lặng bước rừng vắng lặng
thế thế thế thế thế thế thế
không khởi tâm từ (nên) không tâm ác
chào nhau chào (như) nắng ban mai
8/12/2010
Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010
gửi người
tóc chưa bạc đã theo ngàn sóng bạc
đã toan cười bên những chạc thông reo
núi là núi của trời cao bỡ ngỡ
trăng là trăng của hoa -đốm-hư-không
mưa và nắng trông mong ngày mọc mộng
bọc hình hài trong lá chuối xanh xưa
ánh mắt lung linh buổi trưa lấp lánh
con ngựa trời no bụng ngủ trên cây
nằm thơ mộng đếm mây từng khuôn mặt
từng cõi đời lớp lớp mở ra coi
ngồi soi lại trái tim từng ngây dại
chốn trần gian khép lại một lời kinh
một hôm nọ đi vào say giữa chợ
thở hơi người ôi người đã rất xa
tóc chưa bạc đã theo ngàn cánh hạc
đã cười vang bên mép gấp trùng lai
3/89
mộng đắc tịnh liên
vì hay rượu nên sa vào nghiệp sóng
vỗ trùng trùng đòi lại cõi ban sơ
mây vẫn thờ ơ
bơ vơ lũng thấp
quờ quạng sững sờ
hoa trăng mọc như lá
ai đọc tờ kinh xưa
chợt mưa đổ hột rền trên miền hương thủy hải
ta mải mê bơi ngộp trời xanh
trời xanh trời xanh
ánh vào cốc rượu núi xanh xanh
tay bám chặt một cành cây huyền hoặc
tiếng đọc kinh mơ hồ như hát
như cát gieo trên những giòng sông
kìa trông ngàn cánh vạc
bay giữa đêm âm vọng ngìn thu
ta nghe được tiếng yêu của cá
tiếng nổi tiếng chìm trong lá gan tươi
lá gan trôi mãi hồ tịch mịch
nghe thầm thì như một đóa sen
ta muốn ngoi lên nhìn lại mặt trời
nhưng sóng bạc xóa nhòa trang ký ức
trăng tháng chin 1988
mơ hồ
đêm thao thức nghe tim và nhịp thở
nghe mưa trời mở cửa gõ hư không
nghe chiếc lá vòng vo rơi khe khẽ
nghe tiếng người trong bẹ chuối đang tươi
lòng không vội phấn hương cười lả ngọn
hai bàn tay thơm mùi lúa quê hương
chợt nhớ được hôm chào đời bật khóc
tóc sơ sinh còn dính nhựa hoàng hôn
lời mẹ gọi ru hồn vào nước suối
cuối giòng sông biển sóng vỗ mênh mông
biển rất rộng nhưng cõi người không rộng
nên thật thà cười mãi với mây xanh
máu rất đỏ nhưng lòng người không đỏ
nên nhiều lần chỉ khóc với trăng sao
lời của rễ xôn xao tìm mạch sống
nên suốt đời cây lá rất vô tư
nằm nhẩm lại ừ ta là hạt bụi
đã trôi lăn từ bao kiếp xa xăm
giờ hiu quạnh giữa những điều trông thấy
thấy là nghe một hơi thở mơ hồ
3/1989
Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010
TRANG TÔN KINH
cảm đề tiểu thuyết
tường vũ anh thy 1989
Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc của Nghiêm Xuân Hồng
nghiệp duyên duyên nghiệp trùng trùng
duyên non nghiệp biển mịt mùng cố hươngtrang kinh mở với vô thườngnhập trong pháp giới cúng dường hoa nghiêmhoa môn diệu ý bao miềnhuyễn sinh huyễn tử đảo điên cõi ngườiđêm đêm vọng tiếng trăng cườicánh chim báo mộng giữa trời âm vangtrái tim chuyển đỏ sang vàngtấm thân máu lệ ngỡ ngàng nhớ nhungvời trông mặt nước chập chùngbóng mây vạt nắng một vùng hoa trăngở bên kia giải sông hằng.lời kinh văng vẳng nghe bằng tâm hưcó không không có là dưcảnh như huyền hoặc thoảng như bóng đờisinh ra ta đã là ngườimột câu nguyện ngữ sáng ngời thế gian
tường vũ anh thy 1989
Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010
4 chuyện rất ngắn (2)
tranh: Rừng
MẾU MIỆNG
Anh ta làm nghề bán cá trong siêu thị Á đông. Khách hàng lựa cá chết, anh chỉ việc cân, mổ, rửa sạch và cắt khúc. Cá sống đang bơi lội trong hồ, anh phải lấy vợt bắt, đập chết rồi mới cân. Cái chày trong tay anh rất chính xác. Chỉ nện một nhát ngay đầu là con cá đang vùng vẫy dưới sàn chết đứ đừ. Trong lúc giết cá, miệng anh mím, mắt mở to, chung quanh có tiếng hô: chết này! Những con cá chết không kịp ngáp lần cuối, anh thích chí lắm. Miệng cá lúc nào cũng mếu. Anh bảo kiếp làm cá, sống cũng khóc, chết cũng khóc, thật là vô vị.
Hôm ấy có một bà khách mua tám con cá bông lau loại lớn nhất. Anh hớn hở cầm vợt. Cá lớn cá nhỏ bơi rần rần. Mắt anh chọn lựa, tay anh quơ quơ. Ðây thật là con cá lớn làm anh kinh ngạc. Người nó nung núc. Anh giơ cái vợt lên không nổi . Nước tung toé, cá vẫy vùng. Anh đưa mắt hỏi. Bà khách chớp mắt hài lòng. Miệng bà ta và miệng anh đều tủm tỉm.
Nhưng anh không cười lâu, bởi vì con cá khoẻ quá, nó thoát khỏi tay anh, chạy trốn. Anh đuổi, anh đập, đến ba lần mà cá còn vùng vẫy hung hăng. Lần thứ tư, anh nện nát cái miệng nó. Nhưng anh gần bị ngã, và trẹo mắt cá chân. Anh khấp khểnh lôi con cá lên cân. Ðuôi nó vẫn còn giẫy đành đạch. Máu từ miệng cá ứa đỏ bàn tay anh.
Tối về anh uống rượu lầm lì, khác hẳn mọi khị Rồi anh thấy váng vất khó chịụ Anh cất bước loạng choạng vào phòng để ngủ sớm. Kìa, ngay trên giường anh, một người đàn bà to béo đang nằm cười hềnh hệch. Miệng cười như mếu. Cái cần cổ trắng hếu, nung núc mỡ. Bà ta trần truồng, da ngăm ngăm. Anh cố nghĩ xem đấy là ai. Vừa nghĩ vừa đến gần. Anh chưa kịp hỏi thì bị một cái tát nảy đom đóm mắt. Anh ngã dúi vào góc giường. Người đàn bá túm gáy anh, bẻ quặt mặt anh lại:
- Nhìn kỹ đây nè!
Anh tỉnh lại. Hóa ra người đàn bà là con cá bông lau. Anh quơ tay tìm cái chày. Bà ta cười khẩy:
- Ở đây làm gì có chày.!
Anh lại tỉnh lại. Bỗng thấy đau nhói hai bên sườn. Anh rên rỉ đưa tay nắn bóp. Nhưng sườn anh đang mọc vẩy. Cứng và tanh mùi cá. Nó như có gân, kéo miệng anh méo sệch.
Từ đó, anh cười hay khóc, hay không, cũng mếu miệng.
NGON
Một ông gìa cùng cháu gái từ vùng Los Angeles tới thăm bạn bè ở Houston . Trong bữa cơm đông và thân , chủ nhà lần lượt mang các thức ăn độc đáo ra mời mọc . Chị ta luôn luôn hỏi han ân cần :
- Bác có vừa miệng không ?
Ông cười :
- Vừa lắm .
Chủ nhà lại săn đón :
- Bác cần thêm ớt không? Món này phải nóng và cay hơn mới ngon.
- Vâng , chị cho tôi tí ớt .
- Dạ để cháu vắt thêm chanh cho bác nhé . Món này thì chua hơn một chút mới đúng .
- Vâng, chị cho tôi thêm chanh .
- À còn món này hơi nhạt . Bác có cần thêm nước mắm sống ?. Hay là sì dầu . Có chai sì dầu của Tây ngon lắm bác ạ , chai nhỏ xíu mà những sáu đồng chín chín đấy .
- Vâng ... vâng ...
Cứ thế , bữa cơm diễn ra vui vẻ hào hứng . Rồi đến giai đọan bổ cam , uống trà , tán gẫu . Chủ nhà hãnh diện vì khách khen món ăn ngon . Rồi bỗng ông gìa chậm chãi kể :
- Tôi bị mất vị giác đã năm năm nay rồi chị ạ . Bác sĩ khám và chữa mãi vẫn không khỏi .
Chủ nhà trố mắt :
- Ủa ! Có bệnh mất vị giác hả bác ? Bệnh này ra sao ? Cháu chưa bao giờ nghe noí tới.
Ông ngả lưng ra ghế trả lời :
- Tôi cũng không biết tại sao lại bị cái bệnh chết tiệt này . Mới đầu chỉ thấy lưỡi tê tê ... Sau ăn uống cái gì cũng không có cảm giác ...Mấy năm nay, miệng tôi nào có biết mặn nhạt chua cay nóng lạnh gì đâu .!
Rồi ông chép miệng rõ ngon :
- Tôi chỉ ăn bằng mắt .
RẮN
Ngôi chuà ở ven núi . Vị Ni Sư ngồi nói Pháp thân mật với nhiều người ngoài thềm đá và cỏ . Mặt trời xê xế . Bỗng mọi người hoảng hốt đứng lên, có người chạy . Vị Ni Sư vẫn ngồi yên . Người ta thấy một con rắn cạp nong khá to,đang từ bụi cỏ bò tới . Nó nghểng đầu nhìn Ni Sư . Hình như bà thì thầm nói chuyện với nó . Một lúc , rắn từ từ bò đi . Mọi người xúm trở lại . Nhiều người hỏi :
- Sư cô nói gì với rắn ?
Vị Ni Sư thong thả trả lời :
- À , tôi chỉ bảo rắn rằng : mọi loài chúng sinh đều có duyên nghe Pháp . Nhưng nếu sự hiện diện của mình làm ngăn ngại nhiều kẻ khác thì tốt hơn đừng hiện thân . Vì ẩn thân vẫn nghe được Pháp . Bà con thấy đó , rắn cũng là cứng , mà cũng là mềm .
CHỮA BỆNH
Nhiều người theo vị Ni Sư và các ni cô đi làm rẫy. Ni Sư ngồi nhặt cỏ , quay lưng lại vơí con đường. Mọi người vừa nhặt cỏ vừa nghe Ni Sư nói Pháp. Không khí dầm ấm và thanh thản. Bỗng Ni Sư quay ra đường gọi :
- Này chị kia ơi ! Lấy nắm cỏ này về sắc cho cháu nó uống .
Người ta mới nhìn thấy một thiếu phụ đang bơ phờ rảo bước . Chị tới đảnh lễ ,nhận nắm cỏ đang có sẵn trên tay Ni Sư. Chị kể :
- Dạ thằng cháu nhỏ cuả con lên cơn. Suốt từ đêm qua tới giờ cho uống cái gì cũng nôn ra hết
Ni Sư khoan thai nói :
- Chị cứ sắc cỏ này chừng nửa chén cơm; cho cháu uống như liếm từng giọt . Không sao đâu .
Thiếu phụ vái lạy, rồi tất tưởi đi .
Hôm sau chị tươi tỉnh đến chùa tạ ơn là cháu bé đã bớt nhiều .
Có người hỏi :
- Sao sư cô không nhìn mà biết có người trên đường ? Và sao sư cô lại còn biết chỉ có con nhỏ bị đau ?
Vị Ni Sư nói :
- Tôi có nhìn đó chứ. Nhìn bằng tai và bằng cảm giác của tâm. Bằng tai tôi thấy được tiếng chân và hơi thở . Bằng tâm tôi thấy được tấm lòng lo lắng hỏang hốt của người mẹ thương con. Và rồi tôi dùng trí mà phán đoán . Nói thì dài dòng , chứ tất cả đều như lăn chớp . Bà con cũng có khả năng đó nếu biết tu chứng ...
Tường Vũ Anh Thy
© 2006 gio-o
4 chuyện rất ngắn
tranh: Salvador Dali
TƯỜNG VŨ ANH THY
BÓI XÍCH LÔ
Vào thập niên 60 ở tỉnh PT có khoảng 360 chiếc xích lô đạp . Đó cũng là phương tiện giao thông chính.Vào một ngày còn đầy nắng, có chàng tuổi trẻ kia từ phương xa đáp xe đò vào thành phố. Anh ta không quen biết ai ở đây. Cũng không có nhiều tiền để thuê khách sạn. Anh loanh quanh định bụng sẽ ngủ đỗ đêm nay nơi góc xó nào đó. Anh mua một ổ bánh mì không. Rồi vừa ăn vừa ngắm cảnh sinh hoạt của bến xe. Trông anh hớn hở lạ thường. Anh đặc biệt chú ý đến những chiếc xích lô xếp hàng đợi khách. Anh ngắm nghía càng xe kỹ lưỡng và thân thiện như ngừơi nhà. Mỗi lần chiếc xích lô nào có khách, anh mỉm cừơi gật gù thích thú.Chiều xuống, người vắng dần. Trong số mấy ông phu đạp xích lô còn lại, có một ngừơi cũng còn trẻ, ông ta hỏi chuyện anh :- Cậu ở đâu tới ? Đợi ai vậy ? Cần giúp đỡ gì không ?- Dạ tôi ở xa . Đâu đợi ai đâu . Mà ông à , tôi nghiệm thấy mấy cái xích lô thật là kỳ ...- Đù mẹ ! Ông mẹ gì , gọi anh đi . Sao mà kỳ ?- Tôi ngó mấy cái càng xe , thấy cái nào cừơi là y chang có khách . Cái nào mếu là ế dài dài như xe của ...anh đó.- Thiệt không cha nội ?- Đâu có nói dóc làm gì ! Xe anh bữa nay hết sức ít khách .Cái càng nó mếu quá xá mà . Xe bên cũng ế nhưng đỡ hơn .Người phu xe bật cừơi :- Đúng thiệt ha ? Thôi nếu cậu không đợi ai thì về nhà tôi chơi. Ế tôi cũng mua xị đế, mình lai rai ...?Từ đó anh trở thành thầy bói ...xích lô . Sáng sớm anh đứng xem từng chiếc xích lô lần lượt kéo tới . Anh thấy càng xe nào cừơi nhiều, cừơi ít, mếu nhiều, mếu ít, anh nói đều trúng phóc ... trong ngày được nhiều khách hay ít khách ... Ngừơi ta hỏi làm sao anh thấy được cái càng xe nó cừơi hay nó mếu? Thì anh đáp :- Rõ ràng tôi thấy nó cừơi . Rõ ràng tôi thấy nó mếu ! Vậy thôi !
CÁI LƯNG NGỨA
Có một anh chàng bị ngứa lưng đang khi làm việc. Anh không thể đưa tay gãi, hay cọ lưng vào đâu được. Mới đầu cái ngứa mấp mé lan man hai bên lườn. Từ từ ngứa dữ, ngứa ran lên vào tới giữa lưng. Anh cũng gan lì, thách đố với cái ngứạ Mặt anh tức đỏ như say rượụ- Ðể xem cái ngứa xoay vần đến đâu .Anh lẩm bẩm như vậỵ Có lúc ngứa quá làm anh ngẩn ra . Trong đầu anh thoáng hiện những cái lưng trâu, lưng bò, lưng ngựa mà anh tùng nhìn thấỵ Có cả ruồi và kiến bò lăng nhăng…. thế mà chúng nó chẳng ngứa ngáy gì cả???- Ừ, hay chúng cũng thấy ngứa nhưng cứ mặc kệ? Ừ … được như cái lưng ngựa thì khoẻ biết mấy!Anh lại lẩm bẩm và cố làm việc, mặc kệ cái ngứa . Cuối cùng cơn bão ngứa cũng qua đi. Tan sở, anh khoan khoái đi về, quên mất cái ngứa .Nhưng cái ngứa nó không quên anh. Nó đến thình lình ngay lúc anh vừa tắm xong. Dữ dội và ồ ạt. Nó làm anh gãi quýnh lên. Tay anh không đủ dài để gãi vào giữa lưng. Anh phải mài lưng vào bờ tường. Nhưng tường nhà anh sơn nhiều lần, đã nhẵn. Anh quơ lấy thanh gỗ làm cái gãi . Anh lẩm bẩm:- Cuối tuần này phải mua cái gãi lưng bằng tre mới được.Chợt anh nghe tiếng gỗ chạm vào lưng có vẻ bất thường. Âm thanh vang to lên dần dần… sôôộtt sôôộtt!!! Lưng anh hình như đanng từ từ se cứng. Anh không cảm thấy ngứa tàn bạo như trước. Thay vào đấy là cảm giác nằng nặng… căng căng. Anh có cảm tưởng cái lưng không còn là của anh nữa .Anh đang định lấy tay sờ thi sửng sốt thấy màu nâu đen của cái lưng ngựa trong tấm gương ngay sau lưng anh.
CÁI TAI BIẾT NÓI
Có một chàng thanh niên bỗng mắc chứng bệnh lạ. Cứ khoảng chín mười giờ tối, cái tai phải đóng ù lại . Nghe lùng bùng hoặc không nghe gì cả. Còn tai trái bắt đầu nói . Nó nói tùm lum, dai dẳng. Anh thấy nó nói, anh nghiêng đầu nghiêng cổ, cố hiểu lời của nó. Nhưng thật bực, anh chẳng biết nó nói cái gì. Anh đành làm việc vặt, hoặc đọc sách. Tức thì cái tai trái gào lên như thuỷ triều, lồng lộn và thúc bách. Nó làm anh hoang mang, sợ hãi . Anh ôm đầu lăn lộn cho đến khi trời sáng, hai cái tai mới trở lại bình thường.Cả tuần lễ như thế, người anh rộc đi . Anh tìm cách đối phó. Trước chín giờ tối, anh rời nhà, đi lẫn vào đám đông ngoài phố. Anh lang thang hết đường này sang phố nọ. Phấn khởi vì thoát khỏi hai cái tai, anh đi không biết mệt. Ðến ba giờ sáng anh tà tà trở về nhà. Nhưng vừa mở cửa bước vào, lập tức tai phải ù đặc. Tai trái quạu cọ rên rỉ nói . Rõ ràng nó bực tức vì không được mở miệng. Anh hoảng hốt ôm đầu chạy bay ra đường. Khốn khổ cho anh, bên ngoài vắng tanh vắng ngắt. Tai trái cướp được tình thế, nó hùng hổ nói liên tu bất tận… và làm anh … bất tỉnh giữa đường.Người ta đưa anh vào nhà thương cấp cứu… Trời sáng, anh lại bình thường. Ai cũng cho là anh say rượu hay thuốc. Anh lặng lẽ về nhà ngủ vùi .Những ngày kế tiếp, anh la cà ngoài đường phố cho đến khi mặt trời mọc mới về. Giải pháp này cũng tạm ổn. Anh thoát khỏi hai cái tai, nhưng toàn bộ cơ thể anh bắt đầu suy nhược. Anh phải tìm cách khác.Lần này anh quyết ăn thua đủ. Trước hết anh cạo trọc để có thể nhìn rõ hai cái tai . Chưa tới chín giờ tối, anh không ra đường nữa mà vào phòng tắm. Anh trừng trừng nhìn anh trong gương. Trên cái đầu trọc, mọc hai cái tai trông thật kỳ cục. Chúng như loài nấm lạ, xấu xí, mà lại vênh váo ta đây . Anh thấy ghét quá, nhưng cố theo dõi xem chúng sẽ làm gì? Kìa, cái tai phải từ từ co lại, co lại… trong khi tai trái đang vểnh lên… Anh thấy rõ điệu bộ của nó, khinh khỉnh… Anh giận điên. Nó chưa kịp mở giọng, anh đã lia lưỡi dao cạo, cắt đứt phăng toàn thân thể của nó.Cái tai trái chưa kịp nói, rơi xuống bồn rửa mặt tung toé máu. Ðầu tai còn vểnh lên.
CON MẮT RÁCH
Một người đàn bà khai với bác sĩ mắt:- Cả tuần nay con mắt trái của tôi rất khó chịu .Bác sĩ khám, đo, soi, rọi, rồi bảo:- Mắt bà vẫn bình thường. Có lẽ bà chỉ cần nghỉ ngơi. Tôi sẽ cho bà một loại thuốc rửa và giữ mắt sạch sẽ.- Nhưng… con mắt trái của tôi bây giờ lúc nào cũng nhìn thấy có một cái màn nhỏ…- Ðó là màng nhện. Những người trên bốn mươi tuổi, nhìn thấy màng nhện là bình thường, bà đừng lo gì cả.Người đàn bà ra về với nỗi bồn chồn. Bà đã không diễn tả và khai hết với bác sĩ. Con mắt trái của bà lâu nay rất bướng bỉnh. Bà muốn xem tin tức trên màn ảnh truyền hình, hay đọc sách, thì nó cứ bám lấy các đồ ăn thức uống. Ðặc biệt là đường, kẹo, mỡ… nó dán chặt. Bà không thể dứt nó ra được. Trong bóng mắt, trong cái màng nhện còn có những chuyển động li ti mà bà chưa biết chắc là cài gì. Tóm lại, con mắt trái nó đang điều khỉển bà, chứ bà không tài nào điều khiển được nó.Bà quyết định bịt kín con mắt trái đó lại xem sao . Với chỉ con mắt phải, bà vẫn làm việc, đọc sách không khó khăn lắm. Giải pháp này có vẻ hữu hiệu. Bà thấy yên ổn được hai ngày . Ðến ngày thứ ba thì con mắt trái bắt đầu phản công. Bà đang đọc sách bằng con mắt phải thì nghe con mắt trái nong nóng, nằng nặng. Bà rời quyển sách, liếc nhìn bọn đồ ăn. Con mắt trái lập tức êm ru . Bà bật máy truyền hình xem tin tức. Con mắt trái bắt đầu nhức nhối khó chịu . Bà nằm vật ra . Nhắm cả con mắt phải . Ðược một lúc, bà sắp chìm vào giấc ngủ. Nhưng con mắt trái không chịu . Nó gõ bồm bộp vào vách mắt, đòi được mở ra . Bà giả vờ như không nghe . Nó càng gõ dữ dội . Rồi vách mắt rách toang. Trong màu đỏ hoang mang, có những con kiến màu rêu xanh hớn hở bò ra . Nghênh ngang như những chiếc xe tăng nghiến nát mặt cỏ.Người đàn bà vùng dậỵ Con mắt trái của bà đã rách thật. Trứng kiến còn đọng ở chân mi .Lời thêm: Tôi viết chuyện này năm 2000, đã đăng trên tạp chí Hợp Lưu số 62 tháng 12 năm 2001. Tình cờ nghe được bản tin của Hoàng Mai Ðạt lúc 12 giờ trưa ngày 15 tháng 11 năm 2005 trên đài Little Saigon radio, kể về một người đàn bà ở Cancutta (Ðông Bắc Ấn Ðộ) . Bà ấy đi giải phẫu mắt . Nhưng khi tháo băng thì con mắt bà đầy kiến…bò ra . Sự trùng hợp lạ lùng giữa chuyện ngắn và chuyện thật!
Tường Vũ Anh Thy© 2006 gio-o
QUÁ KHỨ KHÔNG CÓ MẶT
Tản Mạn
Tường Vũ Anh Thy
Hồi nhỏ, tôi hí hửng với bức tranh Tết. Tranh bằng
giấy bổi, in thạch bản, đừơng nét màu sắc đơn sơ. Trong
các bức vẽ ngựa trâu, gà lợn , cóc nhái ,lá hoa , cô bé,
cậu bé , người đánh vật ...tôi thích nhất bức tranh
gà . Không phải chị gà mái với đàn con ,mà là anh gà
trống . Mào đỏ , chân vàng , lông cánh long lanh hùng tráng .
Tửơng không thể nào có ai vẽ đẹp hơn!
Một hôm có bạn rủ đi viện bảo tàng Legion Of Honor ở San
Francisco xem triển lãm tranh của Picasso . Tôi không thể nào
bỏ đi khỏi hai bức tranh gà .
Bức tranh gà thứ nhất tên The Cock, Picasso vẽ ngày 29
tháng 3 năm 1938 . Nét vẽ đơn giản , màu sắc lộng lẫy và
sống động . Mỏ và lữơi gà đang ...gáy ! Đây là con gà
trống biểu tượng của nước Pháp. Bức thứ hai tên Cock Of
The Libration vẽ ngày 23-11-1944 ; cũng là anh gà trống . Màu
sắc vui tươi và tình tứ. Đặc điểm của hai anh gà là
cái đầu nó luôn luôn ...nhúc nhích ! Cái mỏ nó luôn luôn
muốn ...gáy ! hoặc ...tán tỉnh ! Còn đôi mắt thì ...liếc
đưa tình ! Hình như nó loại anh gà trống nhà quê của tôi
ra khỏi ...tình trường !
Picasso
Tôi nôn nóng về nhà mở coi bức tranh gà mộc bản ngày
xưa. Nó vẫn còn đây, mộc mạc , quê mùa , nhưng vẫn hùng
tráng và sống động một cách khác . Tôi ôm ngực ...thở
phào ! Tranh gà của tôi vẫn còn ... sống!
Picasso. Ai cũng phải nhận là mới trong hội họa , cho đến
tận bây giờ, bên cạnh Matisse , Paul Klee ... Và cái mới
của ông tôi nhận ra một cách tế nhị trong bức Atlier Window,
vẽ ngày 3 - 7 - 1943. Đây chỉ là bức phong cảnh nhìn qua
cửa kính của chính phòng Picasso ở . Cái lạ là màu sắc
đường nét y hệt tranh của Van Gogh . Thế mà không hiểu sao
ta lại nhận ra ...la.i là rất Picasso !
Tôi bỗng nhớ mấy câu thơ của Nguyễn Du :
mai sau dù có bao giờ
đốt lò hương ấy so tơ phím này
trông ra ngọn cỏ lá cây
thấy hiu hiu gío thì hay chị về
Như những làn sương mù bàng bạc một không gian rất ...
thu ... để Bùi Gíang viết :
em về mấy thế kỷ sau
nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
ta đi để lại đôi giòng
lá rơi có dội vào trong sương mù
***
Tôi đọc lại văn Tô Hoài , thấy những câu : " Mặt trăng
vàng ệch , nằm thấp lè tè trên đầu ruộng . Những bông
lúa mảnh khảnh vươn cả vào trăng . " (Tập truyện Nhà
Nghèo tr. 77 ) hoặc : " Mùi cười chúm miệng. Đôi mắt liếc
ngời lên như một ánh nắng thoáng trong bóng nước .
(tr.123) Đều là những câu văn hay , mà rất đơn sơ . Cái
truyện " Bữa Ruợu Máu " của Nguyễn Tuân chẳng hạn . Cuộc
hành quyết 12 tử tù ông tả thật đặc sắc , mà tôi nhớ
Dostoevsky đã không tả được : " Trời chiều có một vẻ dữ
dội . Mặt đất lại sáng hơn nền trời . Nền trời vẩn
những đám mây tím đỏ vẽ đủ mọi hình quái rợ . Những
bức tranh mây chó màu thẫm hạ thấp xuống thêm , và đè
sát xuống pháp trường oi gắt . " ( Vang Bóng Một Thời -
nxb Văn Học 1988) Cảnh làm ta nhớ những bức tranh cuối
cùng của Van Gogh ở Auvers mà các nhà phân tích cho rằng tâm
thần Van Gogh đang gần ...cái chết.
Tôi lần mò đọc lại cả Nguyễn Trãi , ngừơi làm thơ cách
đây 6 thế kỷ , thấy những câu như :
còn có một lòng âu việc nước
đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung
Vẫn nghe ra một cái gì ... rất tâm tình gần gũi . Sự
rung động gần gũi ấy ... vượt thời gian !
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói ngày 02-02-1981 : " Nghệ sĩ là người
sống với cả vũ trụ , đông tây kim cổ . Khi sáng tác là sống ngoài
thời gian " Đến ngày 24-12-1985 ông nhấn mạnh thêm : "
Nghệ thuật thực , không có thời gian , không có địa lý . Nó
luôn luôn sống đời sống hiện tại . " Rồi ông dẫn
chứng một lá thư năm 1923 , Picasso viết : " Đối với tôi
không có quá khứ hay tương lai trong nghệ thuật . Nếu một
tác phẩm không thể sống luôn luôn trong hiện tại thì
chúng ta không xét đến ." (Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng
tạo - Nguyễn Xuân Việt ghi - nxb Văn Học 1998 ) Vậy thời
gian là gì ? Là vận tốc của ánh sáng ? Hay là một ý
niệm về cũ mới ?
Nguyễn Gia Trí
Ta khó có thể nghĩ rằng cuộc cách mạng tháng 10 -1917 ở
Nga lại bắt đầu từ một câu thơ của Puskin :
Ngọn lửa bùng lên từ tia lửa
Nhóm người làm cách mạng cùng với Lénine đã dùng câu
thơ này làm khẩu hiệu và tên tờ báo đầu tiên . Tờ Tia
Lửa số 1 ấn hành vào đúng ngày 24-12-1900 tại Leipzig . Và
ngọn lửa bùng lên thiêu cháy chế độ Nga hoàng , làm rung
chuyển thế giới 17 năm sau ! Và nói theo kiểu Trotsky nó
đã "cứu nghệ thuật ra khỏi sự lập lại muôn đời ". Ở
đây thời gian không những là ý niệm cũ mới mà còn mang
ý niệm cách tân.
Nhưng ta cũng không quên rằng , cùng thời gian đó , năm
1905 , Einstein đưa ra thuyết tương đối : mỗi sự kiện
được xác định bởi 3 toạ đô không gian , và 1 thời gian .
Vậy thời gian chỉ thuần tuý là tốc độ của ánh sáng
(300,000 km/giây) ?
Đến nay tuy thuyết tương đối trở thành ...tương đối
vì những khám phá về "siêu vận tốc ánh sáng " , phản
vật chất v.v. nhưng ý niệm về vận tốc vẫn là ưu thế .
Tôi không tản mạn quá đâu . Ngày 29-7-1924 Trostky viết :
"Thật là buồn cừơi , vô lý và ngớ ngẩn đến cao độ
nếu nghĩ rằng nghệ thuật thờ ơ với những biến động
của thời đại chúng ta . Các sự kiện là do con người
chuẩn bị và làm ra ,chúng tác động trở lại và làm biến
đổi con người . Nghệ thuật phản ảnh trực tiếp và gián
tiếp đời sống cuả con người , những kẻ đã làm ra hoặc
sống trong các sự kiện. Điều đó đúng với mọi loại
hình nghệ thuật , từ cái đồ sộ nhất cho đến cái thầm
kín nhất . Nếu thiên nhiên , tình yêu hay tình bạn không
gắn với tinh thần một thời đại , thì thi ca trữ tình đã
vắng bóng từ lâu . " ( Lev Trockij ,Văn Học và Cách Mạng ,
Hoàng Nguyễn dịch - nxb Tủ Sách Nghiên Cứu - 2000 ). Vậy
thời gian tuy là vận tốc ánh sáng hữu cơ , nó để lại trong
quá khứ những con kinh nghệ thuật chảy lênh láng trên
cánh đồng hiện tại . Chỉ có hiện tại , hiện tại , và hiện
tại mới hiển lộ giòng sống ấy . Mà hiện tại thì mong
manh . Không có gì chắc chắn cả . Nguyễn Gia Trí bảo : "
Cái gì chắc chắn là cái ấy đã cũ rồi ".
***
Ngày 14-12-2002, trong đêm gặp gỡ thân mật ở Houston ,
tình cờ tiếp xúc với vài cô cậu sinh viên từ Việt Nam
sang du học, tôi như ngừơi mộng du, nhìn thấy một quá
khứ mà đáng lẽ mình phải có mặt. Trước hết họ làm tôi
kinh ngạc về vốn liếng văn hoá, văn học Việt Nam giàu
có cuả họ. Sau nữa họ làm tôi rung động bởi sự trong
sáng nhiệt tình và trung hậu . Chữ "trung hậu" mà có lần
nhà thơ Hoàng Cầm đã dùng để viết cho nhạc sĩ Phạm Duy .
Trong lá thư riêng ấy, Hoàng Cầm tự hào đang được
sống trong lòng quê hương ,và tiếc cho những ai không hít
thở mùi đất bùn cây cỏ và hưởng cái tình rất "trung hậu"
cuả Việt Nam. Khi Phạm Duy đưa lá thư cho tôi đọc , tôi
chỉ bâng khuâng và nghĩ lững thững ...
Mười mấy năm qua, bây giờ tôi mới có dịp nhớ lại ,
và nghĩ lại. Thật là thấm thía. Các cô cậu sinh viên kia đã
đánh thức một cái thây trong hồn tôi ...sống lại ! Họ không
thể nào biết được tôi cảm tạ họ vô cùng. Cái quá khứ mịt
mùng đã 28 năm qua bỗng bùng lên. Và tôi có ước muốn điên
rồ lắp ghép cái quá khứ mà tôi không có mặt ấy vào
cái xác cuả tôi , hoặc ngược lại , thì biết đâu có thể
tạo được ...một sinh vật mới ! Một con người trọn vẹn
Việt Nam cuả thế kỷ 21! 28 năm qua tôi chưa vào công dân
Mỹ , cũng không còn là công dân Việt . Cái căn cước cuả
tôi thật là ...vô tổ quốc !
Ngày 28-12-2002 nhà nữ hóa học Brigette Boisselier cuả công ty
Clonaid công bố bé gái đầu tiên được tạo sinh cuả trái
đất đã chào đời và rất khoẻ mạnh.( Đây có thể chỉ
để thăm dò). Tin tức này làm tôi càng hy vọng vào sự
lắp ghép những quá khứ không có mặt vào hiện tại đang
chết để ...trường sinh ! Nghĩa là tôi sẽ bắt chước các
nhà khoa học làm một chuyến ...vượt thời gian ! Nhưng làm
thế nào để thực hiện ,dù tôi có thể di chuyển nhanh
hơn ánh sáng đến 4.7 lần ? Thưa rằng tôi không biết .
***
Ngày 16-5-1890 , Van Gogh từ miền Nam nước Pháp đáp xe lửa
tới Paris thăm gia đình ngừơi em , Theo và Johanna . Nhìn
đứa cháu mới sanh đang nằm ngủ ,ông bảo : "Đừng quấn
nhiều tã cho nó thế , thím nhỏ ạ " ...
Rồi đến ngày 27-7-1890 , từ Auvers ông muốn vượt thời
gian bay nhanh đến các vì sao bằng ...viên đạn đồng !
Nhưng Van Gogh đã không thành công . Gần 36 giờ sau , ông nói :
"Ước gì tôi được trở về quê hương! " rồi nhắm mắt.
( The World Of Van Gogh - Robert Wallace - nxb Time-Life Books-1969)
Trong một bức thư viết cho chị , ông từng ao ước :"
...nhưng chị ơi , dù sao em cũng thiết tha muốn một ngày kia
được nở trên môi một đoá hoa hồn !"
Tôi tin rằng vào khoảng sau 1 giờ sáng ngày 28-7-1890 , Van Gogh
đã liên lạc được với các vì sao, nơi chính là quê hương ông,
và hoa nở thật ...trên những bờ môi ( Trịnh Công Sơn )
Van Gogh
Bởi vì ngày 23-4-2000 , nhà văn Nghiêm Xuân Hồng gọi điện
thoại nói : " Có cái này trong Phật giáo ít người biết :
cái Tâm-lung-linh. Gần đây tôi mới thấy ra. Ừ , anh cứ
nghiệm mà xem, cái Tâm-lung-linh ấy nó điều khiển tất
cả à. Cả cuộc đời đã qua và đang tới là do những "mong
cầu" từ ý thức hay vô thức, và đều lọt vào
Tâm-lung-linh để nó thực hiện . Bệnh cũng do sự mong cầu mà lúc
nào đó mình có rồi quên đi , nó lọt xuống vô thức. Rồi
thường thường sẽ lọt vào Tâm-lung-linh. Cho nên anh chịu
khó niệm chú , đừng sợ hãi gì cả ! " Ngay lúc ấy tôi
cảm nhận được lời ông qua làn sóng thấm vào da thịt .
Tôi chưa kịp thăm ông thì ông đã ra đi ngày 7-5-2000.Tôi làm
thơ điếu ông :
TÂM LUNG LINH
mặt trời soi pháp giới
trăng tròn nở hoa nghiêm
sóng nào vỗ đầu tiên
lên vách đá lăng già
đêm lấp lánh lấp lánh
tâm lung linh lung linh
thân người ta một cõi
giữa cuộc trần minh mông
sẽ đi đâu về đâu
đầu và chân không cùng
chập chùng sương và khói
nói chỉ là âm vang
quán tự tại bồ tát
tâm lung linh lung linh
như đèn xa lộ nối
lững thững mình mình mình
quán tự tại bồ tát
hồ khuya nở hoa khuya
cuộc hẹn chưa hề tới
tay vói đổ vầng mây
phương tây ồ phương tây
hồng nghiêm sen một đoá
xuân vẫn còn đâu đây
tâm
lung linh
lung linh
Bài thơ đã đăng trên tạp chí Văn Học số 171, tưởng
niệm 49 ngày Nghiêm Xuân Hồng. Giờ đọc lại tôi vẫn còn
xúc động.
Tôi bỗng nhớ đôi mắt to tròn cuả nhà văn Vũ Khắc
Khoan . Một lần đôi mắt ấy mơ màng khem khép khi kể : "
người ta kể trong bữa rượu ở Saì Gòn sau 1975 , Nguyễn
Tuân có nói : " mình vẫn nhớ tác giả Thành Cát Tư Hãn lắm
đấy chứ ! "
Ồ , tôi có đang tản mạn quá không ? Những ngày cuối năm
ở San Jose , tôi chỉ có một mình . Và làm được bài thơ
chưa đặt tên :
một mình đi vào núi
chơi với đá và cây
chợt giải mây chặn hỏi
xua tay đứng tần ngần
nhặt về một hòn đá
tạc được đôi lông mày
bằng bặn như mặt nước
khoé mắt còn mưa khô
gio-o 2006
Tôi tìm cuốn kinh Hoa Nghiêm , định bụng sẽ đọc suốt
đêm nay trong tiếng pháo giao thừa đang lác đác nổ
mừng năm 2003 .
Tường Vũ Anh Thy San Jose 31-12-2002
lời thêm: Gần đây nhiều người vào net. và than phiền là những họa phẩm in trong bài không chính xác như tôi viết. Sự thực những hình ảnh trong bài do bạn Lê Thị Huệ và biên tập Gió-O ưu ái trang trí cho đẹp, không phải là những họa phẩm tôi đề cập. tvat.
MƯA GIĂNG VƯỜN VẢI
chuyện trò
Vừa lái xe tôi vừa hỏi :
- Chắc anh có nhiều dịp đến chuà Huy Văn cũ ở Hà Nội ?
- Có ...
- Sao tôi cứ ngờ cái thuyết Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đem giấu bà phi Ngô Thị Ngọc Dao có thai hoàng tử Tư Thành vào chuà Huy Văn ...
Người-bạn-sử-hà-nội chép miệng. Ánh mắt ông cắt ngang không gian như lằn mũi-tên-thời-mỵ-châu-trọng-thuỷ :
- Anh nghi ngờ là phải. Tôi đã mò mẫm xem xét mãi khu di tích chuà Huy Văn cũ mà chẳng tìm được chút dấu vết gì ...
- Thế thì đúng như ông Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án viết rằng người ta hay lầm chuà Huy Văn với chuà Dục Khánh. Chuà Dục Khánh mới có đền thờ bà phi Ngọc Dao. Sau thờ thêm vua Thần Tôn chứ không phải Thánh Tôn. Anh thấy không, một sự lầm lẫn đáng tiếc. Đáng tiếc nhất là nó làm hỏng hẳn những "dự thuyết lịch sử" mà các nhà sử học Hà Nội các anh đã và đang lập ra ...
Người bạn dúi tay vào lưng sườn tôi. Ngón cái có móng dài làm tôi hơi đau. Ông cười bằng mắt :
- Cái ông này hay nhỉ ! Làm gì có "dự thuyết lịch sử" nào chứ ! Mà đâu có phải tất cả những người làm sử ở Hà Nội đồng quan điểm với nhau .
- Sao lại không? Ngay bộ "Lịch Sử Việt Nam" cuả các anh, tập I in từ năm 1971; mãi đến năm 1985 mới in tập II . Khoan nói về những cái nhập nhằng ở tập II là nguyên nhân chính khiến sách đẻ muộn 14 năm. Hãy nói sơ ở tập I. Thí dụ trang ảnh "Bút tích Cao Bá Quát" tôi biết là không đúng ...
- Đấy là dân gian truyền tụng.
- Vâng, cứ cho là lời đồn đi. Nhưng phải ghi rõ đó là lời đồn. Không thể khẳng định như thế.
Con đường trước mặt thưa vắng. Tôi lái xe rất thong thả,thoải mái nhìn ông. Mái tóc thưa dài cuả ông quay sang. Ánh mắt vẫn cắt ngang như mũi-tên-thời-mỵ-châu :
- Thật sự thì bộ sử ấy không đáng kể. Nhiều khuyết điểm. Bọn tôi làm việc ăn lương, dưới sự chỉ đạo cuả ông Phạm Văn Đồng. Làm rất lâu. Mà kết quả chỉ có thế.
Đột nhiên giọng ông nhuốm vẻ cay đắng :
- Bộ anh tưởng trí thức ở Việt Nam giá trị lắm hả ?
Nói xong ông châm thuốc lá. Tôi run lên vì xúc động, quay kính xe xuống vừa một khe. Óc tôi sôi nổi. KHÓI. Khuôn mặt ông buồn và xa xôi hẳn. Nốt ruồi trên miệng ông rung rinh. Lòng tôi cũng sôi nổi bồi hồi. Trí thức ở miền Nam Việt Nam từ sau năm 1975 đã ra sao? Di tản, tù đày, vượt biên, chết; đầu hàng hoặc câm điếc cô đơn ? Đột nhiên hình ảnh một trí thức họ Ngô bị họ Đặng dùng roi đánh quặn người đến chết ngay buổi Nguyễn Ánh thống nhất đất nước. Phải rồi, đến như ông tổ nhà Hán, sau khi cưỡi lên được Trung Quốc đã coi khinh trí thức, thì hành động chôn sống học trò trước đấy của Tần Thuỷ Hoàng đâu có lạ. Môi tôi mấp máy, nhưng tiếng ông đã vang lên :
- Mình làm việc ở viện đại học Hà Nội rất lâu. Tham dự và chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc họp đột xuất. Hoặc có các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp ... Đùng một cái, sáng mai có buổi tập họp phát biểu về văn hoá. Mãi tối nay mới có người đến từng nhà, từng phòng, loan báo và mời miệng. Hôm sau gặp gần 50 khuôn mặt trí thức đại học. Ai nhìn ai cũng thèn thẹn. Phát biểu gì cũng chẳng quá dăm câu. Hèn thế đấy. Không ai có dịp bàn trước với ai, hội ý với ai. Tôi vẫn nói: ta có trí thức, nhưng không có giai tầng trí thức .
Khói. Tôi hạ thấp cửa kính xe hơn. Gió và sương mù uà vào. Trời San Francisco xám. Những đám mây thấp chỉ chực rơi đổ. Tôi nhận ra yết hầu ở cổ mình, và ở cả cổ ông đều chuyển động. Mắt tôi tuy phải nhìn đường để lái xe, nhưng khoé mắt vẫn NHÌN được ông. Khoé mắt ấy thông tin cho tôi biết môi ông còn rung rung sau câu nói. Cánh mũi ông và có lẽ cả vành tai ông còn phập phồng. Tôi cũng phập phồng. Trong khi khắp thế giới người ta xem trí thức là cốt lõi của thời đại, thì ở Việt Nam trí thức đã và vẫn đang bị ngược đãi ... Tôi quyết định đi tìm chỗ ngồi uống bia cho bớt phập phồng ...
**
Quán bia Mỹ trang bị bốn màn ảnh truyền hình. Khung cảnh cuồng nhiệt mà vẫn riêng tư. Chúng tôi chọn được bàn gần lò sưởi. Tôi cười bảo :
- Lửa và củi đều giả cả đấy anh ạ.
Vẻ lóng ngóng cuả người-bansử-hà-nội làm tôi nhớ Thiệp và Nghiã. Đà Lạt và Sài Gòn. Nhất là Thiệp, lúc nào cũng lóng ngóng. Thiệp bị bắt ở Đà Lạt trong lúc đang uống cà phê Tùng. Và đang lúc cao hứng nói về văn chương Truyện Kiều :"...cái quan trọng không phải là Nguyễn Du viết Kiều. Cái quan trọng là Kiều sống trong Nguyễn Du ..." Nói tới đây thì cảnh sát ập vào xét giấy. Ai nấy đều dớn dác. Chúng tôi đang là những thanh niên trong tuổi quân dịch. Hợp lệ hay không lúc nào cũng nơm nớp. Bóng người thấp thoáng lô nhô như những chiếc lá khô ngong ngóng gió lùa. Tôi ngâm đuà : "Người nách súng kẻ dùi cui. Đầu trâu mặt ngựa lùi sùi như nhau ". Tôi không biết Thiệp vưà trốn lính vưà học văn khoa Đà Lạt. Khuôn mặt Thiệp tái đi rất nhanh làm tôi ngậm miệng. Khi Thiệp bị bắt chỉ dặn tôi giữ hộ tủ sách và thông tin cho một vài nơi. Vừa buồn bã vưà bâng khuâng, tôi hấp tấp trở về sau khi dúi tay nhau mớ tiền cuối cùng còn trong túi . Tôi nhớ Thiệp từng nói :" Nếu Chiêu Lỳ (Phạm Thái) mở với Trương Quỳnh Như một quán cà phê thì mối tình sẽ ...thành tựu" . Tôi bảo : "Tình sử là hàng chuỗi những trở ngại. Dù vượt qua hay không vẫn bất trắc trùng trùng ." Thiệp cười nhăn nhó : " Khó thế thì tớ làm thế nào bây giờ ?"
Người nữ tiếp viên son phấn tóc vàng sực nức đến bàn. Tôi gọi bia Tsing Stao. Chúng tôi nâng ly. Mái tóc thưa bạc , người-bạn-sử nghiêng mình :
- Thật là hết ý.
Tuy chưa về lại Việt Nam nhưng tôi hiểu một số từ trong nước, chủ yếu từ miền Bắc đưa vào. Như: bố trí, đột xuất, quan hệ, xịn, thi thoảng, sự cố, phản ánh, bảo quản, đương đại, đời thường, hết ý, chí ít ... Nghe tuy ngượng tai, nhưng ...riết rồi chắc quen ? Tôi hỏi :
- Anh biết hôm nay là ngày gì không ?
- ???
- Ngày ngũ tứ .
- Mồng năm tháng tư à ? Cũng lịch sử lắm chứ nhỉ !
Chúng tôi cười xoà . Bọt bia trên môi vừa ngọt vừa đắng. Tôi nói :
- Bia này gần hương vị bia Beck's cuả Đức anh ạ .
Tay ông lần xoay nhãn chai chỉ cho tôi hàng chữ :
- Sản xuất tại Thanh Đảo,Trung Quốc. Đảo này thuộc Đức. Tuy bia Trung Quốc nhưng kỳ thực là Đức Quốc . Bởi thế anh mới thấy gần với bia Beck's . Nhưng Thanh Đảo ngon và gần gũi hơn .
Tôi gật gù :
- Thì ra thế . Nhưng gần gũi vì nó tên Thanh Đảo chăng ?
Ông cười tủm :
- Ông nói chuyện hóm bỏ xừ !
Tôi giật mình :
- Anh cho là hóm à ? Có lẽ lâu ngày ở Mỹ, nghĩ thế nào quen nói thẳng ra. Ta gọi là ruột ngựa. Không có hậu ý gì đâu. Người Mỹ có lối nói chính xác. Ta gọi là tính khoa học. Cái gì thiếu dữ kiện họ không kết luận. Dĩ nhiên tôi chưa đạt đến mức đó. Vẫn nhiều lúc lộn xộn lắm anh ạ. Thí dụ tôi cứ băn khoăn mãi về cái án "Lệ Chi Viên". Nhiều năm thu thập tài liệu, thiếu dữ kiện. Mà trong lòng tôi đã cứ muôn kết luận. Nhưng rồi lại ngần ngại . Hình như tôi nhiễm thói sống và nói khơi khơi. Đời sống ở đây không có gì phải đối phó nhiều. Chẳng cần nói dối, chẳng cần khoác loác. Ít ra là đối với tôi. Mọi thứ cứ y như nó đang là. Tôi nhớ ra rồi. Nó khác hẳn Việt Nam. Thường xuyên đối phó. Đối phó cả với chính mình phải không? Trí thức càng dè dặt hơn bình dân. Khổ nhất là cái đối phó ấy chả có gì lớn. Nó không xứng đáng .
Ông nắm bàn tay tôi bóp nhẹ. Mắt ông không ở lằn -tên-thời-mỵ-châu. Tôi nói bất ngờ :
- À này, anh có để ý Nguyễn Trãi là một nhân vật có nhiều giai thoại và truyền thuyết nhất trong lịch sử cuả ta không ? Từ lúc khởi đầu cuộc chiến chống Minh đã đầy truyền thuyết. Trong và sau cuộc chiến lại là truyền thuyết. Cụ chết rồi vẫn là truyền thuyết. Mấy trăm năm sau đến thời Lê Quý Đôn vẫn lại còn truyền thuyết ... Phải nói Nguyễn Trãi là con người cuả huyền thoại. Gần như không có thật. Cho đến bây giờ, nói về cụ vẫn còn là một tranh luận, nhất là vụ án "Lệ Chi Viên". Tôi nói điều này anh đừng giận: hình như các nhà làm sử ở Hà Nội cố tình mang Nguyễn Trãi ra vì một mục đích : đánh bóng cái " văn minh chính uỷ" ?
Người-bạn-sử-ở-hà-nội cũng bất ngờ ngồi ngay lên. Ông lại nhìn tôi với ánh mắt cắt ngang không gian như lằn-mũi tên-thời-mỵ-châu-trọng-thuỷ :
- Cái đó cũng có một phần đúng. Khi phải vận động quần chúng trong cuộc chiến chống xâm lược. Đảng và nhà nước phải đưa ra những nhân vật lịch sử có lợi. Điều này chắc anh nếu tham chính cũng phải làm thế thôi. Tôi không chối rằng cuộc "vận động lịch sử" ấy hơi quá đáng. Bởi thế gần đây tôi có nói, đất nước đã hoà bình và thống nhất, điều cần làm là chỉnh lại những khuyết điểm trong chiến tranh. Về sử, ta phải nghiêm chỉnh hơn. Nói tốt rồi,bây giỡ phải nói mặt trái. Từ năm 1989, cao điểm cuả phong trào " cởi mở", anh thấy mọi mặt cuả lịch sử đều được đưa ra mổ xẻ. Có đau đấy, nhưng rất cần. Tôi có viết mấy bài . Để về nhà tôi đưa anh đọc.
- Cám ơn anh trước. Nhưng nói một cách tuyệt đối thì không có sự thật. Việc khai quật những xấu tốt trong lịch sử để làm bài học là điều rất hay. Bảo đi tìm sự thật thì khó lắm. Vâng,dĩ nhiên chỉ tương đối thôi. Tôi thưa với anh thế này,nhân "cởi mở" tôi hỏi anh: thế cái vụ án Hồ Chí Minh bán Phan Bội Châu ở Hàng Châu năm 1925, các anh có đưa ra không ?
- Vụ này chúng tôi đề cập lâu rồi. Chính ông Hồ và những nhân vật đồng thời đã phủ nhận chuyện ấy .
Tôi nóng nẩy :
- Ông Hồ đã chết. Nhưng có biết bao nhiêu tài liệu bằng chứng về vụ án ấy. Các anh không thể phủ nhận khơi khơi như thế được. Tôi cho rằng trong lịch sử Việt Nam có nhiều vụ án lớn mà các nhà làm sử phải quan tâm. Đặc biệt vụ án "Lệ Chi Viên" năm 1442 giết Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ; vụ án "Giặc Châu Chấu" năm 1854 giết Cao Bá Quát và gia đình; vụ án "Hàng Châu" năm 1925 bán Phan Bội Châu. Mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi triều đại phải chịu trách nhiệm về mỗi vụ án. Nhà Lê, nhà Nguyễn, nhà Hồ. Riêng nhà Hồ còn phải chịu trách nhiệm về cái chết cuả Tạ Thu Thâu ở Quảng Ngãi năm 1945. Ai cũng cho là Trần Văn Giàu đã theo lệnh Hồ Chí Minh để vây giết nhà cách mạng yêu nước này. Tôi tưởng bây giờ là lúc phải làm sáng tỏ . Nhưng,nói xin lỗi anh,ở Hà Nội,hình như có ý đồ chạy tội, nên vừa cho dựng tượng cụ Phan ở Huế, vừa cho phát hành bộ Phan Bội Châu toàn tập những 10 cuốn ?
Ông vừa cừơi vừa nhắp một ngụm bia,rồi phẩy mấy ngón tay:
- Cái ông này đến là tưởng tượng. Làm gì có ý đồ hay chủ trương gì. Tượng cụ Phan làm từ thời Việt Nam Cộng Hoà các ông. Nay đem ra. Còn bộ Phan Bội Châu Toàn tập cuả Chương Thâu là cá nhân anh ấy ôm ấp sưu tầm . Nhận được con cháu cụ Phan ở nước ngoài cho năm ngàn Mỹ kim để in. Tôi quen biết rất rõ Chương Thâu. Chính tôi khuyên anh ấy lấy bằng đại học để chúng tôi có thể cấp bằng phó tiến sĩ cho luận án cuả anh ấy. Tuy nhiên chúng tôi sẵn sàng chờ ông đưa các vụ án lịch sử ra để chúng ta công khai tranh luận.
Tôi cũng nhắp một ngụm bia :
- Vâng. Nhưng không phải cá nhân tôi hay ai. Chuyện là chuyện lịch sử và đất nước. Sự quan tâm cuả mỗi người dân là liệu chính quyền có đáng đại diện và hướng dẫn dân không. Những vụ án, gọi cho đẹp chứ thực là những vết nhơ thời đại, mà người dân đòi phải được giải thích, gột rửa. Tôi cũng biết như anh rằng triều Lê, vài chục năm sau,thời Lê Thánh Tôn (1460-1497) đã minh oan cho Nguyễn Trãi; rồi đến đời vua Lê Tương Dực (1510-1516) ngót trăm năm sau lại có "Chế Tẩy Oan". Mà rốt cuộc vụ án "Lệ Chi Viên" vẫn mập mờ ...
Nhìn ông bạn già trầm ngâm,tôi tiếp :
- Tình cờ một lần mở truyền hình, tôi xem được đoạn phim "No Where To Hide". Chẳng biết cốt chuyện, tài tử, đạo diễn. Nhưng đoạn phim làm tôi xúc động bất ngờ. Cảnh một người đàn ông quăng hai cái xác thỏ vừa săn được trước mặt một em bé độ bốn năm tuổi. Em hoảng sợ úp mặt vào tay không dám nhìn. Thế rồi người đàn ông làm thân với em. Ông ta cầm xà phòng nhờ em rửa hai bàn tay đầy máu đỏ cuả mình. Phải chăng người đạo diễn kia muốn truyền đi một thông điệp: máu cuả việc ác sẽ được rửa bằng sự vô nhiễm cuả tuổi thơ ? Có thể tôi tưởng tượng và lý tưởng quá chăng? Nhưng tôi tin rằng lỗi lầm cuả các thế hệ trước có thể được các thế hệ sau tha thứ hay gột rửa, nếu ...
- Tôi chia xẻ và có thể đồng ý với anh. Sự lãng mạn cuả các nghệ sĩ vẫn làm cuộc sống dễ thở hơn các luận lý giáo điều. Chỉ tiếc rằng thực tế không đơn giản và lãng mạn như thế. Những lầm lỡ và ngay cả vinh quang cuả quá khứ, đôi khi trở thành nỗi ám ảnh, và mối kinh hoàng. Nó có thể phủ tối cả tương lai .Không ai chịu học bài học cuả ai ...
- Đúng thế. Hồi 1975, tôi đọc được hàng loạt bài viết ca tụng chiến thắng miền Nam cuả các nhà văn nhà thơ Hà Nội. Họ dựa theo bản Bình Ngô Đại Cáo cuả Nguyễn Trãi. Nào là ngày...tháng...chiếm trọn Ban Mê Thuột . Ngày ...tháng... tiến chiếm Pleiku Contum. Ngày...tháng...đại quân tràn ngập Nha Trang ...Và mãi đến năm 1990-1991 trong bản "dự thảo cương lĩnh chính trị" cuả đảng Cộng Sản vẫn còn say xưa với trận nội chiến đẫm máu ấy. Anh biết đấy. Làm thế nào có thể so sánh chiến thắng bình Ngô 1428 với chuyện càn quét năm 1975 được ? Thế giới bây giờ người ta đâu có hãnh diện vì bạo lực. Thôi ta sẽ lạc đề ... Anh uống thêm nữa nhá ?
Tôi gọi thêm bia và món ăn. Quán đông hẳn lên. Không khí thanh bình vẫn làm tôi xao xuyến. Bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn còn vừa xúc động bùi ngùi, vừa ghen tức với không khí hoà bình thanh thản cuả xứ người . Chả là tôi sinh ra trong một nước chiến tranh lầm than và nhược tiểu. Y hệt như những tác phẩm cuả Asturias Miguel Angel ,Gabriel Garcia Marquez , Isabel Allende vùng châu Mỹ La Tinh; còn đầm lầy, và đầy gió cát .
***
- Anh về Hà Nội chưa ?
- Chưa. Suốt từ 1954 tới giờ. Mà có về cũng lạ lùng thôi. Bởi tôi dời Hà Nội lúc còn bé xíu. Hình như chỉ nhớ cái nhịp cầu Long Biên với hai bờ sông mênh mông. Ah! Thế mà anh biết không, Hà Nội lại rất gần gũi. Tưởng như tôi vẫn ở trong nó. Có lẽ nhờ Nguyễn Du và Cao Bá Quát .
Người-bạn-sử-hà-nội chợt rất xa xôi. Tôi nhìn thoáng trên khuôn mặt ông những đám mây bay. Ông khẽ ngâm :
- Nhất phiến tân thành một cố cung .
Giọng ông và câu thơ Nguyễn Du kia bỗng dìm tôi chìm lỉm vào một không gian, và một thời gian không có thật. Lúc đó và ở đó tôi đâu đã sinh ra. Thăng Long 1813. Nguyễn Du 48 tuổi. Chiến tranh đã kết thúc từ 10 năm trước mà giờ ông mới được lần đầu trở lại cố đô. Đằng đẵng hơn 20 năm. Tôi tưởng tượng theo Quang Dũng tả cảnh Hà Nội sau cuộc chiến 1975: Những hố bom và những xác máy bay,cây cỏ mọc xanh um che lấp. Nhất là hoa. Hoa nở tràn lên cái cũ để vươn sống thản nhiên. Thành Thăng Long bị phá hủy sạch vào năm 1805. Thay vào đó là một toà thành mới. Tân Thành. Tên Thăng Long chỉ giữ âm, còn đổi chữ đổi nghiã. Tôi nói bâng khuâng :
- Hình như có một cái gì rất nhịp rất đau với câu :"nhất tướng danh thành vạn cốt khô "anh ạ .
Người bạn lại nhìn tôi bằng đôi- mắt-thời-mỵ-châu-trọng-thủy. Ngón tay trỏ rất gầy khẽ chạm vào người tôi :
- Anh rất thính. Câu thơ ấy tôi đã từng đọc vào một lần rất đặc biệt. Bấy giờ ông Hồ mới chết. Tôi được cùng với người bạn làm kiến trúc có nhiệm vụ xem xét di tích một nền đất cũ để xây lăng ông Hồ. Chúng tôi đào được nhiều cổ vật lắm. Tôi vốn chuyên về khảo cổ, nên biết chắc đây là một cung điện cũ triều Lê. Thường thường người ta phá huỷ cái cũ để xây cái mới. Không phải là "có mới nới cũ đâu" .
- Vâng, tôi hiểu. Phá cũ thay mới chứ không phải "đổi mới"
- Ông vẫn cứ hóm. Để tôi kể tiếp. Trong lúc đào bới mân mê các cổ vật,ngay trên nền cung điện cũ ấy,sẽ là lăng ông Hồ,tôi đã buột miệng đọc lên:"nhất phiến tân thành một cố cung". Chưa bao giờ tôi thấm thía Nguyễn Du như thế .
Câu chuyện cuả ông làm tôi vừa bàng hoàng vừa tư lự. Nhân vật Hồ Chí Minh trong lịch sử và trong đời sống thường được trộn lẫn. Tôi có hai người bác họ. Một người họ Lê bên bà nội tôi. Một người họ Vũ bên ông nội tôi. Thời Tây bác Vũ làm tham tá. Ở Sài Gòn bác là chánh nhất toà phá án. Phúc hậu, đoan chính và thanh liêm; đó là tất cả những nét đẹp tôi nghĩ về bác. Một đêm ở Sài Gòn vào năm ông Hồ mất, tôi được nghe bác kể về ông Hồ :
- Rất cừ tiếng Pháp. Bác nói. Ông Hồ thường giải quyết mọi khâu ngay tại chỗ. Bác có nhiều dịp làm việc với ông Hồ nên phải công nhận ông ấy rất quyền biến và thông minh. Ông ta lại có một lối thanh tra đặc biệt các cơ sở hạ tầng. Để bác kể một ví dụ cháu nghe. Một buổi cùng đến viếng thăm khánh thành một cơ quan nọ . Ông Hồ không xem xét gì cảnh vật phòng ốc tươm tất trước mắt, mà rảo bước đi thẳng vào khu vệ sinh. Thấy nhà cầu chưa đủ tiêu chuẩn, lập tức ông khiển trách. Ông ta khẽ bảo bác : "Gì thì gì chứ nhà xí mà không ra hồn thì cái gì cũng chả ra hồn ." Đấy, đại để ông Hồ ăn nói bình dân và hành xử cũng bình dân.
Bác Vũ còn kể nhiều chuyện,giọng đượm sự nể nang. Năm ông Hồ chết, ở Sài Gòn tôi thấy nhiều người kín đáo đeo băng tang đen. Bấy giờ ông Hồ đối với tôi là một huyền thoại, như nhân vật Tào Tháo trong Tam Quốc Chí cuả La Quán Trung. Nhân cái chết cuả ông Hồ, lần đầu tiên tôi mới được nghe bác Vũ tâm sự , và tôi mới biết ông Hồ có nhiều cộng sự viên đã bỏ ông vào Nam. Tôi đã hỏi bác Vũ :
- Cái gì làm bác bỏ ông Hồ ?
Bác Vũ trả lời :
- Ông ấy theo đệ tam Stalin nên đã giết người nhiều quá. Rất thẳng tay. Đôi khi không cần thiết hoặc có thể thay đổi được, nhưng ông ta vẫn giết .
Sau tháng 4 năm 1975, bác Vũ bị đưa đi cải tạo. Tôi ở Mỹ được tin bác chết lặng lẽ trong tù. Cái chết tuy không đau đớn kinh dị như cuả anh Vũ Tiến Đạt, nhưng rất ngậm ngùi. Người em ruột cuả bác Vũ đang là viên chức quan trọng cuả nhà nước cũng không can thiệp được. Giòng họ Vũ chúng tôi, xưa kia vốn khởi từ họ Mạc, mộ tổ ở Đông Triều. Vào đầu thế kỷ thứ 17, trong một cơn binh biến, họ Mạc tản mác. Mỗi chi giữ một viên ngọc có khắc chữ,và cứ chiếu theo chữ ấy mà dùng làm họ. Chi cuả giòng chúng tôi chạy về Thái Bình, đổi từ họ Ngô sang họ Bùi, rồi cuối cùng là họ Vũ Tiến cho đến ngày nay đã là đời thứ 18. Tôi thuộc đời thứ 14, và cũng là đợt học trò sau cùng của ông Tổng Quỳ , một nhà giáo nổi tiếng nhất họ đã đào tạo nhiều "nhân tài", trong đó có bác Vũ và cả người em ruột kia (cũng là bác tôi). Tôi chưa đọc hết gia phả giòng họ đã bỏ chạy sang Hoa Kỳ .
Tôi kể câu chuyện này với người- bạn-sử-ở-hà-nội,thì ông rất trầm ngâm. Lâu lắm .
Tôi bất chợt sôi nổi :
- Cái gì làm cho Nguyễn Trãi đến với Lê Lợi ? Mặc dù biết rõ Lê Lợi là thô bạo (ăn uống bốc bải nhồm nhoàm khi thái thịt dưới bếp). Sau này, càng thấy rõ Lê Lợi hiếu sát, giết không biết bao nhiêu cộng sự viên. Mà Nguyễn Trãi vẫn cộng tác ?
Mắt ông dầy dặc những lằn-tên-thời-mỵ-châu. Tôi hơi ái ngại quay nhìn ra vườn. Hoa quả rụng đầy trên cỏ xanh. Trời bỗng lất phất mưa. Những hạt nước nghiêng trong nắng trông như hoa đốm tưng bừng .
****
Người bác họ Lê, ở Sài Gòn tôi rất ghét. Lý do đơn giản là bác Lê đã ngồi xử vụ án 19 nhân sĩ năm 1963, trong đó có Nhất Linh. Bấy giờ tôi còn là học sinh trường Nguyễn Trãi. Máu phản kháng thường rất cực đoan. Hình như ngày 7 tháng 7 năm 1963 chúng tôi đã được đọc lời tuyệt mệnh cuả Nhất Linh : "Đời tôi để lịch sử xử . Tôi không chịu để ai xử cả ..." Hôm đó chúng tôi tụ tập ở nhà anh Đạt (khu cư xá Trương Tấn Bửu). Khi biết rõ Nhất Linh đã uống độc dược quyên sinh, tôi bật khóc. Anh Đạt bảo : "Này ! Con trai không được khóc. Ích gì ?". Tôi đạp xe tới biệt thự cuả bác Lê. Lính gác có vũ trang quanh nhà. Tôi cũng được vào nhưng không gặp bác. Bác rất hách dịch, và rất lạnh lùng. Chỉ có bác Lê gái là bao giờ cũng ngọt ngào vồn vã. Tôi chẳng biết bày tỏ sự phản kháng cuả mình với ai. Những người trong gia đình này rất khả ái , chỉ trừ bác Lê trai. Tôi ấm ức trở về .
Bất ngờ ở Mỹ tôi gặp lại bác Lê. Bác đã già lắm. Vẻ hách dịch lạnh lùng ngày xưa không còn nữa. Chúng tôi nói chuyện cởi mở. Bác Lê đang viết hồi ký. Tập đầu bác nhờ tôi xem và hiệu đính. Không vồn vã, tôi đem bản thảo cuả bác Lê về đọc. Tuổi trẻ, bác Lê yêu cuồng nhiệt, căng thẳng. Bác từng ngồi ghế xử vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng cuả triều Nguyễn và cuả Việt Nam. Cũng từng làm việc với ông Hồ. Cái gì đã làm bác Lê bỏ ông Hồ vào Nam ? Tôi chắc rằng không phải như bác Vũ. Bởi vì bác Lê không sợ giết người; cũng không sợ những người giết người .
Khi tôi hỏi người-bạn-sử thì ông hỏi lại :
- Có lãnh tụ nào không giết người ? Ngay ông vua nổi tiếng nhân đức là Lê Thánh Tôn mà đã từng giết ba bốn trăm ngàn người Chiêm Thành ...
- Tôi không nói về chiến trận . Mà ...
- Vâng . Tôi hiểu chứ. Nhưng anh phải biết, ông Hồ là một người đặc biệt, sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt ,có thể nói cha ông là đứa con hoang. Ông cũng hoạt động trong bối cảnh đặc biệt cuả lịch sử ...
Tôi nóng nẩy :
- Lãnh tụ nào cũng sẽ đặc biệt cả anh à. Cha ông Hồ chứ chính ông Hồ là con hoang cũng đâu có sao. Lý Công Uẩn là con hoang đấy. Tôi không kết án gì ông Hồ cuả anh cả. Chỉ là kể về các cộng sự viên cuả ông mà tôi biết, đã bỏ ông ; để ta có thể nhìn ra một khiá cạnh nào đó về những nhân vật lịch sử .
Thấy người bạn gật gù , tôi thấp giọng hơn :
- Tôi có quen rất thân với một người vừa là nhà cách mạng,vừa là luật sư, vừa là nhà văn lý thuyết gia, và lại là một cư sĩ Phật Giáo. Ông từng tham chính với chức vụ Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng. Tôi có hỏi cái gì làm ông cộng tác với vị thủ tướng ấy. Thì ông trả lời rất đơn giản : " Vì ông ấy không giết người. Suốt thời gian cầm quyền "lúy" không giết một ai cả "... Trở lại câu chuyện bác Lê cuả tôi. Lý do bác bỏ ông Hồ không phải vì ông Hồ giết người hay không giết người. Cái lý do hết sức cá nhân là bác ấy ... mê vợ. Mà năm 1954 bác Lê gái quyết ý vào Nam theo họ hàng ...
Chúng tôi cùng cười xoà . Cơn mưa phùn đã tạnh. Nắng chợt bừng lên. Tôi hỏi :
- Anh có muốn mình đi dạo một lúc không ?
Ông hăng hái nhận lời .
Con đường tôi đi hàng ngày dẫn đến một cái hồ nhiều liễu và vịt trời. Nhìn những con vịt đứng một chân,dấu đầu trong cánh, lặng lẽ tuyệt đối, tôi vẫn tự hỏi sao tôi không làm được? Óc tôi lúc nào cũng cứ nghĩ ngợi triền miên ...
*****
Tôi từng gặp vị sĩ quan đã cùng đoàn xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975; chỉ để hỏi cho biết tâm trạng họ lúc đó. Ông ta nói giọng chân tình :"- Bấy giờ chúng tôi rất đói , rất khát và rất mệt. Chỉ có một niềm vui rộn rã là : à ! hết chiến tranh rồi ! Nghiã là sẽ hết đói, hết khát, hết mệt và hết thấp thỏm sợ hãi ... Riêng tôi nằm ngưả ra bãi cỏ , nhìn trời xanh và mây trắng qua những tàng lá ..."
Tôi chưa bao giờ được hưởng cảm giác ấy. Suốt thời thanh niên ngụp lặn trong chiến trận, cận kề cái chết ... Đến những ngày tháng di tản sang Hoa Kỳ, tuy đã ra ngòai cuộc chiến, mà tâm thần vẫn hoang mang đau đớn ... Mãi gần đây, khi bị bệnh và phải tập thở tôi mới có chút cảm giác an bình. Cái an bình của tuổi hiểu được cuộc đời là giòng sông đã đến gần cưả biển ... Mà biển là tàng thức...chứa chấp mọi nhân sinh. Thời gian trên những giòng sông chính là cuộc đời. Mười mấy năm sau tôi gặp lại người sĩ quan ấy, mắt đã kéo sợi. Tôi không còn nhìn thấy niềm hy vọng cuả ông thường ôm ấp. Kể cả những nhớ nhung ...
Riêng người -bạn -sử-ở-hà-nội của tôi đã không còn nữa! Đôi mắt ông vĩnh viễn khép lại. Sợi râu trên nốt ruồi bên cằm sẽ không còn lung linh ...
Những ngày cuối năm , tôi chập chững rũ bỏ mọi quá khứ, dù có mặt hay không có mặt. Tôi đang bước những bước đầu đời ... một cuộc đời khác, sau ba mươi năm ở Mỹ .
san jose 1992 -2005
Tường Vũ Anh Thy
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)