điêu khắc

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Cao Bá Quát: tình ẩn trăm năm




                     Đời lê thê quá anh về muộn
                    Em ngủ một mình đêm gió mưa
                     (Hoàng Trúc Ly)

Đó là tình hiện (xem Cao Bá Quát: tình hiện ra lời) còn tình ẩn của nhà thơ trong những ngày heo hút đó? Thấp thoáng trong hiện tình là những ẩn tình xa xôi nơi phương trời nào còn ai oán hận chia phôi. Cao Bá Quát đã nói và nói rất nhiều về cái ẩn tình đó.
ẩn tình hay ân tình?
Ngày Cao Bá Quát nhận được thư nhà, vợ ông gửi vào cho ông tấm áo bông, bút và các thứ; ông đã ứa nước mắt. Ra đi, những tưởng nên công cán gì, rốt cuộc lại ngồi tù như một anh trượng phu quèn, số phận chưa biết sẽ ra sao. (lúc đó nhà nước chưa định tội.) Cuộc thăm nuôi đầu tiên này, tuy không gặp mặt, nhưng lòng ông xúc động mãnh liệt còn hơn lần trở về sau những cuộc đi xa trước kia. Ông thương vợ con, cha mẹ, anh em, hàng xóm, đã trực tiếp hay gián tiếp vì ông mà chịu nhiều khổ lụy. Ta không biết nội dung bức thư nhà đã viết những gì, nhưng qua bài Được Thư Vợ Gửi Áo Bông, Bút và Các Thứ (Tiếp nội thư tính ký hàn y bút điều sổ sự), ta cũng có thể đoán ra vợ ông mong mỏi ông sẽ sớm được khoan hồng trở về xum họp với gia đình. Bà cũng báo qua tin tức ở nhà, mọi sự không có gì thay đổi nhiều từ ngày ông ra đi. Riêng bà, bà rất yên tâm  và tin ở ông. Bà sẽ như nàng Mạnh Quang vợ của Lương Hồng đời đông Hán, nhà nghèo, theo chồng đi ở ẩn, thường giã gạo thuê kiếm ăn, không chút phàn nàn. Nay ông gặp vận không may, mắc vòng lao lý, thì ở nhà, cùng lắm thì bà cũng đi giã gạo thuê,  gánh nước mướn, buôn chiếu bán tằm nuôi con, thay ông phụng dưỡng cha mẹ… Ý bà như thế, nên đọc đi đọc lại lá thư dưới ánh đèn tù, nước mắt ông ứa ra. Hồn ông suốt đêm như luẩn quẩn quanh chốn buồng thêu lảng vảng xa xăm của vợ. Ông hận không về được ngay nhà, hay đón được vợ ra để cảm tạ lòng bà. Tấm áo bông bà gói ghém rất phẳng phiu cẩn thận, tưởng như bà còn gói vào đấy bao nhiêu ân tình cho đời ông. Ngọn bút lông bà cho, màu trắng, đầu nhọn, tưởng có thể vung lên xóa sạch bao đau khổ từ xưa. Bất chợt lòng ông mềm ra như bún, ông bỗng có một nỗi mong mỏi, ngày nào đó sao kim kê xuất hiện, báo hiệu nhà nước có lệnh ân xá cho các tù nhân. Ông sẽ được trở về mái nhà xưa. Nơi ấy, ngay ở ngưỡng cửa, chân ông vừa giẵm lên, vừa biết có người vợ yêu quí, tình nghĩa thâm trọng, vẫn chờ ông, vẫn tin ông, vẫn hiểu ông, vẫn buôn tần bán tảo trong suốt thời gian qua.

Được Thư Vợ Gửi Áo Bông, Bút và Các Thứ

Đọc thư nhà dưới đèn cay mắt
Hồn đêm nay quay quắt phòng xưa
Hận không sớm được đón đưa
Một mình chờ mộng tin đưa khoan hồng
Tấm áo bông xiết bao tình tứ
Ngọn bút lông xóa sạch khổ đau
Mai này về lại nhà sau
Giẫm lên ngưỡng cửa biết nhau nghẹn ngào

Tiếp nội thư tính ký hàn y bút điều sổ sự

Nhất giam đăng hạ vạn hàng đề
Thử dạ tàn hồn nhiễu tú khuê
Trường hận thùy giao luân cẩm tự
Độc miên nhân tự vọng kim kê
Hàn y ổn thiếp phong tân tứ
Tố quản tiêm minh tẩy cựu đề
Lai thất tha thời hảo qui khứ
Nhập môn tri hữu nhẫm thung thê

Chữ “cẩm tự”ở câu thừa, do tích “cẩm tự hồi văn” kể chuyện Tần Đậu Thao giận vợ là Tô Huệ, đến khi đi làm quan ở Tương Châu, không thèm liên lạc về nhà. Bà vợ làm thơ dệt thành một tấm gấm, lời lẽ thâm trọng, gửi cho chồng. Đậu Thao nhận được vừa cảm vừa phục, bèn cho xe đến đón nàng.
Chữ “Lai thất” có nghĩa là nhà ở gò Lai, quê hương Cao Bá Quát. Còn câu cuối nguyên nghĩa là bước vào cửa đã biết có người vợ đã từng đi giã gạo thuê nuôi con, chờ chồng.
Cái cảm động và thành thật trong bài này đã nói lên khía cạnh tình cảm chan chứa rất người trong tâm hồn Cao Bá Quát; khác với thái độ ngang tang khí khái khoáng đạt hàng ngày. Ở một bài khác, “Nhân người ngoài bắc vào, hỏi thăm tin tức trong làng” ông làm vào mùa xuân đầu tiên trong tù, cũng chứa chan một tấm lòng thương yêu. Nhìn thấy người làng, cả hai đều sững sờ cảm động, nước mắt đỏ hoe. Họ quấn quýt, nói chuyện thầm thì suốt đêm về tình cảnh trong làng. Được biết cha mẹ ông vẫn mạnh khỏe, chỉ nhớ thương ông đã đi xa, lại gặp cảnh ngộ xấu. Các con ông thì mừng rỡ khi biết tin ông vẫn còn sống. Hỏi thăm chồng bản thảo cũ, được biết người nhà dọn bỏ cả vào cái bồ rách trong phòng, bụi thời gian chắc đóng đầy lên chốc. Đặc biệt là cây mai trắng, ông ghi chú cẩn thận, trước ông trồng trong chậu sứ; gần đây người nhà đã đem trồng ra ngoài vườn, nay vọt lên cao quá đầu người. Ông ngâm ngùi nhìn về phương bắc, trời quê hương thăm thẳm mịt mù. Xuân trong tù đã hết, có ai lay gọi hồn ông không? Hình như hồn ông vừa lịm chết vì thương nhớ.

THOẠI CỐ HƯƠNG TIÊU TỨC

Mạch mạch tương khan thức lệ ngân
Nam nam bất yếm thoại hương thôn
Lão thân kiện tại liên nhi cách
Trĩ tử hoan lai hỷ phụ tồn
Cựu thảo tự trần đôi phế lộc
Tiểu mai vô lại khóa tu viên
Trường đình bắc cố vân thiên viễn
Xuân tận thùy chiêu vị tử hồn

THĂM HỔI CHUYỆN LÀNG

Cùng sững vững cùng trào nước mắt
Cùng miên man hỏi chuyện xóm nhà
Hai thân thương nhớ con xa
Trẻ thơ mừng rỡ reo la bố còn
Sách vở cũ đầy trong sọt rách
Cây mai xưa lớn cạnh tường cao
Vời trông mây bắc nghẹn ngào
Ai lay hồn lịm giữa màu xuân tan

Những tình cảm rất vụn vặt, rất tầm thường, và rất gần gũi ấy, Cao Bá Quát đều đem cả vào thơ, hết sức giản dị, thành thực, không hề chau chuốt, không hề làm văn chương. Ông không giấu giếm cái ngang tàng khoáng đạt. Ông cùng quan điểm với Vương Diễn khi nói về con người của thi sĩ. Theo đó, thánh nhân là bậc có thể quên tình; kẻ tầm thường có thể không biết đến tình; riêng thi sĩ là người gom hết mọi tình ý trong trời đất để…làm thơ! Có vậy, chỉ cần một hình ảnh, một câu nói, một khúc hát, một ý tưởng…cũng đủ là duyên cớ khêu gợi, mở phơi khối tình cảm chứa chan của thi sĩ. Thí dụ một lần xa quê, Cao Bá Quát nhìn thấy hai đứa trẻ không biết con nhà ai. Chúng vừa đi vừa bi bô nói chuyện. Chỉ có thế mà bỗng nhiên ông nổi niềm thương nhớ con. Nhớ lúc chúng phụng phịu mếu máo kéo áo mẹ kêu đói, đòi ăn. Nhớ lúc chúng lon ton bám theo ông nội học vái học chào. Rồi miên man suy nghĩ tưởng tượng về hoàn cảnh gia đình, thân phận. Tưởng tượng nhà vắng vẻ quạnh hiu từ khi ông đi xa. Ôi càng nhìn ngắm hai đứa trẻ xa lạ càng nhớ nhung cuồn cuộn. Phải chăng tình là sự khắng khít không rời. Đó là hình ảnh và ý tưởng ông viết trong bài Nỗi Nhớ

HỮU SỞ TƯ

Tiểu tiểu nhân gia tử
Song song bộ ngữ trì
Vong tình năng hữu kỷ
Ngộ diệc ức ngô nhi
Luyến mẫu đề cơ xứ
Khiên ông học bái thì
Môn lan kim bán tịch
Ư nhĩ hệ tương tư

NỖI NHỚ

Tung tăng bé nhà người
Bi bô tiếng nói cười
Quên con đời mấy kẻ
Nhớ con ta nào nguôi
Níu mẹ khóc kêu đói
Ôm ông học vái trời
Cửa nhà giờ vắng vẻ
Thấy trẻ sầu thêm khơi
(bản dịch của Đào Mộng Nam)

Chữ “vong tình” lấy ở câu nói của Vương Diễn. Diễn có con nhỏ bị chết. Sơn Giản thấy Diễn quá đau khổ nên tìm lời khuyên giải. Diễn nói: “ thánh nhân vong tình, hạ ngu bất cập tình, tình chi sở chung chính tại ngã bôi.” ( thánh nhân quên tình, hạ ngu không tới được tình, tình gom lại hết ở bọn chúng ta.)
Đời Cao Bá Quát là một đời phiêu dạt, nay đây mai đó, hết lều chõng đi thi, đi làm quan, rồi đi tù, đi đày, vì thế vợ ông bỗng trở thành khuê phụ. Ông làm bài Từ Ngày Chàng Ra Đi để nói lên tâm sự của bà, mà cũng là mối tình của ông. Từ buổi ông đi xa, thì đêm đêm một mình bà một bóng, gối lẻ, chăn đơn, giường vắng. Trăng soi mặt nước như tràn vào giấc mộng cô liêu. Gió sông rờn rợn lạnh cả trời chiều. Tấm áo bông treo trong phòng tối quạnh hiu. Còn tấm gương con bà muốn gửi theo mây trời viễn xứ, để cho ông, và vì ông. Dù là đời ít gặp, mặt ít kề, nhưng tình của ông bà không bao giờ vơi, không bao giờ dứt.

TỰ QUÂN CHI XUẤT HỸ

Tự quân chi xuất hỹ
Dạ dạ thủ không sàng
Hải nguyệt chiếu cô mộng
Giang phong sinh mộ lương
Tiểu kính ký viễn thiếp
Hàn y lưu cố phòng
Trì thử các tự úy
Bất khiển lường tương vong

TỪ NGÀY CHÀNG RA ĐI

Từ buổi chàng đi xa biền biệt
Thiếp đêm đêm gối lẻ chăn buồn
Trăng soi biển mộng chập chờn
Gió sông rờn rợn chiều gờn gợn xanh
Chiếc gương nhỏ theo chàng viễn xứ
Mảnh áo bông thiếp giữ trong phòng
Của nhau an ủi đôi giòng
Xa nhau lòng vẫn một lòng nhớ nhau

Đầu bài nguyên là câu đầu bài thơ “nhuận tình” của Từ Cán, người nước Ngụy thời Tam Quốc; Trương Cửu Linh thời Đường mượn làm đề tài cho một bài thơ tả thiếu phụ nhớ chồng:
Tự quân chi xuất hỹ
Bất phục lý tàn ky
Tự quân như mãn nguyệt
Dạ dạ cảm thanh huy
( Từ ngày chàng đi rồi, thiếp không đụng tay đến cái máy dệt nữa. Thân hình thiếp gầy mòn vì nhớ chàng, như mặt trăng tròn cứ khuyết dần mỗi đêm.) Tùng Thiện Vương cũng mượn đề tài này viết thành thơ năm 1845 trong tập Thương Sơn:

Tự quân chi xuất hỹ
Nhật dạ tổn dung quang
Tư quân nhược thù võng
Xúc xứ tiện hồi trường

( Kể từ giờ phút chàng xa
Ngày đêm thân thiếp phôi pha hao mòn
Giống như lưới nhện bao tròn
Nhớ thương động đến ruột còn quặn đau)
(Bản dịch của Ưng Trình và Bửu Ý)

Sở dĩ chúng tôi trích dẫn dài giòng vì có thể ngờ rằng đề tài này rất sôi nổi, và được nhiều người hưởng ứng như một phong trào văn nghệ thời bấy giờ. Sự kiện Tùng Thiện Vương làm năm 1845, thì có thể Cao Bá Quát cũng làm trong khoảng thời gian đó. Qua mấy bài thơ vừa kể, ta thấy ý và lời của thơ Cao Bá Quát chân thật trong sáng; khác với Trương Cửu Linh và Tùng Thiện Vương. Cao không bao giờ làm thơ chơi khơi khơi. Thơ Cao là chính hơi thở đời sống ông. Dù là thơ họa hay thơ vịnh, hay nói đến các việc, các sự vật bình thường như chải đầu, ăn cơm, cây gạo, hòn đá…hay các đề tài cũ rích cà tang vẫn mang một tâm tình trân trọng, gắn bó, mang một vẻ tươi sáng, hy vọng, một sắc thái mới mẻ, riêng biệt rất…Cao Bá Quát. Đúng như ông chủ trương: “làm thơ gốc vẫn ở tâm tình thi sĩ"  ( xem bài  Cao Bá Quát : Tim Vẫn Say…) Nghĩ thế nào, cảm thế nào ông viết ra ngay, không do dự, làm dáng. Bởi thế đề tài “tự quân chi xuất hỹ”, người ta đua nhau khởi hứng ngâm vịnh như một trò tiêu khiển, thì ông gửi gấm bao nhiêu ân tình và ẩn tình của riêng mình. Chiếc gương nhỏ là vật kỷ niệm có thật, vợ ông bỏ vào hành lý khi ông ra đi. Nó có ý nghĩa của tin còn một chút này. Trong bài “Từ Biệt Người Nhà” (Dữ Gia Nhân Tác Biệt) ta bắt gặp cái gương nhỏ đó. Ông viết: “cách biệt đã lâu ngày mà cái gương nhỏ ngày xưa vẫn còn gói kín. Buồn quá, buồn như mất xác không thành bóng để làm bạn với ngọn đèn lẻ loi le lói.”

 Nại biệt hữu giam tàng cửu kính

 Công sầu vô ảnh bạn cô đăng

( Mảnh gương còn gói hồn người
Ánh đèn rã rượi bóng đời biệt tăm)
Mảnh gương nhỏ đó bây giờ ông mang nó vào tù, có nghĩa là ông sẽ gói thêm một lần giấy gói. Hình như càng gói kín, mảnh gương càng chiếu sáng lung linh. Tình bà cách biệt càng làm ông thao thức. Thân ông như cánh hạc lẻ loi soi vào gương thấy bóng thời gian vời vợi. Cánh hạc trong tù. Cuộc đời nhốt gió. Tình trăm năm không trọn nghĩa bởi vì đâu?
Hai bài Ký Hận là để bày tỏ mối ẩn tình của Cao Bá Quát. Bài thứ I ông viết: Thân phận như ngọn cỏ bồng đứt gốc, như bông tơ bay tơi tả trong gió đời. Lòng đau đớn về hoàn cảnh chia cách thường lảm nhảm như dối dăng vĩnh biệt. Con hạc lẻ loi vẫn không quên bóng trong tấm gương xưa. Núi ơi núi ơi! Sao nét mi buồn ẩm đục xa xăm! Ta viết chữ HẬN mà lòng đau bật máu. Hồn ta chết lặng trong chén rượu chia ly. Ôi từ ngày cách biệt, đã bao nhiêu nắng gió mưa sương, xóm làng ảm đạm.

KÝ HẬN I

Đoạn bồng phi nhứ lưỡng vô căn
Tích biệt tần đề vị tử ngôn
Độc hạc bất tằng tiêu kính ảnh
Viễn sơn hà sự phá mi ngân
Thư thành hận tự không đề huyết
Tửu túy ly bôi tức mộng hồn
Liệu đắc lữ đình phân thủ hậu
Kỷ hồi phong vũ ám tây thôn

GỬI NIỀM ĐAU I

Ngọn cỏ bồng tơ bay đứt gốc
Đời lê thê bối rối trối trăn
Lẻ loi bóng hạc đăm đăm
Gương xưa núi mới xa xăm mi gầy
Viết chữ “hận” khóc đầy bụng máu
Nhắp rượu cay chìm đáy mộng say
Từ ta ngày ấy phân tay
Phương trời mưa gió những đầy gió mưa

Bài thứ II vẫn da diết lãng mạn:  Đời ta chỉ vì chút danh Nho mà bị trói buộc trong cõi người. Lại còn sợi tơ tình vương vấn, càng thấm thía lúc phân ly. Thế đấy, cái ấy như thói quen không bỏ được. Tình đôi ta lồng lộng, lòng đôi ta đã thấy nhau như tấm gương soi, nhưng biết làm thế nào hỡi em, khi đời ngăn cách. Nhìn bóng hoa vàng đẫm sương tưởng như từng giọt lệ em đã tràn ngày trước. Bóng nhạn trắng kêu trước gió, tưởng như tiếng em xưa. Mưa gió mùa thu, lá rơi mây xám, dằng dặc bao mối u tình. Không nỡ đem mối sầu riêng này mà giăng lên khắp chốn giang thành.

KÝ HẬN II

Dư sinh cơ bạn chỉ vi danh
Cánh chước ly tư nhất đoạn tình
Kết tập vị trừ ưng nhĩ nhĩ
Si tâm tương chiếu nại khanh khanh
Hoàng hoa sương lý tha thời lệ
Bạch nhạn phong tiền cựu lữ thanh
Hàn điệp thu vân cô hạn sự
Bất kham đề oán mãn giang thành

GỬI NIỀM ĐAU II

Vẫn đã biết nho danh ràng buộc
Lại thêm tình thân thuộc chia xa
Cuộc ta quen thói cũng là
Cuộc em thơ dại biết là làm sao
Hoa vàng sương tưởng bao lệ ướt
Nhạn trắng kêu sước gió tiếng em
Mây thu lá đổ ruột mềm
Sầu riêng ta chẳng nỡ giăng lên khắp giang thành

Cả hai bài thơ đều chân thật, đằm thắm chứa chan và lãng mạn. Cùng một giòng thơ đó, ở một nơi nào đó, một lúc nào đó, Cao Bá Quát đã làm bài:

TRỆ VŨ CHUNG DẠ CẢM TÁC

Tế vũ phi phi dạ bế môn
Cô đăng minh diệt tiễu vô ngôn
Thiên biên chinh khách khuê trung phụ
Hà xứ tương tư bất đoạn hồn

Phải là người tình nghĩa thâm trọng lắm thì gió mưa, nhất là gió mưa dầm dề suốt đêm mới đóng cửa ngồi buồn bên ngọn đèn leo lét không nói năng gì. Hỡi ơi cái lặng thinh là cái muốn nói vô cùng. Một người đang trên đường lữ thứ, hiu hắt phương trời. Một người khóa kín lẻ loi trong khuê phòng quạnh quẽ. Hai khung cảnh, một tấm lòng. Đó là lòng nhớ thương trọn vẹn cho nhau. Gặp cảnh đó, lòng đó, thì cả hai cùng buồn bã xiết bao!

ĐÊM MƯA DẦM CẢM TÁC

Mưa dầm kín cửa đêm rồi
Ngọn đèn leo lét cùng ngồi lặng câm
Người lữ thứ, kẻ âm thầm
Cùng thương cùng nhớ ngấm ngầm xót xa

Đề tài đã cũ, lại gặp những tay tài tình như Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, hay Ôn Như Hầu …xử dụng gần hết chữ, nhưng Cao Bá Quát vẫn không tránh né. Vì đó là lòng ông, tình ông, và đời ông. Cho nên thơ ông vẫn có một âm điệu thật thà riêng biệt đến cảm động.

Đặc biệt bài dương phụ hành ông làm trong thời gian đi quân thứ  chuộc tội ở Mã Lai, Tân Gia Ba. Bài này ông vừa là một chuyên viên thu hình, vừa là diễn viên thi sĩ. Ông tả một thiếu phụ tây phương (có lẽ là người Anh Cát Lợi) mặc áo trắng như tuyết. Nàng ngồi tựa vào chồng, dưới ánh trăng trong sáng trên thuyền nàng. Nhìn sang thuyền Việt Nam có ánh đèn sáng, nàng ríu rít nói chuyện với chồng. ( chắc là nàng nói về cái thuyền lạ, người lạ.) Tay nàng cầm một ly sữa, dáng điệu uể oải. Gió biển thổi rất lạnh về đêm, có lẽ nàng không chịu nổi, nghiêng mình đòi chồng nâng dậy.
Đó là tất cả hình ảnh và động tác, như một khúc phim đen trắng không âm thanh. Chỉ có gió biển là nhạc đệm. Cuối cùng ông buông một tiếng thở dài: Họ đâu biết có một người Việt Nam đang trong cảnh phân ly.

Dương Phụ Hành

Tây Dương thiếu phụ y như tuyết
Độc băng lang kiên tọa thanh nguyệt
Khước vọng Nam thuyền đăng hỏa minh
Bả duệ nam nam hướng lang thuyết
Nhất uyển đề hồ thủ lãn trì
Dạ hàn vô ná hải phong xuy
Phiên thân cánh thiến lang phù khởi
Khởi thức Nam nhân hữu biệt ly

Cả bài thơ lại chỉ để nhớ thương người trăm năm nơi quê nhà ngóng đợi. Đó là cái tình ẩn trăm năm hơn một lần hò hẹn mà cứ mãi chia xa. Bài thơ còn cho ta thấy cái nhìn của Cao Bá Quát về người ngoại quốc tây phương không phải là cái nhìn nghi kỵ. Nó cũng cho ta thấy tính khí ông rất khoáng đạt trước cảnh âu yếm công khai của hai vợ chồng người lạ.
Thiếu Phụ Tây Dương

Áo thiếu phụ trắng phau như tuyết
Tựa vai chồng trăng biếc đêm say
Ánh đèn thuyền Việt lung lay
Liếc sang ríu rít nàng lay áo chồng
Ly sữa ngọt tay hồng uể oải                         
Gió căm căm biển phả rùng mình
Nàng đòi chồng đỡ thân hình
Bỗng ta trơ trọi trong tình biệt ly

Thơ văn Cao Bá Quát dành một chỗ đứng rất trang trọng cho tình nghĩa gia đình. Gia đình là đơn vị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Khác với Tây Phương lấy cá nhân làm đơn vị, Xã hội Việt Nam lấy gia đình làm đơn vị, bắt đầu từ cặp đôi. Điều này rất phù hợp với huyền sử dựng người dựng nước của ta. Khi người con trai hay con gái đến tuổi trưởng thành sẽ được ra ở riêng, không còn ở chung với cha mẹ anh em nữa. ( Ta nói tắt là “ra riêng”). Cha mẹ sẽ cấp cho một số vốn cần thiết tùy theo hoàn cảnh gia tộc. ( ngày xưa thường là cho bao nhiêu ruộng đất: mấy mẫu, mấy sào…) Trai hay gái thành thân rồi phải tự lực canh sinh. Từ đây họ chính thức là đơn vị của xã hội. Tập tục này có từ nghìn xưa, và không hề thay đổi. Câu thành ngữ: “vợ chồng như đũa có đôi” đã nói lên cái định nghĩa về một đơn vị kép của xã hội Việt Nam. Ta hay đếm “một đôi” hơn là đếm một. Chữ đôi mang ý nghĩa đặc thù của dân tộc tính. Trong mâm cơm có nhiều đôi đũa, nhưng chỉ có một đôi đũa cả. Điều đó cũng xác định được tập tục truyền thống, trật tự xã hội, và ý nghĩa nhân sinh của ta. Chữ đôi là sự khơi mở giòng đời. Thuận với thiên nhiên, và bản tính dung hòa của người Việt. Cũng như ta thường tự hào là con Rồng cháu Tiên. Chữ đôi còn có nghĩa là chẵn. Cho nên người Việt hay tính chẵn, tròn, vuông, chứ không chịu sự phá lẻ. Khi hai vợ chồng mà một người chết sớm ( hoặc ly hôn là rất hiếm) phá lẻ ra, thì kẻ còn lại tất đau buồn. Sự đau buồn này, ngoài vấn đề tình cảm, còn là sự mất mát trong đơn vị xã hội. Từ đây, đơn vị xã hội đó khấp khểnh như đũa chiếc. Kẻ còn sống một mình có thể sống vì nhiệm vụ, nghĩa vụ, hay vì hoàn cảnh hay lý do nào đó, nhưng vẫn hoài bão cái ngày cuối đời, được trở về đơn vị gốc. Cho nên trong bài thơ “Khóc Vợ” của Tú Mỡ mơi có câu: Bà về trước, tôi về sau”. Trước và sau, mở và khép, đó là tất cả ý nghĩa của một đời sống riêng biệt Việt Nam. Và chỉ có Việt Nam mới có được những lời lẽ thâm tình thống thiết như câu đối của Phan Bội Châu làm khi vợ chết:
Ba mươi năm cầm sắt khéo xa nhau, mưa sầu gió thảm, chỉ bóng làm chồng, ngồi ngó trẻ con rơi lệ nóng.
Dưới chín suối thân bằng như hỏi đến, lấp biển dời non, nào ai giúp bác, chỉ còn mình lão múa tay không.
Còn hình ảnh bi hùng nào hơn hình ảnh một tay lão trượng vẫn vũ lộng thanh kiếm chống xâm lăng, cứu nước và dựng nước, với tâm tình đơn lẻ trầm trọng của sự vừa mất đi đơn vị gia đình? Hình ảnh đó ta cũng thấy nơi Cao Bá Quát, một thân trượng phu còn tràn đầy nội lực, còn vững tay kiếm trong trận chiến tư tưởng cách mạng con người, nay bỗng hoàn toàn cô độc vì người bạn trăm năm đã ra đi. Có lẽ hoàn cảnh của Cao Bá Quát còn bi phẫn hơn nữa, bởi cha ông chết chưa đầy năm, mẹ ông vừa đau ốm dai dẳng chưa lành, mà vợ ông bỗng lại qua đời. Tai họa đến với ông như bức bách, như thách thức. Ông thấy giữa sống và chết là hai phương trời khác biệt và cách biệt, cũng như hồn và xác. Ông đã từng khóc chị, khóc con, khóc bố, bây giờ là khóc vợ. Nước mắt ông tuôn ra không biết cho ngày xưa, cho bây giờ, hay cho ngày sau. Cái đau đớn cùng cực của ông có lẽ là sự vĩnh viễn chia xa trong khoảng trời đất bao la còn lại, một mình ông từ nay phải chiến đấu trong cô độc. Phải chăng đó là sự sắp đặt của hóa công? Cái cố tình của định mạng? Trước và sau, mở và khép, tại sao ông lại chỉ có một mình?

ĐIẾU NỘI

Phụ vong tài bát nguyệt
Mẫu bệnh dĩ kinh tuần
Huống tử khuê trung phụ
Phục vị tuyền hạ nhân
Tử sinh hồn dị biệt
Tân cựu lệ nan phân
Tạo vật cố vi giả
Du du thử nhất thân

KHÓC VỢ

Cha mất chửa đầy năm
Mẹ đau trải cả tuần
Tới giờ về chín suối
Lại chính bạn chung chăn
Sống thác hồn chia dễ
Trước sau lệ khó phân
Trời xanh sắp đặt thế
Mờ mịt tủi cho thân
(bản dịch của Đào Mộng Nam)

Một bài thơ khác cùng nhan đề:

ĐIẾU NỘI

Lệ kết hàn băng lệ vị tàn
La y huống phục lệ lan can
Phương tương bạch thủ kì giai lão
Ninh quán thanh niên cự tác quan
Hoa lạc dĩ vô đăng hạ chiếu
Nguyệt minh duy hữu mộng trung khan
Thương quân bất cảm cao thanh khốc
Chỉ khủng quân tâm bất tự an

KHÓC VỢ

Lệ đọng thành băng lệ chửa tan
Áo tơ lại đẵm lệ tuôn tràn
Mới vừa tóc bạc nguyền chung sống
Sao nỡ đầu xanh vội cách ngăn
Hoa rụng ánh đèn nào chiếu sáng
Trăng soi hồn mộng mãi băn khoăn
Thương người không dám hờ to tiếng
Vì sợ lòng người chẳng được an
(bản dịch của Đào Mộng Nam)


tường vũ anh thy 1982 (trích Cao Bá Quát: Giữa Hồn Thiêng Sông Núi, Ức Trai xuất bản 1985 )



Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

đừng khóc cuối tháng tư




đang đứng ở sài gòn hay ở san francisco
nắng tháng tư  nhòa cả mưa và nhớ
ú ớ gọi tên ai giữa gió chiều không có nhiều bụi
bức tượng đội trời không vá được người đi như mắc cửi
ôi những bàn chân những bàn chân những bàn chân
sài gòn không có sóng biển mà lao chao lảo đảo
san francisco toàn biển mà sao chẳng chòng chành
những con cua nghĩ ngợi những con sên không phải là con ốc
đường phố dốc xuống nhà  nhà dốc lên đường
đừng khóc
ba mươi bảy năm là cả đời vangogh
hoa hướng dương biến thể thành hoa mặt trời
làm sao nghe được những ý nghĩ chưa thốt thành lời
nhạc của chopin xoa niềm tuyệt vọng
còn đọng trên ly bia chút tình quá khứ
đừng khóc cuối tháng tư

 tvat 12/4/2012

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Cao Bá Quát: tình hiện ra lời





Ở một bài thơ khác đề ngày 17 tháng 10, có lời ghi chú của ông:”trong khi bị tra tấn, rách da nát thịt, đẫm máu; khiêng về ngất đi đến hai trống canh mới tỉnh lại”(đắc tấn thời, bì nhục binh liệt, dư quy, khí tuyệt, nhị canh hử nãi phục sinh). Tỉnh lại, Cao Bá Quát gượng đau làm luôn một lúc bốn bài thơ. Sự kiện khiến ta cảm phục. Nó cho thấy sức mạnh nội tâm của ông, cuồn cuộn như thác đổ. Nó cũng cho biết vụ án kéo dài và nghiêm trọng.
Trong thơ, ông tả lại lúc bị tra tấn, đùng đùng như sấm gầm chớp giật, tấm thân ông trơ trọi. Bạn hữu và người quen nhìn thấy kinh hãi mà không dám hỏi, không dám gọi. Khiêng về, khắp người đau đớn nát nhừ, bềnh bồng như chìm vào cơn mưa bão ác liệt, mê đặc đi trong trời đất cuồng quay. Đến khi tỉnh lại sửng sốt thấy giọng khan cổ nóng, ngất ngư. Bất giác thương thân, thương đời. Ông nghĩ đến cái đêm mưa gió dầm dề, hoàn cảnh ướt át khổ cực của đám quân Tào Tháo ở Hán Trung, nghĩ đến cái thế giằng dai lưỡng lự, bỏ thì tiếc, giữ thì vô vị như cái gân gà (kê lặc) mà Tào Tháo dùng làm khẩu hiệu mật mã rút quân. Nghĩ đến Dương Tu vì làm tài khôn mà bị giết. Nghĩ đến phận mong manh của mình như nghìn cân treo sợi tóc, như mồi ngon móc trước râu hùm; kể cũng đáng sợ lắm chứ. Hình như suốt thời gian ở tù, Cao Bá Quát vẫn có người nô bộc theo săn sóc. Ông nhắc đến người ấy luôn, cảm động vì chú ta không bỏ ông, dù ông gặp cảnh bi đát quẫn cùng. Chú ta luôn quanh quẩn, cuống quit hầu hạ giúp đỡ ông. Bây giờ đây, chú đang ứa nước mắt tìm lời an ủi ông. Ông ví chú như Đỗ Lượng là người hầu Tiêu Dĩnh Sĩ, một người biết nhiều hiểu rộng đời Đường, dù đôi khi bị chủ quở mắng đánh đập, Đỗ Lượng vẫn không oán giận bỏ đi, còn nói: tôi rất mến trọng ông Tiêu, vì ông là người có tài. (Cao Bá Quát dùng điển tích này để tự an ủi rằng mình cũng là người có tài nên chú người hầu mới không bỏ đi khi ông bị ngồi tù.)

THẬP NGUYỆT THẬP NHẤT NHẬT
Cấp lôi bôn điện nhất thân cô
Thức hữu kinh khan bất cảm hô
Dư khứ hốt mê phong vũ ác
Tỉnh lai sậu quái ngữ âm thù
Bán sinh mệnh bạc thương kê lặc
Cửu tử tâm toan khiếp hổ tu
Đa tạ Tiêu gia cựu thời bộc
Khấp tương ôn ngữ úy vi tu

NGÀY 17 THÁNG 10
Sấm chớp giật tấm thân trơ trọi
Bạn bè quen không dám thăm nhau
Khiêng về mê đặc cơn đau
Như mưa chợt tỉnh giọng khan sững sờ
Quanh co nghĩ thương đời hờ hững
Mạng như treo sừng sững miệng hùm
Cảm ơn chú bạn trong cùm
Giữa khi hoạn nạn vẫn đùm bọc ta

Ông lại nghĩ đến công cha nghĩa mẹ, ông vẫn biệt tăm nơi chân trời xa thẳm. Nghĩ đến kiếp người lưu lạc bị bạc đãi, vẫn lê lết sống giữa trần gian nheo nhúc này. Tại sao con người lại bị sinh ra trong sự bất toàn của cuộc sống? Ông muốn nói cho to lên tiếng nói của kiếp người không được làm chủ cuộc đời. Hay ông muốn bày tỏ với cuộc đời niềm cảm thông hòa điệu? Giữa người với người không phải là những tinh cầu riêng biệt, không phải là những sa mạc mênh mông. Ông không tin rằng người ta sinh ra chỉ để đi đến chỗ chết, mà sinh ra để sống trong tự do. Nhưng có phải ông tin vào thuyết “tài mệnh tương đố” không? Trời đất có cái nhỏ nhen của trời đất, lúc nào cũng rình rập, nghe ngóng, ghen tài ghét sắc với giai nhân thi sĩ? Cho nên có nói thì nói nho nhỏ, có đàn thì đàn khe khẽ, chớ có ồn ào mà lộ chuyện tân toan.

Cù lao di thể gia hương ngoại
Nô hủ dư sinh khung nhưỡng gian
Nghĩ hướng bình nhân thoại tâm sự
Đê thanh trường khủng ngộ thiên khan

(Công cha mẹ, thân con phải tội
Đời lê thê lặn lội trần gian
Muốn đem tâm sự ra bàn
Ngại câu “tài mệnh” nên đàn giảm âm)

Có lẽ cái sự vụ càng bị đàn áp càng chống đối; không chống đối được bằng sức mạnh của bắp thịt, thì chống đối bằng sức mạnh của thi ca; và cái sự chống đối càng da diết lắm càng oan trái nhiều. Càng oan trái lại càng muốn hàng phục cái định mạng trở cơn. Càng muốn hàng phục cái định mạng trở cơn lại càng thấy bị đàn áp. Cho nên giòng thơ cứ bật tuôn lai láng. Cao Bá Quát gọi là “tình hiện ra lời” (tình hiện vu từ)

Hàng ngày nơi nhà giam, đối diện với một thứ hư vô khủng khiếp của riêng kiếp lao tù, ông thấy đời mịt mù tối tăm. Đôi lúc hình ảnh của chính ông hiện ra đầy xa lạ. Một mình nằm trên chiếc võng, ông không nói gì, mắt trừng trừng nhìn vào khoảng không. Khoảng không đang nói gì? Nó thầm thì một lời gọi kêu? Hay nó kêu gọi một không gian lồng lộng đi về? Đi về trong trong sử lịch tồn sinh hay về trong cố quận xa khơi? Như cánh chim bằng bạt gió. Hay chính là gió bạt cánh chim? (Bình nguyên Lộc có một tập truyện ngắn rất hay, cái tựa rất mực tài tình: NHỐT GIÓ). Trời mùa thu gió mưa rả rich, mờ mịt lạnh lẽo bội phần. Suốt đêm một mình một bóng, ông vẫn ngồi như mọc rễ xuống nhà giam. Đó là cái phàm thai của một người bị khước từ, hay cái xác của một nhà thơ vẫn nồng nàn yêu con người, yêu trời đất quê hương? Hồn ông mơ về nơi thành khuyết. Mơ về nội cỏ rừng sâu. Hỡi ơi! Ta là ai giữa rừng sâu trái chín? Ta là ai trong phố cũ hè xưa? Đâu là cái bản lai chân diện mục? Đâu là cái hình hài không có có không? Nhìn xuống cái gông cái cùm lại dâng niềm sầu thảm. Khóc cho lệ ứa đầu trăng, cho lệ chan đỉnh núi, cho cạn máu sông dài. Trong tù, thỉnh thoảng cũng có người đến lân la quán khách. Cũng biết ngâm biết đọc, biết tọc mạch tò mò ông trời xanh bà trời trắng. Thường đến hỏi chữ nghĩa với ông: một người đang bị tù vì chữ nghĩa!

TỨC SỰ
Nhãn khan cao điểu độc phàn lung
Tự ỷ thằng sàng bất ngữ trung
Ngũ dạ tâm tình đăng đối ảnh
Nhất thu cảnh vật vũ giao phong
Mộng hồi thành khuyết hồn nghi khách
Lệ sái hành dương huyết bính không
Cách xá hà nhân giải ngâm tụng
Lũ tương văn tự vấn cơ ông

TỨC SỰ
Cánh chim bay giữa trời nhốt gió
Võng một mình gió nhốt cùng ai
Thâu đêm chiếc bóng miệt mài
Mùa thu hiu hắt cho dài nhớ thương
Mộng thành xưa ngỡ hồn vất vưởng
Gông với cùm lệ tưởng máu khô
Bạn tù chữ nghĩa vu vơ
Thường đem han hỏi cái thơ ông tù

Cái thơ ông tù mỗi lúc một chứa chan. Hình như chính trong cõi đắng cay chua chát, người thơ mới rút ra được những tinh túy, những mật ngọt hương thơm của cuộc đời và tình người. Và cũng chính từ đó lòng ông cũng dịu dàng đi theo một nếp gấp tài tình của cánh chim hồng bay bổng.
Cùng nhà giam với Cao có người chủ sự họ Nguyễn làm việc coi kho vũ khí, đem cái gông dài làm đề tài, nhờ Cao vịnh thơ. ( cái sự vụ này thật đáng mắc cười, cắc cớ trớ true, tréo cẵng ngỗng cho ông lắm nhỉ!) “Tự nghĩ mình đã một phen cuồng ngâm thống ẩm bốc bay thì đắng cay phải trả chứ còn nông nỗi gì mà than van điều nọ tiếng kia? Có điều nọ tiếng kia là trong đêm khuya thanh vắng, lòng tự hỏi lòng, đời ta chả có điều gì đáng thẹn với cái gông này. Lại khi vắng vẻ buồn buồn, tình hiện ra lời, (những toan đối đáp với gông), dằn lòng không được. Kịp may ông bạn gợi ra, được lời như cởi tấm lòng, ta cười ha hả viết ngay (ba bài thơ thẩn). Gông dài! Gông dài! Mi biết ta chăng? Ta đâu có xứng đôi vừa lứa, đâu có tâm đầu ý hợp gì với mi!” (Tự duy sở cuồng, tội sở ưng đắc, cảm phục hà ngôn? Độc hạnh thâm dạ vấn tâm, sai kham vô qui thử vật nhĩ. Cùng sầu tịch liêu trung tình hiện vu từ, mồi bất năng tự cấm. Trường giang! Trường giang! Tri ngã hồ? Ngô vô thích vu nhĩ dã.) Đó là lời ghi chi ly về ba bài thơ Trường Giang Thiên.
Bài thứ nhất Cao Bá Quát chỉ thẳng cái gông mà nói rằng nó chỉ là cái máy không biết nói năng chi, chỉ biết làm nhục người ta là giỏi. Giơ tay lên cũng vướng nó, lằng nhằng cái thẻ tre thẻ bài ghi tội phạm nhân. Xo vai lên cũng vướng nó, xốc xếch cả tấm áo quần mỏng tanh, cụt cỡn. Sáng sớm vác nó ngược gió đi khai cung, chiều tối lại lếch thếch vác nó, vác cả ánh trăng trở về. Đêm nằm thì hoảng hốt nghe tiếng sấm sét gầm gừ với giấc mơ. Mơ thấy cái roi song dài to tướng quật tứ tung xuống xác thân không dãy dụa được giữa hai cái nọc.
Bài thứ hai gửi gấm nhiều hơn. Tay mắc gông lòng tự hỏi lòng. Hỏi sao đời ta mắc mớ gì mà lại gặp nó. Gặp nó rồi, vác nó đi, ngẫm nghĩ không có điều gì thắc mắc, rắc rối dối gian thì “đi với nó không hổ với bóng, nằm với nó không thẹn với chăn”. Trời đất có băn khoăn là băn khoăn kiếp người, thân thế trăm năm bỗng như thanh củi giạt, cành cây trôi. Suốt ngày vất vả lao đao trong cái lưới đời oái oăm thâm độc, lộng giả thành chân, biến đen thành trắng, tìm vết bới lông. Ta muốn chẻ cái gông ra làm hai mảnh viết một bài công dân giáo dục, tình nghĩa giáo khoa thư. Một bài đạo học dễ nhất cho lớp đồng ấu: thương người như thể thương thân, thấy là việc thiện thì mau thực hành.
Bài này ngoài sự tự nói với chính mình về những cái khắt khe ấm ức của bản án chữa văn, còn là lời nhắn gọi và trấn an gia đình, bằng hữu thân thuộc. Thành ngữ: đi một mình không hổ với bóng, nằm một mình không thẹn với chăn, ông mượn lời Thái Nguyên Định đời Tống bị tội oan, viết thư bảo con cái đừng thấy cha bị bắt mà lo sợ hoảng hốt. Ông cũng nhắc đến Nghêu Phu đời Tống có bài “thiện sự ngâm”, đại ý người ta làm việc thiện vì việc thiện đáng làm. Tích này ông mượn để nói rõ việc chữa văn cho thí sinh là việc thiện phải làm. Đã làm đúng việc thì không hối hận băn khoăn.   Cùng ý đó, ở bài sau Cao Bá Quát lấy thành ngữ: cúi xuống không hổ với đất, ngẩng lên không thẹn với trời. Đã là thân trượng phu can đảm dũng lược thì chân bước trên con đường danh phố lợi vẫn ngực ưỡn đầu cao. Không đếm xỉa gì đến điều nọ tiếng kia, thiệt này lợi nọ, ở hay đi, không hay có, được hay thua cũng không phải đạt thành vấn đề quan thiết. Bởi thế ông viết: “Ta không bận tâm đến chuyện đi hay ở.” Đi hay ở cũng có nghĩa là đi làm quan hay ở nhà cày ruộng. Đó là ý xuất nhập bao hàm trong triết học tam giáo. Ở đây thêm cái hiện thực sinh tồn riêng biệt, nó khiến tư tưởng nhà thơ có một sức mạnh lạ lùng. Câu này sau ông gửi cho các học trò như một lời tâm sự khác thường về ý hướng hành động của ông. (xem phần sau). Trở lại bài thơ, ông nhắc đến Hạ Hầu Thắng đời Hán, giỏi kinh thư, chỉ vì tranh luận về tên thụy của Vũ Đế mà bị hạ ngục. Nhắc đến Tô Đông Pha, vì chống Vương An Thạch mà bị truất; sau lại vì vài bài thơ cũng bị ở tù. Cả hai nhân vật ấy cuối cùng rồi cũng được tha, ra làm quan như cũ. Phải chăng ông hy vọng ở ý ấy, hay chỉ là lời an ủi cốt giữ cho người thân an tâm; hay chỉ nhắc lại như một kinh nghiệm lịch sử mà ông vẫn lầm lẫn bước vào? Bước vào ta mới thấy ra: cạm là thế ấy bẫy là thế kia. Bước vào ta mới thấy mọi sự vụ rất ly kỳ quái dị là “ngôi sao rượu” như ta mà lại bị nhốt trong tù! Nhìn cái gông, trông như cái thang. Giá nó là cái thang mây thì ông sẽ cười ha hả khoa tay leo lên theo gió. Lên cao chín từng mây thoát tục, thoát tù, để thấy :bóng thiều quang thấp thoáng bóng Nam san. Ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ (bài Chén Rượu Tiêu Sầu)

TRƯỜNG GIANG THIÊN
I
Nhậm giao thùy thị nhậm thùy phi
Tổng dữ nhân gian quản nhục ky
Thướng thủ bạn tương tam xích giản
Hiếp kiên duệ trước ngũ thù y
Hiểu từ phế thạch khai phong khứ
Mộ bạng ô đài quải nguyệt qui
Ký đắc tạc tiêu kinh tích lịch
Hỏa tiên biên xứ lẫm thiên uy

(Trái với phải kệ ai phải trái
Cái gông đeo là cái nhục rồi
Giơ lên vướng mảng tội đồ
So vai áo mỏng cơ hồ rách toang
Sáng ngược gió vác gông khai báo
Chiều đeo trăng ngơ ngáo về cùm
Đêm qua sấm chớp đùng đùng
Cái roi nhóa lửa thị hùng thị uy)

II
Thủ bả trường giang cánh khấu tâm
Ngô sinh vị để mạn tương tầm
Ngẫu hành vị khả đa tăng ảnh
Bạn thụy ưng tri bất quí khâm
Đỉnh đỉnh bách niên bi ngạnh phiếm
Lao lao chung nhật tỉnh cơ thâm
Tiện đương tế chúc song hàng tả
Minh trước Nghiêu Phu thiện sự ngâm

(Bị cùm trói hỏi lòng có biết
Mắc mớ gì gặp miết cái gông
Lòng rằng đã quyết thì không
Đi không hổ bóng ngủ không thẹn lòng
Thân trôi dạt trăm năm ròng rã
Cám cảnh tù vất vả ngày đêm
Chẻ gông ra viết một thiên
“đã làm đúng việc an nhiên ở tù”

III
Đạp hướng danh đồ bất điệu đầu
Ngã vô hành dã diệc vô lưu
Thi tài đáo để liên Tô tử
Thư nghĩa chung tu thuyết Hạ Hầu
Trước cước khởi tri cơ sự giới
Phấn nhiêm trường quái tửu tinh tù
Hà đương giá tác vân thê khứ
Nhất tiếu thừa phong ổn xấn hưu

(Bước vào đời đầu ngay ngực thẳng
Ở hay đi chẳng bận lòng ta
Hạ Hầu cho tới Đông Pha
Vào tù ra khám vẫn là thơ văn
Đời quàng cẳng chửa tin mắc bẫy
Vểnh râu lên sao đã bị tù
Vác gông làm cái thang mù
Cười vang một trận leo vù lên mây)

tường vũ anh thy 1982 (trích Cao Bá Quát: Giữa Hồn Thiêng Sông Núi, Ức Trai xuất bản 1985 )