điêu khắc

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Cao Bá Quát: tình hiện ra lời





Ở một bài thơ khác đề ngày 17 tháng 10, có lời ghi chú của ông:”trong khi bị tra tấn, rách da nát thịt, đẫm máu; khiêng về ngất đi đến hai trống canh mới tỉnh lại”(đắc tấn thời, bì nhục binh liệt, dư quy, khí tuyệt, nhị canh hử nãi phục sinh). Tỉnh lại, Cao Bá Quát gượng đau làm luôn một lúc bốn bài thơ. Sự kiện khiến ta cảm phục. Nó cho thấy sức mạnh nội tâm của ông, cuồn cuộn như thác đổ. Nó cũng cho biết vụ án kéo dài và nghiêm trọng.
Trong thơ, ông tả lại lúc bị tra tấn, đùng đùng như sấm gầm chớp giật, tấm thân ông trơ trọi. Bạn hữu và người quen nhìn thấy kinh hãi mà không dám hỏi, không dám gọi. Khiêng về, khắp người đau đớn nát nhừ, bềnh bồng như chìm vào cơn mưa bão ác liệt, mê đặc đi trong trời đất cuồng quay. Đến khi tỉnh lại sửng sốt thấy giọng khan cổ nóng, ngất ngư. Bất giác thương thân, thương đời. Ông nghĩ đến cái đêm mưa gió dầm dề, hoàn cảnh ướt át khổ cực của đám quân Tào Tháo ở Hán Trung, nghĩ đến cái thế giằng dai lưỡng lự, bỏ thì tiếc, giữ thì vô vị như cái gân gà (kê lặc) mà Tào Tháo dùng làm khẩu hiệu mật mã rút quân. Nghĩ đến Dương Tu vì làm tài khôn mà bị giết. Nghĩ đến phận mong manh của mình như nghìn cân treo sợi tóc, như mồi ngon móc trước râu hùm; kể cũng đáng sợ lắm chứ. Hình như suốt thời gian ở tù, Cao Bá Quát vẫn có người nô bộc theo săn sóc. Ông nhắc đến người ấy luôn, cảm động vì chú ta không bỏ ông, dù ông gặp cảnh bi đát quẫn cùng. Chú ta luôn quanh quẩn, cuống quit hầu hạ giúp đỡ ông. Bây giờ đây, chú đang ứa nước mắt tìm lời an ủi ông. Ông ví chú như Đỗ Lượng là người hầu Tiêu Dĩnh Sĩ, một người biết nhiều hiểu rộng đời Đường, dù đôi khi bị chủ quở mắng đánh đập, Đỗ Lượng vẫn không oán giận bỏ đi, còn nói: tôi rất mến trọng ông Tiêu, vì ông là người có tài. (Cao Bá Quát dùng điển tích này để tự an ủi rằng mình cũng là người có tài nên chú người hầu mới không bỏ đi khi ông bị ngồi tù.)

THẬP NGUYỆT THẬP NHẤT NHẬT
Cấp lôi bôn điện nhất thân cô
Thức hữu kinh khan bất cảm hô
Dư khứ hốt mê phong vũ ác
Tỉnh lai sậu quái ngữ âm thù
Bán sinh mệnh bạc thương kê lặc
Cửu tử tâm toan khiếp hổ tu
Đa tạ Tiêu gia cựu thời bộc
Khấp tương ôn ngữ úy vi tu

NGÀY 17 THÁNG 10
Sấm chớp giật tấm thân trơ trọi
Bạn bè quen không dám thăm nhau
Khiêng về mê đặc cơn đau
Như mưa chợt tỉnh giọng khan sững sờ
Quanh co nghĩ thương đời hờ hững
Mạng như treo sừng sững miệng hùm
Cảm ơn chú bạn trong cùm
Giữa khi hoạn nạn vẫn đùm bọc ta

Ông lại nghĩ đến công cha nghĩa mẹ, ông vẫn biệt tăm nơi chân trời xa thẳm. Nghĩ đến kiếp người lưu lạc bị bạc đãi, vẫn lê lết sống giữa trần gian nheo nhúc này. Tại sao con người lại bị sinh ra trong sự bất toàn của cuộc sống? Ông muốn nói cho to lên tiếng nói của kiếp người không được làm chủ cuộc đời. Hay ông muốn bày tỏ với cuộc đời niềm cảm thông hòa điệu? Giữa người với người không phải là những tinh cầu riêng biệt, không phải là những sa mạc mênh mông. Ông không tin rằng người ta sinh ra chỉ để đi đến chỗ chết, mà sinh ra để sống trong tự do. Nhưng có phải ông tin vào thuyết “tài mệnh tương đố” không? Trời đất có cái nhỏ nhen của trời đất, lúc nào cũng rình rập, nghe ngóng, ghen tài ghét sắc với giai nhân thi sĩ? Cho nên có nói thì nói nho nhỏ, có đàn thì đàn khe khẽ, chớ có ồn ào mà lộ chuyện tân toan.

Cù lao di thể gia hương ngoại
Nô hủ dư sinh khung nhưỡng gian
Nghĩ hướng bình nhân thoại tâm sự
Đê thanh trường khủng ngộ thiên khan

(Công cha mẹ, thân con phải tội
Đời lê thê lặn lội trần gian
Muốn đem tâm sự ra bàn
Ngại câu “tài mệnh” nên đàn giảm âm)

Có lẽ cái sự vụ càng bị đàn áp càng chống đối; không chống đối được bằng sức mạnh của bắp thịt, thì chống đối bằng sức mạnh của thi ca; và cái sự chống đối càng da diết lắm càng oan trái nhiều. Càng oan trái lại càng muốn hàng phục cái định mạng trở cơn. Càng muốn hàng phục cái định mạng trở cơn lại càng thấy bị đàn áp. Cho nên giòng thơ cứ bật tuôn lai láng. Cao Bá Quát gọi là “tình hiện ra lời” (tình hiện vu từ)

Hàng ngày nơi nhà giam, đối diện với một thứ hư vô khủng khiếp của riêng kiếp lao tù, ông thấy đời mịt mù tối tăm. Đôi lúc hình ảnh của chính ông hiện ra đầy xa lạ. Một mình nằm trên chiếc võng, ông không nói gì, mắt trừng trừng nhìn vào khoảng không. Khoảng không đang nói gì? Nó thầm thì một lời gọi kêu? Hay nó kêu gọi một không gian lồng lộng đi về? Đi về trong trong sử lịch tồn sinh hay về trong cố quận xa khơi? Như cánh chim bằng bạt gió. Hay chính là gió bạt cánh chim? (Bình nguyên Lộc có một tập truyện ngắn rất hay, cái tựa rất mực tài tình: NHỐT GIÓ). Trời mùa thu gió mưa rả rich, mờ mịt lạnh lẽo bội phần. Suốt đêm một mình một bóng, ông vẫn ngồi như mọc rễ xuống nhà giam. Đó là cái phàm thai của một người bị khước từ, hay cái xác của một nhà thơ vẫn nồng nàn yêu con người, yêu trời đất quê hương? Hồn ông mơ về nơi thành khuyết. Mơ về nội cỏ rừng sâu. Hỡi ơi! Ta là ai giữa rừng sâu trái chín? Ta là ai trong phố cũ hè xưa? Đâu là cái bản lai chân diện mục? Đâu là cái hình hài không có có không? Nhìn xuống cái gông cái cùm lại dâng niềm sầu thảm. Khóc cho lệ ứa đầu trăng, cho lệ chan đỉnh núi, cho cạn máu sông dài. Trong tù, thỉnh thoảng cũng có người đến lân la quán khách. Cũng biết ngâm biết đọc, biết tọc mạch tò mò ông trời xanh bà trời trắng. Thường đến hỏi chữ nghĩa với ông: một người đang bị tù vì chữ nghĩa!

TỨC SỰ
Nhãn khan cao điểu độc phàn lung
Tự ỷ thằng sàng bất ngữ trung
Ngũ dạ tâm tình đăng đối ảnh
Nhất thu cảnh vật vũ giao phong
Mộng hồi thành khuyết hồn nghi khách
Lệ sái hành dương huyết bính không
Cách xá hà nhân giải ngâm tụng
Lũ tương văn tự vấn cơ ông

TỨC SỰ
Cánh chim bay giữa trời nhốt gió
Võng một mình gió nhốt cùng ai
Thâu đêm chiếc bóng miệt mài
Mùa thu hiu hắt cho dài nhớ thương
Mộng thành xưa ngỡ hồn vất vưởng
Gông với cùm lệ tưởng máu khô
Bạn tù chữ nghĩa vu vơ
Thường đem han hỏi cái thơ ông tù

Cái thơ ông tù mỗi lúc một chứa chan. Hình như chính trong cõi đắng cay chua chát, người thơ mới rút ra được những tinh túy, những mật ngọt hương thơm của cuộc đời và tình người. Và cũng chính từ đó lòng ông cũng dịu dàng đi theo một nếp gấp tài tình của cánh chim hồng bay bổng.
Cùng nhà giam với Cao có người chủ sự họ Nguyễn làm việc coi kho vũ khí, đem cái gông dài làm đề tài, nhờ Cao vịnh thơ. ( cái sự vụ này thật đáng mắc cười, cắc cớ trớ true, tréo cẵng ngỗng cho ông lắm nhỉ!) “Tự nghĩ mình đã một phen cuồng ngâm thống ẩm bốc bay thì đắng cay phải trả chứ còn nông nỗi gì mà than van điều nọ tiếng kia? Có điều nọ tiếng kia là trong đêm khuya thanh vắng, lòng tự hỏi lòng, đời ta chả có điều gì đáng thẹn với cái gông này. Lại khi vắng vẻ buồn buồn, tình hiện ra lời, (những toan đối đáp với gông), dằn lòng không được. Kịp may ông bạn gợi ra, được lời như cởi tấm lòng, ta cười ha hả viết ngay (ba bài thơ thẩn). Gông dài! Gông dài! Mi biết ta chăng? Ta đâu có xứng đôi vừa lứa, đâu có tâm đầu ý hợp gì với mi!” (Tự duy sở cuồng, tội sở ưng đắc, cảm phục hà ngôn? Độc hạnh thâm dạ vấn tâm, sai kham vô qui thử vật nhĩ. Cùng sầu tịch liêu trung tình hiện vu từ, mồi bất năng tự cấm. Trường giang! Trường giang! Tri ngã hồ? Ngô vô thích vu nhĩ dã.) Đó là lời ghi chi ly về ba bài thơ Trường Giang Thiên.
Bài thứ nhất Cao Bá Quát chỉ thẳng cái gông mà nói rằng nó chỉ là cái máy không biết nói năng chi, chỉ biết làm nhục người ta là giỏi. Giơ tay lên cũng vướng nó, lằng nhằng cái thẻ tre thẻ bài ghi tội phạm nhân. Xo vai lên cũng vướng nó, xốc xếch cả tấm áo quần mỏng tanh, cụt cỡn. Sáng sớm vác nó ngược gió đi khai cung, chiều tối lại lếch thếch vác nó, vác cả ánh trăng trở về. Đêm nằm thì hoảng hốt nghe tiếng sấm sét gầm gừ với giấc mơ. Mơ thấy cái roi song dài to tướng quật tứ tung xuống xác thân không dãy dụa được giữa hai cái nọc.
Bài thứ hai gửi gấm nhiều hơn. Tay mắc gông lòng tự hỏi lòng. Hỏi sao đời ta mắc mớ gì mà lại gặp nó. Gặp nó rồi, vác nó đi, ngẫm nghĩ không có điều gì thắc mắc, rắc rối dối gian thì “đi với nó không hổ với bóng, nằm với nó không thẹn với chăn”. Trời đất có băn khoăn là băn khoăn kiếp người, thân thế trăm năm bỗng như thanh củi giạt, cành cây trôi. Suốt ngày vất vả lao đao trong cái lưới đời oái oăm thâm độc, lộng giả thành chân, biến đen thành trắng, tìm vết bới lông. Ta muốn chẻ cái gông ra làm hai mảnh viết một bài công dân giáo dục, tình nghĩa giáo khoa thư. Một bài đạo học dễ nhất cho lớp đồng ấu: thương người như thể thương thân, thấy là việc thiện thì mau thực hành.
Bài này ngoài sự tự nói với chính mình về những cái khắt khe ấm ức của bản án chữa văn, còn là lời nhắn gọi và trấn an gia đình, bằng hữu thân thuộc. Thành ngữ: đi một mình không hổ với bóng, nằm một mình không thẹn với chăn, ông mượn lời Thái Nguyên Định đời Tống bị tội oan, viết thư bảo con cái đừng thấy cha bị bắt mà lo sợ hoảng hốt. Ông cũng nhắc đến Nghêu Phu đời Tống có bài “thiện sự ngâm”, đại ý người ta làm việc thiện vì việc thiện đáng làm. Tích này ông mượn để nói rõ việc chữa văn cho thí sinh là việc thiện phải làm. Đã làm đúng việc thì không hối hận băn khoăn.   Cùng ý đó, ở bài sau Cao Bá Quát lấy thành ngữ: cúi xuống không hổ với đất, ngẩng lên không thẹn với trời. Đã là thân trượng phu can đảm dũng lược thì chân bước trên con đường danh phố lợi vẫn ngực ưỡn đầu cao. Không đếm xỉa gì đến điều nọ tiếng kia, thiệt này lợi nọ, ở hay đi, không hay có, được hay thua cũng không phải đạt thành vấn đề quan thiết. Bởi thế ông viết: “Ta không bận tâm đến chuyện đi hay ở.” Đi hay ở cũng có nghĩa là đi làm quan hay ở nhà cày ruộng. Đó là ý xuất nhập bao hàm trong triết học tam giáo. Ở đây thêm cái hiện thực sinh tồn riêng biệt, nó khiến tư tưởng nhà thơ có một sức mạnh lạ lùng. Câu này sau ông gửi cho các học trò như một lời tâm sự khác thường về ý hướng hành động của ông. (xem phần sau). Trở lại bài thơ, ông nhắc đến Hạ Hầu Thắng đời Hán, giỏi kinh thư, chỉ vì tranh luận về tên thụy của Vũ Đế mà bị hạ ngục. Nhắc đến Tô Đông Pha, vì chống Vương An Thạch mà bị truất; sau lại vì vài bài thơ cũng bị ở tù. Cả hai nhân vật ấy cuối cùng rồi cũng được tha, ra làm quan như cũ. Phải chăng ông hy vọng ở ý ấy, hay chỉ là lời an ủi cốt giữ cho người thân an tâm; hay chỉ nhắc lại như một kinh nghiệm lịch sử mà ông vẫn lầm lẫn bước vào? Bước vào ta mới thấy ra: cạm là thế ấy bẫy là thế kia. Bước vào ta mới thấy mọi sự vụ rất ly kỳ quái dị là “ngôi sao rượu” như ta mà lại bị nhốt trong tù! Nhìn cái gông, trông như cái thang. Giá nó là cái thang mây thì ông sẽ cười ha hả khoa tay leo lên theo gió. Lên cao chín từng mây thoát tục, thoát tù, để thấy :bóng thiều quang thấp thoáng bóng Nam san. Ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ (bài Chén Rượu Tiêu Sầu)

TRƯỜNG GIANG THIÊN
I
Nhậm giao thùy thị nhậm thùy phi
Tổng dữ nhân gian quản nhục ky
Thướng thủ bạn tương tam xích giản
Hiếp kiên duệ trước ngũ thù y
Hiểu từ phế thạch khai phong khứ
Mộ bạng ô đài quải nguyệt qui
Ký đắc tạc tiêu kinh tích lịch
Hỏa tiên biên xứ lẫm thiên uy

(Trái với phải kệ ai phải trái
Cái gông đeo là cái nhục rồi
Giơ lên vướng mảng tội đồ
So vai áo mỏng cơ hồ rách toang
Sáng ngược gió vác gông khai báo
Chiều đeo trăng ngơ ngáo về cùm
Đêm qua sấm chớp đùng đùng
Cái roi nhóa lửa thị hùng thị uy)

II
Thủ bả trường giang cánh khấu tâm
Ngô sinh vị để mạn tương tầm
Ngẫu hành vị khả đa tăng ảnh
Bạn thụy ưng tri bất quí khâm
Đỉnh đỉnh bách niên bi ngạnh phiếm
Lao lao chung nhật tỉnh cơ thâm
Tiện đương tế chúc song hàng tả
Minh trước Nghiêu Phu thiện sự ngâm

(Bị cùm trói hỏi lòng có biết
Mắc mớ gì gặp miết cái gông
Lòng rằng đã quyết thì không
Đi không hổ bóng ngủ không thẹn lòng
Thân trôi dạt trăm năm ròng rã
Cám cảnh tù vất vả ngày đêm
Chẻ gông ra viết một thiên
“đã làm đúng việc an nhiên ở tù”

III
Đạp hướng danh đồ bất điệu đầu
Ngã vô hành dã diệc vô lưu
Thi tài đáo để liên Tô tử
Thư nghĩa chung tu thuyết Hạ Hầu
Trước cước khởi tri cơ sự giới
Phấn nhiêm trường quái tửu tinh tù
Hà đương giá tác vân thê khứ
Nhất tiếu thừa phong ổn xấn hưu

(Bước vào đời đầu ngay ngực thẳng
Ở hay đi chẳng bận lòng ta
Hạ Hầu cho tới Đông Pha
Vào tù ra khám vẫn là thơ văn
Đời quàng cẳng chửa tin mắc bẫy
Vểnh râu lên sao đã bị tù
Vác gông làm cái thang mù
Cười vang một trận leo vù lên mây)

tường vũ anh thy 1982 (trích Cao Bá Quát: Giữa Hồn Thiêng Sông Núi, Ức Trai xuất bản 1985 )

Không có nhận xét nào: