & các bà nhưng) đã tô vẽ, ăn mặc, lời nói cử chỉ, điệụ bộ, cốt sao giống với nhân vật được trình diễn. đó là họ đạt tới nghệ thuật mô phỏng.
2- Khi đồng nhập (đồng giáng) diễn viên trở thành nhân vật một cách thần tình. ( Đôi khi họ làm được cả những việc mà bình thường họ không thể, như xuyên đinh vào má (xuyên lình), nuốt than thổi lửa v.v.). Đó là họ đã đạt tới nghệ thuật nhập vai.
3- Khi thôi diễn (đồng thăng) họ trở lại với con người bình thường. Họ cười nói, hoặc gắt gỏng, và thay đổi trang phục tự nhiên ngay trước mắt khán giả, không giấu giếm. Họ không có hậu trường. Tựa như kịch mới, họ nhắc nhở khán giả rằng họ chỉ là người thường, và sẽ đóng kịch. Họ đạt tới nghệ thuật kịch phản kịch.
Trước và trong khi trình diễn, diễn viên chính vẫn nhìn thấy mính trong tấm gương giấu kín dưới gầm bàn hoa quả phía trước. Đây là đặc điểm lạ lùng, giúp ta thấy diễn viên rất tỉnh táo, và ý thức về vai trò họ đang mô phỏng và nhập vai. Họ đạt được tới nghệ thuật kịch đương đại : Tôi vẫn là Tôi
4- Toàn hội trường (Đền) từ diễn viên trên sân khấu tới khán giả chung quanh đều gắn bó mật thiết. Khung cảnh cảm động và náo nhiệt nhất là lúc có người dâng lễ, lúc phát lộc, lúc ban thuốc chữa bệnh, lúc ban các lời khuyên…Đặc điểm này, ngoài lý do tôn giáo, về kịch nghệ, còn cho ta thấy sự đồng thuận và ý thức cao trong việc trình diễn, cũng như thưởng ngoạn.
Hầu Bóng là hình thức tôn giáo sơ khai, có mặt từ ngàn xưa, đặc biệt ở khu cực Đông Nam Á. Được Việt hóa và cực thịnh vào thời Hậu Lê ( thế kỷ XV) trở thành Đạo Nội. Có nhiều người cho rằng nó không đủ yếu tố của một tôn giáo, cũng như nghi ngờ về lịch sử phát triển của nó. Đây không thuộc phạm vi bài này.
Khi tôi phát biểu rằng:” có lẽ hầu bóng là hình thái kịch nghệ đầu tiên và đặc thù của kịch nghệ Việt Nam. Nó phát triển và ảnh hưởng trong dân gian, biến thái ra tuồng, chèo, cải lương cũng như hát bội.” Thì kịch tác gia Vũ Khắc Khoan yêu cầu tôi viết thành bài để bổ xung cho cuốn Tìm Hiểu Sân Khấu Chèo. Tôi đã hứa, rồi phần bận sinh kế, phần tuổi trẻ ham chơi, chưa kịp viết thì ông Vũ qua đời; sách cũng chưa in.
Đến năm 1996, có dịp điểm cuốn Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam của tiến sĩ Trần Ngọc Thêm, tôi mới đề cập đến vấn đề này trong tập san Triết. Lập tức chủ nhiệm Nguyễn Hữu Liêm mời tôi viết về Đạo Nội. Để thu thập thêm tài liệu sống, tôi lái xe đi Sacramento dự buổi hầu bóng ở Đền Sòng Sơn Linh Từ. Đây là đền tương đối lớn ở hải ngoại. Tôi tiếp xúc với chủ đền, các vấn hầu, và các con công đệ tử. (Tôi đã từng ở nhiều tháng trong đền Việt Nam trước 1975) Chuyến đi, lại cho tôi một kinh nghiệm không dính dáng gì tới kịch nghệ: vấn đề dục tính. Người ta thường cho lên đồng phần lớn là ái nam ái nữ. Sự thực không phải thế ! Nơi đây còn là chốn giao duyên. Và dục tính còn xuyên suốt như hậu trường sân khấu ngày nay. Dục tính còn chính là động cơ thôi thúc cuộc lên đồng. Tuy không là mục tiêu của bài này, nhưng quan hệ tới việc thành lập một ban kịch. Những kẻ yêu kịch, yêu sân khấu, thể hiện những đam mê. Họ năng nổ, tháo vát và khao khát yêu đương. Tôi nhận thấy không khí hầu bóng nồng nực tình nam nữ. Trước khi trình diễn (vấn hầu) người ta hân hoan náo nhiệt trong một bữa tiệc mặn. Thôi thì miệng ăn tay gắp sóng mắt đa tình. Chuyện đạo chuyện đời linh đình qua tai người nọ kẻ kia. Từ cụ ông này tới bà cụ nọ. Ông nọ bà kia. Anh kia chị nọ. Chàng này nàng ấy v.v. được bàn thảo, gièm pha, ca ngợi, hay khuyến khích hoặc cấm cản. Đến khi tham dự buổi hầu bóng thì không khí tràn ngập niềm phấn khởi, hy vọng, và thành tâm. Họ quên hết mọi tị hiềm, mọi khúc mắc, mọi rối bời…Điểm đặc biệt là các tín đồ Đạo Nội (con công đệ tử) trong khi hành lễ không hề lộ vẻ sầu thảm hay trầm trọng. Họ rất khơi khơi. Ta có cảm tưởng ai ai cũng thảnh thơi. Nguyên phần tích cực này đã là một dục tính mạnh mẽ.
Nhớ lại những ngày dựng vở Thành Cát Tư Hãn cùng với tác giả Vũ Khắc Khoan ở trại tỵ nạn Fort Chaffee, Arkansas. Tôi đóng vai Sơn Ca. Trong giới hạn nào đó, có lẽ tôi đã nhập được vai. Bằng cớ là sau khi xem kịch, nhiều nữ khán giả ái mộ. Và tiếp theo là những chuyện tình. Tôi đã thắc mắc như Phạm Duy có lần tâm sự: Chả biết phụ nữ họ yêu cái “thằng” Phạm Duy này hay “nhạc sĩ” Phạm Duy. Câu hỏi ở bài hát: “ Yêu tôi hay yêu đàn” ông bảo là câu hỏi thật. Cũng thế, qua kinh nghiệm bản thân, tôi cũng tự hỏi: “ các cô đang yêu tôi hay yêu Sơn Ca của Vũ Khắc Khoan?” Xin phép độc giả cho tôi được đi sâu vào chuyện riêng tư của mình thêm tí nữa, để qua đó, chứng minh điều tôi sắp trính bày. Thế rồi một bi kịch diễn ra: tôi yêu một trong số các cô yêu Sơn Ca ấy ! Sự thực, tôi không phải là Sơn Ca. Nhưng tôi lại không có cái khả năng đóng kịch phản kịch, nhắc nhở rằng tôi là tôi, tôi chỉ là kẻ “đóng kịch”. Tôi rất kính phục Trương Chi. Anh đã không để cho Mỵ Nương yêu “tiếng hát Trương Chi”. Mặc dù anh bị thất bại, vì Mỵ Nương chỉ yêu “tiếng hát” mà không yêu Trương Chi. Sự thất bại của anh tuyệt vời. Nó vừa can đảm, lương thiện, vừa oai hùng! Còn tôi đã nhập nhằng giữa cái “tôi” và cái “tôi kịch”. Các tín đồ Đạo Nội không thế. Họ rất minh bạch giữa họ (đời thường) và các thần linh (đời kịch). Khoảng cách đó chính là cuộc cách mạng kịch nghệ của Bertoll Brecht (1898-1956) kể từ Aristote, để mở ra cho Samuel Beckett, Ionesco…
Tôi vẫn nghĩ Truyện Kiều của Nguyễn Du là một vở kịch mới. Ông giới thiệu không gian, thời gian, và để cho các nhân vật trình diễn. Cuối cùng ông nhấn mạnh cho người đọc biết đấy chỉ là kịch, là một câu chuyện cũ. Đừng suy diễn vớ vẩn gì cả. Có thể ông chả có tâm sự gì gửi gấm ở đấy đâu. Này, mọi sự đều mua vui ấy mà. Lương thiện và oai hùng thay !
Để trở thành diễn viên, người ta phải bỏ nhiều công phu học hỏi, luyện tập. Nhưng để trở thành người “ngồi đồng” trong Đạo Nội, ngoài căn mạng, phải qua thời kỳ đội bát nhang(tôn nhang) và trình đồng. Công phu có hàng chục năm. Có người tập từ khi còn thơ ấu. Đền chính là ngôi trường kịch nghệ của họ. Sự đào luyện tài năng mới (thanh đồng) là mối quan tâm của Đền và Đạo. Nhờ đó Đạo Nội còn phát triển và tồn tại cho đến ngày nay, mặc dầu nó bị ngộ nhận, bài bác, và ngăn chặn.
Vũ Tiến Thủy san jose may 10-1998
(trích tạp chí Hợp Lưu số 41 tháng 6 & 7/1998)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét