Ngựa sắt về trời, tên để sử
Hồn thiêng lồng lộng khắp non sông
Tôi dịch hai câu thơ trên trong một giấc mộng buổi sáng 17 tháng 10 năm 1989. Đó là hai câu cuối của bài thơ tứ tuyệt ở “Lĩnh Nam Chích Quái”, truyện Phù Đổng Thiên Vương, do Vũ Quỳnh và Kiều Phú sưu tập từ thời nhà Lê (cuối thế kỷ 15):
Thiết Mã tại Thiên, danh tại sử
Uy linh lẫm lẫm mãn giang san
Lòng tôi lan man chan chứa hình ảnh, và tư tưởng về vị anh hùng dân tộc làng Gióng được thần thánh hóa thành Phù Đổng Thiên Vương.
Thánh Gióng là chân dung kỳ vĩ nhất của tuổi trẻ Việt Nam trên đường giữ nước, khi đất nước lâm nguy. Hình ảnh người anh hùng tuổi trẻ này gắn liền với ngựa sắt, roi sắt, và tre chuối lau sậy của làng mạc quê hương. Cùng với ông là những nông phu chân chất, những bà mẹ già quê mùa hiền hậu, những em bé thơ ngây, những thôn nữ mộc mạc, những thanh niên thật thà. Cùng với ông là quả cà nén dưa, là cơm nếp cơm tẻ, là củ dong củ khoai, là mẻ tôm mẻ cá, là rổ rá phên mẹt… Ông hiện ra sừng sững giữa một cảnh đồng ruộng mái gianh, nhổ từng cụm tre gai đánh đuổi giặc xâm lăng tàn ác như đánh đàn chó sói man rợ. Vó ngựa sắt rầm rập như đất lở. Tiếng ngựa hí như trời long. Và cánh tay ông rực rỡ và hùng tráng như cánh núi chân đê.
Thánh Gióng là một sự kết hợp kỳ lạ giữa làng mạc với kinh đô, giữa quân và dân, giữa bình dân và trí thức, giữa thần và người. Thánh Gióng được khai sinh từ lòng dân, là giấc mộng của người dân, lại là chỗ nương tựa của chính quyền. Thánh Gíong là kết quả của tình yêu đất nước, là sức mạnh thần kỳ của tuổi trẻ trong sáng và lý tưởng trên đường kết hợp tòan dân, tòan quân giữ nước. Và trên hết, Thánh Gióng còn là giòng tư tưởng bát nhã Hy Mã Lạp Sơn, hòa điệu với tinh thần thiên ái tự nhiên của Hòang Liên Sơn.
Có thể những suy nghĩ của tôi đang đi vào chỗ … hoang đường! Tôi như một người say ngầy ngật cả ngày với sự suy nghĩ và toan tính viết về Thánh Gióng. Đến chiều thì xảy ra cụôc động đất lớn. Sự rung chuyển mãnh liệt, đột ngột và chớp nhoáng, làm tôi chóang váng khó chịu. Điện và điện thọai đều bị cắt đứt. Tôi bỏ sở về nhà. Cơn động đất vẫn còn bàng hòang châu thân. Cảm giác lắc lư không vững. Nhưng tôi bỗng nhận ra một điều: hình ảnh Thánh Gióng cũng đột ngột và mãnh liệt hiện ra trong làng Gióng, giữa chiến trường với giặc Ân, như một cơn động đất lớn.
Cơn động đất kéo dài không quá mươi giây mà làm rung chuyển sụp đổ biết bao nhà cửa cao ốc từ bờ biển Santa Cruz đến vịnh Marina. Làm sụp hẳn cây cầu vĩ đại nối liền eo biển Oakland-San Francisco. Làm sập đổ hàng cây số xa lộ hai tầng của thành phố Oakland. Làm hàng trăm chiếc xe hơi lớn nhỏ dẹp lép. Làm rất nhiều người thiệt mạng. Làm hàng triệu người bị chấn động thần kinh.
Sự xuất hiện của Thánh Gióng trong truyền thuyết cũng nhanh chóng và đảo lộn tất cả mọi toan tính của dân cũng như của giặc. Ông ăn uống nhiều đến độ cả làng cả nước phải vận động mọi thứ thực phẩm từ quả cà đến bò trâu đem cung ứng. Ông cao lớn đến độ không đủ vải may phải vận động cả cỏ lau để che thân. Rồi ông phi ngựa ra trận như một cơn bão lốc, thần tốc và chuẩn đích. Giặc không kịp đánh đã tan. Chưa kịp tan đã quỳ gối xin hàng. Cả một vùng di tích: tre ở làng Cháy còn sém lửa ngựa phun – móng ngựa ở Kim Anh, Đa Phúc đến Sóc Sơn là những vũng ao hồ, những vết nứt như miệng núi lửa đã nguội. Phải chăng đó là kết quả của cơn động đất lớn thời Hùng Vương có tên là Thánh Gióng?
Tôi tò mò đọc kỹ mấy cuốn sử như Đại Việt Sử Ký của Ngô Sĩ Liên, đều có ghi rõ những cuộc động đất xảy ra ở Việt Nam. Sử chỉ không ghi mức độ chấn động, và sự thiệt hại do các cơn động đất ấy để lại.
Bây giờ ngồi đây, ở thành phố San Jose, rất lặng lẽ, tôi nhìn về Việt Nam, nghĩ về Thánh Gióng, nghĩ về thế kỷ 21 đang gần kề.
Tình hình thế giới đang sôi động bất ngờ, từ Ba Lan đến Trung Hoa. Sau cuộc biểu tình vĩ đại nhất trong lịch sử cận đại của Trung Hoa ở Thiên An Môn, là hàng loạt sự đề kháng ở Đông Âu. Người ta nhìn thấy rõ hơn sức mạnh của tuổi trẻ - súc mạnh của người dân. Sự chuyển động chính trị cũng như sự chuyển dịch của đất, sẽ tạo ra sức chấn động mà người ta gọi là động đất. Đường nứt Thái Bình Dương cũng là đường nứt chính trị đã để lại sau hai cuộc thế chiến. Nếu những tiên đóan về một cuộc động đất khủng khiếp sẽ xảy ra trước hoặc sau năm 2000 mà đúng, thì tôi tin rằng thế chiến thứ ba sẽ xảy ra như thế. Lần này không phải bằng vũ khí, mà bằng … tâm lý. Sự chuyển động tâm lý, chính trị, sẽ tạo ra cuộc … động lòng. Có lẽ cuộc động lòng sẽ khủng khiếp vĩ đại hơn cuộc động đất.
Tôi kể lại chuyện Thánh Gióng trong khi chờ động đất và động lòng trên thế giới. Câu chuyện sẽ phối hơp từ nhiều nguồn tài liệu. Ý chính tôi dựa theo bản Lĩnh Nam Chích Quái. Câu chuyện thế này:
SỰ TÍCH THÁNH GIÓNG
Ngày xưa vào thời Hùng Vương, nước Văn Lang được thái bình vô sự [1], nhưng vua Ân bên Tàu có ý dòm ngó, lấy cớ vua Hùng thiếu lễ triều cống, bèn giả đi tuần thú để chiếm Văn Lang.
Vua Hùng được tin, họp quần thần bàn kế đánh giữ. Có phương sĩ tiến lên thưa: [2]
- Không gì bằng cầu Long Vương để được âm trợ.
Vua Hùng nghe theo, bày hương án, lễ vật, thắp hương tế trọn ba ngày thì trời
bỗng mưa to, sấm sét ầm ầm. Rồi chợt có một ông già cao lớn, mặt vuông, bụng to, mày râu trắng bạc, ngồi bên đường hát múa, nói cười. Kẻ nhìn thấy, cho là người phi thường, bèn tâu lên vua. Vua chân thành đến chào hỏi, mời vào. Ông già không ăn uống, không nói năng. Vua đến trước mặt hỏi:
- Nay nhà Ân sắp sang đánh, được thua thế nào? Ông lão biết gì xin hãy bảo trước.
Ông già lấy thẻ bói ra, hồi lâu tâu:
- Ba năm nữa giặc mới đến.
Vua lại hỏi kế đánh giặc giữ nước. Ông già bảo:
- Phải chỉnh đốn khí giới, tinh luyện quân sĩ làm uy thế cho nước. Khi giặc đến, tìm trong thiên hạ ai là kẻ tình nguyện phá giặc thì phong tước lộc, hễ tìm được người ấy tất dẹp được giặc.
Nói xong ông già bay lên trời đi mất, vua quan mới biết là Long Quân giáng hiện.
Đúng ba năm sau, quân Ân xâm lấn. Vua Hùng theo lời ông già, cho sứ giả đi khắp nơi tìm người tình nguyện dẹp giặc. Bấy giờ ở hạt Vũ Ninh, làng Phù Đổng ( tục gọi làng Gióng) có hai vợ chồng già mà chưa có con.[3] Một hôm, bà ra vườn hái hoa thấy dấu một bàn chân to lớn nên gọi chồng ra xem. Ông bảo bà đưa chân ướm thử. Bỗng nhiên bà cảm ứng mang thai. Đến kỳ mãn nguyệt khai hoa, bà sinh ra một trai khôi ngô kháu khỉnh. Nhưng em bé đã lên ba tuổi mà vẫn không biết nói, không biết ngồi, chỉ nằm trơ trơ. Bà mẹ lo buồn lắm. Khi sứ giả đến làng, bà nói bỡn với con rằng:
- Mẹ sinh thằng con này chỉ biết ăn, không biết đánh giặc để hưởng phần lộc triều đình, mà đền công bú mớm của cha mẹ.
Em bé nghe mẹ nói bỗng bật tiếng:
- Mẹ gọi sứ giả vào đây xem việc gì thế?
Bà mẹ vừa hỏang vừa vui, báo khắp làng là thằng con đã biết nói, còn đòi gặp sứ giả. Cả làng kinh lạ, đón sử giả về nhà Gióng. Sứ giả hỏi:
- Bé con mới biết nói, gọi ta đến làm gì?
Bé Gióng ngồi hẳn lên bảo:
- Hãy về tâu vua đúc cho ta con ngựa sắt, roi sắt, nón sắt, ta sẽ tình nguyện đội nón cưỡi ngựa, cầm roi đánh tan quân giặc.[4]
Sứ giả nghi ngại về tâu vua. Vua Hùng vui mừng nói:
- Ta không còn phải lo giặc nữa.
Quần thần đều thưa:
- Một đứa trẻ con làm sao đánh nổi giặc?
Vua bảo:
- Đấy là Long Quân cứu ta, như lời ông lão trước đây, không phải thuyết suông, các ngươi chớ nghi ngờ.
Rồi vua Hùng cho tìm sắt đúc ngựa, nón và roi. Sứ giả đem tất cả đến làng Gióng. Bà mẹ sợ tai vạ hỏi con:
- Chuyện bỡn mà hóa thật. Bây giờ làm thế nào để thóat tội dối vua?
Bé Gióng cười lớn mà rằng:
- Mẹ đừng lo. Cứ có nhiều cơm cho con ăn là đủ.
Rồi đứa trẻ bỗng lớn mau như thổi. Cơm của mẹ không đủ, áo của mẹ không vừa. Cả làng thi nhau đem thức ăn đến cung cấp. Bao nhiêu bé Gióng cũng kêu chưa đủ no bụng. Người ta giết cả trâu bò lợn gà, bắt cả cua ốc, huy động tất cả mọi thứ thực phẩm cho bé Gióng. Vì sức lớn quá nhanh, không ai kịp may áo quần vừa bé Gióng, nên người ta phải kết cỏ lau lá chuối che thân cho Gióng.
Bấy giờ quân Ân đã kéo đến Trâu Sơn. [5] Bé Gióng bèn vươn vai đứng lên,thành người cao lớn phi thường, oai phong lẫm lẫm. Ông nghểnh mũi hắt hơi mười lần, cầm roi hét lớn:
- Ta là thiên tướng đây!
Rồi ông đội nón, cưỡi ngựa, vỗ một cái, ngựa sắt phi như bay về phía giặc Ân. Quan quân theo sau, giàn thành trận thế dưới núi Trâu Sơn. Ông Gióng một mình một ngựa vung roi giết giặc. Đến khi roi gẫy, bèn nhổ tre gai màu ngà ở bên đường quất vào quân giặc. Quân Ân chết nhiều quá, số còn lại đều sụp lạy qui hàng, gọi ông là Thiên Tướng.
Ông Gióng phi ngựa đến núi Vệ Linh thì cởi bỏ áo mũ, cả người và ngựa bay lên trời.
Vua Hùng nhớ công lao, không biết làm sao báo đáp, bèn tôn làm “Phù Đổng Thiên Vương”, lập đền thờ ở vườn nhà trong làng Phù Đổng, lấy ruộng trăm mẫu làm lễ xuân thu hàng năm.
Từ đó quân Ân không dám dòm ngó nước ta. Man di bốn phương nghe tin đều thần phục.
Sách Lĩnh Nam Chích Quái chép bài thơ rằng:
Vệ Linh xuân thụ bạch vân nhàn
Vạn tử thiên hồng diễm thế gian
Thiết mã tại thiên, danh tại sử
Uy linh lẫm lẫm mãn giang san.
Nghĩa là:
Núi Vệ Linh cây xuân mây trắng nhàn nhã che phủ
Màu sắc muôn hồng nghìn tía đẹp thế gian
Ngựa sắt ở trời, tên tuổi ở sử sách
Uy linh lẫm liệt tràn ngập núi sông.
Cái công của Thánh Gióng là giữ nước, chống xâm lăng. Uy linh của Thánh Gióng còn hiển lộ nhiều lần trong lịch sử giữ nước của ta. Nhưng câu chuyên Thánh Gióng vẫn là những biểu tượng đặc biệt của tư tưởng Việt Nam:
THÁNH GIÓNG: BẢN VIỆT CA TRUYỀN THỐNG
Ta không khẳng định được chuyện Thánh Gióng đã lưu truyền từ bao giờ. Dân gian đặt ông vào hàng “Tứ Bất Tử” gồm: Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đạo Tổ (Chử Đồng Tử) và Tiên Mẫu Liễu Hạnh. Đó là những nhân vật được thần thọai hóa mà người Việt bao giờ cũng tin là có thật. Riêng Phù Đổng Thiên Vương tức Thánh Gióng còn được dân gian diễn lại hàng năm cái cuộc đời và sự ngiệp của ông, gọi là Hội Gióng. Cuộc diễn hào hứng và vĩ đại hơn tất cả mọi đại kịch bản nào trên thế giới. Bởi vì sân khấu là cả mấy làng mấy huyện trải dài từ Bắc Ninh tới Vĩnh Phú. Diễn viên và khán giả gồm tất cả dân chúng:
Mồng bẩy Hội Khám, mồng tám Hội Dâu
Mồng chín đâu đâu trở về Hội Gióng
Hội Gióng bắt đầu vào ngày mồng chín tháng tư âm lịch. Cuộc tế lễ linh đình hào hứng, và đặc biệt ở chỗ vừa tế chay, vừa tế mặn. (làng Gióng tế chay, làng Sóc tế mặn). Dân gian đặt ra những bài hát nói, hát chầu văn, hát chèo cỗ, hát quan họ…
Ta hãy thưởng thức một bài môm na theo điệu trống và nhịp chiêng, sau khi kể lại sự tích Thánh Gióng, bèn tả cuộc rước hội Gióng:
…
Quốc dân khang thái
Đời nhớ Hùng Long
Ban quạt ban tán
Ơn đức bề trên
Ban quạt ban tán
Ban về hội Gióng
Đã toan ngày rày
Người lại ban cho
Một đôi lồng mũ
Ban đủ thờ thần
Người lại ban cho
Một đôi chum ngô
Đem về rước nước
Thờ thánh đại vương
Người lại ban tiền
Về xem Hội Gióng
Hiệu cờ hiệu trống
Cho chí hiệu chiêng
Áo chít quần liền
Rỡ ra kéo hội
Dưới ao múa rối
Kéo hội ở trên
Xe ngựa cửa đền
Dĩ ngưu dịch mã
Phù giá thong thả
Được chữ nhàn nhã
Hội lại kéo đi
Cho đến quản Bạc
Thiên hạ nhao nhác
Về xem hiệu cờ
…
Người hát thường đệm các chữ “là”, “mà”, “á”, hoặc lập lại chữ vừa hát. Đó là những cuộc hát hội truyền thống, vừa thể hiện lòng kính trọng Thánh Gióng, vị anh hùng dân tộc bất tử của Việt Nam, vừa tỏ ra vui thích thân mật với nhân vật thần thọai này.
Phân thích truyện Thánh Gióng cùng một số truyện tích lịch sử khác, ta thấy nhiều điểm trùng hợp:
1- Thánh Gióng cũng như Chử Đồng Tử, và sau này ở Đinh Tiên Hòang, Lý Công Uẩn, … đều có chung nét trẻ thơ, thuần nhất tấm lòng vô nhiễm. Dân gian nuôi dưỡng tấm lòng trẻ thơ như một lý tưởng chung trong công cuộc giữ gìn và xây dựng đất nước. Trẻ thơ hay tuổi trẻ, chính là lòng dạ của dân gian, trong sáng, can đảm và vô vị lợi. Chữ “Đồng Tử” còn hàm ý triết lý cao sâu về con người ban sơ tiến đến con người đắc đạo. Đồng Tử, hay hài nhi, tiểu nhi, hay trẻ thơ, tuổi trẻ, là biểu tượng của cái ban sơ chân diện mục, có khả năng hòa và hóa để vượt. Chính Chúa Jesus Christ đã nói ở Phúc Âm: “Ta bảo các ngươi biết sự thật này: nếu các ngươi không trở lại như trẻ thơ thì các ngươi không vào được nước Thiên Đàng. Kẻ nào tự nhỏ đi như đứa trẻ thơ kia, kẻ ấy sẽ lớn nhất trong nước Thiên Đàng.”
2- Truyện Thánh Gióng lại xuất hiện người già chỉ điểm cho vua Hùng. Ông già này biểu tượng cho Long Quân, nhưng cũng biểu tượng cho bậc bô lão đáng trọng. Bô lão khuyên vua đánh giặc giữ nước bằng cách “chỉnh đốn khí giới, tinh luyện quân sĩ, làm uy thế cho nứơc” trước, để lòng người có chí chiến đấu. Khi lòng vua, lòng tướng, lòng quân, lòng dân đều có chung một lòng giữ nước chống xâm lăng thì quân giặc tất phải hỏang sợ. Sự ra đời của Thánh Gióng chỉ là kết quả hiển nhiên của tòan quốc một lòng. Cho nên ta có thể nói khi nào tòan quốc một lòng giữ nước thì có Thánh Gióng xuất hiện.
Bất cứ thời nào trong lịch sử, người già cũng giữ trọng trách quyết định. Sự thể hiện cao độ nhất của người già là Hội Nghị Diên Hồng ở đời Trần (thế kỷ thứ 13) khi các bô lão thời ấy đồng giữ nước thì tòan dân cũng một dạ diệt thù. Kết quả là ba lần giặc Nguyên bị thất bại. Thánh Gióng có thể là Trần Hưng Đạo, có thể là Hai Bà Trưng, có thể là Triệu Quang Phục, có thể là Đinh Tiên Hòang, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học… nghĩa là bất cứ vị anh hùng dân tộc nào có công giữ nước. Các bô lão phát động công cuộc giữ nước, thể hiện được ở lòng dân, và tuổi trẻ sinh động gánhvác, để kết thúc trong cuộc sống hòa ái, an nhiên, thanh bình và thơ mộng.
Vì thế truyện Thánh Gióng có thể gọi là một bản Việt ca truyền thống. Nó nói lên sự đồng lòng đồng sức của mọi giới quân dân, từ già tới trẻ, từ vua tới quan, từ thành tới thôn ấp xa xôi hẻo lánh. Nó đồng vọng mãi những bản hùng ca bất tử của dân tộc.
THÁNH GIÓNG, NGỰA SẮT, VÀ TRE NGÀ : SỨC MẠNH GIỮ NƯỚC
Thánh Gióng ra đời trong bối cảnh của đồng ruộng, ao quê. Ông lớn lên do công của cha mẹ, và công của xóm làng đất nước. Chính cái công ơn to lớn ấy đã tạo cho Thánh Gióng cái vóc dáng kỳ vĩ trác tuyệt. Vết chân vĩ đại ngòai vườn khi mẹ ông ướm chân mình vào phải chăng biểu hiện cho “đôi hia bảy dặm”, cho sự vuợt hóa thần kỳ của ông: từ đứa bé lên ba biến thành thiên tướng khổng lồ. Con ngựa sắt biểu tượng cho lòai ngựa chiến to lớn, khỏe mạnh và rắn chắc như sắt đúc, [6] và chiếc roi sắt, cùng với tre gai sau này, biểu tượng cho hình phạt quất vào mặt để trừng trị mọi giống xâm lược.
Sách Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sỹ (thế kỷ 18) có chép chuyện Thánh Gióng, kể rằng dân chúng đã thờ chính con ngựa của Thánh Gióng: “ Lại xét trong khỏang núi huyện Quế Dương, nay hãy còn ngựa đá, gẫy làm hai đọan, đầu ngựa và hai chân trước đứng ở bên núi, thân ngựa và hai chân sau nằm ngả ở dưới núi, ở đỉnh núi, có nền nhà cũ, tục gọi là “cằn vương đài” bị Đổng Thiên Vương đánh phá vỡ, núi có tre sắc vàng lốm đốm, Thiên Vương cưỡi ngựa sắt, nhổ tre đuổi quân giặc, quân giặc thua chạy, đến núi Sóc Sơn huyện Kim Hoa, Thiên Vương bay lên không đi mất, cho nên có đền thờ ở thôn Thanh Tượng huyện Kim Hoa, nay ở đền cũng có ngựa đá.” [7]
Thế thì ngựa sắt của Thánh Gióng cũng là ngựa thánh. So với ngựa Xích Thố của Quan Vân Trường đời Tam quốc mà dân Trung Hoa đã phong thánh cho vị anh hùng và con chiến mã này, ta thấy ngựa sắt của Thánh Gióng :
Lạ thay ngựa sắt tự nhiên
Giẫm lên động đất , thét lên dậy trời
(Thiên Nam Ngữ Lục)
Tục truyền rằng vó ngựa của Thánh Gióng in dấu thành các vũng nước hình tròn chạy dọc suốt đường sắt từ Bạch Hạc tới Yên Viên, có vết chân ngựa giống như vết nứt ở miệng núi lửa đã nguội.
Ngựa thì thế, còn roi lại khác. Thánh Gióng đã quất gẫy cái roi sắt ngay khi xáp trận. Ông phải nhổ tre làm roi. Biểu tượng này muốn ta hiểu rằng “tre làng” chính là sức mạnh giữ nước , chính là hình phạt quất vào mặt quân thù. Quả vậy, lịch sử giữ nước của ta, từ trước đến nay đều dựa vào xóm làng. Những bụi tre làng chính là bức thành kiên cố thiên nhiên nhất để ngăn chặn bước tiến của kẻ xâm lăng. Tre cũng chính là khí giới đầu tiên của ta. Tre chính là lọai thảo mộc thân yêu nhất của ta. (chúng tôi có chương khảo cứu riêng biệt về tre trong cuốn Hai Bà Trưng, sẽ xuất bản)
Vậy nếu con người của Thánh Gióng là tinh tinh thần chiến đấu dũng cảm, là khả năng thần kỳ của tư tưởng độc lập, thì ngựa sắt và tre ngà chính là sức mạnh của vũ khí, của hỏa lực. Tư tưởng và kỹ thuật hợp lại, tạo thành sức mạnh không ngờ, đập vỡ cuộc xâm lăng, nô lệ, và cống hiến một đất nước tự chủ, đang chờ đợi một sức mạnh khác để hùng cường.
THÁNH GIÓNG: PHÉP LẠ CỨU NƯỚC
Lịch sử các cuộc khởi nghĩa cách mạng chống xâm lăng trên thế giới không bao giờ dựa vào kinh tế, bởi vì kinh tế trong một nước chiến tranh tất nhiên đang rất tồi tệ. Người ta chỉ có thể dựa vào sức mạnh của chính trị và tư tưởng mà thôi.
Thánh Gióng đã sinh ra ở miền quê hẻo lánh. Nơi đó không thể có sức mạnh kinh tế như hiện nay ta định nghĩa. Dân làng đã phải vận động tất cả mọi thứ thực phẩm kiếm được và có được để ủng hộ và nuôi dưỡng Thánh Gióng . Nhà nước chỉ cung cấp được mỗi một con ngựa sắt là chính. Cái chiến cụ vô tri ấy, nếu không được Thánh Gióng , tức tòan dân, phả vào sức mạnh của tư tưởng thì nó chỉ là đống sắt vụn. Chính lòng người , lòng ái quốc, đã khiến con ngựa sắt biến thành thần mã.
Khi Thánh Gióng ra trận, áo quần cũn cỡn không đủ che thân. Chiếc roi sắt của triều đình ban cho, quất vài cái đã gẫy. Quan quân đi theo hò reo chỉ để phô trương thanh thế. Thánh Gióng đã một mình một ngựa xông vào trận giặc:
Ngày băng trường dạ mịt mù
Tung hòanh ngựa sắt thế như trường xà
Quân Ân phải lối ngựa pha
Nát ra như nước , tan ra như bèo
( Thiên Nam Ngữ Lục)
Khí thế ấy và sức mạnh ấy, thật không phải do nền kinh tế thịnh vượng nào hậu thuẫn. Thánh Gióng đã chỉ ăn cơm với cà, và uống nước sông:
Bẩy nong cơm, ba nong cà
Uống một hơi nước cạn đà khúc sông
( Thiên Nam Ngữ Lục)
Cơm và cà dân ta không bao giờ thiếu, nếu như được sống an ổn, thanh bình. Sông nước của ta thì tràn trề bất tận. Thánh Gióng chỉ cần bấy nhiêu là có thể tự túc tự tồn, ít nhất về mặt kinh tế .
Một ký giả Mỹ, sau khi thăm vòng vòng Hà Nội, thấy một nền kinh tế rất tồi tệ của Việt Nam ngày nay, đã kể chuyện … Thánh Gióng ! Ký giả tự hỏi rằng với tình trạng khó khăn này, liệu Việt Nam có tìm được phép lạ nào để giải quyết như phép lạ Thánh Gióng không ? [8]
Câu hỏi tuy không nhấn mạnh đến chữ “ kinh tế “, nhưng người đọc sẽ hiểu ngầm tình trạng khó khăn mà ký giả đặt ra là tình trạng kinh tế . Vì thế câu hỏi đã hòan tòan không nằm trong tinh thần và thời đại Thánh Gióng .
Hiện nay, Việt Nam đang lúng túng trong vũng lầy kinh tế, và chính trị. Cả hai đều bị bao vây triệt để, tíng mạng bấp bênh đến độ cả nước hoang mang không biết phải làm sao. Cái khó càng bó cái khôn. Nhà nước càng múa may càng giống những người điên bị dồn vào chân tường. Giá trị kinh tế, chính trị, tư tưởng của nhà nước đặt ra đều bị đảo lộn.
Thời Thánh Gióng khác hẳn: “cả nước sống trong cảnh thái bình vô sự.” Chỉ có một áp lực duy nhất, khi nhà Ân đem quân xâm lấn nước Nam. Tuy một mà là tất cả. Bởi vì một khi nước mất nhà tan, đem thân làm nô lệ thì chẳng còn gì kinh tế, chính trị, hay tư tưởng, giáo dục nào mà bàn. Ý thức được điều đó, từ vua quan, quân tướng, đến tòan dân, đều một lòng chống giặc giữ nước .
Ta hãy nghe lại lời bà mẹ già nói với Thánh Gióng :
- Mẹ sinh thằng con này chỉ biết ăn, không biết đánh giặc để hưởng phần lộc triều đình, mà đền công bú mớm của cha mẹ.
Chỉ một câu đơn sơ mà gói gém bao nhiêu tình ý, hệ thống giáo dục, và ý thức
quốc gia . Chính câu nói đơn sơ ấy đã làm Thánh Gióng bật nói, bật đứng lên, nhận lãnh trách nhiệm cứu quốc. Phải chăng đó là phép lạ?
Người ta nhớ lại câu chuyện phép lạ ở Cana. Tiệc cưới đang vui mà hết rượu. Bà mẹ Maria nói với con là Jesus Christ rằng con ơi hãy giúp vui đi, hãy thực hiện phép lạ đi! Chúa Jesus bèn bảo người lo rượu cứ đổ nước lã vào vò, lập tức nước lã sẽ biến thành rượu. Đó là phép lạ đầu tiên của chúa Jesus.
Hai phép lạ cùng một ý nghĩa: thực hiện từ không ra có. Nhưng phép lạ trong câu chuyện Thánh Gióng là phép lạ tinh thần, phép lạ về một trái tim yêu nước . Và Thánh Gióng đã thực hiện thêm một phép lạ khác trong phép lạ: khi ông thắng giặc Ân, cả người và ngựa đều bay về trời. Phép lạ này để lại bài học mới cho nhà nước : lòng dân, lòng ái quốc của tòan dân, chính là phép lạ thực hiện được mọi khó khăn của đất nước . Có lẽ đó cũng là bài học đầu tiên về dân chủ. Muốn cò dân chủ, phải có giáo dục về ý thức quốc gia , giòng tộc.
Giáo dục chính là tư tưởng chỉ đạo, không đi ngược truyền thống và quyền lợi của nước nhà.
Đây cũung là câu trả lời người ký giả Hoa Kỳ kia, đồng thời trả lời cho nhà nước Việt Nam hiện nay: khi dân không làm chủ đất nước , không có lòng yêu nước , thì bất cứ phép lạ kinh tế, chính trị , kỹ thuật nào cũng không làm cho đất nước tươi sáng hơn. Cho nên phép lạ đầu tiên vẫn là phép lạ tinh thần, là ý thức quốc gia, là giáo dục truyền thống, là trái tim yêu nước thật thà. Hình như ĐCSVN chỉ cùng với các đảng phái khác trong nước thực hiện được kỳ công vào thời kháng chiến chống Pháp 1945-1954. Đó là thời kỳ mà lòng dân muốn tự chủ.
Phép lạ chỉ xảy ra một lần. Ta vì thiếu giáo dục mà đi đến tình trạng phân ly đen tối như hiện nay.
Đọc lại truyện Thánh Gióng, để học một bài học lịch sử đã cũ nhưng mãi mãi là truyền thống rất thông minh: lòng dân chính là định mệnh.
Khi tôi viết những giòng này thì nghe tin gia đình nhà độc tài Nicolea Ceausescu ở Romania bị hành quyết. Phải chăng phép lạ đang xảy ra ở khắp Đông Âu? Phải chăng cuộc động lòng đã bùng nổ sớm hơn dự tính?
THÁNH GIÓNG: TRÁI TIM DÂN CHỦ
Tôi nghe nói hiện nay ở Việt Nam đang lưu hành câu thành ngữ mới:
Đòan kết (thì) chết chùm
Chia rẻ thì chết lẻ tẻ
Đó là cuộc phá sản tinh thần lớn nhất trong lịch sử . Thật vậy, đời sống của người dân hiện nay đã xuống thấp đến độ không xuống thấp hơn được nữa. Ta hãy thử nghe người Hà Nội báo cáo với nhau: “ không có ít trường hợp con cái đánh đuổi cha mẹ ra khỏi nhà để chiếm nhà ở, tài sản, hoặc để khỏi phải nuôi “thằng già”, “con khọm”! Trời ơi! Đến thế là nguy rồi. Người già, nhiều khi chẳng còn được như cái lõi cuộn chỉ ném đi.” [9] Nếu bạn muốn nghe tiếp, tôi xin trích tiếp: “gần đây, theo báo cáo khoa học của ngành y tế, chiều cao và cân nặng trung bình của thanh niên ở độ tuổi 17-18 giảm dần. Cái phân số: tử là trẻ sơ sinh, mẫu là người chết về bệnh già, ngày càng có giá trị lớn hơn. Có người nói: cuộc sống hôm nay không phải là thiên đường dành cho người già. Nhưng ngay cả người trẻ, có nghề nghiệp trí thức hẳn hoi cũng chưa hẳn tốt hơn. “ [10] Bạn muốn biết những người trẻ có học ở Việt Nam là bao nhiêu và sống như thế nào? Đây là câu trả lời: “số liệu thống kê hơn một năm nay cho thấy: tính từ 30 tuổi trở xuống, chúng ta có 381,700 thanh niên có trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học và trên đại học. Trong đó chỉ có 68 phó tiến sĩ, và 6 tiến sĩ.” [11] Số lượng thanh niên thiếu nữ này: “ gần đây có hiện tượng , kể cả phó tiến sĩ, kỹ sư, chỉ khai tốt nghiệp trung học phổ thông để được đi lao động hợp tác ở nước ngòai.”[12] Bấy nhiêu trích dẫn hẳn bạn đủ tưởng tượng ra tất cả tình trạng khó khăn, đen tối và tan rã hiện nay ở trong nước ?
Hình như các bài phân tích trên báo chí ở Việt Nam đều có khuynh hướng đổ lỗi cho vấn đề kinh tế. Chính vì thế, mà mọi đề nghị xây dựng, mọi dự án, đều nhắm vào kinh tế . Từ cuộc “đổi mới và cởi mở” năm 1986 tới nay, người ta dồn hết cho kinh tế . Hình như mọi người đều mơ tưởng rằng kinh tế chính là phép lạ để giải quyết tình trạng Việt Nam.
Nhưng đã 3 năm rồi, kinh tế nhích lên một chút, thì tình trạng phân hóa thụt xuống trăm lần hơn.
Người ta đã quên hẳn bài học của Thánh Gióng .
Thánh Gióng trên có trời đất, dưới có cha mẹ, gần có xóm làng, xa có vua quan. Cái trật tự nhân sinh truyền thống có sức mạnh đùm bọc Thánh Gióng vượt qua chặng kinh tế khó khăn ban đầu. Người dân nào cũng muốn sống dù nghèo, nhưng mình làm chủ mình, tự do trong tự hào, tự do trong tự trọng. Đó là tinh thần tự do dân chủ thật sự. Những phê bình lịch sử về chế độ quân chủ phong kiến không có trong thời kỳ này. Sự thật chữ “phong kiến” du nhập từ Trung Hoa do ảnh hưởng và áp lực chính trị . Cái câu “phép vua thua lệ làng” chỉ là sự hòai niệm tinh thần tự do dân chủ thời Hùng Vương. Dân chúng bị ép buộc vào chế độ quân chủ, nhưng vẫn muốn dân chủ và quân chủ đề huề.
Việc Thánh Gióng nhận roi sắt ngựa sắt của triều đình là công nhận cái trật tự xã hội phải có người lãnh đạo. Nhưng việc Thánh Gióng bỏ về trời là bày tỏ cái tự do dân chủ . Sách Việt Diện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên còn chép rằng: “ Sau khi dẹp được giặc Ân, Thánh Gióng phi ngựa đến núi Vệ Linh, trèo lên cây đa mà bay về trời. Người trong thôn gọi cây ấy là cây Dịch phục.” [13] Sự kiện này càng chứng tỏ rằng Thánh Gióng là người của làng mạc quê hương, vì làng mạc quê hương mà chiến đấu, để trở về với làng mạc quê hương .
Thánh Gióng chính là trái tim của dân chủ .
Trái tim ấy ấp ủ mọi ước mơ của người dân: được sống trong tự chủ, trong thanh bình và khiêm ái.
Tiếc thay trái tim ấy hiện đang thiếu ở Việt Nam .
THÁNH GIÓNG: TRÁI TIM BẤT NHỊ
Vua Hùng là người có lòng tin tuyệt đối vào tổ tiên vọng tộc. Khi cầu Long Quân, ông già xuất hiện, nói mấy câu là lòng vua vui vẻ tin theo. Tất nhiên nhà vua thực hiện việc “chỉnh đốn khí giới, tinh luyện binh sĩ “ sẵn sàng đợi giặc. Vua cho sứ giả đi tìm người tài lúc giặc đến, y như lời ông già chỉ điểm. Tìm được Thánh Gióng chỉ là một cậu bé con làng Phù Đổng, quan quân đều nghi ngờ, chính bà mẹ cậu bé cũng nghi ngờ, nhưng vua Hùng vẫn tin tưởng . Có một vị vua khởi tín tâm vào tổ tiên như thế, tất hồn thiêng sông núi chẳng thể phụ vua.
Lòng tin của vua Hùng không mù quáng. Vua tin ở hồn thiêng sông núi mà không trễ nãi việc binh, không quên triều chính. Lòng tin ấy là một bài học. Và dân gian học thuộc ngay. Họ không hề nghi ngờ cậu bé Gióng. Họ khuân hết thực phẩm là tài sản duy nhất của họ thời bấy giờ để cung hiến.
Từ lòng tin của vua đến lòng tin của dân biến thành Đại Tín Tâm của cả nước . Cả nước tin rằng cậu bé làng Gióng là Thiên Tướng khiến quân giặc cũng phải tin như thế.
Về phần mẹ con Thánh Gióng , khi bà tỏ ý lo sợ, nghi ngờ, thì Thánh Gióng chỉ nói: “ Mẹ đừng lo, cứ có nhiều cơm cho con ăn là đủ.” Tại sao câu nói ngắn gọn ấy có thể chấm dứt mọi nghi tình của bà mẹ? Phải chăng cái nghi tình của mẹ đang đợi ý chí của con để hòa nhập vào lòng tin bao la?
Thật vậy, Thánh Gióng đã có một Đại ý chí rằng “Ta là Thiên Tướng, ta phải đáp ứng mọi nguyện vọng của mẹ ta, dân ta, và vua ta.” Đại ý chí này khởi đi như một phép lạ hiện hữu.
Rồi Thánh Gióng vươn vai đứng lên sừng sững như núi Hòang Liên Sơn. Ông hắt hơi mươi cái làm con ngựa sắt hí lên. Tiếng hắt hơi và tiếng ngựa hí đã đánh động tâm tình yêu nước của tòan dân, tòan quân.
Và giặc đã tan. Thánh Gióng về trời. Tất cả đều viên mãn.
Câu chuyện Thánh Gióng vừa mở vừa khép như một bài Thiền Ca. Từ không đến có, từ có trở về không . Khép và mở, có và không , chỉ là trái tim Thánh Gióng . Trái tim ấy còn gọi là Trái Tim Bất Nhị, như bài Minh của Tăng Xán:
Tín Tâm bất nhị
Bất nhị Tín Tâm [14]
(Trái tim không một, chẳng hai
Không hai, chẳng một , không ngòai trái tim )
Hỡi ơi, trái tim ấy cũng gọi là Trái Tim Dân Tộc. Nước ta, kể từ trong bọc trăm trứng của bà Âu Cơ đã có chung một trái tim . Rồng với Tiên tuy hai mà một . Tiên với Rồng tuy một mà hai. Trăm con một bọc hòa hài. Trái Tim bất nhị thương hòai ngàn năm.
Phải chăng phép lạ cho Việt Nam hiện nay chính là Trái Tim Bất Nhị?
Trái tim ấy không có sự phân chia Trung, Nam, Bắc, cũng không có cảnh cõng rắn Pháp, Mỹ, Tầu, Nga, Nhật, …
Trái tim Việt Nam - Trái Tim Dân tộc – Trái Tim Bất Nhị của Thánh Gióng [15] mãi mãi sẽ được ngựa sắt Hùng Vương phi trong đất nước , phi vào cõi cẩm tú của Non Sông- của Việt Nam – Quê Hương Muôn Thuở [16] để đem lại tình thương và tình yêu dạt dào như lúa vẫn trổ đòng đòng, như tre trúc vẫn xanh um.
Tường Vũ Anh Thy
San Jose, cuối năm 1989 – đầu năm 1990
[1] Về niên đại thời Hùng Vương cho đến nay vẫn chưa được xác quyết. Cũng như nhà Ân sau nhà Thương ở Trung Hoa, các thuyết còn mâu thuẫn. Ngay cả sự xuất hiện của Thánh Gióng vào đời Hùng Vương thứ 3 hay thứ 6 cũng chưa thống nhất. Bài này không có mục đích truy cứu hoặc đính chính lịch sử, chúng tôi chỉ mượn câu chuyện Thánh Gióng để trình bày cái nhìn của chúng tôi về hình ảnh và tư tưởng Việt Nam xưa và nay. Đồng thời thử phác họa một Việt Nam cho thế kỷ 21 sắp tới.
[2] Bản “Ngọc Phả” ghi là “hịch nữ”, một nhân vật đặc biệt trong phụ nữ, có tài thần bí pháp thuật, được vua Hùng tin dùng. Ông Bùi Văn Nguyên trong tạp chí Văn Học số 5 năm 1978 ở Hà Nội, bám vào bản “Ngọc Phả” này để chống bản “Chích Quái”, cho rằng Vũ Quỳnh và Kiều Phú phong kiến coi khinh phụ nữ nên mới thay “hịch nữ” bằng “phương sĩ”. Chúng tôi không đồng ý. Xin xem thêm các chú thích về sau.
[3] Nhiều bản chép chỉ có bà mẹ Gióng, không chồng, vô tình dẵm vào vết chân khổng lồ mà thụ thai. Bản “Lĩnh Nam Chích Quái” ghi vắn tắt trong làng có ông già giàu trên 60 tuổi mới sinh được đứa con trai. Bản “Hùng Vương Ngọc Phả” ghi rõ phú ông 79 tuổi , phú bà 59 tuổi, và cả ngày thụ thai của bà là mồng sáu tháng giêng khi ướm chân vào vết chân khổng lồ ngòai vườn. Chúng tôi ghi theo truyền thuyết như lối kể truyện cổ tích thông thường. Ở đây không hề có sự phân biệt giai cấp, hoặc phân biệt nam nữ trong sự tích nguồn gốc Thánh Gióng, như một số người chủ trương văn học ở Hà Nội.
[4] Nhiều bản chép là gươm sắt. Chúng tôi theo truyền thuyết kể là roi sắt. Roi mang nhiều ý nghĩa về sự trừng phạt hơn gươm. Roi cũng được dùng trong Sấm giảng Cựu ước của La Mã.
[5] Núi Trâu Sơn thuộc Vũ Ninh, nơi sau này Triệu Quang Phục đóng quân, xưng là Triệu Việt Vương.
[6] Lê Tư Hành trong bài “Nguồn Gốc, Công Dụng và Giá Trị của Thần Tích” đăng trong cuốn “Những Phát Hiện Mới về Khảo Cổ Học Năm 1977” do Ủy ban Khoa Học Hà Nội xuất bản năm 1978, đã nêu ra vài nghi vấn chung quanh con ngựa sắt của Thánh Gióng. Ông đưa ra chứng cớ về làng Mòi, huyện Quế Võ, là làng đã tự nhận đúc ngựa sắt ngày xưa cho Thánh Gióng. Trong làng hiện vẫn còn những đống cứt sắt rất lớn, rải hết đường làng vẫn không hết. Người ta lại đào được ở dưới ao một cái ống bể bằng đất nung, một cái đe lớn bằng sắt… (xem trang 252). Đại ý tác giả đang muốn dẫn chứng đến việc con ngựa sắt của Thánh Gióng là con ngựa bằng sắt thật. Đó là lối suy luận và dẫn chứng theo quan điểm duy vật. Chúng tôi nghĩ rằng nếu muốn dựng tượng Thánh Gióng, thì ta có thể đúc ngựa sắt thật để kỷ niệm như con ngựa thành Trioie của Pháp… mà thôi!
[7] Việt Sử Tiêu Án, bản dịch của Hội Việt Nam Liên Lạc Văn Hóa Á châu, Saigon 1960, trang 14
[8] Xin xem bài HaNoi: The Capital Today trong National Graphic, Nov. 1989, tr. 593
[9] Xem Hương Trầm : tạp chí người Hà Nội số 92 & 93, ngày 15/1/1989
[10] Xem chú thích số 9 bên trên
[11] Xem Phạm Đạo: báo Nhân Dân Chủ Nhật, số 2, ngày 19/12/1989
[12] Xem chú thích số 11 ở trên
[13] Xem Lý Tế Xuyên, Việt Điện U Linh Tập, bản dịch của Lê Hữu Mục, Khai Trí, Saigon 1961, tr. 124
[14] Phỏng dịch hai câu trong Tín Tâm Minh của Tăng Xán. Ông là một cư sĩ bị bệnh cùi, đem thân đến bạch tổ Huệ Khả xin sám hối. Tổ bảo: “ Con đem tội ra đây ta sám hối cho.” Hồi lâu, ông đáp : “Con không tìm thấy tội ở đâu cả.” Tổ nói: “Như vậy là ta đã sám hối cho con rồi.” Ông đắc đạo sau lần đối đáp ngắn ngủi ấy, được truyền tâm ấn làm tổ thứ 3 Thiền Tông Trung Hoa. Ông mất năm 606 đời Tùy Dạng Đế, để lại bài Tín Tâm Minh.
[15] Có hai lối viết chữ Gióng: một lối viết chữ “D” là Dóng, đại diện bởi ông Cao Huy Đỉnh, mục đích đưa vào thuyết các người khổng lồ như ông Đùng bà Đà … Nhưng Cao Huy Đỉnh cứ than vãn mãi cho bà mẹ Thánh Gióng là một phụ nữ đau khổ vì không chồng mà chửa hoang. Tôi cho rằng thuyết này không phù hợp. Một lối viết khác viết chữ “Gi” là Gióng, giải thích theo nghĩa Nôm, nghĩa Hán … chúng tôi không theo thuyết nào cả. Chúng tôi chép theo cách phát âm truyền thống là “ Gióng” . Và Gióng chỉ là một danh từ riêng, không cần nghĩa lý. Cái tinh thần Thánh Gióng mới là nghĩa lý quan trọng hơn mặt chữ ABC
[16] Mượn tựa đề tập ảnh của Trần Cao Lĩnh bản in ở Pháp năm 1989. Ấn phẩm trễ nãi mãi lúc người ảnh lìa đời mới chịu phát hành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét