điêu khắc

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Cao Bá Quát: Tiếng Hát Giữa Rừng





Năm tân hợi 1851 là năm mở đầu những biến cố lớn. Sử sách ghi chép chuyện Hồng Bảo là biến cố đầu tiên, cũng là nguyên nhân của nhiều cuộc rối loạn khác về sau. Nguyên năm đinh mùi 1847, vua Thiệu Trị mất, truyền ngôi cho con thứ là Hồng Nhậm, lúc đó đã được 19 tuổi. Tháng 10 năm đó, Hồng Nhậm lên ngôi hiệu là Tự Đức. Con cả là Hồng Bảo, tức An Phong Công, bị coi như không đủ tài đức, sống ấm ức với một số quần thần. Vua Tự Đức lên ngôi đã có ý dò xét và ngăn ngừa không riêng gì Hồng Bảo; vua cho người nghe ngóng dân tình, nhất là ở miền bắc đang có nhiều rối loạn, các cựu thần nhà Lê vẫn chưa quên cố triều. Năm Tự Đức nguyên niên (mậu thân 1848) nhà vua ra dụ cấm đạo Thiên Chúa, xử tử các giáo sĩ ngoại quốc, thích chữ vào mặt và lưu đày các giáo dân. Một mặt triều đình tổ chức cuộc tiếp đón sứ thần Trung Hoa là Lao Sùng Quang, tuần vũ Quảng Tây, lần đầu tiên đến kinh đô làm lễ bang giao. Đây cũng là đầu mối cho việc “mê thơ” của vua và quần thần. Nguyên nhà vua muốn “lo cho quốc vận tương lai”, mới sai góp nhặt các văn phẩm gọi là kiệt tác xưa nay, dồn thành một tập gọi là “Phong Nhã Thống Biên” để thù đáp sứ Tầu.(Tùng Thiện Vương – sách đã dẫn tr.105-106)
Trong thời gian đó, Hồng Bảo ngầm giao thiệp với giáo dân, và giáo sĩ ngoại quốc. Lợi dụng sự bất mãn chính trị của nhiều tổ chức khác, Hồng Bảo định làm đảo chính. Nhưng mãi đến năm 1851 vẫn chưa khởi sự được, vì các giáo sĩ chưa tán thành việc tham gia chính trị? Nhân ngày tết tân hợi, Hồng Bảo sửa soạn trốn sang Tân Gia Ba để cầu viện người Anh, thì bị bắt. Tầu còn neo ngoài khơi, bị khám xét và giữ lại với những tang chứng. Hồng Bảo để đầu bù, ôm đứa con mới 6 tuổi  vào đại nội khóc lóc thảm thiết. Ông trình bày với vua Tự Đức là ông không cố ý gọi người ngoại quốc vào gây loạn, mà chỉ muốn xa lánh mọi người để tránh sự khinh khi tủi nhục. Ông xin được đi Pháp sống đời thường dân. Vua Tự Đức tuy không bắt tội, nhưng giam lỏng Hồng Bảo ở kinh đô Huế. Việc này gây náo loạn khắp nơi. Ta có thể đoán chắc rằng Cao Bá Quát không dính dấp gì, nhưng việc đổi ông đi Quốc Oai ngay sau đó, hẳn triều đình cũng có sự nghi ngờ. Bởi ông chơi thân với Tùng Thiên Vương. Ở Huế, Tùng Thiện Vương thường được ví với Bình Nguyên Quân, nhà lúc nào cũng có hàng trăm người khách. Tùng đi lại rất thường với Hồng Bảo. Câu chuyện còn kéo dài đến 15 năm sau, mà Tùng có nhiều liên hệ mật thiết. Nhưng ta đã biết, sự giao du giữa Cao Bá Quát với Tùng Thiện Vương là ở phẩm cách nghệ thuật, có đôi chút nghĩa khí. Trong một bài thơ gửi Tùng Thiện Vương, nhân được tặng thơ và quà, Cao Bá Quát phần buồn vì con gái mới chết,  xa nhà đã lâu; phần ngao ngán không khí kinh thành; ông đã viết thẳng ý nghĩ của mình ra. Nguyên văn:

TÌNH HIỆN HỒ TỪ
(Thương Sơn Công hữu sở quỹ vật kiêm trí hảo thi,
bộc phương nhiễu vu thất tử chi thích, cảm thế giao khẩn.)
Cứ ngô tiêu tán tự trường ca
Sấu cốt chi ly ủng mấn hoa
Lão khứ văn chương tri kỷ thiểu
Bần lai khẩu phúc lụy nhân đa
Hương viên mộng trở tam thu lạo
Nhi nữ sầu liên bạc mộ nha
Thùy dạo Mao khanh thành lục lục
Bình Nguyên môn hạ cánh tha đà.

Nhà thơ buồn quá đâm ra hát nghêu ngao. Hát nghêu ngao để thấy mình càng buồn rũ. Càng thấy mình như một nắm xương gầy tóc bạc. Văn chương trong lúc tuổi già càng ít gặp tri kỷ. Mà hoàn cảnh cô đơn nghèo túng vì phong cách thanh cao càng gây ngộ nhận. Ông nhấn mạnh hai chữ “miệng và bụng” với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi vì miệng và bụng vẫn là một cái vạ, chuyên làm rầy người ta. Bây giờ lòng ông chỉ nhớ nhà, hồn mơ về quê, mà bị nước lụt mùa thu làm ngăn cách. Ông thương đứa con gái phải xa cha, chết bất ngờ. ( trong bài Mộng Vong Nữ, ông nhắc lại mãi.) Giữa buổi chiều chạng vạng, trong tiếng quạ kêu sương, ông buồn không chịu nổi. Cảnh ấy, tình ấy, ông thấy mình vô tích sự giữa cuộc đời. Thấy mình có lỗi với bạn văn. Riêng với Tùng Thiện Vương, ông như là một môn khách, sống lần lữa hết ngày nọ tháng kia. Xoàng hết sức xoàng! Không được như Mao Toại thời Chiên Quốc, môn khách của Bình Nguyên Quân (công tử nước Triệu). Mao Toại cũng sống lần lữa nơi nhà Bình Nguyên Quân, không tỏ ra tài ba xuất sắc gì. Nhưng khi có biến cố khẩn trương giữa nước Triệu và Sở, thì Mao Toại đã gỡ rối, giải nguy cho Bình Nguyên Quân. Cao Bá Quát nhắc lại chuyện này, tỏ ra không dính dáng đến hành động chính trị nào với Tùng Thiện Vương.

TÌNH HIỆN RA LỜI
(Ông Thương Sơn biếu quà, kèm bài thơ hay,
ta đang rối bời vì con chết, xúc cảm mãnh liệt.)

ngâm nga mãi phờ ra tựa ghế
tóc bạc rồi trơ phế thân gầy
văn chương ít bạn tỏ bầy
nghèo già bụng lưỡi làm rầy người ta
thu nước lụt, hồn mơ quê cũ
quạ kêu chiều ủ rũ nhớ con
dè đâu Mao Toại xoãng xoàng
lần chần lữa chữa trong nhà Bình Nguyên

Ngay sau vụ Hồng Bảo, vua Tự Đức ra sắc dụ mới hết sức nghiêm ngặt về đạo Thiên Chúa: xử tử tất cả mọi giáo sĩ Việt Nam và Âu Tây trên toàn lãnh thổ. Giáo dân coi như đồng lõa với kẻ phản nghịch. Sắc dụ ra ngày 21-3-1851, thì ngày 1-4 năm ấy xử chém giáo sĩ Augustin Shoeffler, 29 tuổi, tại Sơn Tây, nơi Cao Bá Quát tới nhận nhiệm sở mới.
Sử sách triều đình ghi rất ít về chính sách của vua quan Tự Đức; nhưng những vụ nổi loạn khắp nơi, ngay ở kinh đô từ năm 1851 về sau khiến ta có thể ngờ rằng chính sách đó không được lòng dân.
Trong bài Quá Quảng Trị Tỉnh, Cao Bá Quát hé lộ cho ta thấy một vài khía cạnh chính trị và xã hội thời đó:

QUÁ QUẢNG TRỊ TỈNH
Lưỡng quan nam quá nhập nam trung
Nhập đáo Minh lương tự bất đồng
Sơn hải chỉ nghi Tề cận lợi
Lũ thường hoàn tưởng Ngụy dư phong
Cô thành tọa trấn thiên lâm thế
Sa chử binh liên nhất thủy không
Truyền đạo lục long cận tuần hạnh
Mỹ xuyên cung ngoại hựu tân cung

Qua hai cửa ải phía nam là vào hẳn miền trung nam. Vừa đến sông Minh Lương (Hiền Lương), cảnh đã khác. Chỉ thấy núi với biển; giống nước Tề thời Xuân Thu, rất nghi ngờ triều đình chỉ tham cái lợi trước mắt. (có ý chê nhà Nguyễn đóng đô ở Phú Xuân đất nghèo, chiến lược phòng thủ yếu; lại tỏ ra thiếu tự tin về việc bình định dân tình bắc hà.)
Lại thấy dép với xiêm người ta dùng thô mỏng; càng ngờ như nước Ngụy bỏn xẻn hà tiện cũng thời Xuân Thu, dân chỉ đi dép vải rất mỏng. ( trong cuốn Tùng Thiện Vương có nói đến việc bà Nguyên Cơ họ Trương, quê ở Quảng Ngãi, nơi có thổ sản dừa, mới nghĩ cách lấy bẹ làm má giầy, lấy vông làm quai, thành đôi “dép dừa” cho ông Hoàng Mười Tùng Thiện Vương đi thăm nàng Tiều Bạch. Sau dân bắt chước đua nhau đi “dép dừa”.)
Tòa thành trơ trọi đứng giữa rừng âm u. Từng bãi cát liền nhau trải mênh mông không thấy nước. Nghe đồn gần đây xe sáu rồng của vua Tự Đức đã qua chơi. Ôi không biết ngoài hành cung Mỹ Xuyên ra còn có bao nhiêu hành cung nào mới dựng ?

QUA TỈNH QUẢNG TRỊ
Qua hai ải đến trung nam Việt
Giòng Minh Lương phân biệt phong tình
Dép xiêm thô mỏng thân hình
Biển Tề núi Ngụy triều đình đáng nghi
Tòa thành cũ một mình đứng chắn
Rừng cát dài như ngắm biển xa
Nghe đồn vua mới vừa ra
Lập thêm cung mới để mà vui chơi

Bài thơ có thể được viết vào thời gian Cao Bá Quát được gọi về viện hàn lâm từ năm 1847, rồi bị đổi đi Quốc Oai 1851. Điều đáng nói là cái nhìn của Cao Bá Quát về chính sách thời Nguyễn. Ông không thể tin được nhà Nguyễn sẽ đem lại no ấm cho dân, cường thịnh cho nước. Có lẽ ông làm bài Thượng Lưu Điền Hành để cảnh cáo vụ án Hồng Bảo. Ông có lời dẫn: Xưa, tương họa ca, sắt điệu; có bài hành Thượng Lưu Điền. Thượng Lưu Điền là tên đất, ở đấy có nhà kia cha mẹ chết sớm mà người anh không nuôi   em. Người láng giềng thay người em, làm bài hát điệu thê lương chê người anh gọi là Thượng Lưu Điền.(Cổ tương họa ca, sắt điệu, hữu Thượng Lưu Điền hành. Thượng Lưu Điền địa danh dã, kỳ địa nhân hữu phụ mẫu tử nhi huynh bất tự kỳ cô đệ giả, lân nhân vị kỳ đệ tác bi ca dĩ phúng kỳ huynh, viết Thượng Lưu Điền.) Bài này Cao Bá Quát cố tình dùng hai loại cây, hai câu chuyện: cây giao nhượng và cây tử kinh. Cây giao nhượng mọc trên núi Kim Sơn, biết nhường nhau, cứ một năm phía đông tươi, tây héo; năm sau phía tây tươi, đông héo. Còn cây tử kinh là loại cây cảnh rất lớn, màu hoa tím đỏ tía. Có ba anh em nhà họ Điền chia gia tài; khi chia đến cây tử kinh, định cưa cây làm ba. Nhìn ra sân thấy cây đã héo sắp chết; ba anh em bèn thôi không chia gia tài nữa. Cây bỗng tươi tốt trở lại.
Biết đâu chính bài thơ này đã ảnh hưởng đến những quyết định không quá tàn độc của vua Tự Đức đối với Hồng Bảo như sử sách đã ghi. Ta cũng biết đến năm 1855, Hồng Bảo chỉ huy cuộc đảo chính ở kinh đô, có sự tham dự của ngoại quốc. Việc không thành, vua Tự Đức bắt giam Hồng Bảo chung thân; nhưng ông tự thắt cổ chết. Tùng Thiện Vương là người hoàng tộc duy nhất đến tống táng và làm điếu văn.
Không khí chính trị rất ngột ngạt ở kinh đô bấy giờ đã khiến Cao Bá Quát thở dài. Thâm tâm ông đã muốn ra đi, thì bây giờ ông càng muốn xa hẳn vùng trời ô nhiễm ấy. Có lẽ ông lên đường rất sớm, ngay sau hôm gửi thơ cho Tùng Thiện Vương.
Ra khỏi kinh thành là núi, núi xanh chập chùng như con đường vô tận. Chân bước đăm chiêu. Chỉ có những đám cỏ ven núi tiễn ông. Thấp thoáng ở xa kia là ngôi thành cổ - thành Hời – hay thành Ông Ninh ( do Trịnh Ninh sửa chữa lại của Chiêm Thành trong thời Trịnh – Nguyễn phân tranh.) còn sót lại sau bao trận thư hùng trong lịch sử. Hỡi ơi! Người anh hùng cũng không làm sao kéo lại được nước đã ngàn năm, mệnh đã suy tàn, triều đại đã hư nát. Trên đỉnh núi phía bắc, mưa vừa tạnh, mây còn vương vất. Làng xóm phía nam tươi hồng trong nắng sớm. Xuống đến chân núi, mới thấy lên núi rất nhọc mệt. Chợt nghe lòng bùi ngùi, thương thân mình còn dính dáng day dưa với thói đời.

Sơn ngoại thanh sơn vạn lý trình
Sơn biên dã thảo tống nhân hành
Anh hùng mạc vãn thiên niên quốc
Chinh chiến không tồn nhất lũy danh
Bắc lĩnh đoạn vân thu túc vũ
Nam trang sơ hiểu đái tân tình
Hạ sơn phản giác đăng sơn khổ
Tự thán du du ủy tục tình

Đó là nguyên văn bài ĐĂNG HOÀNH SƠN, chúng tôi mượn để tả lại khung cảnh và tâm tình Cao Bá Quát khi từ giã Thừa Thiên đi Quốc Oai năm 1851.

LÊN NÚI HOÀNH
Đường muôn dặm non xanh bát ngát
Cỏ ven đồi san sát tiễn đưa
Lũy xưa chiến trận vang lừng
Nghìn năm vận nước anh hùng khôn xoay
Đỉnh núi bắc mây quang mưa tạnh
Xóm trời nam nắng mạnh vàng tươi
Xuống non lên núi công người
Ngậm ngùi thân thế để đời cuốn trôi

Hoành Sơn là dãy núi giáp giới 2 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh. Có lẽ Cao Bá Quát làm khi đã qua đèo Ngang. Đây là con đường giao thông quan trọng bắc - nam. Phải chăng ở bài thơ này ông nhìn thấy bắc – nam như một niềm phấn khởi? Ông đã thấy cuộc leo trong quan trường rất gian nan khó nhọc; cuộc xuống núi trở về sẽ thơ thới hân hoan? Chỉ có kinh thành vua quan triều Nguyễn là một guồng máy chạy một chiều, và chạy với nhau!
Hỡi ơi! Đó là tâm tình của Cao Bá Quát đi về giữa hồn thiêng sông núi. Những vết chân ông còn vang vọng mãi trên núi đồi, dưới cánh đồng bát ngát, trong rừng xanh ngan ngát , và ngoài biển sóng mênh mông của quê hương đất nước, đồng nhịp với những bước chân sau trước của những người con yêu dấu của mẹ Việt Nam.


tường vũ anh thy 1982 (trích Cao Bá Quát: Giữa Hồn Thiêng Sông Núi, Ức Trai xuất bản 1985 )






Không có nhận xét nào: