Tản Mạn
Tường Vũ Anh Thy
Hồi nhỏ, tôi hí hửng với bức tranh Tết. Tranh bằng
giấy bổi, in thạch bản, đừơng nét màu sắc đơn sơ. Trong
các bức vẽ ngựa trâu, gà lợn , cóc nhái ,lá hoa , cô bé,
cậu bé , người đánh vật ...tôi thích nhất bức tranh
gà . Không phải chị gà mái với đàn con ,mà là anh gà
trống . Mào đỏ , chân vàng , lông cánh long lanh hùng tráng .
Tửơng không thể nào có ai vẽ đẹp hơn!
Một hôm có bạn rủ đi viện bảo tàng Legion Of Honor ở San
Francisco xem triển lãm tranh của Picasso . Tôi không thể nào
bỏ đi khỏi hai bức tranh gà .
Bức tranh gà thứ nhất tên The Cock, Picasso vẽ ngày 29
tháng 3 năm 1938 . Nét vẽ đơn giản , màu sắc lộng lẫy và
sống động . Mỏ và lữơi gà đang ...gáy ! Đây là con gà
trống biểu tượng của nước Pháp. Bức thứ hai tên Cock Of
The Libration vẽ ngày 23-11-1944 ; cũng là anh gà trống . Màu
sắc vui tươi và tình tứ. Đặc điểm của hai anh gà là
cái đầu nó luôn luôn ...nhúc nhích ! Cái mỏ nó luôn luôn
muốn ...gáy ! hoặc ...tán tỉnh ! Còn đôi mắt thì ...liếc
đưa tình ! Hình như nó loại anh gà trống nhà quê của tôi
ra khỏi ...tình trường !
Picasso
Tôi nôn nóng về nhà mở coi bức tranh gà mộc bản ngày
xưa. Nó vẫn còn đây, mộc mạc , quê mùa , nhưng vẫn hùng
tráng và sống động một cách khác . Tôi ôm ngực ...thở
phào ! Tranh gà của tôi vẫn còn ... sống!
Picasso. Ai cũng phải nhận là mới trong hội họa , cho đến
tận bây giờ, bên cạnh Matisse , Paul Klee ... Và cái mới
của ông tôi nhận ra một cách tế nhị trong bức Atlier Window,
vẽ ngày 3 - 7 - 1943. Đây chỉ là bức phong cảnh nhìn qua
cửa kính của chính phòng Picasso ở . Cái lạ là màu sắc
đường nét y hệt tranh của Van Gogh . Thế mà không hiểu sao
ta lại nhận ra ...la.i là rất Picasso !
Tôi bỗng nhớ mấy câu thơ của Nguyễn Du :
mai sau dù có bao giờ
đốt lò hương ấy so tơ phím này
trông ra ngọn cỏ lá cây
thấy hiu hiu gío thì hay chị về
Như những làn sương mù bàng bạc một không gian rất ...
thu ... để Bùi Gíang viết :
em về mấy thế kỷ sau
nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
ta đi để lại đôi giòng
lá rơi có dội vào trong sương mù
***
Tôi đọc lại văn Tô Hoài , thấy những câu : " Mặt trăng
vàng ệch , nằm thấp lè tè trên đầu ruộng . Những bông
lúa mảnh khảnh vươn cả vào trăng . " (Tập truyện Nhà
Nghèo tr. 77 ) hoặc : " Mùi cười chúm miệng. Đôi mắt liếc
ngời lên như một ánh nắng thoáng trong bóng nước .
(tr.123) Đều là những câu văn hay , mà rất đơn sơ . Cái
truyện " Bữa Ruợu Máu " của Nguyễn Tuân chẳng hạn . Cuộc
hành quyết 12 tử tù ông tả thật đặc sắc , mà tôi nhớ
Dostoevsky đã không tả được : " Trời chiều có một vẻ dữ
dội . Mặt đất lại sáng hơn nền trời . Nền trời vẩn
những đám mây tím đỏ vẽ đủ mọi hình quái rợ . Những
bức tranh mây chó màu thẫm hạ thấp xuống thêm , và đè
sát xuống pháp trường oi gắt . " ( Vang Bóng Một Thời -
nxb Văn Học 1988) Cảnh làm ta nhớ những bức tranh cuối
cùng của Van Gogh ở Auvers mà các nhà phân tích cho rằng tâm
thần Van Gogh đang gần ...cái chết.
Tôi lần mò đọc lại cả Nguyễn Trãi , ngừơi làm thơ cách
đây 6 thế kỷ , thấy những câu như :
còn có một lòng âu việc nước
đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung
Vẫn nghe ra một cái gì ... rất tâm tình gần gũi . Sự
rung động gần gũi ấy ... vượt thời gian !
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói ngày 02-02-1981 : " Nghệ sĩ là người
sống với cả vũ trụ , đông tây kim cổ . Khi sáng tác là sống ngoài
thời gian " Đến ngày 24-12-1985 ông nhấn mạnh thêm : "
Nghệ thuật thực , không có thời gian , không có địa lý . Nó
luôn luôn sống đời sống hiện tại . " Rồi ông dẫn
chứng một lá thư năm 1923 , Picasso viết : " Đối với tôi
không có quá khứ hay tương lai trong nghệ thuật . Nếu một
tác phẩm không thể sống luôn luôn trong hiện tại thì
chúng ta không xét đến ." (Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng
tạo - Nguyễn Xuân Việt ghi - nxb Văn Học 1998 ) Vậy thời
gian là gì ? Là vận tốc của ánh sáng ? Hay là một ý
niệm về cũ mới ?
Nguyễn Gia Trí
Ta khó có thể nghĩ rằng cuộc cách mạng tháng 10 -1917 ở
Nga lại bắt đầu từ một câu thơ của Puskin :
Ngọn lửa bùng lên từ tia lửa
Nhóm người làm cách mạng cùng với Lénine đã dùng câu
thơ này làm khẩu hiệu và tên tờ báo đầu tiên . Tờ Tia
Lửa số 1 ấn hành vào đúng ngày 24-12-1900 tại Leipzig . Và
ngọn lửa bùng lên thiêu cháy chế độ Nga hoàng , làm rung
chuyển thế giới 17 năm sau ! Và nói theo kiểu Trotsky nó
đã "cứu nghệ thuật ra khỏi sự lập lại muôn đời ". Ở
đây thời gian không những là ý niệm cũ mới mà còn mang
ý niệm cách tân.
Nhưng ta cũng không quên rằng , cùng thời gian đó , năm
1905 , Einstein đưa ra thuyết tương đối : mỗi sự kiện
được xác định bởi 3 toạ đô không gian , và 1 thời gian .
Vậy thời gian chỉ thuần tuý là tốc độ của ánh sáng
(300,000 km/giây) ?
Đến nay tuy thuyết tương đối trở thành ...tương đối
vì những khám phá về "siêu vận tốc ánh sáng " , phản
vật chất v.v. nhưng ý niệm về vận tốc vẫn là ưu thế .
Tôi không tản mạn quá đâu . Ngày 29-7-1924 Trostky viết :
"Thật là buồn cừơi , vô lý và ngớ ngẩn đến cao độ
nếu nghĩ rằng nghệ thuật thờ ơ với những biến động
của thời đại chúng ta . Các sự kiện là do con người
chuẩn bị và làm ra ,chúng tác động trở lại và làm biến
đổi con người . Nghệ thuật phản ảnh trực tiếp và gián
tiếp đời sống cuả con người , những kẻ đã làm ra hoặc
sống trong các sự kiện. Điều đó đúng với mọi loại
hình nghệ thuật , từ cái đồ sộ nhất cho đến cái thầm
kín nhất . Nếu thiên nhiên , tình yêu hay tình bạn không
gắn với tinh thần một thời đại , thì thi ca trữ tình đã
vắng bóng từ lâu . " ( Lev Trockij ,Văn Học và Cách Mạng ,
Hoàng Nguyễn dịch - nxb Tủ Sách Nghiên Cứu - 2000 ). Vậy
thời gian tuy là vận tốc ánh sáng hữu cơ , nó để lại trong
quá khứ những con kinh nghệ thuật chảy lênh láng trên
cánh đồng hiện tại . Chỉ có hiện tại , hiện tại , và hiện
tại mới hiển lộ giòng sống ấy . Mà hiện tại thì mong
manh . Không có gì chắc chắn cả . Nguyễn Gia Trí bảo : "
Cái gì chắc chắn là cái ấy đã cũ rồi ".
***
Ngày 14-12-2002, trong đêm gặp gỡ thân mật ở Houston ,
tình cờ tiếp xúc với vài cô cậu sinh viên từ Việt Nam
sang du học, tôi như ngừơi mộng du, nhìn thấy một quá
khứ mà đáng lẽ mình phải có mặt. Trước hết họ làm tôi
kinh ngạc về vốn liếng văn hoá, văn học Việt Nam giàu
có cuả họ. Sau nữa họ làm tôi rung động bởi sự trong
sáng nhiệt tình và trung hậu . Chữ "trung hậu" mà có lần
nhà thơ Hoàng Cầm đã dùng để viết cho nhạc sĩ Phạm Duy .
Trong lá thư riêng ấy, Hoàng Cầm tự hào đang được
sống trong lòng quê hương ,và tiếc cho những ai không hít
thở mùi đất bùn cây cỏ và hưởng cái tình rất "trung hậu"
cuả Việt Nam. Khi Phạm Duy đưa lá thư cho tôi đọc , tôi
chỉ bâng khuâng và nghĩ lững thững ...
Mười mấy năm qua, bây giờ tôi mới có dịp nhớ lại ,
và nghĩ lại. Thật là thấm thía. Các cô cậu sinh viên kia đã
đánh thức một cái thây trong hồn tôi ...sống lại ! Họ không
thể nào biết được tôi cảm tạ họ vô cùng. Cái quá khứ mịt
mùng đã 28 năm qua bỗng bùng lên. Và tôi có ước muốn điên
rồ lắp ghép cái quá khứ mà tôi không có mặt ấy vào
cái xác cuả tôi , hoặc ngược lại , thì biết đâu có thể
tạo được ...một sinh vật mới ! Một con người trọn vẹn
Việt Nam cuả thế kỷ 21! 28 năm qua tôi chưa vào công dân
Mỹ , cũng không còn là công dân Việt . Cái căn cước cuả
tôi thật là ...vô tổ quốc !
Ngày 28-12-2002 nhà nữ hóa học Brigette Boisselier cuả công ty
Clonaid công bố bé gái đầu tiên được tạo sinh cuả trái
đất đã chào đời và rất khoẻ mạnh.( Đây có thể chỉ
để thăm dò). Tin tức này làm tôi càng hy vọng vào sự
lắp ghép những quá khứ không có mặt vào hiện tại đang
chết để ...trường sinh ! Nghĩa là tôi sẽ bắt chước các
nhà khoa học làm một chuyến ...vượt thời gian ! Nhưng làm
thế nào để thực hiện ,dù tôi có thể di chuyển nhanh
hơn ánh sáng đến 4.7 lần ? Thưa rằng tôi không biết .
***
Ngày 16-5-1890 , Van Gogh từ miền Nam nước Pháp đáp xe lửa
tới Paris thăm gia đình ngừơi em , Theo và Johanna . Nhìn
đứa cháu mới sanh đang nằm ngủ ,ông bảo : "Đừng quấn
nhiều tã cho nó thế , thím nhỏ ạ " ...
Rồi đến ngày 27-7-1890 , từ Auvers ông muốn vượt thời
gian bay nhanh đến các vì sao bằng ...viên đạn đồng !
Nhưng Van Gogh đã không thành công . Gần 36 giờ sau , ông nói :
"Ước gì tôi được trở về quê hương! " rồi nhắm mắt.
( The World Of Van Gogh - Robert Wallace - nxb Time-Life Books-1969)
Trong một bức thư viết cho chị , ông từng ao ước :"
...nhưng chị ơi , dù sao em cũng thiết tha muốn một ngày kia
được nở trên môi một đoá hoa hồn !"
Tôi tin rằng vào khoảng sau 1 giờ sáng ngày 28-7-1890 , Van Gogh
đã liên lạc được với các vì sao, nơi chính là quê hương ông,
và hoa nở thật ...trên những bờ môi ( Trịnh Công Sơn )
Van Gogh
Bởi vì ngày 23-4-2000 , nhà văn Nghiêm Xuân Hồng gọi điện
thoại nói : " Có cái này trong Phật giáo ít người biết :
cái Tâm-lung-linh. Gần đây tôi mới thấy ra. Ừ , anh cứ
nghiệm mà xem, cái Tâm-lung-linh ấy nó điều khiển tất
cả à. Cả cuộc đời đã qua và đang tới là do những "mong
cầu" từ ý thức hay vô thức, và đều lọt vào
Tâm-lung-linh để nó thực hiện . Bệnh cũng do sự mong cầu mà lúc
nào đó mình có rồi quên đi , nó lọt xuống vô thức. Rồi
thường thường sẽ lọt vào Tâm-lung-linh. Cho nên anh chịu
khó niệm chú , đừng sợ hãi gì cả ! " Ngay lúc ấy tôi
cảm nhận được lời ông qua làn sóng thấm vào da thịt .
Tôi chưa kịp thăm ông thì ông đã ra đi ngày 7-5-2000.Tôi làm
thơ điếu ông :
TÂM LUNG LINH
mặt trời soi pháp giới
trăng tròn nở hoa nghiêm
sóng nào vỗ đầu tiên
lên vách đá lăng già
đêm lấp lánh lấp lánh
tâm lung linh lung linh
thân người ta một cõi
giữa cuộc trần minh mông
sẽ đi đâu về đâu
đầu và chân không cùng
chập chùng sương và khói
nói chỉ là âm vang
quán tự tại bồ tát
tâm lung linh lung linh
như đèn xa lộ nối
lững thững mình mình mình
quán tự tại bồ tát
hồ khuya nở hoa khuya
cuộc hẹn chưa hề tới
tay vói đổ vầng mây
phương tây ồ phương tây
hồng nghiêm sen một đoá
xuân vẫn còn đâu đây
tâm
lung linh
lung linh
Bài thơ đã đăng trên tạp chí Văn Học số 171, tưởng
niệm 49 ngày Nghiêm Xuân Hồng. Giờ đọc lại tôi vẫn còn
xúc động.
Tôi bỗng nhớ đôi mắt to tròn cuả nhà văn Vũ Khắc
Khoan . Một lần đôi mắt ấy mơ màng khem khép khi kể : "
người ta kể trong bữa rượu ở Saì Gòn sau 1975 , Nguyễn
Tuân có nói : " mình vẫn nhớ tác giả Thành Cát Tư Hãn lắm
đấy chứ ! "
Ồ , tôi có đang tản mạn quá không ? Những ngày cuối năm
ở San Jose , tôi chỉ có một mình . Và làm được bài thơ
chưa đặt tên :
một mình đi vào núi
chơi với đá và cây
chợt giải mây chặn hỏi
xua tay đứng tần ngần
nhặt về một hòn đá
tạc được đôi lông mày
bằng bặn như mặt nước
khoé mắt còn mưa khô
gio-o 2006
Tôi tìm cuốn kinh Hoa Nghiêm , định bụng sẽ đọc suốt
đêm nay trong tiếng pháo giao thừa đang lác đác nổ
mừng năm 2003 .
Tường Vũ Anh Thy San Jose 31-12-2002
lời thêm: Gần đây nhiều người vào net. và than phiền là những họa phẩm in trong bài không chính xác như tôi viết. Sự thực những hình ảnh trong bài do bạn Lê Thị Huệ và biên tập Gió-O ưu ái trang trí cho đẹp, không phải là những họa phẩm tôi đề cập. tvat.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét