điêu khắc

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

MƯA GIĂNG VƯỜN VẢI


chuyện trò
       




Vừa lái xe tôi vừa hỏi :
- Chắc anh có nhiều dịp đến chuà Huy Văn cũ ở Hà Nội ?
- Có ...
- Sao tôi cứ ngờ cái thuyết Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đem giấu bà phi Ngô Thị Ngọc Dao có thai hoàng tử Tư Thành vào chuà Huy Văn ...
Người-bạn-sử-hà-nội chép miệng. Ánh mắt ông cắt ngang không gian như lằn mũi-tên-thời-mỵ-châu-trọng-thuỷ :
- Anh nghi ngờ là phải. Tôi đã mò mẫm xem xét mãi khu di tích chuà Huy Văn cũ mà chẳng tìm được chút dấu vết gì ...
- Thế thì đúng như ông Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án viết rằng người ta hay lầm chuà Huy Văn với chuà Dục Khánh.  Chuà Dục Khánh mới có đền thờ bà phi Ngọc Dao.  Sau thờ thêm vua Thần Tôn chứ không phải Thánh Tôn.  Anh thấy không, một sự lầm lẫn đáng tiếc.  Đáng tiếc nhất là nó làm hỏng hẳn những "dự thuyết lịch sử" mà các nhà sử học Hà Nội các anh đã và đang lập ra ...
Người bạn dúi tay vào lưng sườn tôi.  Ngón cái có móng dài làm tôi hơi đau.  Ông cười bằng mắt :
- Cái ông này hay nhỉ !  Làm gì có "dự thuyết lịch sử" nào chứ ! Mà đâu có phải tất cả những người làm sử ở Hà Nội đồng quan điểm với nhau .
- Sao lại không?  Ngay bộ "Lịch Sử Việt Nam" cuả các anh, tập I in từ năm 1971;  mãi đến năm 1985 mới in tập II .  Khoan nói về những cái nhập nhằng ở tập II là nguyên nhân chính khiến sách đẻ muộn 14 năm.  Hãy nói sơ ở tập I.  Thí dụ trang ảnh "Bút tích Cao Bá Quát" tôi biết là không đúng ...
- Đấy là dân gian truyền tụng.
- Vâng, cứ cho là lời đồn đi.  Nhưng phải ghi rõ đó là lời đồn.  Không thể khẳng định như thế.
   Con đường trước mặt thưa vắng.  Tôi lái xe rất thong thả,thoải mái nhìn ông.  Mái tóc thưa dài cuả ông quay sang.  Ánh mắt vẫn cắt ngang như mũi-tên-thời-mỵ-châu :
- Thật sự thì bộ sử ấy không đáng kể.  Nhiều khuyết điểm.  Bọn tôi làm việc ăn lương,  dưới sự chỉ đạo cuả ông Phạm Văn Đồng.  Làm rất lâu.  Mà kết quả chỉ có thế.
   Đột nhiên giọng ông nhuốm vẻ cay đắng :
- Bộ anh tưởng trí thức ở Việt Nam giá trị lắm hả ?
Nói xong ông châm thuốc lá.  Tôi run lên vì xúc động, quay kính xe xuống vừa một khe. Óc tôi sôi nổi.  KHÓI. Khuôn mặt ông buồn và xa xôi hẳn.  Nốt ruồi trên miệng ông rung rinh.  Lòng tôi cũng sôi nổi bồi hồi.  Trí thức ở miền Nam Việt Nam từ sau năm 1975 đã ra sao?  Di tản, tù đày, vượt biên, chết; đầu hàng hoặc câm điếc cô đơn ? Đột nhiên hình ảnh một trí thức họ Ngô bị họ Đặng dùng roi đánh quặn người đến chết ngay buổi Nguyễn Ánh thống nhất đất nước.  Phải rồi,  đến như ông tổ nhà Hán,  sau khi cưỡi lên được Trung Quốc đã coi khinh trí thức,  thì hành động chôn sống học trò trước đấy của Tần Thuỷ Hoàng đâu có lạ. Môi tôi mấp máy,  nhưng tiếng ông đã vang lên :
- Mình làm việc ở viện đại học Hà Nội rất lâu. Tham dự và chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc họp đột xuất. Hoặc có các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp ...  Đùng một cái,  sáng mai có buổi tập họp phát biểu về văn hoá.  Mãi tối nay mới có người đến từng nhà, từng phòng,  loan báo và mời miệng.  Hôm sau gặp gần 50 khuôn mặt trí thức đại học. Ai nhìn ai cũng thèn thẹn.  Phát biểu gì cũng chẳng quá dăm câu. Hèn thế đấy.  Không ai có dịp bàn trước với ai, hội ý với ai. Tôi vẫn nói: ta có trí thức, nhưng không có giai tầng trí thức .
   Khói. Tôi hạ thấp cửa kính xe hơn. Gió và sương mù uà vào.  Trời San Francisco xám.  Những đám mây thấp chỉ chực rơi đổ.  Tôi nhận ra yết hầu ở cổ mình,  và ở cả cổ ông đều chuyển động. Mắt tôi tuy phải nhìn đường để lái xe, nhưng khoé mắt vẫn NHÌN được ông.  Khoé mắt ấy thông tin cho tôi biết môi ông còn rung rung sau câu nói.  Cánh mũi ông và có lẽ cả vành tai ông còn phập phồng.  Tôi cũng phập phồng. Trong khi khắp thế giới người ta xem trí thức là cốt lõi của thời đại, thì ở Việt Nam trí thức đã và vẫn đang bị ngược đãi ... Tôi quyết định đi tìm chỗ ngồi uống bia cho bớt phập phồng ...

**
   Quán bia Mỹ trang bị bốn màn ảnh truyền hình.  Khung cảnh cuồng nhiệt mà vẫn riêng tư.  Chúng tôi chọn được bàn gần lò sưởi.  Tôi cười bảo :
- Lửa và củi đều giả cả đấy anh ạ.
   Vẻ lóng ngóng cuả người-bansử-hà-nội làm tôi nhớ Thiệp và Nghiã.  Đà Lạt và Sài Gòn.  Nhất là Thiệp, lúc nào cũng lóng ngóng. Thiệp bị bắt ở Đà Lạt trong lúc đang uống cà phê Tùng. Và đang lúc cao hứng nói về văn chương Truyện Kiều :"...cái quan trọng không phải là Nguyễn Du viết Kiều. Cái quan trọng là Kiều sống trong Nguyễn Du ..."  Nói tới đây thì cảnh sát ập vào xét giấy. Ai nấy đều dớn dác. Chúng tôi đang là những thanh niên trong tuổi quân dịch.  Hợp lệ hay không lúc nào cũng nơm nớp.  Bóng người thấp thoáng lô nhô như những chiếc lá khô ngong ngóng gió lùa.  Tôi ngâm đuà : "Người nách súng kẻ dùi cui. Đầu trâu mặt ngựa lùi sùi như nhau ". Tôi không biết Thiệp vưà trốn lính vưà học văn khoa Đà Lạt.  Khuôn mặt Thiệp tái đi rất nhanh làm tôi ngậm miệng.  Khi Thiệp bị bắt chỉ dặn tôi giữ hộ tủ sách và thông tin cho một vài nơi.  Vừa buồn bã vưà bâng khuâng, tôi hấp tấp trở về sau khi dúi tay nhau mớ tiền cuối cùng còn trong túi .  Tôi nhớ Thiệp từng nói :" Nếu Chiêu Lỳ (Phạm Thái) mở với Trương Quỳnh Như một quán cà phê thì mối tình sẽ ...thành tựu" . Tôi bảo : "Tình sử là hàng chuỗi những trở ngại. Dù vượt qua hay không vẫn bất trắc trùng trùng ."  Thiệp cười nhăn nhó : " Khó thế thì tớ làm thế nào bây giờ ?"
   Người nữ tiếp viên son phấn tóc vàng sực nức đến bàn. Tôi gọi bia Tsing Stao. Chúng tôi nâng ly. Mái tóc thưa bạc , người-bạn-sử nghiêng mình :
- Thật là hết ý.
   Tuy chưa về lại Việt Nam nhưng tôi hiểu một số từ trong nước, chủ yếu từ miền Bắc đưa vào.  Như: bố trí, đột xuất, quan hệ, xịn, thi thoảng, sự cố, phản ánh, bảo quản, đương đại, đời thường, hết ý, chí ít ...  Nghe tuy ngượng tai, nhưng ...riết rồi chắc quen ?  Tôi hỏi :
- Anh biết hôm nay là ngày gì không ?
- ???
- Ngày ngũ tứ .
- Mồng năm tháng tư  à ?  Cũng lịch sử lắm chứ nhỉ !
   Chúng tôi cười xoà . Bọt bia trên môi vừa ngọt vừa đắng. Tôi nói :
- Bia này gần hương vị bia Beck's cuả Đức anh ạ .
   Tay ông lần xoay nhãn chai chỉ cho tôi hàng chữ :
- Sản xuất tại Thanh Đảo,Trung Quốc.  Đảo này thuộc Đức. Tuy bia Trung Quốc nhưng kỳ thực là Đức Quốc . Bởi thế anh mới thấy gần với bia Beck's . Nhưng Thanh Đảo ngon và gần gũi hơn .
   Tôi gật gù :
- Thì ra thế . Nhưng gần gũi vì nó tên Thanh Đảo chăng ?
   Ông cười tủm :
- Ông nói chuyện hóm bỏ xừ !
   Tôi giật mình :
- Anh cho là hóm à ? Có lẽ lâu ngày ở Mỹ, nghĩ thế nào quen nói thẳng ra. Ta gọi là ruột ngựa. Không có hậu ý gì  đâu. Người Mỹ có lối nói chính xác. Ta gọi là tính khoa học.  Cái gì thiếu dữ kiện họ không kết luận.  Dĩ nhiên tôi chưa đạt đến mức đó.  Vẫn nhiều lúc lộn xộn lắm anh ạ.  Thí dụ tôi cứ băn khoăn mãi về cái án "Lệ Chi Viên".  Nhiều năm thu thập tài liệu, thiếu dữ kiện.  Mà trong lòng tôi đã cứ muôn kết luận.  Nhưng rồi lại ngần ngại . Hình như tôi nhiễm thói sống và nói khơi khơi.  Đời sống ở đây không có gì phải đối phó nhiều.  Chẳng cần nói dối, chẳng cần khoác loác.  Ít ra là đối với tôi. Mọi thứ cứ y như nó đang là.  Tôi nhớ ra rồi.  Nó khác hẳn Việt Nam.  Thường xuyên đối phó.  Đối phó cả với chính mình phải không?  Trí thức càng dè dặt hơn bình dân. Khổ nhất là cái đối phó ấy chả có gì lớn.  Nó không xứng đáng .
   Ông nắm bàn tay tôi bóp nhẹ.  Mắt ông không ở lằn -tên-thời-mỵ-châu. Tôi nói bất ngờ :
- À này, anh có để ý Nguyễn Trãi là một nhân vật có nhiều giai thoại và truyền thuyết nhất trong lịch sử cuả ta không ?  Từ lúc khởi đầu cuộc chiến chống Minh đã đầy truyền thuyết.  Trong và sau cuộc chiến lại là truyền thuyết.  Cụ chết rồi vẫn là truyền thuyết. Mấy trăm năm sau đến thời Lê Quý Đôn vẫn lại còn truyền thuyết ... Phải nói Nguyễn Trãi là con người cuả huyền thoại. Gần như không có thật. Cho đến bây giờ, nói về cụ vẫn còn là một tranh luận, nhất là vụ án "Lệ Chi Viên".  Tôi nói điều này anh đừng giận: hình như các nhà làm sử ở Hà Nội cố tình mang Nguyễn Trãi ra vì một mục đích : đánh bóng cái " văn minh chính uỷ" ?
   Người-bạn-sử-ở-hà-nội cũng bất ngờ ngồi ngay lên.  Ông lại nhìn tôi với ánh mắt cắt ngang không gian như lằn-mũi tên-thời-mỵ-châu-trọng-thuỷ :
- Cái đó cũng có một phần đúng. Khi phải vận động quần chúng trong cuộc chiến chống xâm lược.  Đảng và nhà nước phải đưa ra những nhân vật lịch sử có lợi.  Điều này chắc anh nếu tham chính cũng phải làm thế thôi.  Tôi không chối rằng cuộc "vận động lịch sử" ấy hơi quá đáng.  Bởi thế gần đây tôi có nói, đất nước đã hoà bình và thống nhất,  điều cần làm là chỉnh lại những khuyết điểm trong chiến tranh.  Về sử, ta phải nghiêm chỉnh hơn. Nói tốt rồi,bây giỡ phải nói mặt trái.  Từ năm 1989, cao điểm cuả phong trào " cởi mở", anh thấy mọi mặt cuả lịch sử đều được đưa ra mổ xẻ.  Có đau đấy, nhưng rất cần. Tôi có viết mấy bài . Để về nhà tôi đưa anh đọc.
- Cám ơn anh trước. Nhưng nói một cách tuyệt đối thì không có sự thật. Việc khai quật những xấu tốt trong lịch sử để làm bài học là điều rất hay.  Bảo đi tìm sự thật thì khó lắm. Vâng,dĩ nhiên chỉ tương đối thôi.  Tôi thưa với anh thế này,nhân "cởi mở" tôi hỏi anh: thế cái vụ án Hồ Chí Minh bán Phan Bội Châu ở Hàng Châu năm 1925, các anh có đưa ra không ?
- Vụ này chúng tôi đề cập lâu rồi. Chính ông Hồ và những nhân vật đồng thời đã phủ nhận chuyện ấy .
   Tôi nóng nẩy :
- Ông Hồ đã chết. Nhưng có biết bao nhiêu tài liệu bằng chứng về vụ án ấy. Các anh không thể phủ nhận khơi khơi như thế được. Tôi cho rằng trong lịch sử Việt Nam có nhiều vụ án lớn mà các nhà làm sử phải quan tâm. Đặc biệt vụ án "Lệ Chi Viên" năm 1442 giết Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ;  vụ án "Giặc Châu Chấu" năm 1854 giết Cao Bá Quát và gia đình; vụ án "Hàng Châu" năm 1925 bán Phan Bội Châu. Mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi triều đại phải chịu trách nhiệm về mỗi vụ án. Nhà Lê, nhà Nguyễn, nhà Hồ. Riêng nhà Hồ còn phải chịu trách nhiệm về cái chết cuả Tạ Thu Thâu ở Quảng Ngãi năm 1945. Ai cũng cho là Trần Văn Giàu đã theo lệnh Hồ Chí Minh để vây giết nhà cách mạng yêu nước này. Tôi tưởng bây giờ là lúc phải làm sáng tỏ . Nhưng,nói xin lỗi anh,ở Hà Nội,hình như có ý đồ chạy tội, nên vừa cho dựng tượng cụ Phan ở Huế, vừa cho phát hành bộ Phan Bội Châu toàn tập những 10 cuốn ?
   Ông vừa cừơi vừa nhắp một ngụm bia,rồi phẩy mấy ngón tay:
- Cái ông này đến là tưởng tượng. Làm gì có ý đồ hay chủ trương gì. Tượng cụ Phan làm từ thời Việt Nam Cộng Hoà các ông. Nay đem ra. Còn bộ Phan Bội Châu Toàn tập cuả Chương Thâu là cá nhân anh ấy ôm ấp sưu tầm . Nhận được con cháu cụ Phan ở nước ngoài cho năm ngàn Mỹ kim để in. Tôi quen biết rất rõ Chương Thâu. Chính tôi khuyên anh ấy lấy bằng đại học để chúng tôi có thể cấp bằng phó tiến sĩ cho luận án cuả anh ấy. Tuy nhiên chúng tôi sẵn sàng chờ ông đưa các vụ án lịch sử ra để chúng ta công khai tranh luận.
   Tôi cũng nhắp một ngụm bia :
- Vâng. Nhưng không phải cá nhân tôi hay ai. Chuyện là chuyện lịch sử và đất nước. Sự quan tâm cuả mỗi người dân là liệu chính quyền có đáng đại diện và hướng dẫn dân không.  Những vụ án, gọi cho đẹp chứ thực là những vết nhơ thời đại, mà người dân đòi phải được giải thích, gột rửa. Tôi cũng biết như anh rằng triều Lê, vài chục năm sau,thời Lê Thánh Tôn (1460-1497) đã minh oan cho Nguyễn Trãi; rồi đến đời vua Lê Tương Dực (1510-1516) ngót trăm năm sau lại có "Chế Tẩy Oan". Mà rốt cuộc vụ án "Lệ Chi Viên" vẫn mập mờ ...
 Nhìn ông bạn già trầm ngâm,tôi tiếp :
- Tình cờ một lần mở truyền hình, tôi xem được đoạn phim "No Where To Hide". Chẳng biết cốt chuyện, tài tử, đạo diễn. Nhưng đoạn phim làm tôi xúc động bất ngờ. Cảnh một người đàn ông quăng hai cái xác thỏ vừa săn được trước mặt một em bé độ bốn năm tuổi. Em hoảng sợ úp mặt vào tay không dám nhìn. Thế rồi người đàn ông làm thân với em. Ông ta cầm xà phòng nhờ em rửa hai bàn tay đầy máu đỏ cuả mình. Phải chăng người đạo diễn kia muốn truyền đi một thông điệp: máu cuả việc ác sẽ được rửa bằng sự vô nhiễm cuả tuổi thơ ? Có thể tôi tưởng tượng và lý tưởng quá chăng? Nhưng tôi tin rằng lỗi lầm cuả các thế hệ trước có thể được các thế hệ sau tha thứ hay gột rửa, nếu ...
- Tôi chia xẻ và có thể đồng ý với anh. Sự lãng mạn cuả các nghệ sĩ vẫn làm cuộc sống dễ thở hơn các luận lý giáo điều. Chỉ tiếc rằng thực tế không đơn giản và lãng mạn như thế. Những lầm lỡ và ngay cả vinh quang cuả quá khứ, đôi khi trở thành nỗi ám ảnh, và mối kinh hoàng.  Nó có thể phủ tối cả tương lai .Không ai chịu học bài học cuả ai ...
- Đúng thế.  Hồi 1975, tôi đọc được hàng loạt bài viết ca tụng chiến thắng miền Nam cuả các nhà văn nhà thơ Hà Nội.  Họ dựa theo bản Bình Ngô Đại Cáo cuả Nguyễn Trãi. Nào là ngày...tháng...chiếm trọn Ban Mê Thuột . Ngày ...tháng... tiến chiếm Pleiku Contum.  Ngày...tháng...đại quân tràn ngập Nha Trang ...Và mãi đến năm 1990-1991 trong bản "dự thảo cương lĩnh chính trị" cuả đảng Cộng Sản vẫn còn say xưa với  trận nội chiến đẫm máu ấy.  Anh biết đấy. Làm thế nào có thể so sánh chiến thắng bình Ngô 1428 với chuyện càn quét năm 1975 được ? Thế giới bây giờ người ta đâu có hãnh diện vì bạo lực. Thôi ta sẽ lạc đề ... Anh uống thêm nữa nhá ?
   Tôi gọi thêm bia và món ăn. Quán đông hẳn lên. Không khí thanh bình vẫn làm tôi xao xuyến. Bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn còn vừa xúc động bùi ngùi, vừa ghen tức với không khí hoà bình thanh thản cuả xứ người . Chả là tôi sinh ra trong một nước chiến tranh lầm than và nhược tiểu. Y hệt như những tác phẩm cuả Asturias Miguel Angel ,Gabriel Garcia Marquez , Isabel Allende vùng châu Mỹ La Tinh; còn đầm lầy, và đầy gió cát .

***
- Anh về Hà Nội chưa ?
- Chưa. Suốt từ 1954 tới giờ. Mà có về cũng lạ lùng thôi. Bởi tôi dời Hà Nội lúc còn bé xíu. Hình như chỉ nhớ cái nhịp cầu Long Biên với hai bờ sông mênh mông. Ah! Thế mà anh biết không, Hà Nội lại rất gần gũi. Tưởng như tôi vẫn ở trong nó. Có lẽ nhờ Nguyễn Du và Cao Bá Quát .
   Người-bạn-sử-hà-nội chợt rất xa xôi. Tôi nhìn thoáng trên khuôn mặt ông những đám mây bay. Ông khẽ ngâm :
- Nhất phiến tân thành một cố cung .
   Giọng ông và câu thơ Nguyễn Du kia bỗng dìm tôi chìm lỉm vào một không gian, và một thời gian không có thật. Lúc đó và ở đó tôi đâu đã sinh ra. Thăng Long 1813. Nguyễn Du 48 tuổi. Chiến tranh đã kết thúc từ 10 năm trước mà giờ ông mới được lần đầu trở lại cố đô. Đằng đẵng hơn 20 năm. Tôi tưởng tượng theo Quang Dũng tả cảnh Hà Nội sau cuộc chiến 1975:  Những hố bom và những xác máy bay,cây cỏ mọc xanh um che lấp.  Nhất là hoa. Hoa nở tràn lên cái cũ để vươn sống thản nhiên. Thành Thăng Long bị phá hủy sạch vào năm 1805. Thay vào đó là một toà thành mới. Tân Thành. Tên Thăng Long chỉ giữ âm, còn đổi chữ đổi nghiã. Tôi nói bâng khuâng :
- Hình như có một cái gì rất nhịp rất đau với câu :"nhất tướng danh thành vạn cốt khô "anh ạ .
   Người bạn lại nhìn tôi bằng đôi- mắt-thời-mỵ-châu-trọng-thủy.  Ngón tay trỏ rất gầy khẽ chạm vào người tôi :
- Anh rất thính. Câu thơ ấy tôi đã từng đọc vào một lần rất đặc biệt. Bấy giờ ông Hồ mới chết. Tôi được cùng với người bạn làm kiến trúc có nhiệm vụ xem xét di tích một nền đất cũ để xây lăng ông Hồ. Chúng tôi đào được nhiều cổ vật lắm. Tôi vốn chuyên về khảo cổ, nên biết chắc đây là một cung điện cũ triều Lê.  Thường thường người ta phá huỷ cái cũ để xây cái mới. Không phải là "có mới nới cũ đâu" .
- Vâng, tôi hiểu. Phá cũ thay mới chứ không phải "đổi mới"
- Ông vẫn cứ hóm. Để tôi kể tiếp. Trong lúc đào bới mân mê các cổ vật,ngay trên nền cung điện cũ ấy,sẽ là lăng ông Hồ,tôi đã buột miệng đọc lên:"nhất phiến tân thành một cố cung". Chưa bao giờ tôi thấm thía Nguyễn Du như thế .
   Câu chuyện cuả ông làm tôi vừa bàng hoàng vừa tư lự. Nhân vật Hồ Chí Minh trong lịch sử và trong đời sống thường được trộn lẫn. Tôi có hai người bác họ. Một người họ Lê bên bà nội tôi. Một người họ Vũ bên ông nội tôi. Thời Tây bác Vũ làm tham tá. Ở Sài Gòn bác là chánh nhất toà phá án. Phúc hậu, đoan chính và thanh liêm; đó là tất cả những nét đẹp tôi nghĩ về bác. Một đêm ở Sài Gòn vào năm ông Hồ mất, tôi được nghe bác kể về ông Hồ :
- Rất cừ tiếng Pháp. Bác nói. Ông Hồ thường giải quyết mọi khâu ngay tại chỗ. Bác có nhiều dịp làm việc với ông Hồ nên phải công nhận ông ấy rất quyền biến và thông minh. Ông ta lại có một lối thanh tra đặc biệt các cơ sở hạ tầng. Để bác kể một ví dụ cháu nghe. Một buổi cùng đến viếng thăm khánh thành một cơ quan nọ . Ông Hồ không xem xét gì cảnh vật phòng ốc tươm tất trước mắt, mà rảo bước đi thẳng vào khu vệ sinh. Thấy nhà cầu chưa đủ tiêu chuẩn, lập tức ông khiển trách. Ông ta khẽ bảo bác : "Gì thì gì chứ nhà xí mà không ra hồn thì cái gì cũng chả ra hồn ." Đấy, đại để ông Hồ ăn nói bình dân và hành xử cũng bình dân.
   Bác Vũ còn kể nhiều chuyện,giọng đượm sự nể nang. Năm ông Hồ chết, ở Sài Gòn tôi thấy nhiều người kín đáo đeo băng tang đen. Bấy giờ ông Hồ đối với tôi là một huyền thoại, như nhân vật Tào Tháo trong Tam Quốc Chí cuả La Quán Trung. Nhân cái chết cuả ông Hồ, lần đầu tiên tôi mới được nghe bác Vũ tâm sự , và tôi mới biết ông Hồ có nhiều cộng sự viên đã bỏ ông vào Nam. Tôi đã hỏi bác Vũ :
- Cái gì làm bác bỏ ông Hồ ?
   Bác Vũ trả lời :
- Ông ấy theo đệ tam Stalin nên đã giết người nhiều quá. Rất thẳng tay. Đôi khi không cần thiết hoặc có thể thay đổi được, nhưng ông ta vẫn giết .
   Sau tháng 4 năm 1975, bác Vũ bị đưa đi cải tạo. Tôi ở Mỹ được tin bác chết lặng lẽ trong tù. Cái chết tuy không đau đớn kinh dị như cuả anh Vũ Tiến Đạt, nhưng rất ngậm ngùi. Người em ruột cuả bác Vũ đang là viên chức quan trọng cuả nhà nước cũng không can thiệp được. Giòng họ Vũ chúng tôi, xưa kia vốn khởi từ họ Mạc, mộ tổ ở Đông Triều. Vào đầu thế kỷ thứ 17, trong một cơn binh biến, họ Mạc tản mác. Mỗi chi giữ một viên ngọc có khắc chữ,và cứ chiếu theo chữ ấy mà dùng làm họ. Chi cuả giòng chúng tôi chạy về Thái Bình, đổi từ họ Ngô sang họ Bùi, rồi cuối cùng là họ Vũ Tiến cho đến ngày nay đã là đời thứ 18. Tôi thuộc đời thứ 14, và cũng là đợt học trò sau cùng của ông Tổng Quỳ , một nhà giáo nổi tiếng nhất họ đã đào tạo  nhiều "nhân tài", trong đó có bác Vũ và cả người em ruột kia (cũng là bác tôi). Tôi chưa đọc hết gia phả giòng họ đã bỏ chạy sang Hoa Kỳ .
   Tôi kể câu chuyện này với người- bạn-sử-ở-hà-nội,thì ông rất trầm ngâm. Lâu lắm .
   Tôi bất chợt sôi nổi :
- Cái gì làm cho Nguyễn Trãi đến với Lê Lợi ?  Mặc dù biết rõ Lê Lợi là thô bạo (ăn uống bốc bải nhồm nhoàm khi thái thịt dưới bếp). Sau này, càng thấy rõ Lê Lợi hiếu sát, giết không biết bao nhiêu cộng sự viên. Mà Nguyễn Trãi vẫn cộng tác ?
   Mắt ông dầy dặc những lằn-tên-thời-mỵ-châu.  Tôi hơi ái ngại quay nhìn ra vườn. Hoa quả rụng đầy trên cỏ xanh. Trời bỗng lất phất mưa. Những hạt nước nghiêng trong nắng trông như hoa đốm tưng bừng .

****
   Người bác họ Lê, ở Sài Gòn tôi rất ghét. Lý do đơn giản là bác Lê đã ngồi xử vụ án 19 nhân sĩ năm 1963, trong đó có Nhất Linh.  Bấy giờ tôi còn là học sinh trường Nguyễn Trãi. Máu phản kháng thường rất cực đoan. Hình như  ngày 7 tháng 7 năm 1963 chúng tôi đã được đọc lời tuyệt mệnh cuả Nhất Linh : "Đời tôi để lịch sử xử . Tôi không chịu để ai xử cả ..." Hôm đó chúng tôi tụ tập ở nhà anh Đạt (khu cư xá Trương Tấn Bửu). Khi biết rõ Nhất Linh đã uống độc dược quyên sinh, tôi bật khóc. Anh Đạt bảo : "Này ! Con trai không được khóc. Ích gì ?". Tôi đạp xe tới biệt thự cuả bác Lê. Lính gác có vũ trang quanh nhà. Tôi cũng được vào nhưng không gặp bác. Bác rất hách dịch, và rất lạnh lùng. Chỉ có bác Lê gái là bao giờ cũng ngọt ngào vồn vã. Tôi chẳng biết bày tỏ sự phản kháng cuả mình với ai. Những người trong gia đình này rất khả ái , chỉ trừ bác Lê trai. Tôi ấm ức trở về .
   Bất ngờ ở Mỹ tôi gặp lại bác Lê. Bác đã già lắm. Vẻ hách dịch lạnh lùng ngày xưa không còn nữa. Chúng tôi nói chuyện cởi mở. Bác Lê đang viết hồi ký. Tập đầu bác nhờ tôi xem và hiệu đính. Không vồn vã, tôi đem bản thảo cuả bác Lê về đọc. Tuổi trẻ, bác Lê yêu cuồng nhiệt, căng thẳng. Bác từng ngồi ghế xử vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng cuả triều Nguyễn và cuả Việt Nam. Cũng từng làm việc với ông Hồ. Cái gì đã làm bác Lê bỏ ông Hồ vào Nam ? Tôi chắc rằng không phải như bác Vũ. Bởi vì bác Lê không sợ giết người; cũng không sợ những người giết người .
   Khi tôi hỏi người-bạn-sử thì ông hỏi lại :
- Có lãnh tụ nào không giết người ? Ngay ông vua nổi tiếng nhân đức là Lê Thánh Tôn mà đã từng giết ba bốn trăm ngàn người Chiêm Thành ...
- Tôi không nói  về chiến trận . Mà ...
- Vâng . Tôi hiểu chứ. Nhưng anh phải biết, ông Hồ là một người đặc biệt, sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt ,có thể nói cha ông là đứa con hoang. Ông cũng hoạt động trong bối cảnh đặc biệt cuả lịch sử ...
   Tôi nóng nẩy :
- Lãnh tụ nào cũng sẽ đặc biệt cả anh à. Cha ông Hồ chứ chính ông Hồ là con hoang cũng đâu có sao. Lý Công Uẩn là con hoang đấy. Tôi không kết án gì ông Hồ cuả anh cả. Chỉ là kể về các cộng sự viên cuả ông mà tôi biết, đã bỏ ông ; để ta có thể nhìn ra một khiá cạnh nào đó về những nhân vật lịch sử .
   Thấy người bạn gật gù , tôi thấp giọng hơn :
- Tôi có quen rất thân với một người vừa là nhà cách mạng,vừa là luật sư, vừa là nhà văn lý thuyết gia, và lại là một cư sĩ Phật Giáo. Ông từng tham chính với chức vụ Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng. Tôi có hỏi cái gì làm ông cộng tác với vị thủ tướng ấy. Thì ông trả lời rất đơn giản : " Vì ông ấy không giết người. Suốt thời gian cầm quyền "lúy" không giết một ai cả "... Trở lại câu chuyện bác Lê cuả tôi. Lý do bác bỏ ông Hồ không phải vì ông Hồ giết người hay không giết người. Cái lý do hết sức cá nhân là bác ấy ... mê vợ. Mà năm 1954 bác Lê gái quyết ý vào Nam theo họ hàng ...
   Chúng tôi cùng cười xoà . Cơn mưa phùn đã tạnh. Nắng chợt bừng lên. Tôi hỏi :
- Anh có muốn mình đi dạo một lúc không ?
   Ông hăng hái nhận lời .
   Con đường tôi đi hàng ngày dẫn đến một cái hồ nhiều liễu và vịt trời. Nhìn những con vịt đứng một chân,dấu đầu trong cánh, lặng lẽ tuyệt đối, tôi vẫn tự hỏi sao tôi không làm được? Óc tôi lúc nào cũng cứ nghĩ ngợi triền miên ...
*****
   Tôi từng gặp vị sĩ quan đã cùng đoàn xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975; chỉ để hỏi cho biết tâm trạng họ lúc đó. Ông ta nói giọng chân tình :"- Bấy giờ chúng tôi rất đói , rất khát và rất mệt. Chỉ có một niềm vui rộn rã là : à ! hết chiến tranh rồi ! Nghiã là sẽ hết đói, hết khát, hết mệt và hết thấp thỏm sợ hãi ... Riêng tôi nằm ngưả ra bãi cỏ , nhìn trời xanh và mây trắng qua những tàng lá ..."  
Tôi chưa bao giờ được hưởng cảm giác ấy. Suốt thời thanh niên ngụp lặn trong chiến trận, cận kề cái chết ... Đến những ngày tháng di tản sang  Hoa Kỳ, tuy đã ra ngòai cuộc chiến, mà tâm thần vẫn hoang mang đau đớn ...  Mãi gần đây, khi bị bệnh và phải tập thở tôi mới có chút cảm giác an bình. Cái an bình của tuổi hiểu được cuộc đời là giòng sông đã đến gần cưả biển ... Mà biển là tàng thức...chứa chấp mọi nhân sinh. Thời gian trên những giòng sông chính là cuộc đời. Mười mấy năm sau tôi gặp lại người sĩ quan ấy, mắt đã kéo sợi. Tôi không còn nhìn thấy niềm hy vọng cuả ông thường ôm ấp. Kể cả những nhớ nhung ...
   Riêng người -bạn -sử-ở-hà-nội của tôi đã không còn nữa! Đôi mắt ông vĩnh viễn khép lại. Sợi râu trên nốt ruồi bên cằm sẽ không còn lung linh ...
    Những ngày cuối năm , tôi chập chững rũ bỏ mọi quá khứ, dù có mặt hay không có mặt. Tôi đang bước những bước đầu đời ... một cuộc đời khác, sau ba mươi năm ở Mỹ .
san jose 1992 -2005
Tường Vũ Anh Thy


Không có nhận xét nào: