điêu khắc

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

MẢ THUỒNG LUỒNG BÊN BỜ SÔNG TÔ LỊCH




“Làng Cung Hòang thuộc huyện Thanh Trì, là quê quán của Chu Văn Trinh, tức Chu Văn An. Ông từng cất nhà đọc sách trên gò đất lớn ở Cung Hòang, trở mặt xuống đầm nước …” (1)
Đầm nước xanh (thanh đàm) ấy, những ngày ông cao giọng giảng Nho, học trò (nhất quỷ, nhì ma) im lặng. Những buổi tối vắng lặng quanh đầm. Tiếng cóc nhái và tiếng quẫy của cá. Những tầu lá chuối, lá sung, lá ổi, lá thị, lá mít… Ông lắng nghe và lặng thinh. Ông thấy và ông nghĩ gì nhỉ? Cả những đêm trăng. Mặt đầm dợn những vân nước . Bóng cây ngoằn ngòeo như những con thuồng luồng bơi dưới đầm. Gió rì rào. Hoặc những đêm mưa rất nhẹ. Hoặc những trưa nắng chang chang. Mây từng giải từng vầng lũ lựơt trôi qua đầm nước trong xanh ấy. Ông chống gậy trúc, ngần ngừ, rồi lững thững dạo quanh đầm. Nghe như có tiếng thì thầm ở dưới nước hay trên trời. Ông nghiêng tai. Tóc và râu bạc trắng như mây trời đang bay. Tay ông đẹp, móng dài, khẽ giơ ra phía trước. Bâng quơ.
Ông đứng lặng. Khép mắt. Gậy và thân vụt như hóa đá. Đầm nước xanh vụt thụt xuống sâu thêm. In bóng ông như bay xuống trời. Trời dưới nước ướt hơn một chút. Màu sắc đậm hơn mà không kém vẻ tươi.
Hồi lâu, ông đưa tay giữ những sợi râu dài chỉ chực bay đi mất. Mắt ông vẫn nghiêm khắc, sâu sắc, và thanh tao. Hình như trong ánh mắt đã có nhiều từ ái khi bất chợt ông nhìn thấy một nụ hoa ấu. Có lẽ hoa vừa nở. Củ ấu có hình dáng cái đầu con trâu đen. Học trò vẫn thường đem biếu. Ông thích dùng ấu tươi. Người học trò mới, người ấy chỉ biếu ấu tươi.

***
**

Quanh đầm hẳn còn có cây ngô đồng. Trong thơ Chu Văn An, bài “Sơ Hạ”, ông kể vẫn thường đứng dựa cây ngô đồng, lơ đãng nhìn mây trời và sách vở.
                       
                        Cứ ngô tĩnh cực hòan thành lãn
                        Án thượng tàn thư phong tự khai

Hay là cây ngô đồng mọc ngay gần nhà ông dạy học, đọc sách. Đầu hạ, lá ngô đồng còn xanh. Gió thổi qua cây rung lên âm nhạc. Tôi đóan thế vì tưởng tượng những cây đàn tranh, đàn nguyệt, đàn đáy, đều làm bằng gỗ ngô đồng. Đứng tựa cây ngô đồng hứng gió, hẳn tâm hồn ông nổi lên bao nhiêu ý tình của một nghệ sĩ hơn là vị Quốc Tử giám tư nghiệp, dạy học cho thái tử, hay vị lương sư dạy học trò đậu đạt.
Đã lâu lắm rồi, từ ngày dâng “Thất Trảm Sớ” không có hồi âm, ông cáo quan về Cung Hoàng dạy học. Cung Hoàng hay Hùynh Cung? Cái tên thật có nhiều kiếp nghiệp cho ông .
Kìa, trên bàn, chồng sách ông đã đóng sao bỗng như có bàn tay ai đang mở. Từng tờ, từng tờ. Gió chăng? Thì gió vẫn thổi. Nhưng gió làm sao mở từng tờ, từ đầu đến cuối? Ông lặng thinh. Hình như có bóng người. Ông không nhìn thấy, không nghe thấy. Nhưng, ông ngờ ngợ ngửi thấy. Mùi của người pha lẫn mùi của cá. Có lẽ là mùi gió đưa từ dưới đầm lên. Mùi bùn.
Giờ này, mặt đầm trong xanh phẳng lặng. Nước hơi cạn vì nắng đốt. Những con cuống vó đi lao xao. Một đám cói cao vươn lên trong gió nhẹ. Cụm bèo không trôi. Hoa ấu nở lặng lờ. Ông chống gậy trúc đến bên đầm nhìn đăm đăm xuống mặt nước . Dưới ấy có gì nhỉ. Bùn. Chắc chỉ có bùn. Và những lòai cóc nhái cá tôm cua hến trạch lươn… những con vật tầm thường, hiền lành và hữu ích. Làm gì có thủy quái. Bản triều gốc tích gắn liền với thủy tộc. Từ ngày quan Hình Bộ Thượng Thư Hàn Thuyên, người làng Thanh Lâm, Hải Dương, đốt thơ nôm đuổi cá sấu trên sông Lô, các lòai thủy quái dần dần biến mất.(2) Đến Đức Anh Tông Hòang Đế bỏ tục xâm mình, dân ta mới hết hoang mang sợ các lòai thủy quái .(3) Thế mà gần đây, dân làng thì thào kháo nhau chuyện thuồng luồng. Chưa ai chính mắt nhìn thấy thuồng luồng . Có đứa bé cuối làng bị chết đuối trong đầm. Khi vớt lên thấy mất một bàn chân. Dân càng kháo nhau chuyện thuồng luồng ở đầm nước . Chẳng biết thế nào, nhưng trẻ con thì sợ lắm. Và cái đầm nước vắng lặng đến hoang vu. Chỉ có mình ông chống gậy trúc đi lững thững.
Như trưa nay. Ông đứng nhìn bờ đất, nước rút đi, nứt nẻ như bàn chân người cày ruộng. Một con cóc nhỏ nhảy vào bụi cỏ. Bất ngờ có tiếng quẫy mạnh, rung động khắp buổi trưa. Ánh nắng lay động. Sóng nước lấp lánh loang khắp mặt đầm. Ông giật mình giữ chòm râu bạc. Trời xanh và mây trắng. Tất cả lại chìm vào vắng lặng đến vô cùng.

***
**

Người học trò mới thường đem biếu thầy những củ ấu tươi, chưa luộc. Anh ta rụt rè, ít khi nói chuyện với bạn học. Đôi mắt nhỏ, tinh anh. Tấm lưng dài thậm thượt. Da vàng, tóc hung hung. Tuy rụt rè, nhưng độ lượng, có khí thế của người cao trọng, quyền thế. Ngày mới nhập học, anh thưa:
 - Thưa thầy, con họ Nguyễn ở làng bên, nhà nghèo, chỉ có chút lễ mọn xin thầy nhận cho theo học.
Lễ vật của anh là mâm ấu tươi. Ông vẫn thích nhất củ ấu tươi. Người học trò ấy đã thông minh lại chăm chỉ. Thường làm bài trước chúng bạn. Ông để ý, nhưng ít khi gần. Bởi anh e thẹn quá, ngồi mãi ở góc xa. Đơn lẻ. Thỉnh thỏang ông bắt gặp ánh mắt anh. Có lẽ vì mắt ông nghiêm khắc , anh sợ, càng e thẹn rụt rè. Khuôn mặt anh thanh tú, miệng nhỏ, ửng một màu tím nhạt. Đôi lần ông nhìn thấy phía sau lưng anh khi tan học về. Dáng anh yểu điệu. Ông thầm tặc lưỡi. Tiếc cho anh.
            Hôm nay lớp học không đông lắm. Nhiều người phải nghỉ học vì gia cảnh, hoặc gia biến. Thời thế này, những chuyện bất thường trong đời sống vẫn xảy ra luôn. Mới đầu hạ, sắp hết năm học rồi. Đã liên tiếp mấy tuần lễ trời không mưa. Nhiệt độ trong làng nóng lên nhiều. Ông đưa mắt tìm anh. Anh chưa đến. Đêm qua, ở đầm nước một mình, ông trở về trằn trọc mãi. Ông có ý định gặp anh để chứng nghiệm một điều. Điều ấy mơ hồ quá. Ông không muốn tin. Nhưng cuối cùng, khi bắt đầu cao giọng giảng Nho, thì anh đến.
            Tuy anh lặng lẽ kính cẩn chào bối rối rồi lẩn vào lớp học, ông cũng vẫn thấy anh mồn một. Có lẽ anh cũng biết thế nên tỏ lộ sự lo lắng, áy náy.
            Buổi học hôm nay lẽ ra ông muốn nói về sự giáo dục . Con người ta sống ở trên đời, ai cũng như ai, sự phân biệt cao thấp, chính tà là do có học hay không có học. Ông muốn giảng câu “hữu giaó vô loại” của Khổng Tử. Nhưng vì để thử anh, ông bàn chuyện thầy Quí Lộ hỏi Đức Khổng Tử về sự quỉ thần.
- “Quí Lộ vấn sự quỉ thần. Tử viết: vị năng sự nhân, yên năng sự quỉ, - viết: cảm vấn tử? viết: vị tri sinh, yên tri tử?”
Ông giảng:
 - Thầy Quí Lộ hỏi Đức Phu Tử rằng: những công việc đối với quỷ thần thời như thế nào? (sự quỷ thần). Ngài bảo: chưa hay những việc làm người, có lấy gì hay những việc quỷ thần? ( vị năng sự nhân, yên năng sự quỷ). Thầy Quý Lộ lại hỏi rằng: việc chết thời như thế nào? (cảm vấn tử). Ngài nói rằng: chưa biết được đạo lý sinh, lấy gì biết được đạo lý tử. (vị tri sinh, yên tri tử?)
Xem như bài này, thầy Quý Lộ hỏi sự quỷ thần, Đức Phu Tử không nói tới sự quỷ thần, mà lại nói đến sự nhân. Thầy Quý Lộ muốn tri tử, Ngài không nói tri tử mà nói tri sinh, bởi vì sự nhân được thì sự quỷ thần cũng được ; đã tri sinh được thì tri tử cũng được. Nên tuy không nói đến sự quỷ thần, tri tử, nhưng mà đã nói cho sự nhân và tri  sinh thì tức là nói rồi. Bởi vì sự nhân và sự quỷ cũng cốt ở thành tâm thiện ý, tri tử với tri sinh cũng chỉ chung một lẽ. Lấy lòng thành mà được sự nhân thì không cần hỏi đến tử. (4)
Ông biết anh rất chăm chú nghe, tỏ lộ sự cảm khái. Gần tan buổi học, ông tình cờ đến bên anh. Anh bẽn lẽn cúi mình cắm cúi viết. Một thóang gió nhẹ lướt qua anh. Ông chậm chãi trở về sập gụ. Trong hơi gió nhẹ ấy, ông đã ngửi thấy mùi của anh. Mùi bùn.
Hôm ấy, anh nộp bài chậm.

***
**

Lần thứ ba, lão bộc trở về kể:
 - Bẩm ông, cũng đến đầm nước thì con không thấy anh ấy đâu nữa. Bẩm ông , con nghĩ …
Ông khóat tay bảo:
 - Thôi được .
Cũng lần thứ ba, anh nộp bài chậm. Cũng đã ba lần ông ngửi được mùi anh. Mùi bùn.
Ba lần ấy, ông đều giảng những bài khác với bài sọan sẵn. Anh dù có mở đọc trước vẫn không ngờ rằng thầy lại đổi đề tài.
Giữa ông và anh đang có một khỏang cách. Nhưng lại rất gần. Bởi vì ông đã biết anh là ai.
Hôm ấy ông chống gậy trúc ra đầm. Nước cạn nhiều. Đã lâu, trời vẫn không mưa. Dân làng múc cạn cả giếng, phải lấy nước đầm về dùng. Những bè ấu tiêu điều. Chỉ có một bông ấu nhỏ nở đìu hiu. Màu tím của hoa gợi nỗi buồn man mác. Ông đứng lặng yên. Bao nhiêu biến cố trên đời ông vẫn nhớ như mới vừa hôm qua. Từ ngày Đức Thượng Hòang (Minh Tông) băng, ông cảm thấy lẻ loi quá. Đức Kim Thượng (Dụ Tông) còn nhỏ mà đã nhiều oan nghiệt. Đức vua là học trò ông , mà ông lại là phận bề tôi. Trong “Thất Trảm Sớ”, người đầu tiên có tên là viên thái y Trâu Canh. Chính Thượng Hòang cũng rất khinh ghét y. Khi sắp mất, bọn thầy thuốc Trâu Canh, Vương Định, Phạm Thế Thường vào xem mạch ngài. Trâu Canh nói: “mạch phiền muộn.” Thượng Hòang bực bội ứng khẩu nói bài thơ:

Chẩn mạch hưu ngôn, phiền muộn đa
Trâu công lương tễ yếu điều hòa
Nhược ngôn phiền muộn vô hưu yết
Chỉ khủng trùng chiêu phiền muộn đa (5)

            Ấy bởi Trâu Canh ra vào cung cấm, hay dùng những câu kỳ lạ, những kế quỷ quyệt để huyễn hoặc vua Dụ Tông. Thượng Hòang ghét hắn, mượn bài thơ để châm biếm. Đến khi dâng thuốc lên thì ngài bảo: “ người ta ở đời, bao nhiêu khổ não. Ngày nay thóat được khổ não này , thì ngày khác lại chịu khổ não khác.” Rồi không chịu uống thuốc ấy. Ngài sai thị thần đem bản thảo tập thơ ngự chế đốt đi. Thị thần do dự, Ngài bảo: “vật đáng tiếc còn không thể tiếc được, tiếc làm gì thứ ấy.” Ngài lại quay bảo các con: “người làm vua dùng người , không phải vì tình riêng với người ấy, mà chỉ nghĩ đó là người hiền thôi.” (6)
            Cái tội lớn nhất của Trâu Canh là xúi vua vào đường lọan luân, dâm dục. Ông can ngăn vua không được đành phải ra đi. Ôi, đạo làm người chưa trọn, lại làm lọan lẽ âm dương. (7)
 - Bẩm, thưa thầy.
Ông giật mình nhìn thấy anh. Vẫn đôi mắt nhỏ tinh anh, miệng ửng tím màu hoa ấu, mái tóc hung hung. Anh đứng đó, ngay trước mặt ông . Bây giờ không phải là anh, mà chính ông bối rối. Ông nhận ra mình vừa khóc. Có lẽ nước mắt ông đã kéo anh ra khỏi vũng đầm?
 - Thưa thầy, con biết lâu nay thầy có nhiều tâm sự lo buồn. Con cũng biết thầy đã biết con không phải là người , mà chỉ là kẻ theo thầy để học làm người . Con xin thưa thật…
Ông khóat tay. Anh im lặng. Trời im lặng. Chỉ có mây bay. Ông khẽ gật đầu:
- Ngày mai, sau buổi học anh ở lại nhé. Thầy có chuyện muốn nói với anh.
Người học trò lưng dài thẫm thượt cúi đầu:
            - Dạ, thưa vâng. Con xin kính nghe lời thầy.
Ông giữ chòm râu bạc:
            - Ừ thôi. Thầy về
- Dạ, rước thầy ạ.

***
**

Ngừng lại một lúc, ông khẽ nhắp chút trà. Buổi học đã kéo dài. Nắng đã lên cao. Ông nhìn đám học trò lễ phép và cần mẫn, lòng đầy thương cảm. Thời thế này, rồi đây biết họ có giúp được gì cho đời. Biết đời có dung dưỡng họ chăng? Ông đã từng giảng lời Khổng Tử: “Hậu sinh khả úy, yên tri lai giả chi bất như kim giả. Tứ thập, ngũ thập nhi vô văn yên, tử diệc bất túc úy giả chi.” Phải rồi, họ có một tương lai dài để dùi mài thử thách, có một tương lai dài để thi thố tài năng. Mong rằng họ có cơ hội lớn để trổ tài lớn. Nếu qua bốn năm mươi tuổi mà thời cơ chưa tới, vận hội chưa xoay thì thật đáng buồn sợ biết bao! Cả một thế hệ sau tuột dốc đi lui hơn thế hệ trước. Đó là một đại bất hạnh cho quốc gia, chứ chẳng phải riêng cho họ. Hỡi ơi, Đấng Kim Thượng đã bị bao vây bởi một lũ tiểu nhân, đang trên đà lao xuống vực thẳm. Trên bất chính, dưới tất lọan. Đã lâu, cả nước lâm tình trạng đói kém. Trộm cướp, giặc giã đã đành, lại thêm biên cương bị xâm phạm. Cung đình biến thành sòng bạc, chợ búa. Trời làm khi bão lụt, lúc hạn hán. Ấy là cái lọan âm dương gây ra bởi người .
            Ông khẽ thở dài, ngồi ngay lại. Ông đang giảng về chữ Nhân để học trò ông biết thế nào là đạo làm người . Ông nhìn thấy anh tỏ vẻ sốt ruột ở cuối lớp. Ông biết hôm nay có hẹn với anh. Cuộc hẹn định mạng. Ông hắng giọng:
- “Hễ đã là người tất cần sinh họat nhờ bằng đức nhân. Xa rời đức nhân ra một giây, một khắc tức là sinh mệnh người ấy chết ngay. Nên Phu Tử nói: lòai người với đức nhân quan hệ mật thiết như nước với lửa. Lòai người không có lửa với nước không thể sống được . Nước với lửa vẫn quan hệ mật thiết với sự sống là thế, mà sự sống lại quan hệ với đức nhân còn mật thiết hơn (Nhân chi ư nhân giã, thậm ư thủy hỏa).
Đau đớn thay, người đời bây giờ chỉ biết thủy hỏa là quan hệ với sự sống của ta, mà không biết đức nhân chính là sinh mệnh của ta. Ta thường thấy những người đẩy mình vào thủy hỏa mà chết, chưa thấy người nào đẩy mình vào đức nhân mà chết.
Than ôi! Nhân là sinh mệnh của mình mà không ai vì việc nhân mà liều mình, chẳng là rẻ rúng sinh mệnh mình lắm hay sao? ( thủy hỏa, ngô kiến đạo nhi tử giả hỷ, vị kiến đạo nhân tu tử giả giã)” (8)
Ông giật mình, trong lời giảng ông nhận ra muốn nói với anh. Điều này làm ông đau đớn. Vẫn biết vì dân vì nước mà ông nói. Nhưng mà anh, anh không nhất thiết phải như thế. Ông ngồi lặng yên. Ngậm ngùi.

***
**

Cái miệng anh vẫn ửng màu hoa ấu. Buổi chiều, trên đỉnh gò, chỉ có ông với anh. Hai người im lặng đã lâu lắm. Anh đánh bạo thưa:
- Thưa thầy, điều gì làm thầy lo buồn nhất hiện nay?
Ông quay nhìn anh, rồi lại ngẩng nhìn trời. Gió rất ít. Trời cũng ít mây. Cỏ cây không còn xanh nữa. Mãi sau ông chậm rãi nói:
- Anh biết đấy, lâu nay trời sinh đại hạn. Dân tình đói khổ lầm than. Tất cả có phải tại trời đâu. Mà chính tại người. Gian thần tiểu nhân cầm quyền không biết việc điều hòa âm dương. Ai có lòng nhân cũng phải lo buồn thương xót. Thầy cũng làm sao mà quên được.
Anh nghĩ ngợi giây lâu rồi hỏi:
             - Thưa thầy, tại người mà cũng bởi trời. Trời không tựa nhà Trần nữa chăng?
Ông nhìn thẳng vào mắt anh:
- Lâu nay thầy không còn tin vào vận trời mà chỉ tin vào lòng người . Lọan hay trị cũng do lòng người nghịch hay thuận. Nên hay không, chỉ một chữ Nhân. Anh có lòng cầu học, có lòng thành với cổ nhân, biết lẽ thuận nghịch, hẳn anh hiểu được ý này.
Anh đáp ngập ngừng:
- Dạ con đâu dám thế. Thưa thầy máy âm dương…
Ông hắng giọng, lấy gậy trúc vẽ xuống đất một vòng tròn, bên trong là hình vuông. Ông phân ra năm hướng Đông Tây Nam Bắc và Trung Cung. Ông nói:
- Anh biết máy âm dương này rồi. Có sinh có khắc. Nhưng cũng có luật tương thừa, tương vũ. Thầy đối chiếu với thuyết ngũ hành của phương Nam, lấy hành thủy làm căn bản, thì thấy sinh cũng từ thủy mà khắc cũng từ thủy. Cho nên sinh khắc cùng một thể tính. Tính ấy là tự nhiên. Bản chất của trời cũng là bản chất của người. Trời là muôn lòai, mà rút lại người là một lòai. Muôn lòai đều có tính người. Đều cũng cần một chữ Nhân ấy.
Ông ngừng nói nhìn anh. Anh đáp:
- Dạ con hiểu rồi. Nhưng thưa thầy, có sinh vẫn phải có khắc. Con có thể cố làm hết mình vì con là lòai ở nước, nhưng làm xong việc này, có lẽ …
Anh ngập ngừng. Ông bảo:
- Anh cứ nói.
- Thưa thầy, xin cho con vái thầy.
Ông giật mình:
- Thầy phải cám ơn anh. Anh không cần giữ lễ quá.
Anh nghiêm chỉnh thưa:
- Thưa thầy, kiếp nghiệp của con đã rõ. Dụng thủy là tự hủy thân mình, con sẽ đầu thai vào nhà họ Chu của thầy. Có điều, mãi mãi, chúng con không còn được học thầy nữa.
Ông thấy anh dàn dụa nước mắt. Ông hiểu lời anh nói. Sau việc này, con cháu ông sẽ chịu kiếp nạn mù chữ.

***
**

Người học trò ấy mài mực giữa trưa. Anh cầm bút lông vẩy mực ra bốn hướng. Rồi anh tung cả nghiên lẫn bút lên trời. Giông gió mưa xuống tràn ngập.
Hôm sau, mặt nước đầm cao, hoa ấu nở đầy.
Người ta thấy xác con thuồng luồng nằm chết rất thảnh thơi. Dân làng biết chuyện, đem chôn gần bờ sông Tô Lịch. Nay vẫn còn, gọi là mả Thuồng Luồng (đây là víết theo sách vở và truyền thuyết, tôi chưa kiểm chứng được .)
Có tục truyền rằng nghiên mực anh tung lên rơi xuống làng Bằng Liệt, hóa thành Đầm Mực. Nuớc quanh năm màu đen. Ngọn bút lông thì rơi vào làng Tả Thanh Oai. Cả làng đậu đạt, văn chương rực phát.
Riêng ông Chu Văn An bỏ về Chí Linh ở ẩn. Ông mất ở Chí Linh. Dân làng Cung Hòang nhớ ơn ông lập đền thờ ngay trên nền nhà học cũ. Còn làng ông , Thanh Liệt, không có đền thờ ông. Trong bài Xuân Nhật, có hai câu:
           
Thân dữ cô vân trường luyến tụ
            Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan

Ông tự ví thân đã cùng cụm mây cô độc bay về núi. Còn tấm lòng ông chôn dưới lòng giếng cổ lặng lờ không dậy sóng nữa. Hoặc chữ “bất sinh lan” còn ngụ ý câu chuyện riêng về con cháu ông sau này không dùng chữ, bất dụng thủy.
Theo Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án (thế kỷ 19) viết trong cuốn Tang Thương Ngẫu Lục, thì đến năm Cảnh Hưng, ông Bùi Huy Bích cầm quyền, dò hỏi dòng họ ông còn được mười sáu người, thấy đã đổi sang họ Nguyễn, và đều ngu độn không biết gì, ở vào hạng cùng dân cả. Ông Bùi truyền cho lấy lại họ cũ, và chọn một trẻ em dạy cho học, để sẽ tiến dẫn lên triều đình, xin phong ấm cho. Như việc xưa bên Trung Hoa đối với nhà Nho đời Tống là ông Trình, ông Chu. Nhưng chợt có biến, nên việc ấy chưa làm được.
Tôi viết truyện này lòng dâng nỗi cảm hòai. Người xưa xử việc,vì nước, không vì nhà.


Tường Vũ Anh Thy






[1] Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến Chương Lọai Chí, tập I, Dư Địa Chí, bản dịch của Nguyễn Thọ Dực, Saigon 1972, trang 202
[2] Đời vua Trần Nhân Tông (1279-1293) có ông Nguyễn Thuyên, giỏi thơ Nôm. Ông làm bài thơ đuổi cá sấu, đốt ném xuống sông Lô. Cá bỏ đi. Vua cho đổi họ Hàn, ý ví thi tài ông ngang với Hàn Dũ bên Tầu (Tòan Thư)
[3] Vua Trần Anh Tông (1293-1314) khi mới lên ngôi, thượng hòang (Nhân Tông) bảo: “nhà ta vốn giòng chài lưới, thích hùng dũng, vẽ mình, xâm hình rồng vào đùi. Nay nhà vua phải theo tục ấy mới được . “ Anh Tông, vâng dạ, nhưng thừa lúc Thượng Hòang quay đi, vụt chạy trốn. Thượng Hòang cũng bỏ qua. Tục vẽ mình từ đó không còn ép buộc nữa (Tòan Thư)
[4] Theo Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, Đại Nam tái bản
[5] Đại ý: bắt mạch thì đừng có nói phiền muộn. Ông Trâu Canh chỉ có phận sự cắt thuốc thôi. Nếu cứ nói mãi phiền với muộn, thì ta e rằng càng sinh muộn phiền mãi mất thôi.
[6] Tòan Thư Bản Kỷ, Quyển VII
[7] Sử chép: vua Dụ Tông bị chứng dương nuy (liệt dương). Trâu Canh dâng thuốc: lấy mật người đồng nam hòa với dương khởi thạch. Uống xong phải giao hợp với chị hay em gái ruột. Vua nghe theo. Chị vua là công chúa Thiên Minh đã có chồng, bèn hy sinh ngủ với em. Trước đó, lúc mới 4 tuổi, vua bị chết đuối. Trâu Canh dùng kim châm cứu, chữa khỏi, những bảo vua sẽ bị liệt dương. Vụ này là một nghi án trong lịch sử đời Trần (Trâu Canh là con Trâu Tôn, thầy thuốc người Tàu bị bắt làm tù binh khi quân Nguyên xâm lấn Việt Nam)
[8] Theo Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, SDĐ

Không có nhận xét nào: